Friday, January 21, 2022

Cái "Deck" Nhà Tôi - Nguyễn Giụ Hùng


Sáng sớm nay, khi tỉnh dậy, công việc đầu tiên tôi nghĩ tới là phải cọ sạch cái “deck” (sàn gỗ) sau nhà.

Bước ra vườn, trời hôm nay đẹp quá. Thời tiết San Jose đang đổi sang lành lạnh, cái lành lạnh của mùa thu. Nhìn quanh vườn, chẳng thấy thu đâu, chẳng thấy lá vàng bay mà tôi chỉ thấy cô hàng xóm, cái cô gầy đét cuối ngõ, đang vén quần, trốn mẹ, nhẩy hàng rào, dáo dác tìm tôi.

Nhắc đến cô hàng xóm này, tôi như chợt nghĩ tới một điều gì, một điều có liên quan đến cái deck nhà tôi. Tôi xin cố nhớ để kể các anh nghe.

Một hôm đẹp trời, không phải cái đẹp man mát của mùa thu với lá vàng rực rỡ mà là cái đẹp "nóng và bỏng" của mùa hè oi bức. Tôi cong lưng mài cái deck sau nhà với chiếc máy mài (sander) vừa mua với giá 49,99 đô-la ở Home Depot.

Dưới cái nắng gay gắt, nhiệt độ tròm trèm 100 độ F, tôi cứ phải cong lưng mài riết, mài và sơn cái deck cho kịp theo lời vợ dặn. Tôi còn nhớ, hôm đó, khi tôi đang mài deck thì "kính koong". Tiếng chuông ngoài cửa vừa dứt đã nghe thấy những bước chân nặng nề bước vào nhà, hai quan ngài (bạn đồng niên) hàng xóm ngõ bên, đang lọm khọm sang chơi. Tôi định buông chiếc máy mài vào tiếp hai ngài thì hai ngài đã vội xua tay:

- Tiếp tục làm! Tiếp tục làm!

Tôi còn dở tay, người đầy những bụi gỗ nên đành để hai ngài ngồi chơi với nhau. Hai ngài “self serve” nước uống lẫn "enjoy" TV với trận đấu bóng đá.

Tôi lại tiếp tục cong lưng và cong lưng làm việc dưới cái nắng thiêu người.

Chợt một ngài bước ra deck, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống cái deck, nói một chữ duy nhất “Đếch!”rồi lẳng lặng quay vào.

Tôi hiểu ý ngài là muốn ra một đề tài cho tôi để viết bài gửi đến anh em trong làng, ngoài ngõ khu mình. Tôi đếch hiểu ý ngài, "đếch" tiếng Việt hay "deck" tiếng Mỹ đây. Cả hai phát âm đều là "đếch" cả. Ngài khó hiểu như đức Phật, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà phán:

   Thiên thượng thiên hạ,

   Duy ngã độc tôn.

   Sinh tử vô lượng,

   Ư kim tận hỉ.

(Tôi hiểu nôm na và rất lờ mờ là: Trên trời, dưới đất. Tất cả do tâm tạo ra. Vì cái lầm có trên có dưới nên mới lọt vòng sinh tử mãi mãi. Và vì nhận biết được như vậy nên từ nay trở đi ta vui sướng vô cùng.)

"Đếch" tiếng Việt thì quả thật đây là một tiếng thuộc ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ bất cứ thằng Tây nào học tiếng Việt cũng phải "hộc máu mồm". "Đếch" là một trong những chữ có chức năng thật đa dạng làm sao! Nó đa dạng như những tiếng cười " của dân ta vậy. “Đếch” còn là một từ ngữ có tính ngoại giao lẫn văn hoá cao của ngôn ngữ bình dân ta nữa. Này nhé:

*/ Tiếng "đếch" mang ý nghĩa phủ định:

   -  Đếch có, đếch được, đếch phải.

*/ Tiếng "đếch" mang ý nghĩa phản kháng. Trong trường hợp này đôi khi tiếng "đếch" mang đầy ý nghĩa của uy quyền nên những đại danh từ dùng với nó thường có danh xưng là "ông" hay "bà".

    - Ông đếch làm, bà đếch học.

*/ Tiếng "đếch" mang ý nghĩa thách thức:

   - Làm đếch gì được ông!

*/ Tiếng "đếch" mang ý nghĩa chê bai:

   - Làm ăn chẳng ra cái đếch gì cả.

*/ Tiếng "đếch" mang ý nghĩa nghi vấn:

   - Thế là cái đếch gì?

*/ Tiếng "đếch" mang ý nghĩa xuề xòa, sao cũng được:

    - Thôi! cái đếch gì cũng được, đem ra đây nhậu.

*/ Tiếng "đếch" mang ý nghĩa số nhiều lẫn bao gồm:

   - Ôi! Cô đếch nào còn trẻ mà chẳng đẹp.

*/Tiếng "đếch" mang ý nghĩa của thán tán từ:

   - Ngon đếch chịu được!

"Đếch" thì giầu có lắm, cứ ngồi nghĩ thêm một tý nữa là ta sẽ có thêm một loạt trường hợp để dùng với chữ "đếch" này.

 Chữ "đếch" có đứa em song sinh, đó là chữ "cóc". Ta cứ nhập nhằng thay chữ   "đếch" này bằng chữ "cóc" thì ta cũng khó nhận ra được sự khác biệt của chúng. Nhưng cái âm thanh "cóc" nó thanh tao hơn "đếch" nên đành nhận phận làm em. Có những chữ đứng bậc cha chú của “đếch” nhưng tôi xin miễn kể ra đây vì cái âm thanh “eo éo” của nó.

Đấy là chữ "Đếch" tiếng Việt, thế nếu là chữ "Deck" tiếng Mỹ thì sao nhỉ? Cái này mới thật là khó. “Deck” thì có cái đếch gì đâu mà viết, mà kể lể. Cứ xếp những thanh gỗ dài và hẹp lại với nhau là thành cái "deck" rồi, nó nghèo nàn ý nghĩa như cái nghèo của kinh tế Mỹ hôm nay, nợ như chúa Trổm. "Bí" thế này thì chỉ còn cách kêu cứu với cô hàng xóm. Tôi gọi toáng:

- Đẹt ơi, có nhà không, sang với anh một tý, một tý thôi.

Cô Đẹt đáp vọng sang:

- Em sang ngay, làm cái đếch gì mà gọi nhắng lên thế? Sao anh không gọi con Mộng mập đầu ngõ.

Nói vậy nhưng Đẹt vẫn lén nhẩy hàng rào chạy sang. Dưới trời nắng chang chang, Đẹt thấy tôi cong lưng đẩy cái máy mài, đứng cười cười rồi bẽn lẽn nhõng nhẽo đu đưa chiếc thân gầy ốm tong teo hỏi:

- Anh đang làm cái đếch gì vậy?

Đang lúc nóng gần chết nên dễ sinh ra cáu kỉnh, tôi định hỏi lại:

- Đếch có mắt à, còn phải hỏi?

May mà tôi kìm lại được ngay.

Cái cô Đẹt hàng xóm nhà tôi tên thật là Liễu, một thứ liễu yếu đào tơ, một thứ liễu "diet" (nhịn ăn cho gầy vì tưởng gầy là đẹp) nên chỉ còn có da bọc lấy xương. Ông hàng xóm đặt tên cho cô là Đẹt, ông bịa giải thích “đẹt” là tiếng Việt cổ ngày xưa, "đẹt" nghĩa là "đẹp", người ta nói trẹo ra thành “đẹt” như thế cho sang, cho quý phái. Liễu nghe thế nên cứ bắt tôi phải gọi cô là Đẹt. Cô chẳng thể hiểu nổi cái ngôn ngữ phong phú của dân ta nên tôi thôi, đành phải gọi cô là Đẹt vậy.

Đẹt chợt lên tiếng:

- Anh gọi Đẹt sang làm giúp hả?

Tôi đáp:

- Không, gọi em sang để nói chuyện "phịa" (nói dóc) về cái “deck” thôi, anh đang “bí”.

 - Thôi cho em làm đi, em thich làm cơ. Cô lắc lư chiếc thân gầy gò, nhõng nhẽo năn nỉ.

- Thế em có kinh nghiệm gì về mài không?

-  Có, có! Em biết mài từ khi em còn ở trong bụng mẹ cơ.

-  Cái gì! Đẹt nói cái gì!?

- Mẹ em nói từ khi em còn ở trong bụng Mẹ, Mẹ đã phải mài nhiều lắm, mài   ngày không đủ, tranh thủ mài đêm.

Tôi trợn tròn mắt hỏi:

- Mẹ em mài cái gì mà ghê thế?

Cô trả lời ngay:

- Mẹ em nói "mài đũng quần" ở trường học, ngày đi học trường công, tối học trường tư. Anh cho em mài đi!

Tôi bật cười với ý nghĩ vô tư của Đẹt. Tôi đưa cái máy mài cho cô, hỏi thêm:

-  Mẹ em hôm nay đi đâu mà để em trốn sang anh vậy?

- Mẹ em đi "đĩ ngựa".

- Cái gì? Tôi giật giọng hỏi.

Cô lập lại:

- Bạn mẹ em chết, người ta chôn bà ấy ở "đĩ ngựa". Mẹ em đi đưa.

- Trời ơi!  "Nghĩa địa" chứ không phải là "đĩ ngựa".

- Ai mà biết, mỗi khi em lén đi chơi khuya về, mẹ em trông thấy lại xỉa xói mắng: "Tao chôn màyĐĩ ngựa!".

- À ra thế! Tôi lẩm bẩm một mình.

Đẹt chuẩn bị làm, cô quỳ hai chân, chống hai tay, chổng mông lên trời đánh vật với cái máy mài. Thân thể cô, từ xương sườn, xương hông đến xương chậu cứ như long lay xiêu vẹo trong bộ quần áo trắng mỏng, thùng thình rộng cổ của cô mỗi khi cô xoa tay mài. Cô mài đến đâu, bụi gỗ bay đến đấy, xoàn xoạt ngấu nghiến những mảng gỗ mà cô vừa xoa tay qua. Tôi chợt nghĩ đến câu của các cụ bà ngày xưa:

   Mẹ ơi con chỉ lấy anh thợ bào

   Khom lưng anh đẩy cái nào cũng ... (đáng) "yêu".

Nhìn cô hàng xóm nhà tôi, tôi nghĩ, chắc trong trường hợp này các cụ ông nhà ta xưa hẳn phải có câu:

   Mẹ ơi, con chẳng (dám) lấy cô thợ mài,

   Đưa tay xoa nhẹ (dẫu có) anh tài cũng ..."tiêu".

Ô kìa kìa . . . Ô kìa kìa! (bài hát). Vô tình tôi nhìn thấy qua "khung cửa mùa thu" rộng thùng thình theo kiểu “cổ áo bà Nhu”, cô có cái rốn lồi. Mọi thứ thì bé chỉ có cái rốn lồi là to. Với cái nhìn thanh khiết của một nhà thám tử, tôi biết được "nguồn cội" của cô, cô được sinh ra tại một nơi, nơi ấy người ta cắt rốn trẻ sơ sinh bằng miếng nứa miếng tre.

Nghe tiếng máy mài chạy ồn ào, chắc hai ngài tỉnh giấc lò dò ra góp chuyện.

Tôi giới thiệu hai ngài với cô. Cô chào ngài thứ nhất một cách kính cẩn:

- Cháu chào Bác ạ!

Cô quay sang chào ngài thứ nhì, cũng không kém phần lễ phép:

- Cháu chào Chú ạ!

Đẹt ghé tai tôi nói nhỏ:

- Sao anh có bạn già thế, tóc bạc hết rồi.

Nói xong cô nheo mắt mỉm cười hóm hỉnh, bẽn lẽn bỏ ra về. Vẫn động tác nhanh nhẹn quen thuộc, cô vén quần, nhầy vù qua hàng rào nhà tôi rồi mất dạng. Hai ngài ngơ ngác nhìn theo.

Tôi đã nói với các ngài là, có 5 đô-la một lọ thuốc nhuộm tóc, tiếc gì mà chẳng mua về mà nhuộm tóc đi như tôi. Rẻ thôi, chỉ tốn 5 đô-la thôi ta có được tuổi thanh xuân. Nói đến đây tôi lại nhớ tới một người bạn, hung hăng khoe nhặng cả lên về cái "sung sức" của mình. Sự oai hùng ấy quả thật chỉ đáng giá 10 đô, 10 đô -la một viên. Có bảo hiểm nhà nước (medicare) thì free (cho không).

Thôi, không dông dài nữa, tôi phải đi làm việc đây, nhà tôi sắp dậy rồi. Nghĩ   đến nhà tôi, tôi lại nhớ đến những người đàn bà ở Afghanistan. Kể từ ngày người Tây phương mang dân chủ tới đây, người đàn bà được giải phóng như nào là không phải che mặt, nào là đàn bà luôn đi trước (lady first), đàn ông luôn đi sau, nhưng tôi nghe đâu ở Afghanistan lúc này có lắm bãi mìn.

Tôi liếc vội vào trong nhà, sáng nay nhà tôi dậy sớm hơn thường lệ, nàng tất tả lo bếp núc, đánh vật với nồi xôi lúa (xôi bắp) thật to. Cứ thấy nàng hì hục, ì ạch khuân nồi xôi, tôi mới thấy rõ ra một điều làm tôi ái ngại và thương. Sức khoẻ nàng năm nay kém hơn năm ngoái vì cái tuổi thời gian cứ mỗi ngày một chồng chất lên cao. Thời giờ của nàng trước đây dành cho chồng, cho con, rồi nay lại dành thêm cho cháu. Hình như nàng không còn có thời giờ nào dành cho mình nữa thì phải. Thông thường tôi không nhận ra điều đó, chỉ trừ khi lòng tôi chợt thấy “từ bi bất ngờ” (TCS) như lúc này.

Tôi cứ cắm cúi cọ cho sạch cái “deck”. Và tôi biết ở cuối vườn, cô hàng xóm nhà tôi đương phụng phịu, dậm chân, ngúng nguẩy bỏ ra về. Tôi lờ. Cười.

NGUYỄN GIỤ HÙNG

No comments:

Post a Comment