Trong hồi ký “Viết
Trên Gác Bút”, nhà văn Nguyễn Thụy Long (cháu ruột nhà văn Nguyễn Bá Học, người
nổi tiếng với câu “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng
người ngại núi e sông”), kể lại thảm cảnh một vụ tịch thu sách năm 1975 sau khi
chính quyền mới tiếp quản Sài Gòn:
“Một cửa hiệu chuyên
cho thuê truyện tại đường Huỳnh Quang Tiên bên cạnh nhà thờ Ba Chuông tại Phú
Nhuận phát nổ khi đoàn thổ phỉ thu gom sách mang "băng đỏ" xâm nhập
tiệm. Ông chủ nhà sách mời tất cả vào nhà. Rồi một trái lựu đạn nổ. Chuyện xảy
ra không ai ngờ. Đương nhiên là có đổ máu... Cả chủ tiệm cũng mạng vong”…
Câu chuyện ông chủ
hiệu sách uất ức thà chết còn hơn nhìn bọn thổ phỉ “băng đỏ” gom và ném sách đi
đốt chỉ là một trong những bi kịch của miền Nam sau 1975. Không chỉ đốt sách,
con người cũng bị triệt, đến tận cùng. Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, bác sĩ, kỹ
sư... đều bị bọn cộng phỉ Hà Nội bắt đi tù lao động khổ sai.
Miền Nam không chỉ đột
nhiên rơi vào tình trạng thống khổ cùng cực mà còn chứng kiến những cảnh không
thể tưởng tượng: phu nhân đại tá đi bán rong, vợ giáo sư buôn vỉa hè, thầy giáo
mưu sinh bằng xích lô, ký giả chạy xe lam, con sĩ quan xếp hàng mua từng ký
gạo…
Những hình ảnh đã đột
ngột làm biến dạng miền Nam sau 1975. Những câu chuyện trải dài theo ký ức và
nghe (tưởng chừng) “phi thực tế” đến nỗi những thế hệ sau này khi được kể nghĩ
chắc hẳn là chuyện bịa.
Đã có cả trăm quyển
sách viết về những câu chuyện này, từ đi tù lao động khổ sai đến vượt biên bỏ
mạng. Nhắc lại không phải “đào xới” chuyện cũ. Để thấy rằng, “di sản” 1975 đến
giờ vẫn tiếp tục còn sau 45 năm. Chính sách triệt tiêu con người sau 1975 vẫn
tồn tại. Đó mới là điều cần nói.
Trong số “đối tượng”
hứng chịu sự trả thù vô lý và nghiệt ngã có những trí thức đỉnh cao mà trí tuệ
họ xứng đáng đại diện cho dân tộc Việt. Có lẽ không bao giờ có gương mặt nào
trong bộ chính trị hoặc nhân vật nào trong “nội các” hiện tại của cộng phỉ Hà
Nội có thể so sánh được với những bậc trí thức của VNCH về trình độ lẫn nhân
cách.
Điều đáng tiếc nhất là
một số trí thức này đã phải “trả giá” cho lòng yêu nước, chỉ bởi họ quá yêu
nước, khi họ chọn ở lại mà không đi nước ngoài sau 1975, với niềm tin ngây thơ
vào chế độ mới và với nhiệt tâm đóng góp tái thiết sau chiến tranh. Quê hương,
với họ, là nước nhà; là đất nước và mái nhà.
Sinh năm 1929 tại Cần
Thơ, giáo sư Phạm Hoàng Hộ có bằng Cử Nhân Khoa Học, Thủ Khoa Thực Vật Học,
Paris; bằng Cao Học Vạn Vật Học, Paris; bằng Thạc Sĩ/ Agrégé Vạn Vật Học; bằng
Tiến Sĩ Khoa Học/ Vạn Vật Học, Paris.
Giáo sư Hộ từng là
Giám Đốc Hải Học Viện Nha Trang; Khoa Trưởng Đại Học Sư Phạm Sài Gòn; Tổng
Trưởng Quốc Gia Giáo dục; Viện Trưởng sáng lập Viện Đại Học Cần Thơ… Ông cũng
là Hội Viên Hội Thực Vật Học Pháp; Hội Viện Hội Tảo Học Quốc Tế; Hội Viện Hội
Viện Trưởng Đại Học Quốc Tế; Cố Vấn Môi Sinh Uỷ Ban Quốc Tế Sông Mekong…
Giáo sư Hộ chính là
người vận động cho bằng được việc thành lập ngôi trường đại học đầu tiên ở miền
Tây vào giữa thập niên 1960. Đó là Viện Đại Học Cần Thơ, nơi canh nông trở
thành môn khoa học chính quy được đào tạo như một chuyên ngành đại học.
Sau 9 năm sống dưới
chế độ mới, giáo sư Hộ, từ khát vọng, trở nên thất vọng. Môi trường giáo dục bị
thay đổi hoàn toàn. Nó bị cào xé rách nát để thay bằng chiếc áo thô đính băng đỏ.
Ý nghĩa và triết lý giáo dục khai phóng bị vất xó.
Theo lời kể của bác sĩ
Ngô Thế Vinh, năm 1977, giáo sư Hộ phải học lớp chính trị 18 tháng về ”chủ
nghĩa xã hội khoa học”. Không chấp nhận chương trình giáo dục bị “đảng hóa”,
giáo sư Hộ phản đối quyết liệt.
Cuối cùng, năm 1984,
khi được Chính Phủ Pháp mời sang thỉnh giảng, giáo sư Hộ quyết định ở lại
Paris. Tại Pháp, ông vùi mình vào Viện Bảo Tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris
(thuộc hệ thống Đại Học Sorbonne), miệt mài làm việc suốt 6 năm, bổ túc cho công
trình Cây Cỏ Việt Nam của ông – một công trình đồ sộ có giá trị đến mức giới
thực vật học thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ.
Nhắc đến giáo sư Hộ,
không thể không nhắc đến giáo sư Nguyễn Duy Xuân. Không như giáo sư Hộ, giáo sư
Xuân có số phận cay nghiệt gấp nhiều lần. Từng được giáo sư Hộ mời về Viện Đại
Học Cần Thơ thay mình ở ghế viện trưởng, giáo sư Xuân tốt nghiệp tiến sĩ kinh
tế tại Đại Học Vanderbilt - Hoa Kỳ. Giáo sư Xuân cũng là vị Tổng Trưởng Bộ Văn
Hóa Giáo Dục cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.
Một bài báo trên Thanh
Niên (28/4/2015) nhắc lại: “Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, trước ngày 30/4/1975,
những người nào có chức sắc ở Viện Đại Học Cần Thơ đều được cấp một tấm giấy
coi như giấy thông hành để ra nước ngoài khi có biến cố. Với chức vụ tương đương
bộ trưởng, giáo sư Nguyễn Duy Xuân có thể ra nước ngoài bất cứ lúc nào nếu muốn
nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam”.
Không chỉ không được
trọng vọng, giáo sư Xuân còn bị tống đi tù, bị giam tại trại Hà Nam Ninh. Cuối
cùng, năm 1986, giáo sư Xuân bỏ mạng chốn thâm sơn cùng cốc. Nhắc lại điều này,
bác sĩ Ngô Thế Vinh không giấu được chua xót:
“Tôi không thể không
tự hỏi nếu không có 11 năm giam hãm đầy đọa độc ác và vô ích của những người
cộng sản thắng cuộc, nếu giáo sư Nguyễn Duy Xuân, một tiến sĩ kinh tế tài ba và
giàu lòng yêu nước, vẫn tiếp tục ở lại xây dựng Viện Đại Học Cần Thơ với nhịp
độ 1966/1975 thì không biết Viện Đại Học Cần Thơ và ĐBSCL sẽ phát triển và tiến
xa tới đâu”…
Sẽ phát triển và tiến
xa tới đâu, nếu Việt Nam sau 1975 trân trọng trí tuệ và tài năng của các trí
thức như giáo sư Phạm Hoàng Hộ, giáo sư Nguyễn Duy Xuân, giáo sư Lê Xuân Khoa,
cụ Bùi Diễm, bác sĩ Ngô Thế Vinh, giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, giáo sư Nguyễn Mạnh
Hùng, ông Đỗ Văn Thảo (cựu Phó Tổng Thanh Tra Ngân Hàng Quốc Gia; bị cộng sản
bắt đi tù lao động khổ sai), giáo sư Vũ Quốc Thông (Khoa Trưởng Đại Học Luật
Khoa Sài Gòn, cũng bị đi tù)…
Sẽ còn phát triển và
tiến xa tới đâu, nếu chế độ đang cai trị – luôn dễ bị “kích động” một cách thái
quá cái gọi là “tự hào dân tộc” – biết dùng hiền tài, để sự tự hào có phần đóng
góp của những trí thức đỉnh cao và trí thức đúng nghĩa?
Trí thức chân chính là
những người không chỉ “thể hiện” lòng yêu nước bằng ngôn từ. Họ là những người
không bao giờ ngưng bồn chồn lo lắng cho sự tụt hậu nước nhà cùng sự lấn át
ngoại bang.
Trong bài viết trên tờ
Một Thế Giới ngày 2/2/2017, tác giả Lê Học Lãnh Vân thuật lại tâm sự của giáo
sư Phạm Hoàng Hộ trong một lần gặp ông tại Pháp giữa thập niên 1980:
“Nhiều người Trung
Quốc từ đại lục và cả từ Đài Loan, Singapore đã đến tìm học các bộ sưu tập thực
vật Đông Dương của Pháp. Tôi không biết họ có chủ trương gì đó không. Tài
nguyên nước mình, mình phải biết. Mình không biết mà người ta biết thì người ta
xài hết của dân mình. Lãnh vực nào cũng vậy riết rồi người ta áp chế mình, ăn
trên ngồi trước còn mình cắm đầu dưới đất, tiếng là có độc lập mà còn thua hồi
thuộc Pháp!”
Cách đây 2 năm, khi
nghe giáo sư Lê Xuân Khoa vừa trải qua ca phẫu thuật ngặt nghèo, tôi đã vào
viện thăm. Ông nằm giữa đống dây nhợ gắn quanh gần như kín người. Không thể nói
vì miệng mũi còn vướng ống, ông ra hiệu cho cô con gái lấy tấm bảng. Ông viết,
chỉ một câu, nhưng nghe nặng trịch, mỗi chữ như một nhát búa: “Tôi lo mất nước
về tay Tàu rồi”. Và ông rươm rướm.
Nằm trên giường bệnh,
thập tử nhất sinh, ông chẳng nghĩ gì khác ngoài quê hương. Ông không lo gì khác
ngoài cái lo “mất nước”, về sự lệ thuộc gần như toàn diện của Việt Nam với
Trung Quốc. Bao nhiêu người trong hệ thống lãnh đạo Việt Nam hiện tại có thể bị
đánh thức lòng tự ti dân tộc bởi nhát búa lương tri của một vị trí thức gần 90
tuổi như giáo sư Lê Xuân Khoa?
Chưa ai thống kê cho
thấy hiện có bao nhiêu trí thức kiều bào vang danh nước ngoài nhưng không được
mời về hoặc họ không buồn về. Thậm chí có những người bị cấm về, dù hệ thống
tuyên truyền chế độ luôn ra rả về sự “trân trọng đón chào” trí thức hải ngoại.
Một số trí thức đã quyết định không về. Họ không tin và họ có đủ bằng chứng để
không tin nhà cầm quyền.
Khi những Nguyễn Quang
A, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Chu Hảo... còn là “thành phần phản động” thì
không ai còn ngây thơ để ngộ nhận sự “thành thật” của nhà cầm quyền đối với trí
thức. Hơn 45 năm sau 1975, chế độ cai trị vẫn tiếp tục chính sách “triệt người”,
“triệt” cả chính người của họ. Trí thức muốn đóng góp và xây dựng nhằm thay đổi
chính sách đã và sẽ không bao giờ có cơ hội.
Một trong những trí
thức mà khi tiếp xúc, tôi luôn nhìn thấy sự nhiệt tình dữ dội của ông dành cho
nước nhà. Nói chuyện với ông có cảm giác như đang ngồi trước một sinh viên tràn
đầy nhiệt huyết, dù ông đã gần 80 tuổi. Đó là bác sĩ Ngô Thế Vinh.
Ông là một trong những
người Việt Nam luôn nặng tình với miền Tây, với đồng bằng sông Cửu Long, một
cách bền bỉ, dù quê quán ông ở Hà Nội. Ông là tác giả quyển khảo cứu Cửu Long
cạn dòng, Biển Đông dậy sóng. Ông cũng là tác giả quyển Mekong, dòng sông nghẽn
mạch…
Việt Nam không chỉ có
dòng Mekong nghẽn mạch. Việt Nam đang bị nghẽn cả dòng trí tuệ của các bậc trí
thức minh tuệ-hùng tâm./.
Mạnh Kim
No comments:
Post a Comment