Tuesday, June 13, 2017

43 Năm Và Bao Nhiêu Năm Nữa? - VietTuSaiGon

Một con đường xẻ dọc Trường Sơn - một cách để nhanh chóng đô thị hóa Trường Sơn.


Hà Nội chặt cây xanh, Sài Gòn cũng trơ trụi cây xanh vì bị chặt, đất nước này có thành phố nào, tỉnh nào không bị chặt cây xanh? Chắc chắn là không có, ngay cả thành phố Đà Nẵng thời ông Nguyễn Bá Thanh còn làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, thời ‘vàng son’ của Đà Nẵng, vẫn có hàng xà cừ trăm tuổi (từ thời Đà Nẵng còn mang tên Tourance) trên đường Quang Trung cũng bị chặt không thương tiếc. Đó là chưa muốn nói đến những cây xanh trên dãy Trường Sơn!

Nếu như cây xanh được ví là lá phổi của thành phố thì cây xanh ở Trường Sơn được xem là lá phổi của quốc gia, cây xanh ở U Minh Thượng, U Minh Hạ hay Đất Mũi cũng được xem là lá phổi của quốc gia. Nhưng hiện tại, U Minh Thượng hay U Minh Hạ, rồi Đất Mũi, tất cả rừng đước, sú, vẹt cả mấy trăm năm tuổi, thậm chí ngàn năm tuổi đang bị khai thác một cách vô tội vạ. Mà đáng sợ nhất vẫn là sự tàn lụi của Trường Sơn.

Cha của một người bạn mà tôi chơi khá thân vốn là bộ đội Cộng sản, ông là người trong đoàn quân Nam tiến những năm trước 1975, ông cũng là một trong những người đi trên đường mòn Hồ Chí Minh sớm nhất, sau khi lực lượng thanh niên xung xong mở đường dọc Trường Sơn. Ông có lần nói với tôi rằng nếu không có Trường Sơn thì miền Bắc không bao giờ “giải phóng” được miền Nam cho dù lúc đó Mặt trận giải phóng Miền Nam có lớn mạnh cỡ nào. 

Với kinh nghiệm vào sinh ra tử trên đường Trường Sơn, ông nói chắc như đinh đóng cột rằng “Trường Sơn che chở mọi thứ, và bom thả xuống Trường Sơn chẳng khác nào muối bỏ biển!”. Điều ông nói hoàn toàn đúng, bởi cách đây chưa đầy mười năm, lúc đó đường mòn Hồ Chí Minh (tức đường Trường Sơn) chỉ mới cải tiến và khai thông, người qua lại rất thưa thớt, đi cả mấy chục cây số mới gặp một vài người gùi củi rừng, lá rừng… Tôi đã đi qua và tận mắt nhìn Trường Sơn lúc đó.

Rừng bạt ngàn, cây xanh ngút mắt, những cổ thụ hàng ngàn tuổi dòng lim, sến, gụ, kiền kiền… đứng cao chất ngất. Cảm giác lúc đó thật khó tả, nhất là khi đi một mình một xe máy bon bon trên con đường chỉ toàn cây xanh, rừng già và âm thanh đại ngàn, vừa rờn rợn vừa thú vị không gì tả xiết. Và lúc đó tôi thấy người cha của bạn tôi nói đúng, bao nhiêu bom thả vào Trường Sơn cho đủ!


Khi đó tôi cũng nghĩ rằng nếu khai thác gỗ Trường Sơn, chắc cũng ba trăm năm lẻ nữa vẫn chưa hết gỗ, đó là chưa nói cây này bị cắt đi một thời gian thì tự mọc chồi, đâm cây mới, cắt đến cuối rừng thì đầu rừng đã thành cổ thụ. Nhưng đó là ảo giác lớn nhất của tôi. Chưa đầy mười năm sau, đi lại trên đường mòn Hồ Chí Minh, mọi thứ trống hươ trống hoác, tôi không dám tin vào mắt mình.

Những cung đường vốn dĩ bạt ngàn cây xanh, toàn những cây có đường kính từ 1,5 mét đến 5 mét, thậm chí có cây lớn đường kính cả chục mét… Giờ chỉ còn là một bãi đất trống, thay vào đó là một dãy rừng mới trồng toàn những cây keo lá tràm, cây luồng hoặc không có cây gì cả, còn lại mấy vụn gỗ sau khi người ta đào tận gốc rễ để chế tác bàn ghế mỹ nghệ. Và đáng sợ hơn là các cánh rừng giờ đã có chủ, thành những lô đất vuông vức có hàng rào kẽm gai hoặc có những công ty, tập đoàn mọc trên đó hoặc các nông trường trồng rau, củ, quả. 

Cả một cung đường dài từ Nam chí Bắc trên dãy Trường Sơn chỉ còn đúng đoạn đi qua tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là còn cây rừng, từ Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An hay lệch vào Nam, đoạn đi qua Tây Nguyên, đều là cây cối trơ trọi. Thay vào đó là hàng quán, chưa có nơi nào mà cả một cung đường dài mấy trăm cây số, đi chừng 300 mét đã có quán thịt rừng, đặc sản rừng, khu nhà trọ, quán nhậu… Suốt mấy trăm cây số, toàn bộ các loại dịch vụ đều có, đặc biệt là loại dịch vụ tươi mát, gọi đâu có đó. Cả một rừng cây ngàn năm tuổi đã bị thay thế bằng rừng quán nhậu, quán đặc sản rừng, nhà hàng, khách sạn và các loại dịch vụ mờ ám. 

Đáng sợ hơn là cuộc sống đồng bào Mường, Thái ở dọc cung đường Trường Sơn bị đảo lộn. Nạn xì kle, ma túy đã hoành hành trong các bản làng vốn hiền lành, nhút nhát và thật thà này. Đường mòn mở rộng, đồng bào thêm đói khổ vì mất đất, mất rừng và phải vay tiền nhà nước để xây nhà theo tiêu chuẩn nông thôn, bản làng mới. Rồi để có tiền xây một cái nhà cấp bốn tường gạch lợp tôn, mùa hè thì nóng chảy mỡ, mùa đông thì lạnh cắt da, đồng bào đã bán tháo mảnh đất rừng lâu đời với giá rẻ mạt, sau đó, lại tiếp tục vay tiền nhà nước để mua cái ti vi, chiếc xe máy. 

Chuyện học hành của con cái họ thì vẫn bị bỏ ngỏ như mọi khi. 
Thêm phần ăn chơi đua đòi vì nhà có xe máy, đã “lên đời”, những thanh niên, những đứa trẻ hiền lành chẳng mấy chốc thành con nghiện, lại rủ nhau ra đường mòn Hồ Chí Minh để trấn lột, cướp bóc khi đêm xuống.


Trường Sơn ngàn năm còn bị đánh đổi trong chưa đầy mười năm, từ bạt ngàn cây xanh và đời sống hiền hòa, thanh tịnh bỗng trở nên trơ trọi và đời sống khốc liệt đến độ tàn khốc. Giờ có vẻ như Trường Sơn cũng chẳng còn bao nhiêu cây để chặt, người ta lại kéo về thành phố để chặt, mà đáng sợ nhất vẫn là chặt cây theo dự án!

Có không biết bao nhiêu ngàn hecta rừng Trường Sơn bị chặt phá theo dự án thủy điện mà sự thật đằng sau cái dự án đó là bóng ma nhà buôn Trung Quốc, họ sẵn sàng bỏ tiền cho người Việt bôi trơn ‘dự án’ bằng cách hối lộ các quan chức để được duyệt dự án mà khai thác gỗ lòng hồ, sau đó bán gỗ để có tiền đầu tư thủy điện hoặc không đầu tư gì cả, cho treo dự án từ năm này qua năm nọ. Bây giờ, các dự án đường sắt, đường vượt do nhà thầu Trung Quốc làm chủ đầu tư và thi công lại nhắm đến những hàng cây trăm tuổi còn sót lại trong thành phố. 


Điều đáng bàn ở đây không chỉ dừng lại ở thái độ con người đối với tài nguyên quốc gia, đối với thiên nhiên mà là tâm lý con người Việt Nam, đặc biệt là giới quan chức có được bình thường hay không? Câu trả lời là không. Vì lẽ, nếu bình thường thì đất nước đã không đến nỗi tan hoang như hiện tại. Bệnh vô cảm và ích kỉ đã tràn lan đất nước, nơi nào quyền lực càng cao thì bệnh ích kỉ và vô cảm càng nhiều. 

Quyền lực tập trung thì bệnh hoạn cũng tập trung, và khi nó tập trung đủ, nó tự biến hóa theo cách của nó. Chặt cây, cướp đất của người cô thế hay cát cứ địa phương, bán đứng lãnh thổ quốc gia, bán đứng tài nguyên dân tộc… Tất cả những biểu hiện bệnh hoạn và tội lỗi ấy đều do tập trung quyền lực và tập trung bệnh hoạn mà ra! Chỉ mới 43 năm tôi mà đất nước tan hoang như thế này thì liệu dân tộc này tồn tại được bao nhiêu năm nữa?!
  

No comments:

Post a Comment