Thursday, February 20, 2025

Chào Mừng Bình Minh - Minh Lương

Mát Xa Bằng Dao Phay

Người làm ‘đao liệu’ (刀療), tức mát-xa bằng dao, cho tôi là Elsa, tươi cười cầm hai con dao lớn, kiểu dao chặt thịt.


Sao mà không sợ cho được, bởi thông thường thì người ta dùng cạnh bàn tay để băm băm lên lưng khách hàng trong nhiều loại hình mát-xa, nhưng trong ‘đao liệu’ thì thay vì cạnh bàn tay, nhân viên mát-xa lại dùng lưỡi dao thực sự để ‘băm chặt’ bạn.

Elsa khởi đầu bằng cách dùng tay xoa bóp người tôi, giúp nới lỏng sự căng thẳng đang khiến tôi cứng đờ toàn thân.

Sau đó, những lưỡi dao thép lạnh lẽo bắt đầu băm nhẹ lên lưng, cánh tay và đầu tôi.

Tôi sẽ không thể biết là họ dùng dao làm công cụ mát-xa nếu không thỉnh thoảng nghe tiếng lanh canh, nghe như lúc dao ăn chạm vào đĩa vậy.

Sau khi Elsa nhắc tôi lần thứ ba rằng hãy thư giãn đi, tôi đã mặc kệ, phó thác mọi sự và nhắm mắt lại để những con dao băm chặt cho luồng khí trong cơ thể được lưu thông.

Khi màn băm chặt kết thúc, tôi đã ngủ lơ mơ được một giấc. Thật ngạc nhiên là nhiều người ngủ gật trong khi được những con dao này – dù đã được mài cho cùn bớt – mát-xa trong 70 phút.

Trông có vẻ nguy hiểm, nhưng ‘đao liệu’, tức là ‘phương pháp trị liệu bằng dao’, được cho là có khả năng chữa lành thể chất và tinh thần, đồng thời là một dạng y học cổ truyền Trung Hoa được cho là đã tồn tại từ hơn 2.000 năm nay.

 

Những người hành nghề này nói rằng phương pháp mát-xa bằng dao đầu tiên được các nhà sư thời Trung Quốc thời cổ thực hiện.

Hơn 1000 năm trước, thời nhà Đường, ‘đao liệu’ đã lan sang Nhật Bản, rồi đến Đài Loan sau cuộc Nội Chiến Trung Hoa hồi thập niên 1940.

Mặc dù ngày nay người ta khó tìm được chỗ làm mát-xa bằng dao ở Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng phương pháp trị liệu này lại hồi sinh ở Đài Loan trong những năm gần đây, khi mọi người tìm đến ‘đao liệu’ như một cách để đối phó với những căng thẳng của cuộc sống hiện đại.

Trung tâm Dạy nghề Nghệ thuật Đao liệu Cổ I-Jing ở Đài Bắc đã đào tạo kỹ năng mát-xa bằng dao trong gần bốn thập kỷ qua.

Trung tâm có 36 chi nhánh tại Đài Loan, 15 trong số đó mới được khai trương trong vòng năm năm qua.

Họ cũng đào tạo cho những người đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, từ Nhật Bản đến Hong Kong, từ Pháp rồi đến Canada.

Ngày nay, mọi người tìm đến lưỡi dao của các nhà trị liệu để giúp giảm bớt các đau đớn thể chất, cải thiện chất lượng giấc ngủ và để vượt qua nỗi đau khổ khi bị bỏ rơi.

 

‘Đao liệu’ đã hồi sinh ở Đài Loan trong những năm gần đây, và được coi như một cách để đối phó với áp lực cuộc sống căng thẳng


Những lưỡi dao nhắm vào các huyệt đạo, tương tự các loại y thuật cổ truyền Trung Quốc khác như châm cứu. Song những người hành nghề cũng tin rằng lưỡi dao thép mang theo một sức mạnh vô hình.

Trước khi bước vào thế giới mát-xa bằng dao 15 năm trước, giám đốc trung tâm Hsiao Mei-fang đã biên soạn và giảng dạy các liệu pháp làm đẹp và mát-xa kinh lạc, một loại y thuật cổ truyền khác của Trung Quốc, vốn tập trung vào việc lưu thông khí huyết trong cơ thể.

Nhưng cô nói rằng cô cảm thấy mệt mỏi vào mỗi buổi tối vì “tinh lực bất hảo” (năng lượng xấu) từ khách hàng đã truyền sang thông qua những động tác mát-xa của cô.

“Tôi kiếm được nhiều tiền hơn, song tôi lại bị mất ngủ,” cô nói.

Một ngày nọ, một học viên nói với cô về ‘đao liệu’, trong đó, những con dao thép là thứ hấp thụ ‘ác nghiệp’ từ khách hàng truyền sang.

Giờ đây, Hsiao nói rằng cô coi mình như một “quỷ lạp nhân” (người săn quỷ), dõi theo các hành động và nghiệp chướng tiền kiếp trước của khách hàng.

“Đối với tôi, tôi thực sự cảm thấy rõ rệt rằng mát xa bằng dao nhiều lúc giống như đi bắt ma vậy, cắt đi quá khứ, kiếp trước của khách hàng,” cô nói.

 

Trước khi mát-xa, khách hàng cử động các động tác với những đoạn gậy ngắn, được gọi là “vũ trụ côn”, để tạo cân bằng nguyên khí trong cơ thể. (Louise Watt)


Các nhà trị liệu phải tuân thủ những quy tắc bất di bất dịch.

Ví dụ, nếu đang trong tâm trạng tồi tệ thì họ không làm mát-xa bằng dao vì dù gì thì cầm cặp dao trên tay khi đang trong tâm trạng xấu không thể là điều hay.

Để giữ cho khí lực bản thân được thuần khiết, tất cả những người hành nghề ‘đao liệu’ đều tuân theo chế độ ăn chay trường.

Hsiao và đội ngũ các nhân viên mát-xa của cô luôn thức dậy muộn nhất là 5 giờ sáng hàng ngày, làm 100 lần động tác đứng lên ngồi xuống (squat) và trồng cây chuối, rồi chém dao vào gối trong 30 phút để khí huyết lưu thông.

Nhân viên mát-xa có rất nhiều việc phải làm – và khách hàng cũng vậy.

Trước khi mát-xa cho tôi, Elsa yêu cầu tôi thực hiện 10 phút squat và tập giãn cơ với cô, mỗi chúng tôi cầm trên tay một cặp “vũ trụ côn” bằng gỗ để giúp cân bằng sinh khí.

Hsiao nói rằng các ông bố bà mẹ đưa con đến tập côn và tìm hiểu về nguyên khí với hy giúp chúng vọng giảm bớt căng thẳng do học hành, trong khi các chủ doanh nghiệp thì tới hỏi ý kiến cô về việc nên tuyển người thế nào.

“Vũ trụ côn giúp bạn cân bằng sinh khí, loại bỏ tà khí hoặc năng lượng xấu, và mát-xa bằng dao là để loại bỏ nghiệp chướng của bạn,” Hsiao nói.

“Trong nền văn hóa của chúng tôi, chúng tôi tin rằng nguyên khí là tất cả. Khi năng lượng của bạn được cân bằng, bạn sẽ thấu hiểu mọi nhẽ.”

Những con dao thép có tác dụng hấp thụ ‘ác nghiệp’ từ cơ thể bạn. (Louise Watt)


Có lẽ tác động thể chất này là một phần lý do khiến tôi ngủ thiếp trên ghế mát-xa.

Trên thực tế, toàn bộ trải nghiệm mát-xa bằng dao còn hơn cả những gì tôi mong đợi.

Khi đặt lịch hẹn, tôi được yêu cầu gửi một bức ảnh gần đây của mình để họ tìm một nhà trị liệu phù hợp theo năng lượng tỏa ra từ ảnh. (Nhờ công nghệ hiện đại, dùng ảnh kỹ thuật số là ổn.)

Ngay khi tôi đến nơi, Elsa cho tôi xem năm mảnh thiên thạch bày ở căn phòng; Những người hành nghề mát-xa tin rằng thiên thạch có khả năng chữa lành cơ thể, tâm trí và tinh thần, và họ đặt những con dao bên cạnh các mảnh thiên thạch để tái nạp năng lượng.

Tất nhiên là ở đó có cả những con dao bằng kim loại lạnh lẽo, to bản hình chữ nhật, trông giống như chúng vừa được lấy từ tay của một đầu bếp hoặc trong một tập phim hình sự tội phạm vậy.

Hsiao cho biết các nhân viên mát-xa đều phải tu dưỡng chuyên cần và phải tuân thủ lời dạy, nếu không những nhát dao có thể gây nguy hiểm cho khách.

Tuy vậy, trong lịch sử 40 năm hoạt động của trung tâm, chưa có khách hàng nào bị thương vì dao cả, cô nói.

“Lúc đầu tôi sợ hãi khi nhìn thấy những con dao, tôi nghĩ nó nguy hiểm,” bà khách Chiu Mei-lan, 73 tuổi, trước đó nói với tôi.

“Tôi khá lo sợ, tôi nói với người làm mát-xa là, ‘chớ có băm mạnh tay đấy, làm nhẹ nhàng thôi’. Rồi tôi bắt đầu cảm thấy khá dễ chịu, cho nên tôi bảo, ‘mạnh thêm đi, thế này nhẹ quá.'”

Mát-xa được thực hiện với hai con dao cùn bằng thép, băm nhanh trên khắp cơ thể khách hàng. (Louise Watt)


Chiu lần đầu tiên thử mát xa vì bà thấy khó ngủ. “Sau khi mát-xa bằng dao, tôi ngủ rất ngon,” bà cho biết.

Elsa phủ khăn lên trên quần áo tôi, khắp cả người, và trùm cả lên đầu. Những con dao bắt đầu hoạt động trên 10 huyệt đạo trên người tôi.

Trong 70 phút, hai lưỡi dao thay phiên nhau băm nhanh, nhè nhẹ khắp toàn thân, lần lượt di chuyển từ đỉnh đầu xuống lòng bàn chân, khiến tôi có cảm giác mình đã được tẩm quất triệt để.

Một số khách hàng đến nhờ Hsiao tư vấn, và khi đó cô sẽ dùng một bảng tròn nhỏ có la bàn ở giữa để giúp họ tìm ra hướng đi hoặc mục đích trong đời.

Đây là bản bói chiêm tinh, được gọi là chiêm bốc bản, được lập dựa trên Kinh Dịch của Trung Quốc.

“Giống như việc tôi đưa thông tin của quý vị vào hệ thống Google của tôi,” cô nói với tôi. “Nếu tôi nhập thông tin của quý vị vào bảng, tôi sẽ biết hiện tại, quá khứ và dự báo tương lai của quý vị, vì vậy tôi có thể đưa ra lời khuyên cho quý vị một cách khá dễ dàng.”

Sau khi dùng gậy gõ gõ vào tấm bảng và trầm tư suy ngẫm ít phút, cô nói rằng tôi rất quan tâm đến “công bằng, giống như nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey vậy”.

Cô cũng đưa ra một số cảnh báo sức khỏe chung cho tôi, chẳng hạn như tôi nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi và ăn ít kem hơn.

Hsiao Mei-fang sử dụng ‘chiêm bốc bản’ để giúp khách hàng của cô tìm ra hướng đi trong cuộc sống. (Louise Watt)


Michael Stanley-Baker, một nhà nghiên cứu lịch sử y thuật và tôn giáo Trung Hoa tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nói rằng mát-xa bằng dao nhìn ngoạn mục như hình ảnh “những đạo sĩ nằm trên giường đinh và các đệ tử Đạo Giáo trèo lên thang dao”, với “một kỹ thuật có thể làm chủ tới mức thành thục được chứ không phải là phi thường gì, nhưng mà trông cực kỳ ngoạn mục.”

“Trên thực tế, mát-xa bằng dao có mối liên hệ xa xôi với y học cổ truyền Trung Hoa,” ông nói, “khiến nó thực sự được coi là một phần trong ‘y học dân gian’ – với sự kết hợp giữa lý thuyết với sơ đồ huyệt đạo và các câu cách ngôn được đúc kết từ kinh nghiệm dân gian, nhưng lại không phải dựa trên sự am tường y lý uyên thâm như thường thấy ở các bậc danh y Trung Hoa.”

Hsiao cho biết cô không cần thuyết phục bất cứ ai về hiệu quả của đao liệu, vì con người ta sẽ tin tưởng nếu như bạn chữa lành bệnh cho họ.

“Có bệnh thì vái tứ phương – họ sẽ đi khắp nơi mọi chốn, sẽ thử mọi phương pháp trị liệu… và sau khi thử rồi thì họ sẽ tìm ra phương pháp tốt nhất,” cô nói.

Đối với tôi, ‘đao liệu’ một trải nghiệm đặc biệt chứ không chỉ đơn thuần là mát-xa thông thường.

Tôi ra về với hình ảnh những mảnh thiên thạch còn vấn vương trong tâm trí và tự hỏi mình thực sự đã ăn bao nhiêu kem.

Nhưng không thể phủ nhận một điều là tôi đã rất khoan khoái. Tôi đi ngủ sớm, ngủ một mạch đến sáng hôm sau khi chuông báo thức reo, rồi lại ngay lập tức chìm vào giấc ngủ sâu trong vài giờ nữa.

 

Louise Watt

Theo: BBC Travel

Link tiếng Anh:

https://www.bbc.com/travel/article/20200601-taiwans-2000-year-old-knife-massage

#412 - Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) Minh Bạch Hóa Chính Trị - BS. Phạm Hiếu Liêm

Wednesday, February 19, 2025

Con Đường Cũ - Đoàn Xuân Thu

Bảo Huân


Thưa cách đây gần 50 năm, nghĩa là nửa thế kỷ, nghĩa là lâu lắm rồi, ngày tui mới về với em, nghĩa là em mới cưới tui.

(Hi hi! Xin mở ngoặc ở đây một chút về tiếng Việt sau nầy trong nước! Tui thường đọc thấy mấy ông nhà báo quốc doanh viết rằng: Hoa hậu X, Y gì đó cưới chồng?!

Thưa tiếng Việt mà tui học hồi năm nẳm, Thầy, cô tui dạy rằng: “Trai cưới vợ; gái lấy chồng!” Chớ tui chưa hề thấy gái cưới chồng bao giờ cả!

Hay là tại vì xa quê đã lâu, tiếng Việt của tui giờ đã rỉ sét, đã lạc hậu hết rồi chăng? Không theo kịp với trình độ của những nhà văn thời ôn dịch?!)

Thôi thì cho rằng em cưới tui đi, để cho tui lên giá một chút… Chớ già rồi cái gì cũng xuống hết trơn hết trọi hè!

Lấy chồng dạy giáo; cho dù mình dốt đặc cán mai, hổng biết chữ Nhứt một, đám học trò ra đường gặp mình, bao giờ cũng giở nón cúi đầu: “Thưa cô! Bộ hổng khoái hay sao?”

Hai là vì tui dạy Sử, Ðịa… nghĩa là chuyện hồi xưa không hà. Giáo sư Sử Ðịa ai cũng bị bịnh nghề nghiệp, mê cổ vật; nên cho dù sau nầy em yêu trở thành bà già, già háp, xấu, má hóp da nhăn! Hề gì? Càng già tui lại càng yêu, càng trân quý! Bộ hổng khoái hay sao?

Hổng thấy Vương Hồng Sển tiên sinh, chuyên sưu tầm cổ vật, sống với em yêu là Bà Năm Sa Ðéc suốt 4, 5 chục năm mà tình đôi ta vẫn còn nồng như hồi mới cưới hay sao?

Em yêu của tui thông minh hết sức nhe! Vậy mà bấy lâu nay tui cứ tưởng là em lù khù; ai dè em vác cái lu mà chạy…

Thưa bà con!

Tết nghe câu vọng cổ Út Trà Ôn: Gánh nước đêm trăng để nhớ con bồ cũ mà tui từng gánh nước dùm em mấy trăm ‘đôi’ rồi sau đó em cặp ‘đôi’ với thằng khác!

…Nghe vọng cổ đã rồi qua nghe tân nhạc:


“Ðêm nhớ về Sài gòn… thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi, những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi, đường im nghe quá khứ trong sầu, đường chia ly vẫn ngóng tin nhau, tình lẻ loi canh thâu…”

Mấy ông nhà nhạc nầy nhớ Sài Gòn, là nhớ phố nhớ phường; vì xưa tối ngày mấy ổng cứ đi long nhong ngoài đường, rồi vô quán cà phê nghe nhạc của chính mình viết mà người khác hát để… “Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa, ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa, ai sầu trong quán úa…

Ðể...  bóng mẹ hiền mờ mờ bên song, mắt người tình một trời mênh mông, gợi bao nhiêu cho cùng…”

Thưa tui cũng nhớ Sài Gòn như mấy ổng vậy; nhưng nhớ vì tò mò…

Tui nhớ nhứt là cái đường Da Bà Bầu mà trên đường đó, ông Nhạc trẻ Trường Kỳ hồi xưa, sau qua Canada viết báo, từng nói nhà tui ở đấy đó nhe…

Chu choa người ta ở mấy con đường đẹp và thơ như Duy Tân, Tự Ðức hoặc giàu như ở Tú Xương, người ta khoe là quá phải. Ổng ở đường Da Bà Bầu mà ổng cũng khoe?

Song, nghĩ cho kỹ! Mấy ông viết báo phải có cái đề tài gì độc nhứt vô nhị trên chốn giang hồ, bài viết mới ăn khách, không lo đụng hàng hay chôm của người khác trên web…

Cả ngàn ông ký giả, chỉ có Trường Kỳ là ở đường Da Bà Bầu thì khoe là cũng phải quá rồi…!

Dà xin tầm chương trích cú để thỏa mãn cái óc tò mò của một tay nhiều chuyện như tui, Da Bà Bầu hổng phải là da của bà bầu đâu.

Mà là quán của một bà tên Bầu (hay đang có bầu) dưới gốc một cây Da.

Bà con miền Nam mình gọi là cây Da; bà con miền Bắc 54 mình, như ông Trường Kỳ gọi là cây Ða…

Nếu cho ổng đặt tên thì Da Bà Bầu nó sẽ thành Ða Bà Bầu (để thiên hạ tưởng rằng đàn bà con gái trên đường nầy ai cũng ôm một bụng bầu hết ráo… thì càng thêm báo…)

(Cây Da trốc gốc trôi rồi! Em xa người nghĩa đứng ngồi không an. Hay cây Da trước miễu, ai biểu cây Da tàn… Bao nhiêu lá rụng thương chàng bấy nhiêu! Dù sau 75, cây Da tàn và chàng đã bỏ nàng, vọt mất tiêu rồi!).

Cây Da thân lớn, tàn lớn, chống mưa bão phẻ re hè! Nếu cây Da không nằm cạnh bến sông là khó lòng trốc gốc lắm; nên bà Bầu mở cái quán dưới tàn cây Da nầy vừa mát vừa phẻ trong cái nóng, bức của cái đất Sài Gòn.

Thưa xa quê từ độ đứt phim nên bà con mình lúc buồn tình hay đem cuốn phim cũ ra mà chiếu lại…

Mấy tay to mặt lớn, có trách nhiệm nhiều về cái vụ mất nước nầy thì viết hồi ký để phủi trách nhiệm: “Hổng phải tại tui! Mà tại Trời xui khiến nên đôi mình mới xa?!”

Còn bà con nào hơi ‘bèo’ bởi con nhà ‘nghèo’, không chức tước danh phận gì ráo thì chiếu lại tuồng cũ như Vàm Kinh Cũ, nếu em xưa ở gần một bến sông…

Con anh nào dân chợ, đi đường lộ đá xanh đã quen chưn, thì viết Con Ðường Cũ.

Nên tui cũng bắt chước quý ông anh viết về con đường tình ta đi, cho nó có tụ, vui với người.

Vui đâu hổng thấy, tui chiếu phim cũ, vô tình, sót một khúc là bị rầy:

Chẳng qua khi viết bài về: “Ðề ơi lúc chiều về mình đánh con dê . Mà sao đề lại xổ con kê (tức con gà) hỡi đề!” tui có nhắc tới đường Trần Hưng Ðạo B mà bị rầy quá xá.

Ông bạn văn của tui vốn là bà con, cháu chít chừng mấy mươi đời vương của Trần Thượng Xuyên, ở Cù lao Phố, Biên Hòa! Vì ủng hộ Nguyễn Ánh nên bị nhà Tây Sơn dợt cho một trận lên bờ xuống ruộng. Ðại Phố điêu tàn phải chạy về Chợ Lớn làm ăn buôn bán tiếp.

Vừa là tác giả vừa là độc giả mà thằng chả khó dàng trời mây đi.

Giả bắt lỗi là tui viết Trần Hưng Ðạo B là hổng có được.

Con đường nầy là do ‘Vi Xi’ nó đặt ra năm 1976; hổng phải thời mình, nên ảnh hổng có chịu…


Trần Hưng Ðạo B nầy là cái đường Ðồng Khánh, thời Việt Nam Cộng Hòa mình, chạy từ đường An Bình mút chỉ vô tới Chợ Lớn.

“Tui sanh đẻ ở đó nè ông Nội!” Ảnh nói với tui như vậy đó bà con ơi!

Anh muốn đem tên con đường xưa em đi, đường Ðồng Khánh, vô bài viết của tui mới được. Bạn bè mà! Muốn là chiều!

Thế là tui lại tầm chương trích cú từ ông Vương Hồng Sển, ông Bình Nguyên Lộc tới ông Sơn Nam. Toàn là những ‘bồ’ kiến thức về đường phố Sài Gòn mà ngộ cái là… hổng có ông nào sanh đẻ tại Sài Gòn hết ráo?!

Ông Vương Hồng Sển dân Sóc Trăng! Ông Bình Nguyên Lộc dân Ðồng Nai, Biên Hòa (Lộc của ổng là con nai đó bà con ơi)! Còn ông Sơn Nam (không ở trên núi) mà tuốt miệt Gò Quao, Rạch Giá!

Thưa trở lại thời Tây chiếm đóng! Sài Gòn và Chợ Lớn bị ngăn cách bởi một vùng đầm lầy. Từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, đi đường Route Haute (Ðường Cao) tức đường Hồng Thập Tự, chạy trên đồi cao, nối với Route Basse (Ðường Thấp), chạy ven đầm lầy, tức đường Nguyễn Hoàng vào những năm 60.

Mãi tới ngày Mùng 9 Tháng Chạp năm 1913, Tây lục lộ mới xây xong con đường thứ hai, đặt tên là Ðại lộ Sài Gòn- Chợ Lớn băng qua vùng đầm lầy…

Cuối năm 1916, Ðại lộ nầy đổi tên là Ðại lộ Galliéni, tên một viên tướng Tây có công trạng với Thực dân Pháp vừa mới đi chầu ông bà ông vải.

Ðại lộ Galliéni bắt đầu từ đại lộ Bonnard (tức đường Lê Lợi, trước chợ Bến Thành), chạy tới đường An Bình, nối với đường des Marins, tên thời Tây, sau đó chánh phủ mình đặt tên là đường Ðồng Khánh!

(VC không khoái Vua Ðồng Khánh nhà Nguyễn nên đổi tên khúc đường nầy là Trần Hưng Ðạo B) để tiếp tục đi vào Chợ Lớn.

Do đó nếu anh bạn văn Tàu lai của tui hổng chịu tên Trần Hưng Ðạo B thì anh cự tụi nó! Sao lại quay qua cự tui hè?

Thưa tụi nó bây giờ đặt tên đường phố lôm côm lắm! Tui đâu có dám binh mấy cái chuyện ngu ơi là ngu nầy đâu.

Chớ hồi xưa chánh phủ VNCH mình đặt tên đường đâu ra đấy, lớp lang thứ tự, hợp lý chớ đâu có loạn xà ngầu như bây giờ…

Chẳng hạn từ Bến xe Miền Tây vô Chợ Lớn trước, mình có Hồng Bàng, An Dương Vương, Triệu Ðà… Bà Triệu… rồi thì có Lý Nam Ðế, Triệu Quang Phục…

Cứ thế vào càng gần trung tâm thì càng gần hiện tại như Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi…

Nhà Nguyễn mới vãn hát không lâu, lại càng gần trung tâm hơn nữa như: Nguyễn Hoàng, Minh Mạng, Tự Ðức cùng chư tướng như Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Lê Văn Duyệt…

Các bến sông thì có Vạn Kiếp, Hàm Tử… lớn nhất tên Bạch Ðằng… Nơi mà quân ta đã thủy chiến mấy trận làm Tàu phù… phù mỏ hết ráo!

Thưa! Tên đường là chuyện lớn, chuyện quan trọng, chớ không phải là chuyện giỡn chơi. Vì nó có cất giữ biết bao nhiêu là kỷ niệm của những người con xa quê, viễn xứ như chúng ta.

Anh bạn văn, đường Ðồng Khánh, hỏi tui Tết nầy có về Sài Gòn ăn Tết hay không?

Tui trả lời: “Tui chỉ về khi nào không còn đường Trần Hưng Ðạo B nữa mà phải là đường Ðồng Khánh mới được!”

Chi vậy? Vì tên đường năm cũ, tui mới quen, mới thuộc, mới biết đường lại nhà anh, kiếm tiền lì xì và nhậu chơi…

Còn cầm bằng tên đường cũ mất rồi vẫn không phục hồi trở lại, mà tui ham vui về, sợ đi lạc, bị xe bắt chó bắt thì tội nghiệp cho con vợ của tui lắm nhe!



đoàn xuân thu

melbourne 

Vội Hay Không Vội - Người Phương Nam


Không vội làm sao kịp chuyến tàu

Cơ hội trong đời có được bao

Ta không muốn vội, đời bắt vội

Không vội thì e lỡ chuyến tàu

 

Lỡ chuyến tàu đời sẽ về đâu

Bao nhiêu dự tính buổi ban đầu

Trong phút chốc đều tiêu tan cả

Bài toán đời phải tính lại thôi

 

Lỡ chuyến tàu mọi sự đổi thay

Tại ta hay mệnh số an bày

Ta đã vội phải đâu không vội

Nhưng rồi rốt cuộc chẳng tới tay

 

Biết đâu như thế mà lại hay

Biết đâu trong rủi có cái may

Thua keo này ta bày keo khác

Lỡ chuyến này ta đợi chuyến mai

 

Thời cơ chưa tới hãy cứ chờ

Chuyện đời vốn chẳng dễ như mơ

Miễn đừng quan trọng hóa sự việc

Vội hay không vội cũng tới bờ

 

Người Phương Nam

Tâm Hồn Tôi Và Dân Tộc Tôi - Bình Thanh Nguyễn

Trong một tùy bút gần đây, tôi có viết: “Tâm hồn người Việt Nam, không ai hiểu thấu nổi!”  Quả có như vậy.  Nhất là sau khi qua Mỹ định cư, tôi có dịp sống cận kề người Việt hải ngoại hơn nữa.  Nhớ lại quãng thời gian làm biên tập viên cho một đài truyền hình nói tiếng Việt ở địa phương, tôi được đọc rất nhiều báo online…Chủ trương chính của mạng truyền thông bên này là chống Cộng Sản.  Có nhiều bài viết rất cực đoan, tuy cũng có bài phân tích sâu sắc và khoan hòa, nhưng nói chung hầu như không thể nào dung thứ cho người Việt Cộng Sản sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.


Người Việt ở Mỹ hiện có đọc hoặc có nghe đọc các bài báo ấy hay chăng?  Họ có thể có hay có thể không.  Qua bao nhiêu năm, mấy ai còn tha thiết nữa – Chuyện nước Việt Nam – Nước Mỹ đã cho họ cả một cuộc đời.  Sống trong luật pháp và văn hóa Mỹ, ai là người còn thời gian thư thả ngồi nhớ nhung dĩ vãng.  Nước Việt Nam Cộng Hòa thật đã mất rồi.  Tên gọi và đất nước hình chữ S giờ vẫn nằm trong sự hằn thù chia rẽ không ngừng.  Ngay cộng đồng Việt ở Mỹ cũng đã ngầm phân biệt kẻ qua trước người đi sau rõ ràng.  Người ta cho việc đó là lẽ đương nhiên.  Mặc dù người Quốc Gia trước nay còn ở trong nước cũng chưa bao giờ đồng hóa với Cộng Sản.  Dưới sự cai trị của giai cấp cán bộ đỏ, tất cả phải nhẫn nhịn, thế thôi.  Tuy chẳng ưa gì cái chủ nghĩa Cộng Sản nọ, cũng mong nó bị lật đổ, (dẫu thực tế hiển nhiên rằng lớp người cầm quyền đất nước hưởng quá nhiều lợi lộc từ chủ nghĩa ấy, bảo họ buông tay là chuyện không tưởng) nhưng người Việt chúng ta chắc hẳn cũng không bao giờ muốn nước mình trở lại thời chiến tranh điêu tàn ngày cũ.  Nên đành chịu vậy.

Ở hải ngoại, người ta mãi gieo rắc niềm uất hận (thông qua các phương tiện truyền thông…) thì trong nước, người ta cũng nuôi dưỡng thù hằn (có thể thấy rõ ở chương trình giáo dục căn bản…)  Không một ai cất lên tiếng nói đi ngược lại cộng đồng mình đang sống cùng.  “Ai cho kén chọn vàng thau tại mình?” (“Truyện Thúy Kiều,” Nguyễn Du)  Về các bài báo trong nước hay hải ngoại, không khó để nhận ra người ngồi gõ phím có khi cũng thờ ơ với những ngón tay của họ.  Ở Việt Nam thì còn đổ cho cơ quan chính phủ kiểm duyệt, không thể nói theo ý muốn, e là mang tiếng “Phản Động!”  Ngược lại, ở Mỹ thì sao?  Không phải xứ tự do ư?  Thưa rằng người ta cũng sợ chứ!  Sợ bị chụp lên đầu hai chữ “Cộng Sản!”  Vì vậy, ai lỡ chửi là phải chửi tới cùng (Tôi phải dùng đến từ “Chửi” là đủ hiểu)  Nếu không, hãy giữ im lặng tới cùng.  Tôi đã sống ở nước Việt Nam Cộng Sản khoảng 40 năm.  Đã nếm trải mọi đắng cay.  Vậy mà đứng trước cái nhìn của đồng bào ở Mỹ đây, tự lòng tôi cũng phát sinh một ý niệm đối kháng – dẫu chỉ thoáng qua giai đoạn đầu mới tới – Ví như với một lớp người khác, không được tu dưỡng từ một nền giáo dục tương đối hoàn chỉnh ở Sài Gòn trước năm 1975, liệu có thể hòa hợp được không?  Hay rồi ai nói mặc ai, “Anh kỳ thị tôi thì tôi cũng chẳng cần anh!”  Cứ vậy mà sống thôi.  Còn tôi, tôi trông giống như một kẻ lâm vào cảnh “Lỡ làng nước đục bụi trong” (“Truyện Thúy Kiều,” Nguyễn Du) Hơn 40 năm ở Việt Nam, tôi phải im lặng, sau qua Mỹ rồi, tôi cũng thấy cần phải im lặng nốt.

Riêng chuyện mạt sát lẫn nhau thì người Việt chưa lúc nào ngừng nghỉ, nhẹ nhất cũng phải chê bai nếp sinh hoạt của nhau.  So sánh với thực trạng xảy ra, có vẻ mâu thuẫn một cách lạ lùng.  Chúng ta không tự hỏi sao Việt kiều căm ghét chế độ Cộng Sản là thế mà cứ muốn về thăm, rồi truyền tai nhau khen ngợi rằng bây giờ ở Việt Nam sống sướng lắm (???)  Còn người dân trong nước luôn ca tụng chủ nghĩa xã hội Việt Nam là tốt đẹp, sao hễ có cơ hội là qua Mỹ định cư ngay (???)  Nguyên ủy của việc này có lẽ do ở tư tưởng muốn được hưởng thụ của con người Việt Nam.  Thành ngữ mình có câu “Đất Lành Chim Đậu!”  Bởi thế cho nên, có tiền thì phải tìm nơi mà an hưởng.  Việt kiều còn ăn còn đi chơi được, thì thích về lại quê nhà để ăn chơi dễ dàng.  Những ai trong nước chưa yên tâm vì sở hữu tài sản bất minh, qua nước tư bản là một lối thoát an toàn.  Nghĩ cho cùng, chẳng có gì mâu thuẫn nhau trong cung cách sống của họ.  Chỉ là mở miệng phải chửi mắng nhau, cho thỏa cái tâm lý bất phục tùng muôn năm của người Việt Nam mà thôi.

Mảnh đất lành kia, Việt Nam hay Mỹ, không chút gắn bó với tâm hồn. Yêu giòng sông ngọn núi đến đâu cũng cần có hạt lúa nuôi thân.  No nê rồi mới thấy nhớ ánh trăng trôi trên sông, sóng mây vờn quanh núi.  Bay đi bay về là một lựa chọn thích hợp trong thời đại này, như loài chim di thê vậy.

Vả chăng, vận nước đổi thay khiến cho người Việt ly hương giờ đã nhận biết giá trị của hai chữ  “Tự Do,” so với lòng cuồng nhiệt chống ngoại bang từ thuở xa xưa.  Hiện nay, họ nhiệt thành bảo vệ nền dân chủ nước sở tại và về thăm quê nhà với một vẻ cao ngạo của người thắng thế.  Thoạt đầu, đồng tiền kiếm được ở xứ người như tượng trưng cho sự đắc thắng… Về sau này, sự kiện dân tư bản Đỏ trong nước tìm cách chạy sang các quốc gia họ luôn miệng gọi là “kẻ thù của nhân dân” mà sinh sống, để tiêu xài đồng tiền họ có được trong mấy mươi năm qua, khiến cho niềm tự hào của người xa xứ dần trở thành vô nghĩa (nếu chỉ so sánh về mức độ sở hữu.)  Điều này càng làm cho sự khinh rẻ, ghét bỏ trong lòng dân Việt dành cho nhau gia tăng, nhưng rốt lại cũng có một điểm dễ dàng nhận ra:  Ấy là sự bay đi bay về thoi đưa giữa hai bờ đại dương, của cả hai phía, khiến những lời lẽ hùng hồn kia, thông qua giới truyền thông, dần dà đều hạ giọng xuống.  Hòa hoãn hơn, một bên chờ đợi ngày những tâm hồn thương tổn xưa kia về với đất hết cả; một bên mong mỏi đến ngày cái chủ thuyết không tưởng nọ tàn lụi đi.

Người ta già rồi sẽ chết, hẳn nhiên như vậy.  Nhưng cái chủ thuyết Cộng Sản ai cũng cho là không hiện thực, ắt sẽ bị diệt mất, thì suy nghĩ đó quá thơ ngây.  Nó không thực hiện được, nhưng đâu có nghĩa nó không hái ra tiền cho người dùng nó làm bình phong?  Cốt yếu ở đây là nó giúp cho nhà cầm quyền Cộng Sản có tiền có uy danh, mà không phải vất vả cạnh tranh như ở xã hội tư bản.  Tôi đã may mắn sống trong lòng một nước tự do, đã từng nuôi một vọng tưởng về đồng hương của mình chung quanh, sẽ cùng giúp đồng bào thoát nạn Cộng Sản … Ngay sau đó không lâu, tôi nhận ra sự ấu trĩ của niềm vọng tưởng ngờ nghệch ấy.  Tôi ngừng làm việc biên tập tin tức – Hai năm, đủ để tự suy xét mình và người – Tâm hồn tôi lành lặn dần, nguôi ngoai những nỗi bi thương.  Tôi nhìn dân tộc tôi bằng một niềm cảm thông khác trước.  Vận mệnh một quốc gia, không chỉ một vài cá nhân nói cho sướng miệng là được.

Dù sao, tôi biết mình đang ở đâu cũng là một điều không tệ.  Còn việc gõ phím ghi lại những gì tôi muốn bày tỏ, chỉ cho riêng tôi đọc hay có thể đưa ra để nhiều người đọc, chính là một quyền tự do quý báu mà nước Mỹ đã tặng cho các công dân Mỹ.  Hơn 30 năm trước, người Việt Nam muốn có nó phải đánh cược bản thân với sự sống chết trên biển.  Ngày nay, dùng nó như thế nào, cũng là tự do của mọi người.  Tôi phải tôn trọng bằng cách im lặng.  “Trăm năm để một tấm lòng từ đây!” (“Truyện Thúy Kiều,” Nguyễn Du)


San Jose, 08/13/2024

Bình Thanh Nguyễn

Đất Gần Trời Xa - Đỗ Công Luận

Tuesday, February 18, 2025

Tôi Sướng Hơn... Elon Musk Và Ông Trump


Từ khi ông Trump lên làm tổng thống, bao sự đổi thay. Người khen không thiếu, người chửi mắng cũng không phải là ít. Và dĩ nhiên cái người theo phù tá ổng là Elon Musk cũng bị cuốn theo cái vòng xoáy này. 

Lúc ông Trump bị bắn hụt vào tai, Elon từ chàng ủng hộ bên đảng Dân Chủ đã xoay trục và lên tiếng ủng hộ ông Trump một cách nhiệt tình. Không chỉ bằng lời nói, mà hàng trăm triệu dollars được đổ vào cuộc bầu cử năm rồi. Có thể nói 1/3 số tiền đóng góp cho uỷ bang vận động là từ ổng, và ông ấy đóng góp 50% vai trò vào sự thành công để ông Trump bước chân vào lại nhà trắng. 

Và để có một sự thay đổi từ thượng tầng của chính quyền trung ương, ông Trump cho Elon đi theo gần như mọi cuộc vận động, đồng thời manh nha ý tưởng về một bộ mới, mà sau này chúng ta  biết được, nay gọi là DOGE.  

Lúc ấy, chẳng một đối thủ chính trị nào để ý đến cái sáng kiến này cả. Họ không tin là chén cơm mà họ được ăn từ nguồn tiền thuế, đang và sẽ bị đập bể. Ăn quen bén mùi đã thành một tập tính của những chính trị gia không sống mà chỉ dựa vào mỗi lương, mà phải là những mối lợi đi kèm theo đó.  

Và khi cái bộ mời (DOGE) do ông Trump nghĩ ra được đi vào thực tế, thì cơn địa chấn bắt đầu rung chuyển toàn bộ hệ thống chính trị đất nước to lớn này.  

Bây giờ, ông Elon Musk từ một ông tỉ phú được khen ngợi giỏi kiếm tiền thì thành một kẻ tội đồ (của một số người).

Họ chửi ông không sót một từ nào. Nguyền rủa không trật một phát nào. Trả thù không sót một mưu mô nào.  

Số phận ông ấy từ chỗ chỉ có vài vệ sĩ đi kèm, thì giờ bao quanh ông ấy là một đội ngũ những đặc nhiệm tinh nhuệ nhất mà nước Mỹ có thể có để bảo vệ một yếu nhân. 


Ông ấy không được tham dự một cuộc vui hay ăn một món từ bên ngoài, nếu chưa qua một quy định kiểm tra gắt gao. Không ai được biết vị trí ông ấy ở đâu, tối nay ngủ nơi nào, và mọi sự giao tiếp đều bị hạn chế một cách nghiêm ngặt. 

Khi có bất kỳ một phán quyết từ toà dừng công việc lại, thì có những câu nói y chang bên Việt Nam được những người ghét tung ra: 

- Elon, mày chỉ là 1 thằng bán xe điện. Hãy trở lại nơi mày xuất phát.  

Đời tư Elon bị lật tung. họ nói ông ta là du học sinh từ Nam Phi. Qua Mỹ cũng chẳng học hành bao nhiêu. Nhờ trời thương cho cái tài hơn người mà thành tỉ phú, chứ chẳng có bằng cấp cao. Rồi vận may xui khiến, thành người có tiếng nói chỉ dưới một người mà trên hàng vạn người. 

 

Thậm chí, có thuyết âm mưu là ổng mới thực sự là người đang điều khiển đất nước này. Mỹ đang có những bất đồng với Nam phi về một số vấn đề. Nên nghe giang hồ đồn thổi là chính phủ Nam Phi đang cho lục tung cái hồ sơ lúc Elon hồi còn ở trong nước để làm vũ khí điều đình với Mỹ.  

Chờ xem. 

 

Trong khi ấy, sản lượng xe điện bán ra sụt giảm, không chỉ Mỹ mà còn ở Châu Âu vì ông Trump đang có chính sách dùng xe xăng, mà bơm xăng không giới hạn nữa! 

Không những thế, ông còn bãi bỏ nhiều chính sách về năng lượng xanh, vốn là thế mạnh của công ty Tesla mà nếu ông Trump không lên làm tổng thống, thì con số tài sản ông ấy có thể có lên đến gấp đôi hiện nay một cách dễ dàng.   

Chuyện còn dài lắm. 


Với biết bao những lời bỉ ổi, xấu xa từ những con sói trên đồng hoang đang gào rú vì mất miếng ăn, cùng những thiệt hại nặng nề do ủng hộ ông Trump, sống không yên một ngày, ngủ bờ ngủ bụi, ngủ trên nền đất với cái chăn quấn quanh người, thì liệu Elon được cái giống gì mà phải chịu muôn vàn sự khổ sở đến thế? 

- Danh tiếng ư? 

- Tiền tài ư? 

- Sự trọng vọng từ người đời ư? ...  

Không, ổng có tất cả những sự ấy. Đâu cần thêm để được gì mà còn bị ngàn vạn người ngoài kia xem là kẻ thù. 


Trong khi ấy, Elon chỉ có một cái code vào cửa cái cơ quan nào ông ta kiểm tra, còn các toà nhà mà ông Trump không cho phép thì ông ta cũng như người khác, không được vào. 

Làm gì, ông ấy cũng phải trình báo trước. Ông Trump gật đầu mới được làm. Vậy ai đang thực sự điều khiển ai đây? 

Chụp cái hình ở phòng bầu dục mà tức khắc thành tổng thống thì khối vạn người đã được làm điều ấy, chứ không chỉ nước Mỹ có 45 người từ 1776 đến nay. Đúng là hữu danh vô thực rất chính xác trong trường hợp này.  

Vậy mà cũng có người hùa theo cắn xé thì tôi cũng lấy làm lạ. Cũng như ông Trump, già chừng đấy rồi, vinh hoa phú quý không thiếu gì rồi. Ham làm tổng thống mà chi để những người không hiểu chuyện nguyền rủa, để những kẻ không có cái đầu chống đối? Ăn không ngon, ngủ không đủ giấc. Khổ còn hơn con ở làm công nhận tiền lương tối thiểu. 

Sáng nay, có anh comment nói tôi là đứa chỉ là thằng bán hàng trên mạng, chứ có giỏi giang gì mà bày đặt làm chính trị chính em, nói chuyện thế giới? Và dĩ nhiên là những bài viết của tôi dạo gần đây gây cho nhiều người với những sự phật lòng. 


Nhưng dẫu sao tôi cũng ... sướng hơn ông Elon Musk, thậm chí sướng hơn cả ông Trump. Tôi cơm ngày hai bữa vài đồng. Tiền bạc thì đủ tiêu đủ xài. Ai ghét tôi thì cùng lắm họ xả khí dăm câu cho hả cái tức trong người, chứ tôi có đi bộ long rong ngoài đường cũng chẳng ai thèm giết, chó cũng không thèm sủa. Tiền bán hàng, một năm tôi thêm được 2 ngàn lời thì tôi biết là đã giúp được THÊM người các nơi. Mà không bán được thì khỏi, để thời gian đó đọc sách, viết bài, trang trí nhà cửa. Tôi chẳng phải lo kinh tế, với các chính sách nhà nước hay tẩy chay làm hao hụt thu nhập cá nhân. Tối tôi muốn đi ngủ lúc nào cũng được. Mệt thì 9 giờ lăn phèo ra ngáy. Phởn lên thì ngồi coi phim, đọc sách rồi ngủ lúc 1-2 giờ sáng. Chẳng ma nào thèm dòm ngó mình. Sáng thức dậy lúc nào cũng được, không bị ai kiểm tra, hay phàn nàn... 


Đâu như ông Trump mà có đứa nó comment: 

- Này, cho hỏi cái lão này có ngủ không vậy? Chứ tao đi ngủ đêm qua thấy lão đang thao thao bất tuyệt với đám phóng viên ở Washington DC; Sáng mở mắt ra thì nghe nói lão ấy đang Florida gặp ai đó rồi. Lão là người hay tinh vậy? Làm tổng thống vậy thì có cho tiền cũng chẳng ham.  

Ông Elon Musk cũng vậy thôi. Ngày xưa ổng ... làm tình với ai cũng được. Giờ thì họ rình mò xem ai là người ổng sẽ ngủ đêm nay. Đến con cái ổng cũng phải được bảo vệ đến tận giường ... Sống vậy thì thà chết sướng hơn. Chẳng ham. 


Thật lòng, nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Mà nói ông Trump, ông Elon vì đất nước quên mình, hy sinh mọi sự thì họ bảo mình dựa hơi, ăn theo, thấy người sang bắt quàng làm họ, theo voi hít bả mía, bám váy đĩ mà ngửi mùi nước hoa... 

Mà cứ so sánh giữa cuộc sống tôi với mấy ổng, tôi thà như hiện nay lại thích hơn. 

Còn ai nói tôi nịnh nọt để được lợi hay viết bài theo định hướng thì giúp tôi một chuyện thôi: Đến nhà tôi cho thuê, nói mấy đứa ở trọ trả tiền nhà cho tôi đúng ngày tháng có được không vậy? Còn có dăm đứa nợ tội cả năm chưa trả thì tôi cho luôn chứ không trông mong là sẽ đòi được rồi đó. 

Giúp tôi được vậy thì tôi sẽ kính trọng người đó còn hơn ông Trump, ông Elon luôn. Bởi 2 ông đó có cho tôi đồng xu bạc cắc nào đâu mà tôi phải quan tâm chi cho nhức đầu... 

 

Còn vì sao mà tôi ủng hộ dù có những điều tôi không thích từ hai ông ấy ư?  

Đơn giản thôi! 

Vì nếu để cái bà thích cười hô hố kia lên làm tổng thống thì tương lai đất nước này toang hoang. Tương lai con cái anh chị bị ảnh hưởng; chứ như tôi,  cái thằng vợ con không có, chó mèo không thích nuôi thì việc gì tôi phải ... xoắn cho người ta ghét? 


Hiểu không vây?

Little Saigon, USA 🇺🇸 xin nhận nơi này làm Quê Hương ❤️ | TÔI SƯỚNG HƠN .. | Facebook

Lá Thư Tình - Nguyễn Duy Phước

Người Mẫu - Phương Trà

Hình minh họa

 

- Em tên gì?
- Dạ, em tên Mai.
- Em đến đây lâu chưa?
- Dạ, hơn hai năm rồi.
- Em ở miền Tây à?

Thằng bạn ngồi bên cạnh hấp háy mắt, ý nói không ở miền Tây, chẳng lẽ ở miền Bắc? Nhưng mà cũng phải nói vài câu gì đó để xua đi cảm giác gượng gạo ban đầu.

Mai (cứ gọi như vậy đi dù tám mươi phần trăm đó không phải là tên thật) không đẹp ngất ngây như lời quảng cáo của bà chủ nhưng nhìn cũng dễ thương. Mặt tròn da trắng tóc dài, hơi lạ là không nhuộm nâu nhuộm đỏ như hai cô gái ngồi cạnh bạn tôi. Mai cũng không quá bạo dạn. Cử chỉ thân mật nhất của cô là lấy khăn ướt lau nhẹ lên mặt tôi. “Anh hai sẽ thấy dễ chịu” - cô nói.

Nhạc dội vào tai. Những bài boléro mà mỗi khi hát lên, tụi bạn lại kêu nhớ quê ngoại quá! “Quê ngoại” của đám đàn ông đều ở miền Tây, nơi rất nhiều cô gái trẻ dạt ra miền Trung, làm chỗ gác tay cho bọn ngà ngà say hứng chí rủ nhau đi hát hò. Như Mai, như hai cô gái tóc đỏ tóc nâu kia.

- Anh hai chắc làm trong cơ quan nhà nước?

- Mai nghiêng chai rót bia vô ly. Cô làm việc đó giống như đang biểu diễn nghệ thuật.

- Tôi vẽ tranh - Vừa trả lời tôi vừa tự hỏi mình nên nhích ra hay là ngồi sát vào cô gái này thêm chút nữa.

- Mèn ơi, anh là họa sĩ! - Cô gái kêu lên, cứ như đang đi chợ chợt nhìn thấy một tờ năm trăm nghìn ngay dưới chân mình.

- Em thích tranh à?

- Em cũng không biết nữa - Giờ thì Mai dịch ra một chút, hình như là để nhìn tôi một cách bao quát, xem cái gã nhàu nhĩ vì bia rượu này có đúng là họa sĩ không - Hồi nhỏ em thích vẽ. Má nói em vẽ giống y chang.

- Sao em không đi học vẽ?

Hỏi xong mới thấy mình cực kỳ đần. Những cô gái như Mai, những cô gái viết tên mình còn nghệch ngoạc thì làm sao học vẽ và học để làm gì? Có cái quán bia nào đưa ra tiêu chuẩn tuyển nhân viên biết vẽ đâu.

- Anh thường vẽ gì?

- Đủ thứ. Thích gì vẽ nấy - Tôi nói cho qua chuyện.

- Có vẽ phụ nữ hông?

- Có chứ. Anh vẽ phụ nữ khỏa thân. Tức là những phụ nữ không mặc quần áo. - Tôi vừa nói vừa cười, hy vọng rằng cái chi tiết không mặc quần áo sẽ chấm dứt câu chuyện tranh pháo để chuyển qua đề tài khác thiết thực hơn, nhất là khi người ta đã đi vào một phòng karaoke kín cửa cao tường.

Cô gái tóc dài bưng ly bia lên, nhấp môi một chút rồi để xuống. Đôi mắt tròn của cô đang nhìn vào một chỗ nào đó trong phòng. Rồi cô ngồi dịch sát vào, ghé tai hỏi một câu làm tôi muốn té ngửa:

- Nếu em không mặc quần áo, anh có vẽ em hông?

******

Con Hường nói mày khùng quá, tự nhiên cởi đồ cho người ta nhìn rồi vẽ. Mình nói thì tụi mình cũng cởi đồ cho người ta nhìn hoài, có điều không ai vẽ hết. Trời đất, hai chuyện đó khác nhau mà. Con Hường nói trước khi chui vô mùng.

Nó than độ này tao uống hai ba chai là tim đập đùng đùng rồi hai con mắt dít chịt. Gái rót bia mà uống kiểu này chắc giải nghệ sớm. Mình nói giải nghệ cũng được chớ sao. Nó nói đồ khùng, biết làm gì mà sống, rồi lấy tiền đâu cho ba má tao chuộc cái nhà?

Nhà mình không bị cầm nhưng má đau bệnh suốt, ba theo vợ bé mấy năm nay. Và mình còn tới bốn đứa em đang đi học.

Mày mê thằng cha đó hả? Coi chừng thiệt thân nghen mậy. Từ trong mùng, Hường nói ra. Nó lo vậy cũng đúng. Con Mơn - hồi trước làm ở quán này - mê một thằng. Mê đến mức kiếm được bao nhiêu tiền, sau khi chừa ra gởi về quê, số còn lại nó giao hết cho thằng đó. Cũng từ khi mê thằng đó, nó tập uống bia như uống nước lạnh. Nó nói phải ráng kiếm tiền, dành dụm mua miếng đất, nhỏ chút xíu xiu cũng được, rồi cất cái nhà chớ chẳng lẽ ở vầy hoài, làm vầy hoài. Đất chưa mua, nhà chưa cất được thì vợ thằng đó xộc vô quán. Con Mơn hồi giờ đâu có hiền, vậy mà bữa đó đứng như trời trồng để bà vợ nhào vô tát tai, giựt tóc. Tự nhiên nó ngu bất tử vậy. Chị em xúm vô can. Bà kia hả hê rút đi, con Mơn đứng khóc ròng. Vậy mà ảnh nói ảnh chưa có vợ. Mèn ơi, mày khùng nặng rồi. Ai lại đi tin mấy thằng đàn ông!

Mình đâu có mê anh họa sĩ, nhưng mình thích công việc của ảnh. Học chữ khó thấy mồ (mình học tới lớp 2 nên mình biết), học vẽ chắc còn khó hơn. Vậy mà ảnh vẽ được. Giỏi thiệt! Nếu ảnh vẽ cho mình một bức để mình treo trong phòng, có phải hay quá là hay không. Sau này mình chết đi, bức tranh đó cũng còn, người ta cũng nhìn thấy mình ở đó.

******

Cứ tưởng chỉ nói chơi, ai ngờ Mai đến thật. Sáng chủ nhật, tôi đang ngồi nhâm nhi cà phê và nhìn bầu trời trong veo, tự hỏi mình sẽ làm gì trong ngày hôm nay thì Mai tới. Cô gái ăn mặc rất đơn giản, áo thun màu lá mạ, quần jean, tóc dài cột cao, trang điểm cũng rất nhẹ. Nhìn Mai, đố ai biết cô làm trong quán karaoke, thuộc nhóm đối tượng mà các bà vợ vẫn gọi là bọn mắt xanh mỏ đỏ.

Tôi đưa Mai vào căn phòng bừa bộn những toan những cọ, căn phòng nhỏ như cái lỗ mũi nằm giữa khu vườn bề bộn nào chuối nào dừa. Khu vườn hoàn toàn tách biệt với ngôi nhà của gia đình tôi. Tay cầm túi xách, Mai lẽo đẽo đi phía sau tôi trên lối mòn ngổn ngang đám mười giờ, hỏi: Chị đâu anh?

Vợ tôi đã đi đâu đó cùng người phụ việc trong quán cà phê. Cái quán nuôi tôi và hai đứa con đang tuổi ăn học. Chính xác là cái quán đó nuôi tôi, vì tiền bán tranh chỉ đủ để cà phê cà pháo với bạn bè, mua toan, sơn… và tái sản xuất.

- Vẽ ở đây hở anh?

Mai kéo ghế ngồi xuống, cử chỉ rất tự nhiên. Cô nhìn căn phòng bằng ánh mắt của một đứa trẻ đang đứng trước cây thông Noel, dưới gốc chất đầy quà. Tôi tự hỏi căn phòng phải nói là tồi tàn của mình có gì làm cô thán phục đến vậy.

- Vợ anh chẳng mấy khi đến đây, nếu không có việc gì thật cần thiết - Tôi đốt một điếu thuốc - Cô ấy tôn trọng công việc của anh. Và em đừng ngại, không có ai vào đây đâu. Nếu vẽ thì anh sẽ khóa cổng.

- Dạ.

Tôi nghĩ mình nên nói để cô gái karaoke này hiểu một chút về công việc của mẫu, một công việc rất đặc thù. Tôi muốn Mai biết rằng khi cô thoát y và nằm một cách mơ màng trên tàu lá chuối cạnh cửa sổ căn phòng, tôi sẽ ngắm nhìn Mai bằng đôi mắt của một họa sĩ chứ không phải của một người đàn ông. Những rung cảm, nếu có, là rung cảm trước cái đẹp, chứ không phải trước nhục dục. Về lý thuyết là thế.

Tôi giảng giải một hồi để Mai yên tâm và có thể tạo mẫu một cách tự nhiên. Bởi, dù cô ấy là gái karaoke thì phải khỏa thân hàng nửa giờ liền dưới ánh sáng ban ngày, trước một người đàn ông xa lạ cũng không phải là chuyện dễ.

Cô gái karaoke chăm chú lắng nghe. Và khi tôi kết thúc bài diễn thuyết, không một chút bối rối hay lưỡng lự, cô hỏi:

- Thay đồ chỗ nào vậy anh? À, cho em mượn đỡ miếng vải hay cái khăn chút xíu.

******* 

Có khi mình khùng thiệt. Khùng nên mới tới đây, quấn mình trơ trọi trong cái khăn lông to chù ụ. Mình cứ tưởng chuyện cũng đơn giản nhưng hình như không phải vậy.

Người họa sĩ vừa bày đồ nghề ra vừa hút thuốc, coi bộ không nôn nóng, cũng không để ý tới mình. Hình như ảnh vừa liếc xéo qua, miệng nhếch lên giống như đang cười. Chắc ảnh nghĩ con cave bày đặt vẽ vời. Mình sẽ cho ảnh thấy mình là mẫu đàng hoàng. Mình tới đây vì muốn có một bức tranh chớ không phải có ý tào lao.

Có chuyện gì vậy ta? Có chuyện gì khi mình nằm xuống tàu lá chuối và mở chiếc khăn tắm ra. Anh họa sĩ lướt qua người mình, chỉ lướt qua thôi. Ảnh nhìn mình bằng đôi mắt của họa sĩ. Ảnh vừa nói như vậy mà. Nhưng hình như không phải. Hình như ảnh giật mình.

Không phải đôi mắt của họa sĩ. Đôi mắt của người đàn ông đậu xuống ngực. Chính xác là ngực trái. Rồi, đôi mắt xuyên qua, xuyên qua. Cây cọ vừa chạm vô hộp màu run lên nhè nhẹ. Không phải mình tưởng tượng đâu. Rõ ràng mình thấy cây cọ run lên. Bàn tay phải của người đàn ông run lên. Làm như đây là lần đầu tiên ảnh nhìn thấy ngực phụ nữ. Mà, ngực của mình đâu có gì đặc biệt. À, trên ngực trái có nốt ruồi son. Chẳng lẽ tại cái nốt ruồi?

Người họa sĩ châm điếu thuốc khác. Rít một hơi dài, nhả khói, rồi ảnh lại lướt qua mình. Lần này là đôi mắt khác. Nó phẳng lặng như mặt nước trong ao, sau khi người ta đã tát, bắt sạch không còn một con cá nào.

- Em nhìn chếch lên một chút, một chút nữa. Vậy đó. Mơ màng hơn một chút. Đúng rồi. Như vậy mới đẹp.

Hình như người khác đang nói với mình chớ không phải người đàn ông mình đã gặp mấy ngày trước trong quán karaoke, cũng không phải người họa sĩ vừa giảng tràng giang đại hải chuyện làm mẫu. Tiếng nói nhẹ, nghe thiệt ấm áp. Làm như mình với ảnh đã quen thân lâu lắm rồi.

- Em sao vậy? Mỏi rồi hả?

- Dạ không. Chỉ là… chỉ là…

- Nếu mỏi thì nghỉ, đừng ráng nghe.

Hồi giờ có người đàn ông nào nói với mình tình cảm như vậy không? Có.

Nhưng mà lâu lơ lâu lắc rồi. Người đó bây giờ chắc vợ con đùm đề. Nhiều năm không gặp, bây giờ giả như có tình cờ lướt qua nhau, chưa chắc đã nhận ra.

*******

Hình như tôi bị hoa mắt. Khi chiếc khăn vuột xuống, tôi tưởng lại nhìn thấy em. Trên phiến lá xanh, em duỗi chân, hướng mặt về phía cửa sổ với đôi mắt rụt rè, hồi hộp. Ngực em phập phồng như đóa hoa đã uống cạn sương sớm, và môi em hé mở như thể sắp sửa bật ra tiếng cười.

Đúng là tôi hoa mắt. Em xa tôi nhiều nghìn cây số và tôi quyết quên em bằng đám cưới với một người con gái khác. Bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng bao nhiêu năm. Không một dòng thư. Không một cuộc gọi. Tôi biết mình vĩnh viễn ra khỏi cuộc đời em. Nhưng mối tình say đắm và cay đắng không phải là một bức tranh để tôi có thể dễ dàng bôi xóa. Tôi bôi xóa em bằng những đêm tình chóng vánh để rồi hôm sau thức dậy thấy mình nửa người nửa ngợm.

Những chuyện chẳng hay ho đó, hình như vợ tôi biết. Nhưng cô ấy vẫn im lặng. Có thể cô ấy nghĩ rằng sống dưới một mái nhà và sinh cho tôi hai đứa con, vậy là đủ rồi. Có thể cô ấy không còn dành cho tôi tình yêu cùng sự ngưỡng mộ như ngày trước.

Nhưng ở một nơi nào đó trong thân xác mệt nhoài, từng mạch máu của tôi vẫn đập mạnh khi có người nhắc đến tên em, nói rằng vừa gặp em về nước, rằng em vẫn đẹp, đôi mắt vẫn thăm thẳm buồn. Sao em lại buồn khi mà cuộc sống có vẻ như quá mãn nguyện? Bạn tôi nói, mày muốn gặp thì tao bố trí cho. Gặp ư? Gặp để làm gì? Đi hát hò coi bộ vui hơn. Thì đi! Và tôi gặp cô gái karaoke ở đó. Mai không xinh không đẹp, chẳng có gì giống em. Ngoại trừ một nốt ruồi son như giọt máu rơi trên ngực trái.

Hình như Mai biết tôi bối rối khi mắt chạm vào ngực cô ấy. Hẳn Mai sẽ cười khẩy trong bụng mà rằng, thằng cha này cũng như nghìn vạn thằng, bày đặt nói đôi mắt này đôi mắt nọ. Giống như tôi đã cười khi nghe Mai hỏi về tranh pháo. Chẳng phải người ta vẫn nhìn vào công việc để đánh giá một người đó sao. Theo logic đó, Mai xứng đáng bị coi thường. Tôi đã coi thường, cho đến khi nhìn thấy cái nốt ruồi màu đỏ.

Trùng hợp đến mức không thể nào tin được, cái nốt ruồi cời vào những tàn tro làm tôi quay quắt nhớ em.

******* 

Con Hường nói, coi chừng thằng cha đó làm mày chết như phim chưởng. Tầm bậy, làm sao mà chết được nếu chỉ nằm nghiêng nghiêng trên tàu lá chuối và nhìn ra khu vườn đầy gió. Tao thích khu vườn. Nó làm tao thấy yên bình, dễ chịu. Nó có rất nhiều không khí để thở, khác xa với phòng karaoke nồng nặc mùi thuốc lá, mùi bia, mùi dầu thơm xịt phòng. Và mày cũng thích anh chàng họa sĩ nữa chớ.

Ừ, thích. Tại vì ảnh nhìn tao bằng cặp mắt rất khác với mấy thằng cha vô quán karaoke. Là sao? Ảnh nhìn tao giống như nhìn một bức tranh. Đúng là khùng. Nhìn một bức tranh thì có ra tiền được không?

Con Hường bật quạt, chui vô giường trùm mền. Tội, mọi thứ nó đều tính thành tiền, cũng tại căn nhà của ba má nó - căn nhà mà nó từng bò tới bò lui dưới đất, bị kiến cắn sưng chưn cẳng (nó kể vậy) vẫn mịt mờ trong tay người khác. Bầy em lúc chúc của nó nhiều đêm giựt mình thức dậy, tụm lại trong góc chòi chăn vịt vì nước mưa nhỏ xuống tong tong. Và xa hơn, cũng tại thằng cha mà nó thương đi cưới con nhỏ có quầy thuốc tây gần chợ. Đám cưới xập xình xe cộ chớ không rước dâu bằng xuồng. Con Hường cầm dao phăng phăng đi, chặt một cái phựt vô… cây dừa, thề độc: Tao mà không kiếm được nhiều tiền, thà chết mất xác chớ không về!

Mình cũng như nó, lâu rồi không về. Hôm qua nằm trên tàu lá chuối nhìn ra, thấy ngọn dừa đung đưa đung đưa, tự nhiên nhớ nhà kinh khủng, thấy trống trải kinh khủng. Rồi tự nhiên, mình ước ao cây dừa kia là của mình, khu vườn kia cũng của mình. Nghĩ xa hơn một chút, nếu ảnh chưa có vợ, mình sẽ hàng ngày làm mẫu để ảnh vẽ…

Mình nằm mơ, thấy ảnh chèo xuồng trên sông, phía sau lục bình chấp chới. Mình bơi theo hụt hơi, kêu anh ơi anh hỡi mà ảnh không nghe. Tỉnh dậy, tim còn đập thình thịch.

Lại nghĩ, nếu ảnh chưa có vợ, hằng ngày mình sẽ tới nấu canh chua cá lóc cho ảnh ăn, nướng khô sặc cho ảnh nhậu chơi…

Con Hường nói mày thương thằng cha đó thiệt rồi. Chết được!

********

Tranh xong rồi và cũng đã năm ngày rồi Mai không tới. Bỗng nhiên thấy nhớ nhớ. Bằng cái nốt ruồi như giọt máu rơi trên ngực, Mai làm cho tôi nhìn thấy em. Có lẽ đó là lý do duy nhất.

Vợ tôi nói cô người mẫu của anh cũng hay hay. Nếu biết Mai làm chỗ gác tay trong quán karaoke, cá là cô ấy sẽ nói khác. Hỏi thật, em không khó chịu đấy chứ? Sao lại không? Vợ tôi cười, à không, chỉ cái miệng cười, còn đôi mắt thì không. Nhưng anh là họa sĩ mà.

Tôi cầm tay cô ấy và giật mình vì nó thô ráp, móng thì gồ ghề thô kệch do một thời gian dài cô ấy liên tục tiếp xúc với nước. Đôi bàn tay của người phụ nữ mà tôi chưa bao giờ yêu. Cô ấy chỉ là người thay thế. Thay thế vụng về một hình bóng hoàn hảo. Có phải vì vậy mà dù cô ấy đã sinh cho tôi hai đứa con, nuôi dạy chúng và nuôi cả cha chúng, tôi vẫn không để cho cô ấy bước vào trái tim mình.

Thằng bạn thân lại đến rủ đi nhậu. Nó là tay có máu mặt bên xây dựng nên tiền bạc rủng rỉnh. Nhưng mà nó đang cay, rất cay. Con bồ thơm như múi mít vừa đá đít nó sau khi sở hữu được căn hộ chung cư. Mẹ, già đầu mà còn dại. Thằng bạn tư vấn tao đưa cho nó giấy tờ giả, coi thử nó ăn ở thế nào đã. Mình chủ quan, cứ nghĩ nó mê mình.

Tôi an ủi: Thôi, mất tiền thì được kinh nghiệm.

Hai thằng uống hơn nửa thùng bia mà vẫn không say. Rồi nó rủ đi hát. Tôi nói tao mệt quá, để bữa khác. Nếu đi hát, hai đứa lại tới chỗ quen, nhiều khả năng sẽ gặp Mai. Tôi không thích nhìn thấy Mai trong quán karaoke, với áo hai dây váy ngắn nửa đùi. Tôi thích nhìn cô duỗi chân trên phiến lá xanh, môi hé mở như sắp bật ra tiếng cười, ngực phập phồng như vừa uống cạn sương sớm.

Khi ấy, dù không một manh vải che thân, trông Mai thanh khiết vô cùng.

Thằng bạn lái xe đưa tôi về, kèm theo câu dạo này tao thấy mày là lạ, hay là tương tư em nào? Coi chừng dính bẫy đó nghen. Tôi nói tao nghèo kiết, ai mà thèm bẫy.

Sáng ngủ dậy, vợ nói anh vẽ xong rồi mà còn đem công việc vô giấc ngủ. Là sao? Đêm qua anh mớ, nói em ngước mắt lên, mơ màng một chút thì sẽ đẹp hơn.

Giọng cô ấy rất nhẹ, không vui không buồn. Tôi im lặng đi ra vườn.

Trong căn phòng hoàn toàn tách biệt với những ồn ào phố xá, tôi đốt một điếu thuốc và nhìn Mai. Cô mỉm cười. Cô đưa tay lên che ngực. Khi Mai bỏ tay ra, tôi sững sờ khi thấy nốt ruồi như một giọt máu đã biến mất…

Mai đến thật, kéo tôi ra khỏi giấc mơ chập chờn. Cô ngồi nhìn khu vườn một hồi lâu rồi nói em về quê anh à. Khi nào em ra lại? Dạ không, em về luôn. Có chuyện gì ư? Vậy không phải là tốt sao? Chẳng lẽ anh muốn em làm ở quán hoài? Ừ, tốt, tốt chứ! Chỉ là anh thấy bất ngờ quá.

Mai nói, em sẽ rất nhớ khu vườn của anh. Mỗi lần làm mẫu, em nhìn lên cây dừa rồi nhớ nhà kinh khủng. Vườn nhà em cũng rộng. Em nghĩ nếu chịu khó chăm sóc thì cũng có trái cây đem bán... Em muốn có một khu vườn để trưa trưa ra đó ngồi chơi.

Đợi anh chút xíu, anh bọc bức tranh thật kỹ để em mang đi. Không, anh cứ để nó ở đây cũng được. Sao vậy, em thích có một bức tranh lắm mà. Nhà em không có chỗ nào để treo. Với lại… với lại đem bức tranh theo thì em sẽ… nhớ.

********

Có cái gì đó chận ngang cổ. Nếu nói thêm một câu nữa, chắc mình sẽ khóc. Mà, người ta nói đừng tin nước mắt của gái bia ôm.

Mình chỉ làm mẫu cho ảnh vẽ thôi, vậy thì có gì trong cặp mắt người đàn ông mà mình khó bước đi dữ vậy. Có phải ảnh đang nhìn theo mình? Giả dụ lúc này đây, ảnh đưa tay ra, nói em đừng đi, liệu mình có dám ở lại?

Nhưng ảnh không nói gì. Mình biết chắc ảnh sẽ không nói gì và mình phải đi. Thêm một lần gặp, biết đâu lại rơi nước mắt. Phụ nữ sao khổ vậy, hễ rơi nước mắt vì một người thì khó lòng quên được. Mà, càng nhớ thì càng đau.

Vậy thì đi thôi. Nếu có nhớ, chắc ảnh chỉ nhớ cái nốt ruồi. Còn mình sẽ nhớ nhiều thứ. Lần gặp đầu tiên, ảnh hỏi em tên gì, em đến đây lâu chưa. Rồi ảnh nói những lời dịu dàng khi mình làm mẫu. Mắt ảnh buồn thiệt buồn khi biết mình về quê. Mèn ơi, nhớ nhiều vậy thì làm sao mà có một ngày vui cho được?

Con Hường nói mày nhát như thỏ, thương thằng cha đó thì cứ tấn tới. Sợ bà vợ chớ gì? Mày trẻ hơn, chắc cũng đẹp hơn. Ai thắng ai thua chưa biết.

Làm sao mình nói cho Hường hiểu được, đã thương rồi thì không tính tới chuyện thắng thua. Mình chỉ ước ao đơn giản là sáng sáng cầm chổi xương quét vườn, vun lại luống hoa mười giờ, trồng thêm vài bụi sả, ớt. Gần trưa thì xách giỏ đi chợ, nấu nướng xong rồi, mình sẽ vô căn phòng ngập gió, kêu anh ơi về ăn cơm…

Mình ước ao vậy đó, cho đến khi gặp vợ ảnh. Bữa đó ảnh có công chuyện đột xuất, mình tới đứng xớ rớ một lúc thì chị bước vô. Hồi trước chắc chị đẹp. Bằng chứng là cái mũi cao, cái miệng trái tim nhưng cặp mắt thì trõm sâu, chừng như mệt mỏi. Chị nói em ngồi chơi, anh ấy đi một lát rồi về. Chị đưa cho mình ly nước, nói trà xanh ở nhà nấu, em uống cho mát.

Mình bưng ly nước và nhìn thấy hai bàn tay chị. Ngón tay chai sần, khô khốc. Không hiểu sao mặt chị đẹp mà tay lại xấu vậy. Rồi mình nhớ, có lần anh kể chị bán cà phê, gần đây mới kêu người giúp việc còn lúc trước một mình chị làm hết. Anh nói cái quán đó nuôi hai đứa con, nuôi luôn anh nữa. Đất này có họa sĩ nào sống được bằng nghề.

Chắc chị thấy mình nhìn nên rụt tay lại cười, phụ nữ xứ mình, chồng con rồi thì có mấy người được thảnh thơi. Nhưng sống một mình, lúc bệnh đau, tủi lắm. Em nên tìm một người đàn ông tốt để lập gia đình. Chỉ cần họ thương mình, hiểu mình là được.

Hình như chị biết mình làm gì, muốn gì. Biết mà vẫn nhẹ nhàng. Thà chị nói con kia mày tránh xa chồng tao ra, có khi còn thấy dễ chịu hơn.

Uống hết ly trà xanh, mình buột miệng: Em ở đây không lâu nữa đâu. Em sẽ về quê. Chị nói, ừ, con gái có thì. Rồi cũng phải ổn định cuộc sống em ạ.

Khi đưa trả cái ly, tay mình chạm vô tay chị. Bàn tay héo úa. Tự nhiên mình nhớ tới bàn tay má, ngày má còn sống. Cũng chai sần khô khốc vậy đó. Khi biết ba có vợ bé, má khóc lặng, nói chắc tại má xấu hơn, già hơn người ta. Lúc đó mình hận ba ghê gớm. Và cũng hận người đàn bà đã kéo ba ra khỏi mái nhà ghê gớm.

Vậy thì mình nỡ nào làm cho cái vòng lẩn quẩn thương hận đó lặp lại?

******

Hường dặn, mày về quê, thấy có việc gì làm thì gọi điện. Tao kiếm đủ tiền lấy lại cái nhà là về. Cũng sắp đủ rồi. Nghe nó nói, mừng ghê. Thiệt hông? Thiệt. Tao nghĩ kỹ rồi. Người ta sống được thì mình sống được. Tội gì bỏ xứ mà đi.

Ừ thì về làm vườn, bán rau hay bán trái cây cũng được. Và quên những chuyện cần quên cho nó nhẹ lòng…


PHƯƠNG TRÀ