Trước khi “bàn sâu, bàn xa” về đồ giả và đồ dỏm, người viết xin được dạo qua phần định nghĩa thế nào là đồ dỏm và đồ giả.
Đồ giả chắc ai cũng biết là đồ… không thật, không do “chính chủ,
chính hãng” sản xuất ra, nhưng có mẫu mã, kích thước, hình dáng, bao
bì…mà nếu không nhìn kỹ hay để ý sẽ thấy y chang đồ thật.
Đồ giả có nhiều “đẳng cấp” khác nhau. Có những loại đồ giả mà người
tinh ý chỉ cần liếc mắt qua, sẽ nhận ra ngay như nước xì dầu Maggi, sản
xuất tại Trung Cộng, vô chai tại Việt Nam, ghi là Made in France, loại
xì dầu này chỉ cần đọc kỹ những hàng chữ in trên nhãn là phân biệt được
ngay (thí dụ thay vì ghi là Made in France thì lại ghi là Made in
French), nhưng cũng có loại đồ giả cần phải quan sát tỉ mỉ, phải coi tới
coi lui, coi xuôi coi ngược, lật trước lật sau, nhiều khi phải coi cả
nội dung món hàng mới phân biệt được như gạo giả, thuốc tây giả, phân
bón giả…
Đồ dỏm là hàng hóa, sản phẩm có phẩm chất không tốt, không bền, không
đạt yêu cầu sử dụng cho khách hàng. Khác với đồ giả, đồ dỏm có thể có
công dụng như hàng thật nhưng giá bán rẻ hơn, thời gian sử dụng ngắn hơn
hoặc không đạt được hiệu quả mong đợi của khách hàng.
Đồ dỏm, thông thường chỉ bắt chước mẫu mã, bao bì, kích thước… của
hàng thật khoảng 50-70%, lấy tên hơi khác đi một chút để khách hàng,
những người không biết, không có kinh nghiệm về món hàng, sản phẩm hoặc
có thể biết nhưng do nghèo, ít tiền, không có cách nào khác đành phải
chấp nhận giá rẻ để dùng trong một thời gian ngắn.
Sở dĩ phải dài dòng văn tự như trên vì hiện nay ở Việt Nam, đồ giả và
đồ dỏm tràn lan khắp nơi, khắp chốn, từ thành thị đến thôn quê, từ thủ
đô Hà Nội đến vùng sâu, vùng xa, từ cao nguyên xuống tới đồng bằng, từ
rừng núi thâm sâu ra tới ao hồ, biển cả…
Không có hàng hóa, sản phẩm nào mà các bàn tay phù thủy không thể làm
giả, làm dỏm, đặc biệt là các phù thủy từ nước láng giềng phương Bắc 4 Tốt 16 chữ Vàng.
Vàng giả, gạo giả, thuốc tây giả, thịt heo, thịt bò giả, gạo giả, đô la
giả, tiền giả, trứng gà giả…, hàng dỏm cũng không chịu kém, từ điện
thoại thông minh, trang sức phụ nữ, túi xách, quần áo, đồ dùng trong nhà
đến máy giặt, máy sấy, TV, linh kiện điện tử, phụ tùng xe gắn máy nhập
từ anh bạn láng giềng núi liền núi, sông liền sông… đủ thứ hằm bà lằng
xắng cấu.
Hàng giả và hàng dỏm, người tiêu thụ mua lầm một lần là cạch tới già,
lần sau thế nào cũng thận trọng, xem xét, tìm hiểu món hàng kỹ càng
hơn. Đồ dỏm, đồ giả gây thiệt hại nặng, nhẹ cho người tiêu thụ tùy theo
từng món hàng hay chủng loại. Mua lầm một cái bóp giả hiệu Giorgio
Armani, Versace, hay một đồng hồ Rolex, Omega dỏm thì chỉ mất tiền nhưng
uống nhằm thuốc tây giả thì người bệnh ung thư không còn cơ hội mua
hàng thật lần thứ hai là chuyện bình thường, không tin hỏi bà Bộ trưởng
Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ rõ.
Tuy nhiên không phải loại hàng giả, hàng dỏm nào cũng có tác hại hay
ảnh hưởng xấu đến người tiêu thụ. Có một loại hàng dỏm và hàng giả hiện
nay rất được một số người Việt Nam ưa chuộng, đặc biệt là các quan chức
cộng sản VN. Biết là dỏm, là giả nhưng họ vẫn thi nhau mua về làm của
(riêng) mới là chuyện ngược đời. Những người này chen chúc, tranh giành,
xô đẩy, kèn cựa nhau, quyết mua cho bằng được món hàng mà họ mong muốn
cho dù có tốn thật nhiều tiền.
Vợ chồng, con cái, đồng nghiệp, đồng chí, quan chức, cán bộ nhà nước,
đảng viên…từ lãnh đạo ở trung ương như chủ tịch nước, chủ tịch quốc
hội, tổng bí thư, thủ tướng xuống đến cán bộ xã, chủ tịch phường, huyện,
quận…ngầm khuyến khích nhau sử dụng, rất ít người không dắt lưng, thủ
cho mình một món hàng giả hoặc hàng dỏm nói trên.
Ủa? Hàng giả, hàng dỏm sao lại phải dắt lưng làm chi vậy? Mà nó là
cái chi mới được? Xin thưa! Đó là bằng cấp, loại giả và dỏm. Từ bằng tốt
nghiệp trung học phổ thông giả của anh chủ tịch xã đến bằng kỹ sư, tiến
sĩ dỏm của lãnh đạo các bộ, ban, ngành… Có thể nói không sợ sai, rằng
ít nhất là một nửa bằng cấp các quan chức lãnh đạo đảng CSVN nếu không
là bằng giả thì chém chết cũng là bằng dỏm.
Từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, đến Trần
Đại Quang, Nguyễn Thiện Nhân, Đinh La Thăng… bằng cấp, học vị hoặc không
có giá trị thực tiễn hoặc rất mù mờ, không có cách gì kiểm chứng hay
xác minh được. Nếu có ai đó tò mò vào Wikipedia tìm đọc lý lịch của các
quan chức CSVN sẽ tá hỏa tam tinh vì bằng cấp của các lãnh đạo CSVN đa
số đều tốt nghiệp hàm thụ hoặc tại chức, tức thuộc loại dỏm hoặc loại
giả.
Nhưng tại sao các quan chức, lãnh đạo CSVN lại sính dùng đồ giả, đồ
dỏm? Câu trả lời rất đơn giản: Thứ nhất là do tự ti mặc cảm, thứ hai họ
không có khả năng để mua đồ thật, thứ ba là dùng đồ dỏm, đồ giả để tiến
thân.
Xuất thân là những kẻ ít học, dốt nát, nhờ thời cuộc, nhờ thủ đoạn
lưu manh, bon chen, luồn lọt, mánh mung, gian ác… leo lên được địa vị
lãnh đạo, mang mặc cảm với người dân hay những thuộc hạ, những người tài
giỏi, có học, có văn hóa hơn mình nhưng sống lương thiện, chân thật,
nên phải tìm cách chứng minh giá trị văn hóa, giáo dục của mình cũng
không kém chi người khác.
Nhưng giá trị thật sự của một người, nhất là ở cương vị lãnh đạo đất
nước chẳng thể do bằng cấp, học vị mà có. Giá trị đó nằm ở đạo đức, khả
năng lãnh đạo, điều hành đất nước, phong cách ứng xử, đối phó với những
vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc, quốc gia. Tiếc thay, đó là những
tố chất mà lãnh đạo CSVN hoàn toàn không có.
Báo Lao Động vừa đăng một bản tin về việc cần rà soát lại bằng cấp của tất cả các cán bộ có chức quyền. Thế thì việc cách chức một chủ tịch xã vì xài bằng cấp III giả chỉ là trò mị dân, không nói lên được sự minh bạch về bằng cấp hiện nay của các cán bộ, quan chức, đảng viên, lãnh đạo CSVN.
Những tin tức gần đây cho thấy, việc tố cáo nhau sử dụng bằng dỏm,
bằng giả như trường hợp Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Xuân Anh chỉ là những
chiêu, trò đánh hôi hay tìm cách hạ bệ nhau giữa những “đồng chí” nhưng
không “đồng ý” với nhau trong việc chia sẻ quyền lực, địa vị. Tuy nhiên
nhờ những chuyện đấu đá nhau, người dân mới thấy rõ trình độ văn hóa,
giáo dục của các lãnh đạo đảng và nhà nước ta.
Một đất nước mà lãnh đạo chế độ, từ trung ương đến địa phương đều
thích xài đồ giả, đồ dỏm thì dân tộc đó không bị diệt vong hay trở thành
nô lệ cho dân tộc khác, mới là chuyện lạ.
Thạch Đạt Lang
No comments:
Post a Comment