Hình minh họa
(Lời Tác Giả: Chúng ta thử trong một khoảnh khắc tưởng tưởng như
đang sống lùi lại thời gian hơn nửa thế kỷ trước để đi vào câu chuyện có thật về
một ngôi chùa trong Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung nằm ven đô thành phố
Sàigòn năm xưa. Kính dâng lên hương linh của Thầy Tâm, cố Hòa Thượng Thích Thiện
Chánh)
Ngôi chùa Thới Bình với bức tường gạch xây chung quanh, nhìn từ xa thì trông
như một cái am lớn dành cho những người muốn tìm một nơi chốn yên tịnh để quên
đi những phiền toái và trầm luân của cuộc đời. Khi vào bên trong sân để vãn cảnh
thì thấy chùa cũng khá rộng và khang trang, gần cuối sân có một cây đa cổ thụ với
tàng cây che phủ rợp cả một góc sân chùa nhưng hình như thiếu tay người chăm
sóc cho nên cỏ mọc đầy cả sân và tường thì loang lổ nhiều chỗ vì thấm nước mưa,
trong chánh điện thì một lớp bụi dầy phủ trên nền xi măng và nhện giăng mấy
góc.
Theo dân mấy thôn làng kế bên kể lại thì trước kia đây là một doanh trại của
lính Lê Dương thuộc quân đội Pháp trấn đóng để bảo vệ cửa ngõ vào thành phố
Sàigòn. Sau khi đại đội lính Lê Dương rút đi thì một thời gian sau người ta thấy
ngôi chùa được xây dựng lên với sự đóng góp tài vật của dân làng và những gia
đình mộ đạo Phật và bá tánh trong vùng lân cận và do lực lượng công binh của
Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đảm nhiệm phần kiến tạo.
Mấy năm trời sau khi khánh thành ngôi chùa nhưng vẫn chưa tìm ra được vị sư để
trụ trì vì thời gian đó luật quân dịch không chừa một ai và các chú tiểu hay
nhà sư đến tuổi vẫn phải thi hành nghĩa vụ quân sự và nhập ngũ.
Đại Đức Minh Tâm, pháp danh Thích thiện Chánh lúc đó 22 tuổi cũng nằm trong số
những vị sư được đưa vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để thụ huấn về quân sự.
Thầy đã qui y Tam Bảo từ thuở nhỏ lúc còn để chỏm và theo học đạo với Sư Ông từ
lúc thiếu thời tại chùa Châu Viên nằm dưới ngọn Núi Lớn thuộc vùng Thất Sơn, tỉnh
Châu Đốc.
Thất Sơn là vùng linh địa với bẩy ngọn núi và có lẽ là nơi quy tụ nhiều chùa
chiền nhất trong nước và cũng là nơi nổi tiếng về sự linh thiêng huyền bí. Thất
Sơn là nơi mà dân gian truyền tụng rằng Đức Phật Di Lặc là vị Phật Tương Lai sẽ
hiện thân xuống trong Hội Long Hoa và khi đó thì thế giới mới có hòa bình và hạnh
phúc thật sự mới đến với nhân loại.
Ước mơ của thầy là được xuất gia nương nhờ cửa Phật để theo chân Đức Phật Tổ,
nhưng quốc gia đang trong thời chinh chiến nên thầy đành tuân theo luật pháp, tạm
gác việc tu hành để làm tròn bổn phận của người dân.
Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung lúc đó là Thiếu Tá Trần Tử Oai
một hôm nằm mộng thấy một vị Bồ Tát hiện xuống với ánh sáng chói lòa mà ông
nghĩ rằng đó là Đức Phật Bà Quán Thế Âm. Ngài nói rằng trong tay Thiếu Tá đang
có một viên ngọc quí và hiếm, hãy cho người đó được trở lại cuộc sống tu hành
và cho về trụ trì ngôi chùa bỏ hoang kia thì sẽ được nhiều phước đức.
Buổi sáng khi thức dậy Thiếu Tá Oai vẫn còn ghi nhớ như in giấc mộng thần linh
tối hôm qua nhưng bán tín bán nghi nên bèn kêu viên sỹ quan phụ tá tìm xem thử
trong đám người mới nhập trại có ai tên là Minh Tâm hay không.
Sau khi được xác nhận là có một vị đại đức tên họ tục danh như vậy, ông bèn cho
kêu vào để gặp mặt. Khi thấy Đại Đức Minh Tâm với khuôn mặt hiền hòa và từ con
người của thầy như toát ra một cái gì thật là nhân hậu thì ông nổi giận và gọi
viên Trung Úy vừa thi hành xong nhiệm vụ đưa các tân binh vào Trung Tâm để thi
hành nghĩa vụ quân dịch và khiển trách viên sỹ quan này sao lại bắt một người
tu hành như vậy.
Đại Đức Tâm liền được thả ra khỏi trại lính và được đưa qua trụ trì chùa Thới
Bình để thầy từ nay sẽ lo vấn đề đạo pháp cho các tân binh và sỹ quan tại Trung
Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
Từ khi thầy về trụ trì thì ngôi chùa Thới Bình được tu sửa quét vôi lại và dân
làng chung quanh lại được nghe tiếng tung kinh gõ mõ và tiếng chuông chùa ngân
vang mỗi khi chiều xuống.
Chẳng bao lâu sau thì Chùa Thới Bình trở thành một ngôi chùa được nhiều thiện
nam tín nữ kể cả các tân binh quân dịch đến thăm viếng, nhất là những ngày Rằm
và Lễ Tết trong năm. Bên cạnh chánh điện là một căn phòng nhỏ được thiết trí
thành một nơi để thờ vong linh những người quá cố.
Dân làng bên và ngay cả một số gia đình từ Sàigòn cũng đem ảnh thân nhân quá
vãng của họ đến để tại chùa để mong thân nhân họ được nghe kinh kệ và sớm siêu
thoát.
Thế rồi trong Trung Tâm bỗng xôn xao vì một tin là nhiều tân bình quân dịch thường
hay bị quấy phá ban đêm khi đang say ngủ bởi những ma nữ dấu mặt.
Các tân binh thường vẫn ngủ chung với nhau trên những sạp bằng ván gỗ trong những
lán trại, nhiều người trong đêm bỗng giật mình thức giấc vì có những bàn tay lạnh
toát đang kéo giật chân mình hay đầu tóc họ hoặc phà hơi lạnh vào gáy của họ.
Gọi là ma nữ dấu mặt vì nhiều tân binh khi tỉnh dậy thì đều thấy giống nhau là
có hai bóng người nữ mảnh mai trắng toát đi lướt ngang qua nhưng không nhìn rõ
được mặt của họ.
Tin nầy loan truyền đến tai của vị chỉ huy trưởng trung tâm nhưng ông cho rằng
các tân binh ban ngày luyện tập nhiều quá và mỏi mệt nên đêm thường ngủ mộng mị
như vậy mà thôi chứ làm gì có ma quái nào. Có tân binh đem chuyện ma nữ nhát họ
qua kể cho thầy trụ trì chùa Thới Bình nghe và hỏi ý thầy thì thấy thầy nghe rất
là chăm chú và có vẻ trầm ngâm như đang suy nghĩ và đối chiếu một điều gì.
Sự việc đó lại xảy ra lần nữa nhưng không phải trong trung tâm mà ngay tại chùa
Thới Bình.
Một buổi tối lúc trời đã khuya rồi, và thầy Tâm đang cùng một chú tiểu nữa đang
ngồi trong chánh điện để tụng kinh niệm Phật thì thấy nghe như gió thoảng qua từ
phía cuối sân chỗ cây đa cổ thụ và cái giếng nước có tiếng ai đang than khóc thảm
thiết và tiếng những miếng gạch đá ném lên nóc chánh điện.
Thầy từ từ đứng dậy và khoác trên vai một miếng vải thô có dệt những sợi chỉ
ngũ sắc mầu lóng lánh và một tay cầm chiếc roi mây và tay kia lần chuỗi hạt bước
ra cửa và hướng về phía giếng nước.
Thầy thấy hai bóng trắng vừa vụt chạy như bay quanh miệng giếng và quanh cây đa
và vừa liệng mấy miếng gạch đá nghe loảng xoảng lên nóc chùa.
Thầy chợt quắc mắt lên và chỉ roi mây về phía hai bóng trắng:
-Các người có khôn hồn thì lại đây nghe ta dạy bảo, không được phá phách như vậy!
-Ta nói các người có nghe không? Các người ở đâu và cớ gì đến chùa phá phách?
Hai bóng trắng như khựng lại một lúc rồi vụt bay tới quỳ xuống dưới chân thầy
và gục đầu khóc nức nở.
- Chẳng hay các ngươi có điều gì oan ức nói cho ta nghe. Có phải các ngươi là
thủ phạm quậy phá giấc ngủ của các tân binh bên trung tâm hay không? Tại sao
các người dám lộng hành như vậy?
- Bạch thầy đúng là chúng con đã chọc phá họ nhưng vì chúng con bị giết quá ư
là tàn nhẫn và oan ức cho nên chúng con không siêu thoát được và cứ phiêu dạt
bao nhiêu năm nay cho nên mới tìm người quậy phá cho vơi đi niềm u uất trong
lòng.
- Hay kể cho ta nghe thì ta sẽ giúp cho còn nếu cứ khuấy động lên như vậy thì
chiếc roi này không tha cho hai ngươi đâu nghe chưa?
- Thưa thầy câu chuyện rất dài nhưng chúng con vì kính trọng đạo đức của thầy
nên xin nhờ thầy giúp cho sớm được siêu thoát nếu không chúng con sẽ không bao
giờ ra khỏi được nỗi khổ nhục nầy.
Nguyên chúng con là hai chị em trong thôn Hai của làng bên kia cánh đồng, cách
đây gần tám năm trước có việc phải đi ngang qua khu trại lính Lê Dương này vào
buổi chiều sắp tối thì bị bọn chúng bắt giữ vào trong trại và hãm hiếp hai chị
em con cho đến chết rồi ném xác xuống chiếc giếng kia và đổ gạch đá phủ kín giếng
nước từ đó.
Gia đình đã đi tìm kiếm khắp nơi và có xin vào cả trại này hỏi thăm nhưng đâu
ngờ xác con mình đang nằm dưới giếng sâu kia. Nỗi oan ức và nhục nhã này chúng
con cứ mỗi đêm gào thét mãi mà không sao vơi được.
- Hai người nữ tên họ là gì, con cái nhà ai và ở đâu? Nếu nói đúng, ta sẽ tìm
cách đưa về chùa và sẽ cầu siêu giải oan cho. Thật là oan nghiệt!
- Bạch thầy, chúng con ở nhà gọi là cô Hai và cô Ba, con ông bà N. V. Ng. trong
thôn Hai.
- Được rồi! Để mai ta sẽ nhờ người đào giếng xem sao đã.
Hai bóng trăng không còn than khóc nữa và vụt chạy như bay về phía giếng nước
và biến mất.
Sáng hôm sau, thầy Tâm bèn qua bên trung tâm và xin gặp vị chỉ huy trưởng để
trình bày sự việc và xin một số binh sĩ qua đào giếng để xem sự thật có đúng
như hai hồn ma nữ thuật lại hay không.
Chiếc giếng nước này khi thầy về trụ trì thầy thấy nó rất lạ với đường kính rộng
đến gần hai thước nhưng lại cạn khô và phủ đầy đất đá và gạch vụn lấp lên đến gần
một phần tư của chiều sâu của nó.
Một mặt thì thầy sai chú tiểu vào thôn Hai hỏi dò xem có gia đình nào họ tên
như vậy không. Buổi chiều hôm đó có hai ông bà dáng người khắc khổ, chống gậy
vào chùa và xin gặp thầy trụ trì.
Lúc đó toán lính đang đào bới đến đáy giếng thi lòi ra hai bộ xương người. Khi
đem hai bộ xương với những mảnh vải còn sót lại lên trên mặt đất thì hai ông bà
già từ thôn Hai đến đã nhận ra ngay là hai đứa con gái của mình đã mất tích tám
năm về trước.
Hai ông bà già nắm lấy tay thầy Tâm mà nước mắt tuôn rơi trên hai khuôn mặt mà
những khổ đau đã in hằn lên những vết nhăn của năm tháng.
Hai người con gái xấu số đó cuối cùng đã được yên nghỉ trong cái nghĩa trang nhỏ
bé của thôn Hai bên cạnh giòng suối có nước chảy róc rách ngày đêm.
Gia đình đã nhờ người vẽ lại chân dung hai người con và đem qua chùa nhờ thầy để
trong căn phòng nhỏ thờ vong để được nghe kinh kệ và sớm siêu thoát.
Từ đó trong trung tâm huấn luyện không còn cảnh ban đêm ma nữ chọc phá các tân
binh quân dịch nữa. Chùa Thới Bình nằm trong phạm vi của trung tâm và được các
tân binh theo đạo Phật thương yêu gọi là ngôi chùa của Trung Tâm.
Qua thập niên sáu mươi, nhờ công đức đóng góp của các Phật tử, thầy Thích Thiện
Chánh này là Thượng Toạ đã xây xong một ngôi chùa mới là chùa Thới Hòa nằm trên
đường Quang Trung, Quận Gò Vấp. Thầy rời chùa Thới Bình giao lại cho một vị sư
khác trụ trì và về trông coi ngôi chùa Thới Hòa cho đến sau tháng Tư năm 1975
khi Cộng Sản vào xâm chiếm Miền Nam thì thầy Tâm và các vị sư trong Nha Tuyên
Úy Phật Giáo thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị bắt đi cải tạo tập trung.
Thầy và thầy Thích Thành Long, quyền giám đốc nha Tuyển Úy, cùng các vị Đại Đức,
các Linh mục và Mục sư khác được thả ra khỏi trại Ba Sao, Nam Hà, tỉnh Hà Nam
Ninh sau mười ba năm giam giữ.
Khi trở về chùa Thới Hòa thì ngôi chùa này đã tan hoang chỉ còn cái xác chùa.
Thầy ra sức tu sửa lại và từ chối ra đi theo chương trình Nhân Đạo của Hoa Kỳ
(HO: Humanitarian Operation) để ở lại với ngôi chùa thân yêu của mình cũng giống
như tháng Tư năm 1975, thầy đã từ chối rời bỏ Sài gòn để qua Hoa Kỳ theo chương
trình di tản của sứ quán Mỹ.
Ngôi chùa Thới Hòa đã được trùng tu trở lại và bắt đầu có đông đảo các Phật tử
đến thăm viếng như xưa sau năm năm thầy trở về nhưng đó cũng chính là lúc mà thầy
viên tịch, rời bỏ chốn hồng trần này để trở về với cõi vĩnh hằng.
*Nguồn : Phamgiadai.blogspot
https://www.aihuubienhoa.com/p122a4089/7/ngoi-chua-bo-hoang-but-ky-cua-pham-gia-dai
No comments:
Post a Comment