Wednesday, January 19, 2022

Chết Không Phải Là Hết - Huỳnh Quốc Bình


… Con người hữu hạn không thể nhìn vào cách qua đời của người khác để nói rằng đó là “phước”, hay “họa”, hoặc làm thước đo cho tiêu chuẩn đạo đức… 

Câu nói “chết là hết” chỉ là câu nói có tính cách buông xuôi hoặc an ủi nhau trong tuyệt vọng. Vì người ta không tin “chết là hết” nên mới có chuyện người sống làm lễ cầu hồn hay cầu siêu cho người đã chết. Nếu ai dám khẳng định rằng chết là hết, xin phép cho tôi hỏi: Nếu chết là hết, tại sao có người còn hẹn gặp nhau ở kiếp sau, hẹn gặp nhau chốn tuyền đài để làm gì? Chúc cho người chết được “tiêu diêu miền cực lạc” để làm chi? Thật sự, chết không phải là hết, bởi vì, Thánh Kinh đã bày tỏ, “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). 

Căn cứ vào lời của Thánh Kinh và những gì Chúa Cứu Thế Jesus phán lúc Ngài còn tại thế, tôi có thể khẳng định mà không sợ sai, đó là: Chết không phải là hết và cũng không không còn một kiếp nào khác, hay có nơi nào đặc biệt để con người có thể kết thúc công trình tu tập còn dang dỡ như nhiều người đã tin như thế. Dĩ nhiên, nếu có ai tin ngược lại những gì tôi khẳng định, tôi xin tôn trọng lòng tin của người đó. 

Cái chết đến với con người kể từ khi Tổ Phụ loài người là Ông A-đam đã phạm tội cùng Đức Chúa Trời. Sự chết không tha bất cứ một ai. Không chết trẻ, cũng phải chết già. Cái chết đến với con người bằng nhiều cách. Có những cái chết bất ngờ, nhưng cũng có cái chết một cách từ từ, hay dai dẳng. Thánh Kinh Cựu Ước chép lời than thở của Vua Đa-vít về sự chết như sau, “Ai là người sống mà sẽ chẳng thấy sự chết? Ai sẽ cứu linh hồn mình khỏi quyền âm phủ?” (Thi Thiên 89:48). 

Thực tế, nhiều người trong chúng ta là những con người yếu đuối bất toàn nơi trần gian này lại không ý thức về điều đó, mà cứ loay hoay tìm cách để tự cứu, hoặc tiếp tục lặn ngụp trong cái nơi mà mình cho là “bể khổ”. 

Vì biết đời là cạm bẫy, là chốn tạm bợ, là những nơi sản sanh bao điều tội lỗi, chống nghịch lại Đức Chúa Trời, Sa-lô-môn, con trai vua Đa-vít, một vị vua khôn ngoan đã khuyến cáo rằng, “Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người; nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết” (Châm Ngôn 14: 12). Tuy nhiên, Vua Đa-vít cũng mách cho con người tránh khỏi sự chết đời đời nơi hoả ngục, trong câu 27 như sau, “Sự kính sợ Ðức Giê-hô-va vốn một nguồn sự sống, đặng khiến người ta tránh khỏi bẫy sự chết.”

Vì con người sợ sau khi chết phải sa vào địa ngục nên ai cũng tìm cách để được vào Niết Bàn bằng cách cố làm lành, lánh dữ, và diệt tham sân si, hỉ, nộ, ái ố, như lời Phật dạy. Tôi không tin là có một Phật Tử thuần hành nào lại không biết rằng chính Đức Phật đã khẳng định là Ngài không ban phước hay giáng hoạ. Nói một cách khác, Đức Phật không thể can thiệp khổ vui của chúng sanh. Theo lời Đức Phật, Ngài chỉ có thể hướng dẫn chỉ đường cho những ai muốn tránh khổ tìm vui. Nếu chúng sanh tu kiếp này không xong, phải tu thêm kiếp khác. Nếu kiếp khác tu cũng không xong, phải chịu muôn đời trầm luân trong bể khổ.

Tôi không biết có được bao nhiêu người đã thật sự diệt được “tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố” như Đức Phật dạy? Hoặc bao nhiêu người thật sự đã làm lành lánh dữ? Bao nhiêu người đã vào được Niết Bàn? Riêng cá nhân tôi, hoặc những ai gọi Thiên Chúa là Cha đều ý thức mình là một tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Ý thức mình là người yếu đuối, bất toàn, và không thể tự cứu nên đã đầu phục Chúa. Cũng xin nói rõ, đầu phục Chúa khác với thành phần tin có Chúa, cũng nhận mình là con dân Chúa nhưng lại có đời sống như thể tay sai của ma quỷ. Thành phần này vẫn giữ lối sống gian dối, lọc lừa, điêu ngoa, xảo quyệt và cứ hãnh diện nhận mình là người có đạo, hay có Chúa. 

Kinh Thánh có khuyến cáo, “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ 4:12). Bất cứ ai tin rằng do sự làm lành, lánh dữ, làm từ thiện, hoặc tạo nhiều công đức cho đời này để đủ tiêu chuẩn cho linh hồn mình được cứu, xin hãy cẩn thận. Chớ nên để mình trúng kế ma quỷ mà hãy quan tâm về lời khuyến cáo của Thánh Kinh, “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Ðức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê –phê-sô 2:8-9).

Xin phép cho tôi "lạc đề". Có một nhà báo phỏng vấn tôi qua một câu hỏi, “Thế nào là một người tốt?” Tôi đã không ngần ngại trả lời rằng, “Người được cho là tốt là người chưa bị lộ những điều xấu.” Cách trả lời của tôi đã bị một số người bình phẩm vì họ cho rằng tôi quá triết lý. Xin thưa, tôi không triết lý mà tôi tin rằng, đó là do Chúa Thánh Linh mở mắt cho tôi, để tôi thấy được con người thật của tôi. Điều này cũng giống như một người từng có thành tích “good credit” với ngân hàng. Nếu người đó trả nợ đúng kỳ hạn, sẽ tiếp tục được xem “good credit” mà vì hoàn cảnh, hay cố tình không trả nợ sẽ trở thành kẻ “bad credit”. Cho nên, ý niệm tốt hay xấu cũng khá giống như thế, y như trở bàn tay. 

Nếu tôi dám tự hào rằng, dòng họ nhà tôi ba đời làm lành lánh dữ, không làm gì ác, không hại ai, và tôi không làm gì sai để cho rằng tôi là kẻ có tội như Kinh Thánh đã khẳng định, “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23). Giả sử, tôi dám kiêu ngạo như thế theo tiêu chuẩn con người, có thể tạm chấp nhận được, nhưng theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, chắc chắn những điều gọi là “làm lành, lánh dữ”, hay cái gọi là “công đức” của tôi chỉ là áo nhớp trước mặt Ngài mà thôi. Điều này không do tôi đại ngôn, mà thật sự Tiên Tri Ê-sai thời Cựu Ước đã than rằng, “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi” (Ê-sai 64:6). 

Chúng ta hãy ý thức rằng mình là người có tội theo tiêu chuẩn của Chúa và mình không thể được cứu bởi những việc làm lành, hay những việc làm có tính cách công đức của mình. Mà đó là do ơn phước Chúa ban cho những ai thật sự đầu phục Ngài. Bởi vì, Chúa Cứu Thế Jesus đã phán, “Người nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy”(Giăng 7:38).

Trở lại vấn đề sự chết. Chúa hứa ai tin vào chương trình cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Jesus sẽ được cứu, được làm con Thiên Chúa, và được sự bình an thật trên trần gian này. Nhất là, sau khi chết, linh hồn được sống cùng Chúa đời đời trên Thiên Quốc. Ai tiếp nhận Chúa tội người ấy sẽ được tha, linh hồn sẽ được cứu, dù đã chết rồi. Ðây là lời hứa của Chúa Cứu Thế Jesus, “Ta là sự sống lại và sự sống; người nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi” (Giăng 11:25). 

Người ta thường nghe các linh mục, mục sư hay giáo sĩ của Thiên Chúa Giáo giảng về sự sống đời đời. Điều này phải được hiểu là sống đời đời trên Thiên Quốc chứ không phải sống đời đời nơi trần gian tạm bợ. Do đó, người ta sẽ thấy con dân Chúa cũng bị bệnh nan y, cũng chết trước các dịch bệnh, cũng gặp các tai nạn, và có khi cũng phải đón nhận những cái chết thê thảm như bao người. Dù vậy, trong hoàn cảnh nào họ cũng nhận được sự bình an thật, và nếu có chết, họ biết linh hồn mình sẽ được về đâu. Con người hữu hạn không thể nhìn vào cách qua đời của người khác để nói rằng đó là “phước”, hay “họa”, hoặc làm thước đo cho tiêu chuẩn đạo đức. 

Bất cứ ai trên trần gian này sau khi tắt thở, thông thường thân xác người đó được người sống gởi vào lòng đất hay giải quyết cách nào tùy theo hoàn cảnh. Riêng những ai đã công khai tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jesus làm cứu Chúa của mình, cho dù người đó có chết cách nào hay được chôn cất cách gì cũng sẽ được sống lại vì Ngài đã hứa, “Ta là sự sống lại và sự sống; người nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi” (Giăng 11:25).

 

Kết luận
Chúng ta cần ý thức thân phận yếu đuối và bất toàn của mình. Chết chưa phải là hết mà còn chờ Thiên Chúa định tội. Chết không phải là hết mà là kết quả khi chúng ta chọn lựa Thiên Đàng hay địa ngục, lúc chúng ta còn sống trên trần gian này. Cha mẹ không thể tin và quyết định giùm cho con cái. Con cái cũng không thể tin hay quyết định thay cho cha mẹ. Nói theo kiểu nhân gian, “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”. Không ai có thể tu giùm ai được. 

Riêng lẽ đạo của Chúa: Để giúp một người sau khi chết, linh hồn người đó được vào Thiên Đàng mà không cần phải làm công đức gì cả, nhưng chỉ cần công khai tiếp nhận Chúa và sống theo lời dạy của Kinh Thánh.

Con dân Chúa được cứu để làm lành chứ không phải làm lành để được cứu. Để linh hồn mình được cứu rỗi, Thánh Kinh có bày tỏ, “Vậy nếu miệng ngươi xưng Ðức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Ðức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu” (Rô-ma 10: 9).

 

Ai đang đau khổ và tuyệt vọng xin đừng nản lòng. Hãy mạnh dạn liên lạc với tôi, để tôi được hân hạnh hướng dẫn và cầu nguyện cho người đó tiếp nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa qua Chúa Cứu Thế Jesus.
A-Men!

 

Huỳnh Quốc Bình
(503) 568-8905

No comments:

Post a Comment