Chiều
nay, chúng tôi rời Thủ đô Washington D.C. (Hoa Thịnh Đốn) để tiếp tục đi chơi
vùng miền Đông Hoa Kỳ (East coast). Từ Washington D.C, chúng tôi lấy xa lộ 95 hướng
Bắc (Highway 95 North) thẳng tiến về thành phố Baltimore thuộc tiểu bang Maryland.
Thành phố này không xa Thủ đô là bao, chỉ cần hơn một tiếng lái xe.
Baltimore, nằm ngay trên bờ vịnh
Chesapeake Bay thuộc bờ biển Đại Tây Dương, có dân số khoảng 700.000 người. Đó
là thành phố, cũng là trung tâm công nghiệp và văn hóa lớn nhất của tiểu bang Maryland.
Trong thời gian đầu lập quốc, Baltimore đã từng là một trong ba hải cảng lớn
nhất của Hoa Kỳ và nó cũng đã từng đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong
ngành ngoại thương và phát triển kinh tế cho xứ sở này.
Lái xe qua phi trường Baltimore và hướng về bến cảng Inner Harbor chúng tôi chỉ mất thêm một thời gian ngắn nữa là đã tới nơi đấy.
Inner Harbor, một chiều thêu nắng. Quang cảnh
ở đây vừa nhộn nhịp và cũng vừa thanh bình. Trên đường phố, tuy xe cộ qua lại
thật đông đúc nhưng sự trật tự và tôn trọng luật lệ giao thông dành quyền ưu
tiên cho người đi bộ đã tự tạo được cảm giác an toàn cho những du khách đang dạo
chơi nơi này.
Dọc theo bờ vịnh là những quán ăn đông
người. Tiếng nhạc nhẹ nhàng chứ không ồn ào từ những quán ăn ấy vọng ra. Sát
ngay bờ vịnh là một con đường lát gạch rộng rãi và dài chừng hơn một cây số để
mọi người có thể tản bộ hoặc ngồi trên ghế đá nhìn trời mây nước, nghe sóng
biển vỗ rì rào. Người ta cũng có thể ngồi nhâm
nhi cốc cà phê ở quán nhỏ bên đường, hay dừng chân nghe một ban nhạc nhỏ (band)
với vài ba nhạc công tài tử giúp vui du khách, hoặc đứng coi vài anh làm xiếc
kiểu “mãi võ Sơn Đông” đang “làm trò” như ở quê nhà. Những bồn hoa mầu sặc sỡ đặt
dọc theo lề đường gạch tô điểm cho vẻ đẹp của khu phố biển.
Chúng tôi đi lững thững trên con đường
lát gạch ấy để hưởng lây cái vui của mọi người, cái thanh bình của cảnh vật và
hít gió biển trong mát.
Sau khi tản bộ một vòng, chúng tôi xuống
một chiếc “thuyền máy” được gọi là “water
taxi”, một phương tiện chuyên chở của thành phố. Mỗi chuyến thuyền máy có
thể chở được khoảng 20 người.
Khi thuyền vừa rời bến, một khoảng trời
mênh mông như được mở rộng ra. Tôi nhìn lên bầu trời cao, những đám mây bàng bạc
lơ lửng bay trên ấy. Sóng nước bắt đầu đánh mạnh hơn ở hai bên hông thuyền làm
thuyền hơi chòng chành trước khi lấy lại thăng bằng.
Nhìn trở lại thành phố, tôi thấy trọn vẹn hình
ảnh của bến tầu, người đi kẻ lại với mọi sinh hoạt nhộn nhịp trên ấy. Thuyền đi
dọc theo bờ vịnh, tôi có cơ hội để quan sát cảnh trí cũng như những kiến trúc
của thành phố. Những cao ốc cổ xưa xen lẫn những cao ốc mới. Chúng tôi vừa nhận
ra có một chiếc tầu “tiềm thủy đĩnh” (submarine) loại nhỏ, chắc đã không còn
hoạt động, đậu trên bến đang đón du khách xuống xem.
“Bác” tài công già, râu ria rậm rạp, luôn
vừa điều khiển chiếc thuyền vừa kể cho hành khách nghe về một vài câu chuyện
liên quan tới thành phố Baltimore này như một hướng dẫn viên du lịch “dễ dãi”, nghĩa
là “bác” muốn nói thì nói, muốn ngưng thì ngưng, muốn chuyển đề tài bất cứ lúc
nào cũng được, tuy nhiên lúc nào “bác” cũng tỏ ra hăng say với câu chuyện mình
đang kể. Tôi nhìn “bác” cười duyên, “bác” gật đầu với tôi rồi cũng cười duyên
lại. Đúng là hai cái cười thuộc loại cười để mà cười, cười chỉ để “hở mười cái
răng” vô nghĩa. Tự nhiên tôi thấy có cảm tình với “bác” và tất nhiên là tôi sẽ
không quên dúi vào tay “bác” tiền “tip” khi chúng tôi rời thuyền.
Từ trên thuyền tôi có dịp phóng tầm mắt
quan sát những cảnh vật xung quanh. Một số nhà máy nằm sát ngay bở vịnh, tôi
tin là chúng đã được xây dựng từ thời đầu lập quốc. Chúng đã đổ nát hay hư hỏng
toàn bộ hoặc từng phần, đang đứng soi bóng im lìm trên sóng nước, lặng nhìn
dòng thời gian cứ lờ lững, bình thản trôi đi. Chúng như đang nhớ lại một thời
oanh liệt đã qua, mà thời oanh liệt đó đang bị đẩy lùi sâu vào quá khứ xa xưa
một cách hối hả bởi sự tiến bộ quá nhanh của nền công nghiệp tân tiến hiện đại
ngày nay đang ào ạt tiến tới. Nhưng có cái hay là cái mới đã không phủ lấp hình
ảnh của cái cũ, cái của quá khứ. Những ngôi nhà máy cũ kỹ kia, qua những hình
ảnh kiến trúc đổ nát của nó, đã gợi nhớ lại cho hậu thế biết bao nhiêu những
cảm nhận cũng như ý thức được: - về một giai đoạn lịch sử của thời lập quốc; - về
sự thiết lập được một nền tảng kinh tế vững vàng trong khó khăn cho một dân tộc
non trẻ lúc đó, tạo sức bật tiến lên trong tương lai. Và để rồi, chỉ cần khoảng
200 năm sau, dân tộc đó đã trở thành một cường quốc kinh tế hùng mạnh nhất thế
gìới.
Trên những kiến trúc gạch đỏ đổ nát ấy,
thỉnh thoảng tôi vẫn còn thấy được bảng hiệu của cơ xưởng cũ cùng những năm xây
dựng chúng. Tôi nghĩ những cơ xưởng này đã được chính quyền địa phương bảo quản
và giữ nguyên trạng để chúng được đánh giá như những chứng tích của thời đại mà
chúng được xây dựng nên. Điều này làm tôi nhớ lại một số di tích cổ xưa trên
đất nước ta, ngày nay đang được “tô son trét phấn” để phục vụ cho ngành du lịch,
đã biến chúng thành những anh “hề già”. Sự khác nhau này phải chăng đã phát
xuất từ những khác biệt về ý thức, hiểu biết, lẫn tấm lòng thành kính dành cho
người xưa? Gìn giữ và phục hồi di tích cổ không có nghĩa
là phải “hiện đại hóa”, phá hủy từng phần hoặc toàn bộ cái nét đẹp văn hóa cổ
xưa, làm mất đi cái giá trị lịch sử, kỹ thuật, mỹ thuật của thời đại chúng đã được
xây dựng nên. Làm như thế nó còn mang
tính cách lường gạt lịch sử nữa.
Những con chim hải âu trắng bay lượn
quanh thuyền xin ăn. Xa xa, một nhà máy đường cũ kỹ mang tên “Domino Sugar” vẫn
còn đang hoạt động. Những đám khói tỏa trên ống khói gạch đỏ cao ngất của nhà
máy đó làm tôi nhớ tới nhà máy nhiệt điện Chợ Quán năm nào, nơi tôi đã từng
trải gần 10 năm làm việc tại đó với bao nỗi nhớ thương. Nhà máy Nhiệt điện Chợ
Quán có lịch sử trăm năm đó nay không còn nữa. Nó đã biến mất để nhường chỗ cho
những cao ốc mọc lên thay thế. Một chút ngậm ngùi. Người thì như thế này, mình
thì như thế ấy.
Khoảng 30 phút trên thuyền, chúng tôi đổ
bến trên một phần đất khác của thành phố cảng Baltimore. Trên bờ, ngay tại bến,
có nhiều hàng ăn của người Á châu như Nhật, Tầu, Thái nhưng lại không có quán
ăn của người Việt Nam. Tôi biết những món ăn Việt Nam, ngày nay đã trở nên quen
thuộc đối với người dân địa phương ở nhiều thành phố lớn của Hoa Kỳ. Riêng nơi
đây thì nó còn vắng bóng.
Một chiếc tầu buồm nhỏ đậu ngay bên bến
mang tên “Murder Mystery Cruise”, một tầu mang cờ hải tặc, có biển đề giá 45 đô-la
cho một bữa ăn tối. Ăn một “dinner” trên một chiếc du thuyền chạy quanh trong
vịnh thì quả thực giá này cũng thuộc loại “bình dân đại chúng”.
Chúng tôi đi dạo chơi loanh quanh vài khu
phố rồi trở lại bến “water taxi” để đi thuyền máy trở về bến Inner Harbor lúc ban
đầu.
Trời đã ngả chiều tối, ánh đèn điện bên
đường đã bắt đầu bật sáng. Sinh hoạt trên phố cũng đã thay đổi theo, có nơi
đông lên, cũng có nơi vắng bớt người đi.
Lên bờ, chúng tôi băng qua đường để vào
một khu siêu thị “Gallery Shopping Center” khang trang và đẹp đẽ ngay đấy. Khu
siêu thị này là một tòa nhà bốn tầng. Cũng như mọi siêu thị tiêu biểu khác trên
nước Mỹ, ở đây có rất nhiều gian hàng với danh hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Lang thang trong siêu thị cả giờ đồng hồ
nhưng chúng tôi chỉ xem chứ không mua sắm gì. Trước khi rời khỏi khu siêu thị
chúng tôi không quên chụp vài tấm hình kỷ niệm bên cái hồ nước chạy dài ngay
cửa vào. Hồ nước có nước phun và hoa tươi được trồng chung quanh làm tăng thêm
vẻ tráng lệ, rực rỡ cho khu siêu thị này.
Chúng tôi tới khu ăn uống “Food court”
không xa. Khu ăn uống này chiếm một diện
tích lớn. Nơi đây thật ồn ào náo nhiệt. Các cửa hàng ăn được sáng rực bởi những
đèn bảng hiệu hay quảng cáo. Kẻ ngồi ăn, kẻ đứng xếp hàng chờ đợi, người đi lại
tìm hàng ăn hợp với khẩu vị của mình. Thôi thì đủ loại thức ăn “quốc tế”.
Chúng tôi đến khu gian hàng ăn Á châu,
lại nào là những hàng ăn Tầu, hàng ăn Nhật, hàng ăn Thái, có cả hàng ăn Mã Lai
và Nam Dương nữa, nhưng sao vẫn chưa thấy hàng ăn Việt Nam làm chúng tôi hơi
ngạc nhiên.
À đây rồi, có thế chứ, một tiệm Phở.
Nhưng hỡi ôi! đây chỉ là một tiệm Phở của người Tầu chứ không phải của người
Việt vì từ cách trưng bầy cửa hiệu cho tới người phục vụ bên trong nhà hàng đều
mang sắc thái mà thực khách nhận biết ra ngay đó là “Phở Tầu” dù là trên bảng
hiệu có chữ “Phở” rất to và rất Việt Nam. Chúng tôi tủm tỉm cười về cái cửa
tiệm “phở mạo hóa” này.
Chúng tôi chọn một cửa hàng thức ăn biển
“Sea Food” thuộc loại “ăn no mới về” hay “ăn bao bụng” (all you can eat). Cửa
hàng đông quá, không đủ chỗ ngồi. Sau khi mua “vé”, cô bán hàng trẻ và xinh đẹp
người Mỹ đưa cho chúng tôi một cái “máy gọi” (beeper). Khi nào “máy gọi” bật sáng
và rung lên là báo cho khách hàng biết đã có chỗ ngồi cho mình. Sau nửa tiếng
chờ đợi, chúng tôi đã có chỗ ngồi. Những món ăn hải sản rất nhiều, thực khách
được tự do lấy cho mình bất cứ món nào và bao nhiêu cũng được. Riêng món càng
cua “king crab” thì có người phục vụ, mỗi lần thực khách chỉ được “serve” có 3
cái càng cua dài đặt trong một cái đĩa riêng. Muốn ăn thêm thì phải quay lại lấy
lần thứ hai. Người Mỹ họ ăn uống không phí phạm nên ít khi thấy họ để đồ ăn còn
dư thừa trên đĩa. Họ chỉ lấy thức ăn cho vừa đủ ăn mà thôi. Giá cả phải chăng,
19,95 đô la cho một người. Với giá này thì thực khách không thể ăn “king crab”
một cách thả dàn và phí phạm được.
Chúng tôi không có gì phải hối hả hay bận
tâm tới thời gian. Chút nữa đây, chúng tôi sẽ rời khỏi nơi này để tới một thị
trấn nào đó trên lộ trình, ghé vào thuê một phòng ngủ cho đêm nay. Ngày mai sẽ
lại tiếp tục lên đường.
Sau khi rời khỏi khu ăn uống thì trời đã
tối hẳn, chúng tôi trở ngược lại khu bến tầu tản bộ và cứ dọc theo bờ biển mà đi
trên con đường lát gạch, nhìn trăng sao và nghe sóng biển vỗ bờ. Gió biển mát
và thổi nhẹ làm chúng tôi có cảm giác thật khoan khoái. Có vài chỗ trên bến
cảng, sóng vỗ vào bờ vách bê-tông đang nhẹ tung bọt lên trắng xoá. Xa xa, vài
con thuyền với những ánh đèn leo lắt, ẩn hiện. Tôi ngồi trên ghế đá trầm ngâm
nhớ về một biến cố lịch sử đã từng xẩy ra ở nơi đây: bài Quốc ca Hoa Kỳ ra đời.
Khi đến
thành phố Baltimore nằm bên vịnh Chesapeake Bay này, người ta không thể không nhớ
tới một câu chuyện lịch sử khá lý thú trong thời kỳ lập quốc. Một cuộc chiến oai
hùng và anh dũng của người Hoa Kỳ với quân Anh đã xẩy ra nơi này làm rung động
trái tim của luật sư Francis Scott Key được thể hiện bằng bài thơ “Star Spangled Banner”
(Lá cờ ánh sao chói lọi) của ông. Qua bài thơ này, nó cũng đã từng làm rung
động hàng triệu con tim công dân Hoa Kỳ, và để rồi, bài thơ ấy đã trở thành lời
ca của bài Quốc ca Hoa Kỳ cho tới ngày hôm nay.
Để nhớ về biến cố lịch sử ấy, tôi cũng
xin nhắc lại là vào mùa hè năm 1814, đoàn tầu chiến gồm 800 chiếc của Anh tiến
vào vịnh Chesapeake Bay, so với 18 chiếc của Hoa Kỳ. Một nhóm chiến thuyền Anh do
Tướng Ross chỉ huy tiến thẳng vào Washington D.C. đốt cháy một số công thự
chính quyền, rồi nhóm binh sĩ này rút quân trở lại chiến thuyền của họ. Một số
nhỏ binh lính bị thương người Anh đi lạc bị bỏ rơi lại đằng sau đơn vị. Một
trong những nhóm bị lọt lại này, có một nhóm gồm ba thương binh đi lạc đến
thành phố Upper Marlboro, cách Thủ đô Washington khoảng mười lăm dặm. Trong khi
đó, một chuyện đáng buồn cười xẩy ra, tin tức sai lạc được loan truyền trong
thành phố là quân Anh bị đánh bại ở Washington. Thế là cả thành phố Marlboro ăn
mừng và liền bắt ngay ba anh chàng lính Anh bị thương này đang đi xin ăn bỏ vào
tù. Người cầm đầu vụ này không ai khác hơn là bác sĩ William Beanes.
Khi quân Anh biết được sự kiện trên xẩy
ra, tức giận, liền bắt ngay bác sĩ Beanes nhốt trên chiến thuyền của họ.
Bác sĩ Beanes là người nổi tiếng và được
nhiều người kính trọng nên một số bạn bè của ông vận động cho ông được trả tự
do. Một trong số bạn bè vận động cho ông có Francis Scott Key, một luật sư nổi
tiếng đang hành nghề ở Thủ đô Washington trong thời gian đó. Key được sự chấp
thuận của Tổng thống Hoa Kỳ là Madison cho phép sang thương thảo với quân Anh
để đòi trả tự do cho bác sĩ Beanes. Cùng đi với Key còn có John S. Skinner đặc
trách về trao đổi tù binh của Hoa Kỳ (United States Agent for the Exchange of
Prisoner).
Key và Skinner được tiếp đón tử tế trên
chiến thuyền Anh, nhưng lại thất bại trong việc thương thảo để giải cứu Beanes.
Người Anh cho rằng bác sĩ Beanes cần phải được trừng trị vì đã vi phạm luật
chiến tranh. Tuy nhiên, những báo cáo tiếp theo được gửi về Bộ chỉ huy của Anh
đã chứng minh rằng những nhóm lính Anh bị thương khác, bị lọt lại phía sau,
được người Hoa Kỳ đối xử tử tế. Với những báo cáo đó, cuối cùng Đô đốc Cockburn
đồng ý thả bác sĩ Beanes (Đô đốc Cockburn: xin đọc bài “Cưỡi Ngựa Xem Hoa - Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn”).
Trong
mấy ngày thương thảo trên chiến thuyền Royal
Oak của Đô đốc, Key và Skinner đã quen biết vài người sĩ quan trên chiến
thuyền đó và được biết họ đang chuẩn bị tấn công thành Fort McHenry của Hoa Kỳ, nằm ngay phía dưới thành phố Baltimore.
Để tránh kế hoạch bị tiết lộ nên quân Anh giữ ba người Hoa Kỳ trên tầu chiến,
chưa cho họ xuống đất liền. Key, Skinner và Beanes cả ba được chuyển trở lại
chiếc thuyền nhỏ mà họ đã dùng để đến đây và họ được canh giữ nghiêm ngặt. Cả
ba người Hoa Kỳ này ngồi trên chiếc thuyền nhỏ của mình, họ có thể nhìn thấy
thật rõ ràng lá cờ Hoa Kỳ đang bay phất phới trên thành Fort McHenry.
Đêm
13 tháng 9 năm 1814, cuộc tấn công bắt đầu. Trong đêm tối, mỗi khi những ánh
sáng của súng đạn loé sáng lên, ba người vẫn có thể nhìn thấy lờ mờ lá cờ trên
thành Fort McHenry còn phất phới bay. Cuộc tấn công kéo dài tới tờ mờ sáng. Ba
người hồi hộp chờ đợi kết quả trận đánh đêm qua. Họ biết nếu ngọn cờ còn phất
phới bay trên thành thì có nghĩa là thành còn đứng vững, và nếu lá cờ bị hạ
xuống, nghĩa là thành đã thất thủ.
Ba người hồi hộp ... và hồi hộp chờ đợi.
Cả ba cùng reo lên vui mừng khi ánh sáng
sớm ban mai vừa ló rạng thì họ nhận ra ngay lá cờ Hoa Kỳ to lớn vẫn còn phất
phới bay trên thành Fort McHenry.
Quân Anh nhận thấy không thể hạ nổi
thành nên đành rút lui và rời khỏi vịnh. Key viết ngay lời mở đầu cho bài thơ
“Star Spangled Banner” của ông trên mặt trái của phong bì thư trong buổi sáng
sớm hôm đó trên con đường trở lại bờ. Trong bài thơ, Key diễn tả lại tất cả
những gì ông ta thấy với những cảm xúc khi ông nhìn thấy lá cờ Hoa Kỳ vẫn còn
tung bay trên thành Fort McHenry vào sáng sớm tinh mơ hôm đó. Key đã hoàn tất
bài thơ này khi về tới khách sạn ở Baltimore.
Ngày hôm sau, Key đưa bài thơ cho Chánh
án Nicholson đọc. Nicholson quá xúc động khi đọc bài thơ này của Key nên ông đã
vội vã cho in ra để truyền bá trong dân chúng. Bài thơ được phổ nhạc theo giai
điệu một bài hát cổ của hội uống rượu người Anh là To Anacreon in Heaven, và
được trình diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Thành phố Baltimore. Bài hát nhanh
chóng được truyền bá.
Vì quá phổ biến nên tới những năm đầu của
thế kỷ 20, lời ca được thay đổi tới hàng chục bản khác nhau. Nhiều đến nỗi vào năm
1916, Tổng thống Woodrow Wilson phải yêu cầu Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đưa ra một bản
chính thức. Bài hát sau khi chuẩn hóa được trình diễn lần đầu tiên ở Carnegie
Hall vào năm 1917.
Thật
muộn màng bởi những tranh cãi, mãi đến năm 1931 bài hát mới chính thức trở
thành bài Quốc ca Hoa Kỳ dưới một đạo luật của Quốc hội do Tổng thống Herbert
Hoover ký.
Chúng tôi rời Baltimore với chút gì lưu
luyến trong lòng. Và những ngày kế tiếp, chúng tôi biết cuộc hành trình đi thăm
Miền đông Hoa Kỳ còn dài và còn nhiều điều thú vị đang chờ đón chúng tôi.
Trong lúc lái xe, tôi đưa một bàn tay nắm
lấy bàn tay nhà tôi siết nhẹ như để gửi đến “nàng” một lời yêu thương. Tôi nhìn
nàng mỉm cười. Nhà tôi cũng nhìn tôi mỉm cười đáp lại và không quên “dúi” vào
miệng tôi một chiếc “kẹo chua”, loại kẹo có vị quá chua làm “tài xế” phải tỉnh
ngủ và phải tỉnh cả người.
Ánh đèn cảng Inner Harbor của thành phố
Baltimore đang dần lùi về phía sau.
Tôi vẫy tay tạm biệt Inner Harbor.
NGUYỄN GIỤ HÙNG
Ghi
chú:
Những dữ kiện lịch sử trong bài này được người viết sưu tầm, chọn lọc và dịch hoặc phỏng dịch từ những nguồn sử liệu Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment