Wednesday, January 12, 2022

Lấy Vợ Đầm - Cao Đắc Vinh


Lời tác giả: Đôi khi xuống phố, chúng ta gặp một người lạ giống hình ảnh người thân... Câu chuyện dưới đây cũng thế, nếu việc ấy xảy ra sẽ chỉ là sự trùng khớp ngẫu nhiên. CĐV

Tuấn kéo cao cổ áo cho đỡ lạnh...

Trời mùa thu Paris nhiều mây xám và gió rét, trước mắt chàng tất cả đều mới lạ từ con người đến cảnh vật. Chuyến Air France cất cánh ở Tân Sơn Nhất Sài Gòn đáp xuống phi trường Orly sau nhiều giờ bay vừa mang Tuấn đến đây với giấc mơ “Tây du” trở thành hiện thực. Bên cạnh nỗi buồn nhớ nhà, nhớ bạn, nhớ quê... lòng chàng còn đang xao xuyến giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” tuổi 18 thanh niên xa nhà du học luôn ấp ủ một cuộc đời mới với sự nghiệp đầy hứa hẹn nhưng chẳng ai biết trước duyên kiếp, số phận ngày mai rồi sẽ ra sao?

Trên đại lộ St Michel, khách tản bộ xuôi ngược như dòng nước chẩy, thỉnh thoảng vài cặp dừng lại âu yếm hôn nhau ngay trên vỉa hè tấp nập mà lạ lùng thay... ngoài chàng ra chẳng thấy ai bận tâm dòm ngó! Đứng ở đầu đường Soufflot, Tuấn chăm chú nhìn chiếc cổng sắt hoa văn dẫn vào khu vườn Luxembourg mà thời thơ ấu khi đọc bài “La Rentrée” đã bao lần chàng mơ tưởng đến hình ảnh cậu bé Anatole France tay đút túi quần, cặp sách đeo lưng tung tăng đến trường như con chim sẻ băng ngang qua nơi này... Mùa thu tháng 10 giữa thập niên 60 lá vàng bắt đầu rơi trên vai các pho tượng trong công viên, nhìn trời nhiều mây xám và lắng nghe tiếng lá thu xào xạc, tâm hồn Tuấn như bị chia đôi: nửa hồn nôn nao nhớ nhà, nửa kia náo nức vì cảnh lạ xứ người nhưng nhớ quê thì ít mà cảm nhận quang cảnh bơ vơ trước mắt thì nhiều.

Bơ vơ vì mới hôm qua Tuấn còn quây quần bên gia đình, hít thở thời tiết vùng nhiệt đới mưa nắng hai mùa thế mà bây giờ một mình lạc lõng vào không gian thu - đông bốn mùa. Con người nơi đây có lối sống phóng khoáng và quyến rũ bội phần... Dập dìu trên phố, những cô Đầm tóc vàng nâu, cặp mắt to với hàng mi dài trên làn da trắng vừa đi vừa cười đùa lả lơi và mỗi lần có cô nào bước qua mặt đến gần là thoang thoảng cuốn theo một mùi thơm. Những năm trung học, Tuấn cũng đã biết u châu qua sách vở nên chẳng mấy ngạc nhiên, nhớ là sau cách mạng nam nữ bình quyền, nước Pháp nổi tiếng với tự do, dân chủ, phụ nữ đẹp và nước hoa... Họ như những đóa hồng tươi thắm sớm khoe sắc hương, giấu sao được nét lẳng lơ ở tiếng cười trẻ trung và phần da thịt gợi cảm đáng lẽ phải che đậy thì lại kín hở lộ ra ngoài, thu hút sự chú ý của những chàng trai phong nhã biết tỏ lời tình tứ! Chưa ai dễ quên phim ảnh cô đào Brigitte Bardot khỏa thân, thần tượng “new wave” một thời ở phương Tây đã làm hàng triệu thanh thiếu niên trên quả địa cầu này mê mẩn. Đất nước họ thanh bình nên đời sống sung túc, tìm mọi cách hưởng thụ chẳng thế mà thời trang từng mùa có mầu sắc khác biệt và kiểu áo mới càng ngày càng thiếu vải rồi mỗi dịp gặp gỡ các cô lại sức một mùi nước hoa riêng...

Bơ vơ cũng vì Tuấn vừa từ giã người yêu lên đường, cô em gái nhỏ Trưng Vương ngày ngày còn cắp sách đến trường lúc nào cũng khép nép e thẹn, cử chỉ ý tứ vì mặc cảm sợ chê cười, luôn tránh né bộc lộ sự rung động bên trong hay nét đẹp thể xác bề ngoài. Tình câm nín nhưng đẹp ở chỗ kín đáo, tế nhị hiểu ngầm... như câu thơ Kiều “tình trong như đã mặt ngoài còn e” thế nên ở quê nhà, bao chàng nhút nhát dễ trở thành nhạc sĩ viết khúc ca dang dở tỷ dụ Lê Hoàng Long với Gợi Giấc Mơ Xưa: “Em ơi, tình duyên lỡ làng rồi, còn đâu nữa mà chờ...” hay thi sĩ Lưu Trọng Lư: “Tình đôi ta vời vợi, có nói cũng không cùng” để rồi cuối cùng: “Nhìn nhau mà lệ ứa, một ngày một cách xa...”.

Cách xa nhau vì dụt dè mà lỡ duyên, quả tình... buồn và đáng tiếc dù trong thi văn hay ngoài đời nhưng lúc quen nhau, hứa hẹn rồi “xa mặt cách lòng” thì sẽ đáng trách hơn đáng buồn! Đó phải là kinh nghiệm cho lứa tuổi đôi mươi, nam nữ dễ tỏ tình nhưng cũng rất dễ yếu lòng trước đường đời trăm vạn nẻo? Hoàn cảnh giăng mắc như lưới nhện, cám dỗ bởi thuyết hiện sinh coi trọng tình yêu, tình dục và hưởng thụ... Tuấn cũng không là ngoại lệ để thoát khỏi cái vòng kiềm tỏa ấy! Chỉ vài năm sau trên đất lạ thành quen, hết bơ vơ khi đã đủ lông cánh, chàng quên người em gái năm xưa, lấy vợ Đầm rồi có cô con gái đầu lòng một năm trước khi ra trường.

Tình yêu đã gián tiếp chuyển hướng cuộc đời mà dù muốn hay không chàng cũng phải chấp nhận “ra khơi” khi ván đã đóng vào thuyền! Tuấn âm thầm ở lại Paris chưa vội về nước, mướn một căn phố nhỏ vùng ngoại ô, đi làm vừa thêm kinh nghiệm vừa cấp dưỡng gia đình có cô vợ trẻ Sylvie tóc mầu hạt dẻ và đứa con lai kháu khỉnh tên Phượng. Nàng tốt nghiệp sư phạm, dậy lớp mẫu giáo còn chàng là kỹ sư công nghệ, cả hai cùng bận công việc nên mỗi sáng phải gởi con ở nhà trẻ. Buổi chiều sau bữa ăn tối, con nằm nôi ngủ sớm, đôi khi chỉ đảo mắt xem tin tức truyền hình qua loa là đôi uyên ương lại cuộn vào nhau mặn nồng ân ái. Từ nay bơ vơ ơi... xin chào mi! Vợ chồng son dị chủng như nam châm đầy hấp lực nên yêu đương không mệt mỏi. Từ thể diện bề ngoài cho đến nội tâm, có biết bao quan điểm u - Á dị thường gợi tính tò mò lý thú cần khám phá tìm hiểu ở nhau vì thế khi nào mà tình yêu còn là một “puzzle” thì đối tượng vẫn còn sức lôi cuốn nồng thắm, đôi khi mạnh hơn cả sự hy sinh thiết yếu.

Dáng người Sylvie cân đối nhỏ nhắn, vừa mảnh khảnh lại vừa lồ lộ, có phần đẫy đà theo kích thước ba vòng trên dưới. Vẻ đẹp của phụ nữ Tây phương rất thuyết phục đối với đàn ông mới trưởng thành như Tuấn vì tính gợi cảm trực tiếp và nỗi uẩn khúc “thuộc địa” đến từ dĩ vãng lịch sử... đối nghịch hẳn với tình đồng bào, nét thâm thúy bền bỉ, “yểu điệu thục nữ” thường thấy ở những cô gái Việt. Tuấn không thể làm thơ yêu vợ, chuyện văn chương thơ thẩn như thời mới lớn bỗng nhạt dần có lẽ vì mỗi khi nhìn đôi mắt xanh thẳm, đôi môi khêu gợi, mái tóc thu vàng uốn từng sợi nhỏ cho đến tấm thân tạo hóa khéo vẽ nên hình tượng, chàng chỉ thấy dồn dập những khát khao, nhanh chóng lẫn lộn tình yêu vào tình dục nhất là khi mùi hương L’Air du Temps hay Madame Rochas thoảng trên làn da trắng như câu ca dao quê nhà tuy khác mùi nhưng chung một ý: “Thân em như lọn nhang trầm, không cha không mẹ muôn phần cậy anh”.
 
Điểm son của thiếu nữ Tây phương là sự thành thật... Nếu như trái tim có lý lẽ riêng và tình yêu là tiếng gọi từ xa vọng lại thì phần đông chuyện tình của những người con gái đang yêu xứ này dựa vào tiêu chuẩn đó. Khi trưởng thành, tâm hồn họ độc lập, ít bị ràng buộc vào trách nhiệm gia đình nên tính tình phóng khoáng tự chủ, tình cảm bén nhậy như văn hào Marcel Proust của họ đã dẫn: “L’amour, c’est l’espace et le temps rendus sensibles au coeur” tạm dịch nôm na cái triết lý cao siêu ấy: “Yêu là tim thổn thức bất kể không gian hay thời gian”. Yêu là yêu, say đắm vì say đắm... mọi yếu tố khác như xã hội, tôn giáo, gia đình, chủng tộc... ngay cả cái không gian đổi thay và thời gian bất biến dù có cân nhắc trước sau vẫn chỉ là phụ thuộc. Thế nhưng ở đời, hành động tốt hay xấu phỏng theo thế quân bình của tạo hóa đều có sẵn phản ứng ngược: hoa xuân chóng nở thì mau tàn, gái xuân yêu sớm thì tình dễ phai!

Mấy năm đầu, công việc làm và hạnh phúc lứa đôi chiếm trọn thời gian, nhìn từ phía ngoài tưởng như Tuấn đã thay hình đổi dạng, hãnh diện làm công dân một nước văn minh và quên hẳn quãng đời thư sinh thiếu thốn. Thực tế, sâu trong tiềm thức, đất nước xa xôi với hoàn cảnh chiến tranh vẫn hiện hữu trong lòng chàng và bố mẹ, anh em, người yêu hay bạn bè là những tình cảm chợt đến, chợt đi chẳng thể nào chuyển hóa hay tách rời.

Dòng đời âm thầm trôi... Đầu thập niên 70 trước Tết Nguyên Đán, Tuấn nhận việc mới ở Sài Gòn và hân hoan đưa vợ con theo chàng về quê hương. Công ty cấp cho gia đình một biệt thự xinh xắn gần phi trường Tân Sơn Nhất, tuy hơi xa thành phố nhưng nhà cửa thoáng mát, vườn tược rộng rãi nên trồng nhiều cây trái... có cả ao sen nhỏ, tre và chuối là những hình ảnh thân quen giống như cảnh quê tân thời bởi tiếng động cơ máy bay hàng ngày vẫn không ngừng lên xuống giữa trời. Chàng tin là ở vùng ngoại ô, biệt lập với cái không khí ô hợp của thủ đô sẽ giúp Sylvie và con gái dễ chấp nhận cuộc sống mới. Phượng sẽ vào học lớp mẫu giáo trường tư nước ngoài, nhà có chị Lan giúp việc chợ búa nấu ăn và còn thuê riêng bác tài đưa đón Phượng ngày hai buổi đi học hay mỗi khi Sylvie cần di chuyển vào trung tâm.

Biệt thự xây từ thời Pháp thuộc, gạch ngói kiên cố và sơ đồ phòng ốc tương đối thích hợp với gia đình có con mọn như vợ chồng chàng. Khó khăn vẫn là thời tiết miền Nam, hai mùa nắng nóng và mưa rào ẩm ướt... Vào dịp Tết, những tháng đầu năm khí hậu còn mát mẻ, qua đến mùa hè vì chưa quen, bản thân Tuấn cũng nhễ nhại mồ hôi, ngày tắm hai lần mà vẫn thấy nhớt nhát nói chi đến vợ con chàng! Phòng ngủ được lắp sẵn máy lạnh, quanh nhà đều có cửa lưới tránh muỗi ban đêm nhưng ban ngày chị Lan dọn dẹp vẫn thường mở toang cánh cửa chính ra vào để hơi ẩm thoát ra và đón nắng ấm vào nhà.

Từ dạo về nước, Tuấn hồ hỡi với việc làm, vừa nhiều trọng trách lại thêm vui với ý nghĩa phục vụ đất nước. Thu nhập hàng tháng so với chi tiêu cũng rất dư dả nên Sylvie chỉ quanh quẩn ở nhà đọc sách và lo cho cô con gái nhỏ... Chiều chiều, khi Lan đã chuẩn bị xong bữa tối, Sylvie rót ly rượu nhâm nhi ngồi đợi chồng về. Thời gian đầu, ăn món bản xứ vị ngon lạ miệng nhưng giống như Kiều "dần dà rồi sẽ liệu về cố hương", từ từ nàng cảm thấy ngán thực đơn quê chồng và thèm sản phẩm khô như xúc xích, pho mát camembert hay jambon... Cứ nửa tháng, Sylvie laị nhờ bác tài lái xe chở nàng đến mua ở một tiệm Pháp ngay trong cư xá gần phi trường rồi sửa soạn bữa ăn khô bánh mì thịt nguội vào cuối tuần như để tìm lại mùi vị thân quen tưởng rằng đã quên nhưng vẫn nhớ!

Thế rồi vào một đêm rầm sau cơn mưa, ánh trăng từ ngoài rọi sáng căn phòng ngủ, đang say giấc bỗng Tuấn bừng tỉnh bởi tiếng thét hoảng hốt của vợ... Sylvie bật dậy như chiếc lò so, vỏn vẹn chỉ có chiếc quần lót che thân, nàng với tay bật ngọn đèn đầu giường... miệng há hốc, mở to mắt và bình thường đôi mắt ấy đã to phút chốc lại tròn hơn lộ rõ nét kinh hoàng! Hồn vía lên mây vì nàng vừa nhìn thấy con cóc dềnh dàng bằng cổ tay, mụn da sần sùi nhẩy từ gầm giường nhẩy ra thế là vợ chồng thức suốt đêm, hãi hùng tìm bắt con vật xấu xí hiền lành. Đối với dân bản xứ, sự thể dễ hiểu khi những cơn mưa rào đổ xuống thửa vườn, lại thêm ao sen nước đọng là môi trường thích hợp với loài cóc nhái, thể nào cũng có con nhẩy lạc vào nhà khi chị Lan mở cửa phòng hong nắng... nhưng với cô Đầm Sylvie thì chuyện bé ấy tức thì xé thành to! Ít có cô Parisienne nào đã nhìn thấy loài cóc một lần mà còn kinh dị hơn vì nó đang chung sống ở ngay trong phòng ngủ của nàng? Bản thân Sylvie sẵn chứng phobia ám ảnh bởi loài động vật lưỡng cư thuộc lớp ếch, chàng hiu Amphibia nên tức thì nơi chốn hạnh phúc sau gần một năm tạm yên giờ đây đã hiện cơn ác mộng. Tai nạn bất ngờ làm nàng phiền muộn, mất ngủ cả tuần rồi từ đó giữa khuya thường tỉnh giấc như rình rập bắt gặp kẻ lạ vào phòng...

Cuối cùng, nhiều đêm thức trắng thành quen nên nàng vất vưởng ngủ ngày và chỉ một thời gian ngắn thì thần sắc sa sút hẳn. Tình thế bắt buộc, Tuấn đành trả lại biệt thự, di chuyển vào trung tâm, mướn căn chung cư hiện đại hai phòng ngủ ở tầng thứ năm trong một tòa nhà gần vườn Tao Đàn. Nơi đây sáng chiều có tiếng rao hàng và còi xe inh ỏi, ve kêu râm ran gọi hè giữa công viên làm chàng nhớ đến kỷ niệm những mùa thi nhưng với vợ con thì bản hòa tấu ồn ào đơn điệu ấy là một trở ngại... “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” đổi lại thì họ cũng không còn phải nghe liên tục tiếng động cơ máy bay từ phi trường.

Ban ngày nếu Sylvie thấy tù túng giữa bốn bức tường, nàng có thể băng ngang đường đến “Cercle Sportif” Câu Lạc Bộ Thể Thao Sài Gòn kết bạn bơi lội hay đánh quần vợt... Sinh hoạt gia đình coi như bình thường trở lại sau những thay đổi đã được xếp đặt chẳng hạn chị Lan bây giờ làm buổi sáng, thu dọn xong thì về và bé Phượng nhờ xe nhà trường đưa đón nên bác tài đã cho nghỉ việc... Khi Phượng đi vườn trẻ, Sylvie đến Club nằm ở hồ bơi phơi nắng đọc truyện, chơi quần vợt mỗi khi có hội viên rủ ra sân. Đời sống của nàng tựa những ngày hè bất tận nếu chiều về không nghe chồng nhắc nhở tin chiến sự thảm khốc đang xảy ra trên đất nước này.

Việc của Tuấn ở sở càng ngày càng bận rộn nhất là phải giao du với bè bạn theo lối quan liêu... đi trễ về khuya bất thường. Nhà có con nhỏ, chiều tối cần yên ổn học hành và ngủ sớm nhưng mỗi tháng đôi lần vợ chồng dự tiệc mời, lần nào cũng phải mang Phượng gửi nhờ hơn nữa vì bất đồng ngôn ngữ Sylvie thường bắt Tuấn phiên dịch nên lần hồi trở thành phiền toái, nàng tự động ở nhà với con để Tuấn đi một mình. Thỉnh thoảng vào dịp nghỉ lễ hay giỗ chạp, chàng vui vẻ chở vợ con đến thăm cha mẹ. Tuấn có năm anh chị em nhưng bây giờ sống quanh phụ mẫu là một đại gia đình, con cháu dâu rể đầy đàn... chỉ khổ nàng dâu Sylvie, mỗi lần đến chơi là một lần chịu đựng vì tiếng Việt mời chào oang như lệnh vỡ và tập quán chưa quen nên cảm thấy lạc lõng, nàng chỉ biết ôm con khép nép đứng ngồi, ăn uống cho có lệ rồi chờ giờ ra về. Lời to tiếng nhỏ đối với  cảnh đời hàn vi của gia đình so với nơi ở sang trọng thường trực máy điều hòa không khí mà Tuấn phải phục vụ cô vợ Đầm không mấy thuyết phục lại còn tạo ác cảm trong lòng mọi người. Sự chịu đựng nào cũng có giới hạn vì thế Sylvie dần dà kiếm cớ tránh những cuộc họp mặt đông đảo ở nhà chồng.

Đầu xuân năm 73, Sylvie mang bầu đứa thứ hai và muốn về Pháp dưỡng thai trước mùa mưa tháng sáu. Sẵn có tiết kiệm ở ngân hàng, nàng bàn với chồng mua trả góp căn hộ hai phòng ngủ nằm về phía nam Paris để làm vốn... Cuối tháng mười, nàng sinh con trai đặt tên Lucas, tiếng Việt là Luân. Sau thời gian nghỉ ngơi, ngán ngẩm với đời sống nhàn hạ từ nhiều năm qua, Sylvie không hỏi ý Tuấn, xin trở lại nghề dậy học và ghi danh cho Phượng nhập học niên khóa mới ở cùng trường với nàng.

Một mình trên quê hương, tình cờ Tuấn gặp lại Thảo trong quán kem Pole Nord trên đường Nguyễn Huệ. Cô em gái Trưng Vương năm nào bây giờ đã là góa phụ, số phận hẩm hiu của những người vợ lính sống trong đất nước chiến tranh... Chồng Thảo là sĩ quan không quân tử nạn sau phi vụ để lại người vợ trẻ vừa cưới nay cô quạnh nuôi đứa con gái chưa một lần nhìn thấy mặt bố! Nàng mặc chiếc áo dài đen kín cổ, nước da trắng không vì son phấn, khuôn mặt tuy đã mất hẳn nét hồn nhiên nhưng vẫn trẻ, đẹp và quyến rũ với cả nỗi buồn đằng sau ánh mắt! Những ngày cuối tuần lẻ loi, nếu Tuấn không đến thăm cha mẹ thì lại rủ mẹ con Thảo dạo mát ở bến đò Thủ Thiêm để tránh cái nóng và không khí xô bồ giữa thành phố. Lúc trời chiều vừa tắt nắng, cả ba tản bộ đến ăn tối ở quán mì gần bờ sông rồi về nhà Thảo... pha cà phê và chàng ngậm ngùi uống từng giọt mặn đắng trên môi mắt nàng! Hóa ra mối tình thuần khiết nhẹ như mây năm nào tưởng đã nhạt nhòa theo thời gian vẫn còn khả năng chuyển thành cơn bão tình mà hậu quả có sức tàn phá ở ngay tầm mắt.

Tháng chạp không hẹn đã đến, Tuấn về Pháp thăm gia đình nhất là thằng con trai một tháng tuổi chỉ mới biết qua hình ảnh. Chàng dự định ở Paris với vợ con qua Giáng sinh và Tết tây rồi đầu tháng ba 74, tất cả sẽ về Việt Nam đón Tết ta nhưng sau hiệp định Ba Lê ký kết hồi tháng giêng 73 chiến sự bây giờ có nhiều dấu hiệu khốc liệt trở lại... Dòng đời khác gì dòng sông vô thường? Miệt mài xuôi qua từng đoạn gập ghềnh giống như hoàn cảnh khó khăn của gia đình chàng hiện nay bởi lẽ Sylvie hết muốn quay lại Sài gòn với lý do đi xa nàng sẽ nhớ nơi này... Căn hộ mua xong cần tiền trả nợ, may mắn nàng đã có việc làm và quan trọng hơn cả là chẳng ai mang con thơ về lại nơi khói lửa chiến tranh.

Ngày vui đoàn tụ qua mau nhưng khác với dự tính, tháng ba 74 Tuấn trở lại Sài Gòn một mình để xin mãn nhiệm sở, thu dọn đồ đạc, miễn cưỡng nói lời tạm biệt với gia đình và thành phố Sài Gòn thân yêu. Chàng không còn cảm thấy buồn phiền vì hiểu rằng có mối tình khác biệt sống trong tim mỗi người mà bất cứ cặp hôn nhân dị chủng nào cũng phải đối diện... ấy là tình hoài hương âm thầm nhưng bất tử. Bây giờ là lúc chàng cần hy sinh để đổi lấy viễn ảnh hạnh phúc ngày mai vì thế Tuấn thông cảm với quyết định của vợ và bình tâm lên máy bay về nước.

Ở Sài Gòn, công ty đòi hỏi ba tháng chuyển việc sau đơn từ chức nên thời điểm nhanh nhất mà Tuấn sẽ rời đất nước là mùa mưa tháng sáu giống như Sylvie về Pháp năm ngoái. Những ngày chờ đợi trên quê hương “tình cũ không rũ cũng tới”, định mệnh vô tình lột trần thân phận đưa đẩy Tuấn đến gần Thảo để nhận ra rằng mối tình tơ liễu dồn nén năm xưa nay đã “tức nước vỡ bờ”! Con người chỉ dễ chế ngự tình cảm lúc thuận buồm xuôi gió ngược lại khi phải đối phó với phong ba thì thân phận họ lại mong manh khác gì hàng lau èo uột dập vùi ngả nghiêng bên bờ nước. Hương xưa còn đó, nỗi khát khao tuổi xuân còn đây chưa dứt, gặp nhau trong tâm trạng gẫy đổ và cô đơn liệu mấy ai khả dĩ nhận thức rõ ràng nội tâm để khỏi sai lầm? Cuối cùng những cây sậy ấy không chống nổi cơn gió mạnh, đã ôm nhau cùng ngã gục bên bờ tình yêu! Biết trách ai bây giờ? Trách người thiếu phụ trẻ góa chồng hay người đàn ông xa vợ ngoại... tình? Đành rằng Tuấn có cả từ tâm lẫn ác ý tìm đến Thảo và nàng cũng đầy đủ khả năng sáng suốt để khước từ nhưng thực tế, họ chỉ phân vân ngại ngùng phút ban đầu rồi nhanh chóng chấp nhận trái táo cấm Adam.

Dưới cơn đam mê, con tim Thảo bỗng trở thành mù quáng, nghĩ rằng một nửa phần hồn và tấm thân khỏe mạnh kia của Tuấn vẫn thuộc về nàng chỉ vì chàng lấy cô vợ Đầm xa lạ mang dòng máu Tây phương bất đắc dĩ đến quê hương này. Riêng Tuấn nhìn Thảo với dằn vặt xót xa... người góa phụ ấy là nạn nhân gián tiếp của chiến tranh hay nạn nhân của chàng vì duyên phận lỡ làng? Mối tình đầu ngày xưa sau bao đổi thay vẫn còn y nét trinh nguyên. Nhớ kỷ niệm hôm nào, chàng chỉ dám táo bạo vuốt tóc, run run cầm lấy tay Thảo trong giờ phút chia ly. Bây giờ gặp lại nhau giữa hai người có sẵn hố sâu ngăn cách, sóng tình xô đẩy buồn nhớ lâng lâng xen lẫn ý nghĩ luyến tiếc ngẩn ngơ, Tuấn hoàn toàn mất tự chủ chẳng biết mình hành sự ra sao và đang ở nơi nào? Paris, Sài Gòn, Sylvie, Phượng, Luân hay Thảo người yêu cũ kề cận... Sau cùng lửa đã bén rơm, cả hai lạc vào chốn yêu đương có men rượu tình ấp ủ ở cõi lòng nhiều năm tháng, nó tự bung nắp tỏa vị say tuyệt hảo làm hai tâm hồn chết lặng, quên đi mọi lẽ thiện ác đúng sai trên đời. Chàng nghĩ đến Sylvie phút chốc rồi vội tránh, trở lại nhanh với mối tình vụng trộm của kẻ tha hương nay trở về chốn cũ, khám phá ra những kỳ quan muôn mầu và rất “lạ” ở ngay “ngôi nhà” xưa nặng nỗi cảm hoài nửa gần nửa xa. Một ý nghĩ thoáng trong đầu, Tuấn tự hỏi phải chăng sự chung thủy cũng có cái giá phải trả bằng kinh nghiệm? Nếu khi xưa đừng quá lý tưởng, Tuấn yêu Thảo trọn vẹn một lần thì liệu chàng sẽ dễ dàng đối phó với cảnh ngộ oái oăm này hơn không? Câu thơ Kiều văng vẳng bên tai như một lời an ủi: “Tình nhân lại gặp tình nhân, hoa xưa ong cũ mấy phen chung tình”.

Giữa tháng tám, Tuấn mới bán hết những đồ đạc Sylvie để lại rồi tiệc chia tay được tổ chức vội vã bởi gia đình và họ hàng nhưng đúng ra chính vì những buổi hẹn hò liên tục với Thảo mà ngày đi đã bị hoãn lại. Sang đến tháng mười, người thân bồi hồi ra sân bay tiễn biệt chàng như cảnh mùa thu mười năm về trước. Lần này nặng nề khó khăn hơn vì có cả mối tình muộn hồi sinh trong hoàn cảnh bất an tội lỗi. Chiều hôm trước ngày đi, chàng đến nhà Thảo muốn nói lời cuối với nàng nhưng cửa đóng then cài... hình như Thảo không muốn đối diện với cảnh biệt ly thêm một lần nữa nên cố tình dắt con đi xa. Tuấn đành viết lời nhắn trên tờ giấy nhỏ rồi luồn vào khe cửa:

“Em yêu dấu! Hôm nay trời đi vắng nên em cũng bỏ nhà đi chơi, anh đành viết vội vài dòng để lại như một lời vĩnh biệt. Dĩ nhiên anh không hẹn và chẳng hứa với em điều gì chỉ xin em để mối tình này thở và sống tự do, nó không cần đến lòng trắc ẩn bởi vì như em hiểu giá như anh đủ nghị lực vá nối được tình yêu thì anh đã làm rồi! Yêu nhau cũng có thể làm khổ nhau, đừng để chuyện ấy xảy ra giữa chúng mình. Lúc vào đời chỉ có tình nhưng bây giờ anh còn trách nhiệm và ơn nghĩa... Tương lai nếu sẽ yêu ai, em hãy cất nó ở một chỗ yên tĩnh khuất nẻo trong tâm hồn giống như anh... Thế rồi một buổi chiều nào cô đơn, cảm cảnh thu buồn hoặc đông về lạnh lẽo nơi phương Tây, anh sẽ bước vào vườn hoa ấy cùng em giở lại từng mầu kỷ niệm”

Tuấn về đến Paris, vợ con đón ở phi trường Charles De Gaulle, gia đình cư ngụ ngay tại căn hộ mới mua. Chàng vui gặp lại Sylvie và cô con gái mang hai dòng máu u Á lớn lên xinh đẹp lạ lùng đặc biệt là thằng Luân nằm ngửa trong nôi, tay chân khua tứ phía rồi lại cười như nắc nẻ mỗi khi nhìn thấy chàng tựa như đang nhìn chú hề đóng xiếc hay không chừng nó đã biết mừng bố vừa đi xa trở về? Nó sinh không đúng thời bởi lúc ra đời thì bố mẹ xa nhau rồi kinh tế thế giới bấp bênh do giá nhiên liệu bỗng tăng gấp đôi vào năm 73 do đó khủng hoảng “premier choc petrolier” xung đột kéo dài từ 71 đến 78. Lần này Tuấn trở lại Pháp cuối 74, đa số các xí nghiệp công tư đều bị ảnh hưởng nặng nề nên không kiếm ra việc, chàng đành ở nhà ôm thằng Luân va` dậy con Phượng học, mọi chi tiêu gia đình đều trông cậy vào đồng lương khiêm tốn của Sylvie.

Sau sáu tháng thất nghiệp, vợ chồng bắt đầu hục hặc về tiền bạc, tháng tư năm 75 Tuấn buộc lòng phải xa nhà, chấp nhận việc mới ở Le Mans cách Paris hai trăm cây số về phía Tây và cứ một tháng hai lần, chàng đáp xe lửa về thăm vợ con. Ba mươi tháng tư 75 cũng là ngày lịch sử đen tối! Dân Việt bỏ nước ra đi như ong vỡ tổ có cả cha mẹ, anh em Tuấn di tản sang Mỹ. Hoạn nạn xảy ra đúng lúc eo hẹp, chàng ân hận vì tất cả tiền tiết kiệm đã đặt mua căn hộ, tài chánh thiếu hụt nên thiếu cả bổn phận giúp đỡ gia đình chả bù lúc xưa sống dư dả ở Sài Gòn thì...

Thế rồi thực tế mỗi người mỗi nơi, kẻ gần người xa... Tình yêu cũng bị kinh tế và hoàn cảnh xã hội tác động mạnh, lòng người trở nên khô khan ích kỷ. Tuấn đau lòng mỗi khi về thăm nhà, gặp nhau một tháng hai lần đã thành lề thói rồi dần dà không khí gia đình lạnh lùng bất thường mất đi sự vồn vã ngay cả những nụ hôn chào đón cũng bắt đầu thưa thớt. Tình vợ chồng đầy vơi ảnh hưởng bởi nếp cũ buồn tẻ là chuyện bình thường nhưng cần lưu ý lúc nó tụt dốc nhanh chóng như hiện nay. Nếu đôi bên cứ đồng ý buông thả để tự nó chỉnh lại mà không làm gì hết thì sẽ có lúc “frozen” giống hiện tượng thời tiết và lúc ấy mọi chuyện hầu như đã muộn!

Tình yêu cho phép vợ chồng mơ mộng buổi ban đầu và sống những năm tháng đầy cảm xúc nhưng chỉ vài năm sau, sự tiên đoán của Tuấn đã đúng sự thật khi thằng Luân ở tuổi cắp sách đến trường, Phượng lên trung học thì Tuấn và Sylvie ly dị. Nàng đệ đơn lên tòa, thản nhiên ký vào hồ sơ như lá thư chàng xin từ chức ở Sài Gòn trước kia. Cả hai trường hợp đều có lý do chính đáng, lý do nào của Sylvie cũng có tính quả quyết, ít thấy nàng cân nhắc tiến lui... Có lẽ chân dung của cái “tình” và “nghĩa” ở nàng nặng phần trên nhẹ phần dưới? Nặng “tình” lúc trẻ yêu nhau nhưng nhẹ “nghĩa” khi cần xa nhau. Lần này lý do thật éo le vì ngoài những khác biệt không giải quyết được giữa vợ chồng, nàng còn phiêu lưu vào cuộc tình mới với một chàng thanh niên Pháp cùng sở trong lúc Tuấn đi làm xa. Hóa ra trong hôn nhân dị chủng tình nghĩa có chút gì thiếu thốn đầy vơi khó lường? Đặc biệt ở nàng... khi hết là hết, hết có nghĩa là chẳng còn gì, là chấm xuống hàng và nhật ký cuộc đời sang trang bỏ lại mọi phiền muộn. Tuấn dọn ra riêng để căn hộ lại cho ba mẹ con, chỉ mang theo trong lòng chút hãnh diện bên cạnh nỗi buồn mênh mông là dù vắng cha đàn “gà con” vẫn còn có nơi yên ổn ấp cánh mẹ. Mỗi tuần đến thăm, Tuấn thường dắt các con vào vườn Luxembourg, chàng miên man nhớ lại kỷ niệm ban đầu trong lúc nhìn hai đứa chạy nhẩy vui đùa bên lũ bạn. Chúng quên nhanh có lẽ vì sinh ra nơi đây nên đã quen với cái “lạnh lùng” và “nồng nàn” của Paris kinh đô ánh sáng? Hai biểu hiện tình cảm cực đoạn ấy tưởng xa mà gần so ra tựa như chu kỳ thời tiết hai mùa Đông và Xuân ở xứ này! “Trời hết một mùa đông, gió bên thềm thổi mãi, qua rồi mùa ân ái, đàn sếu đã sang sông”.

Quả tình đời người ngắn ngủi vụt nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Tuấn sống độc thân hưu trí ở Paris sau khi các con ra trường và tự lập. Tình nghĩa vợ chồng ngày xưa đã thành bạn đơn sơ vài câu chào lúc gặp mặt. Chàng thích du lịch Mỹ và Việt Nam những nơi mà cuộc đời còn dấu tích của thương yêu. Thảo vẫn ở Sài Gòn và tái giá đã lâu... Tuấn viết thiệp mừng cho hạnh phúc của nàng nhưng không liên lạc từ dạo ở Pháp mặc dù nhiều lần hình ảnh nàng đã về trong ký ức. Chàng sống một mình trong căn gác trọ, chiều nào rảnh rỗi Tuấn hay xuống phố ngồi quán cà phê đọc sách hay chuyện gẫu với vài ông bạn già cùng chung cảnh ngộ... mười ông lấy vợ Đầm thì tám ông ly hôn còn hai ông kia thì ít giao du nên không gặp nhưng đối chiếu xác xuất thống kê các bà lấy chồng Tây ở xã hội này lại bền vững cao hơn nhiều. Kinh nghiệm mỗi người mỗi khác tuy nhiên có vài điểm tương đồng mà số đông bạn già đã coi như chân lý tỷ như:

Lấy vợ Đầm muốn có hạnh phúc hãy sống độc lập với gia đình của mình, quên được gốc gác bạn bè đồng hương thì tốt hơn. Đừng mang nàng dâu Đầm về quê lập nghiệp, tài chánh ổn định và tránh đi xa vắng nhà lâu ngày... Như đã nói ở trên, hoa xuân chóng nở thì mau tàn, gái xuân yêu sớm thì tình dễ phai! Hai nhận định ấy đều đúng cả vì dung nhan các bà Đầm tàn phai sớm hơn phụ nữ Á Đông, mau già bỗng một chiều như bông hoa héo khó nhìn nên đâm ra khó tính. Tuấn có ông bạn chưa ly hôn với vợ, gọi bà ấy là “D G K T” nghe cứ tưởng Donna Karan New York “D K N Y” tò mò hỏi rõ mới hiểu chữ tắt đó là “Đầm Già Khó Tính”! Thôi thì “trâu ta ăn cỏ đồng ta” liệu cuộc đời sẽ có ý nghĩa và được yên ổn hơn chăng?

Duyên kiếp, số phận và sự nghiệp của Tuấn “chàng trai đất Việt” tự hỏi lúc vừa “chân ướt chân ráo” đến Pháp đã an bài rõ ràng từ mấy chục năm qua. Buổi chiều hoàng hôn ngồi ở quán cà phê nhìn dòng người vội vã qua lại như mong sớm trở về nơi chốn, Tuấn thấy tủi thân vì đã cuối đời rồi mà chàng cũng chưa biết sẽ về đâu? Con đường du học năm xưa chia hai đất trời, lấy vợ Đầm hôn nhân lại sẻ đôi tâm hồn và hình như những kẻ như chàng chỉ sống một nửa cuộc đời ở nơi đây? Nửa còn lại hững hờ gởi về quê rồi hy vọng... Hy vọng đã làm cho họ sống những lúc gian nan cô đơn nơi quê người hay bây giờ rõ hơn chính là... quê mình? Hai đất nước, hai cuộc đời, hai tâm hồn và hai tình yêu... nhưng vì con người sống chỉ một đời nên đa số không lộ vẻ tiếc nuối những gì đã trải qua mà chỉ ân hận những điều chưa làm hoặc không dám làm lúc còn trẻ bất kể may rủi ra sao sau này.

Thế hệ của Tuấn đã qua, chàng tin rằng xã hội tương lai sẽ đi sát vấn đề hôn nhân càng ngày càng phức tạp tỷ như hiện tượng nam nữ sống không hôn thú, đàn ông chậm lấy vợ, đàn bà độc thân nuôi con, tình trạng ly dị ở những thành phố lớn như Paris, New York, London, Tokyo... hơn 50%. Văn minh cấp tiến sửa soạn phải cần tấm “giấy giá thú tái tục sau 20 năm” tượng trưng cho giao kèo tình yêu ngắn hay dài hạn khác với hiện nay là cả một đời nhưng dễ bị nửa đường đứt gánh! Tờ giá thú ấy sẽ giống như “mortgage loan” nợ tiền mua nhà 10, 15 hay 20 năm... là một hợp đồng tư pháp “nợ tình” tạo niềm tin cho sự kết hôn ở thời đại mới, giới hạn trách nhiệm và giải đáp những khác biệt vợ chồng có thể tích tụ dần lên theo thời gian chung sống của hôn nhân kể cả hôn nhân dị chủng như câu chuyện “Lấy Vợ Đầm” này.


8/26/2014
Cao Đắc Vinh

No comments:

Post a Comment