Wednesday, October 25, 2017

Ranh Giới Giữa "Dementia" và "Alzheimer" - Steve Lopez - Trần Bình Nam phóng thuật


Nhân vụ ông Donald Sterling, chủ đội Bóng Rổ Clippers, vì ghen tuông nói những lời đụng chạm đến người da đen, đặc biệt nhắm đến Magic Johnson, một thần tượng thể thao của người Mỹ nên phản ứng của giới ưa chuộng bóng rổ được sự hỗ trợ –theo thời- của truyền hình, báo đài rất là ầm ĩ.
          
Nhưng đó không phải là đề tài chính của ký giả Steve Lopez, một trong những ngườiviết bình luận cho nhật báo Los Angeles Times, tờ báo lớn nhất miền Tây Hoa Kỳ. Nguyên là, bà Shelly vợ ông Sterling, khi được ký giả Barbara Walter phỏng vấn, nói bà nghĩ chồng bà có triệu chứng “dementia”. Dementia trong y khoa là “bệnh quên”. Khi về già ai cũng có lúc “quên này quên khác”, nhưng “dementia” là bệnh quên, quên nhiều trở thành lú lẫn, và có thể trở thành bệnh “mất trí nhớ”, y khoa gọi là bệnh “Alzheimer”.
          
Ký giả Lopez nói ông không phải là bác sĩ, nhưng nhân dư luận đang theo dõi vụ Donald Clippers, ông thử bàn đến “dementia” và “Alzheimer” xem sao! Ông nói không ai tin 100% vào lời nói của bà Shelly. Nhưng nếu chồng bà do “dementia” mà nói bậy thì vì bệnh chứ không phải ông ta là người kỳ thị người da màu.
          
Tại Hoa Kỳ có hằng chục triệu người hay quên, nhưng ít ai biết rõ đâu là ranh giới giữa quên vì tuổi già với “dementia” và “Alzheimer” để liệu bề chữa trị. Bà bác sĩ Debra Cherry, Phó giám đốc chi nhánh của Hội Alzheimer tại Nam California nói theo bà ít nhất có 50% người bị  dementia không nghĩ đến việc đi khám xem sao. Đa số nghĩ quên chỉ là chuyện của tuổi già. Và điều này cũng là lối suy nghĩ bình thường của nhiều bác sĩ.
          
Theo tìm tòi của ông Lopez, Alzheimer là một biến chứng thông thường nhất của Dementia chứ không phải hay quên (forgetfulness)hay trở thành Alzheimer. Triệu chứng thông thường báo hiệu Alzheimer là trạng thái tình cảm (mood)bất ổn và sự thay đổi cá tính (personlity change).
          
Bà Cherry nói người có triệu chứng Dementia trái lại thường có những ý nghĩ lạ thường và làm những chuyện thường không ai làm. Thí dụ “đề nghị quan hệ sinh lý” với một đối tượng chưa đủ thân mật, hoặc tồng ngồng trước mặt mọi người rồi mới hoảng hốt nhận ra.
          
Bác sĩ Claudia Kawas thuộc Viện Trí nhớ & Tâm thần của Viện Đại học Irvine, California nói thêm, tuy vậy về phương diện y khoa các triệu chứng trên cũng chưa đủ để kết luận một người nào đó đang bước vào thời kỳ đầu của bệnh Dementia. Ông nói: “Là một bác sĩ đôi khi tôi cũng rất lúng túng xác định ranh giới của bệnh quên bình thường và Dementia”, và ông khuyên ai thấy dấu hiệu khác thường thì nên xin một cuộc khám nghiệm tại các trung tâm chuyên trị Dementia.
          
Mới đây, bác sĩ Kawas thực hiện một công trình thu lượm dữ kiện nơi những ông bà già 90 tuổi thuộc Trung Tâm dành cho người già ở Laguna Woods và đã trình bày kết quả trong một chương trình “60 minutes” của đài ABC. Bà nói: “Bệnh Dementia là bệnh làm mất khả năng thông thường của trí nhớ, trong đó sự mất khả năng phán đoán (judgement) là dấu hiệu quan trọng nhất.” Bà Kawas nói tiếp: “Các đối tượng này không có khả năng kiểm soát sự hữu lý của dòng tư tưởng khi nói. Chuyện một đằng, bàn một nẽo không đâu vào đâu cả.”
          
Nhà báo Steve Lopez nói: “Ai có thân nhân bị bệnh Dementia đều trải qua những kinh nghiệm buồn khó tả”. Cha tôi bị Dementia trong những năm tháng cuối đời. Có ngày ông ủ rũ, có ngày ông nói nhiều và chướng không chịu được. Ông bắt bẻ chuyện này chuyện khác. Trí ông đôi khi mạch lạc, nhưng đôi khi lù mù không biết ông đang nghĩ gì. Một hôm tôi đến nhà dưỡng lão thăm ông. Thấy tôi ông nói: “Con đến đưa Ba đi học há?”
          
Nhưng cha tôi trên 80 tuổi, bệnh trạng đã được xác định. Khổ cho những người trung niên còn chung đụng với xã hội. Cái hiện tượng buộc miệng “một lời nói ra, bốn ngựa không đuổi kịp” là điều bứt rứt nhất cho những người trẻ tuổi nhuốm bệnh.
          
Bà bác sĩ Kawas nói: “Khi tiếp xúc một đối tượng trong tuổi 60 – 65, không biết chúng ta có thể quyết đoán trí nhớ của đối tượng còn sắc bén như trước không.” Bà nói, đôi khi chỉ vì sống ở thời đại tin học nhiều thông tin quá, chúng ta không đủ thì giờ tiêu hóa chứ không phải quên. Nhưng quên tên một người bạn gặp hằng ngày hay quên vừa để chùm chìa khóa ở đâu là chuyện khác. Tuy nhiên không có gì để lo âu nếu những chuyện quên lặt vặt đó không ảnh hưởng đến nếp sống ăn ngủ làm việc hằng ngày của chúng ta.
          
Bác sĩ Lon Schneider, giáo sư tâm thần tại Đại học USC nói “Nếu chúng ta bỏ cái chùm chìa khóa trong tủ lạnh rồi kết luận mất, thì đó là lúc cần gặp bác sĩ chuyên môn”  Bác sĩ Schneider cảnh giác những người trong tuổi 30-40 rằng, đừng ỷ vào tuổi trẻ để coi thường các triệu chứng. Ở tuổi 30-40 nếu chúng ta không còn mạnh như tuổi đôi mươi, thì trí tuệ cũng có thể suy giảm theo thời gian. Tuy nhiên tuổi trẻ biết cách tự điều chỉnh như tổ chức công việc một cách khoa học hơn, biết ghi chú khi cần chứ không ỷ lại vào sự tinh tường của bộ óc. Bác sĩ Schneider nói : “Với lối sống như vậy trước tuổi 65, chúng ta – dù gì – cũng chưa lo lắm.”
          
Bệnh Dementia có một đặc điểm. Khi nó đã đến thì thuốc thang không giúp ích bao nhiêu. Nhưng vận động cơ thể, tập định tâm như thiền, yoga, và thức ăn uống chọn lọc có thể giúp trì hoãn sự phát triển của bệnh.
          
Còn ranh giới giữa Dementia và Alzheimer thì sao ?
Trả lời câu hỏi này ký giả Steve Lopez ghi ra 10 dấu hiệu báo hiệu bệnh Alzheimer(*).
        (1) hay quên, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày
       (2) không thể làm gì theo kế hoạch, và lúng ta lúng túng không giải quyết nổi một vấn đề đơn giản.
        (3) Lúng túng khi cần tắm rữa, thay áo quần, đi tiêu đi tiểu
        (4) lẫn lộn thời gian (sáng với chiều …) và nơi chỗ (nhà mình, nhà con, nhà bạn …)
        (5) không nhận ra ngay người thân, và thứ tự trên dưới trong không gian
        (6) không chọn chữ thích hợp khi nói.
        (7) để vật dụng tại một nơi không ai ngờ
         (8) mất khả năng phán đoán sự việc.
         (9) ác cảm với sinh hoạt xã hội
         (10) không  kiểm soát được phản ứng tình cảm và cá tính thay đổi thất thường.
          Lời khuyên cuối của bác sĩ Dera Cherry: “Một nguyên tắc chung, về thuốc men và ăn uống, cái gì tốt cho quả tim có thể tốt cho bộ óc”./.

Trần Bình Nam phóng thuật
May 20, 2014
binhnam@sbcglobal. net

No comments:

Post a Comment