Friday, July 27, 2018

Hy Vọng Từ Thượng Đỉnh Nga - Mỹ Ở Helsinki - Đại Dương

U.S. President Donald Trump speaks with Russian President Vladimir Putin during their bilateral meeting at the G20 summit in Hamburg, Germany July 7, 2017. REUTERS/Carlos Barria TPX IMAGES OF THE DAY

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin gặp nhau tại Phần Lan hôm 16-07-2018 nhằm làm giảm nguy cơ xung đột vũ trang giữa hai siêu cường vốn chiếm 90% số vũ khí nguyên tử trên thế giới.

Quả đất sẽ không còn những quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ, muôn loài có thể biến mất dưới ánh sáng chói chang của Mặt Trời đỏ rực màu máu nếu hai kho vũ khí nguyên tử khổng lồ đó được sử dụng để giành chiến thắng.
Do những bất đồng nhỏ nhặt, vụn vặt mà ba đời tổng thống Mỹ vừa qua đã không cải thiện mối quan hệ Nga-Mỹ triệt để khiến cho căng thẳng leo thang theo thời gian.

Châu Âu say mê mở rộng vùng ảnh hưởng dưới chiếc dù che của Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) làm cho ông Putin cảm thấy bất an nên một mặt sử dụng sức mạnh quân sự để đàn áp quyết liệt các tiểu quốc muốn thoát khỏi vùng ảnh hưởng của Nga. Mặt khác, lợi dụng tình trạng vịt què thê thảm của Tổng thống George W. Bush mà đoạt hai khu tự trị South Ossetia và Abkhazia của Cộng Hoà Georgia cuối năm 2008. Biết rõ Tổng thống Barack Obama miệng hùm gan sứa nên ông Putin đoạt Bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 và giúp vùng Donbass đòi ly khai Ukraine.
Tể tướng Angela Merkel xúi ông Obama cấm vận (vai ông Ác) để Đức, Pháp (vai ông Thiện) đàm phán trực tiếp với ông Putin về đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức. Các nước Pháp, Đức, Áo, Anh đầu tư hàng chục tỷ Euro vào dự án làm giảm tác động cấm vận Nga. Bị ông Trump cáo buộc làm lợi cho Nga thì Angela tuyên bố Châu Âu sẽ có chính sách độc lập về vũ khí, chiến cụ, đường lối kinh tế và ngoại giao.

Nền an ninh Châu Âu lệ thuộc vào NATO từ năm 1949 cho tới nay, Hoa Kỳ đã góp 70% chi phí của Tổ chức và phần còn lại do 28 quốc gia thành viên phụ trách. Do Nga cưỡng đoạt Crimea năm 2014 nên NATO quyết định nâng chi phí quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2024, nhưng, không có điều khoản ràng buộc. Mặc dù bị Mỹ chỉ trích gay gắt mà đến cuối năm 2018 chỉ có 5 quốc gia góp đủ 2% GDP. Đức thặng dư ngân sách cao nhất vẫn chỉ đóng 1,2% GDP so với 3.6% GDP của Hoa Kỳ (đang nợ ngập đầu)!

Khi Tổng thống Trump chỉ trích các thành viên NATO không làm tròn nghĩa vụ ngân sách, và một số nước Châu Âu đã duy trì tình trạng thương mại không-công-bằng với Hoa Kỳ thì bị buộc tội gây chia rẽ Liên Âu làm lợi cho Nga.

Hãng tin DW của Đức dẫn kết quả thăm dò dư luận do YouGov công bố nhân dịp hai nhà lãnh đạo Putin và Trump gặp nhau tại Helsinki: 64% người Đức cho rằng mối đe doạ của ông Trump tới nền an ninh thế giới còn nguy hiểm hơn ông Putin. Các thành viên NATO giáp giới với Nga như Estonia, Lithuania, Latvia, Ba Lan đã vội góp đủ 2% GDP như một lời trách cứ các đồng minh giàu mà ích kỷ.

Ai cũng biết Hoa Kỳ đã can thiệp vào công việc nội trị khắp thế giới, kể cả tại Nga. Ngăn chặn sự can thiệp là bổn phận của chính quyền chứ không phải của ứng viên chính trị. Mạc Tư Khoa cấm công dân, đảng phái, đoàn thể không được nhận tài trợ từ các Tổ chức phi-chính-phủ (NGO). Tuy biết Mạc Tư Khoa tìm cách gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, nhưng, Barack Obama vẫn không có biện pháp ngăn chặn cụ thể và hữu hiệu.
Thượng đỉnh Trump-Putin không ra Thông cáo chung mà chỉ họp báo và trả lời phóng viên trong 45 phút. Từ đó, đã dấy lên nhiều lời chỉ trích gay gắt. “Ông Trump gà mờ lép vế nên nhượng bộ trước cáo già Putin.”

Thực tế, Tổng thống Trump tuyên bố Hoa Kỳ tôn trọng các quốc gia khác dù lớn hoặc nhỏ nên hội đàm ngang hàng với Chủ tịch Kim chính Ân. Chiến lược An Ninh Quốc Gia được công bố cuối năm 2017 đã chỉ định Nga là “đối thủ chiến lược” thay thế cho “đối tác chiến lược” được duy trì sau khi Liên Sô tan rã năm 1991.

Vladimir Putin cầm quyền liên tục từ năm 2000 mà các vị tổng thống Mỹ có ngăn được bước tiến của Nga không? Tổng thống Richard Nixon đã xin gặp mặt Chủ tịch Mao Trạch Đông và đến Trung Cộng để ký Thông cáo Thượng Hải năm 1972 làm lắng dịu tình hình Châu Á, cũng như tạo điều kiện cho Hoa Kỳ giải giới Liên Sô và Hiệp ước Warsaw có được coi là yếu hèn không?

Dư luận nghĩ sao khi Tổng thống Barack Obama cúi gập người 45 độ lúc yết kiến Vua của Á Rập Saudi và Nhật Hoàng theo nghi thức ngoại giao nào dành cho một lãnh tụ siêu cường duy nhất? Chủ tịch Tập Cận Bình không cho phép đưa cầu thang đón theo lễ nghi quân cách buộc Tổng thống Obama phải chui cửa hậu của Air Force One khi đi dự hội nghị G-20 Hàng Châu tháng 9-2016!
Ông Obama vội vã rút quân khỏi Iraq sớm hơn một năm so với Hiệp định do Tổng thống George W. Bush ký với nước này, rồi giao cho Ngoại trưởng Hillary Clinton phụ trách huấn luyện và trang bị cho Quân đội và lực lượng an ninh Iraq.

Từ 700 tay súng Thánh chiến Hồi giáo năm 2007 đã lớn mạnh thành 100,000 vào năm 2014 để đánh bại 4 sư đoàn thiện chiến nhất của Iraq và lực lượng an ninh, kiểm soát một vùng đất rộng lớn của Iraq và Syria hợp thành Nhà nước Hồi giáo (Islamic State).
Ông Obama công khai tuyên bố nhiều lần “Tổng thống Syria, Bashar al-Assad phải ra đi”, nhưng, chính đương sự đã phủi tay ra đi, giao cho ông Putin quyết định số phận Syria và cả Trung Đông!
Tình báo Mỹ không khám phá ra âm mưu thôn tính Crimea thuộc Ukraine của ông Putin mà ông Obama cũng chẳng có biện pháp đối phó hữu hiệu trước hoạt động của Nga tại Crimea và miền Bắc của Ukraine.

Đứng trước đống rác khổng lồ do vị tiền nhiệm để lại mà Tổng thống Donald Trump vẫn thản nhiên thảo luận trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin các vấn đề: hợp tác chống ISIS, hạn chế phổ biến vũ khí nguyên tử liên quan trực tiếp Bắc Triều Tiên và Iran, điều chỉnh Hiệp ước Lực lượng Nguyên tử Tầm trung do Reagan và Gorbachev ký năm 1987 bị vi phạm trong những năm gần đây, tìm các biện pháp tránh Chiến tranh Lạnh lần hai.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là những thoả thuận tổng quát để hai bên tiếp tục đàm phán về chi tiết nên nhị vị tổng thống siêu cường nguyên tử sẽ tiếp tục gặp mặt nhằm hoàn thành ước nguyện.

Đại-Dương

July 18, 2018

No comments:

Post a Comment