Wednesday, May 20, 2015

Đừng Đùa Bằng Những Câu Nói Đùa...


Đồng cảm với chị nhưng tôi cũng không có được lời khuyên gì bổ ích. Tôi chỉ muốn kể cho chị nghe câu chuyện có thật nơi tôi ở. Người mẹ ấy cũng đã có lúc rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, đau khổ như chị nhưng bằng lòng yêu con vô bờ bến, bằng sự kiên trì không mệt mỏi, phép mầu đã xuất hiện khi con trai chị đã vượt qua căn bệnh trầm cảm, trở thành người bình thường và học hành đỗ đạt.

Vợ chồng chị sinh được hai cậu con trai cách nhau năm năm. Con trai đầu trắng trẻo, trông đẹp trai, lanh lợi. Cậu em sau có làn da ngăm ngăm và trầm tính hơn. Ngay từ khi còn nhỏ, anh chị thường đùa đứa con thứ hai là con nuôi. Mỗi lần bồng và nựng con, chị thường nói: “Mẹ đâu phải mẹ ruột của em đâu, mẹ lượm em ở ngoài đường đó”. Dù đang bập bẹ nói, cu cậu cũng cố cãi: “Hổng chịu đâu, em là con mẹ mừ...”. “Con mẹ phải ngoan chứ, ngoan như anh N. đó”...
Và cứ thế, hằng ngày vợ chồng chị thường xuyên đùa với con, đôi lúc mang anh trai ra so sánh. Thi thoảng có ai đó vô tình nhận xét: “Hai anh em mà chẳng giống nhau. Đứa trắng trẻo, đứa trông đen sì”.

Lớn lên một chút, có lần T. hỏi: “Con là con nuôi thật hả mẹ? Ba mẹ con là ai?”. Nghe con hỏi, chị lại cười nói: “Ba mẹ con là ông bà ăn mày ngoài đường đó”. T. không nói gì nhưng ngày càng lầm lì và ít nói cười hẳn. Mặc dù chị cũng nhận ra sự thay đổi khác thường của con nhưng cứ tưởng con học nhiều nên tâm trạng mệt mỏi. Trừ những lúc đi học, về nhà T. vào phòng đóng chặt cửa và ở lì trong đó. Chị cứ ngỡ con học bài nên mặc kệ. Nhiều khi đến bữa ăn, gọi mãi con mới chịu ra ăn một tí rồi lặng lẽ vào phòng ngay.
Một thời gian sau, chị nhận được điện thoại của cô chủ nhiệm trao đổi về việc T. học hành sa sút và thường xuyên nghỉ học không lý do. Chị không thể tin vì suốt chín năm T. luôn là học sinh giỏi, ngoan ngoãn. Chị hỏi con nhưng nó chẳng nói lời nào. Chị tức giận mắng chửi, thậm chí đánh vài roi nó cũng lặng thinh, cho đến một lần nó buột ra câu nói: “Con đâu phải là con ba mẹ, mẹ chẳng cần phải lo cho con làm gì”. Chị bất ngờ và sửng sốt.

Mỗi lần bồng và nựng con, chị thường nói: “Mẹ đâu phải mẹ ruột của em đâu, mẹ lượm em ở ngoài đường đó”

Dạo này, chiều chiều cứ thấy con ra khỏi nhà, chị theo dõi thấy nó vào trại trẻ mồ côi gần đó và ở lì tới khuya mới về nhà. Qua tìm hiểu, chị biết con thường ngồi chuyện trò với một cô bé hơn nó vài tuổi. Hôm sau, chị lén con tiếp cận cô bé và đã được nghe cô bé kể lại tất cả những điều con tâm sự. Lúc này chị mới biết những lời nói đùa, trêu chọc con của anh chị đã làm tổn thương con thế nào. Nó vô cùng cô đơn và đau khổ khi nghĩ mình chỉ là đứa trẻ bị bỏ rơi. Cô bé mồ côi còn nói: “T. nói sẽ nghỉ học và sang đây ở vì không muốn ở lại ngôi nhà vốn không phải của mình”.


Nghe chuyện, chị về nói chuyện với con và đưa ra những bằng chứng để chứng minh T. là con đẻ nhưng con tỏ ra không quan tâm gì. T. đã nghỉ học luôn và nằm lì trong phòng, không nghe ai nói, không tiếp xúc với ai... Nhìn con ngày một hốc hác, tiều tụy, gia đình chị vô cùng đau lòng. Chị mời bác sĩ tâm lý đến nhà hỗ trợ, nhờ cô bé mồ côi sang chơi và trò chuyện hằng ngày, tổ chức những cuộc đi chơi có sự tham gia của cả cô bé và đám trẻ khác, đặc biệt không bao giờ nhắc đến chuyện cũ, không bao giờ nói hai tiếng con nuôi dù là chuyện trên phim, không khen con trai đầu nữa.
Dần dần T. đã khá hơn, chịu nói chuyện và chia sẻ với mọi người. Dù thế, chị vẫn đều đặn dẫn con đi gặp bác sĩ thường xuyên suốt hai năm trời. Có lẽ nhận thấy tình yêu thương thật sự ba mẹ dành cho mình, T. đã vui trở lại. Sau hai năm kiên trì, T. đã khỏi bệnh và tiếp tục đi học bình thường. Đến nay, T. đã là sinh viên đại học.

Chia sẻ với chúng tôi, chị nói: “Chỉ vì những câu nói đùa mà suýt mất đứa con, cũng may kiên trì, chịu khó và thấu hiểu nên mới giữ được nó như ngày hôm nay...

Sưu tầm

No comments:

Post a Comment