Chuyến đi du lịch vòng quanh nước Úc vừa qua đã giúp
cho ông Nam tự tin rất nhiều. Ông cảm thấy yên tâm và không còn phải nghĩ ngợi
về quyết định của ông nữa.
* * *
Ông Nam tuy mới sáu mươi tuổi nhưng trông có vẻ già hơn so với những người cùng
tuổi. Ông Nam sang Úc vào đầu thập niên 1980. Qua bao nhiêu năm vất vả, cuộc sống
của gia đình ông Nam nay đã hoàn toàn ổn định. Ông có ba người con, tất cả đã
thành tài, có địa vị và công việc vững chắc trong xã hội. Hai trong số này đã
có gia thất yên ổn. Ông chỉ còn chờ ngày uống rượu của cô con gái út và chuyện
đó cũng sắp xảy ra. Cách đây bảy năm, sau khi đã trả dứt nợ căn nhà đang ở, ông
xin về hưu sớm và ông cùng vợ đã về thăm lại quê hương. Trong chuyến về thăm Việt
Nam này, một tai họa lớn đã xảy ra. Trong một lần đi theo đoàn du lịch thăm các
tỉnh miền Tây, chiếc ghe chở khách đã bị đắm tại cửa biển Nam Căn, một số người
biết bơi, một số người được cứu sống, có vài người bị chết đuối, trong đó có vợ
ông.
Sau khi làm thủ tục chôn cất người vợ xấu số, ông đã bỏ dở chuyến du lịch để trở
về Úc với một nỗi buồn mà chắc ông không thể nào quên được.
Mỗi lần tôi đến thăm ông, ông đều ngậm ngùi ngước lên bàn thờ có hình vợ ông và
kể cho tôi nghe về những khó khăn, những khổ cực mà vợ ông phải chịu trong những
năm đầu đến Úc. Ông nói về những ngày làm farm vất vả, xa xôi, về những buổi tối
đi quét dọn, hút bụi ở các trường học. Như phần đông những người đàn bà Việt
Nam ở thế hệ đó, tuy rất khổ cực nhưng vợ ông không bao giờ than vãn mà vẫn
luôn luôn vui vẻ hy sinh cho chồng, cho con. Không dằn được giọt lệ rơi trên má
khi nghĩ đến người vợ thân yêu suốt đời tảo tần vất vả cho đến khi có thể hưởng
được chút ít nhàn hạ thì lại vĩnh biệt cõi đời. Ông nói nhỏ: "Âu cũng là
cái số, cái nghiệp anh a!".
Cũng kể từ ngày đó. Căn nhà trở nên trống vắng lạ thường. Đi ra, đi vào cũng chỉ
có mình ông. Tối về thì có thêm người con gái út. Hai cha con cũng ít nói chuyện
với nhau. Ông đến sở và xin đi làm lại để hy vọng sẽ quên đi nỗi buồn này.
Bốn năm sau, Lan, cô con gái út cưng đi lấy chồng để lại cho ông thêm sự trống
vắng của căn nhà vốn đã trống vắng từ lâu rồi. Các con ông, tuy rất thương ông
nhưng có thể vì được hấp thụ nền giáo dục ở Úc nên cũng không hợp với ông. Một
đôi khi cũng có những hiểu lầm hay xung đột nhỏ giữa hai thế hệ cha, con. Lan,
cô con gái út thỉnh thoảng có về thăm ông, còn hai người con trai vì ở xa và
làm việc tận city nên cũng rất ít về thăm ông, ngoại trừ vào những dịp giỗ hay
tết.
Cuộc sống trầm lặng của ông Nam cứ đều đều trôi đi như dòng nước êm đềm chảy trên
một dòng sông nhỏ yên tĩnh. Đôi lúc ông có ý định trở về Việt Nam sống hết chuỗi
ngày còn lại với hai người em mà ông rất mực thương mến từ nhỏ.
Cách đây hơn hai năm, trong một buổi sinh hoạt cộng đồng. Ông Nam đã gặp cô
Thu. Sự thực thì cô Thu cũng chỉ kém ông chừng năm, sáu tuổi, nhưng ông luôn có
thói quen gọi là "cô Thu". Cô Thu, người đàn bà lịch lãm đã làm cho
ông Nam phải thay đổi cả nhân sinh quan về những ngày còn lại của cuộc đời. Nhiều
lần gặp gỡ và nói chuyện sau đó đã làm cho ông Nam cảm thấy rất tâm đầu ý hợp
và vui nhiều hơn. Ông Nam được biết cô Thu trước đây là một giáo viên bên Việt
Nam và đã qua Úc được hơn mười năm. Có lẽ một cuộc tình dang dở nào đó vào thời
thanh xuân đã là một trắc trở cho người đàn bà lịch lãm này. Hiện nay cô đang
phụ giúp người em điều hành một tiệm giặt ủi nhỏ trong một vùng có đông người
Úc ở Melbourne. Tuy khá bận rộn nhưng mỗi tuần ông và cô Thu đều có những ngày
cuối tuần chuyện trò cùng nhau. Ông Nam thích văn thơ và cô Thu vốn là một giáo
viên dạy Việt Văn ở Việt Nam nên cũng rất am tường về lãnh vực thơ văn này. Mỗi
khi rời sở làm sớm, ông Nam thường ghé tiệm giặt ủi để phụ giúp và nói chuyện với
cô Thu. Thỉnh thoảng, cô Thu cũng lái xe tới nhà ông Nam vào dịp cuối tuần để
giúp ông chuẩn bị bữa cơm khi có vợ chồng Lan, con gái út của ông về thăm.Tình
bạn ban đầu giữa ông Nam và cô Thu dần dần đã trở thành tình yêu. Ông cảm thấy
yêu cô Thu. Ông cần có một người bạn đời để tâm sự, nâng đỡ nhau trong những
ngày còn lại.
Cuộc tình giữa ông Nam và cô Thu tuy được bạn bè khuyến khích nhưng lại bị các
con ông âm thầm phản đối. Mỗi lần các con ông bắt gặp ông đi cùng cô Thu và nhất
là nhìn thấy cô Thu ở nhà ông là các con ông đều lạnh nhạt, chỉ chào hỏi qua
loa rồi tìm cách lảng tránh. Một đôi lúc, các con ông cố tình lại thắp hương
trên bàn thờ như nhắc nhở ông về người mẹ của chúng. Ông Nam rất đau khổ về
chuyện này. Cô Thu vì tế nhị nên sau đó không đến nhà ông Nam nữa. Giữa năm đó,
ông bị bịnh đau chân phải vào nhà thương điều trị. Các con ông vì bận việc đã
không săn sóc ông được. Cô Thu mỗi ngày đều đến với ông để an ủi cũng như giúp
ông tập những động tác đi lại theo lời chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Đã có lần ông Nam nói với cô Thu:
- Cô Thu đừng nghĩ ngợi về chuyện con cái của tôi đối xử với cô nhé. Tụi nó sống
và lớn lên ở nước Úc này, phần lớn chỉ nghĩ đến cá nhân mình nhiều thôi. Ngay
như tôi đây, bao nhiêu năm vất vả lo cho chúng mà nay chúng cũng đối xử với tôi
hết sức ơ hờ. Chúng không hiểu gì về cuộc sống của tôi. Chúng luôn đòi hỏi tôi
phải thế này, tôi phải thế nọ mà chưa hề nghĩ cách giải quyết vấn đề cho tôi.
Tóm lại là tôi thấy chúng đòi hỏi nhiều quá. Tôi biết cô buồn và nghĩ ngợi rất
nhiều sau mỗi lần cô gặp chúng nó.
Cô Thu chậm rãi trả lời:
- Có thể chúng nghĩ đến mẹ của chúng và cho tôi là người đàn bà xen vào cuộc sống
của gia đình anh.
Ông Nam chậm rãi trả lời:
- Tôi biết điều đó. Tôi luôn nhắc và khuyến khích chúng phải nghĩ về mẹ của
chúng, một người mà như đã có lần tôi tâm sự cùng cô, đã vất vả lo lắng cho
chúng ngay từ tấm bé. Nhưng tôi nghĩ vấn đề không hẳn như vậy. Tôi có cảm tưởng
như chúng ganh tị với tình cảm giữa cô và tôi. Tôi đã giải thích cho chúng nhiều
lần rồi và sẽ còn kiên trì giải thích thêm đê chúng hiểu.
Cô Thu im lặng không nói gì cả.
Trong một lần có đông đủ các con về thăm, ông Nam đã đưa vấn đề quan hệ giữa
ông và cô Thu ra bàn bạc cùng các con ông. Chúng không phản đối ra mặt và chỉ
im lặng nghe ông nói.
Ông Nam kết luận:
- Như các con biết đó, ba rất thương mẹ, mẹ các con đã long đong vất vả bao
nhiêu năm để rồi đến khi được thong thả thì lại không còn sống để mà hưởng, để
mà nhìn thấy các con thành đạt. Phần ba, hơn bảy năm qua, ba rất buồn nên đã
xin đi làm trở lại, nay bệnh đau chân của ba lại tái phát ở cái tuổi già này.
Nhiều lúc cơn đau nó đến bất chợt và hành hạ ba rất nhiều. Có nhiều lần, sau
khi tắm xong, ba tưởng không thể thay quần áo được. Các con thì ở xa và cũng ít
khi về thăm ba được. Những lúc như vậy, chỉ có một mình, ba lo sợ lắm. Cũng may
là có gia đình chú thím Minh ở gần nên thỉnh thoảng cũng chạy qua giúp đỡ ba.
Phan, người con lớn nhất xen vào:
- Hay là để chúng con đưa ba vào viện dưỡng lão!
Ông Nam buồn buồn trả lời:
- Ba không thích ở trong viện dưỡng lão lúc này vì ở tuổi ba cũng chưa cần phải
vào đó. Ba còn có thể đi làm được một vài năm nữa. Ba chỉ thấy cô đơn và buồn
trong những lúc đau yếu. Ba nghĩ ba cần có một người bạn đường tâm đấu ý hiệp để
cùng ba chia sẻ trong những tháng ngày còn lại. Ba nghĩ điều này cũng hợp lỳ vì
như vậy cũng làm cho các con yên tâm hơn. Các con đã biết cô Thu. Ba nghĩ là ba
có thể cùng với cô Thu chia sẻ những vui, buồn của nhau. Các con hiểu cho ba.
Ba vẫn thương yêu mẹ các con. Cô Thu cũng kính trọng mẹ các con. Các con nhớ
không, mỗi lần đến nhà mình, cô Thu đều thắp cho mẹ một nén nhang để tỏ lòng
thành kính với người quá cố. Sau này khi ở vào hoàn cảnh của ba, các con sẽ hiểu
cho ba hơn.
Các con của ông Nam tuy vẫn im lặng nhưng có vẻ hiểu và thông cảm cho ông. Trước
khi về, Phan nói:
- Con nghĩ ba tính vậy cũng được. Các con vì ở cũng xa và cũng khá bận rộn nên
không thể gần gũi ba được thường xuyên. Có điều chúng con nghĩ, nếu ba có ý định
như vậy thì ba cũng cho cô Thu biết và ba cũng nên chọn một ngày để giới thiệu
cô Thu với họ hàng và bạn bè.
Ông Nam nở một nụ cười sung sướng. Buổi nói chuyện ngày hôm nay đã giải tỏa cho
ông bao nhiêu buồn bực chất chứa trong lòng bấy lâu.
Sau lần nói chuyện với các con hôm đó, ông Nam đã mời cô Thu đi du lịch một
chuyến ngắn ngày qua một số tiểu bang của Úc. Trong chuyến du lịch này, ông và
cô Thu đã có dịp chuyện trò cởi mở cũng như đã có thời gian tâm tình với nhau rất
nhiều. Ông cũng đã có dịp làm quen và trao đổi với một số người Việt Nam trong
chuyến đi đó. Mọi người khi biết chuyện của ông và cô Thu đều vui vẻ góp ý bàn
bạc. Cũng trong chuyến đi này, ông Nam đã cùng cô Thu quyết định sẽ làm một bữa
tiệc tại một nhà hàng nhỏ ở Footscray. Bữa tiệc này nhằm mục đích công khai
chính thức giới thiệu với một số nhỏ họ hàng, bạn bè thân quen về quyết định sống
chung của ông và cô Thu.
* * *
Cách đây vài tuần, khi lên Melbourne thăm một người bạn, vợ chồng tôi có gặp
ông Nam và ông mời chúng tôi đến nhà ông ăn phở do chính ông nấu. Hôm đó có cô
Thu. Ông Nam kể cho chúng tôi nghe là mới bị đau chân trở lại mấy ngày qua có lẽ
vì do thời tiết thay đổi.
Vợ tôi cười hỏi ông:
- Bây giờ anh Nam có thấy cần phải có một người ở bên cạnh anh không?
Ông ngước nhìn cô Thu mỉm cười và trả lời nho nhỏ:
- Cần, cần chứ.
Để chia sẻ niềm vui của ông Nam, vợ tôi đã đọc vài câu thơ trong bài "Tình
Già" của cụ Phan Khôi cho ông nghe và nói: “Không được quên mời chúng tôi
uống rượu đó.
mai khánh thư - phạm doanh môn
No comments:
Post a Comment