Nhìn về những
cái Tết khi còn ở quê nhà, Tết là một ngày lễ quan trọng duy nhất cho mọi
người, mọi gia đình, cho cả nước. Bởi vậy có những năm Măng tôi được chính phủ
cho thêm lương tháng 13. Người lớn rộn ràng sửa soạn Tết theo cách người lớn,
tỉ mỉ, chuẩn bị trước cả tháng. Con nít chúng tôi có những náo nức riêng. Nhà
nhà đều ăn Tết, vui Tết.
Với
đa số trong chúng ta, kỷ niệm về Tết Nguyên Đán khi còn ở quê nhà, hình ảnh anh
chị em trong gia đình quấn quýt trong ba ngày Tết, những món ăn đặc biệt, những
mứt món đủ màu sắc, mùi pháo nổ với những xác pháo đỏ thắm, thăm mừng tuổi họ
hàng…luôn là những kỷ niệm sâu đậm khó phai.
Sáng sớm Mùng Một Tết Nguyên Đán, Măng tôi cùng các con mình đến nhà thờ
làm bổn phận thiêng liêng, cầu nguyện và mừng tuổi Chúa. Xong lể, gia đình
chúng tôi cùng với gia đình Bác, các Cô Chú đồng tụ tại nhà ÔB Nội tọa lạc ở
phần đất cao nhất của xóm Đường Đá, Phủ Cam và trải dài xuống gần Bến Ngự. Một
truyền thống của đại gia đình qua bao nhiêu năm, kể từ khi tôi bắt đầu có trí
nhớ. Nghe kể lại, Ông Nội dậy sớm nhất bước ra khỏi nhà, tự đạp đất nhà mình
trước khi tất cả con cháu đến chúc Tết. Gia đình nào đến trước sẽ vào thăm bàn
hoa quả bánh mứt của Bà Nội ở nhà chính, hoặc đứng ngoài sân chờ đợi, chuyện
trò rộn ràng với nhau trong khi những đứa con nít cùng trang lứa tranh nhau
chạy chơi trong sân vườn rộng lớn. Khi mọi gia đình có mặt đầy đủ, tất cả đồng
kéo qua tập trung trước căn nhà riêng của ông Nội, nằm chéo góc bên cạnh nhà
lớn.
Khi ÔB. Nội đồng an vị vào 2 chiếc ghế dựa lớn để ngay ở cửa chính được
mở rộng, mặt mày rạng rỡ trong áo gấm đỏ, lễ Mừng Tuổi bắt đầu bằng tràng pháo
nổ tưng bừng từ dây pháo dài treo trên cây. Riêng tôi bắt đầu ngất ngây với
tiếng pháo nổ chát tai, xác pháo đỏ văng tung toé và mùi thuốc súng. Trong
không khí trang nghiêm của ngày đầu xuân, Bác của tôi bao giờ cũng là người đầu
tiên mở đầu cho buổi lễ, khúm núm đứng trước ÔB Nội xướng to những lời chúc
mừng, sau đó cả 2 vợ chồng cùng quỳ trên chiếu vái lạy thân sinh. Tôi vẫn còn
nhớ rõ Bác tôi kêu ÔB. Nội bằng Thầy Mạ. Sau Bác là đến phiên các chú các cô,
bao gồm luôn cả rể và dâu, trong đó có Mẹ tôi, cùng tiến đến quỳ lạy Thầy Mạ.
Bấy giờ, Ô. Nội mới từ tốn ban lời mừng Tân Xuân cho từng người con, cũng theo
thứ tự, từ con trai trưởng cho đến cô út.
Sau thế hệ con đến thế hệ cháu với mỗi gia đình theo thứ tự lần lượt
bước vào chiếu hoa. Thông thường người con lớn nhất hiện diện tại chỗ đứng giới
thiệu tên từng đứa em trong gia đình mình với ÔB. Nội trước khi tất cả đều quỳ
lạy mừng tuổi ông bà. Ông Nội thường hay hỏi từng đứa cháu về chuyện học hành,
gia cảnh nếu đã lập gia đình, trước khi nói lời chúc đầu năm. Có những năm, tất
cả các cháu được cho đứng sát với nhau và đồng quỳ lạy chúc mừng ÔB. Nội một
lần, sau khi một cháu lớn nhất đại diện mở đầu lời Mừng Tết ông bà…
Kế thế hệ cháu là đến thế hệ chắt, cùng quỳ lạy chung một lúc trong khi
chắc lớn tuổi nhất trong đám nói lời cầu chúc ÔB. Cố, với sự nhắc lời, trợ giúp
của bậc cha mẹ bên ngoài. Trong những cái Tết trước khi ông Nội tôi mất vào năm
1962, ÔB. Nội tôi đã có trên cả chục đứa chít.
Xong lễ mừng tuổi ÔB. Nội, các người con cùng dâu rể bước đến gần trò
chuyện thân mật hơn, rót trà rượu đưa mời Thầy Mạ của mình. Đó là lúc tôi
thoáng thấy các phong bì đỏ được đưa vào tay Ông Nội và cả Bà Nội. Sau đó, Bà
Nội mới thủng thỉnh mời tất cả mọi người vào nhà lớn thưởng thức các món Tết.
Tôi nhìn thấy đủ loại mứt, từ mứt hột sen, mứt thơm, mứt dừa, mứt gừng, mứt
mãng cầu, mứt kim quật, mứt khoai, mứt củ sen, đậu phụng ngào, hột dưa… cho đến
các món mặn như nem, chả heo, chả bò, chả thủ, tré, thịt quay, gà nấu đậu, vịt
nấu măng khô, cải xanh nấu với giò heo, xôi lạp xưởng & tôm khô, xôi gấc,
rồi bánh tét dưa món, bánh tét chiên, củ hành dầm nước mắm, củ kiệu, bánh
chưng, bánh su sê, bánh thuẫn, bánh bột nếp, bánh hột sen và đậu xanh cái tròn
cái vuông gói trong giấy kiếng nhiều màu sặc sỡ…
Bao nhiêu hương vị ngọt ngào, hiếm quý và cổ truyền của một cái Tết Âm
Lịch do chính tay bà Nội làm cùng các người con và dâu trong gia đình đem đến
từ ngày hôm trước. Khi lớn hơn và ở xa hơn, tôi cũng đã từng đạp xe đạp đem đồ
Tết của nhà mình đến biếu ông bà Nội. Và trên bàn luôn có món quà Tết của “Cậu”
Cẩn và của chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm gởi đến biếu cho ÔB. Nội, vì Bà Nội
tôi là em ruột của Bà Cụ Cố, tức là Dì ruột của các vị đó.
Buổi ăn chấm dứt, đại gia đình xúm xít lập sòng chơi đổ Tam Hường, chơi
bài cartê (5 lá bài), bài xì lác, tứ sắc, bài xịp…Tiếng la hét của người hên
bạc kẻ thua tiền, tiếng reo hò vui cười, chọc ghẹo hòa cùng với
tiếng xoang xoảng của những con súc sắc đổ trong tô sứ, tiếng pháo lẻ nổ đì
đùng ngoài sân từ lũ con nít chúng tôi làm không khí Mùng Một Tết thêm hào
hứng. Sau ăn trưa, đổ Tam Hường hay chơi bài lấy hên, các gia đình
lần lượt kéo nhau đến đạp đất từng nhà một, không cách xa nhau lắm, với nhà Bác
trước rồi đến nhà các Cô, Chú, lập lại màn chúc Tết nhau, rồi ăn uống, và lì xì
cho con nít. Truyền thống này vẫn tiếp nối dù sau này chỉ còn có bà Nội, vẫn
trang trọng và ấm cúng dù mức độ nhỏ hơn vì số con cháu thưa dần với các anh
chị con bác và cô chú vì sinh kế, lập gia đình và đi học nơi xa nên khó về.
Trong ký ức tôi, cái hay nhất, cái đáng nhớ nhất, sống mãi trong lòng
của mình, không phải là những khi được mừng tuổi ÔB Nội và đi thăm các Bác, Cô,
Chú. Hay là được cho mặc bộ quần áo mới, được lì xì đốt pháo, cho ăn bánh mứt
và các món đăc biệt của Tết. Mà chính là những ngày trước Tết, đôi khi cả vài
tuần trước Tết, khi các anh chị xúm nhau sửa soạn thức ăn, mứt món cho ba ngày
Tết. Cái truyền thống đó chính là tinh thần đoàn tụ của một gia đình. Đó là tìm
mua và trưng một cành mai vàng với những thiệp chúc Tết treo ở các nhánh nhỏ.
Đó là cùng chia nhau cắt các củ cà rốt, củ cải, dưa leo, trái su hào, su le.
Rồi đem phơi khô trên các rổ tròn vài ba nắng cùng với ớt, tỏi, củ hành, củ
kiệu, để sau đó cho vào hủ, thẩu to nhỏ, đổ thêm nước mắm nấu với đường làm dưa
món, và hành dầm nước mắm và hành dầm chua. Sau màn dưa món là đến màn làm các
loại bánh bột nếp, bánh đậu xanh khô ép vào khuôn, bánh hột sen vo tròn mà tôi
có nhiệm vụ cắt giấy gương màu xanh đỏ vàng trắng cho các chị bao lại. Kế tiếp
là những ngày lột vỏ hạt sen và lấy tim sen ra, xắt các củ gừng, cà rốt, những
trái dừa (cả non lẫn già), cắt các trái thơm, các củ sen, củ khoai, dùng cả
chùm kim cúc đâm vào kim quật để lấy hột và vắt bớt nước chua ra… để ngào với
đường thành các loại mứt. Nhiệm vụ của tôi là canh lửa, quạt lò, thêm than cho
2-3 cái lò mà phần thưởng là thỉnh thoảng được cho ăn thử vài ba miếng. Một khi
làm xong, các sản phẩm này, bao gồm mứt hạt sen, gừng khô và dẻo, mứt thơm, mứt
dừa, mứt thơm trộn chung với mứt gừng dẻo, mứt củ sen, mứt cà rốt, mứt kim
quật, mứt khoai lang, thường được cất giữ trong các thẩu hoặc trong các bao,
thùng lớn ... Tôi vẫn thich nhất là mứt dừa và đậu phụng ngào có các màu trắng
xanh đỏ khác nhau và mứt khoai lang có thêm hương vị gừng, vàng cháy dính sát
đáy nồi. Và món bánh tét chiên ăn với dưa món, nhưng phải chờ sau Tết mới ăn
được món này.
Sau đó là đến đợt làm các loại bánh ngọt như bánh thuẫn và bánh Beignet
với các khuôn bằng kim loại và phải chiên với dầu. Mẹ tôi và anh chị tôi làm
rất nhiều hai loại bánh này để trong cả chục thùng nhôm khá lớn trước đây đựng
dầu ăn hay nước mắm rửa sạch. Để sau đó, Mẹ tôi cùng 2 bà chị sinh đôi và tôi
mang đến tặng cho các tù nhân trong Lao Thừa Phủ, nằm sau lưng tòa hành chánh
tỉnh, ngay sát bên hông trường Đồng Khánh. Lao Thừa Phủ là nơi Mẹ tôi bị Pháp
cầm tù trong hai năm vì tham gia rải truyền đơn khi đang còn học nội trú trường
Đồng Khánh, và Người cũng từng lên tiếng với chúng tôi là chắc có những tù nhân
bị giam oan trong đó.
Có năm, một số gia đình trong “xóm” trường Đồng Khánh, kể cả gia đình
chúng tôi, rủ nhau nấu bánh chưng, bánh tét, vài đêm trước đêm giao thừa. Đây
thật sự là một điều rất thú vị cho tôi khi được cho ngồi canh nồi bánh cùng với
các anh chị lớn trong xóm, được nghe những câu chuyện lý thú và nhất là có một
đêm không ngủ nằm trên các chiếu trải trên hành làng trước dãy các lớp học.
Sáng mai, một chiếc bánh chưng được vớt ra trước để chia nhau ăn thử, tôi xí được
một miếng nhỏ. Ngon ơi là ngon! Nghĩ lại mà lòng vẫn còn tràn ngập kỷ niệm.
Không ngon sao được khi thức trắng cả đêm đói bụng quá chừng mà cháp được một
miếng thì phải ngon tuyệt và nhớ đời.
Các món khác như chả lụa, nem tré, hột dưa, táo tàu, hồng khô, mứt
mãng cầu…thì phải đi mua bên ngoài. Trước Tết, Mẹ tôi bao giờ cũng mua một tạ
gạo, như một dấu hiệu tốt cho nhà không thể thiếu gạo cơm, vốn là căn bản của
mọi gia đình nhiều con. Những hủ dưa món, hộp mứt, những bánh trái rồi cũng
được Mẹ tôi sai chúng tôi đem biếu cho các Dì trong trường ĐK, hay tặng cho các
người quen đã từng cho Mẹ tôi vay nợ mà Mẹ tôi luôn nhớ ơn vì họ đã tin tưởng
Mẹ tôi khi thiếu hụt tiền để nuôi các anh chị học xa…
Vào những năm tôi lớn đủ để rủ các bạn trong xóm ĐK đạp xe qua phố xem
đoàn múa lân trình diễn trước các của tiệm của phố Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu
hay Gia Hội… theo nhìn các đoàn múa lân thay phiên nhau vừa nhún nhảy như thể
đi quyền, vừa leo lên vai nhau hay leo lên thang cố lấy cho được phong bì đỏ
đựng tiền, giữa những tiếng nổ chát tai của xâu pháo treo dài từ trên lầu xuống
tận đất. Tôi cũng đến các hội chợ Tết, ngay trong khu công viên trước Cửa
Thượng Tứ, xem hoa, xem xiếc, mua pháo, mua vé vào xem xe môtô chạy vòng vòng
trong nhà tròn cao, nhìn người chơi bài ba lá, bầu cua cá cọp hay xổ số loto.
Khi vào học ở Saigon, tôi cùng chúng bạn có dịp chen nhau đi chợ Tết Bến Thành,
mua các loại khô sặc, khô cá thiều, khô nai…cùng các loại mứt, rượu mận và trái
cây miền Nam thơm ngon. Và nhất là dạo khu bán hoa trên con đường Nguyễn Huệ,
vừa ngắm hoa vừa ngắm các thiếu nữ tuổi xuân thì.
Ngày cuối năm, tức ngày 30 Tết, chúng tôi thay phiên nhau dọn dẹp nhà
cửa, làm vệ sinh cá nhân, chuẩn bị áo quần tươm tất cho ngày mai. Người làm đi
chợ mua thêm vài món nấu liền vì chợ đóng cửa trong ba ngày Tết. Như các món gà
nấu đậu, vịt nấu măng khô, canh cải nấu với giò heo… Tối hôm đó, Mẹ tôi cùng
các con mình xúm xít ngồi ăn bánh chưng và bánh tét với dưa món,
hành dầm nước mắm với vài món mặn khác, cùng nhau thưởng thức vài món mứt nhà
làm. Sau đó đến màn chơi đổ Tam Hường mà tôi mê nhất là tiếng leng keng trong
thanh của ba con súc sắc trong cái tô lớn. Chờ nghe pháo nổ và đón giao thừa.
Đó là những năm tháng êm ấm tại Huế, của cái “thuở thanh bình ba trăm
năm cũ” nơi tôi được nuôi dưỡng, yêu thương, lớn lên và đến trường. Khi cuộc
sống dân chúng đâu đâu đều ấm no hạnh phúc.
Anh
về qua xóm nhỏ, Em chờ dưới bóng dừa
Nắng chiều lên mái tóc, Tình quê hương đơn sơ (Tình Quê Hương / Đan
Thọ)
Tiếp theo là những năm biến động của phong trào sinh viên Phật Giáo
tranh đấu, những chỉnh lý chính trị ở trung ương, sự hiện diện của quân đội Mỹ
đưa đến những hỗn loạn trong quần chúng và dấu hiệu leo thang của chiến cuộc,
nhất là vào năm cuối của tôi ở Trung Học và năm đầu tiên ở Đại Học. Tết đến
trong không khí hơi ngột ngạt.
Tết Mậu Thân, 1968.
Đúng vậy! Có ai ngờ quân CS đã tráo trở xé thỏa thuận hưu chiến, đem
chiến tranh đến tận các thành phố trong những ngày thiêng liêng của đất nước.
Biết bao nhiêu người đã sống lo âu sợ hãi khi nhìn thấy chiến tranh với bom đạn
và chết chóc đến ngay tận làng xóm mình, tận nơi nhà mình?! Như trường hợp gia
đình tôi. Đã nhìn thấy cảnh đổ nát kinh hoàng của thành phố, đã bị kẹt giữa hai
lằn đạn? Đã chứng kiến sự dã man tàn ác của phe gọi là giải phóng? Có bao nhiêu
người là chứng nhân cho sự thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế khi người thân trong
gia đình, người quen trong khu phố bị giết chết, bị bịt mắt đem đi thủ tiêu, bị
tra khảo, đập vào đầu trước khi bị xô xuống khe suối hay bị cột chùm chôn sống
với 2 tay bó chặt sau lưng bằng dây điện thoại? Ở đâu ra những hố chôn tập thể
tại trường Gia Hội, Gò Cát, Bãi Dâu, Tây Lộc, Phú Thứ, Đá Mài…? Và biết bao
ngàn người đã ai oán khóc trong căm hờn và đã chít khăn tang
Giờ đây,
lòng tự hỏi lòng có vui không, có rộn rã khi Tết đến? Hình ảnh Ông Đồ Già vẫn
như xưa? Các trẻ nhỏ chạy theo pháo nổ? Những người dân bị mất công ăn việc
làm, mất đất mất nhà, sẽ phải lang thang trong những ngày Tết? Những người con
gái bị mua bán sang các nước sẽ có chăng thì giờ cúng vái tổ tiên, nhớ về cha
mẹ? Những gia đình chịu mất mát, thiệt hại trong nạn Covid sẽ như thế nào? Cuộc
sống thay đổi, ít người còn mơ những ngày tự tay làm bao thứ mứt món, mấy ai
còn “tỉnh thức” ngồi canh nồi bánh chưng trong đêm Ba Mươi. Thật vậy, khi tinh
thần Tết đang mất dần, khi không khí Tết không còn như xưa, khi gia đình các tù
nhân lương tâm bị bao vây kinh tế, khi người dân đã nghèo nay lại nghèo hơn,
thì các bạn đang ở hải ngoại, xin hãy cùng nhau hướng về quê nhà, thắp một nén
hương lòng trong ngày Tết, chân thành cầu nguyện cho chế độ CS chóng tàn, nước
Việt Nam không bị mất tất đất với bọn phương Bắc, dân lành tử tế vĩnh viễn sống
không bị chèn ép, trong đồng ca an bình, người người xây dựng lại truyền thống
công bằng bác ái, theo đúng nghĩa của người Việt chân chính thương mến nhau,
giúp đỡ nhau – như đã từng có, trước đây, tại Miền Nam Việt Nam - trước khi
nhóm người CS vô thần vô tổ quốc xuất hiện thống trị đất nước bằng bạo lực và
bạo tàn.
Tôi ước mơ có
một ngày nào đó, khi chính thể CS hoàn toàn tan rã, khi con người công chính
trở lại làm nền tảng trong xã hội mới, chúng ta sẽ trở về - những ngưới bạn từ
thời xa xưa - cùng nhau làm lại một bữa tiệc Tất Niên, mời vong linh các thầy,
các bạn, các anh em đồng đội đã chết trong khói lửa chinh chiến, trong các biến
cố tang thương của đất nước, trong các trại tù, trên biển…cùng nhập tiệc. Kẻ
đang sống cùng người thiên cổ bên cạnh nhau hoài niệm đến một nước từng là hình
ảnh của Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, nhớ về một miền thùy dương ngọt ngào nhân tính,
một ngôi trường thân yêu giàu truyền thống giáo dục và y đức, một thành phố mến
yêu thơ mộng. Để nghe những người quá cố tâm sự về cái chết oan khiên của mình.
Đươc như vậy, hương hồn các vị đó sẽ sớm được siêu thoát và vĩnh viễn an nghỉ
chốn nghìn thu. Và chúng ta đây giảm khắc khoải đau thương…
Em ơi, dưa món năm mô em làm cũng ngon hết. Năm ni cũng hết sẩy. Nhớ chiên bánh tét cho anh ăn với dưa món nghe.
Vĩnh Chánh
No comments:
Post a Comment