Sunday, August 16, 2015

Con Búp Bê Và Giọt Nước Mắt Thủy Tinh - Mimosa Phương Vinh


(Tặng Hoài An- California- người đã cho tôi nguồn cảm hứng để viết truyện  này)

Tôi nhận được một cú điện thoại từ Country Wood Apartment, họ nói bà Mai Nguyễn bạn của tôi đã qua đời và đã được an táng. Tuy nhiên theo như ý nguyện của bà thì tất cả những đồ đạc còn lại trong căn phòng mà bà đã thuê thuộc về tôi. Họ nhấn mạnh trong vòng một tuần tôi phải di chuyển tất cả mọi vật dụng đi vì căn phòng cần cho người khác đang sửa soạn để dọn vào.
Cú điện thoại làm tôi ngạc nhiên như trên trời vừa rơi xuống, nhưng theo kinh nghiêm bản thân tôi nói:
-Xin cảm ơn ông rất nhiều, rất tiếc tôi đang bận và tôi sẽ gọi lại ông sau mười phút!

Trong mười phút dùng kế hoãn binh tôi bắt đầu vận dụng trí óc để nhớ Mai Nguyễn bạn tôi là ai. Không phải riêng tôi mà tất cả những người Việt Nam trên cuộc đời này cũng có ít nhất hai, ba người bạn tên Mai. Sau cùng tôi cũng tìm ra được một người quen tên Mai Nguyễn ngụ tại cư xá Country Wood, một người tôi chỉ gặp mặt độ mươi lần cách đây hai ba năm. Tôi gặp chị ở chợ với một số hàng hóa lỉnh kỉnh, cái ôm cái xách trông luộm thuộm làm sao! Chị cho biết sẽ đón một chuyến bus để về nhà cách chợ chẳng xa mấy, tôi đề nghị cho chị quá giang và chị vui vẻ nhận lời, thế là chúng tôi biết nhau.

Chắc mặt mày và lời lẽ tôi cũng không đến nổi khó ưa lắm trong câu chuyện trên xe nên chị mời tôi vào nhà uống nước. Đó là một căn phòng bé nhỏ trong khu cư xá hạng trung bình, căn phòng sạch sẽ, gọn gàng của một phụ nữ độc thân. Chị Mai có lẽ hơn tôi vài tuổi, không đẹp, không xấu nhưng nét mặt- nhất là đôi mắt - mang một nỗi buồn da diết nào đó! Một khuôn mặt mà khi vừa nhìn vào người ta có thể nhận ra ngay sự đau khổ đang bủa vây, giăng kín trong tâm hồn và đời sống.

Chị Mai, hình như không muốn cho tôi biết nhiều về gia cảnh mặc dù trong câu chuyện tôi cũng cho chị hiểu rằng tôi chẳng phải là người may mắn gì trong đời sống này. Tôi hẹn chị cuộc gặp gỡ lần sau và lưu lại số điện thoại của mình, chị Mai không lái xe nên tôi nghĩ có lẽ chị cần được giúp đỡ. Lúc ấy công việc ở sở làm bữa có, bữa không nên tôi cũng có dịp giúp chị đi bệnh viện, đi chợ vài lần nếu thời khóa biểu cho phép.
Có một lần nào đó chị Mai nói:
-Mình có bệnh nên chắc chẳng sống lâu, mai này nếu mình có qua đời sẽ để lại cho bạn tất cả đồ đạc của mình. Mình nghèo quá chẳng có gì hơn để đền đáp sự giúp đỡ và lòng tốt của bạn!

Tôi chỉ cười thôi, tôi thầm nghĩ có là bao ơn nghĩa cho vài lần chở chị đi chợ hay đi bệnh viện mà chị Mai phải bận tâm. Đời tôi có nhiều lần giúp người hơn thế nhưng cuối cùng cũng chỉ mang thêm sự phiền não cho riêng mình mà thôi. Cho nên tôi không để tâm lời hứa hẹn của chị làm chi.

Gần hai, ba năm sau tôi không liên lạc với chị Mai. Tôi nghĩ chị đã có người nào giúp đỡ rồi, tôi bận rộn với công việc khác nên quên hẳn chị cho đến hôm nay nhận được điện thoại từ khu cư xá gọi về. Tôi phân vân không biết trả lời ra sao vì tôi chẳng phải là người thân của chị. Trong một thoáng căn phòng nhỏ bé của chị hiện về trong ý nghĩ tôi, những đồ đạc trong nhà của một người Việt trên nước Mỹ cũng na ná như nhau, nhà mình cũng chẳng to lớn gì thì mang về chất vào đâu đây! Đó là chưa kể còn tiền mướn xe, khuân vác. Thôi thì, đừng mang tội vào thân, của quý thì chẳng đến một người thiếu đường mau mắn trong lòng bàn tay như mình. Thôi cứ coi như người không quen là xong, để đừng vướng bận gì hết.

Tôi định gọi điện thoại từ chối tất cả vì tôi tin chắc rằng mình cũng chẳng có chi nuối tiếc. Trong khi đó đứa con gái đang đi chơi xa bỗng gọi về hỏi thăm, tôi sẳn dịp kể chuyện chị Mai cho con nghe. Đứa con gái nói:
-Thì mẹ cứ đến nơi xem sao, cô Mai đã hứa để lại vài đồ vật gì đó, nếu mẹ từ chối linh hồn cô ta sẽ buồn. Con nghĩ vậy.
-Bộ khuân cả bàn ghế, tủ giường về à! Để ở đâu đây, với lại người ta chết rồi lại không phải là ruột rà, thân thuộc nên mẹ sợ lắm!
-Thì mẹ lấy một món gì đó về làm kỷ niệm, biết đâu là chút duyên, lẽ nào một đời người sống rồi chết đi chẳng có gì để lại cho nhân thế. Mà mẹ là người giúp đỡ cô ta chứ có gì xấu xa đâu mà sợ chứ!
Nghe đứa con gái nói tôi cũng tức cười và tự nghĩ: Chà! mẹ là kẻ nhiều tưởng tượng mà cũng còn thua con. Tuy nhiên nghe ra thì cũng có lý chứ, thôi thì cứ đến đó xem sao.

Vậy là tôi đến Country Wood Apartment. Tôi nói với người quản lý mình muốn xem qua căn phòng của người quá cố. Đúng như tôi nghĩ, đồ đạc của chị Mai chẳng có gì đặc biệt, bức chân dung lớn màu đen trắng khi còn trẻ của chị treo ngoài phòng khách trong lần đầu tôi đến cũng không còn nữa. Có lẽ thân nhân hay con cái đã gở xuống, những hộc tủ mở tung trống trơn còn lèo tèo vài ba món đồ không đáng kể. Tôi vào phòng ngủ, lần đến trước tôi chưa hề vô đây. Chiếc giường đơn sơ còn trơ bộ nệm, mở cửa chiếc nightstand chỉ thấy vài ba cuốn tạp chí Mỹ - Việt lộn xộn, có người nào đó đã lục soát kỹ trước khi tôi đến. Sự lạnh lẽo, trống vắng của căn phòng ngủ làm tôi cảm thấy ngậm ngùi sao đâu!

Vừa định quay ra, tôi bỗng giật mình khi trông thấy một con búp bê trên chiếc kệ nhỏ ở góc phòng. Con búp bê có hai con mắt thật to (thường thì con búp bê nào đôi mắt cũng to cả!) với một giọt nước mắt long lanh trên gò má bầu bĩnh, mái tóc nâu vuông vắn trước trán và chiếc áo đầm sơn xanh lá cây đậm. Đó là loại búp bê để chưng bày. Vẫn nét mặt phụng phịu, dỗi hờn như vừa bị ai la, vẫn bàn tay lấn cấn trước ngực áo. Con búp bê đứng đó với hai ống chân cong cong trông thực ngộ nghĩnh đến tức cười. Nói tóm lại nó vẫn dễ thương như hơn năm mươi năm về trước. Tôi tiến tới góc phòng cầm lấy con búp bê, nó nhỏ bé hơn tôi tưởng. Trong niềm xúc động vô biên tôi nói với người quản lý cư xá:
-Tôi có thể lấy con búp bê này không?
Ông ta làm một cử chỉ mở rộng đôi bàn tay cười vui vẻ:
-Dĩ nhiên rồi, tất cả mọi thứ ở đây thuộc về bà mà.
-Xin cảm ơn, tôi chỉ cần con búp bê này thôi! Tất cả những gì còn lại nhờ ông giải quyết giùm.
Người đàn ông nhìn tôi ngạc nhiên, ông nhìn lại con búp bê rồi nói một câu vô thưởng, vô phạt:
-Trông nó dễ thương quá phải không? À! Cũng còn mới nữa.
-Đúng vậy thưa ông, nó vẫn như hồi năm mươi năm trước.

Người đàn ông nhìn tôi đăm đăm, cũng có thể ông nghĩ rằng tôi không hiểu tiếng Anh nên trả lời chẳng ăn nhập vào đâu. Mà cũng chẳng có chi quan trọng, cầm con búp bê trong tay tôi theo ông vào office để làm giấy tờ như ông yêu cầu:
-Xin bà ký nhận vào tờ giấy này là bà không cần một món gì ngoài con búp bê - một đồ vật trang trí trong phòng ngủ của bà Mai Nguyễn- Có lẽ chúng tôi sẽ chuyển tất cả những gì còn lại cho các cơ quan từ thiện trong thành phố.
Khi tiễn tôi ra cửa, ông cười cười nhìn con búp bê:
-Tôi cũng hơi tò mò một chút xíu về con búp bê này, bà có vẻ quý nó phải không?
-Dạ đúng vậy, tôi có nhiều kỷ niệm với nó, dĩ nhiên không hẳn đây là con búp bê ngày xưa nhưng nó giống y chang vậy đó. Cùng sản xuất một đợt, bây giờ chắc chắn là không còn nữa! Nửa thế kỷ đã trôi qua rồi.
Người đàn ông gật gù:
-A, tôi hiểu rồi, xin chúc mừng cho bà đã bắt gặp một quà ưng ý, bây giờ thì tôi không còn ngạc nhiên nữa đâu!
Ông cho tôi địa chỉ bệnh viện chị Mai đã trút hơi thở cuối cùng vì tôi nói muốn tìm hiểu thêm vài tin tức của chị. Tôi  hối hận đã hơi lơ là khi chị còn sống, tôi không biết chị là ai cả.

Con búp bê với giọt nước mắt thuỷ tinh đến với tôi năm mười bốn tuổi. Hồi đó anh Thành con bác tôi từ Nha Trang lên học ở trường Võ Bị Quốc Gia Dalat. Những ngày chủ nhật anh hay đến nhà tôi chơi với vài người bạn trong số đó có anh Tường. Con búp bê là món quà anh Tường mua cho tôi ngày anh ra trường và giã từ Dalat. Anh xem tôi như một người em gái nhỏ, anh nói đi vòng khu Hoà Bình nhìn vào cửa hàng ông Ấn Độ thấy con búp bê dễ thương quá nên nghĩ đến tôi. Chắc có lẽ lần nào đó anh Tường thấy tôi bị mẹ mắng nên mặt mày bí xị như con búp bê này chăng (thật ra thì tôi không xinh đẹp như nó). Tôi đem con búp bê đặt trên bàn học và nhìn ngắm nó mỗi ngày. Anh Tường đi ra mặt trận thỉnh thoảng có thơ về thăm hỏi, vài năm sau thì anh Thành cho hay anh Tường đã tử trận ở miền Trung. Mẹ tôi vào phòng nhìn con búp bê rồi chảy nước mắt nói:
-Tội nghiệp quá, nhớ giữ con búp bê này nghe con! Đó là món quà kỷ niệm của anh đó.

Tôi gật đầu, nước mắt đã chan hòa và nghĩ thầm: tại anh Tường cho tôi con búp bê đang khóc nên mới xui như vậy.
Nhưng thật ra không phải vậy, năm sau nhà tôi lại nghe tin anh Thành chết ở Qui Nhơn. Nhận được điện tín gia đình anh Thành từ Nha Trang gởi lên, mẹ tôi lại vào phòng nhìn con búp bê rồi khóc òa lên:
-Mấy anh chết hết rồi con ơi!
Tôi nghĩ anh Thành đâu có mua cho tôi con búp bê nào đang khóc vậy mà anh cũng chết rồi, con búp bê này vô tội mà. Tuy nhiên từ đó mỗi lần nhìn con búp bê là tôi lại nhớ đến các anh da diết.

Con búp bê khóc với tôi những lần tôi bị mẹ la, cha rầy vì đủ thứ chuyện. Từ việc kho nồi cá bị cháy đến chuyện lo xem truyện không chịu lấy áo quần vô nhà khi trời mưa. Thức khuya làm thơ con cóc bị ba tôi bắt gặp la cho mấy trận. Thi hỏng khóc sưng con mắt mà chẳng ai thông cảm còn bị chê là học dốt, chỉ có con búp bê đứng trên kệ nhìn tôi ứa lệ. Con búp bê áo xanh là người em tội nghiệp của tôi, người em hiền lành của tôi thời thiếu nữ cho đến ngày tôi biết khóc cười vì tình yêu vớ vẩn đầu đời. Tôi nhiều lần quên con búp bê trong những cuộc vui tuổi trẻ, tôi bỏ nó ở một góc phòng nhưng mỗi lần đau khổ, thất vọng tôi lại trở về nằm vùi trong chăn nhìn nó mà than khóc vu vơ.

Rồi tôi cũng đi lấy chồng. Chồng là lính nên phải bỏ cuộc vui khăn gói, quả mướp đi về miền xa xôi, hẻo lánh. Tôi bỏ quên con búp bê ở nhà cho đến một hôm đang nằm trong nhà thương với đứa con gái đầu lòng mới sanh thì mẹ tôi đến. Mẹ tôi từ Dalat về Saigon, rồi từ Saigon về An Xuyên để thăm tôi thì phải mất hai ngày đường, vậy mà mới buổi trưa hôm sau tôi đã thấy mẹ xuất hiện. Tôi òa lên khóc thì mẹ vỗ về:
-Mới sanh dậy đừng khóc mà mù mắt đó con.
Tôi hỏi:
-Sao mẹ đến sớm vậy, hồi tối mẹ ngủ ở đâu?
Mẹ nói:
-Mẹ về Saigon hai giờ chiều hôm qua, nóng ruột sợ con sanh đẻ không có ai nên đón xe đi Cần Thơ ngay. Đến bảy giờ đêm mẹ mới đến Cần Thơ con à.
Tôi la lên:
-Mình đâu có quen ai ở Cần Thơ, rồi mẹ ngủ ở đâu? Trời ơi! Ngủ ở bến xe à?
Mẹ tôi cười:
-Làm gì phải ngủ ở bến xe. Mẹ ngủ ở chùa, nhờ xích lô chở tới chùa gần bến xe rồi xin các cô ngủ nhờ một đêm ai mà từ chối. Ở chùa rất an toàn con ạ, sáng sớm mẹ cúng một chút tiền thắp nhang, các cô cho ăn sáng rồi đưa ra bến xe đi Cà Mau.
Ruột tôi đứt từng khúc khi nghe mẹ nói. Gia đình tôi không giàu có nhưng ba là công chức có số lương nhất định nên mẹ chỉ ở nhà làm việc nội trợ, săn sóc chồng con. Vậy mà vì chúng tôi mẹ phải lặn lội, xuôi ngược trong những chuyến đi vào nơi chốn cát bụi xa lạ để thăm con.

Một lần khi nghe tin anh tôi bị thương ngoài chiến trường Khe Sanh được đưa vào bệnh viện Đà Nẳng, mẹ khóc lóc quá nên cha phải xin máy bay quân sự để mẹ ra thăm anh. Cha làm một cơ quan trực thuộc Bộ Quốc Phòng. Khi đến nơi thì anh đã trở về đơn vị cũ. 

Mẹ năn nỉ xin ra chiến trường những họ không cho và lại gởi mẹ trong chuyến bay trở về nhà của những người lính Mỹ. Ngày đó chúng tôi thật tình không hiểu rằng: tại sao một người đàn bà bình dân, trình độ học vấn chưa qua khỏi lớp ba trường làng và không biết bằng cách nào mà mẹ đã vượt qua những chặng đường khó khăn, lên phi cơ của những người quân nhân Hoa Kỳ mà đi thăm con ở miền địa đầu giới tuyến. Mẹ cười:
-Có mấy ông Sĩ Quan Việt Nam làm thông ngôn, không biết họ nói gì mà mấy người lính Mỹ đối xử với mẹ tử tế lắm!
Mẹ kể chuyện thấy ma ở bệnh viện Đà Nẳng khi phải ngủ lại đó. Lúc nửa đêm, mấy ông lính về đứng ở đầu giường  nhìn mẹ chăm chăm, mẹ sợ toát mồ hôi van xin:
-Xin các cậu đừng nhát tôi tội nghiệp, cũng là phe mình mà cậu. Nhà tôi có ba thằng là lính Việt Nam Cộng Hòa, tôi ra đây để thăm thằng lớn bị thương nhưng nó về đơn vị rồi cậu ơi! Tôi buồn lắm không ngủ được!
Mẹ nói vừa khấn xong là họ biến mất liền. Nghe mẹ kể chuyện cha và chúng tôi cười ngất mà nước mắt lại ràn rụa. Cha nói tôi phục bà quá chừng!

 Sau khi ôm nựng cháu ngoại một hồi, mẹ lục túi xách lôi  con búp bê ra đưa cho tôi rồi nói:
- Ba nhắc đem nó cho cháu chơi, ổng nghĩ mầy sanh con gái đầu lòng!
Tôi lại khóc nức nở. Có con rồi mới biết tình thương của cha mẹ cao rộng ngần nào!

Vậy là con búp bê lại ở với tôi trong khu Gia Binh nghèo nàn của một vùng đất tận cùng đất nước. Nó chia xẻ với tôi những vui buồn, lo âu của đời sống một người vợ lính. Chiến tranh vẫn tiếp diễn như không có ngày chấm dứt. Mẹ trở về Dalat, tôi chạy qua lại với chị Hân sát cạnh nhà là vợ một ông Trung Úy đang đóng Đầm Dơi.

Hàng ngày bé Hương độ bảy tuổi con gái út của chị Hân hay qua nhà tôi chơi, chị nói nó ham em nên thương con tôi lắm. Thật ra Hương thương Yến Nhi con tôi thì ít mà thích con búp bê thì nhiều, nó tưng tiu con búp bê và vuốt ve, hôn hít không biết chán. Hương cũng có đôi mắt tròn vo như con búp bê. Tôi xem chị Hân như một người chị ruột, chị mơ một ngày đi về Dalat với tôi vì chị chỉ nghe mà chưa bao giờ đến thành phố ngàn thông thơ mộng này.

Tuy nhiên, mơ ước của chị chưa thành thì biến cố bảy lăm xảy ra. Khi Đại Tướng Dương Văn Minh kêu gọi buông súng đầu hàng thì An Xuyên vẫn còn tử thủ. Chúng tôi lại một phen kinh hoàng khi đêm nằm nghe tiếng đạn bay véo véo trên mái nhà khu gia binh và tiếng loa của hai bên réo gọi không ngừng. Một bên đòi chiến đấu đến cùng, một bên là mặt trận giải phóng miền Nam(!) yêu cầu ra thương thảo. Sinh mạng con người lúc ấy như chỉ mành treo chuông, thập tử nhất sanh. Suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên những giây phút kinh hoàng, bi thảm  trong cơn hấp hối của miền Nam Việt Nam cuối tháng Tư và đầu tháng Năm năm ấy.

Đại Tá Chỉ Huy Trưởng bỏ ra đi, rắn mất đầu và vì tình thế lúc ấy không thể nào thay đổi được nên cuối cùng An Xuyên cũng mất. Cà Mau chịu chung số phận với sự sụp đổ của miền Nam. Thay vì ra biển để đi như lời đề nghị của chồng tôi - một Sĩ Quan có chút địa vị trong Tiểu Khu- tôi lại khóc lóc xin được về với gia đình.

Ngày tôi từ giã chị Hân cùng chồng về Saigon thì anh Hân chồng chị vẫn chưa trở về nhà. Tôi thu xếp áo quần và bán tháo, bán đổ hay cho không tất cả đồ đạc trong nhà. Bé Hương có mặt ở nhà tôi từ sáng sớm. Nó lẩn quẩn không chịu về nhà ăn cơm dù mẹ đã gọi nhiều lần. Khi tôi bỏ con búp bê vào túi xách và ôm từ biệt chị Hân thì con bé khóc òa lên.
Chị Hân hoảng hốt hỏi:
-Sao vậy Hương?
Con bé nức nở nói không thành tiếng:
-Con búp bê, con búp bê!
Chị Hân ngó tôi ái ngại, khuôn mặt Hương đầm đìa nước mắt nhưng hai con mắt thì mở to thao láo nhìn tôi chờ đợi.

Tôi do dự không biết tính sao. Con búp bê là vật kỷ niệm từ hơn mười năm trước, hơn nữa mẹ đã có công mang xuống cho tôi. Rồi tôi lại nghĩ: dù gì đó cũng chỉ là một con búp bê, một món đồ chơi vô tri, vô giác. Làm sao tôi có thể mang nó đi khi bé Hương khóc lóc dữ dội như vậy và còn tình nghĩa giữa tôi và chị Hân nữa. Cũng có thể đây là lần cuối cùng tôi còn trông thấy chị và bé Hương. Một biến cố to tác của đất nước đã đổ ập xuống đầu chúng tôi thì xá gì con búp bê nhỏ bé này. Tôi quyết định đưa nó cho Hương, con bé reo lên mừng rỡ rồi ôm con búp bê chạy thật nhanh về nhà vì sợ tôi thay đổi ý.

Tôi không bao giờ gặp lại chị Hân. Tôi trở về nhà sau cơn đổi đời. Chồng và tất cả anh em trai đi tù, cha bị học tập cải tạo và bị quản chế tại chỗ (họ nói thế!). Bọn con gái thất nghiệp, mẹ phải bán dần đồ đạc trong nhà để đi thăm nuôi con trai và nuôi bầy cháu nhỏ. Sau đó mẹ ra bán chợ trời để kiếm sống qua ngày, tôi đã quên con búp bê cho đến một buổi chiều mẹ bước vào phòng sau một ngày bương chải ngoài đường:
-Con búp bê nè!
Tôi nhìn con búp bê ngạc nhiên lẫn thích thú hỏi mẹ:
-Nó ở đâu ra vậy?
- Mẹ mua một mớ đồ của một gia đình vượt biên để lại cho bà con. Bán cả ngày lời được vài ký gạo với con búp bê này, thấy thương quá nên mang về, bán cũng chẳng bao nhiêu. Thời buổi này búp bê rẻ hơn khoai lang, khoai mì con ạ! Nó giống y chang con búp bê ngày trước thằng Tường cho con. Thấy mà thương.

Tôi nhìn mẹ rưng rưng trong lòng. Vập là con búp bê trở về nhà đứng trên chiếc kệ cũ, dù thật ra nó không hẳn là con búp bê ngày xưa của tôi. Con búp bê sung sướng hơn chúng tôi vì dù rằng đang khóc nhưng nó không bao giờ biết đói, nên nó không bao giờ biết tủi nhục, không bao giờ biết hận thù. Con búp bê vô tư và câm nín, đi theo giòng đời đưa đẩy. Con búp bê không già đi mà trẻ lại vì ngày xưa nó là em tôi bây giờ lại trở thành con tôi. Có nhiều đêm tôi than thở với nó:
-Cuộc đời khổ quá con ơi, nhiều khi muốn chết cho xong!
Nó chỉ lặng lẽ nhìn tôi với giọt nước mắt thủy tinh trên đôi gò má bầu bĩnh.
Chồng đi tù biền biệt chẳng biết ngày về, cái đói lăm le mỗi ngày khi mặt trời vừa lên. Tôi hối hận vì đã ở lại, tôi đã quá nặng tình với cha mẹ. Đất nước thống nhất mà sao khổ quá, người ta tìm đủ mọi cách để ra đi, ở lại để nghe nói mãi chuyện ấm no, hạnh phúc mà cái bụng đói meo thì thật là không khá lên được. Vẫn đau khổ triền miên, tủi nhục triền miên vì lời nói không đi đôi với gạo cơm, cá thịt.

Một ngày mẹ lại bàn với cha tôi bán đi bộ bàn ghế bằng gỗ quý trước phòng khách. Bộ bàn ghế đi đôi với cái tủ đứng to và cái đi văng bóng láng mà cha đã vào tận Hố Nai - Biên Hòa để mua và thuê một chuyến cam nhông  chở về mấy chục năm trước. Mới đầu cha không bằng lòng nhưng mẹ nói:
-Không bán thì lấy tiền đâu lo cho đứa đói trong nhà tù nhỏ, đứa đói ngoài nhà tù lớn. Một đời ta bằng ba đời nó, dù gì đó cũng là bộ bàn ghế mà ông.

Cha thôi không ngăn cản nữa. Mẹ đợi ngày cha tôi đi vắng kêu họ đến chở bộ bàn ghế đi, chắc họ giàu có hay là cán bộ chi đó mà đem theo một chiếc xe chở hàng thật lớn. Hai vợ chồng mang theo đứa con gái cở Yến Nhi con gái tôi, đứa nhỏ chạy lung tung trong nhà khi người lớn đang ngả giá mua bán. Con bé được con tôi dẫn vào phòng, trông thấy con búp bê nó thích quá nên Yến Nhi bắt ghế lấy xuống cho nó chơi.

Khi việc mua bán xong, bàn ghế đã xếp đặt gọn gàng trên xe cho họ chở đi thì đứa bé khóc la ầm ĩ. Nó đòi con búp bê cho bằng được, người cha giận quá đánh vào mông đứa bé mấy cái rồi rầy la vợ:
-Cô mang nó theo làm gì, sao không để con ở nhà! Đúng là con hư tại mẹ mà.
Hai vợ chồng cãi qua cãi lại, còn đứa bé cứ dậm chân mà khóc. Người mẹ nóng ruột quá vội năn nỉ mẹ tôi:
-Xin bà bán con búp bê cho cháu!
Mẹ tôi chỉ tôi nói:
-Đâu phải của tôi, của con gái tôi đó! Vật kỷ niệm làm sao bán được.
Tôi lại chỉ con gái tôi:
-Của cháu Yến Nhi đó, làm sao tôi bán được. Cháu rất thích con búp bê này.
Tôi chỉ lấy cớ thế thôi chứ Yến Nhi hình như không chú ý con búp bê mấy. Người đàn bà nhìn con tôi rồi giằng con búp bê ra khỏi tay đứa bé:
-Của chị Yến Nhi , chị không chịu bán đâu. Thôi đi về rồi mẹ ra chợ mua cho con búp bê mặc áo hồng thật to, thật đẹp. Con búp bê này mặc áo xanh xấu lắm, nó lại khóc nhè, đừng chơi với đứa khóc nhè sẽ bị lây bệnh khóc con ạ!
Đứa bé vừa khóc, vừa dậm chân bành bạch, tay vẫn giữ chặt con búp bê:
-Không phải đâu, con chỉ thích con búp bê áo xanh này thôi. Chị Yến Nhi vừa hứa là sẽ cho con mà.
Người cha nóng máu la lên:
-Đi về ngay hay muốn ăn đòn nữa hả con. Còn cô, sao nói dai quá vậy! Về ngay cho tôi nhờ.
Yến Nhi bỗng vụt miệng nói:
-Con không thích con búp bê này đâu, mẹ cho em đi kẻo ba nó đánh nữa!
Tôi không biết tính sao giữa tình huống này. Người mẹ ôm Yến Nhi cảm ơn rối rít rồi nói với tôi:
-Cháu không thích búp bê, thôi xin cô nhường cho con tôi cô nhé! Ba nó nóng tính lắm, tại tôi mang nó theo mới ra cớ sự này, ở nhà biết bao nhiêu đồ chơi mà nó lại thích con búp bê này mới lạ chứ.
Đứa bé nhoẽn miệng cười hạnh phúc.
Bà mẹ giúi vào tay Yến Nhi một số tiền rồi kéo đứa bé đi với con búp bê. Sự việc xảy ra quá chớp nhoáng khiến tôi không biết phản ứng như thế nào nữa, tôi và mẹ chỉ biết nhìn nhau mà cười trừ. Con búp bê lại ra đi vào một nơi vô định nào đó.

Từ ngày đứa bé xa lạ tay ôm khư khư con búp bê, tay kia nắm chặt tay mẹ quay lại nhìn tôi cười hạnh phúc đến nay dễ chừng hơn ba mươi năm trôi qua với bao vật đổi sao dời. Tôi đã thật sự quên con búp bê trong giòng đời lận đận của mình. Có bao biến cố to lớn hơn nhiều đã xảy ra thì có ai còn để tâm đến con búp bê của thời trẻ dại, của một thuở nghèo đói, khốn cùng.

Các anh em và chồng tôi cuối cùng cũng ra khỏi nhà tù nhỏ để vào một nhà tù lớn hơn. Những vết hằn thương đau cũng có thể chỉ lành bên ngoài. Rồi cha mẹ qua đời, anh em tứ tán mỗi người một phương chưa một lần họp mặt đầy đủ. Tử biệt sinh ly, những đắng cay của cuộc đời, của mệnh nước nổi trôi bút mực nào mà tả cho hết.

Bây giờ tôi thẫn thờ nhìn con búp bê trên tay, lòng nôn nao, bâng khuâng với vô vàn kỷ niệm, làm sao tin được có ngày còn trông thấy nó. Tôi xăm xoi xem nó có dấu vết gì đặc biệt của con búp bê ngày xưa không, tuyệt nhiên không! Con búp bê không già đi mà trong ý nghĩ của tôi nó còn trẻ lại nữa, bây giờ nó trở thành cháu của tôi với giọt nước mắt thủy tinh trên gương mặt nũng nịu, dỗi hờn.

Từ khu Country Wood Apartment đi ra với con búp bê trên tay một cảm giác cô đơn, đau đớn lạ lùng làm trái tim tôi thắt lại trên đường trở về nhà. Cái chết cô độc của một người đàn bà, căn phòng trống trơn và con búp bê đang khóc. Chị Mai là ai, sao tôi không tìm hiểu khi chị còn sống, sao tôi không thấy con búp bê khi chị còn sống, biết đâu cũng có một kỷ niệm nào đó hay chăng? Sao chị lại giữ nó trong phòng ngủ. Một người đàn bà già nua, bệnh hoạn, cô đơn và một con búp bê trên nước Mỹ.

Tôi chợt có ý nghĩ là dù một chút gì mình cho đi hình như không bao giờ mất, sự đền đáp có thể chúng ta không nhận thấy hay không muốn thấy. Những điều nhỏ nhặt tôi làm cho chị đã dẫn lối cho con búp bê trở về với tôi sao bao nhiêu năm lưu lạc dù chắc rằng đây không hẳn là con búp bê ngày xưa của tôi. Làm sao biết được.

Những kỷ niệm xưa ùa ập trở về. Anh Tường, anh Thành, cha mẹ, anh em, chồng con, khu gia binh, chị Hân và bé Hương. Cả hình ảnh đứa bé theo cha mẹ đến nhà tôi mua bàn ghế. Con búp bê đã đem hạnh phúc lại cho những đứa bé trong những phút giây nào đó! Bây giờ nó đã trở về sau gần nửa thế kỷ với những cuộc hành trình kỳ thú! Những người đang sống và những người đã chết hình như đang tồn tại trong giọt nước mắt thủy tinh của con búp bê.

Tôi đặt con búp bê trên một kệ trong phòng ngủ, tôi tin rằng bây giờ không ai cần nó nữa. Nước Mỹ với hằng hà sa số đồ chơi, búp bê dành cho trẻ con. Những thứ đồ chơi lạ mắt và đẹp đẽ trong những cửa hiệu, trong những nơi bán đồ cũ hay Yard sale. Con búp bê với giọt nước mắt thủy tinh không còn là mơ ước của những đứa trẻ sống trên một đất nước giàu có như ngày xưa nó đã từng là mơ ước của đám trẻ con trong một đất nước nghèo nàn. Nó trở nên tầm thường, đơn sơ với tất cả mọi người - ngoài tôi, một kẻ đa đoan mang quá nhiều hoài niệm-  và biết đâu chị Mai nữa!

Tôi kêu điện thoại đến bệnh viện nơi chị Mai qua đời nhưng họ từ chối không cho biết một tin tức nào cả vì giản dị là tôi không phải người thân của chị. Tôi nói với con búp bê:
-Cuối cùng thì ta cũng đã có cháu. Ta cũng đã quá mỏi mệt rồi với cuộc đời này rồi, cháu ạ!
Con búp bê vẫn đứng đó như một nơi chốn an toàn cho nó và tôi. Tôi nhắc lại lòng mình là không ai còn cần nó. Có những điều hay đồ vật vô giá trị với mọi người nhưng nó lại quý giá với một người nào đó. Giọt nước mắt thủy tinh không bao giờ khô cạn của con búp bê như nhắc tôi rằng cuộc đời này là sự chấp nhận tất cả như ta phải chấp nhận một định mệnh nào đó. Sự chấp nhận thật dễ chịu đối một người sắp đi hết cuộc đời như tôi bây giờ.

Tôi lại có con búp bê này để than thở, kể lể chuyện vui buồn như tôi đã từng trong quá khứ vì nó thật sự đã trở về/.

Mimosa Phương Vinh                                       

1 comment:

  1. Cám ơn chị Phương Vinh! Con búp bê của chị đặc biệt thật. Mình đã thấy nhiều búp bê nhưng tòan là búp bê cười chớ chưa thấy búp bê khóc. Vì búp bê khóc không dễ gì bán!
    Câu chuyện rất lý thú! Đời có những cái duyên và những sự trùng hợp không ngờ phải không chị?
    NPN

    ReplyDelete