Xanthe Huỳnh đang lồng tiếng tại phòng thâu của Bang Zoom Entertainment.(Hình: Xanthe Huỳnh cung cấp)
Phim bộ, dù là phim Hàn Quốc,
Hong Kong hay Trung Quốc, Ấn Độ, đều hấp dẫn. Chẳng thế mà dân ta từ bao năm
nay mê mệt thức đêm thức hôm, mì gói làm chuẩn, dán mắt vào màn hình. Hay là vì
chuyện phim nhiều tình tiết, tài tử đẹp, phong cảnh trữ tình, áo quần bắt mắt,
nhưng hay cũng là vì phim được lồng tiếng Việt trơn tru, không gượng ép, giọng
nói của nhân vật nào ra nhân vật nấy. Công đó là của những người giấu mặt ngày
đêm chuyển âm cho chúng ta thưởng thức. Họ là ai, hỏi cho vui vậy thôi chứ ít
người biết, mà cũng chẳng cần biết làm chi. Người sành nghe giọng nói đôi khi
nhận ra được giọng của Ngọc Đan Thanh hay Việt Thảo. Hai nhân vật này thường xuất
hiện trên những cuốn video ca
nhạc nên khán giả quen mặt quen giọng. Còn những người khác đều vô danh.
Thực ra, chuyện lồng tiếng Việt
vào phim ảnh ngoại quốc là một chuyện vất vả mà khán giả chúng ta ít có thể tưởng
tượng ra được. Nếu tinh ý, bằng vào những từ dùng khi chuyển âm, chúng ta thấy
có hai…trường phái: hải ngoại và nội địa. Còn một trường phái thứ ba là Hong
Kong. Trường phái này nay đã mai một. Nhưng trước đây, khi loại phim chưởng còn
thịnh hành, dân ta đã được nghe thứ tiếng Việt lơ lớ rất nản. Câu mà mọi người
còn nhớ và mang ra giễu là: “Em gả cho anh nhé!”. Đó là câu một cậu trai hỏi cưới
một cô gái!
Hải ngoại trước đây có nhóm Túy Hồng,
nhóm Việt Thảo, công ty Triều Thành hoạt động nhưng từ 20 năm nay nhóm Vina
Entertainment, có trụ sở tại Garden Grove, hoạt động hăng hái nhất. Công ty này
chuyên sản xuất và phân phối những bộ phim của Đại Hàn, Trung Quốc và Hong
Kong. Nhờ có dàn máy hiện đại và những cộng sự viên tài năng nên Vina
Entertainment đã sản xuất được những bộ phim rất ăn khách. Chắc dân ghiền
phim bộ đã từng coi những cuốn phim hấp dẫn như: Hoàng Cung Dậy Sóng, Danh Gia
Vọng Tộc, Trắng Và Đen, Hương Đêm, Cám Dỗ Chết Người, Thiên Thần Báo Hận, Người
Đàn Bà Tuyệt Vời, Người Vợ Đòi Chính Nghĩa, Cô Con Gái Cưng, Nụ Hôn Lừa Dối, Cà
Phê Tình Nhân, Cười Trong Nước Mắt, Bác Sĩ Đồ Tể. Tất cả là sản phẩm của Vina
Entertainment. Minh Hiền là người phân vai nhân vật cho các diễn viên…không diễn.
Nói một cách khác, diễn bằng lời chứ không bằng điệu bộ. Điệu bộ đã có những diễn
viên ngoại quốc lo! Các chiếc miệng làm việc trong nhóm có Thu Tuyết, Khánh
Hoàng, Hoàng Dũng, Hoàng Đạo, Quốc Tuấn, Vân Yên, Ngọc Thu…Người ta ví von gọi
họ là những người thổi hồn cho nhân vật. Diễn viên có khi là người Đại Hàn,
Hong Kong hay Trung Quốc, Nhật Bản nhưng qua những giọng nói của những người
nói giỏi chúng ta nhận họ là người Việt. Hay chí ít ra cũng tưởng họ là người
Việt. Được như vậy là vì họ là những người có tay nghề (chắc phải nói là…miệng
nghề mới đúng!).
Ngồi xem một bộ phim ăn nói trơn tru, chúng ta thường nghĩ là các diễn viên lồng tiếng cũng ngồi khểnh như chúng ta để liên tục nói. Không phải vậy. Mỗi người phải làm việc riêng rẽ. Và mỗi người thường phải đảm nhiệm nhiều vai trong một bộ phim. Tai đeo headphone, tay cầm kịch bản, người lồng tiếng lúc thì nói giọng của một bà lão tám chục tuổi, lúc thì đổi giọng thành một phụ nữ trung niên điềm đạm, khi chuyển sang giọng một thiếu nữ nhí nhảnh, lúc phải vào tiếng của một em bé thơ ngây hồn nhiên. Cứ khi nhân vật xuất hiện trên phim là phải vào vai nhân vật này, thoắt cái lại chuyển vai qua nhân vật khác nếu thấy họ xuất hiện trên màn hình trước mặt. Phải nói sao cho khán giả không nhận ra từng ấy giọng chỉ phát ra từ một chiếc miệng nhảy cóc từ nhân vật này qua nhân vật khác. Chưa hết, diễn viên chuyển âm đồng thời phải nhìn vào miệng nhân vật để nói cho khớp với miệng diễn viên. Không thừa, không thiếu dù chỉ một nhịp, nhưng câu nói tiếng Việt vẫn phải rõ ràng, dễ nghe, đồng thời phải có khả năng biểu cảm để thu hút người nghe. Không biết các fan của phim bộ có nhận ra là giọng chuyển âm đều là giọng miền Nam. Đó mới là giọng chuẩn trong chuyển âm phim bộ. Ngay ở trong nước, các nhóm lồng tiếng cũng rặt giọng miền Nam bởi vì chỉ có dân miền Nam mới coi phim chuyển âm. Dân miền Bắc nay vẫn có thói quen coi phim thuyết minh!
Chúng ta ngồi khểnh thưởng thức
phim bộ chắc ít khi nghĩ tới những khổ cực của người chuyển âm cho chúng ta hiểu
bộ phim. Họ cũng ngồi coi từng tập như chúng ta nhưng coi trong một tâm trạng
cóc nhẩy. Phải nhanh mắt nhanh miệng. Thấy nhân vật mình phụ trách lồng tiếng
xuất hiện là phải nhảy vô nói liền. Mà nói nhiều giọng tùy theo các nhân vật
mình đảm trách, trong khi các nhân vật do người khác đảm nhận lồng tiếng vẫn sủa
tiếng Hoa hay tiếng Hàn chẳng hiểu mô tê chi. Họ phải như cắc kè thay đổi màu
da trong khoảng thời gian có khi tính bằng một tích tắc. Muốn hoàn thành vai trò
khó khăn này, họ phải có thực tài và kinh nghiệm để hóa thân một cách chớp
nhoáng vào một nhân vật trẻ, già, hiền lành, ác độc, tức giận, đau đớn khóc nghẹn,
tức tưởi hay khoái chí, hạnh phúc qua cách nhấn nháy, luyến âm, luyến chữ. Họ
phải diễn bằng lời, một cách diễn rất hạn hẹp mà tôi nghĩ khó khăn hơn diễn bằng
thân hình nhiều. Mắt chăm chăm vào màn hình, trước mặt là kịch bản, họ theo sát
và nói thế từng lời cho diễn viên. Không phải chỉ nói lưu loát, dễ nghe mà phải
nhại theo tiếng nói khi mỗi khi diễn viên hít hà, uống nước, hút thuốc hoặc nói
khi vừa khóc hoặc vừa cười. Thui thủi một mình như vậy, họ làm việc để cho ra
thị trường đúng hẹn những tập phim mới. Mỗi tuần chỉ có một ngày họ làm việc
chung. Đó là chuyển âm các cảnh có đám đông. Họ họp nhau lại để la hét, tạo tiếng
ồn. Coi như một ngày không cô đơn trong phòng thu âm!
Minh Hiền vào nghề…nói dùm từ khi
tới Mỹ vào năm 1983. Ngày xưa, chị hát trong nhóm thiếu nhi Sao Băng của nhạc
sĩ Nguyễn Đức. Người đưa chị vào nghề giấu mặt này là nghệ sĩ Nhật Minh. Chị nhớ
lại: “Hồi đó thương chú Nhật Minh hết sức. Khi ấy, dụng cụ rất thô sơ, người lo
kỹ thuật âm thanh phải nghĩ mọi cách để làm tiếng động cho phim. Tỷ như thổi một
trái bong bóng lên, để chén nước kế bên, nhúng ngón tay vào chén nước rồi kéo
trên bong bóng để làm tiếng kẹt cửa. Để tạo tiếng bước chân đi trên cỏ thì để
bao ni lông vỗ bèm bẹp trên đùi. Hoặc vỗ tay vào đùi để tạo tiếng chân đi dép.
Lúc đó, diễn viên chuyển âm cũng cực lắm. Không như bây giờ, tự mình ngồi bấm
máy, nói cho tới khi nào đạt được mới lưu lại và chuyển sang câu khác. Ngày đó,
có kỹ thuật viên bấm máy, khi mình nói sai, hoặc chưa đạt, kỹ thuật viên phải
làm đi làm lại nhiều lần. Nhiều khi mình nói xong mà vẫn chưa vừa ý, nhưng vì sợ
làm phiền nên cho qua luôn. Vì vậy, sau khi xem lại phim, luôn luôn ước mong được
làm lại thì sẽ hay hơn!”.
Vân Yên vào nghề từ năm 1990. Cô
có giọng nói trong trẻo, hiền lành nên thường được giao lồng tiếng cho những
vai đào thương, như vai Hạ Tử Vi trong “Hoàn Châu Cách Cách”, vai cô chị trong
“Chiếc Giầy Thủy Tinh”. Cô rất yêu nghề: “Hơn hai chục năm sống bằng nghề chuyển
âm, tôi học được nhiều triết lý từ các câu nói trong phim và áp dụng vào cuộc sống
của mình. Dù phim chỉ là hư cấu nhưng tôi đã học được cách đối xử giữa người với
người. Học được bài học về sự bao dung và vị tha. Điều tôi thường thấy trong
phim bộ là không chịu giải tỏa sự hiểu lầm, cứ để chồng chất và gây tổn thương
cho nhau. Qua đó, tôi nhận thấy mình cần phải chia sẻ, thành thật với nhau…Khi
bước vào công việc chuyển âm là tôi sống chết theo nhân vật, quên đi con người
thật của mình. Nhưng nhiều khi vì sức khỏe không được tốt, không diễn đạt được
như mong muốn. Khi xem lại thấy không hài lòng, luôn ươc ao được làm lại.”.
Ngọc Đan Thanh rất nổi đình nổi
đám trong nghề chuyển âm phim bộ. Cô có giọng sang trọng, rất hợp với các vai mệnh
phụ quyền quý hay công chúa, thái hậu. Làm nghề lồng tiếng từ năm 1990, khi vừa
đặt chân tới Mỹ, cô tâm sự: “Chuyển âm rất gần gũi với công việc sân khấu kịch
nghệ của Ngọc Đan Thanh. Trên sân khấu, chính mình tự diễn vai trò đó. Nhưng
bên ngành chuyển âm thì mình diễn lại vai trò của người khác. Mỗi ngày, khi
mình vào trong phòng thu âm, một mình làm việc, chỉ mình mình với tất cả các loại
vai. Chỉ một mình mình nói, cười, khóc… Những gì trong đời sống ngày thường
mình không bộc lộ, thì trút hết trong những nhân vật khi mình chuyển âm. Khoảng
chục năm trở lại đây, phim Đại Hàn mới phát triển mạnh trong cộng đồng người Việt
hải ngoại. Vốn đã quen với tiếng Quảng Đông trong phim Hồng Kông, nên lúc đầu
khi chuyển âm cho phim Đại Hàn rất khó với Ngọc Đan Thanh. Vì tiếng Đại Hàn lạ
lắm, có lúc Ngọc Đan Thanh phải vặn nhỏ tiếng của diễn viên xuống, chỉ để nhìn
thấy miệng diễn viên nhép thôi. Và canh làm sao nói cho khớp miệng diễn viên.
Chứ nếu không, cứ nghe tiếng của diễn viên, là bị chi phối, không thể nói theo
được. Mỗi một phim, mỗi một hãng thực hiện, mỗi một tài tử là một khác biệt,
thành ra sau mỗi lần thực hiện xong phim là thêm cho mình một bài học. Đòi hỏi
mình sống trọn vẹn với vai diễn trong khoảng thời gian đó, sau đó qua bộ phim
khác, lại sống với nhân vật khác nữa”.
Khi ngồi coi một bộ phim chuyển
âm, chắc chùng ta không biết rõ công việc lồng tiếng lại gay go như vậy.
Những người cho mượn tiếng nói rất yêu nghề. Họ luôn luôn tâm niệm mỗi ngày mỗi
hoàn chỉnh hơn mà không hề nghĩ tới sự nổi tiếng. Khán giả có thấy mặt mũi mình
đâu mà tiếng tăm!
Thực ra cũng có những khán giả biết tới công khó của những người làm công việc chuyển âm. Tỷ như ông Bùi Xuân Đáng, đã viết trong bài “Những Chồng Phim Bộ”: “Trước hết xin ghi một đỉểm son cho những người trong ban chuyển ngữ đã truyền đạt cho khán giả những lời văn chương tao nhã, những triết lý cao siêu diễn tả hết lời hay ý đẹp của người viết truyện. Tôi không được hân hạnh biết rõ quý vị này là ai, song nghe bạn bè nói toàn là những nhà trí thức khoa bảng lầu thông Hán học. Xin ngả mũ kính chào bái phục. Những vị trong ban chuyển âm, nghe đâu có Túy Hồng, La Thoại Tân và những người có tên tuổi trong làng kịch nghệ và truyền thanh. Xin thành thực cám ơn quý vị! Giọng nói của quý vị thực là siêu phàm xuất chúng. Âm thanh không những ăn khớp với miệng nói mà giọng nói cũng diễn tả được những nỗi buồn vui, hờn giận theo gương mặt cuả diễn viên trong bất cứ cảnh huống nào. Có thể nói mà không sợ mình quá chủ quan rằng nếu không có quý vị phim bộ Trung Hoa, Đại Hàn khó lòng xâm nhập thị trường Việt nam được. Trong dịp về thăm quê hương cũ, mở đài truyền hình xem những đoạn phim chuyện không hề thấy có việc chuyển âm mà lại dùng cách thuyết minh chán ngắt như đứa trẻ đọc bài học thuộc lòng”.
Thuyết minh là chuyện chỉ có
trong xã hội miền Bắc. Họ đã quen như vậy rồi. Thậm chí tới nay tại các tỉnh miền
Bắc, họ vẫn chuộng thuyết minh chứ không coi phim lồng tiếng. Những ngày đi tù
cải tạo, chúng tôi bị bắt buộc ngồi ngoài trời coi những phim tuyên truyền của
Trung Quốc hay Liên Xô. Toàn phim thuyết minh. Đoàn chiếu phim lúc nào cũng có
một thuyết minh viên ngồi dưới ánh đèn đỏ quạch, đọc bằng một giọng đểu đều đến
buồn ngủ. Thân phận tù tội, chúng tôi ngao ngán cho trình độ của những người thắng
cuộc. Miền Nam chúng ta ngày xưa đâu có cái trò chán phèo này!Chúng ta chưa có
phim lồng tiếng nhưng các phim ngoại quốc đều có phụ đề t Việt Ngữ. Phụ đề có
cái hay là khán giả được nghe tiếng nói của chính các diễn viên và những tiếng
động trung thực của phim hơn. Nhưng nếu không nhanh mắt, chúng ta không thể vừa
đọc phụ đề vừa coi phim được. Đuổi theo phụ đề nhiều lúc mệt đứt hơi.
Hầu hết các nước Bắc Âu và Tây Âu
không cho phép lồng tiếng cho các bộ phim chiếu ngoài rạp mà chỉ cho chuyển âm
các bộ phim truyền hình và phim hoạt họa. Nhưng các nước Ý, Pháp, Đức, Tây Ban
Nha, Thổ Nhĩ kỳ, Hung và Nga vẫn ưa thích phim chuyển âm.
Nếu chúng ta có con em coi phim
hoạt họa trong nhà thì, nếu là những cao thủ điện ảnh, hẳn chúng ta sẽ nhận ra
tiếng nói của các thú vật sao quen quen. Tai chúng ta không phản bội lại chúng
ta đâu. Bởi vì tiếng nói của những con thú dễ thương hay hung dữ trong phim
chính là tiếng nói của các tải tử nổi tiếng trong phim ảnh Hollywood. Như nàng
Angeline Jolie đã cho đại tỷ Sư Tử trong phim Kung Fu Panda mượn tiếng. Lý do cô minh
tinh ăn khách này chịu ngồi trong phòng tối để nói dùm cô Sư Tử là vì muốn chiều
lòng các con. Tài tử Owen Wilson nói giùm cho chiếc xe Lighning McQueen mà bất
cứ đứa trẻ nào cũng mê mẩn trong phim Pixar.
Chúng ta cũng nghe được tiếng nói của Julia Roberts trong Charlotte’s Web, Reese
Witherspoon trong Monsters
vs. Aliens, Will Smith trong giọng nói của chú cá Oscar trong phim
hoạt hình Shark Tale,
Nicole Kidman trong Happy
Feet. Cameroon Diaz khoái nghề lồng tiếng cho phim vẽ vì không cần
trang điểm cầu kỳ và tha hồ làm trò méo mặt méo mũi trong phòng thu âm. Minh
tinh Julie Andrews cũng thích cho mượn tiếng nhưng cô luôn cảm thấy cô đơn khi
một mình ngồi diễn trong phòng thu âm kín mít.
Đó là những tên tuổi lớn của
Hollywood chịu chuyển âm cho phim hoạt họa dành cho trẻ em. Họ là những diễn
viên lồng tiếng tài tử. Làm cho vui vì thích trẻ em. Phần lớn công việc …tối
thui này vẫn do nhóm chuyển âm nhà nghề thực hiện. Trong số này có một
người Việt Nam.Đó là cô Xantha Huỳnh.
Xantha Huỳnh còn trẻ, sanh ngày
22 tháng 6 năm 1987 tại Los Angeles, năm nay mới xấp xỉ 30 tuổi. Tốt nghiệp Bachelor of Arts in Dramatic
Arts tại Đại Học UC Irvine, đáng lẽ cô phải xuất hiện trên sân
khấu cho thiên hạ biết mặt biết tên. Nhưng một tình cờ đã hướng cô qua ngành lồng
tiếng cho các phim hoạt họa Mỹ và Nhật Bổn. Năm 2007, vừa tròn 20 tuổi, bạn bè
rủ cô đi ghi danh vào cuộc thi tuyển chọn diễn viên lồng tiếng Ax Idol tại Anime Expo. Cô không
thắng giải nhưng đã vào tới vòng chót và được thưởng một chuyến đi thăm phòng
thâu của công ty Bang Zoom tại Burbank, California. Cô tò mò thâu tiếng thử cho
một đoạn phim hoạt hình và được ban Giám Đốc chú ý và mời cô cộng tác. Cô đã thổi
hồn vào các nhân vật trong nhiều phim vẽ và game. Các vai nổi tiếng nhất là vai Ui
Hirasawa trong chương trình K-On,
vai nhà nghiên cứu trong Hottarake
no Shima, vai Nagisa Momoe trong Puella Magi Madoka Magica. Là người Mỹ gốc Việt
duy nhất thành công trong chuyển âm, Xantha Huỳnh đã đối mặt với nhiều khó
khăn. Cô giãi bày: “Trái với suy nghĩ của nhiều người, diễn viên lồng tiếng đôi
khi không có nhiều thời gian chuẩn bị vì không nhận được kịch bản trước để có
thể tập luyện. Do đó, tôi luôn trong tư thế sẵn sàng để khi vào phòng thu, mình
có thể quán xuyến những tình huống khác nhau. Điều khó khăn nhất trong ngành
này là phải canh để nói cho khớp với nhân vật. Người lồng tiếng phải đọc kịch bản,
truyền cảm xúc và nhìn vào màn hình cùng một lúc”.
Ngồi phè cánh nhạn coi phim bộ,
chắc chúng ta ít khi nghĩ tới nỗi nhọc nhằn của những người mang nhân vật trong
phim tới gần với chúng ta. Những người làm việc trong bóng tối luôn cam phận
nép vào bóng tối. Bóng tối trong tâm khảm của mỗi khán giả!
No comments:
Post a Comment