Sunday, February 22, 2015

Từ Chính Lược Đến Chiến Thuật - Nguyễn Đạt Thịnh

Tổng Thống Barack Obama gặp Quốc Vương Abdullah Đệ Nhị của Jordan tại Tòa Bạch Ốc trong tháng 12 năm qua. Cả hai vị lãnh đạo đang gia tăng nỗ lực đánh quân Hồi Quốc Giáo IS tại Iraq và Syria để mang lại an ninh cho các quốc gia lân cận và vùng Trung Đông. (Getty Images)

Từ chính lược đến chiến thuật là con đường đi xuống, chính lược là cấp chỉ huy cao nhất trong chiến tranh, dưới chính lược là chiến lược, rồi đến chiến thuật, thấp nhất là cấp chỉ huy chiến trường.

Trong Thế Chiến Thứ Nhì (TCTN), trung tướng George Smith Patton, Jr., chỉ huy Lộ Quân thứ 7 -quân số trên 300,000 người- đổ bộ vào Sicily, là biểu tượng cho một vị chỉ huy chiến trường; trên Patton một cấp là đại tướng Dwight David "Ike" Eisenhower, tư lệnh mặt trận Âu Châu, thống lãnh lực lượng đồng minh tấn công quân Đức Quốc Xã. Eisenhower là cấp chỉ huy chiến thuật, ông ấn định thời điểm, phương thức, quân số và hỏa lực cần sử dụng để vượt biển Manche tấn công Hitler.

Ngang cấp với Eisenhower là đại tướng Douglas MacArthur, vị chỉ huy chiến thuật mang trọng trách đánh thắng quân Nhật trên mặt trận Á Châu.

Người chịu trách nhiệm chiến lược và chính lược toàn bộ cuộc TCTN là tổng thống Franklin D. Roosevelt, tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ. Với tư cách một chính lược gia ông quyết định đẩy cánh quân Mỹ tiến vào Bá Linh trước, trong lúc trì hoãn việc tiếp tế cho cánh quân Nga, khiến quân Nga đến Bá Linh sau quân Mỹ; quyết định đó là chiến lược dành ưu tiên chiến thắng Đức Quốc Xã cho quân đội Mỹ, và cũng là chính lược đối phó với Nga những năm sau này; năm đó -1945- Nga còn là đồng minh của Mỹ, nhưng chính lược gia Roosevelt đã nhìn thấy thái độ của Nga -sẽ thù nghịch và đối đầu với Mỹ- ngay sau khi đồng minh thắng Đức.


Roosevelt từ trần ngày 4/12/1945, trách nhiệm tổng tư lệnh chuyển qua ông Harry S. Truman, vị tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ. Quyết định chiến lược của tổng tư lệnh Truman là thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Okinawa ngày 8/6/1945, để tránh một cuộc đổ bộ khó khăn và nhiều tổn thất cho quân đội Mỹ.

Từ ngày lập quốc cho đến hôm thứ Tư 11 tháng Hai, 2015, trách nhiệm chiến tranh của vị đương kim tổng thống Hoa Kỳ luôn luôn nằm trên địa hạt chiến lược và chính lược. Thay đổi xảy ra ngày hôm đó là Tổng Thống Obama bước xuống địa hạt chiến thuật và đi thẳng vào chiến trường, ấn định từng chi tiết giao tranh; ông yêu cầu Quốc Hội ủy quyền cho ông giải quyết cuộc chiến tranh chống lực lượng Hồi Giáo IS bằng bộ binh, tấn công địch với chiến thuật biệt kích, phối hợp với hỏa lực không quân -những cuộc giao tranh nhỏ hơn cấp tiểu đoàn mà chính tướng Patton, vị chỉ huy chiến trường năm 1944 cũng không quan tâm quá đáng.

Ký giả Peter Baker nhận xét, "Việc ông Obama làm là việc chưa một vị tiền nhiệm nào của ông làm: ông xin Quốc Hội giới hạn khả năng gây chiến của vị tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ với một kẻ thù ở quốc ngoại. Ông còn xin Quốc Hội giới hạn cuộc chiến ông đang giao tranh (dù chưa được Quốc Hội cho phép) với lực lượng IS vào một khoảng thời gian ba năm, giới hạn giao tranh vào những đơn vị nhỏ, đánh ngắn hạn, và đánh bằng chiến thuật biệt kích để thực hiện hai công tác, một là giải cứu, và hai là bắt hay giết một lãnh tụ IS.

Vài quan sát viên cho là Obama chỉ cần xin Quốc Hội cho phép ông tuyên chiến với IS, còn giao tranh cách nào, trong bao lâu là thẩm quyền tổng tư lệnh của ông. Có người lại cho là ông không muốn để chiến tranh bị mở rộng sau ngày ông mãn nhiệm kỳ tổng thống. Dĩ nhiên tất cả những điều đó chỉ là phỏng đoán.

Tuy tự giới hạn, và giới hạn quyền lực chiến tranh của những vị tổng tư lệnh tiếp nối sau ông, nhưng Obama vẫn còn để ngỏ một lối thoát rất lớn: ông không xin hủy bỏ đạo luật 2001 cho phép tổng thống Hoa Kỳ -lúc đó là ông Bush con- nhân danh chiến tranh chống khủng bố, tấn công quân sự tổ chức Al Qaeda và tấn công những lực lượng liên hệ.

Điều Obama xin là Quốc Hội hãy Ủy Quyền Sử Dụng Quân Lực (Authorization for Use of Military Force-AUMF) cho ông, để đối phó với tổ chức IS đang tung hoành trên lãnh thổ Iraq và Syria, giết hại nhiều con tin bị chúng bắt giữ. Ông đã dùng hỏa lực không quân tấn công IS từ tháng Tám năm ngoái, với quyền lực của một vị tổng thống tổng tư lệnh và với hai nghị quyết AUMF 2001, AUMF 2002 ủy thác cho tổng thống Bush con và những vị tổng thống kế tiếp.

Obama nói, "Mặc dù tôi vẫn có quyền sử dụng quân lực để đối phó với khủng bố, nhưng nghị quyết ban hành một AUMF sẽ khiến thế giới nhìn thấy quyết tâm của người Mỹ chống IS.”

Truyền thông ghi nhận ba đặc điểm trong đề nghị của Obama:
Đặc điểm thứ nhất là ông tự cấm đoán không biến cuộc tấn công IS thành một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông mà quân Mỹ phải tham chiến; cấm đoán bằng cách không được sử dụng bộ binh vào những cuộc "hành quân tấn công kéo dài."

Những cuộc đột kích thực hiện theo kiểu đưa biệt kích nhảy vào Abbottabad, Pakistan, giết Osama bin Laden tối mùng 2 tháng 
Năm, 2011, có thể thành công, hay thất bại, nhưng không thể gây ra cảnh sa lầy cho quân đội Hoa Kỳ, như những cuộc "hành quân tấn công kéo dài," tiến chiếm lãnh thổ A Phú Hãn hoặc Iraq.
Đặc điểm thứ nhì là quyết định AUMF của Quốc Hội lần này có giới hạn thời gian: 3 năm. Nếu sau 3 năm mà vẫn chưa dẹp xong IS, vị tổng thống kế vị Obama lại phải xin Quốc Hội ban hành thêm một quyết định ủy quyền khác.

Đặc điểm thứ ba là quyền sử dụng quân đội của Obama bị giới hạn vào lãnh thổ 2 quốc gia Iraq và Syria, chứ không mông lung như nghị quyết AUMF 2001, khiến chính quyền Bush có thể hành quân tại nhiều quốc gia như Afghanistan, Phillipines, Georgia, Yemen, Djibouti, Kenya, Ethiopia, Eritrea, Iraq và Somalia.
Phản ứng của Quốc Hội cũng khá phức tạp; cô Athena Jones của CNN phỏng vấn nhiều nghị sĩ, dân biểu, các chính khách Cộng Hòa cho là ông Obama tự trói tay, và trói những vị tổng thống sau ông, quá chặt, chặt đến mức khó đối phó với nhiều hình thái biến đổi của chiến trường.

Chủ tịch Hạ Viện John Boehner, và thủ lãnh nhóm dân biểu đa số Kevin McCarthy đòi nới rộng quyền chiến tranh của tổng thống. Nghị Sĩ Lindsey Graham (CH -S.C.) tuyên bố, "Tôi chủ trương không ai có quyền gây trở ngại cho những nỗ lực chiến tranh; mà ban hành một AUMF giới hạn cơ may chiến thắng IS chính là hành động gây trở ngại cho chiến tranh."

Nhiều chính khách thắc mắc về những giới hạn sử dụng bộ binh tấn công IS, mặc dù Tổng Thống Obama đã trình bày là ông không muốn đưa quân đội Mỹ vào một trận chiến tranh khác nữa tại Trung Đông.
Nghị Sĩ Bob Corker (CH-Tenn.), chủ tịch tiểu ban Liên Hệ Ngoại Giao cho biết trong vòng hai tuần nữa ông sẽ tổ chức một buổi điều trần đòi tổng tham mưu trưởng Martin Dempsey trình bày về chiến thuật chống IS của Hoa Kỳ.

Trong chương trình "Morning Joe" của đài MSNBC, Corker nói, "Tôi nghĩ là mọi người đều nhìn thấy tầm quan trọng của cuộc chiến tranh chống quân khủng bố IS. Các nghị sĩ, dân biểu cũng ý thức được tầm quan trọng của lá phiếu họ biểu quyết. Chúng ta sẽ rất thận trọng thảo luận việc ủy quyền cho tổng thống thực hiện và chiến thắng cuộc chiến tranh này."

Khác biệt đầu tiên giữa hành pháp Dân Chủ và quốc hội Cộng Hòa là tầm vóc chiến tranh; Obama muốn bóp nhỏ cuộc chiến chống IS vào tầm vóc của một chiến dịch; việc ông không dùng bộ binh để tấn công dài hạn quân IS mang hai mục đích: một là để tránh Mỹ hóa chiến tranh sau nhiều nỗ lực để hoàn trả trách nhiệm quốc phòng lại cho hai quốc gia A Phú Hãn và Iraq; và hai là để tiết kiệm sinh mạng của binh sĩ Hoa Kỳ.

Hơn nữa, hình thức Mỹ tấn công bằng không lực trong sáu tháng vừa rồi khiến quân IS không còn khả năng hoạt động tập trung được nữa, mà phải phân tán thành từng toán nhỏ, thuận lợi cho chiến thuật biệt kích để giải cứu con tin và sát hại bọn lãnh tụ IS.
Đó là lý do Obama không chủ trương sử dụng bộ binh tấn công quân IS dài ngày; ông muốn dùng drones, dùng biệt kích đánh vỡ hệ thống đầu não của IS, như ông đã thành công trong việc đánh vỡ hệ thống đầu não của Al-Qaeda.

Từ vị trí chính lược, chỉ huy đạo quân hùng mạnh nhất thế giới, Obama đang quyết định những cuộc hành quân nhỏ -có thể nhỏ đến cấp trung đội 36 người lính biệt kích- nhưng đó là chiến thuật đúng để thắng cuộc chiến chống IS.
Với uy tín của vị tổng tư lệnh đã từng chiến thắng lớn nhất từ 70 năm nay, và với thành tích đánh tan tổ chức khủng bố Al Qaeda, đề nghị AUMF của ông sẽ được chấp thuận, dù Quốc Hội có nhiều chống đối. (nđt)


Nguyễn Đạt Thịnh
Nguồn: ViendongDaily

No comments:

Post a Comment