Đúng tối ngày mùng một Tết, nhận được thư anh tôi mừng lắm, vội trả lời ngay. Anh có nhắc với tôi về Hà Nội, và đặc biệt về phố Triệu Việt Vương, nơi tôi và anh đã từng là hàng xóm.
Hà Nội bây giờ đã nghìn trùng xa cách.
Tôi và anh vẫn còn đây và Hà Nội vẫn còn đó. Thời
gian có đi qua, cảnh vật có thay đổi, nhưng trong lòng chúng ta, Hà Nội vẫn là
nơi yêu quý nhất vì nơi đó tuổi thơ chúng ta đã một thời thăng hoa, nở rộ.
Tôi xin tạm nói chuyện với anh về Hà Nội. Chuyện phố
Triệu Việt Vương ta sẽ chia sẻ với nhau sau.
Để nhớ về Hà Nội, tôi xin giới thiệu với anh bản
nhạc "Dòng sông mùa thu" của Trần Tiến do cô cháu ông ta là ca
sĩ Trần Thu Hà hát.
Mặc dù tôi không phải là người Hà Nội và chẳng ở Hà
Nội bao nhiêu lâu. Thời gian tôi ở Hà Nội nếu có, chỉ là những khoảng thời gian
chắp vá. Nhưng Hà Nội luôn ở trong tim tôi. Thế mới biết những kỷ niệm của thời
ấu thơ nó in đậm vào tâm khảm con người, cả một đời không quên.
Mở đầu bài hát, Trần Tiến viết:
Ai cũng có một mùa thu vắng xa trong nỗi nhớ, trong
kỷ niệm thiết tha.
Tiếng hát của Trần Thu Hà như đưa từng lời, từng ý
về một kỷ niệm xa xưa, đưa tôi trở về từng con đường, góc phố Hà Nội mà tôi đã
ở hay có dịp đi qua.
Những ngày tôi còn nhỏ, Hà Nội là một khung trời của
những ước mơ dù ước mơ thật nhỏ nhoi, như được ăn ly kem Cẩm Bình ở Bờ Hồ hay
kem Hùng Vương trên Phố Huế, được đi đôi dép cao su mới mầu trắng hiệu con hổ, có
được một cái đèn lồng vào dịp trung thu hay dăm ba sợi "dây chun" màu
xanh đỏ kết lại với nhau. Và những năm tháng của tuổi mộng mơ, mơ đến tình yêu
câm nín, dại khờ với cô hàng xóm bé nhỏ tên Phương gần nhà anh.
Tôi có trở lại thăm thành phố Hà Nội cách đây mấy
năm. Tôi vẫn thấy nó gần gũi như ngày nào, hôm qua hay hôm kia thôi. Tôi không
có khả năng của nhà văn hay của nhà thơ, hay là hoạ sĩ để ghi lại những rung
cảm hay suy nghĩ của mình về mảnh đất mà đã một thời là biểu tượng của con
người biết yêu người, biết yêu thiên nhiên, biết yêu cái chân thiện mỹ của một
Hà Nội chưa bị ảnh hưởng bởi những chủ thuyết ngoại lai. Hà Nội chứng kiến bao
nhiêu bước thăng trầm của dân tộc: thanh bình có, chiến tranh có, vinh nhục có,
và có cả những bóc lột đến tận cùng.
Huế đấy, Sài Gòn
đấy, không hiểu tại sao tôi không thấy những thành phố ấy có cái
"lớn" của Hà Nội, có lẽ vì nó thiếu cái "lớn" của những kỷ
niệm tuổi thơ trong tôi.
Tôi mong một ngày nào trở lại Hà Nội lần nữa, để chiều
chiều, lững thững theo gót chân người Hà Nội, đi để mà đi, đi không để đến, nếu đến, không để gặp ai, và nếu gặp ai thì cũng không để hẹn hò.
Theo bước chân của người Hà Nội như theo những bước chân của người xưa dựng
nước và giữ nước, với những vươn vai Phù Đổng. Và là đi theo bước chân của
chiều dài lịch sử ngàn năm, của nền văn hóa lấy con người và tình thương yêu
làm gốc.
Tôi nghĩ về Hà Nội như thấy mình được tắm trong dòng
suối mát, như được tựa má trên lưng trần của một cô thôn nữ mộc mạc, để "nghe"
thấy mồ hôi chẩy và nếm được vị mặn trên môi (mượn câu "nghe mồ hôi chẩy" trong bài thơ
“Trưa hè” của cụ Bàng Bá Lân (1)).
Với tôi, nói về Hà Nội tôi có cảm tưởng như dùng
ngàn lời cũng thiếu và một lời cũng dư. Trần Tiến viết:
Thu xao xuyến trong bàn tay ấm êm, Tôi lưu luyến nói
cười một sớm mai.
Nghe đến đây, tôi tưởng như có một người yêu Hà Nội,
tôi sẽ đi bên nàng và bẽn lẽn. Tôi sẽ thấy cánh tay mình tê buốt mỗi khi vạt áo
dài của nàng, theo gió nhẹ, chạm khẽ vào cánh tay tôi. Tôi sẽ đi và chẳng nói,
sẽ đếm từng bước và sẽ nghe tiếng từng chiếc lá vàng xào xạc dưới chân. Người
con gái đi bên tôi, dáng nàng tha thướt như mái tóc dài trải sóng trên lưng.
Vài sợi tóc vắt ngang qua mặt bay bay theo chiều gió. Nàng đi trong thanh
khiết, cái thanh khiết của một hạt sương mai đọng trên cánh hoa sen vừa chớm
nở. Và để rồi:
Mùa thu đi, mùa thu lại về, tình yêu đi qua, mãi mãi
chia lìa.
Nghe sao thấy buồn, cái buồn rất nhẹ nhàng thơ mộng
như thơ của Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa (San Jose):
Chiều rơi xuống phố nơi anh ở
Có giọt nắng vàng ướp chút hương,
Hoa thắm phơi mình trên thảm cỏ
Chiều rơi xứ Bắc đặc mù sương.
Theo Trần Tiến, người Hà Nội còn được nghe tiếng rù
rì, êm ái của sông Hồng. Hình ảnh một chiếc thuyền nhỏ, nhẹ lướt trên sông
Hồng, để lại đằng sau sóng nước bàng bạc của ánh trăng tan vỡ. Ngồi trên thuyền
tôi như sẽ cố nín hơi thở, sợ hơi thở của mình làm mất đi cái tĩnh mịch, làm át
đi cái âm thanh của sóng nước và tiếng khua nhẹ trên nước của mái chèo. Và nhất
là làm tỉnh giấc cô gái đang thiêm thiếp ngủ trong khoang.
Ngày thơ tôi, tình yêu của tôi, Dòng sông mang mùa
thu về đâu.
Đó là câu cuối cùng của bản nhạc như đang mang Hà Nội
của tôi về chốn xa xăm chia lìa.
Mượn một đoạn thơ của Thảo Chi như để gởi gấm lòng
mình về một mùa thu Hà Nội:
Em đứng đầu sông
Thả lá vàng,
Lời yêu ai nói,
Khói chưa tan!
Cuối sông chỗ đó
Anh còn đợi?
Với cả mùa Thu,
Chiếc lá vàng.
Giọng Trần Thu Hà trong bài hát, nghe sao lõng thõng, buông thả quá. Cái lõng thõng, buông thả, tha thiết ấy như đang dìu người nghe
vào sàn nhảy. Tiếng hát của cô như một người vũ nữ có những bước chân điêu
luyện, nhè nhẹ lướt đi, dựa đầu trên vai người yêu. Nghe Trần Thu Hà hát, người
nghe còn thấy hình ảnh của một chiều thu ảm đạm, một chiếc lá vàng bay bay
trong gió mà chẳng bao giờ rơi xuống đất, bay và bay mãi, bay không vội vàng
theo từng cơn gió nhẹ. Tôi thích Trần Thu Hà trong bài này, không phải cô là
một ca sĩ vượt hẳn lên những ca sĩ khác, nhưng cô đã đưa tôi đi được thật xa và
đi mãi trong thành phố Hà Nội mà những năm tháng tuổi thơ trở lại, hiển hiện
trong tôi một cách rõ ràng.
Hình minh họa
Hà Nội là thế đấy. Hà Nội là mảnh đất của tuổi thơ
trong tôi đang sống. Nếu hình ảnh kỷ niệm tuổi thơ của tôi mất đi hay phai nhạt
thì Hà Nội cũng chỉ còn là New York hay Washington, hay chỉ là bản
nhạc nào đó tôi nghe bằng tai chứ không phải bằng trái tim mình.
Anh có nghe bài hát "Hà Nội mùa vắng những
cơn mưa" không? Anh hãy nghe một đoạn nhé:
Hoa sữa
thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp
Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về.
Đối với người Hà Nội, đường Cổ Ngư không một ai
không biết. Như anh đã biết đường Cổ Ngư là con đường chia hai Hồ Tây và hồ
Trúc Bạch. Chính thật tên của Cổ Ngư là Cố Ngự Yểm tức là con đê ngăn nước
từ sông Hồng vào, người Hà Nội gọi chệch ra là Cổ Ngư cho được êm tai hơn. Anh
đã từng ăn bánh tôm ở đây chưa? Món bánh tôm Cổ Ngư đã nổi tiếng một thời. Khi
tôi trở lại Hà Nội thì bánh tôm không còn ngon như tôi tưởng nữa. Tôi nhớ, hồi
còn nhỏ, ông cậu tôi thường chở xe đạp đưa tôi đến đây vào ban đêm. Trai thanh
gái lịch dập dìu, thơ mộng lắm. Thỉnh thoảng, năm thì mười họa lắm mới được ông
cậu cho ăn một ly "kem cốc", sao nó ngon thế hả anh? Phần lớn chỉ
được ăn "kem que" vừa đi vừa mút, không mút nhanh kem chảy ra tay. Hình
ảnh các bà, các cô hay các chị quấn chiếc khăn "san" quanh cổ vào mùa
xuân hay thu, theo gió bay bay, phủ xuống bờ vai đẹp vô cùng. Phải chi người Hà
Nội bây giờ ăn mặc trở lại thời đó thì đẹp và trang nhã biết bao. Nói thế, có
người lại cho tôi có tính bảo thủ và thích "đồ cổ" đấy.
Hà Nội mùa này chiều không buông nắng
Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô
Quán cóc liêu xiêu một câu thơ
Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ.
Một bên đường Cổ Ngư là Hồ Tây. Đây là cái hồ lớn nhất của Hà Nội. Chung quanh hồ có nhiều di tích và thắng cảnh đẹp như chùa Trấn Quốc, đền Phủ Tây Hồ, làng hoa Nghi Tàm. Cách chùa Trấn Quốc không xa có đền Trấn Võ hay Quán Thánh với những cây muỗm có số tuổi hàng mấy trăm năm, được trồng dưới đời nhà Trần. Đền này nổi tiếng nhất nước ta với tượng đồng Trấn Võ do dân làng Ngũ Xá đúc nên. Nơi đây tôi thường theo bà nội tôi tới lễ vào dịp đầu tháng hay rằm, và tôi thường gặp những nhóm hướng đạo sinh hoạt trong sân đền thật vui.
Nói đến Hà Nội là phải nói đến những dấu tích của lịch sử và văn hóa lâu đời. Nào với Văn Miếu, biểu tượng cho văn hóa Việt Nam, nào chùa Một Cột, biểu tượng cho thành phố Hà Nội, có từ đầu thời nhà Lý.
Nói đến Hà Nội ta không thể không nhắc đến hồ Hoàn Kiếm,
có người cho đó là một đóa hoa đẹp đặt giữa thành phố, với đền Ngọc Sơn với cầu
Thê Húc. Chắc anh còn nhớ ngay hồ Hoàn Kiếm có những chuyến "tầu
điện" chạy, nay đã bị bỏ đi. Vào tuổi trẻ chúng ta, anh cũng như tôi, ít
nhất một lần đã đi "tầu điện" lậu, không trả tiền. Ta lẻn từ toa này
sang toa khác, hay mỗi khi tầu ngừng ta đi xuống, khi tầu chạy ta lại theo
khách leo lên. Tôi rất thích tiếng chuông tầu điện khua leng keng mỗi khi ghé
trạm.
Vào ban đêm quanh bờ hồ thật là nhộn nhịp. Ánh đèn
điện chiếu xuống hồ lấp lánh như sao. Những cây cổ thụ, cành cây với ra thật xa
là là xuống mặt nước thật nên thơ. Ta có thể ngồi trên ghế đá nhâm nhi gói lạc
rang hay hạt dẻ rang nóng hổi.
Nhà Hát Lớn Hà Nội
Khu hồ Hoàn Kiếm có con đường nổi tiếng là phố Tràng
Tiền có nhiều cửa hàng sang trọng. Cuối phố Tràng Tiền là Nhà Hát Lớn. Nhà Hát
Lớn của Hà Nội có kiến trúc theo phương Tây, một kiến trúc đẹp của Hà Nội trong
thời kỳ Tây có mặt ở Việt Nam. Những kiến trúc của Tây để lại, có người cho rằng,
ta cũng nên đánh giá cao nó như một nét đẹp cổ của Hà Nội và ta có bổn phận duy
trì như ta đã coi trọng phần kiến trúc “phố cổ” ba mươi sáu phố phường
của chúng ta.
Thành phố Hà Nội nhỏ nên tôi thường đi bộ từ phố Triệu
Việt Vương nơi chúng ta ở tới bờ Hồ mà không phải dùng tầu điện. Ta cứ đi dọc
theo một đoạn của Phố Huế đông đúc, khoảng nửa giờ là ta tới bờ Hồ. Trên đoạn
Phố Huế này có rạp ciné Đại Nam. Đi thêm vài chục thước là tới Chợ Hôm. Đối
diện với rạp Đại Nam, bên kia đường là nhà sách Xuân Thu, nhà sách lớn và nổi
tiếng thời bấy giờ.
Hà Nội có nhiều hồ lắm, có một cái hồ mà tôi không
thể quên, đó là hồ "Ha-Le", khu phố Tây, mà nay gọi là hồ Thiền
Quang. Năm 1954, sau hiệp định Genève, người dân Hà Nội chuẩn bị vào Nam, đem
đồ đạc ra bờ hồ Ha-Le bán tống bán tháo, biến nơi đây thành "chợ trời".
Hàng ngày tôi hay ghé chợ trời, không phải để mua mà xem người ta buôn bán. Kẻ
mua người bán tấp nập. Cuối cùng, trước ngày gia đình chúng tôi vào Nam, tôi
mua hai cuốn sách, đó là cuốn Tấm Lòng Vàng của Nguyễn Công Hoan và tập
thơ Tản Đà Vận Văn gồm hai quyển. Đó là tài sản của riêng tôi đem vào
Nam. Tập thơ Tản Đà Vận Văn tôi còn giữ trong tủ sách tới bây giờ, sau
bao nhiêu năm đổi thay trong cuộc đời.
Hà Nội đối với tôi thì nói mãi cũng không hết được cái
quyến rũ và êm ả của nó như:
Hà Nội
mùa này lòng bao nỗi nhớ
Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay,
Hơi ấm trao em tuổi thơ ngây
Tưởng như tưởng như còn đây.
Đó là câu hát cuối cùng trong bản nhạc. Những kỷ
niệm của những ngày trèo cây me, cây sấu, đánh đinh đánh đáo, đánh khăng hay những
hôm đi bắt ve sầu vẫn như còn đây.
Bây giờ, tôi kể anh nghe kỷ niệm của tôi về ngoại
thành Hà Nội nhé. Thời gian này thì tôi còn nhỏ, khoảng tám tuổi thì phải. Tôi
ở Gia Quất với ông bà ngoại tôi đâu chừng hai tháng. Anh biết Gia Lâm không,
bên kia cầu Long Biên đó. Gia Lâm và Hà Nội cách nhau bởi sông Hồng. Bắc qua
sông Hồng là cầu Long Biên. Nay cầu này chỉ được dùng cho người đi bộ và xe đạp
vì cầu quá cũ. Những loại xe nặng thì dùng cầu Chương Dương mới được xây vào những
năm gần đây. Cầu Long Biên có kiến trúc đẹp, dài khoảng 3 cây số kể cả chân
cầu.
Chiều chiều, khi mặt trời tắt nắng, tôi nhớ bố mẹ
ghê lắm. Tôi thường lên đê một mình nhìn về phía cầu Long Biên như mong đợi bố
mẹ dù rằng tôi biết rõ chỉ là vô vọng. Tôi cứ đứng hàng giờ như thế, nhìn những
hồ sen chạy dài dưới chân đê. Có hôm đoàn tầu hỏa chạy trên cầu nhả khói đen và
rúc lên từng hồi còi vang vọng ra xa. Tiếng còi tầu buồn làm sao. Tôi đứng nhìn
trời như thế cho đến khi màn đêm từ từ buông xuống. Gió bắt đầu lạnh, trên đê
không một bóng người. Tôi nhìn vào làng, những ngọn đèn đã bắt đầu leo lắt vài
nơi từ những khu nhà trong xóm. Tôi lững thững xuống đê, lần theo con đường nhỏ
về nhà, lòng buồn rười rượi. Hồi đó tôi rất sợ tiếng chó sủa, không phải tôi sợ
chó mà sợ lính Tây “đi càn" hay sợ Việt Minh về làng. Ai về vào ban
đêm, dù Tây hay Việt Minh, dân làng đều sợ cả, người lớn sợ, trẻ con cũng sợ.
Tiếng chó sủa ran ban đêm là những báo hiệu không may cho làng xóm.
Một lần tôi từ Gia Quất sang Hà Nội một mình. Buổi
sáng hôm đó, tôi cứ theo chân người lớn, kẻ gồng người gánh mang hàng từ Gia
Quất sang Hà Nội bán. Trên cầu Long Biên có đường cho tầu hỏa, đường cho xe
ô-tô chạy và đường lề bằng gỗ cho bộ hành đi. Thỉnh thoảng có những tấm ván
trên đường dành cho bộ hành bị hư, có thể nhìn thấy nước sông Hồng chảy xiết
phía dưới. Mỗi khi gặp chỗ hư như thế tôi sợ lắm.
Có những buổi chiều sang Hà Nội như thế, tôi đi lang
thang bên Hà Nội một mình cho đến khi phố lên đèn mới trở về Gia Quất, đi ngang
qua những cửa hàng rực rỡ trong ánh đèn điện. Lúc đó tôi không thấy được cái vui
của sự rực rỡ ấy mà chỉ thấy buồn và cô đơn quá, nhất là khi thấy trong căn nhà
nào đó người ta dọn cơm ra, tiếng người lớn trẻ con cười nói ồn ào. Cái cô đơn
cứ thấm dần và nỗi nhớ cha mẹ cùng tăng lên mãi theo bước chân mình làm tôi có
khi muốn khóc.
Hình minh họa
Viết đến đây tôi cứ tủm tỉm cười vì không biết hồi
cùng ở Triệu Việt Vương với anh, tôi và anh có cùng “yêu” chung người con
gái tên Phương có người em tên Mỹ ấy không? Nếu anh biết có chuyện ấy, tôi đã
bị ăn đòn của anh rồi. Tôi có về thăm căn nhà ở Triệu Việt Vương, nó tiêu điều
quá. Cảnh vật nơi đó thay đổi nhiều, có cái đẹp lên có cái xấu đi, riêng cây cổ
thụ trước nhà vẫn như xưa vì nó không đủ sức già thêm hay trẻ lại. Để viết về Triệu
Việt Vương tôi phải nhờ đến bản nhạc Lối Cũ Ta Về của Thanh Tùng mới nói
lên được cái cảm xúc của mình.
Lối cũ ta về
Dường như nhỏ lại
Trời xanh xanh mãi
Một thời ấu thơ
Lối cũ ta về
Dừng chân trước thềm
Chờ nghe trong gió
Mùi hương ngọc lan.
Tôi còn nhớ năm 1951, gia đình tôi hồi cư về Hà Nội,
thuê một căn gác nhỏ ở góc đường Triệu Việt Vương và Tô Hiến Thành. Căn nhà này
dùng làm trường học ở tầng dưới. Cũng căn nhà đó tôi có quen một cô bạn gái con
bà chủ nhà. Cô ấy thua tuổi hay bằng tuổi tôi. Nếu tôi và anh định nghĩa tình
yêu chỉ là nhớ nhớ thương thương thì quả thật tôi đã yêu cô ta hồi đó. Chúng
tôi thân nhau lắm mặc dù thời gian quen nhau và chơi với nhau quá ngắn. Có lẽ
vì biết nhau quá ngắn nên tôi mới có thể nhớ cô ấy lâu chăng? Tôi đã nhờ người
tìm lại cô ấy bao lần. Cuối cùng khi nhà tôi và tôi trở về thăm Hà Nội tôi mới được
biết tin tức về cô.
Khi tôi đứng trước cửa căn nhà cũ, tôi thấy trong
lòng vấn vương như tiếc nuối cái gì xa vắng lắm xen lẫn cái buồn thật bâng khuâng.
Nói về kỷ niệm cuộc tình mình, không thể nói bằng lời mà chỉ có thể nói bằng
những xúc cảm của mình. Tôi muốn nói với anh nhiều lắm về nó, nhưng sao tôi
không biết phải khởi đầu ở chỗ nào và chấm dút ở nơi đâu. Nay tôi chỉ xin gửi
đến người "yêu" xa vắng ấy một vài lời qua những câu hát của nhạc sĩ
Thanh Tùng:
Chốn xa xôi kia, bao kỷ niệm cũ
Em đã
quên hay là vẫn mang theo
Dù cho bên anh nay em không còn nữa
Biết không trong con tim anh luôn hằng nhớ
Người yêu nay em đã bỏ anh đi
Sao em nỡ bỏ anh đi mãi.
Lối cũ ta về.
Khi tôi đi dự một buổi ca nhạc thính phòng bỏ túi ở
Hà Nội tôi được nghe ca sĩ Trọng Tấn hát ca khúc này thật hay.
Anh làm ơn cho tôi thêm kỷ niệm về khu phố Triệu Việt
Vương vì anh đã ở đó lâu hơn tôi. Sau Hà Nội là Sơn Tây, có dịp tôi kể anh nghe
tiếp.
Ghi chú: (1)
Mời đọc “Hè Trên Quê Hương Ta Qua Thi Ca”
của Nguyễn Giụ Hùng”
MỜI NGHE
(Bấm vào link)
Dòng Sông Mùa Thu-Trần Thu Hà hát
https://www.youtube.com/watch?v=DX26dDhhaAk
https://www.youtube.com/watch?v=O_IXN0Y2cUw
https://www.youtube.com/watch?v=Iq-xdd8mpMc
https://www.youtube.com/watch?v=FBaQq8OYqEE
NGUYỄN GIỤ HÙNG
1- Chờ Mẹ Trên Đê
chiều nhớ mẹ lên bờ đê nhạt nắng
lặng
yên nhìn miền xa vắng mênh mang
hoàng
hôn bủa không gian chìm trầm lắng
thả sầu
bay theo gió cuốn mây vàng ...
biết vô
vọng vẫn đợi chờ mong ngóng
đêm
xuống dần, bóng tối phủ miên man
con tàu
qua, lửa bay tàn, đất động
buông
tiếng còi mỏi mệt, vọng xa vang.
lòng cô
đơn, đê chiều người vắng bóng
dòng
sông đen nước chảy mãi không về
gió
lạnh thấm, sương vai mềm ủ đọng
leo lét
đèn, thấp thoáng bóng chiều quê
chuông
xóm đạo thao thức chùm sao nở,
dội đau
buồn từng giọt thấm tim gan
vẳng
tiếng chó, nẻo về ngàn hãi sợ
đường
đất gập ghềnh, bóng tối ngổn ngang ./.
Tràm
Cà Mau
Đọc
bài viết của anh Hùng làm tôi nhớ Hà Nội quá sức. Tôi sống ở Hà Nội
từ nhỏ cho tới lúc di cư vào Nam, cho nên có rất nhiều kỷ niệm với thành phố
này lắm. Nhất là khi anh viết về việc nhẩy tầu điện và về hồ Ha-Le
(Halais) làm tim tôi nhói lại. Những hình ảnh hồi thơ ấu đã hiện ngay lên trước
mắt.
Tôi hứng chí vội 'cầm bút' viết những gì tôi đang nghĩ về Hà Nội yêu quý của tôi, tuy rằng tôi chẳng bao giờ viết văn.
Từ hồi nhỏ cho đến lúc di cư đệ nhị thế chiến về nhà quê thì nhà tôi ở phố Hàng Hài. Những đường phố quanh khu tôi ở đều có những tên dễ nhớ mà tôi cho là dễ thương, như là phố Hàng Buồm, phố Hàng Gai, phố Hàng Đường, phố Hàng Trống v.v…
Phố
Hàng Hài của tôi nối liền với phố Hàng Gai đi về hướng bờ hồ, tức là hồ Hoàn
Kiếm. Danh từ chúng tôi thường dùng là
'đi bờ hồ' và ai cũng biết là đi đâu rồi.
Chiều tối anh em chúng tôi vẫn thường nhẩy cóc lên 'xe điện' ra bờ hồ
chơi và uống cà phê hay ăn vặt ở ven bờ hồ.
Gọi là xe điện vì xe chạy trên cặp đuờng sắt ở dưới đường, nhưng phải có
1 cái cần dài từ đỉnh xe của toa máy điện (toa đầu) bắt lên 2 đường dây điện ở
trên cao để lấy điện xuống để chạy máy xe.
Thú vui của tôi là nhẩy lên nhẩy xuống xe điện để trốn ông tài phụ bán
vé. Bao giờ cũng nhẩy lên toa thứ hai (tức
là toa ở ngay sau toa đầu máy). Nếu nhìn
thấy ông tài bán vé thì vội nhẩy ngay xuống đất và nhanh nhẹn nhẩy bắt lên toa
kế tiếp và cười một cách oai hùng. Rất
may là mỗi chuyến xe điện chỉ có một ông tài phụ bán vé thôi. Và tầu điện hồi đó chạy rất chậm trong thành
phố, nên nhẩy lên nhẩy xuống dễ dàng nếu mình bạo dạn một chút.
Một thú vui khác nữa là chiều chiều chúng tôi (nói chúng tôi là vì tôi có chú em kém tôi gần 2 tuổi thường đi chơi chung với nhau) và các bạn họp lại để chơi trò 'công tử bọn gian'. Bọn gian phải trốn ở những chỗ kín 2 bên đường phố và công tử cao-bồi (cowboy) phải tìm cách chạy ngựa đi tìm bọn gian. Oẳn-tù-tì anh nào thua thì làm ngựa anh nào thắng thì làm cao-bồi. Ngựa đứng trước và cao-bồi đứng sau. Ngựa có sợi dây quấn quanh bụng ra đàng sau và anh cao-bồi ở sau dùng dây đó để điều khiển ngựa chạy phải hay trái. Kéo dây về mạnh thì ngựa phải đứng. Cao-bồi còn có một cái roi cầm tay. Đánh roi vào đít ngựa nhiều hay ít để điều khiển ngựa chạy nhanh hay chậm. Đang chơi vui vẻ nhưng nếu thấy tầu điện sắp đến là bỏ chơi để tìm cách nhẩy xe điện.
Sau lần di cư về Hà Nội thì chúng tôi về ở gần hồ Ha-Le (Halais) tại đường Crévost. Hồ Ha-Le là hồ bơi của chúng tôi. Hầu như chiều thứ bẩy và chủ nhật nào cũng ra bơi. Tôi thì bơi cho vui nhưng Phụng, em tôi, thì bơi nhiều và bơi nhanh, tập dượt để dự thi bơi toàn quốc. Phụng được nhiều giải thưởng thể thao về đủ mọi thứ và được nhiều nữ sinh để ý. Tôi thua chú em tôi ở cái đó. Cái thú của bơi là để các cô đi dạo quanh bờ tò mò cúi đầu xuống nhìn mình. Mỗi lần có cô nào nhìn thì mình cũng cố bơi nhanh lên một tí. Ra cái điều.
Ở Crévost chúng tôi còn có một thú chơi khác. Đó là ngắm trộm các nữ sinh tập đàn piano. Ngay trước cửa nhà tôi bên kia đường là một lớp dậy đánh đàn piano, do thầy Duyệt dậy. Một là đứng ở balcon nhà nhìn sang. Nhưng đứng ở đây thì có thể các cô hay thầy nhìn thấy và hạ màn cửa xuống. Và nhìn ở đây thì xa quá bởi vì trước nhà còn có một cái sân khá rộng. Ở giữa sân truớc nhà có một cây cao, to lớn và nhiều lá, và tôi không còn nhớ tên của loại cây đó. Chúng tôi (em trai và vài anh bạn) bèn có sáng kiến là leo lên cây đó để nhìn sang. Vừa gần và vừa không bị ai để ý hết. Thú lắm. Đôi khi gặp 1 cô đi dạo quanh hồ Ha-Le thì gạn hỏi là hôm nay không đi tập đàn hả. Cô ta cứ ngẩn người ra có lẽ tự hỏi tại sao tôi biết. Còn tôi thì rảo bước đi nhanh và mỉm cười thích chí lắm.
Trước đây vài năm khi lần đầu tiên trở về Hà Nội chúng tôi đã lại thăm chiếc nhà cũ của chúng tôi. Từ ngoài nhìn vào, căn nhà vẫn nguyên vẹn như cũ, vẫn lớp vôi vàng nhạt như xưa, có lẽ chưa bao giờ được quét vôi lại. Mở cổng nhỏ bước vào trong nhà. Cái cây to lớn trước cửa nhà vẫn còn đó, nhưng lá cây có vẻ thưa thớt và không còn xanh như ngày trước. Sân vuờn bên trái nhà vẫn còn có mấy cái hầm trú ẩn xây hồi trước. Cỏ dại và những cây nhỏ mọc đầy trên nóc hầm trú ẩn. Thấy cửa nhà bên trái mở, tôi vội bước vào, gặp một bà ở trong phòng đó. Tôi tự giới thiệu là đã sống ở cái nhà này trước đây và xin phép cho vào thăm căn nhà. Bà ta nhanh nhẹn trả lời, nói rằng cứ tự nhiên, đứng ngoài nhìn thôi, không được vào trong nhà và cũng không được lên gác. Bà ta giải thích là dưới nhà bây giờ là trường học mẫu giáo, trên gác thì có bốn gia đình sống ở trên đó, và căn nhà xép ở sau nhà cũng có hai gia dình khác ở.
Trước đây ở dưới nhà có 3 phòng và 1 phòng tắm, ba me tôi cho 1 gia đình bác sĩ mướn, vừa ở vừa làm phòng mạch. Chúng tôi ở trên gác gồm có 3 phòng, 1 phòng tắm và 1 cái balcon chạy chung quanh hai phần tư căn nhà. Đây là balcon mà chúng tôi thường đứng nhìn sang trường piano của thầy Duyệt. Đàng sau nhà là 1 căn nhà xép có gác, ở dưới là phòng chứa và ga-ra xe hơi. Bên trên là 2 căn phòng cho những người làm. Nhìn lên gác tôi thấy có tiếng người nói. Nhìn sang phía đường xe vào ga-ra bên phải nhà thì bây giờ đã bị xây tường ngăn ra khỏi căn nhà chính và họ xây lên thành 1 căn nhà khác.
Những
thay đổi này không làm cho tôi buồn tí nào cả.
Cái làm cho tôi buồn nhất là trường piano bên kia đường trước nhà không
còn nữa. Khu trường học bây giờ là 1 cao
ốc, của ai và để làm gì tôi không biết.
Tiếng
đàn thường nghe không còn nữa.
Hình
dáng các sinh nữ xinh đẹp đi học đàn không còn nữa.
Tôi thờ dài và rảo bước ra khỏi căn nhà cũ, ra khỏi những kỷ niệm cũ hồi thơ ấu.
Khác
rồi ... Hà Nội cũ chỉ còn
trong trí nhớ ...!!!
3- Thư
anh Nguyễn Sĩ Tuất
Cám ơn anh.
nsituat (2021)
No comments:
Post a Comment