Có một thứ không tuân theo nguyên tắc số đông, đó là lương tâm con người – văn sĩ Nelle Harper Lee
1/-
Lần đầu tiên khi anh gặp hắn trong một cái chợ Việt Nam ở đường 3500 South, tự nhiên anh đã thấy ngờ ngợ, có một cái gì hết sức quen thuộc nơi người đàn ông này, khiến anh nghĩ rằng ít ra mình cũng đã từng gặp hắn ở đâu đó. Hắn trạc cỡ 40 tuổi, vóc dáng ẻo lả, mềm mại, đặc biệt trên khuôn mặt bầu bĩnh hiền lành của hắn, dưới gò má phải có một nốt ruồi son khá lớn. Cái khuôn mặt và nốt ruồi son đó đã cho anh một cảm giác kỳ lạ, hiện lờ mờ từ trong trí nhớ của anh. Không biết anh đã gặp hắn từ lúc nào và ở đâu, nhưng có điều anh biết, biết một cách chắc chắn là anh đã từng gặp hắn.
Mãi đến hơn một tuần sau tình cờ, anh lại có dịp gặp hắn, trong
tiệc cưới của một người quen, ngồi cách anh một bàn. Anh hỏi người bạn ngồi bên
cạnh: “Cậu có biết cái anh chàng mang bộ đồ vest xám kia
là ai không?”. Người bạn đáp: “Tôi biết, cậu này lúc trước
có làm trong hãng một thời gian, sau đó thì bị layoff
hắn qua đây theo diện Ô đi ghe. Người hiền lành ít nói. À nghe
nói trước năm 75 hắn là bộ đội đấy”.
Bộ đội? Một tia chớp lóe sáng trong đầu anh… Đúng rồi. Bây
giờ thì anh không cần phải hỏi nữa. Từ trong cái vực sâu thẳm
của trí nhớ, một hình ảnh tưởng chừng đã mất hút
từ lâu, bỗng lừng lững hiện ra. Không ai khác, chính là hắn, tên
bộ đội mà anh đã gặp lúc triệt thoái khỏi tiền đồn B.
hồi đầu mùa Hè đỏ lửa 1972.
Mùa Hè đỏ lửa 1972 đánh dấu giai đoạn ác liệt nhất
vào những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh. Tiểu đoàn của anh sau gần
một tháng cầm cự chống trả trước các cuộc tấn công dữ dội của
một trung đoàn Bắc cộng đành phải rút lui khỏi một tiền đồn
thuộc tuyến phòng thủ Tây Nam thành phố Huế. Lợi dụng lúc đêm
tối anh cho lính mở đường máu tìm đường chạy về một căn
cứ của đơn vị bạn nằm cách đó 7km đường rừng. Đại đội
của anh lúc đó đã thất lạc hết, chỉ còn khoảng chục tay súng.
Nhờ kinh nghiệm cũng như quen thuộc đường đi nước
bước trong khu vực hoạt động của mình suốt nhiều năm qua, anh chọn
lộ trình dẫn đại đội đi một cách khá an toàn, tránh
những điểm nghi ngờ có thể bị phục kích. Ngày
nghỉ trong các bụi tranh dày đặc, chờ đêm xuống mới nhắm theo
hướng những trái sáng từ căn cứ bạn bắn lên liên tục
dẫn đường để đi. Việc đưa những người lính còn lại
trong đại đội của mình về được nơi an toàn trong lúc này chính
là trách nhiệm của anh, một đại đội trưởng. Giờ đây sinh
mạng của họ hoàn toàn tùy thuộc vào những quyết định sáng suốt hay
sai lầm của anh trên đoạn đường sinh tử này.
Có những quyết định mà sau này tự nó hay do nhiều
nguyên nhân khác dẫn đến đã tạo ra những hậu
quả tệ hại đến nỗi người ta phải cho
rằng đó là những quyết định hết sức sai lầm. Trong trường
hợp này của anh khoảng 11 giờ trưa trên ngọn đồi tranh
hôm đó mà về sau vẫn làm anh ray rứt mãi, không biết rằng,
có phải đó là một quyết định sai lầm của mình hay
không?
Chuyện xảy ra lúc anh và trung sĩ Hùng, một người lính thân
tín bò xuống một khe suối dưới chân đồi để lấy nước. Bất
ngờ một tên lính Bắc Việt xuất hiện. Vừa qua một đám tranh
thì anh nhìn thấy hắn. Hắn đang ngồi dựa lưng vào một thân cây
cháy đen, hai chân duỗi dài, khẩu AK gác ngang trên bụng. Lúc đó khoảng
cách quá gần, đến nỗi cả hai chỉ kịp nhảy
xổ vào đè bẹp hắn xuống. Hùng lẹ tay giật khẩu AK trên bụng
tên lính Bắc Việt trong lúc cái lưỡi lê của anh dí sát vào cuống họng
của hắn. Chỉ cần anh thọc mạnh tay thì mọi chuyện
sẽ trở thành đơn giản. Xác tên lính xấu số này sẽ được
vùi kín trong một bụi rậm nào đó. Lấy nước xong, anh sẽ trở lên
chỗ trú ẩn để chờ đêm đến tiếp tục
lên đường.
Nhưng cái quyết định cuối cùng có vẻ đơn giản này lại
không đơn giản như anh nghĩ. Lúc đó anh nhận ra tên lính
này đang trong tình trạng lên cơn sốt. Đó là một thằng
bé trạc 16, 17 tuổi, trên khuôn mặt đỏ bừng đầm đìa
mồ hôi của hắn có một vẻ gì thật thà đến tội
nghiệp, đôi mắt hắn mở lớn nhìn anh nửa khiếp hãi nửa van xin khiến
anh phải cảm động, rồi anh nhìn xuống bên mép cái cửa miệng đang
há hốc kia, có một nốt ruồi son với một cọng lông ngắn thò ra trông
rất buồn cười.
Chính cái hình ảnh trông buồn cười này tự nhiên làm anh chùn
tay lại. Anh không thể cắt cổ hắn với một lương tâm bình thản giống
như người ta đang cắt cổ một con gà. Anh là một người lính
chứ không phải là một tên sát thủ, mặc dù đây là một trường
hợp bất đắc dĩ để bảo vệ mạng sống cho mình
và đồng đội. Anh từ từ đứng dậy thương hại nhìn đứa
bé tội nghiệp đang khiếp đảm nằm dưới chân mình. Hắn không còn
khả năng để tự bảo vệ lấy mình huống hồ còn làm
hại được ai, vì lẽ đó mà anh quyết định tha chết
cho tên lính Bắc Việt.
Tuy nhiên, khi lấy nước uống đầy đủ, trở lại
chỗ trú ẩn anh lập tức cho toán quân di chuyển ngay chứ không
phải chờ đêm đến, lý do khi tha chết cho tên lính này, anh cũng
không thể yên tâm, biết đâu vài tiếng đồng hồ nữa đơn
vị của hắn sẽ đi kiếm và đương nhiên sẽ lòi ra dấu vết của
anh. Chính vì thế anh phải cần di chuyển gấp ra khỏi khu vực này càng
sớm càng tốt. Việc di chuyển giữa ban ngày ban mặt trong hoàn cảnh này thật
là nguy hiểm nhưng anh không biết làm sao hơn.
Khoảng ba giờ chiều khi căn cứ của đơn vị bạn hiện ra mờ mờ trong màn
sương chiều thì bất ngờ cả toán lọt vào ổ phục kích của một chốt chặn nút của
địch. Chỉ có anh và ba người lính chạy thoát được, riêng sáu người còn lại
trong đó có Hùng vì cố gắng bắn che cho anh đã hy sinh một cách anh dũng. Rạng
sáng hôm sau anh mới gặp được toán tiền đồn của căn cứ. Sự đói khát của thể xác
không làm anh kiệt sức bằng chính sự đau đớn ở trong lòng.
2/-
Anh hết sức ân hận về cái quyết định mà anh cho là dại dột đã dẫn đến
cái chết sáu người lính của mình, giá như anh cứ thẳng tay hạ sát tên lính Bắc
Việt rồi giấu nhẹm xác hắn đi thì đâu đến nỗi phải vội vã đi giữa ban ngày để
rơi vào ổ phục kích? Nhưng rồi anh lại suy nghĩ, việc giết hay không giết cái
tên lính kia trong thực tế có hay không liên quan đến cái cuộc phục kích chết
người gây tổn thất nặng nề cho anh. Hay đây chỉ là lý luận bào chữa để chạy tội
trước lương tâm và trách nhiệm của tên đại đội trưởng bất tài? Anh làm như vậy
là đúng hay sai đây?
Nỗi ray rứt đã dằn vặt anh suốt một thời gian dài. Đến
năm 1975 thì vận nước đã hết. Ngày 26 Tháng Ba, đơn
vị anh tan hàng và anh bị bắt ở bãi biển Thuận An.
Cuộc đời quân ngũ của anh đã chấm dứt từ đó và anh
trở thành tên tù cải tạo lăn lóc từ trại tù này qua trại
tù khác từ miền Trung ra miền Bắc trong suốt sáu năm trời. Sáu năm
tù tội là một thử thách khắc nghiệt đối với anh, nhưng thời
gian cũng trôi qua nhanh chóng và cùng với thời gian, nỗi ray rứt trong lòng
cùng cái khuôn mặt của tên lính Bắc Việt có cái nốt ruồi buồn cười kia
cũng dần phai nhạt trong trí nhớ anh.
Năm 1981 anh được thả ra. Năm 1990, qua chương trình HO, anh
và gia đình được qua định cư tại Hoa Kỳ. Anh không bao
giờ ngờ được rằng có ngày anh lại gặp được hắn.
Dĩ nhiên lần gặp gỡ này khác với lần gặp gỡ trước. Hơn 20 năm
trôi qua, thời gian và sự đổi thay của số phận hình
như đã làm nguôi ngoai phần nào những cảm xúc từ quá khứ.
Tuy nhiên, mỗi khi nhớ lại cái chết những người lính năm xưa anh vẫn còn
cảm thấy chút nhói đau trong lòng. Anh không hiểu nguyên nhân dẫn đến
sự kiện tồi tệ đó có phải xuất phát từ việc anh tha
mạng cho tên lính Bắc Việt này. Hoặc giả nếu lúc đó anh
cứ thẳng tay giết hắn thì liệu điều này có thay đổi được
gì chăng?
Anh định sẽ tìm cách gặp hắn và hình
như chỉ có hắn mới có thể giải tỏa được phần nào
nỗi khổ tâm này. Nhưng gặp được hắn, rồi làm
thế nào để moi hết tâm sự của hắn ra là chuyện không
phải dễ. Nhưng một sự tình cờ thật hy hữu xảy ra
như nó đã từng xảy ra dưới chân cái đồi tranh năm nào khi
cả hai gặp nhau vào cái lúc chẳng bên nào mong muốn.
Thằng con 15 tuổi của anh một hôm, nói:
– Ba ơi, ngày mai có người mời cha con mình đi ăn
giỗ.
– Ai vậy con?
– Ba thằng Tâm.
Thằng Tâm là bạn học cùng lớp với con anh, hai đứa chơi rất thân với
nhau, anh thấy thằng bé trông rất hiền lành, dễ thương nhưng ba nó thì anh
không biết, chỉ biết hai cha con ở trong một apartment cách nhà anh cũng không
xa lắm. Anh định không đi, nhưng thằng con anh năn nỉ. Nó nói hằng năm vào ngày
giỗ mẹ thằng Tâm chỉ có hai cha con nó với nhau, buồn lắm, nên năm nay có mời
hai cha con mình đến. Anh thấy không còn lý do nào để từ chối nên bằng
lòng.
3/-
Anh vô cùng sửng sốt khi nhận ra người đàn ông ra đứng
mở cửa cho hai cha con anh vào trong cái căn chung cư ấy lại chính
là hắn, tên bộ đội ngày xưa mà anh đang cố tình tìm
gặp. Hắn vui vẻ bắt tay anh rồi mời anh ngồi xuống bàn và lấy ra một
chai rượu vang đỏ. Anh nhìn quanh thấy góc phòng có một cái bàn
thờ nhỏ, trên bàn thờ có hình một người đàn bà còn
trẻ, anh đoán là vợ hắn. Anh và hắn ngồi riêng trước phòng
khách còn thằng Tâm và con anh cùng thêm vài đứa bạn thì ngồi
trong căn bếp. Hắn rót rượu vào ly và nói:
– Hân hạnh được biết anh, thằng nhỏ vẫn thường nhắc đến anh,
kể ra thì cũng chẳng có gì quan trọng. Hôm nay nhân ngày
giỗ của mẹ nó, tôi có làm ít món, trước để làm mâm
dâng lên theo thông lệ hằng năm, sau cũng có dịp làm quen anh, tôi
nghĩ hai đứa nhỏ đã chơi thân với nhau thì tại sao
hai ông bố lại không thể biết nhau?
Anh im lặng nghe hắn nói và vừa quan sát. Hắn có vẻ không
thay đổi mấy so với trước kia khi hắn mới là thằng lính oắt
con đang nằm run rẩy dưới mũi lưỡi lê của anh. Khuôn mặt hắn
giờ có phần mập ra và nhìn có vẻ già hơn với
những nếp nhăn hằn sâu trên mí mắt. Riêng cái nốt ruồi dưới má trái
cũng không thay đổi vẫn là cái cọng lông quen thuộc thò ra một
cách buồn cười.
Hắn nói tiếp: Tôi tên là Tòng. Xin lỗi anh tên gì?
Câu chuyện lúc đầu có vẻ vòng vo, anh cố lấp lửng
về phần “lý lịch” của mình để dễ nói chuyện với
hắn trong lúc Tòng thì khai huỵch toẹt ra hết. Hắn nói quê quán
hắn ở một vùng xa tận phía Bắc, đi bộ đội từ lúc
chưa đến 17 tuổi, vào Nam tham gia ít trận. Đến năm 1978
thì đào ngũ.
Hắn rót thêm rượu và nói tiếp:
– Tôi biết anh là người miền Nam có học thức. Với số tuổi
hiện giờ, nếu tôi đoán không lầm, trước kia anh cũng là một
sĩ quan trong quân đội VNCH, hoặc là một viên chức trong
bộ máy chính quyền miền Nam. Chính vì thế tôi muốn kể cho
anh một câu chuyện, một câu chuyện có thật và có liên
quan đến cái chết của vợ tôi. Một câu chuyện đã ám ảnh
tôi, dằn vặt tôi suốt bao nhiêu năm trời. Bởi vì trong câu chuyện này, tôi
không hiểu rằng tôi làm như vậy là đúng hay sai?
4/-Chuyện thế này:
Sau năm 1975 trong lúc công tác ở miền Nam tôi có liên
lạc được với một người cậu, ông này là dân di
cư từ năm 1954, giờ làm nghề đánh cá tại Rạch Giá.
Nghe lời khuyên của cậu tôi, đến năm 1978 tôi quyết định
bỏ ngũ để ở lại phụ việc với ông. Đến năm
1980 thì tôi lấy vợ, qua hai năm sau có đứa con tức là thằng Tâm bây
giờ. Nghề của tôi là tập tành theo ông cậu đi
biển đánh cá. Cuộc đời như thế, dẫu bữa đói bữa no nhưng cũng
coi là tạm ổn.
Cho đến năm 1982 thì có một biến cố xảy ra khiến
cuộc đời tôi thay đổi hẳn. Chắc anh cũng biết hồi đó phong trào
vượt biên đã lên cao điểm. Vùng tôi là vùng biển nên gần
như ngày nào cũng có chuyến đi, người ta đi như đi
chợ vậy. Chuyện vượt biên đối với hai vợ chồng tôi cũng
có khi nghĩ đến, nhưng chỉ nghĩ thôi chớ tiền
vàng đâu mà đi? Có điều tôi không ngờ ông cậu tôi lại
là người tổ chức đưa người đi vượt biên. Ông làm việc
kín đến mức ngay chính tôi là người kề cận bên ông
mà cũng không hay biết.
Cho đến một ngày ông gọi hai vợ chồng tôi đến, báo cho
biết ông đã chuẩn bị cho hai vợ chồng tôi một chiếc
thuyền để vượt biên. Ông nói rằng ông thương tôi
như con và coi thằng Tâm như cháu nội. Mặc dầu xa thì rất
nhớ nhưng vợ chồng tôi còn trẻ, nhất là đứa bé, mà tương
lai thì nhất định không bao giờ có thể sống
trên đất nước này, do đó ông quyết định cho chúng tôi đi.
Mọi việc đều do ông sắp đặt, từ tàu bè, xăng dầu, lương
thực đến việc mua bãi, kiếm thêm người đi theo. Ông lo từ A đến
Z không thiếu thứ gì.
Khoảng một tháng sau, chúng tôi lên đường. Ngoài hai vợ chồng
và đứa con, chúng tôi còn nhận thêm khoảng mười người nữa. Khởi hành lúc
nửa đêm, thuyền mới, máy mạnh, tài công vốn là cựu đại úy
thuyền trưởng Hải quân quân đội VNCH, nên chúng tôi càng yên tâm và tin
rằng mọi việc sẽ thuận lợi. Không ngờ thuyền chạy chưa được bao
lâu thì gặp một chuyện rắc rối. Một bé trai chừng mười tuổi đi
với người mẹ bỗng lên cơn đau bụng dữ dội, chẳng ai biết chuyện
gì. Cũng may trên thuyền có một vị bác sĩ. Sau khi chẩn đoán
thằng nhỏ, ông ta nói nó bị viêm ruột thừa.
Anh cũng biết, bệnh gì có thể kéo dài chứ bệnh này
nếu không đem đi mổ gấp thì trong vòng 24 giờ đồng hồ sau
sẽ nguy đến tính mạng. Biết thì biết vậy nhưng kiếm đâu ra
việc mổ xẻ ở đây? Nhưng nếu cứ chờ thì biết bao
giờ? Cái chết rõ ràng trước mặt với cậu bé. Tôi biết hai mẹ con này
vì cũng là dân trong vùng. Cha cậu bé trước 1975 là lính
VNCH đã tử trận. Nhìn mẹ cậu bé vừa khóc vừa van xin
mọi người cứu giúp khiến tôi không cầm lòng được.
Nhưng bằng cách nào cứu cậu bé? Cuối cùng tôi quay qua thảo luận với
viên tài công, rồi đưa ra một quyết định táo bạo. Lợi dụng lúc thủy
triều đang lên, tôi sẽ cho thuyền quay vào bờ, cập vào một
chỗ mà tôi biết để đưa hai mẹ con lên đất liền.
Bởi vì chỉ có lên bờ thì may ra mới
có cơ hội cứu sống cậu bé. Đây là một quyết định hết
sức nguy hiểm nếu không gọi là sai lầm. Đi vượt biên mà chạy
vòng vo kiểu này thì không khác gì tự tử. Tuy nhiên đây là vùng
biển tôi đi đánh cá nhiều lần nên rất rành, hơn nữa thuyền ít
người, máy lại mạnh, nên dù chạy lòng vòng vẫn có đủ khả năng
ra được hải phận quốc tế trước khi trời sáng.
Trong đêm tối, con thuyền quay mũi vào bờ, đến cái nơi
mà tôi đã biết. Thả hai mẹ con họ xuống xong,
chúng tôi tiếp tục ra khơi. Trước đó tôi không quên trả lại
số vàng mà người mẹ đã mua chỗ trên thuyền. Tóm lại,
tôi làm một việc mà dân Nam hay nói là “giỡn mặt tử thần”, một
việc mà tôi nghĩ chưa có chiếc thuyền vượt biên nào dám
làm. Để lấy lại thời gian đã mất, chúng tôi xả hết tốc
lực phóng ra hướng hải phận quốc tế. Nhưng không may,
gió tự nhiên đổi hướng thổi tạt vào bờ. Gió mạnh nên thuyền
không thể tiến nhanh. Đến khi trời sáng hẳn thì chúng tôi bị tàu
tuần duyên của công an biên phòng phát hiện, rượt theo. Biết chúng tôi không
dừng lại, chúng xả súng bắn.
Thuyền bị trúng đạn nhưng cũng ráng lết ra hải phận quốc
tế. Đến chiều thì có một tàu hàng của Pháp vớt chúng tôi.
Kiểm điểm tổn thất trên thuyền có bốn người chết, vài người
bị thương. Đau đớn thay, trong số người tử vong
có vợ tôi. Cũng may thằng Tâm không hề gì. Anh thử tưởng
tượng lúc đó tôi đau khổ như thế nào! Nếu
hồi đêm tôi cứ nhắm mắt, mặc xác hai
mẹ con đó thì giờ đâu đến nỗi như thế! Chính
tôi là người gián tiếp gây ra cái chết cho vợ tôi và ba người khác.
Có lúc tôi tự sỉ vả tôi là thằng ngu ngốc,
dám đem sinh mạng người khác để đánh đổi lại chút lòng
nhân đạo đặt không đúng chỗ của mình. Nhưng có lúc tôi
tự nghĩ, tôi có làm gì sai trái đâu? Việc tìm mọi
cách để cứu một em bé thoát khỏi cái chết trước mắt là một
việc làm của người có lương tâm. Ấy vậy nhưng khi nhớ lại bốn
cái xác chết đầy máu me trên thuyền trong đó có vợ tôi
thì cũng chính cái lương tâm đó nổi lên cắn rứt, dằn vặt tôi.
Thưa anh, theo anh thì việc tôi cho hai mẹ con họ lên
bờ là đúng hay sai? Có phải tôi đã đặt lòng
nhân đạo của mình trong trường hợp này là không đúng lúc, đúng
chỗ như nhiều người đã nói? Nhưng thưa anh, thật ra cái gì
cũng có nguyên nhân của nó. Tôi xin kể thêm một câu chuyện
mà qua đó, anh mới hiểu và thông cảm được động lực
nào đã giúp tôi có hành động như vừa
nói. Đó là vào năm 1972, tôi mới vào bộ đội, đã bị đẩy
vào chiến trường miền Nam và dự một trận đánh ở vùng
rừng núi phía Tây thành phố Huế. Nhờ quân số đông hơn,
trận đó chúng tôi chiếm được một căn cứ tiền đồn của
quân đội miền Nam.
Sau khi thu dọn chiến trường, chúng tôi được lệnh bung ra tìm bắt
những người lính miền Nam đang tìm cách rút chạy về một tiền đồn
khác của họ cách đó không xa. Một buổi trưa, trong khi đi tuần tiễu,
tôi bỗng lên cơn sốt rét, nằm mê man giữa rừng, không ai biết. Khi tỉnh
dậy tôi chợt thấy hai người lính miền Nam đang đi tới. Tôi chưa kịp
phản ứng thì họ đã nhảy đến, đè lên người
tôi, một người giật khẩu súng trên bụng tôi, còn người kia cầm lưỡi
lê dí vào cổ tôi. Lúc đó, tôi nghĩ mình không
thể nào tránh được cái chết, bởi vì những người này cần phải
giết tôi để khỏi bị phát giác. Nhưng bất ngờ người lính cầm
lưỡi lê đứng dậy, anh ta quay lại nói với người bạn đang đứng
canh chừng phía sau: “Thôi, tha cho nó, tội nghiệp, nó đang lên cơn
sốt”.
Thế rồi họ bỏ đi. Thưa anh, tôi thoát chết
trong đường tơ kẽ tóc. Đó không phải do phép
lạ nào hết, mà thực ra, chính là nhờ lòng nhân đạo của
hai người lính miền Nam kia, dù hành động đó cũng
khá nguy hiểm cho họ. Vì khi đơn vị tôi phát giác tôi không
có mặt thì họ sẽ đi tìm và chắc chắn việc tìm kiếm
sẽ gây khó khăn cho hai người lính miền Nam, bởi họ có nguy
cơ bị bắt và bị giết. Chính vì thế, mặc dù sức còn yếu, tôi
vẫn ráng bò dậy tìm đường về đơn vị. Đây
là cách đáp lại phần nào nghĩa cử cao thượng của hai người lính
miền Nam đối với tôi.
Hành động nhân đạo của họ có đặt đúng chỗ hay
không, tôi thấy điều đó không còn quan trọng nữa. Tôi
chỉ biết rằng hành động của họ đã cho tôi một ấn tượng
sâu sắc về lòng nhân đạo giữa con người và con người
và cũng nhờ vậy mà tôi có được quyết định nhanh chóng
và đúng lúc khi cho thuyền quay lại đưa hai mẹ con cậu bé kia
vào bờ.
5/-
Hắn đưa anh ra tận ngoài xe. Hai người bắt tay thật chặt. Cuối
cùng, anh nói: “Không có lòng nhân đạo nào mà đặt
không đúng chỗ. Quan trọng là mình dám làm hay không”. Anh nói xong,
cảm thấy như vừa trút được một gánh nặng. Nhìn lên bầu trời chan
hòa ánh nắng trên cao, anh thấy hình như những người lính
tử trận trên ngọn đồi tranh năm xưa đang nhìn anh, mỉm
cười.
Salt Lake City, Utah
Nguyễn Đình Liên
No comments:
Post a Comment