Cũng như vài gia đình khác, gia đình anh được đưa đến định cư tại
Thụy Điển sau khi được tàu nước nầy cứu vớt, trong lúc chiếc thuyền con vượt
biên đang chết máy và lênh đênh trên biển cả nhiều ngày.
Những ngày mới đến, vợ chồng và 2 đứa con sống rất hạnh phúc, nhờ
nhận được những giúp đỡ ban đầu của chính quyền và người dân bản xứ. Dần dà thì
cuộc sống cũng tạm đi vào ổn định.
Thời gian trôi nhanh, hai đứa con cũng đã trưởng thành và có gia
đình riêng tư. Nhưng công việc sinh nhai thì cũng chỉ tàm tạm chứ không mấy khá
giả cho lắm, nên chẳng giúp gì cho anh chị.
Anh có đi làm một thời gian nhưng sức khỏe đã hạn chế công việc,
cho nên lúc sau nầy anh đành phải nằm nhà. Có lẽ sự eo hẹp về tài chánh là nguyên
nhân thầm kín đã dẫn đến sự đổ vỡ của vợ chồng anh, trong độ tuổi ngũ tuần!?
Tiền bạc không nhiều nhưng lại nằm trong tầm kiểm soát của người vợ. Nhất cử
nhất động anh đều phải báo cáo mọi chi phí tài chánh. Cuộc sống của anh bị lệ
thuộc hoàn toàn vào người vợ của mình. Anh buồn lắm, cho dù nhiều lần chị đã cố
giải thích cho anh hiểu:
- Cần phải biết
tém khéo mới lo được cho đời sống. Vợ giữ tiền là giữ cho gia đình, chồng mà
nắm tiền thì có ngày lại cho người ngoài ăn đấy.
Nghe vậy, nhưng anh không hiểu là chị muốn nói cái gì? Cho người
ngoài là ai, đôi lúc anh cũng muốn gởi chút quà tết về cho mấy đứa cháu rất
nghèo, còn bỏ lại bên VN mà anh không dám hỏi vợ.
Nói phải tội, có nhiều khi anh nghi rằng, vợ mình đã lén gởi tiền
giúp cho bà con bên ngoại của các con anh. Nhưng không có bằng chứng gì cho nên
anh chỉ biết ôm lấy một nỗi buồn!
Sự đổ vở kiểu nửa vời. Hai người vẫn sống chung trong một căn hộ
để bớt tiền thuê nhà, cũng như giảm bớt tiền điện.. những thứ mà họ có thể dùng
chung và chia sẻ với nhau. Ngoài mấy thứ ấy ra, thì cả hai, mạnh ai nấy giữ
những gì mà mình đang có, chẳng chịu chia sẻ hay là cho người kia được dùng,
mặc dù thật sự có cần đến.
Thời gian cũng trở nên thừa thãi với anh. Anh bèn dành hết thì
giờ lướt mạng, để tìm người tán gẫu cho vơi đi thời gian và nỗi buồn. Thế rồi
một hôm anh gặp được người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, một người
phụ nữ đang sống cách anh nửa vòng trái đất. Chị nầy đã ly dị chồng cách đó
không lâu, sau khi biết được chồng mình ôm tiền về VN làm ăn và “rước cầm mới lên
thuyền cũ”.
Hai người nói rõ hoàn cảnh gia đình cho nhau nghe.. có lẽ tìm được
sự cảm thông, cho nên tình cảm đã dần lớn thêm nhiều hơn, giữa hai người.
Chị hẹn gặp anh tại quê nhà. Anh thú thật là không đủ tiền mua vé
máy bay. Chị mua vé trên mạng và gởi mã số code cho anh. Căn dặn là đến ngày
giờ G.. cứ ra phi trường Z, tới quầy check- in của hãng hàng không XY, nói
số code là mọi thủ tục lên máy bay sẽ được tiến hành.
Anh sắp xếp hành lý, nhưng trong túi lại trống trơn khiến anh lo
lắng. Anh gọi người chị gái đang định cư tại Úc mượn đỡ vài ngàn dằn túi. Tình
trạng tài chánh bị cô lập của đứa em đã được báo cáo từ lâu nên người chị cũng
cảm thông đứa em trai của mình.
Chị gởi hai ngàn dollars, chuyển thẳng về người bạn tại Sài Gòn và
nhắn anh về đến đó mà lấy.
Mang cái túi hành lý nhỏ, nói với vợ con là anh cần về thăm nhà vì
có việc gấp.
Chị và các con cũng đã quen cái cảnh “có anh cũng như không” trong cái căn nhà
nầy từ lâu cho nên cũng chẳng có ý kiến đồng tình hay ngăn cản gì cả.
Không nghe ai hỏi:
- Bên nhà có
chuyện gì gấp, có ai ốm, ai đau hay là có ai hấp hối mà lại phải về gấp như
vậy!?
- Có cần một
ít tiền đi đường hay không!?
Thái độ dửng dưng, lạnh nhạt của vợ con đã làm nhẹ đi cảm giác tội
lỗi. Vì anh đã nghĩ rằng, chừng tuổi nầy mà lại bỏ bê gia đình để đi tìm một
người tình trên thế giới ảo, trên mạng. Cảm giác ấy đã ray rức anh rất nhiều,
trước đó không lâu!
Về đến VN, hai người găp nhau. Mối tình trong thế giới thật đã
tiến rất nhanh, nhanh hơn cả cái mối tình khi còn ở trong cái thế giới ảo suốt
mấy tháng vừa qua. Có lẽ, những nỗi buồn của từng người đã kéo họ lại gần nhau
hơn.
Anh theo chị về Mỹ, phụ chị trong một cái thương vụ nhỏ. Nhờ thế cũng tạm đủ
sống và anh cảm thấy thật vui vì không bị lệ thuộc cũng như không còn bị “phong
tỏa tài chánh” như trước kia nữa.
Nhờ có tiền, hai năm sau anh quyết định quay về thăm lại người
thân, nhìn lại xứ nẫu, nơi mà anh được sinh ra và lớn lên với nhiều kỷ niệm gắn
bó trong khu nhà nghèo, nhưng rất thân thiện.
Niềm vui nào cũng qua mau. Hết thời hạn thăm quê anh tính quay về
Thụy Điển, hoàn tất giấy tờ ly dị và sẽ bay qua Mỹ để sống trọn khoảng đời còn
lại với người yêu.
Bất hạnh thay, anh bị tai biến mạch máu não, gục ngã trong phòng
tắm. Rất lâu sau đó, mấy đứa con mới phát giác và đưa anh vào bệnh viện. Nhưng
đã trễ!?
Anh chỉ còn sống thực vật và bác sĩ cần gia đình cho quyết định để
rút ống dưỡng khí.
Mặc dù người chị của anh tại Úc cũng như người tình bên Mỹ, đã xin cho anh được
sống thêm một thời gian nhằm hoàn tất thủ tục mang “tro” của anh về Mỹ, với
người tình mới.
Nhưng bà vợ cũ và các con đã đưa ra quyết định thật sớm, không
chần chờ mặc dù đã có lời yêu cầu khẩn thiết từ người nhà và người tình của
anh!
Cuối cùng, thân xác anh đã vĩnh viễn nằm lại cái vùng đất mà anh
đã từng chạy trốn.
Chẳng có ai biết, bây giờ linh hồn anh đang ở chốn nào!??
2. SỐNG ĐỂ TRẢ NGHIỆP!?
Gia đình anh chị định cư tại Úc cũng khá lâu. Nhờ vào tính chuyên
cần và chịu khổ chịu khó cho nên công việc kinh doanh của anh chị cũng khá
thành công. Các cháu thì học hành lại giỏi và tạo được những thành quả tốt đẹp.
Nhờ thế mà hầu hết mọi người biết đến, đều truyền tụng rằng, gia đình của anh chị
quả là một gia đình kiểu mẫu trong số những gia đình người Việt tỵ nạn, tại
đây.
Anh chị rất vui vì những lời khen ngợi không ngớt ấy.
Chị mừng, vì có được một người chồng năng nổ, hoạt bát và biết lo cho con cái, biết
yêu thương vợ mình.
Ngoài công việc ra, anh không bao giờ la cà với bạn bè, không thuốc lá, không rượu
bia... Tiền bạc làm ra thì anh cũng không cần để ý đến, kiếm được bao nhiêu là
đưa cho vợ cất. Anh thường nói đùa với vợ:
- Giữ tiền làm chi
cho thêm phiền, tiêu mà quên báo cáo thì lại khổ thân tôi!?
Dưới cặp mắt của chị, anh quả thật là một người đàn ông đáng tin
và rất có uy tín. Nhiều lần chị đã đề nghị với anh là, cùng về thăm lại quê
hương sau nhiều năm xa cách. Anh thường gạt ngang:
- Em cần thăm nhà
thì cứ đi một mình cũng được. Anh có đi thì cũng chẳng ích gì mà lại còn bỏ bê
công ăn việc làm nữa. Chỉ sợ em buồn khi thiếu anh vậy thôi, nếu thế thì anh
đành xin lỗi, em nhé!
Lần nào cũng vậy, anh luôn từ chối cái cơ hội mà rất nhiều người
trong độ tuổi như anh, mãi ước ao có được! Chính vì thế mà chị rất yên tâm!?
Một vài người bạn đã kể cho chị nghe những mẫu chuyện đổ vỡ gia đình trong độ tuổi
ngũ tuần, xảy ra nhan nhản lúc gần đây. Nhất là mấy ông cứ nại cớ là về thăm bố
mẹ bệnh nặng, làm mộ cho song thân.., nhưng thật tình là đang bị dính bùa bên
ấy!
Những lúc gần đây, các con đã ra riêng. Công việc làm ăn cũng khá
ổn định. Chị cũng muốn nghỉ ngơi chút ít, bởi sức khỏe của chị không còn được
như xưa. Chứng đau lưng kinh niên cứ hành hạ như tra tấn chị hằng đêm, nhất là
vào những ngày của mùa đông.
Về Việt Nam để tránh cái lạnh ở Úc, đã giúp giảm nhẹ cái đau của chứng thần kinh
tọa. Chứng bịnh mà bác sĩ đã nói với chị rằng, không có cách nào chữa dứt.
Vả lại, cuộc sống tại Việt Nam đã cho chị chút ít niềm vui. Vui với người thân,
với bạn bè xưa cũ.. Tất cả, đã khiến chị dành nhiều thì giờ bên đó hơn là tại
Úc.
Không có gì để chị phải lo vì chồng chị cũng chẳng than phiền. Chị
thầm cám tạ ơn trên đã cho chị một người chồng tốt, với một gia đình rất hạnh
phúc.
Nhưng chị đâu có ngờ...
Khoảng thời gian chị về thăm Việt Nam. Một lần anh ghé lại tiệm
bán thức ăn nhanh, gặp một cô gái đang đứng xếp hàng trước mình, chờ đến lượt
order. Cái hàng dài chờ đợi ấy đã giúp cho họ có dịp để trao đổi, chỉ là những
lời hỏi thăm có tính xã giao.
Rồi họ cùng ngồi vào bàn ăn và lắm chuyện được mang ra bàn tán, về đời sống tại
Việt Nam bây giờ và những khó khăn gặp phải tại xứ người, coi bộ hai người “tâm
đầu ý hợp”lắm.
Qua mấy câu chuyện ấy, anh biết được rằng cô là một du học sinh đến từ Việt
Nam, không có thân nhân và đang gặp nhiều khó khăn về tài chánh.
Họ trao cho nhau số điện thoại và hẹn cơ hội được gặp lại.
Thời gian và hoàn cảnh cô đơn đã giúp cho cả hai xích lại gần nhau thật nhanh chóng,
như để làm giảm bớt cái lạnh trong lòng cũng như xua tan khí lạnh ngoài trời,
trong những ngày của mùa đông xứ Úc.
Không hề nghi ngờ gì về sự thay đổi của chồng mình, cho đến khi
chị phát giác ra được, người chồng mà chị luôn tin tưởng đã mượn một số
tiền khá lớn từ ngân hàng, qua việc thế chấp một trong những bất động sản mà
anh đang đứng tên làm chủ.
Kể từ đó, chiến tranh đã bùng nổ, ngay trong căn nhà mà trước kia
luôn tĩnh lặng. Anh đòi ly dị, chia tài sản nhưng chị và các con chưa dứt
khoát.
Cuộc sống gia đình đã trải qua một khúc quanh đầy nỗi khổ niềm
đau. Chị và các con đã khóc thật nhiều nhưng anh đã quyết định cho mình một ngã
rẽ..
Anh theo về Việt Nam với người yêu mới. Bỏ một số tiền lớn, xây tổ
ấm uyên ương cho cả hai và anh đã hứa là sẽ hoàn tất thủ tục ly hôn để cùng
nhau vui hưởng hạnh phúc, trong khoảng đời còn lại.
Anh quay về Úc để hoàn tất ý nguyện đó. Vài hôm sau, nhận được
điện thoại của người bạn cũ, người mà anh vừa gặp lại trong lần về mới đây.
Người bạn tri kỷ đã được anh mời đến dự buổi tiệc khánh thành cái tổ ấm, cũng
như ra mắt người vợ trẻ của mình.
Người bạn gọi anh về lại Việt Nam gấp, vì có vài chuyện cần bàn.
Gặn hỏi mãi thì được cho biết, người vợ mới của anh vừa đưa một người đàn ông
khác về sống ngay trong cái căn nhà của anh, mới bỏ tiền ra xây.
Bán tín bán nghi, anh mua vé ngay và hôm sau bay thẳng về Sài Gòn.
Anh tính tìm gặp thằng bạn nhưng quá nóng lòng, nên thôi. Đi thẳng về tổ ấm, mở
cửa vào nhà (vì anh cũng giữ chìa khóa riêng, có lẽ cô người tình đã không nghĩ
là anh sẽ trở lại sớm, nên lơ đãng?).
Nghe tiếng cười khúc khích trong phòng ngủ, anh đẩy mạnh cánh cửa
khép hờ và nhìn thấy một cảnh tượng, khiến máu trong người anh như sôi sục.
Anh hét toáng lên, đập phá mấy thứ đang ở trong tầm tay mình. Như chưa hả giận,
anh vớ lấy cái bình bông gần đó tiến nhanh lại người thanh niên xa lạ, đang cố
mặc lại quần áo.
Xung đột bắt đầu, hai người trao nhau những cú đấm. Nhưng chắc
chắn là, sức anh không hơn được cái sức đang trong độ tuổi thanh niên kia. Anh
bị dồn ra khỏi cánh cửa, lối ra hành lang. Rồi bất ngờ, anh hứng trọn cái xô
đẩy rất mạnh của người thanh niên, khiến anh rơi từ tầng một xuống đất.
Nhằm lúc đó, người bạn của anh đang đi ngang qua (như để theo dõi,
giống mọi lần) phát hiện sự việc. Người bạn kêu xe chở anh vào bệnh viện để
chẩn đoán và điều trị những tổn thương. Anh được cho biết là chỉ gãy một cánh
tay mặt và cần băng bột. Vài vết trầy khác không có gì đáng quan tâm, anh được
cho xuất viện cùng ngày.
Hôm sau, theo lời khuyên của người bạn anh đã trở về lại Úc. Anh tính sẽ nhờ
luật sư mang sự vụ ra tòa xét xử.
Vài ngày sau, bổng dưng cơn nhức đầu bộc phát đột ngột xảy đến với
anh. Vợ anh không có nhà, anh gọi điện thoại nhờ con đưa anh đến gặp bác sĩ vì
tay đang bó bột, cho nên anh không tự lái xe được như mọi khi.
Mấy đứa con cho biết là đang bận, hẹn chiều sẽ về. Nhắc ba nó lấy đỡ hai viên panadol
mà uống cho vơi bớt cơn đau. Anh đoán có lẽ chúng nó giận mà không thèm về sớm,
chứ chẳng phải bận rộn chuyện chi!?
Anh đi dần vào hôn mê.
Chiều đến, đứa con gái trở về thấy bố mình nằm yên, sóng sượt trên
nền nhà. Vội vàng gọi xe cứu thương và được chở thẳng vào một bệnh viện gần
nhất. Được chẩn đoán, anh bị chấn thương sọ não, máu tụ nhiều và đã để quá trễ
cho nên phần não chết không thể phục hồi.
Anh đã được cứu sống, nhưng chỉ là “sống thực vật” mà thôi!.
Bác sĩ xin ý của vợ anh (vì vẫn còn là vợ chính thức) cùng các con, để quyết định
rút ống thở, cho anh được ra đi trong bình yên.
Nhưng bà vợ đã quyết định, hãy cho anh phải sống:
- Sống để trả
nghiệp và làm gương cho người đời!?
Mấy đứa con cũng không dám đưa ra quyết định nào khác. Có lẽ chúng
nghĩ, mẹ mình có lý!?
Ngày cuối đông 2011
Đinh Tấn Khương
Lời người viết: Hai câu
chuyện trên là không thật, nếu có sự trùng hợp xin đừng ngộ nhận, đa tạ
No comments:
Post a Comment