Làm người Việt Nam chúng ta không thể quên công
ơn tiền nhân dựng nước và giữ nước. Trang sử Việt Nam oai hùng của dân tộc Việt
bắt nguồn từ cuộc khởi nghĩa của nhị vị Trưng Vương. Đó là tên gọi chung của
hai chị em bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Nhị vị nữ tướng oai hùng đã mở đầu trang
sử oai hùng nhất của dòng Lạc Việt.
Ngày xưa đi học, ngay từ thời tiểu học, bài thơ
về hai bà tôi vẫn còn thuộc nằm lòng
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân...
Lên tới trung học bài hát "Trung Nữ
Vương" của nhạc sĩ Thẩm Oánh vẫn là bài hát hùng tráng nhất mà chúng tôi,
những nữ sinh cất cao tiếng hát vào giờ nhạc
Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà
Mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca
Thu về giang san cho lừng uy gái Nam,
Bầu trời Á sáng ngời ánh quang.
(https://lyric.tkaraoke.com/17285/trung_nu_vuong.html#playMp3)
Đây không phải là truyền thuyết, đây là chính sử
của dân tộc ta. Nước Tàu luôn luôn tìm cách xóa đi trong lịch sử những thất bại
của mình, thêu dệt lịch sử VN, hạ thấp giá trị anh hùng liệt nữ VN ta để thỏa
mộng bá quyền và làm nhục chí đấu tranh dân tộc. Cho nên nhân ngày giỗ
hai Bà cũng nên lật lại trang sử oai hùng đất nước. Ôn lại quốc sử để tự hào về
nhị nữ anh thư đã dám cưỡi voi ra trận đánh đuổi giặc tàu về phương Bắc.
Theo Đại Việt Sử Lược đó là thời kỳ Bắc thuộc lần
thứ nhất, nước ta có tên là Giao Chỉ. Hai bà là con gái của quan Lạc Tướng ở
huyện Mê Linh. Mẹ hai bà tên là Man Thiện. Bà Trưng Trắc lấy chồng tên là Thi
Sách, cũng là con của Lạc Tướng ở huyện Chu Diên.
Dưới sự thống trị ác độc của nhà Đông Hán, thái
thú Tô Định áp bức người dân. Bà Trưng Trắc đã tụ tập binh mã nuôi chí khởi
nghĩa chống bạo quyền. Sau khi Tô Định giết chết chồng bà là Thi Sách bà chính
thức chỉ huy tướng lãnh và quân đội phục thù chồng.Tháng 2 năm 40
hai Bà tuyên hịch phát động cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán. Toàn thể
dân Lạc Việt dưới sự lãnh đạo của Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam Trưng Trắc đã nhất
tề nổi dậy chống quân Đông Hán. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố
đều nhất tề về quy thuận. Các nữ tướng như bà Lê Chân không những đến từ Hải
Dương mà còn đem cả đội chiến thuyền. Công Chúa Thánh Thiên cũng đem cả đội
binh riêng mình về, Bà Lê thị Nga có chiến khu riêng ở vùng Thanh Hóa ...Đã có
162 vị danh tướng tài ba cùng đem quân về quy phục dưới trướng tạo nên một lực
lượng hùng hậu dũng mãnh thao lược. Quân ta chiếm thành Luy Lâu và đuổi Tô Định
phải chạy về nước. Hai Bà lấy được 65 thành trì ở Lĩnh Nam, đóng đô ở huyện Mê
Linh thuộc quận Giao Chỉ lên ngôi xưng là Trưng Nữ Vương.
Hai bà vỗ an dân chúng, chấn chỉnh lại hệ thống
cai trị, xây dựng lại đất nước đã bị giặc Đông Hán tàn phá. Trong vòng 3 năm
hai bà chưa đủ thời gian ổn định đất nước, củng cố quân lực hùng mạnh thì giặc
lại đem quân sang uy hiếp. Ngày 30 tháng 1 năm 41 Hán Quang Vũ phong Mã Viện
làm Phục Ba tướng quân Phù Lạc Hầu Lưu Long làm phó tướng đem 2 vạn binh
sĩ thiện chiến chia làm hai cánh thủy bộ rầm rập tiến đánh nước ta.
Binh lực giặc như chẻ tre, quân ta đánh không lại
nên hai bà phải lui quân về Cẩm Khê chấn chỉnh lại đội ngũ. Năm Quý Mão (43)
sau gần một năm chiến đấu cầm cự hai bà đành thất thủ. Để bảo toàn khí tiết hai
bà gieo mình xuống sông Hát Giang (Hát Môn Hà Tây) tự tử.
Đối với nước Tàu một dân tộc coi thường phụ nữ
lại bị hai người đàn bà Việt Nam yếu đuối khởi binh đánh trả và giành quyền tự
chủ là nổi ô nhục lớn. Cho nên Mã Viện đã tịch thu nhiều trống đồng nước ta và
đúc thành một cột đồng làm biên giới giữa nước ta với nhà Hán khắc lên đó
:" Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt" có nghĩa là nếu cột đồng này gãy thì
nước Giao Chỉ ta không còn. Tương truyền vì bảo vệ đất nước nên ông cha ta mỗi
khi đi ngang cột đồng đều lấy đá đắp vào để trụ đồng không gãy.
Hai bà dù thất trận, dù làm vua không lâu, nhưng
hai bà đã làm cho quân địch phải kinh hồn bạt vía chấn động cả triều đình nhà
Hán. Hai bà đã tạo nên truyền thống bất khuất cho phụ nữ Việt Nam. Ngày nay tại
làng Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn đền thờ hai Bà, hàng năm dân chúng dâng
hương lễ bái.
Nhị nữ Trưng Vương đã tuẫn tiết , dân Bách Việt
lại một lần nữa bị đô hộ mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai. Nhà Hán tiếp
tục đặt ách nô lệ lên dân tộc ta kéo dài suốt 1.000 năm. Đây là thời kỳ Bắc
phương đặt nền móng đồng hóa dân tộc ta để biến nước ta thành một tỉnh của Tàu.
Tuy nhiên dù bị áp bức và thống trị, giòng Bách Việt vẫn chống trả và tìm mọi
cách thoát ly ra khỏi gông cùm xiềng xích giặc Tàu bằng chính tiếng nói, chữ
nôm và phong tục tập quán dân tộc. Mãi cho đến thời Ngô Vương với chiến thắng
Bạch Đằng năm 939 thế kỷ thứ 10 (sau công nguyên) nhà Ngô mới lấy lại chủ quyền
cho đất nước.
Là con cháu hai bà, chúng ta tìm về lịch sử để
biết, cảm phục và tri ân. Một người chị trong Văn Bút đã tìm ra tài liệu trên
Google (https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Hai_B%C3%A0_Tr%C6%B0ng) và gửi đến
chúng tôi về cuộc khởi nghĩa và các tướng lĩnh của hai bà. Xin ghi lại nơi đây
để cùng nhau làm tài liệu lịch sử. Để biết người phụ nữ VN ngoài nhiệm vụ cho
cho gia đình còn là những nữ tướng oai hùng ngoài trận mạc, để hiểu một cách
thấu đáo câu nói "Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh".
Tướng lĩnh của Hai Bà Trưng
Theo một số nguồn dã sử, cuộc khởi nghĩa Trưng
Vương có đến hơn 70 tướng lĩnh, trong đó có nhiều thủ lĩnh các nghĩa quân địa
phương, hiện còn nhiều đền thờ lập Thành hoàng làng ở miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc. Đặc biệt, trong số này
có nhiều nữ tướng lĩnh[47].
· Thánh Thiên – Nữ tướng anh hùng: Khởi nghĩa ở Yên Dũng, Bắc Đái (nay thuộc Bắc Giang). Tài kiêm văn võ, được Trưng Vương phong làm Thánh Thiên công
chúa, giữ chức Bình Ngô đại tướng quân, thống lĩnh binh mã trấn thủ vùng Nam
Hải (Hải Nam). Hiện có đền thờ ở Ngọc Lâm, Yên Dũng, Bắc Ninh (Việt Nam) và ở cả hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc.
· Lê Chân – Nữ tướng miền
biển: Khởi nghĩa ở An Biên, Hải Phòng, được Trưng Vương phong làm Đông Triều công chúa, giữ chức Trấn
Đông đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải. Hiện có đền Nghè ở An Biên, Hải Phòng thờ bà.
· Vũ Thị Thục: Khởi nghĩa ở Tiên La (Thái Bình), được Trưng Vương phong làm Bát Nạn đại tướng, Uy Viễn đại tướng
quân, Trinh Thục công chúa. Hiện có đền thờ ở Phượng Lâu (Phù Ninh, Phú Thọ) và Tiên La (Hưng Hà, Thái Bình).
· Vương Thị Tiên: Được Trưng Vương phong làm Ngọc Quang công chúa, được thờ ở đền
Sầy và miếu thờ ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tương truyền, bà có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc và gieo mình
tự vẫn tại xã Hữu Bị, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, Nam Định. Sau này đến đời vua Lý Thái Tông có năm hạn hán lớn, nhà vua lập đàn cầu mưa, bà còn hiển linh giúp
dân chống hạn. Nhà vua giáng chỉ cho dân địa phương thờ phụng theo nghi lễ đầy
đủ hơn và tặng thêm hai chữ trong duệ hiệu, thành Ngọc Quang Thiên Hương công
chúa.[48]
· Nàng Nội – Nữ tướng vùng Bạch Hạc: Khởi nghĩa ở xã Bạch Hạc (thành phố Việt Trì, Phú Thọ ngày nay), được
Trưng Vương phong làm Nhập Nội Bạch Hạc Thủy công chúa. Hiện thành phố Việt Trì có đền thờ bà.
· Lê Thị Hoa – Nữ tướng anh
hùng: Khởi nghĩa ở Nga Sơn (Thanh Hóa), được Trưng Vương phong làm Nga Sơn công chúa, giữ chức Bình Nam
đại tướng quân, phó thống lĩnh đạo binh Cửu Chân. Hiện có đền thờ ở Nga Sơn.
· Hồ Đề – Phó nguyên
soái: Khởi nghĩa ở động Lão Mai (Thái Nguyên), được Trưng Vương phong làm Đề Nương công chúa, giữ chức Phó
nguyên soái, Trấn Viễn đại tướng quân. Đình Đông Cao, Yên Lập (Phú Thọ) thờ Hồ Đề.
· Xuân Nương, chồng là Thi
Bằng – em trai Thi
Sách, trưởng quản
quân cơ: Khởi nghĩa ở Tam Nông (Phú Thọ), được Trưng
Vương phong làm Đông Cung công chúa, giữ chức Nhập Nội trưởng quản quân cơ nội
các. Hiện có đền thờ ở Hưng Nha (Tam Nông), Phú Thọ.
· Nàng Quỳnh và Nàng Quế – Tiên Phong phó tướng: Khởi nghĩa ở châu Đại Man (Tuyên Quang), được Trưng Vương phong làm Nghi Hòa công chúa, giữ chức Hổ Oai
đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nhật Nam trấn thủ vùng bắc Nam Hải. Hiện ở Tuyên Quangcòn miếu thờ hai vị nữ anh hùng.
· Trương Tử Nương là tướng Đô Đốc thủy quân của Hai Bà Trưng. Trong một trận giao
tranh với quân Mã Viện, Trương Tử Nương đã hy sinh anh dũng tại cửa biển Thần Phùthuộc tỉnh Ninh Bình. Hai Bà Trưng đã sắc phong nàng là “Trinh Thục Đoan Trang Anh Túc
Thần Nữ” và cho lập đền thờ ở quê nhà gọi là đình Bà Tía, thôn Vĩnh Ninh, xã
Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.[49]
· Đàm Ngọc Nga – Tiền Đạo tả tướng: Khởi nghĩa ở Thanh Thủy, Thanh Sơn, Phú Thọ, được Trưng
Vương phong làm Nguyệt Điện Tế Thế công chúa, giữ chức Tiền Đạo tả tướng quân,
phó thống lĩnh đạo binh Nam Hải. Hiện có đền thờ ở Khúc Giang (nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).
· Trần Thị Phương Châu: Tuẫn tiết ở Khúc Giang (nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) năm 39 Công nguyên, được Trưng Vương phong làm Nam
Hải công chúa. Hiện có đền thờ ở Khúc Giang. Sử cũ có chép vào năm 1288, vua Trần Nhân Tông đã sai Đại thần Đoàn Nhữ Hài qua Khúc Giang trùng tu đền thờ bà.
· Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương: Quê ở động Hoa Lư (Ninh Bình), theo Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, được thờ ở đình Đông Ba
thuộc thôn Đông Ba, xã Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
· Thiều Hoa – Tiên Phong nữ tướng: Khởi nghĩa ở Tam Thanh, Phú Thọ, được Trưng
Vương phong làm Đông Cung công chúa, giữ chức Tiên Phong hữu tướng. Hiện ở xã
Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ có miếu thờ bà.
· Quách A – Tiên Phong tả
tướng: Khởi nghĩa ở Bạch Hạc, Phú Thọ, được Trưng
Vương phong làm Khâu Ni công chúa, giữ chức Tiên Phong tả tướng, tổng trấn Luy
Lâu. Hiện có đền thờ ở trang Nhật Chiêu (Phú Thọ).
· Vĩnh Huy – Nội Thị tướng quân: Khởi nghĩa ở Tiên Nha (Phú Thọ), được Trưng
Vương phong làm Vĩnh Hoa công chúa, giữ chức Nội Thị tướng quân. Bà có trận
đánh thần kỳ dẹp tan quân của đại tướng nhà Hán là Ngô Hán ở các vùng Độ
Khẩu (nay thuộc Vân Nam), Khúc Giang (nay thuộc Quảng Đông) và đảo Hải Nam của Trung Quốc
ngày nay. Đình Nghênh Tiên, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc thờ Vĩnh Huy.
· Lê Ngọc Trinh – Đại tướng: Khởi nghĩa ở Lũng Ngòi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, được Trưng Vương phong làm Ngọc Phượng công chúa, giữ chức Chinh
Thảo đại tướng quân, phó thống lĩnh đạo quân Quế Lâm. Hiện có miếu thờ ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
· Lê Thị Lan – Tướng quân: Khởi nghĩa ở Đường Lâm, Sơn Tây, được Trưng
Vương phong làm Nhu Mẫn công chúa, giữ chức Trấn Tây tướng quân, phó thống lĩnh
đạo binh Hán Trung. Hiện ở Hạ Hòa, Vĩnh Phúc có miếu thờ bà.
· Phật Nguyệt – Tả tướng thủy quân: Khởi nghĩa ở Thanh Ba, Phú Thọ, được Trưng
Vương phong làm Phật Nguyệt công chúa, giữ chức Thao Giang Thượng tả tướng thủy
quân, Chinh Bắc đại tướng quân, tổng trấn khu hồ Động Đình - Trường Sa. Bà hình
như không được ghi vào sử Việt Nam mà lại được ghi vào sử Trung Quốc. Bà có
trận đánh kinh hồn chiến thắng Mã Viện, Lưu Long và Đoàn Chí ở hồ Động Đình (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Hiện di tích về bà còn rất
nhiều: tại chùa Kiến Quốc thuộc thành phố Trường Sa (thủ phủ tỉnh Hồ Nam), tại ngôi chùa trên núi Thiên Đài trong hệ
thống dãy núi Ngũ Lĩnh. Bà là nữ tướng gây kinh hoàng cho nhà Hán nhất.
· Trần Thiếu Lan: Hiện có miếu thờ tại cửa Thẩm Giang chảy vào hồ Động Đình (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Cả ngàn năm qua, mỗi lần sứ
thần của Việt Nam đi ngang qua đều vào tế lễ bà. Hiện nay cũng còn một ngôi mộ
mang tên bà.
· Phương Dung: Khởi nghĩa ở Lang Tài (Bắc Ninh), là người thông minh mưu lược, được Trưng Vương phong làm Đăng
Châu công chúa, giữ chức Trấn Nam đại tướng quân, thống lĩnh đạo binh Giao Chỉ.
Thời kỳ bắc tiến, bà giữ chức quân sư, Khi thiết lập triều đình Lĩnh Nam, vua
Trưng phong cho Phương dung làm tể tướng. Bà là vợ của Đào Kỳ (Bắc bình vương).
· Trần Năng - Trưởng lĩnh
trung quân: Khởi nghĩa ở Thượng Hồng (Hải Dương), được Trưng Vương phong làm Hoàng công chúa, Vũ Kỵ đại tướng
quân, giữ chức Trưởng lĩnh trung quân. Hiện ở Yên Lãng, Vĩnh Phúc có đền thờ bà.
· Trần Quốc hay nàng Quốc – Trung Dũng đại tướng quân: Khởi nghĩa ở Gia Lâm, Hà Nội, được Trưng
Vương phong làm Gia Hưng công chúa, Trung Dũng đại tướng quân, giữ chức Đô đốc,
trưởng quản thủy quân trấn bắc Nam Hải. Bà có trận thủy chiến lẫy lừng ở quận
Uất Lâm (nay thuộc tỉnh Quảng Tây). Hiện ở Hoàng Xá, Kiêu Kỵ, Gia Lâm (Việt Nam) và
cả dọc bờ biển các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam của Trung Quốc có
nhiều đền thờ nàng Quốc. Dân ở các vùng này đã tôn bà là Giao Long tiên nữ
giáng trần vì bà rất hiển linh.
· Tam Nương – Tả Đạo tướng quân: Ba chị em Đạm Nương, Hồng Nương và Thanh Nương. Trưng Vương phong Hồng Nương làm An Bình công chúa, Thanh Nương
làm Bình Xuyên công chúa, Đạm Nương làm Quất Lưu công chúa, giao cho chức Kỵ
binh Lĩnh Nam. Đình Quất Lưu, Vĩnh Phúc thờ Tam Nương.
· Quý Lan – Nội Thị tướng quân: Khởi nghĩa ở Lũng Động, Chí Linh (Hải Dương), được Trưng Vương phong làm An Bình công chúa, giữ chức Nội Thị
tướng quân (Lễ bộ Thượng thư). Hiện ở Liễu Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đền thờ Quý Lan.
· Bà Chúa Bầu: Khởi nghĩa ở
vùng Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Hiện ở Lập Thạch, Sơn Dương có đền thờ tưởng nhớ công lao của bà.
· Sa Giang: quê Trường Sa, người Hán, sang giúp Lĩnh Nam, được Trưng Vương phong làm Lĩnh Nam công chúa. Bà là một nhân vật
lịch sử. Hiện ở ngoại ô huyện Phong Đô tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) có đền thờ
bà.
· Phùng Thị Chính: Tuấn Xuyên, Vạn Thắng, Ba Vì, được Trưng Vương phong làm Trưởng
nội thị tướng quân, nổi tiếng với trận đánh ở Lãng Bạc, sinh con giữa trận
chiến, một tay ôm con, một tay giết giặc. Có đền thờ bà tại thôn Tuấn Xuyên, xã
Vạn Thắng, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.
·
Ngoài ra còn có các thủ lĩnh người Tày, Nùng và Choang (Quảng Tây) lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Nam tướng
· Ba anh em họ Trương: Trương Tế,
Trương Lại, Trương Độ ở động Thiểm Khê (nay là làng Thiểm Khê, xã Liên Khê,
huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã lặn suối trèo non, giong thuyền về Mê Linh tham gia
cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hiện ba anh em họ Trương được thờ ở di tích Miếu
Ba Vua, xã Liên Khê.[50]
· Đô Thiên: người Hán, ứng nghĩa theo Lĩnh Nam, được Trưng Vương phong làm Động Đình công, giữ chức Trung Nghĩa
đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Hán Trung, tổng trấn Trường Sa. Hiện vùng Lưỡng Quảng của Trung Quốc có rất nhiều miếu, đền thờ ông.
·
Ba anh em họ Đào: Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống và Đào Tam Lang, quê Thanh Hóa, là tướng của Hai Bà Trưng, Đào tam lang là em út,
có tên là Đào Kỳ, rất giỏi võ và mưu lược, được phong là Bắc bình vương: Hi
sinh trong trận Bồ Lăng, đánh với quân Hán tại khu vực nay là ngã ba sông Trường Giang và Ô Giang, thuộc địa phận
thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Hiện ở đây có miếu thờ. Để tưởng nhớ công ơn của ba
anh em họ Đào, nhân dân Đa Tốn đã lập miếu thờ (Đào Đô Thống thờ ở miếu Sén
Tóc, thôn Ngọc Động, Đào Chiêu Hiển thờ ở Nghè Ông Hai, thôn Lê Xá và Đào Tam
Lang thờ ở nghè cũ sau chuyển về nghè Lê Xá). Về sau, từ thế kỷ XVII trở đi,
dân làng Ngọc Động và Lê Xá đã thờ ba ông làm thành hoàng làng[51].
Hôm nay ngày 6 tháng 2 âm lịch (March 17, 2021)
là ngày giỗ hai Bà. Nhìn lại đất nước không khỏi ngậm ngùi tiếc nhớ. Chỉ mới
đây thôi mà tưởng như xa xưa lắm. Ngày đó miền Nam Việt Nam dưới chính thể
VNCH. Chúng tôi những nữ sinh hãnh diện và tự hào tham dự ngày tưởng niệm nhị
vị Trưng Vương. Tại thành phố Sài Gòn tổ chức diễn hành thật uy nghi và trang
trọng. Hai trường nữ Trung Học Gia Long và Trưng Vương xét chọn những nữ sinh
xuất sắc và xinh đẹp nhất đóng vai hai bà ngồi trên lưng hai con voi thật uy
nghi kiêu dũng. Xe hoa các trường trang trí thật đẹp diễn hành theo sau. Các
chị từng đóng vai hai bà, các tướng lãnh dưới trướng hay quân hầu bây giờ
đều đã bước qua tuổi thất thập và bát thập. Khi nhắc lại thời gian xinh đẹp đó
các chị vừa hãnh diện, vừa ngậm ngùi nhắc lại kỷ niệm ngày xưa.
Qua xứ người, lòng yêu quê hương đất nước càng
thôi thúc. Tinh thần bảo vệ và duy trì văn hóa càng cao, những hậu duệ con cháu
hai Bà cố gắng bảo tồn văn hóa Việt bằng cách tái hiện lại lễ kỷ niệm Hai Bà ở
mỗi vùng hay ở các Tiểu bang. Những buổi lễ trang trọng tưởng niệm nhị vị Trưng
Vương được tổ chức trên khắp thế giới nơi có đồng bào Việt Nam cư ngụ, thể hiện
tấm lòng người Việt xa quê hương muốn vọng về cố quốc để tưởng nhớ công ơn tiền
nhân đã bỏ xương máu bảo vệ đất nước Việt Nam ta.
Hai năm nay do tình hình dịch bệnh Coronavirus,
những buổi lễ không thể thực hiện trên toàn thế giới. Trên các trang mạng xã
hội, các trang web hội đoàn đều thực hiện những bài viết, bài thơ tưởng nhớ đến
công ơn hai Bà.
Phụ nữ Việt Nam luôn luôn hy sinh cho gia đình,
tận tụy với chồng con và mạnh dạn bước ra xã hội để đóng góp vào sự phát triển
đi lên của nhân loại.
Phụ nữ Việt Nam luôn luôn tự hào là hậu duệ con cháu của nhị nữ Trưng Vương, làm tốt mọi vai trò được giao phó.
Niệm hương kính cẩn lạy hai bà
Uy vũ trời nam của nước ta
Liệt nữ lưng voi bêu đầu giặc
Anh thư rút kiếm cứu sơn hà
Trưng Vương toàn thắng lên ngôi báu
Tô Định thua to phải chạy xa
Tuẫn tiết lưu danh nòi giống Việt
Thiên thu quốc sử chẳng phai nhòa.
Nguyễn thị Thêm
No comments:
Post a Comment