Monday, January 31, 2022

Hoa Mai Trong Ngày Tết - Hàn Thiên Lương


Với miền Nam nước Việt, nằm trong vùng khí hậu nhiêt đới rất thích hợp môi trường cho Hoa Mai đơm bông nẩy lộc mỗi dịp Xuân về Tết đến. Khác với miền Bắc, khí hậu có phần nào lạnh lẽo hơn, thích hợp cho Hoa Đào khoe sắc.

Đào đỏ, mai vàng. Màu đỏ thắm tươi biểu tượng cho sự vui mừng; màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang. Tại nước Việt màu vàng còn tượng trưng cho Vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành- Thổ nằm ở vị trí Trung Ương, và màu vàng cũng tượng trưng cho nòi giống Việt. Không ngạc nhiên dân Việt chuộng mai vàng cho ngày đầu năm tại phương Nam.

Theo  thông lệ bình thường, người chơi mai,  chỉ chú đến 2 loạị Mai Tứ Quý, nở bốn mùa có năm cánh, bông to, và một loại Mai vàng, bông nhỏ hương thơm, chỉ nở vào mùa xuân.

   Khi chọn mua một cành mai về chưng trong ba ngày Tết, người mua thường để ý các điểm sau đây:

- Những cành mai có dáng đẹp, với các hình dáng một gốc “lão mai” gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: Chân quỳ, Hạc bay, Phụng Hoàng…
Ngoài những nét trên, người mua mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Nhánh to, nhánh nhỏ, sự sắp xếp các nhánh. Có thể phân chia tên gọi tùy sự phong phú của các tay chơi mai chuyện nghiệp.

Nhìn chung có các điểm cần chú ý khi lựa một nhành mai: Các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nhánh uyển chuyển, nụ bụ bẩm, lá non vừa nhú.
Ngoài ra những người chơi mai chuyên môn còn phân biệt thêm nhiều thứ phụ khác nữa mà chỉ có các nhà ấy biết mà thôi. Thí dụ như Nhụy Âm Dương, Cành Tứ Quý. Nhụy âm đương là chỉ đạo vợ chồng phu phụ, cành từ quý chỉ bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông…v.v. Đặc biệt là các nhà nho học chơi mai rất công phụ. Một cành mai nở không đúng vào dịp Tết, mai vừa nở đã rụng, hoặc các nhánh phân bố không hợp cách là xui xẻo cả năm (Người chơi mai tin như vậy).

Nói chung do sự nhân cách hóa mà con người đã đặt vào cây mai khi đem bày trong nhà trong ba ngày Xuân. Phong tục Á Đông nói chung, Việt nam nói riêng rất trọng sự tôn ti trật tự, trên dưới trong ngoài thành nề nếp. Và mỗi cuộc chơi đều mang theo nhiều ý nghĩa cao siêu.

            
Từ những nhu cầu như thế cho nên ngoài những cành mai bình thường bày bán trong các chợ tết, những cành mai nầy cắt từ những cây mai trong vườn, bó lại bằng lá dừa và mang ra chợ bày bán, cốt mua về cho có hương thơm, có màu vàng trên bàn thờ cho tăng thêm không khí Tết; các chủ nhân các gốc lão mai thường bỏ công ra chăm bón những cành mai rất đạt tiêu chuẩn yêu cầu của các bậc danh nho đòi hỏi. Tất nhiên các gốc mai nầy giá đáng bạc vạn.
            
Trồng mai trên đất vườn phải là thứ đất đen, đất thịt nhưng không giữ nước để tránh úng thủy. Mai trồng trên các luống vồng cao, có khoảng cách vừa đủ đề cây tăng trưởng. Mỗi năm vào rằm tháng 10 Âm Lịch phải ngắt hết lá để dồn nhựa cho các nhánh ra hoa. Tuốt lá không đúng ngày sẽ ảnh hưởng đến ngày hoa nở. Khi cắt nhánh đem ra chợ phải đốt gốc. Cách đốt gốc cũng góp một phần không nhỏ vào việc giữ cho hoa nở bền hơn.
            
Ngoài các loại mai vàng kể trên, tại Lục Tỉnh còn một loại mai trắng, còn có tên gọi là Nam Mai- Cây Nam Mai chánh thực là cây gì? Đó là cây Mù U. “Nhánh mù u con bướm vàng không đậu, vì xa em mà thành điệu nhớ não lòng” Mù u bông trắng, năm cánh, lá mù u to bản dày kích thước chừng bàn tay người lớn. Thân mu u là thân mộc, mù u có trái tròn không ăn được, hột mù u ép làm dầu thắp đèn, nhiều khói ít sáng.  

Cứ mỗi dịp Xuân về bất cứ con người Việt Nam nào, nếu còn yêu quê hương, còn trông về nguồn gốc, đều cảm thấy một nỗi sầu man mác dâng tràn. Dù cho đang sống tại quê nhà hay đang lưu lạc khắp năm châu bốn biển, nhắc đến cây Mai là nhắc đến ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Thật vậy, dù  nghèo không có chi trang trí trong nhà để đón Xuân nếu có được một cành hay một chậu mai trong nhà, lòng cũng phấn khởi, vì đã thấy được mùa xuân tới!

Mai khẳng khiu trong gió, dịu đàng khiêm tốn nhưng rất tự tin. Mai bao giờ cũng vươn lên và đứng thẳng; khác với hồng,  không loè loẹt, không mời gọi, phô trương, màu hoa dịu hiền, lan tỏa vào mắt người, vương vấn vào hồn thi nhân một chút tình lãng mạn! Hương của mai thì thanh thoát u trầm. Qủa cái đức lớn trong hồn hoa nho nhỏ, âm thầm lặng lẽ dâng hiến cho đời hương sắc và niềm tin!

Vươn lên ngàn hoa, biểu tượng thanh thoát tươi trẻ của mùa xuân! Mai  được người chọn làm bạn, đứng đầu trong bốn người bạn thân yêu của người(mai lan cúc trúc) chắc chắn hoa mai không tầm thường dung tục!

Lúc mùa đông rét mướt, mưa gió phũ phàng, mai cũng chịu đựng đợi chờ, trong đơn côi trơ cành trụi lá!.Khi mùa Xuân tới mai đâm chồi nẩy lộc, tràn đầy sinh lực, hoa mai nở có hàm tiếu duyên dáng, có mãn khai rực rỡ, nhưng thi nhân nhìn thấy trong mai vương vấn nét u hoài:

“Bên gốc mai vàng xuân vắng vẻ

“Âm thầm thiếu nữ khóc hoa mai”

Hoa mai chỉ mãn khai hai ngày thì rụng  hết đến nỗi phải trơ cành, nhưng những đóa hàm tiếu sẽ kế tục các hoa mãn khai, những búp nhỏ xanh đầy sức sống sẵn sàng kế tục hàm tiếu.

Bởi vậy thầy Mãn Giác nhắn lại đời:


                                    “ Chớ ngại xuân tàn hoa rụng hết

                                     *Đêm qua sân trước một cành mai”


Khi hoa mai mãn khai, hay nở rộ, trông rất đẹp mắt, đẹp hơn bất cứ loài hoa nào, vi mai không bao giờ lẻ loi. Vào những ngày giáp Tết, ta đi qua những đồi mai ở Thủ Đức mới thưởng ngoạn được những nét đẹp của hoa mai trọn vẹn.Màu sắc của mai lung linh trong nắng xuân, tô điểm cho quê hương rực rỡ và ghi vào lòng người bao nỗi nhớ!

Mai là bạn của người, mai không đài trang, không phấn son loè loẹt,

Mai đẹp ở cốt cách, nên chinh phục lòng người bằng cái đẹp tinh thần hơn là cái đẹp hình thể, vì thế hoa mai rất được đời trân qúy!

 
“Mai cốt cách tuyết tinh thần” (Kiều-Nguyễn Du)

Thật vậy, chính Cao Bá Quát  là nhà thơ đeo kiếm cũng phải cúi đầu trước hoa mai:

  “ Thập tải luân giao cầu cố kiếm

    “Nhất đê sinh thủ bái hoa mai”

( Lặn lội mười năm tầm kiếm báu

 Cúi đầu một thuở trước hoa mai)

-Trần quang Khải danh tướng nhà Trần, người đã thắng quân Mông Cổ trong trận Chương Dương rất lẫy lừng, khi nhìn hoa mai không ngăn được cảm 

 “Thi phách trùng lai đầu phát bạch

 “Mai hoa như tuyết chiếu tinh xuyên”

 (Qua chiếu làn thơ đầu đã bạc

  Hoa mai như tuyết chiếu lòng vơi)

- Nguyễn Trải một danh nhân, chỉ ao ước sống đơn giản cạnh hàng mai

“Duy hữu cố sơn tâm vị đoạn
 “Hà thì kết ốc chướng mai biên
( Chỉ có non xa lòng chẳng dứt

        Bao giờ liều dựng cạnh hang mai)

-Vua Lê Thánh Tôn là một đấng minh quân văn võ kiêm toàn cũng rất mến mô hoa mai, trong một bài vinh cây mai có câu:’”Phi xứng danh thơm đệ nhất khôi”(cây mai là đệ nhất danh hoa)

- Đào Tấn( nhà soạn tuồng), người yêu thích hoa mai  một cách đặc biệt lạ kỳ, ông đã chọn bút danh là  Mai Tăng,, chọn Mai Sơn thuộc làng Hoàng Mai mà yên nghĩ nghìn thu. Ông viết

                                  “Mai tăng ngay gửi xương mai

                                   ‘’Hồn mai cùng giấc mộng dài nở hương”


- Ở tận phương Nam, hồn thơ Đồ Chiểu gửi gấm vào hoa mai lời tạc nghĩa đá vàng của đôi trai tài gái sắc bằng hình tượng:

                                    “Xem thơ biết ý gần xa

                                      Mai hòa vận điểu , điểu hòa vận mai”

 ***  Nhân lúc xuân về chạnh lòng thương nhớ cố hương,  sao ta quên được hoa mai, một loài hoa cao khiết, nay còn ai là hiền nhân quân tử ngưỡng mộ tôn vinh hoa mai như xưa nữa! Nhưng ta tin rằng hoa mai đủ sức kiên nhẫn đợi chờ. Rồi  nanh vuốt sẽ mòn rã, muông thú tìm chỗ ẩn thân…Những đồi mai sẽ rợp nở trong một mùa xuân hội ngộ!


Portland OR

Hàn Thiên Lương

1 comment:

  1. *** Nhân lúc xuân về chạnh lòng thương nhớ cố hương, sao ta quên được hoa mai, một loài hoa cao khiết, nay còn ai là hiền nhân quân tử ngưỡng mộ tôn vinh hoa mai như xưa nữa! Nhưng ta tin rằng hoa mai đủ sức kiên nhẫn đợi chờ. Rồi nanh vuốt sẽ mòn rã, muông thú tìm chỗ ẩn thân…Những đồi mai sẽ rợp nở trong một mùa xuân hội ngộ!


    Portland OR
    Hàn Thiên Lương

    ReplyDelete