Sunday, January 2, 2022

Ngã Tư Đèn Đỏ - Bình Nguyễn


Mấy bữa nay lão lạ lắm, lúc nào lão cũng khoác cái áo khoác đen. Trời Sài Gòn lúc này nóng hầm hập, vì sắp vào mùa mưa, cộng với hiệu ứng bê tông đô thị.  Nhìn lên trời muốn hoa cả mắt mà người ta quen gọi là trời đổ hào quang, vậy mà lão vẫn khoác thêm chiếc áo khoác đen ấy. 

Lão đứng bán vé số ở lề đường, gần cái ngã tư có tín hiệu đèn xanh đèn đỏ quen thuộc. Chỗ đó lão có quyền sử dụng đất, hay nói cách khác là lão có được "sổ đỏ" góc lề đường đó. Không phải do chính quyền địa phương nào cấp cho lão. Lão tự chiếm hữu rồi theo thời gian, mặc định thành chủ quyền của lão. Cùng bán vé số với lão ở đó còn có hơn chục người khác. Họ cũng nghèo khổ, cũng dãi dầm mưa nắng để mưu sinh. Đâu phải ai ở Sài Gòn cũng giàu có, an nhàn đâu. 

Lão làm cái nghề này đã gần 20 năm rồi, dù nắng cháy da hay mưa bão gì thì ngày nào lão cũng bán vé số. Sở dĩ người ta mua vé số cho lão vì họ thương lão. Họ mua vé số giúp lão như một cách làm phước chứ mấy ai nghĩ là mình sẽ trúng số, mò kim đáy biển mà. Nhờ vậy mà lão vẫn còn tồn tại ở chốn Sài Gòn hoa lệ này.

Lão mới hơn 60 tuổi mà trông lão già rất nhiều. Do dãi nắng dầm mưa, khuôn mặt khắc khổ, làn da nhăn nheo đen mốc. Cũng chẳng ai thắc mắc vì sao trời nóng như đổ lửa mà lão luôn mặc cái áo khoác đen ấy. Đèn đỏ thì xe dừng, đèn xanh thì dòng xe vội vã chạy để cuốn vào cái nhịp sống hối hả, bon chen của Sài Gòn, chẳng ai để ý đến cái điều nghịch lý ấy. 

Chuyện ấy chỉ một mình lão biết. 

Khoảng 3 giờ chiều là lão kết thúc lúc ngày "đứng đường". Lão lại chỗ đại lý vé số trả tiền và lấy vé số để ngày mai bán tiếp. Cuộc sống của lão cứ như đã được lập trình sẵn, không có gì biến đổi cả. Bán hết vé số là lão về nhà. 

Nhà của lão là một góc nhỏ dưới gầm một cây cầu vượt. Chỗ này lão cũng tự chiếm mà ở. Mấy lần chính quyền địa phương giải tỏa, lão chạy cù bơ cù bất. Lão ngủ ở sạp thịt, sạp trái cây của một cái chợ dân sinh gần nhà lão. Những lúc đó, lão nhớ nhà lắm. Lão luôn có một ước mơ cháy bỏng là có được một góc đất để lão che một cái chòi để lão chính thức được chủ quyền sở hữu. Nhưng đó chỉ là mơ ước hão huyền, vì ở cái chốn Sài Gòn hoa lệ này, muốn có cục đất chọi chim còn khó, huống hồ gì...Bị chính quyền địa phương đuổi, lão chạy vài bữa rồi lão cũng trở về nhà lão dưới gầm cầu vượt. Chỗ ấy là chốn nương thân duy nhất của lão. Chính quyền địa phương vẫn biết, nhưng họ làm ngơ, có lẽ họ cũng thương cảm cho lão... 

Bữa nọ, khi trời đã sụp tối, thành phố đã lên đèn, lão đang nằm suy ngẫm chuyện đời thì có chiếc xe du lịch ghé trước nhà lão. Bước xuống xe là đôi vợ chồng trẻ, lão đoán họ là vợ chồng. Kệ họ, lão cũng không thèm quan tâm. Nhưng đôi vợ chồng nọ lại tìm đến nhà lão. Lâu lắm rồi lão mới có khách đến nhà. Lão bắt ngờ, luống cuống, vụng về... 

Thì ra, họ là người đã từng mua vé số của lão. Họ trúng được 2 tờ vé số giải đặc biệt, loại vé 10 nghìn đồng. Họ tìm đến lão để đền ơn lão vì cái duyên may mắn được thần tài phù hộ. Điều ngẫu nhiên là họ đồng hương Bạc Liêu với lão. Nghe lão kể về cuộc đời lão, đôi vợ chồng kia rất xúc động. Họ hứa khi về Bạc Liêu, họ sẽ tìm vợ con giúp lão. 

Họ đền ơn cho lão 100 triệu đồng. Cầm xấp tiền toàn giấy có mệnh giá 500 nghìn mới toanh, lão run run. Hàng ngày lão bán cũng chừng 100 tờ vé số. Lão đâu có dám xài gì. Lão toàn xin cơm từ thiện ăn mà để dành tiền phòng thân. Lão nghĩ ở cái chốn thị thành này nếu lỡ đau bệnh thì biết nhờ ai. Vì vậy lão cứ dành tiền phòng thân thôi. 

Lão đặt tiền vào cái bọc ni lông, bên ngoài còn quấn thêm cái khăn. Lão bỏ tiền vào cái túi trong của cái áo khoác đen, lão còn cẩn thận gài thêm mấy chiếc kim tây nữa.

Đó là lí do vì sao trời nóng như đổ lửa mà lão luôn mặc cái áo khoác đen ấy. 

* * *

Hồi trước lão ở Bạc Liêu. Lão có vợ con đàng hoàng. Nhà lão lúc đó rất khá giả. Trong nhà lão toàn quyền quyết định mọi chuyện. Lão có tính gia trưởng. Phụ nữ ở nông thôn thường luôn cam phận chấp nhận như vậy. Lão có vợ hơi muộn, đến ngoài 40 tuổi lão mới có được đứa con gái đầu lòng. Rồi bất ngờ lão trúng được 5 tờ vé số giải đặc biệt, loại vé 2000 đồng, và lão trở thành... đại gia. 

Từ khi lão trúng số, bạn bè của lão ngày một thêm nhiều. Lão cũng không biết cách xài tiền như thế nào. Từ những bữa nhậu triền miên với bạn bè, quen cũng có, lạ cũng có. Ma lực của đồng tiền đã biến lão dần dần trở thành một con người hoàn toàn khác. Mỗi khi được nghe người ta gọi lão bằng cái tiếng đại gia thì cơn sốt hãnh diện chạy khắp người lão. Lúc nào lão cũng muốn người ta gọi lão bằng cái tiếng đại gia đó. Lão không còn quan tâm đến công việc gia đình mà chỉ vùi đầu vào những bữa nhậu vô bổ. Từ khi lão trúng số, bạn bè lão ngày càng nhiều. Rồi bạn bè lão giới thiệu lão đến những chỗ nhậu "tươi mát" có em út phục vụ từ A đến Z. Lão chìm dần trong những cuộc truy hoan. Dần dần, lão rời xa, quên lãng người vợ tào khang đã cùng lão chia ngọt sẻ bùi... 

Cuối cùng vì mê mẩn một em chân dài tới nách mà lão gom hết số tiền còn lại để cùng người đẹp lên Sài Gòn lập nghiệp. Không có kinh nghiệm gì ở thương trường, cộng thêm sự cạnh tranh khốc liệt của các thương gia, lão nhanh chóng bị phá sản. 

Tiền hết, vậy là người đẹp của lão cũng lặng lẽ không từ mà biệt lão. Lão bơ vơ, cay đắng giữa đô thị phồn hoa. Hoàn cảnh buộc lão phải trở thành người đứng đường, bán vé số mưu sinh cho đến bây giờ. Lão không còn mặt mũi nào mà trở về với gia đình của lão... 

* * *

Mấy bữa nay lão thấy trong người không khỏe. Thời gian và những năm tháng dầm mưa dãi nắng đã lấy đi sức khỏe của lão. Lão nằm mà nghiền ngẫm sự đời. Lão nghiệm ra rằng, trên đời này cuối cùng thì cái tình cảm gia đình mới là điều thiêng liêng nhất. Dù rằng cuộc sống rất cần tiền. Nhưng tiền chỉ là điều kiện, là phương tiện sống, chứ tiền không thể nào sưởi ấm trái tim lạnh lẽo lúc cô đơn. Lão đã nhiều lần tự hỏi lão: Mình đang sống hay đang tồn tại? Nếu sống thì cần có tình cảm, có động lực, có ước mơ, có hoài bão... tức là có lí trí. Còn tồn tại chẳng khác gì một sinh vật chỉ có thể trao đổi chất, có mặt trên đời mà chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều khiển của bản năng thôi, như cây cỏ vậy... Nhưng rồi lão tự khẳng định là lão đang sống chứ không phải chỉ tồn tại trên đời. Vì trong sâu thẳm cõi lòng của lão vẫn còn có tình thương dành cho người vợ tào khang đã một thời chia bùi sẻ ngọt với lão. Lão vẫn nghĩ và thương đứa con gái của lão mà. Lão như ngày hôm nay là do nhân quả, do chính lão đã tạo nghiệp. Lão càng thấm thía câu nói của ông bà: Trời tạo nghiệp còn đường tránh, người tự tạo nghiệp không có đường thoát... 

Và lão lại nghĩ đến vợ lão, đến những ngày tháng ấm áp bên gia đình. Ờ... vợ mình cũng đẹp lắm chứ bộ, sao lúc đó mình không nhận ra. Mất rồi mới tiếc mới đau... Lão chua chát thầm nghĩ. Ừ... con gái mình nữa. Công chúa năm nay cũng 20 tuổi rồi. Không biết 2 mẹ con còn ở đó không nữa, không biết con gái đã lấy chồng chưa nữa...

Bất giác, lão mơ ước được trở về mái nhà xưa.  Không lúc nào bằng lúc này, lão thấy cô đơn, trống rỗng một cách khủng khiếp. Và lão khóc. Lão khóc như một đứa trẻ, lão khóc mà không kiềm chế được cảm xúc. Đôi vai gầy guộc của lão rung lên từng nhịp. Hai dòng nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, đen sạm của lão. Rồi lão lại nghĩ đến cái chết và lão sợ dù lão biết rằng không ai thoát khỏi được cái quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng nghĩ đến lúc lão phải ra đi trong cô độc giữa chốn thành thị này lão cảm thấy tủi thân quá. Đôi mắt lão cay xè, nhòa đi vì nước mắt nhưng lão vẫn cố nhìn về chốn xa xôi, chốn Bạc Liêu thân yêu mà xa lạ. Nơi đó, lão đã từng có tất cả, nhưng cũng chính lão đã đánh mất tất cả... 

Lão sợ chết hơn lúc nào hết. Lão sợ cái cảm giác cô đơn, cô độc lúc lão trả xong nợ đời mà về miền cát bụi. Lão sợ lắm. Lão kéo mền (chăn) trùm kín cả người lão. Lão co dúm người lại để trốn tránh cái ý nghĩ khủng khiếp đó... 

- Pin... pin... 

Tiếng còi xe kéo lão ra khỏi những suy nghĩ mông lung để trở về hiện thực. Lão quay ra nhìn chiếc xe du lịch ghé trước nhà lão. Lão thấy có mấy người bước xuống xe. Người lái xe không ai khác mà chính là người đã trúng vé số mua của lão, người đồng hương với lão mà... 

- Ôi... nhìn kìa... 

Người đàn bà đang bước vô nhà lão là... vợ lão mà. Lão không tin vào mắt mình nữa. 

- Phải... ông tư Cam... không... ông? Người đàn bà vừa khóc vừa hỏi lão. 

- Bà là... má con Thảo phải không? Lão hỏi như kẻ mộng du. 

- Tui nè... Tui là vợ ông nè... Người đàn bà chỉ nói được vậy rồi khóc lịm. 

- Ba ơi... Con là Thảo nè... Con là con gái của ba nè... 

Con gái lão ôm lão mà hôn. Nước mắt con gái lão làm ướt cả khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ của lão. 

- Con gái... của ba... đây... sao? 

Lão khóc trong niềm hạnh phúc vô bờ, có lẽ trong giấc mơ dù là đẹp nhất, lão vẫn chưa được thấy. 

- Bà... không oán hận tui sao? 

- Tui... hận lắm chứ, nhưng bây giờ thì tui... không hận ông nữa... 

Họ lên xe trở về Bạc Liêu. Xe dừng lại ở cái ngã tư khi đèn đỏ. Chỗ đó lão có quyền sở hữu đứng bán vé số gần 20 năm rồi. Chỗ đó giờ chỉ còn là hoài niệm. Xe chạy xa dần, xa dần cái ngã tư. Lão cố nhìn lần cuối cùng cái góc lề đường ấy, nhưng hình ảnh cứ mờ dần, mờ  dần... vì đôi mắt lão đã đầm đìa nước mắt...

Bình Nguyễn

Nguồn: daikynguyen.tv

No comments:

Post a Comment