TTCT - Mạnh Tử nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tuân Tử
lại bảo ngược lại: “Nhân chi sơ tính bản ác”. Phương Tây thì không khăng
khăng như hai ông này.
Họ cho rằng đứa bé sơ sinh chỉ là một thực thể ẩn chứa
những gì liên quan, ảnh hưởng đến con người sau này như là thể chất, trí
não, nhân cách, năng khiếu bẩm sinh... mà thôi.
Nhưng những diễn tiến xã hội và các tranh luận đạo đức
lại thường dẫn đến một lý giải rằng đằng sau cái “nhân chi sơ” đó lại là
tính hưởng thụ. Con người sinh ra đã có ngay tính hưởng thụ. Vậy tính
hưởng thụ là thiện hay ác?
Trong bụng mẹ, cái bào thai khi mới quãng sáu bảy tháng
gì đó đã biết lựa thế nằm cho êm, để đạt được điều đó nó quẫy đạp mẹ
nó. Vừa sinh ra, đứa trẻ khó chịu vì phải tự thở, tự vận hành hệ tuần
hoàn, được cô mụ phát đít, thông đường thở, đứa bé khóc thét. Được rồi,
thở được rồi, sướng quá, nó hưởng thụ nhịp hô hấp khoan khoái. Lớn dần,
mỗi khi đói bụng nó khóc, lạnh đít nó cũng khóc, ngứa ngáy nó khóc,
thiếu hơi mẹ nó cũng khóc đòi... Và bằng cách đưa ra những phản ứng ấy,
nó hầu như luôn đạt được điều mình muốn.
Lớn lên một chút, đứa trẻ ý thức về sự hưởng thụ chứ
không còn hưởng thụ theo bản năng. Điều nó muốn mà không đạt được, nó
không chỉ khóc suông mà bắt đầu suy nghĩ cách đòi cho hiệu quả. Thấy một
đứa trẻ khác được chiều chuộng hơn, sướng hơn, nó biết ghét. Nó bắt đầu
có tính ganh đua, đố kỵ. Dần dà lòng tham xuất hiện.
Tính hưởng thụ càng dung dưỡng nó, nó càng thấy thiếu.
Ăn, nó muốn càng lúc càng ngon. Mặc, nó muốn càng lúc càng đẹp. Không có
những bài học giáo dục phù hợp và kịp thời, xã hội ắt phải chuẩn bị để
tiếp nhận một công dân tồi, một kẻ vị kỷ. Tính hưởng thụ đi quá sự thiết
yếu của đời sống dẫn đến cái ác, biết dừng trong sự cho phép đó là
thiện?
Tiền nhiều ắt sướng, tính hưởng thụ được phát triển tối
đa. Điều này lý giải cho việc các quan tham không bao giờ tự dừng được.
Tham nhũng một lần trót lọt, run muốn chết, nhưng vẫn cứ muốn thử lần
nữa, rồi lần nữa. Phải chăng tính thích hưởng thụ luôn thắng mọi nỗi sợ
hãi?
Xã hội không có nền tảng vững vàng về đạo đức, thiếu
công tâm và dân chủ, không có biện pháp đủ mạnh để răn đe thì làm sao
kiềm chế nổi lòng ham muốn hưởng thụ vô biên của con người? Thêm nữa,
nếu thiếu giáo dục thì con người không tự hài lòng với mình về vật chất,
họ sẽ tiến tới làm hài lòng mình bằng những hành vi vô đạo.
Biết kiềm chế tính hưởng thụ là nền tảng của đức hạnh.
Bản chất của tính hưởng thụ là trung tính nhưng luôn có xu hướng chuyển
từ thiện sang ác. Phần lớn sự xấu xa bỉ ổi của cá nhân, sự bất ổn tan vỡ
của gia đình đều do tính hưởng thụ đi quá đà và thường khó nhận ra hoặc
không muốn nhận ra, bởi con người luôn lấy nhu cầu cuộc sống để biện
minh cho tính hưởng thụ quá trớn.
Có thể tạm chia tính hưởng thụ ra làm hai dạng: hưởng
thụ tinh thần và hưởng thụ vật chất, tuy ranh giới giữa chúng khá mong
manh. Ăn bữa cơm ngon, ở căn nhà sang trọng là hưởng thụ vật chất. Ngắm
cái cây đẹp, nghe bài thơ hay, nghe lời nịnh nọt là hưởng thụ tinh thần.
Ăn ngon nhưng muốn ăn trong nhà hàng có người phục dịch, ngắm cái cây
đẹp trong rừng nhưng muốn đào trốc gốc đem về trồng (cách chơi cây cảnh
quái lạ hiện nay), nghe bài thơ hay nhưng muốn nghe từ giọng ngâm mỹ
nữ... Đó là sự kết hợp cực đoan giữa hưởng thụ tinh thần và hưởng thụ
vật chất, thật đáng ghét và nguy hại biết bao.
Và như vậy, nếu “nhân chi sơ tính hưởng thụ”, hãy tinh
tường dõi theo để nhìn thấy sớm cái gốc con người đang chuẩn bị phân
nhánh thiện - ác mà uốn nắn, nhắc nhở, cảnh báo...
Theo Phùng Hi (Tuổi trẻ cuối tuần)
No comments:
Post a Comment