Đêm qua mưa giông, chắc không riêng tôi một mình mà nhiều người
cũng đã thức giấc bởi mưa gào thét trên mái nhà, nhưng bớt cơn thịnh nộ của đất
trời khi đã quá nửa đêm cũng vẫn không ngủ lại được. Nếu không phải là nhiều
người thì tôi cũng biết có một người đêm qua không ngủ là ông lính cũ mà tôi đã
gặp chiều qua ngoài hồ Lavon. Hôm qua ngày chủ nhật nên nhiều người đi câu vì
không phải đi làm. Phần người đi câu để kiếm cá về ăn cho đỡ tiền chợ thời lạm
phát khó khăn thì phải đi sớm bởi cá ăn mạnh giấc hừng đông, đi sớm mới có chỗ
tốt chứ đi muộn thì những người đi sớm đã chiếm hết chỗ đắc địa theo chiều gió
và luồng nước. Thường thì những người đi câu sớm cũng chỉ câu đến chín, mười giờ
sẽ ra về vì đã thấm mệt, đói, nhất là nắng đã bắt đầu gay gắt nên về. Hôm nào đủ
số cá cho phép được bắt là hai mươi lăm con cá
Tôi lững thững xách đồ câu vào bãi câu lúc mười giờ sáng cho vắng
người, nhưng cũng còn người quen là anh Hoàng. Tôi hỏi anh, “anh đi câu không
biết mệt hả anh Hoàng? Tối hôm qua, mấy giờ anh về mà sáng nay lại đi câu sớm?”
Anh trả lời tôi, “Tối hôm qua em phải về để tính lương cho thợ cuối tuần chứ em
muốn câu tới sáng luôn, hôm qua cá ăn giựt không kịp, mê quá. Hôm qua em hên
nên không gặp người xét cá, câu mê nên về nhà mới biết là ba mươi con. Năm nay
nghe đâu câu quá số lượng cho phép sẽ bị phạt nặng và tước bằng câu luôn. Anh
có biết gì không?”
“Tôi chưa nghe, hôm trước đi mua giấy phép câu cho năm nay cũng
đâu nghe nói. Thôi để tôi tìm hiểu rồi cho anh hay sau. Vậy anh làm gì với ba
mươi con cá, không lẽ ăn từ tối hôm qua tới sáng nay vừa hết nên sáng ra đi câu
tiếp…”
“Đâu có. Hôm qua em về shop để tính lương cho anh em cuối tuần.
Em lo sổ sách, anh em nướng hết thùng cá luôn. Cá tươi nướng xù, cuốn bánh
tráng, bún, rau sống… nhậu quá đã mà cũng không hết. Mọi người chia nhau đem về
nhà ăn tiếp.”
…
Tôi biết anh Hoàng là chủ tiệm sửa xe, làm đồng xe luôn nữa nên
anh rất khá. Anh hay kể tôi nghe chuyện trốn việc làm ăn để đi câu, vợ nhằn
hoài nhưng lỡ có bệnh ghiền câu thì biết làm sao. Anh ta ghiền tới mức lo cho
con đi ngủ sớm, lên giường xạo xạo với vợ như bình thường nhưng thực bụng chỉ
chờ vợ ngủ khò là anh lặng lẽ trốn đi câu đêm. Anh rất hào sảng, chịu chơi, con
người rộng rãi đúng là dân nam bộ và tôi sợ nhất là khi cá ăn cần này, cần kia,
anh cứ chân trần mà chạy trên bãi câu đầy mảnh chai vỡ. Anh thích đi chân trần
như tìm lại quê hương, tuổi thơ đã mịt mù vì anh xa quê đã lâu, xa từ nhỏ nên
ăn học bên này, có bằng kỹ sư cơ khí, sửa xe cho hãng Toyota vài năm lấy kinh
nghiệm rồi ra mở tiệm sửa xe riêng. Có lẽ chính anh cũng không biết, còn tôi
không hiểu sao anh lại giữ nguyên được phong cách của một người miền tây sông
nước rất dễ mến.
Tôi với anh Hoàng vừa câu vừa trò chuyện về chiến tranh Nga với
Ukraine. Bỗng xa xa sau lưng, tôi thấy một ông già cao, gầy, yếu ớt. Tay ông
xách cái thùng đựng cá, tay kia cầm cần câu, vai đeo túi đồ câu có vẻ chuyên
nghiệp. Nhưng dáng ông đi như phụ sản sau khi sanh, từng bước từng bước thầm nặng
nề, mệt nhọc. Tôi thương hại ông đã già, yếu sức đến gió ngoài hồ có thể thổi
ông ngã được, vậy mà còn phải đi câu để kiếm cá về ăn. Tôi nghĩ đến việc cho
ông cá để ông khỏi phải câu, nhưng việc cần làm trước là giúp ông một tay. Tôi
bỏ câu, chạy đến giúp ông mang đồ câu của ông ra bãi. Ông dừng chân để thở lúc
tôi đến bên ông. Tôi nói, “Anh đưa tôi xách phụ cho. Đừng ráng. Tôi thấy anh
không khoẻ.” Ông khẽ nói nhưng tôi nghe được, “Anh cứ để tôi. Một lát nữa nói
chuyện sau. Cảm ơn anh.”
Tôi trở lại chỗ câu, nói với Hoàng, “Ông anh không khoẻ, còn bướng.
Tôi xách phụ cho đồ câu lại từ chối…”
Hoàng nhỏ hơn tôi cả chục tuổi nên gọi ông ta bằng chú khi Hoàng
quay lại nhìn ông, rồi lên tiếng, “Chú Hiền. Hôm nay chú khoẻ nhiều chưa? Bỏ đồ
xuống đất đi, để con ra con xách dùm cho.”
Ông cười nhẹ như bồ công anh tháng tư bay trong gió, nhưng vẫn
kiên trì từng bước thầm. Tôi mặc kệ hai người họ trò chuyện để làm việc của
mình. Một lát, nhìn sang ông cũng đã ra cần dù chỉ một cây thôi. Ông ngồi nhìn
mênh mông nước, bao la sóng từ đâu, về đâu trong tiết tháng tư không nắng cũng
không mưa như thơ Hồ Dzếnh. Bỗng nhớ ra câu thơ man mác buồn,
“Có gì đâu? Tôi giúp anh là để dành cho tôi khi tôi bằng tuổi
anh. Còn thật lòng thì tôi thấy anh ra đây không tiện cho lắm vì gió to sóng lớn.”
Tôi nói vậy.
Anh ra chiều suy tư mới trả lời, “Vậy thì khi anh bằng tuổi tôi
anh sẽ hiểu. Vợ con tôi ở nhà, ngay đến cháu ngoại tôi cũng không muốn tôi ra
đây làm gì với sóng to gió lớn. Nhưng tôi bị đột qụy anh ạ! Nằm hết mấy tháng,
chân đi không được, vợ phải tắm cho tôi. Tôi không sợ chết nhưng không muốn xa
người thân nên tôi phải tự đứng dậy. Tôi tự tập đi ở nhà, té lên té xuống không
sợ. Dần dần tôi lái xe lại được, đi ra tận đây được. Ra đây chỉ để hít thở
không khí, ra đây một mình được nghĩa là mình chưa đầu hàng. Mấy hôm trước, tuần
trước, những người bạn trẻ giúp tôi vào đến đây. Họ nhường cho tôi cả ghế ngồi
mà họ đem theo, nhưng hôm nay tôi đem theo đồ câu như xưa thường đi câu cá để
rèn luyện thể lực khi tôi đã tự đi lại được rồi…”
Ông chào tôi lần nữa rồi về chỗ. Tôi để mắt đến ông thường hơn,
thì ra ông câu cá nhưng không có lưỡi câu, chỉ có hòn chì cho ông ném ra, quay
vào… ông tập thể lực. Cũng có lúc ông gục đầu xuống như một người đã thấm mệt,
nhưng ông lại ngẩng đầu lên như chưa chịu đầu hàng. Tôi nói nhỏ với Hoàng, “Sao
tôi lại chưa gặp ông Hiền này ở đây bao giờ?” Theo Hoàng nói với tôi, “Chú Hiền
này vui tính lắm. Mấy năm trước còn đi câu chung với vợ, nhưng nay cô yếu rồi
nên chú đi một mình. Chú mới bị stroke chừng nửa năm nay nên yếu xìu luôn như
bây giờ. Nhưng ông già kiên cường, vẫn trở lại đây để tập thể dục, hít thở
không khí ngoài hồ cho khoẻ. Mới tháng trước, tụi em phải chở chú về nhà, chở
con chú ra lấy xe, nhưng ông già phải nói là kiên cường. Nay chú đi lại được là
kỳ tích rồi đó anh…”
Tôi có lòng cảm mến nghị lực của ông nên mon men qua chỗ ông trò
chuyện. Biết ra ông là đại úy pháo binh. Theo ông cho biết cũng hệt như đoạn
văn của nhà văn quân đội Lâm Chương viết về người lính Việt nam Cộng hoà, “đời
người ta đẹp nhất từ tuổi hai mươi lăm tới bốn mươi lăm, thì mười năm khoác áo
lính, mười năm khoác áo tù. Bây giờ không nhậu thì làm gì cho hết nửa đời sau…”
Nhưng chú Hiền đây không nhậu cho hết nửa đời sau mà làm hai việc, bên Mỹ hay
nói là làm hai
Tôi với anh nói tới quê nhà, nói chuyện ba mươi tháng tư một
chín bảy lăm. Hai thế hệ không thể cùng suy nghĩ nhưng đồng cảm với nhau là vô
biên về vết thương lòng, về khắc khoải khi chiến tranh tàn, về trăn trở xa quê…
Anh Hoàng vẫn miệt mài câu cá nhưng để mắt đến chúng tôi nhiều
hơn. Anh cởi áo khoác khoác thêm cho chú Hiền của anh vì trời trở gió. Người
lính già nở nụ cười nhẹ bâng như hoa bồ công anh tháng tư bay trong gió. Tôi tự
hỏi đã bao người lính miền nam không hy sinh trong chiến tranh nhưng chết dần
chết mòn trong hoà bình phân biệt đối xử ở quê nhà, bao người chết không nhắm mắt
ở quê xa với tâm thức tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên? Chiến tranh và hoà bình
như cái đồng hồ cát, chẳng bao giờ dung hoà, quân bình được. Bằng chứng đã bốn
mươi bảy năm trôi qua cuộc nam bắc phân tranh, những người đời sau xem chiến
tranh Việt nam không khác gì những trang lịch sử chống ngoại xâm của tiền nhân,
cha ông, những trang sử u buồn của thời bắc thuộc, thời tây sang đô hộ nước ta.
Những kiến thức lịch sử cho người có học về lịch sử nhưng cảm xúc chỉ như người
ngoài cuộc là cùng nên bốn mươi bảy năm đã trôi qua hững hờ với người có biết
hoặc còn quan tâm…
Tôi miên man theo dòng cảm nghĩ thì anh chợt hỏi tôi, “Theo anh,
cuộc chiến Nga với Ukraine sẽ đi về đâu, liệu có giống với chiến tranh Việt nam
của chúng ta?”
Tôi thưa chuyện với anh, “Theo em thì không giống vì em căn cứ
theo lịch sử thì người Nga sống trên đất Ukraine không ít và lâu đời. Nhưng
theo mặt lịch sử thì hai dân tộc chẳng xung đột gì nhau như Việt-Miên-Lào chúng
ta sống chung đâu có phân biệt gì! Vấn đề là ông Putin chính trị hoá vấn đề sắc
tộc để tạo ra cuộc chiến thôn tính. Về tình hình chiến sự thì anh cũng dư biết
rồi vì anh có thời gian xem tin tức nhiều hơn cả em. Nhưng cảm nhận riêng thì
em nghĩ: Ukraine đã đánh bại Nga trong giai đoạn đầu, giai đoạn hai đã bắt đầu.
Và cuộc chiến tại Ukraine đang bước sang tháng thứ ba và có thể kéo dài vì
Putin không thể thua mà phương tây và Hoa kỳ cũng khó thắng vì chi viện chỉ ở mức
cho Ukraine cầm cự chứ không đủ sức phản công thì bao giờ mới kết thúc chiến
tranh được. Thêm một ước đoán của em là cho dù Putin chiếm trọn được Ukraine, bất
chấp thủ đoạn và thiệt hại kinh tế thì quân kháng chiến Ukraine sẽ hình thành
và phát triển với trợ lực từ Hoa kỳ và phương tây vì Ukraine là vùng đệm giữa
Nga với tây phương, vùng đệm giữa chủ nghĩa tư bản và cộng sản nên bên nào cũng
muốn giành quyền kiểm soát. Cuộc chiến này xem ra còn nhiều mất mát cho người
dân vì vũ khí hiện đại bây giờ tạo ra sức sát hại, phá hoại cơ sở hạ tầng khủng
khiếp hơn xưa nhiều.
Nói đến thắng bại thì bên Ukraine có tinh thần chiến đấu cao hơn
bên Nga, lòng quyết chiến của bên giữ đất bao giờ không cao hơn bên cướp đất
như cha ông ta thắng giặc phương bắc nhiều lần sang cướp đất nước ta. Tâm lý
người giữ nước là chấp nhận hy sinh, tình nguyện hy sinh vì mất nước là mất hết,
nước mất thì làm sao còn nhà. Chuyện này chúng ta đã từng trải qua sau khi miền
nam thất thủ. Nhưng kẻ đi cướp nước thì không đủ dũng khí vì được sẽ tốt, nhưng
không được cũng không đáng để mất mạng…
Theo em, tình huống xấu nhất cho ông Putin là cuộc chiến sẽ kết
thúc trong một thất bại quân sự toàn diện, với sự sụp đổ của các khu vực thân
Nga ở Donbas và Moldova và sự hội nhập của Ukraine vào khối liên minh phương
tây. Một cuộc thất bại như thế sẽ không chỉ là một sự sỉ nhục cá nhân nhà độc
tài Putin mà nó kết thúc luôn sự nghiệp chính trị của ông Putin. Tầm ảnh hưởng
lan rộng sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng về tâm lý đối với vị thế và hình ảnh của
nước Nga trên bình diện quốc tế. Lịch sử nước Nga sẽ thay đổi và sẽ bước qua một
trang mới. Chuyến này ông Putin không có đường quay lại, quay về. Ông chỉ có thắng
bằng mọi giá hay mất hết, trắng tay. Sự tàn khốc sẽ ghê gớm lắm trong đợt hai
chiến dịch quân sự đặc biệt đầy giả trá của ông Putin. Nó không giống chiến
tranh Việt nam là chiến tranh ý thức hệ. Cuộc chiến Việt nam mang tầm vóc thế
giới về ý thức hệ quốc-cộng, khác với cuộc chiến Ukraine và Nga là cuộc chiến
xâm lăng.”
Anh Hiền nói cảm ơn tôi phân tích rồi cúi đầu lặng lẽ suy nghĩ.
Hoàng ra dấu cho tôi để chú ấy nghỉ ngơi. Bồ công anh tháng tư vẫn bay trong
gió đã bao thế hệ ưu tư, muộn phiền về cuộc chiến đã kết thúc bốn mươi bảy năm
qua nhưng chưa hề có hoà bình. Có lẽ đêm qua anh Hiền cũng khó ngủ, hay khó ngủ
lại với mưa giông ngoài trời và những u uẩn trong lòng mỗi độ tháng tư về…
Phan
No comments:
Post a Comment