Sunday, March 1, 2015

Chuyện Ngày Chúa Nhựt


Sau một ngày quần quật  chăm sóc sửa sang lại vườn tược, nhổ cỏ dại, quét lá khô, dời mấy chậu bông tàn úa quá mùa vô một góc "dưỡng quân", cắt tỉa cây này, bón phân cây nọ và thay nước mới cho hồ nhân tạo; chiều tối cơm  nước tắm rửa xong xuôi, ngồi đưa cái lưng như tấm thớt nhựa hình chữ nhựt ra cho bà xã cạo gió, ông Nam thỏa thê hỏi vợ :
            - Em biết bữa nay chuyện gì làm cho anh hài lòng nhứt không?
Cô Ngân đang mở nắp lọ dầu gió con cọp, vừa thoa lên lưng ông chồng vừa ơ hờ đáp lấy lệ:
            - Thì mua được mấy chậu lan ưng ý, mấy chậu lan mà hổm rày anh ngắm nghía tròm trèm (chưa quyết định) và thòm thèm đó, còn nếu không phải thì là chuyện anh leo thang, trèo lên cây mulberry của hàng xóm sau nhà tỉa sạch mấy cái nhánh de qua nhà mình chớ gì. Cưa gần trọc cây của người ta rồi mà vẫn chưa vừa ý. Nói anh hòai hà, hơn bảy chục tuổi rồi mà cứ leo cây gần tới trên ngọn, bà hàng xóm kế bên thấy còn giựt mình la lên “ Oh my God! be careful Peter, too dangerous, get down please” mà anh còn cười cười đứng trên đó nói huyên thiên, ai cũng sợ anh té hết. Làm như mình là thanh niên trai tráng còn gân lắm vậy. Gãy xương lọi cổ có ngày đó.
Ông Nam không để ý giọng mát mẻ của vợ lắc đầu nói:
            - Không phải, chuyện mua lan thì có tiền là mua được chớ gì. Còn cưa cây thì thỉnh thỏang anh cũng cưa hòai, cũng thường thôi.
Cô Ngân bắt đầu thấy bực ông chồng bướng bỉnh, mạnh tay  cạo vào lưng làm ông Nam nhảy nhổm kêu lên:
            - Nhẹ tay một chút, làm gì như khảo tù vậy.
           - Ai biểu nói hòai mà không nghe, gìa rồi, nhiều người đi dưới đất còn không vững, còn ông dám xách cưa trèo lên cao chót vót cưa cắt ở trển, nhìn lên thấy muốn đứng tim. Lúc trước tui còn đứng ở dưới theo ông, chờ lôi mấy cái nhánh ông cưa rớt xuống  đem cắt ngắn bỏ vào thùng phụ ông, mỗi lần như vậy tui cứ phải hồi hộp phập phồng cầm canh, năn nỉ ông xuống thì ông nói cưa lần này nữa rồi thôi nhưng mà ông vẫn bổn cũ sọan lại hòai. Bây giờ tui không thèm nói và dòm chừng ông nữa, kệ ông, hễ ông leo lên  cây là tui đi vô nhà, chờ khi nào nghe rớt cái bịch thì tui kêu ambulance thôi. Khỏi mắc công bị  heart attack oan mạng. Người nào mà nghe tui nói vậy chắc nghĩ tui là ác phụ chớ họ đâu có biết ông stubborn tới cở nào. Cuộc đời của tui tòan là bị ông hại không hà. Hồi xưa ông làm tui đau tim vì yêu ông, bây giờ ông làm tui tức chết vì cái tánh ngoan cố khó ưa của ông.
Nghe bà xã bắt đầu bỏ giọng “ông ông, tui tui”, ông Nam vả lả:
            - Anh biết liệu sức mình mà chớ đâu dám ẩu. Không mé nhánh thì tới mùa thu lá chết rụng đầy sân nhà mình, quét hòai mệt quá đi.
Cô Ngân có lẽ “ứa gan” vụ cưa cây của ông xã trong bụng đâu từ hồi đời nào rồi nên sẵn dịp xả luôn một tràng dài :
            - Ông không có tâm hồn thi sĩ chút nào hết. Lá rơi mới là nên thơ, quét hết ba cái lá còn đâu là ý thơ  “mùa thu lá rụng bay vào sân em” như trong bài “Trúc đào”.  Ủa mà trúc đào quanh năm suốt tháng có bao giờ thay lá đâu, lại là lọai cây có chất độc số một nữa chớ, ông nào làm bài thơ này không biết có biết cây trúc đào ra sao không nữa. Nghĩ lại nhà thơ xạo thiệt. Còn ông thì thực tế quá. Có cái tàng cây hàng xóm cho mình bóng mát mùa hè,  cho thơ mộng lá rơi mùa thu, cho khắc khỏai mùa đông trơ cành để xuân về lại xanh thắm lá non. Tất cả bốn mùa là ở đó, cứ nhìn cây là biết sắp tới mùa nào. Vậy mà cứ vài tháng thấy nó vừa lú ngọn là ông lại leo lên cưa cụt đầu nó, nhìn cái cây nham nhở thấy mà tôi nghiệp! Tức gì đâu ! Ông nói ông biết liệu sức mình mà bây giờ biểu người ta cạo gió như vầy hay sao? Trời thì lạnh, gió thổi ào ào mà đứng trên cây cả tiếng đồng hồ. Tới chừng tuột xuống rồi thì lại te te chạy qua nhà hàng xóm hái cả trăm trái cam đứng hứng gió nữa chớ, không bệnh cũng uổng.
Ông Nam chận lời bà vợ :
            - Không uổng chút nào, chuyện mà anh khóai nhứt hôm nay là chuyện hái cam bên nhà ông Jeff đó đa. Từ hồi dọn về đây tới bây giờ, mình ở kế bên nhà ổng mà đâu có biết gia cảnh ổng như thế nào, nhà to đất rộng mà thấy ổng ở có một mình với mấy cây cam. Mấy cây cam của ổng mùa hè thì trổ bông trắng xóa thơm lừng cả xóm, mùa đông thì ra trái vàng hực sum suê đầy cành. Có mấy nhánh de qua nhà mình, đếm ra cũng đến mấy chục trái thấy mà ham. Hai bữa rày anh qua kiếm ổng mấy lần mà không gặp ổng ở nhà, anh định hỏi mua cam của ổng mặc dầu  hôm trước ổng có nói nhánh nào thòng qua nhà mình thì cứ hai ăn tự nhiên. Cam của ổng là organic không có xịt thuốc hay phân hóa học như cam bán ngòai chợ, vắt nước cho mấy thằng cháu uống tốt hơn cam chợ nên anh muốn mua một mớ. Vậy mà tới bữa nay mới gặp được ổng.
Duỗi duỗi tay cho đỡ mỏi, cô Ngân lại tiếp tục “thuyết pháp” :
            - Thì cũng chỉ được một hai tuần thôi, mình vẫn phải mua ngòai chợ chớ cam của ổng đâu có trái quanh năm cho mình. Rồi ổng nói sao mà anh rinh về bốn giỏ cam đầy nhóc vậy. Cái tật anh sao hay chứa cho nhiều, Em nói hòai cái gì cũng vậy, ăn tới đâu thì mua tới đó, nhiều quá phải kiếm chỗ cất rồi ăn không kịp nó hư lại phải sọan bỏ. Làm chi cho phiền phức thêm công chuyện. Mà tòan là em “lãnh đủ” không hà, anh mua cho thỏa chí rồi bắt em dẹp. Bỏ nhiều hơn ăn. Anh nghĩ lại coi có phải vậy không?
Ông Nam xuôi xị nói:
            - Ờ thì cũng phải, nhưng mà em nghĩ coi, thấy ham quá mà, hái không muốn ngừng tay, lại nữa vừa hái vừa trò chuyện với ổng nên không để ý là được bao nhiêu rồi, tới một hồi nhớ sực lại đem về không biết để đâu thế nào cũng bị em la mới thôi đó chớ. Anh trả hai chục đồng cho ổng thấy vui, thấy hãnh diện vì cây nhà lá vườn của ổng có người  chiếu cố hỏi mua. Hái cả mấy giỏ mà nhìn lại cây vẫn còn y nguyên không vơi trái nào. Bữa nay mới thấy ổng cười, ổng nói chuyện nhiều lắm. Em biết ổng bao nhiêu tuổi không?
Cô Ngân vẫn đều tay cạo gió đáp bừa:
            - Chắc phải hơn bảy mươi. Thấy ổng già hơn anh, tướng đi lụm cụm quá.
Ông Nam cười:
            - Sai bét, ổng nhỏ hơn anh mười tuổi lận, mới có 63 thôi. Hồi đó tới giờ cứ tưởng ổng gìa lắm chớ, ai dè hồi anh học lớp nhì ở Việt Nam thì bên Úc ổng còn chưa…mặc  quần nữa, nói rõ hơn là ổng còn bận tả. Ổng ở căn nhà này với ba má ổng từ lúc mới sanh cho tới bây giờ đó. Cái trường tiểu học ở đầu đường nhà mình là ngôi trường đầu tiên ổng đi học lúc lên năm tuổi. Cả đời không từng có vợ. Hỏi ổng sao vậy, ổng nói “too much trouble”. Hỏi ổng có bạn gái không. Ổng cười nói hồi 7 tuổi tôi có để ý nhỏ bạn học chung lớp, tôi hỏi cô bé chịu lấy tôi không, cô bé chỉ cười cười e thẹn, hồi đó còn con nít mà biết cái gì”. Anh hỏi ở một mình vậy ông có thấy buồn tẻ cô đơn không? Ổng nói “tôi quen rồi, trời sinh tôi ra với phần số như vậy mà. Tôi không thấy cô đơn chút nào cả. Tối nào tôi cũng nói chuyện với má tôi, má tôi thương tôi lắm và tôi cũng rất thương bà”.  


  
Cô Ngân tò mò:
            - Vậy má ổng ở đâu, sao mình chưa hề thấy bà nào trong căn nhà đó hết?
            - Ổng nói má ổng chết lúc ổng mười chín tuổi. Còn ba ổng thì mới qua đời cách đây năm năm. Bây giờ chỉ còn mình ổng. Anh mới hỏi vậy má ông có trả lời ông không? Ổng nói  “Có chớ, đêm nào tôi cũng nói cả tiếng đồng hồ với má tôi bằng tâm linh và tôi nghe bà trả lời. Gặp chuyện gì khó khăn tôi cũng hỏi ý bà và bà hướng dẫn cho tôi biết phải làm sao”.
Ông Nam kể tiếp với vợ:
            - Hèn chi mà đêm nào anh đi tản bộ ngòai sau vườn cũng nghe ổng trò chuyện với ai đó, mà nói lớn lắm, anh cứ tưởng ổng có khách dẫn ra sau vườn chơi. Ai dè…
Cô Ngân rùng mình:
           - Thiệt không đó? Nghe phát ớn lạnh nổi da gà. Chắc ổng tưởng tượng vậy cho đỡ cô độc, thấy như má ổng vẫn ở bên cạnh ổng. Em có cảm tưởng ông này giống như anh chàng khù khờ Forrest Gump trong phim Forrest Gump mà mình đã coi hồi năm nào đó. Chỉ nhớ mang máng là chuyện một người đàn ông từ nhỏ đã không có cha, sống với bà mẹ trong một trang trại ở một làng quê hẻo lánh. Ở đó anh ta có rất nhiều kỷ niệm thời niên thiếu với mẹ, với cô bạn gái nhỏ đáng thương sớm mồ côi mẹ, sống với người cha vô trách nhiệm suốt ngày say xỉn. Vì anh ta bị tật bẩm sinh, đi đứng không giống ai nên thường bị chúng bạn chế diễu ngạo cười. Chỉ có cô bạn nhỏ mới chịu chơi chung với anh ta và bênh vực anh ta thành ra hai đứa trở thành mục tiêu cho lũ bạn  chọc ghẹo hiếp đáp. Lớn lên, anh ta nhập ngủ rồi đi đánh trận ở Việt Nam. Nhờ khù khờ, điếc không sợ súng nên ngẫu nhiên anh ta lập được chiến công, cứu ông sĩ quan cấp chỉ huy của mình thóat chết trong đường tơ kẻ tóc. Sau khi giải ngủ, anh ta về lại quê xưa, gặp lại cô bạn cũ và có một đứa con với cô ta mà không hề hay biết. Mãi đến khi cô bạn gái ấy biết mình sắp chết vì căn bệnh nan y, cô ta mới tìm đến anh chàng này để giao lại đứa con. Anh ta  làm đám cưới với cô ấy nhưng không được bao lâu thì vợ anh ta chết.

Chuyện thật cảm động, thật buồn. Từ đầu cho tới cuối phim, anh ta là người kể chuyện, ngồi trên chiếc băng ghế ở trạm xe bus bên đường cầm hộp  chocolate, gặp ai cũng mời ăn. Người đi kẻ đến, mỗi người nghe một đọan, có người chăm chú lắng nghe, có người thờ ơ không hứng thú nhưng anh ta vẫn cứ kể, cuối cùng ráp nối lại thành  chuyện đời anh ta, một cuộc đời lẻ loi cô độc, bất hạnh từ nhỏ cho tới lớn. Nhưng kết cuộc anh ta cũng được an ủi bù đắp bởi còn được mụn con bên mình, món quà vô giá của thượng đế thương  tặng. Thấy thương nhứt là anh ta cứ lập đi lập lại mấy câu nói của bà mẹ khi còn sống “My Mommy always said,  life was like a box of chocolates. You never know what you’re gonna get” (má tôi thường nói cuộc đời giống như một hộp chocolate đủ loại mà mình không hề biết lọai nào ra sao cho tới khi mở ra ăn thử) và một câu khác nữa là “You have to do the best with what God gave to you”(con hãy cố gắng làm tốt nhứt những gì trời đã cho con).

Hôm nay nghe chuyện ông Jeff hàng xóm mình, em nghĩ ông này chắc cũng cần người tâm sự như Forrest Gump ngồi kể chuyện bất cần ai nghe ai hiểu, cứ nói, cứ bộc bạch ra cho nhẹ cỏi lòng, cho thỏai mái tâm tư như là có người chia sẻ. Người câm còn muốn nói, không nói được thì diễn tả bằng thủ ngữ huống chi người không câm. Mình nói cứ nói, ai nghe không nghe thì thôi bởi vì “nói” cũng là một nhu cầu như nhu cầu ăn uống, thở họăc ngủ vậy.  À, rồi sao anh chạy về kêu em đưa máy chụp hình cho anh làm chi vậy?
            - Anh nghĩ chắc ổng không có dịp và cũng chưa từng được ai chụp hình cho hết nên đề nghị chụp cho ổng vài pose hình đứng giữa vườn cam. Ổng mừng lắm chịu liền. Ổng lại nói thêm  về má ổng, nói bảy cây cam này là do má ổng mua về trồng lúc ổng lên mười tuổi. Mỗi năm tới mùa cam chín rộ, má ổng hái xuống làm mứt vô keo cất trong tủ lạnh cho gia đình dùng quanh năm sau khi đã chứa tối đa  trong freezer một số trái để ăn dần dần. Năm nào bà cũng mua cả chục bao cow manure về bón cho tốt cây sai trái. Từ khi má ổng qua đời, ổng rất thương quý mấy cây cam, chăm sóc chúng như phụng dưỡng má ổng vậy. Ổng không biết làm mứt, chỉ chứa trong freezer ăn cho tới mùa cam năm sau. Mỗi chiều ổng ra gốc cam nói chuyện với má ổng  tưởng như bà  còn sống, lẩn quẩn quanh đây. Nghe thật cảm động. Anh nói với ổng vậy tối nay ông hãy nói  với má ông là tôi rất thích cam của bà và đã hỏi mua, nói cám ơn bà đã trồng những cây cam này để giờ đây tôi cũng được hưởng phần nào. Ổng nghe vậy vui lắm nói “I vill, she must be very happy to hear that” (Tôi sẽ nói lại, chắc bà sẽ vui lắm).
Vừa lúc cạo gió xong, cô Ngân kéo áo ông chồng xuống vừa thở dài nói:
            - Tội nghiệp ông này quá hả, cả cuộc đời hẩm hiu quạnh quẽ một mình. Rồi đây càng ngày càng già nua bệnh họan, một mai có chết trong nhà cả tuần chắc cũng không ai hay. Nhà ổng quanh năm suốt tháng cứ đóng cửa im lìm, không hề có ai thăm viếng, cũng không bao giờ nghe nhạc nhiếc party gì hết. Chừng nào anh rửa hình xong, em sẽ mua cái khung để hình ổng vô, đem qua  tặng ổng cho ổng thấy ấm lòng. Như vây thì bữa nay anh đứng ngòai trời bị cảm lạnh cũng đáng và em cạo gió cho anh cũng không uổng. Đổi lại mình có thể chia sẻ  với người ta được chút niềm vui. Chắc từ nay anh nên qua thăm chừng dòm ngó ổng thường xuyên hơn mới được.   
Ông Nam nheo mắt cười trêu vợ:
            - Chà, chạm tới con tim bà xã tui rồi hả? Sao không la nữa đi? Anh làm bao nhiêu chuyện mà không bao giờ thấy em appreciate hết, còn nghe tới chuyện người ngòai thì sốt sắng quan tâm. Bụt nhà không linh chớ gì?
Cô Ngân chống chế phân bua:
            - Không hẳn vậy, nếu anh làm chuyện gì hợp ý em thì em cám ơn anh lắm chớ nhưng đàng này anh chơi khôn, tòan làm theo ý anh không hà, chẳng hạn như anh nói anh trồng hoa làm vườn cho em hưởng em ngắm nhưng anh chỉ trồng những lọai anh thích, còn lọai nào em thích thì anh chê anh ghét không thèm tưới để cho nó chết khô hoặc dời nó vô trong hốc trong  kẹt. Mỗi lần đi mua bông, hễ  em nói thích màu này thì anh nói anh thích màu kia, rốt cuộc chỉ mua những màu anh chọn. Bất mãn thì có chớ appreciate cái nổi gì. Đó chỉ mới là chuyện bông hoa thôi đó, còn biết bao nhiêu chuyện khác trong cuộc sống vợ chồng hằng ngày mà lúc nào mình cũng bất đồng ý kiến, thử hỏi làm sao mà hạnh phúc cho được. Đành rằng vợ chồng nào cũng có những lúc tranh cãi, nhưng nếu suốt cả cuộc đời là cả một cuộc tranh cãi trường kỳ thì chán nãn mệt mỏi quá đi. Tốt hơn là im lặng, xuồng ai nấy chèo, hồn ai nấy giữ cho xong, cho qua kiếp này.

Nhìn vào tình cảnh ông Jeff, người ngoài như mình thấy ái ngại cho ổng nhưng biết đâu ổng là người hạnh phúc,  không ai làm phiền ổng mà ổng  cũng không làm phiền ai, cứ thỏai mái rong chơi một kiếp rồi ung dung ra về, không bận bịu nắm níu chi chi. Lý giải theo thuyết nhà Phật thì có lẽ kiếp trước ổng không mắc nợ ai cả cho nên kiếp này ổng thóat khỏi cái vòng hệ lụy lẩn quẩn lấy vợ gả chồng sinh con đẻ cháu, một mối quan hệ ràng buộc gia đình thật ấm áp thiết thực mà ai cũng phải có  nhưng suy cho đúng ra có lẽ là do nợ nần oan gia từ tiền kiếp,  “too much trouble” như ông Jeff đã nói. Như tụi mình đây chắc chắn là có nợ nhau cho nên  dù xung khắc  vẫn phải chung sống bên nhau tới bây giờ. Anh thấy phải không?
Ông Nam gật gù nói lấy lòng vợ :
            - Thì vậy, nhưng dẫu sao anh thấy sống độc thân là không hợp lẽ trời. Vạn vật trong trời đất cái gì cũng  có âm có dương, có đôi có cặp. Nếu mình đi ngược lại luật thiên nhiên là sai nguyên lý, phản tự nhiên, bất bình thường. Cho dù vợ chồng con cái có là nợ nần hay là oan gia nghiệp báo gì đi nữa thì anh cũng xin nhận lãnh cái nợ đó và ước ao đuợc chung sống mãi với những oan gia nghiệp báo của mình đến ngày cuối của cuộc đời.…

 Người Phương Nam                                                                                                               

6 comments:

  1. Chị Phương Nam ơi,
    Tui vừa đọc một truyện ngắn mới rất dễ thương của Chị, nhưng cũng hơi "động lòng" nói nhỏ với chị về một chữ chị dùng không chính xác, nên sửa lại : Đó là chữ "tròm trèm" về mấy chậu lan ở đầu truyện.
    Đúng ra là "thòm thèm" (thích, muốn) chứ không phải "tròm trèm" (gần bằng). Thí dụ : Tuổi nó tròm trèm mười bảy, mười tám chi đó !
    Chúc Chị luôn khoẻ, vui nha
    Thân ái,
    mpd

    ReplyDelete
  2. Cám ơn anh Mạc Phương Đình đã đọc kỹ như vậy. Anh nói đúng, “thòm thèm” là ước muốn dữ lắm nhưng ý tôi ở đây không phải là “rất muốn” mà là còn trong tình trạng lưỡng lự suy nghĩ coi có nên mua không vì ông xã tôi không có số trồng lan, năm nào tới mùa lan ổng cũng rinh về bốn năm chậu để ngắm tới hết mùa. Năm sau ra
    tòan là lá không, vậy là ổng bực mình kêu người ta lại cho hoặc là bỏ. Vì vậy tôi mới nói là “tròm trèm”. Nhưng ý
    anh cũng đúng, tôi sẽ mở ngoặc thêm chữ “thòm thèm” vô để bạn đọc muốn hiểu thế nào cũng đựơc.

    Một lần nữa cám ơn anh đã cho một ý kiến rất xác đáng. Thân mến.
    Chúc vui cuối tuần.

    NPN

    ReplyDelete
  3. Một lỗi kỹ thuật (too much trouble).NPN giống "twin" với Nguyễn thị Thanh Dương,nhưng đọc bài của NPN biết ngay là Phật Tử.Văn tức là người, nhân hiền tại mạo.Đọc văn,xem hình cũng biết .....một người có tâm Bồ Tát.

    ReplyDelete
  4. Một lỗi kỹ thuật (too much trouble).NPN giống "twin" với Nguyễn thị Thanh Dương,nhưng đọc bài của NPN biết ngay là Phật Tử.Văn tức là người, nhân hiền tại mạo.Đọc văn,xem hình cũng biết .....một người có tâm Bồ Tát.

    ReplyDelete
  5. Cám ơn Lê Bảo Tịnh đã nhắc nhở. Mình biết mà không biết sao lại sơ ý viết vậy.
    Để sửa lại. Thân mến.
    NPN

    ReplyDelete
  6. Chi TK, cho mình share bài nầy nhé ! Cám ơn Chi nhe !

    ReplyDelete