Saturday, March 26, 2022

Nợ - Nguyễn Giụ Hùng

 

         Trong trần thế duyên duyên, nợ nợ,

 Duyên cũng đành mà nợ cũng đành.

 (Nguyễn Công Trứ)

 Cái nợ hình dung nó thế nào?

 Khiến người ngao ngán, ngẩn ngơ sao!

 (Trần Tế Xương – “Cái nợ”)

      Chúng ta quen thuộc với “Nợ” từ thuở “mẹ cho mang nặng kiếp người” (TCS). Nợ chất cao hơn núi, trải rộng hơn biển cả. Nói cho dễ hiểu,  nợ luân lưu trong vũ trụ được ví như đồng tiền luân lưu trong xã hội loài người. Nợ được trao đổi từ người này qua người khác, từ sinh vật này qua sinh vật khác một cách đều đặn và bất tận như một thứ nợ đồng lần.

      Nợ thì nhiều lắm, nó nhiều từ nghĩa đen cho đến nghĩa bóng, từ thực thể “cân đo đong đếm” được cho đến những ý niệm trừu tượng có tính xấu, tốt, lẫn linh thiêng... Nợ không phân biệt nam phụ lão ấu, cứ có sự hiện hữu là đã có nợ rồi. Nợ không chừa một ai, nợ được coi như một định mệnh của con người, không ai tránh được kể cả những người tưởng như suốt cả cuộc đời chỉ biết có cho vay.

      Nợ bao trùm trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Nó được thể hiện từ trong nhà ra ngoài làng xã, từ việc cỏn con cho đến việc to lớn, từ việc trang nghiêm đến việc bông lơn, từ việc ban đêm đến việc ban ngày, chỗ nào cũng có mặt của nợ. Nợ nhiều quá đến nỗi đôi khi ta đã phải quên đi hay phải tảng lờ hoặc không còn biết nó là nợ nữa. Tỷ như hơi thở của ta là món nợ truyền kiếp liên quan đến sự sống còn, ấy thế, mà mấy ai nhớ tới đó là món nợ của ta đối với Trời Đất đâu. Nợ xảy ra trong từng “sát na”. Sống có cái nợ của sống, chết có cái nợ của chết. Nợ mang đủ sắc thái, mọi hình thức, biến hoá vô lường, lúc nào nó cũng ở bên mình ta như “cái của nợ”. Nợ không chỉ đến từ cái ăn cái mặc, cái nhà cái cửa, cái nhăn răng hì một tiếng (nói theo cụ Nguyễn Văn Vĩnh), ... nó cũng còn đến từ công ơn dưỡng dục, tình nghĩa thâm sâu, nhân quần xã hội ... kể sao cho hết.

      Nào như nợ trong thi ca của cụ Nguyễn Công Trứ, chữ “nợ” được thể hiện qua những trích đoạn sau.

      - Nợ quốc gia, nợ quân thần:

 Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái

 Cái công danh là cái nợ nần

 Nặng nề thay đôi chữ quân thần

 Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ.

 (Trên vì nước dưới vì nhà)

      - Nợ tang bồng:

 Mình một bóng đành rằng nông nỗi thế

 Hỏi thư kiếm có hay chăng nhẽ

 Nợ tang bồng giả đặng lúc này chăng

 Ra tay chữa lệch cho bằng.

 (Đi quân thứ)

 Truyện đố kỵ sá chi con tạo

 Nợ tang bồng quyết trả cho xong

 Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung

 Cho rõ mặt tu mi nam tử.

 (Làm cho tỏ mặt nam nhi)

      - Nợ đèn sách:

 Chí tang bồng hẹn với giang sơn

 Đường trung hiếu chữ quân thân là gánh vác

 Đã mang thân ở trong trời đất

 Phải có danh gì với núi sông

 Nợ sách đèn đem nghiên bút trả xong

 Cầu xe ngựa lúc đi về mới tỏ.

      - Nợ phong lưu:

 Suy mới biết ở đời ai cũng hớ

 Vì tài tình nên vướng nợ phong lưu

 Kho trời cho tiêu phí thấm vào đâu

 Chơi là lãi, dẫu chưa giàu nhưng chẳng kiết.

      - Nợ tài hoa:

 Trời đất cho ta một cái tài

 Giắt lưng dành để tháng ngày chơi

 Dở duyên với rượu khôn từng chén

 Trót nợ cùng thơ phải chuốt bài.

 (Tự cao)

 Chưa chán ru mà quấy mãi đây

 Nợ nần dan díu mấy năm nay

 Mang danh tài sắc cho nên nợ

 Quen thói phong lưu hoá phải vay.

 (Than nghèo)

      - Nợ tình:

 Đa tình là nợ

 Mắc míu vào đố gỡ cho ra.

 (Chữ tình)

      - Nợ duyên:

 Ừ duyên nợ ắt đà hơn một

 Mà nét xuân kia vẹn cả mười.

 (Bỡn cô đầu già)

Nào nợ vật chất trong thi ca cụ Trần tế Xương:

 Van nợ lắm khi trào nước mắt,

 Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.

 (Than nghèo)

Nào như nợ trong ca dao:

         Bốn bề công nợ eo sèo

 Chỉ vì một nỗi tôi nghèo mà thôi.

 Eo sèo công nợ tứ bề

 Kẻ lôi người kéo, ê chề lắm thay.

Trong các loại nợ, có một loại nợ rất đa dạng, đầy đủ hỉ nộ ái ố nhất, đó là nợ duyên, nợ tình được ca dao đặc biệt nhắc đến.

 Vô duyên vô phúc húc phải ông chồng già

 Ra đường bị hỏi là cha hay chồng?

 Nói ra đau đớn trong lòng

 Ấy cái nợ truyền kiếp, chớ phải chồng em đâu!

 Chồng con là cái nợ nần,

 Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm.

 Mỗi người một nợ cầm tay

 Đời xưa nợ vợ, đời nay nợ chồng.

 Mực đen vô giấy khó chùi,

 Chồng chồng, vợ vợ, nợ đời trăm năm.

 Nợ đòi trả trả vay vay,

 Nợ tình biết trả đến ngày nào xong?

 Buồn riêng thôi lại tủi thầm

 Một duyên, hai nợ, ba lầm lấy nhau.

 Lạy trời phù hộ cho em,

 Cho em chóng lớn em lên cõi già.

 Khỏi đền duyên nợ rầy rà,

 Khỏi mang tiếng xấu như là những ai.

      Ấy thế, không phải nợ duyên, nợ tình lúc nào cũng đáng sợ đâu nhé mà nhiều khi người ta lại ùa nhau tự nguyện đi vác những cái nợ ấy vào thân:

 Đem thân ở dưới cõi trần

 Hỏi rằng duyên có nợ nần chi không

 Bao nhiêu giá một ông chồng

 Thì em cũng bỏ đủ đồng ra mua.

 Một duyên, hai nợ,

 Anh sợ em sắp có chồng.

 Anh chẻ tre bện sáo, ngăn sông

 Cầm duyên em lại để kết đạo đồng cùng anh.

Không được mắc vào nợ duyên, nợ tình với nhau thì mè nheo, than thở:

 Gió đưa nước, nước sao vời vợi

 Gió đưa mây, mây hỡi mịt mù

 Anh với em duyên nợ sầm sờ

 Em còn thủ tiết, mà chờ đợi ai?

 Đường đi lên quăn quăn quéo quéo

 Đường đi xuống quẹo quẹo vườn dâu

 Hai đứa mình ân ái đã lâu

 Ai vô đây bày mưu sắp kế

 Cho duyên nợ hầu rẽ phân.

 Nghĩ tơ duyên quá dở

 Giận căn nợ bời bời

 Đau lòng quá lắm em ơi

 Xui chi gặp gỡ chẳng trọn đời với nhau.

Khi được nợ duyên, nợ tình rồi thì lại phụ duyên, phụ tình nhau:

 Còn tiền còn duyên còn nợ,

 Hết tiền hết vợ hết chồng.

 Ngọn cỏ phất phơ, ngọn cờ phơ phất

 Nồi đồng sôi, nồi đất cũng sôi.

 Anh với em duyên nợ hết rồi

 Để cho người khác đứng ngồi với em.

 Ôi thôi, tôi muốn bứt rời duyên nợ                               

 Anh đi kiếm vợ em đi kiếm chồng.

      Ngôn ngữ dân gian liên quan đến “Nợ” của ta thì giàu có lắm, như những câu tục ngữ  thành ngữ:

      Mang công mắc nợ, nợ ngập đầu, nợ như chúa Chổm, nợ như tổ đĩa, nợ tiền kiếp, nợ van quan khất, rút ruột tằm trả nợ dâu, trả nợ quỷ thần, tất tưởi như nợ đuổi sau lưng, tốt vay dày nợ, nợ có vay có trả, may gặp duyên chẳng may gặp nợ, nhất tội nhì nợ, một là vợ hai là nợ, nhà gần chợ để nợ cho con, nặng nợ giang hồ, kéo cầy trả nợ, một vay hai nợ ... cũng ôi thôi, kể sao cho hết.

      Nhân nhắc tới thành ngữ “nợ như chúa Chổm” tôi cũng xin kể các bạn nghe một câu chuyện mang ý nghĩa của một người mắc nợ nhiều. Theo tục truyền, chúa Chổm là nhân vật có thật. Thuở hàn vi, chúa Chổm phải vay nợ nhiều lắm. Khi được tôn lên làm chúa và được rước về kinh thành Thăng Long thì chúa bị đòi nợ suốt dọc đường. Chủ nợ thật cũng có mà chủ nợ “hôi” cũng có, chúa Chổm không thể nào nhớ hết. Lúc đầu ai đòi thì trả, sau thấy càng trả nợ thì số chủ nợ càng đông nên ra lệnh: chúa Chổm chỉ trả nợ cho tới khi chúa về đến ngã tư cổng thành Cửa Nam. Do đó, chỗ ngã tư này được gọi là ngã tư Cấm Chỉ (Ở cạnh Hàng Bông gần Cửa Nam).

      Nợ có hai đối tượng, “vay” và “trả”. Có vay thì có trả. Có vay nợ mà không trả thì gọi là “quịt nợ”, cho vay nợ mà không đòi thì gọi là “xóa nợ”, nợ mà cứ lần khân chưa chịu trả thì gọi là “trây nợ” dù đã “khất nợ” nhiều lần.

      Có những món nợ không phân định rõ là ai vay, ai trả, như tình tôi đối với những cô hàng xóm. “Ai vay ai?” thì chỉ có “Ai” biết và “Ai trả ai?” thì cũng chỉ có “Ai” biết. Trong trường hợp này thì phải hiểu nôm na đó là cái “nợ đời”. Và như thế, sự tương quan giữa người chủ nợ và người vay nợ, nếu ta quán chiếu cho sâu, quả thật không có sự cách biệt là bao. Kiếp này ta vay kiếp sau ta trả hay ngược lại. “Vay trả” đôi khi được hiểu giống như là “Đạo”. Theo Lão Tử, Đạo thì không thể nói được, nói được thì không còn là Đạo, nên thôi, tôi chẳng bàn thêm về “vay trả” ở đây.

      Muốn hiểu hết ý nghĩa của nợ thì thật gian nan. Không hiểu được ý nghĩa của nợ thì ta khó có thể biết cách trả nợ, không trả nợ đúng cách thì cũng kể như ta quịt nợ dù vô tình hay cố ý. Vay nợ, mang nợ, trả nợ đều có những ẩn số phức tạp của nó như vay ra sao, trả như thế nào đòi hỏi một trình độ ứng xử cho thích nghi cho phù hợp với từng hoàn cảnh, ý nghĩa của nó.

      Nợ có nhiều mức độ khác nhau, kẻ nợ nhiều người nợ ít. Để nhìn nợ một cách gần gũi và thực tế hơn thì nợ luôn đi kèm theo một yếu tố được thể hiện ở một mức độ nhất định nào đó là có vay có trả. Đối với những người có quan niệm có ơn phải sợ có nợ phải đền thì thái độ của những loại người này luôn luôn là muốn trả nợ cho xong.

 Kiếp này trả nợ cho xong

 Làm chi để nợ một chồng kiếp sau!

      Trong số những người muốn trả nợ cho xong phải kể đến nàng Thúy Kiều đã đem cả vốn liếng nghìn vàng của mình ra trả nợ chuộc tội cho cha. Không như Thúy Vân chỉ biết vô tình ăn no ngủ kỹ cho mập ú đến khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang chứ không chịu chia sẻ với chị theo đúng tinh thần “fair” của người Mỹ, mỗi cô một nửa, nghĩa là mỗi người còn giữ lại một nửa để dành làm vốn lấy chồng. (Cười)

      Có loại người lại không sợ nợ như:

 Dầu cho nợ bắt nợ đòi

 Phong lưu ta cũng cứ nòi phong lưu.

      Vì trong đời có người nọ kẻ kia đối với nợ như thế nên các cụ ta có câu:

 Ở đời có bốn cái ngu (1)

 Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.

      Nghe tôi nói thế, chẳng biết nghe câu được câu chăng, ất giáp thế nào, ba cô hàng xóm xinh đẹp trước cửa nhà tôi chạy ùa sang, nói vọng vào đòi “ngu”.

- Cho em “gác” với.

- Cho em “cầm” với.

- Cho em “lãnh” với.

      Tôi chỉ còn biết ngao ngán nhận cái ngu còn lại là “làm mai”. Ai muốn thì xin dơ tay. Các cô ấy đang hăng say đòi “ngu” cũng như các cô ấy đang hăng say đòi “được nợ”. Các bạn ơi, vừa nghe tới chữ “làm mai” và “được nợ”, ba cô hàng xóm xinh đẹp tung cửa chạy túa vào nhà tôi.

      Nhà Phật có câu thật cao siêu “Găp Phật giết Phật, gặp Ma giết Ma. Theo chân nhà Phật, tôi sẽ giết và nhất định giết hết ba cô hàng xóm xinh đẹp này đêm nay trong giờ thiền định. Gặp NỢ tôi cũng giết luôn: xoá nợ, những cái nợ đời! Cười!

      Xin chấm dứt câu chuyện tào lao về NỢ ở đây.

 Trong trần thế duyên duyên, nợ nợ

 Duyên cũng đành mà nợ cũng đành.

 (Nguyễn Công Trứ - Già cưới nàng hầu)

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG

 

Mời nghe bản dân ca quan họ

Nợ Duyên

https://www.youtube.com/watch?v=Rul1L8ji4LA

No comments:

Post a Comment