Tên của một số địa danh trong truyện ngắn dưới đây đã được thay đổi. Nếu danh tánh các nhân vật trong truyện có sự trùng hợp ngoài đời chỉ là do ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết.
Lúc đó là cuối mùa mưa, một năm giữa thập
niên sáu mươi, tại miền Nam. An mới ra trường và được bổ nhiệm làm y-sĩ
Trung Úy cho một đơn vị tác chiến cấp trung đoàn. Anh theo bộ chỉ huy nhẹ,
đóng quân tại Ngang Dừa, thuộc miền Tây, vùng đồng bằng Hậu Giang.
Hôm ấy, nước sông Ngang Dừa thật trong, có lẽ
vì cả hai tuần vừa qua trời không mưa. Hai hàng dừa bên ven sông in bóng
dưới nước, rất thanh bình. Vài ghe chài thả lưới gần xa. Trời xanh,
lãng đãng những áng mây trắng.
Cơm trưa vừa xong, một số sĩ quan của đơn vị
An được ít phút rảnh rang, ngả lưng trên võng trong những lều vải. Riêng
An và Thiếu Úy Phước của đội thám báo thì ra sông tắm. An ngồi nghỉ trên
chiếc cầu phao, thả chân xuống nước, nhìn trời, mây. Anh đang nhớ Sài
Gòn, nhớ người thân cùng bạn bè, nhớ vài cô “em gái hậu phương”, nhớ những
tháng ngày sinh viên trường thuốc… An đang muốn quên chiến tranh thì
Sơn Khum, người hạ sĩ gốc Miên và là tùy viên của anh, chạy đến:
- Thưa Bác sĩ, mười phút nữa có họp
hành quân, mời Bác sĩ chuẩn bị ngay.
An vội về lều cá nhân của mình, mặc lại quân
phục tác chiến, rồi đi lên khu lều vải lớn của bộ chỉ huy. Mọi người đã đến
họp đầy đủ. Tấm bản đồ quân sự khá to, bọc mica trong, máng trên một giá
gỗ, đặt ở giữa lều. Đại úy Hùng, trưởng ban hành quân, bắt đầu trình bày
tình hình bạn, tình hình địch. Tin tức cho biết phía bên kia đang điều
quân cỡ nhiều tiểu đoàn trong vùng trách nhiệm của đơn vị An. Những mũi
tên đậm nét, những điểm xanh đỏ được vẽ trên bản đồ, chỉ dẫn đường tiến quân, vị
trí của bên này hay bên kia. Các mục tiêu quân sự được ghi đậm trên tấm bản
đồ. Tầm xa của đại bác được khoanh bằng những vòng tròn màu đỏ bao quanh
tọa điểm của những trung tâm tác xạ.
Vị Trung tá Trung đoàn trưởng vừa nói, vừa
dùng cây gậy nhỏ, chỉ những vị trí trên bản đồ:
- Tiểu đoàn 2 hiện ở cận bên chúng ta,
đủ yểm trợ cho Bộ chỉ huy. Tiểu đoàn 1, cách đây 30 cây số, ngoài tầm hỏa
lực đại bác của mình. Có tin tức là địch muốn đụng lần này vì họ điều động
được đủ quân số, và Tiểu Đoàn 1-31 đang tiếp cận với đối phương nhiều nhất.
Để yểm trợ tinh thần Tiểu đoàn 1, và để tìm hiểu tình hình cũng như nhu cầu tại
chỗ, tôi muốn một số sĩ quan của Bộ Chỉ Huy ra tiền tuyến, sinh hoạt tác chiến cùng
với họ một tuần.
Vị Chỉ Huy nói thêm bằng tiếng Mỹ. Thiếu
úy Phước, Trung úy Hậu tình nguyện đầu tiên. Trung úy Hay thuộc Ban tiếp
liệu cũng xin đi. Rồi thêm vài sĩ quan nữa. Đại úy More và trung sĩ
Johnson cũng nhận lời. More là cố vấn Mỹ tại bộ chỉ huy. Johnson là
một chuyên viên truyền tin, trách nhiệm liên lạc với các lực lượng Hoa Kỳ.
An chưa từng có mặt ngay trận tuyến trong lúc giao tranh lần nào, nhưng thấy có
cả cố vấn Mỹ và một số sĩ quan quen thân đã xung phong, anh cũng xin đi. An
nghĩ thầm, nếu có đụng độ và nếu anh bị thương, thế nào Johnson cũng xin trực
thăng tải thương anh ngay về Quân Y Viện Phan Thanh Giản. Còn nếu chết,
là... đoạn kết của cuộc đời, anh không muốn nghĩ đến.
An về lều của anh, chuẩn bị nhanh chóng mọi
thứ cần thiết. Anh đã được lệnh lúc nào cũng phải sẵn sàng. Nón sắt, áo
giáp, túi cứu thương có bản đồ và vài món cá nhân. Hai trái lựu đạn và một
khẩu súng ngắn Colt 45, đeo nơi dây lưng. Hạ sĩ Sơn Khum, luôn luôn theo
anh, mang một ba lô có vài quần áo và các thứ cần thiết khác. Sơn Khum rất
tận tâm và ý tứ. Ba lô lúc nào cũng có thêm quyển sách hoặc cuốn... tiểu
thuyết An đang đọc dở dang.
chiếc trực thăng tới, chở mọi người ra tiền
tuyến. Vị Tiểu đoàn trưởng đón tiếp phái đoàn ngay tại bãi đáp. Lại
một thuyết trình hành quân ngắn, ngay dưới một gốc cây cho mọi người hiểu tình
hình. Lúc đó khoảng trên bốn giờ chiều. Trình bày xong, ông nói rất
ngắn gọn:
- Mình cho lính ba mươi phút để nấu và
ăn cơm chiều, xong ta tiến quân.
An phục tài nấu nhanh và... ăn nhanh của quân
đội. Chỉ nửa giờ, họ vừa nấu nướng vừa ăn uống xong. Dưới những
tàng cây xanh, An cũng dùng cơm chiều luôn cùng các sĩ quan. Anh thấy Sơn
Khum ngồi trên một mô đất, ăn cơm dã chiến với nhóm y tá, bạn cũ.
Trung úy Hậu nói cho An biết:
- Ông Tiểu đoàn trưởng này là một sĩ quan tác chiến gan dạ,
lại nhiều kinh nghiệm chiến trường. Mình đóng quân ở đây đã trên hai tiếng,
lại có trực thăng bay tới. Địch đã rõ vị trí. Nếu ở lại đây, tối đến
mình không bị tấn công cũng bị pháo kích, hoặc bị quấy rối, vì vậy ổng sẽ cho
di chuyển.
Cơm chiều xong, chuẩn bị điều quân một lát, mặt trời đã ngả nhiều
về hướng chân trời. Tiểu đoàn phân tán thành từng toán nhỏ, trung đội hay
tiểu đội, di chuyển trong một thế liên kết, yểm trợ những “cạnh sườn” của nhau.
Lội ruộng gần hai tiếng đồng hồ, cả tiểu đoàn đến đóng quân an toàn tại ven Rạch
Đường Mây. Tất cả đơn vị đã không đi theo đường mòn ruộng, mà lội nước và
sình lầy để tránh cạm bẫy và mìn cá nhân. An nhớ mới mấy tuần trước, anh
đã săn sóc cho nhiều chiến sĩ, họ mất cả bàn chân vì đạp lôi, hay bị thương
tích đau đớn vô cùng khi đạp phải chông.
Ông Tiểu đoàn trưởng ra lệnh phân chia vị trí cho các đơn vị nhỏ,
dùng một bờ của giòng nước làm tuyến phòng thủ thiên nhiên. Các chốt tiền
thám được trải xa, cả phía bên kia bờ rạch. Sau đó mọi người bắt đầu đào
hố cá nhân. An thấy ông Tiểu đoàn trưởng tự tay đào nơi trú ẩn cho mình.
An cảm phục vì ông có thể nhờ một binh sĩ làm cho ông, nhưng vị chỉ huy này tự
làm lấy. Ông nói với An:
- Ra tiền tuyến muốn thêm cơ hội sống còn, tôi phải làm
gương cho thuộc cấp. Muốn họ làm gì, mình làm trước và làm đến nơi đến chốn.
Quả nhiên, đây là một vị sĩ quan tài giỏi, sau này ông lên nắm giữ
những chức vụ chỉ huy cao cấp trong quân đội.
An cũng phải bắt chước, làm theo. Nhưng đôi cánh tay thư
sinh của anh không quen đào đất, chóng mệt và mất nhiều thời giờ. Sơn
Khum tiếp tay giúp anh. Anh ta cũng có một hố cá nhân gần ngay bên.
Tiểu đoàn đóng dọc theo một bên bờ của Rạch Đường Mây, dưới những
lùm cây, ven theo phía ngoài những thôn xóm. Nhiều mìn Claymore được đặt
tại những yếu điểm chung quanh. Những đơn vị nhỏ liên lạc với nhau qua những
máy truyền tin có dây, và máy vô tuyến, tần số ngắn. Không ai tiếp xúc với
xóm làng hay vào nhà một người dân nào. Không ai đốt lửa, hút thuốc hay
dùng đèn.
An và vài sĩ quan khác, trùm Poncho, nằm cạnh những hố mới đào,
nhìn trăng sao trên trời, thỉnh thoảng nói nho nhỏ. Tiếng dun dế, côn
trùng kêu chung quanh. Vài tiếng ếch nhái. Lâu lâu có tiếng động của
một con cá quẫy nhẹ dưới mương. Tất cả như tạo nên âm hưởng của một điệu
nhạc về đêm, không tiết tấu. Lội sình nhiều cây số hồi chiều thấm mệt, An
ngủ lúc nào không hay.
Khoảng quá nửa khuya, An chợt tỉnh vì được Sơn Khum lay gọi và vì
có những tiếng động nhẹ xung quanh. Mọi người xuống ngay hố cá nhân.
Những chốt tiền thám gọi dây báo cáo cho biết có một đoàn trên mười chiếc xuồng,
đang di chuyển trên con kinh, hướng về phía vị trí của mình. Người trên
thuyền hát những bài quân ca của bên kia. Chắc chắn đây là quân phía đối
phương ban đêm tìm cách tập trung lực lượng tại một địa điểm nào đó. Có lẽ
họ nghĩ rằng ban đêm là của họ, hay đây là vùng đất của họ. Nửa đêm, họ
không ngờ, lọt vào một ổ phục kích, tình cờ bố trí tại đây. Vị Tiểu
đoàn Trưởng cho lệnh các đơn vị chờ cho đoàn xuồng của đối phương di chuyển vào
giữa tuyến phòng thủ rồi ra lệnh nổ súng. Đại liên, tiểu liên, súng phóng
lựu, súng cá nhân nổ rền. An thấy tận mắt nhiều người gục ngã, xuồng
chìm. Bên kia bị tấn công quá bất ngờ, không kịp trở tay, chỉ một vài tiếng
súng nhỏ bắn trả. Phía đối phương kẻ bị thương, người ngả xuống tử trận.
Một số trốn chạy lên bờ phía bên kia. Vài người bơi lội trốn trong dòng
nước của con kinh, và làm mục tiêu cho những xạ thủ trên bờ.
Đây là lần đầu tiên trong đời, An thực sự có mặt nơi tiền tuyến,
và "đụng trận". Hơi trớ trêu là An chỉ... tác chiến bằng cách đội
nón sắt, ngồi nhìn khá an toàn trong hố cá nhân, như coi một phim chiến tranh
có hình và âm thanh nổi. Anh không phải cho nổ hai trái lựu đạn mang
theo. Anh cũng không có dịp phải rút khẩu Colt ra khỏi bao súng. Anh
thấy rõ cảnh chết chóc, máu đổ, người ngã xuống trước mắt. Tự nhiên, với
tinh thần người thày thuốc, An không thấy vui mừng vì chiến thắng mà lại thấy một
chút xót thương. Anh nhớ những lúc làm Nội trú giải phẫu, thực tập tại bệnh
viện, đứng bên cạnh những bậc thầy và đàn anh tận tụy, có khi phải vất vả thức
đêm mổ xẻ cả ba bốn tiếng đồng hồ, may ra mới cứu sống được một mạng người.
Bây giờ trước mặt anh, mạng người phí phạm quá. Nhưng anh nghĩ lại, nếu
đơn vị anh không tận lực tiêu diệt bên địch, thì chính những người đối phương
kia, những kẻ đang gục ngã kia, sẽ tìm dịp tiêu diệt bên anh, có khi còn tàn bạo
hơn. Anh cũng có thể sẽ tử thương như một vài đồng nghiệp Y sĩ đã hy sinh
nơi chiến trường. Không bên này thì bên kia có người nằm xuống. Với
chiến trận, tất nhiên cả hai bên bạn và thù cùng phải có thương vong. Chỉ
có nước Việt Nam mình thiệt hại. Kéo thêm những người Mỹ hay luôn cả nước
Hoa kỳ vào một cuộc chiến tốn hao nhân mạng và tài nguyên.
Trận phục kích kết thúc, tiếng súng thưa dần rồi ngưng.
Bên kia tổn thất quá nặng. Họ tử vong và bị thương nhiều, một số trốn chạy
kịp, một số bị bắt sống. Võ khí tịch thu được gồm cả nhiều đại liên Trung
cộng và súng cối. Bên An không thiệt hại nhờ bố trí kỹ và nhờ có yếu tố bất
ngờ.
Trung đoàn của An đại thắng trận này, nhờ tình cờ phục kích, không
nhờ một tin tình báo nào cả. Sáng hôm sau, có Mặt Trời, Đại Bàng, Bạch Hổ
đáp trực thăng tới tận chiến trường thôn xóm Rạch Đường Mây. Những ám
danh trên là để chỉ các vị Tư lệnh quân đoàn, sư đoàn và chỉ huy trưởng trung
đoàn. An cũng có một ám danh là Thanh Xà. Bạch Hổ một hôm đã cho An
tên gọi này. Ông nói "Dấu hiệu của Bác sĩ là con rắn Quân Y, quân phục
tác chiến màu xanh, tặng Bác sĩ cái tên “Thanh Xà”. An không thích cái
tên gọi này lắm, nhưng đã được cho thì phải mhận. An còn trẻ, độc thân. Anh
khôi hài nghĩ mình có tên Thanh Xà, là một loại rắn độc, còn cô em gái hậu
phương nào muốn quen nữa.
Sau trận đánh vừa kể, An lần đầu tiên cũng được gắn một huy chương!
“Anh Dũng Bội Tinh” với ngôi sao bạc. Anh nhận huy chương mà không thấy một
chút hãnh diện. Anh có công lao gì đâu! Anh có anh dũng gì đâu! Anh chỉ
an toàn ngồi trong hố cá nhân, do Sơn Khum tiếp tay đào hộ, và nhìn người
khác... bắn nhau.
*
* *
Vì thắng trận vừa qua, toán tình nguyện của An được lệnh dùng trực
thăng trở về Ngang Dừa ngay ngày hôm sau, không sinh hoạt với tiểu đoàn 1 cho đủ
một tuần như đã dự liệu. Trung Úy Hậu, ban tình báo, nói với An:
- Chúng tôi bắt sống được một Thượng úy Bác sĩ Việt cộng
trong trận đụng vừa qua, tên này có lẽ vô từ Bắc Việt. Sẽ khai thác hắn
vài ngày lấy tin tức rồi giải về sư đoàn. Đây là túi vải của hắn, Bác sĩ
coi có cần tìm hiểu gì về phía địch không. Chúng tôi coi rồi, chỉ thấy
tài liệu y khoa.
An nghe hai tiếng khai thác mà hơi rùng mình. Anh
chưa chứng kiến khai thác bao giờ. Nhưng chắc là phải có cảnh tra tấn, An
biết bên mình cũng như bên họ đều làm vậy. Anh cầm lấy túi vải mầu nâu
còn ẩm nước. "Đồng nghiệp bên kia" của anh chắc khi bị tấn
công, xuồng đắm, chém vè bên bờ kinh rồi bị bắt sống. An đem túi vải về lều
mình rồi lục coi. Một vài đồ lặt vặt cá nhân. Một ít y dược của
Trung cộng, của Tiệp khắc và cả thuốc men của... Mỹ nữa! Thêm một cuốn sổ,
có ghi Tài Liệu Học Tập Chuyên Môn bằng chữ viết tay. An hiếu kỳ đọc và
chú ý tới bài Cấy Nhau:
"Vớt nhau của sản phụ vừa đẻ. Cần chọn những sản phụ trẻ
và mạnh khỏe. Dùng phương cách vô trùng, trải nhau lên một miếng vải.
Cắt nhỏ nhau thành từng miếng hình khối, mỗi bề độ 2 hay 3 li. Xong cho
vào một dung dịch muối đẳng trương vô trùng. Để vào tủ đá lạnh hay hộp có
đá lạnh. Phải xử dụng nhau trong vòng 36 giờ. Khử trùng chỗ định cấy
nhau nơi bệnh nhân. Da nơi bụng, hoặc da phía ngoài đùi, hay cánh tay
trên. Với điều kiện vô trùng, rạch da từng chỗ, dài độ 3 li, sâu tới dưới
lớp hạ bì. Dùng nhíp, nhét một miếng nhau vào chỗ rạch. Băng nhẹ
bên ngoài bằng gạc sạch. Mỗi lần cấy nhau từ 10 tới 20 chỗ. Theo
dõi, nếu thấy dấu hiệu nhiễm trùng, sưng đỏ, nóng sốt thì phải lấy nhau ra ngay
trong những ngày sau. Nếu không có nhiễm trùng, chỗ cấy nhau sẽ tự lành,
và miếng nhau khô sẽ tự động được đẩy ra ngoài. Đối tượng: cấy nhau rất tốt
cho người mắc lao phổi, người thiếu dinh dưỡng hay suy nhược tổng trạng".
An xem xong hơi ngao ngán cho cách phục dược bây giờ đã lỗi thời
và nguy hiểm này. Anh tiếp tục lật tiếp cuốn tập. Gần những trang
cuối có một tấm hình đen trắng của hai vợ chồng trung niên chụp với bốn đứa
con, đứa nhỏ nhất mới độ trên ba tuổi. Thêm mấy dòng chữ tại tờ chót:
Nguyễn văn Đệ
Khóm Cách Mạng Tháng Tám
Làng Vũ Xuyên, Huyện Ý Yên, Nam Định
Tên cha: Nguyễn văn Định
Tên mẹ: Vũ thị Thục
Nếu tôi không về, xin thông tin cho vợ tôi là Lê thị kim Thư, cùng
địa chỉ.
An bàng hoàng, lạnh người. Tự nhiên có một chút mồ hôi trên
trán. Người y sĩ tù binh phía bên kia là người cùng làng anh, là anh họ của
anh, con Bác Thừa Định, và có rất nhiều kỷ niệm với anh thời thơ ấu...
*
* *
An nhớ rõ hồi anh độ sáu tuổi, học trường tiểu học An Dương, ngoại
ô thành phố Hải Phòng miền Bắc. Cha anh và ông bác thứ ba không thích cảnh
phố phường nhộn nhịp, mỗi người mua một khu đất khá rộng tại làng An Dương, thuộc
vùng ngoại ô. Có một con đường nhỏ đổ đá, xe hơi, xe kéo, xe ngựa đến được
tận nơi. Cha anh và ông bác, mỗi người cất một khu nhà mái lợp bằng lá
cây gồi, khá rộng và khang trang. Nhà An có vườn cây ăn trái, có những luống
rau, có ao nuôi cá, thả rau muống. Và đây là nơi An có nhiều kỷ niệm đẹp
nhất lúc anh còn thơ dại. Cả cha anh và ông bác đều là những công chức bậc
trung của thành phố, do Pháp cai trị.
Lúc đó An đang học lớp tư. Tối đến, nhà anh em đông, dùng
cơm chiều xong, ngồi quây quần học bài chung quanh một chiếc bàn ăn vuông lớn.
Không có đèn điện, dùng đèn dầu hỏa Hoa Kỳ hay là đèn măng-sông. An đọc
lên bài Lục Súc, mới được thầy dạy ở trường buổi sáng. Bài học nói về sáu
con vật hữu ích nuôi trong nhà như trâu, bò, lợn, gà, chó, mèo. Anh Đệ ngồi
gần bên, nhẹ nhàng và thân mật sửa cách đọc cho An. An đọc sai, không có nhấn
mạnh vào phụ âm "S" của chữ "súc", An
đọc nhẹ thành "xúc". Anh Đệ không chịu cách đọc sai như vậy.
Anh Đệ là con Bác thứ hai của An. Ông bác này làm Thừa Phái tức là một chức
thư ký ở một tỉnh nhỏ gần Hải Phòng, mọi người trong nhà gọi ông là Bác Thừa Định.
Lúc đó anh Đệ đang dạy lớp nhất cho một trường tiểu học cùng thành phố Hải
Phòng. An nghe cả nhà nói anh Đệ học giỏi lắm. Anh là người đầu
tiên trong số những người cháu của ông Nội, đã đỗ xong Tú Tài phần nhất. Nhà
nghèo, anh phải tạm bỏ học, xin vào ngành dạy học để có tiền giúp đỡ gia đình,
tiếp cha mẹ lo nuôi dưỡng cho một đàn em. Bác Hai đã già, lại đông con.
An rất mến anh Đệ. Anh hay cho An kẹo mua tại quán Bà Tài ở
đầu đường. Anh Đệ thường dẫn anh em của An dạo bộ, đi ăn kem vào những tối
mùa hè. Anh hay kể cho An truyện những anh hùng của Việt Nam ngày xưa.
Truyện Phù đổng Thiên Vương, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo,
Lê Lợi, Quang Trung... Anh Đệ ở trọ tại một nhà gần trang trại của gia
đình An. Vài tuần anh lại đến chơi, cùng ăn cơm tối với cha mẹ và anh em
của An.
Đang thời Pháp thuộc, An còn bé nhưng cũng biết rõ chuyện: Anh Đệ
một hôm cãi vã và suýt nữa đánh "quan" Thanh Tra Tiểu Học Francois
Gavier. Ông Tây thực dân này gốc là một hương sư tại một làng nhỏ bên
Pháp. Ông chỉ có bằng Brevet Élémentaire. Sang Việt Nam , ông được
coi luôn cả hệ thống tiểu học của thành phố Hải Phòng, lớn thứ nhì miền Bắc, và
ông là xếp lớn của anh Đệ. Có lẽ anh Đệ nghĩ là anh còn giỏi hơn ông Tây
hương sư, vô tài, được thực dân cho làm Thanh Tra, bây giờ lại còn la rầy, hạch
hỏi anh một cách không đúng, chỉ vì anh không biết thần phục hay không chịu nịnh
bợ. Sau vụ cãi vã này, anh Đệ bị cấp tốc thuyên chuyển đi mạn ngược, tỉnh
Bắc Kạn, nước độc, có muỗi rừng và nguồn sốt rét. Anh từ chối không đi, bị
sa thải và... thất nghiệp. Ông Bác thứ ba của An, có quen biết nhiều, xin
cho anh Đệ một chân y tá tập sự tại bệnh viện thành phố Hải Phòng. Anh Đệ
bắt đầu sự nghiệp y khoa từ đó. Anh Đệ cũng tình nguyện dạy những lớp của
Hội Truyền Bá Quốc Ngữ thời bấy giờ. An nghe nói, qua tổ chức này, Anh Đệ
tham gia một đảng phái cách mạng chống Pháp. Cả nhà chỉ lo anh bị bắt và
họ hàng sẽ bị liên lụy.
Năm Ất Dậu, miền Bắc Việt Nam bị nạn đói trầm trọng. Một người
cô của An lấy chồng tại huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình, gửi một người cháu gái
bên chồng là Chị Huệ lên giúp việc cho gia đình An, và cũng là một cách để Chị
Huệ tránh nạn đói kém tại thôn quê thời bấy giờ. Chị Huệ mười tám tuổi, đẹp
và hiền. Chị rất nuông chiều An. Chị hay hát những bài ca thôn dã
và kể cho An những truyện Tấm Cám, Thạch Sanh Lý Thông... An cũng quý mến chị.
Một hôm An theo anh Đệ ra bờ ao xem chị Huệ hái rau muống. Chị sắn ống quần
đen lên quá gối, tay cầm những cọng rau xanh mượt đem lên bờ. Hai chân chị
trắng thon và đẹp. Một con đỉa màu lục bám nơi chân phải, chị gỡ không
ra. Anh Đệ cúi xuống, giúp chị tháo gỡ con đỉa. Một giòng máu đỏ nhẹ
chảy nơi vết thương. Anh Đệ lấy khăn mouchoir của anh, chậm máu cho chị.
An thấy má chị Huệ đỏ hồng. Hơn hai tuần sau, một buổi chiều vì máy bay Mỹ
bỏ bom Nhật tại Hải Phòng, An được cho tan trường về bất ngờ, thật sớm. Không
thấy ai ở nhà, An lo lắng kêu tên chị Huệ. Khoảng năm phút sau, mới thấy
Chị Huệ từ căn nhà kho cùng anh Đệ đi ra. Tóc chị Huệ hơi rối, vương vài
sợi tơ nhện óng ánh. Anh Đệ nói là giúp chị Huệ tìm trừ một con chuột lớn
chạy vào kho, sợ nó phá đồ đạc. Thế rồi chuyện thân ái giữa anh Đệ và chị
Huệ được cha mẹ An tường trình cho bác Thừa, ba anh Đệ. Chị Huệ được trả
về quê tại Gia Viễn. An ngày ấy buồn cả tháng, như bị xa vắng mất một người
thân yêu.
Thời gian trôi, anh Đệ học và thành một y tá chính ngạch giỏi.
Rồi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ năm 1946, gia đình An tản cư ra vùng kháng
chiến, sau ít năm lại hồi cư về thành. An nghe nói anh Đệ tiếp tục đi
theo kháng chiến. Và từ đó không có tin tức gì về anh Đệ, ngay cả đến khi
gia đình An di cư vào Nam năm 1954, lúc đất nước chia đôi.
*
* *
An nghĩ là anh Đệ đã được cho đi học thêm hay đã được nâng bậc và
nay trở thành y sĩ. An cũng không nói cho Trung úy Hậu ban tình báo biết
là người tù binh y-sĩ bên kia lại là anh họ của An. Anh xin phép vào thẩm
vấn riêng về chuyên môn người tù binh đồng nghiệp, nói là để tìm hiểu tình hình
quân y, phương cách điều trị và hệ thống tiếp liệu y dược của đối phương.
Anh đem theo cuốn sổ tay học tập của anh Đệ, nhưng để trong túi áo của mình.
An bước vào lều thẩm vấn. Giữa lều có một chiếc bàn nhỏ và
hai ghế đẩu. Anh Đệ đang ngồi dưới đất, hai tay bị còng phía trước, một
chân bị cột bằng dây xích dài vào một cọc sắt lớn đóng sâu nơi nền đất. An
bây giờ hai mươi sáu tuổi, anh Đệ phải ngoài bốn mươi. Da anh đen sạm, vì
gian khổ chiến trường, vì nắng Miền Tây. An kêu người mở còng tay cho anh
Đệ, và mời anh ngồi trên chiếc ghế đẩu đối diện. Dáng anh cao như xưa,
nhưng gầy ốm nhiều, già trước tuổi. Anh Đệ có vẻ suy tư. Một nét lo
âu. Một vẻ buồn. Có lẽ anh đang nghĩ về tương lai không biết sẽ ra
sao của anh. Hay anh đang lo về gia đình. Anh Đệ nhìn An, ánh mắt lạnh
lùng, không lộ một tình cảm thân thiện, cũng không một chút giận ghét, hay căm
thù. Chắc chắn anh Đệ không nhận ra An. Anh em xa nhau từ hồi An
còn thơ dại.
An lên tiếng trước:
- Tôi là y sĩ của đơn vị này. Biết anh là một y sĩ của
bên kia. Tôi đến gặp anh để hỏi chuyện thôi, như hai người cùng nghề nói
chuyện với nhau, dù tôi và anh ở hai bên chiến tuyến. Tôi không
khai thác gì nơi anh, không đòi hỏi anh cho một tin tức quân sự nào, vì chắc là
anh biết rõ việc đó không phải là nhiệm vụ của một y sĩ như tôi.
An từ tốn lấy bao thuốc lá ba con số 5, mời anh Đệ, người y sĩ tù
binh trước mặt, một điếu thuốc. An chậm rãi châm thuốc cho anh Đệ và châm
cho mình một điếu. Thấy nói không bị khai thác, anh Đệ hơi thay đổi thái
độ, vẻ mặt bớt lạnh lùng. Riêng An thực ra không thích thuốc lá. Nhưng từ
ngày tới đơn vị này, túi áo anh hay có một bao ba con số 5. Có dịp lấy ra
mời các sĩ quan trong trung đoàn, khi chuyện trò. Rất hữu hiệu để gây thiện
cảm trong những dịp giao tế lúc ban đầu. Nhất là thuốc lá loại ngon.
Ai ghiền thuốc khi được mời cũng muốn cầm một điếu. Và anh Đệ phải thích
thuốc lá này hơn ai hết, chắc chắn là thơm ngon hơn thuốc Vĩnh Bảo hay thuốc
Đoàn Kết của anh.
An cất tiếng:
- Tôi có mặt tại tiền tuyến trong lúc phía bên anh bị tấn
công bất ngờ trận vừa qua. Là người y sĩ, thấy cảnh máu đổ, người chết,
dù là đối phương, tôi có những cảm xúc khó diễn tả về sinh mạng con người!
Tôi đã cho săn sóc một số người bên anh, hiện là tù binh bị thương.
Anh Đệ im lặng một lúc, rồi bình thản đáp lại:
- Có nhiều trận đánh, chúng tôi chiến thắng, tù binh bên anh
bị thương, tôi cũng cho y tá băng bó, tôi cũng săn sóc.
An nghĩ thầm, phía bên các anh, tiếp liệu y dược cho đồng đội mình
còn khó khăn, sao đủ lo cho bên địch. Nếu là người cán binh nào khác của
bên kia nói như trên, An đã nghi ngờ rất nhiều. Nhưng với anh Đệ, người
anh họ mà An đã biết từ thời ấu thơ, biết nhiều về cá tính, An có thể tin phần
nào điều vừa nghe nói.
An hỏi:
- Anh đã bị bên tôi khai thác nhiều chưa?
Anh Đệ trả lời rất tự nhiên và bình tĩnh:
- Tôi đã bị thẩm vấn về quân số, đường di chuyển và mục tiêu
tấn công của Mặt Trận. Tôi thuộc về ngành chuyên môn, không có gì để khai
cả.
An trầm giọng:
- Như tôi đã nói khi mới vào đây, tôi chỉ muốn nói chuyện với
anh. Tôi không có nhiệm vụ tìm hiểu, khai thác tin tức tình báo. Nhưng
tôi đã được biết nhiều điều về anh rồi.
Anh Đệ ngước mặt, tỏ vẻ không hiểu, vì anh đã khai gì đâu. An
nói tiếp:
- Anh gốc người làng Vũ Xuyên, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Anh không thuộc thành phần ba đời là bần nông, vô sản như chế độ bên anh hay đề
cao. Ông Nội của anh từng làm quan dưới triều Nguyễn. Ông Cố làm tới
chức Ngự Sử. Anh có một ông bác lớn tuổi nhất, trước kia dạy học tại quê.
Cha của anh có thời làm công chức, Thừa Phái tại tỉnh Quảng Yên. Anh có
hai người chú, trước kia ở Hải Phòng. Ngày xưa có thời anh đi dạy học,
cãi nhau với Tây. Sau đó anh đi làm y tá tại Hải Phòng, trước khi chiến tranh
Việt Pháp bùng nổ.
Đến lượt anh Đệ dùng tay thấm lớp mồ hôi trên trán và nhìn An.
Anh Đệ không thể ngờ, và chắc không thể tin rằng tình báo bên quốc gia lại có
khả năng biết rõ về anh nhanh chóng như thế. Anh bị bắt làm tù binh mới
có hai ngày! Tự dưng An cảm nhận được nét lo hiện rõ trên mặt anh Đệ, và
bỗng nhiên anh Đệ lạnh lùng trở lại. An hơi tội nghiệp và thấy cần phải
nói rõ cho người anh họ. Với giọng thiện cảm, An tiếp:
- Anh Đệ, chắc anh nhớ hồi còn đi dạy lớp nhất, anh
hay đến nhà hai người chú ở An Dương, Hải phòng.
Anh Đệ không nói gì, chỉ hơi gật nhẹ đầu.
An nói thêm:
- Anh nhớ có đứa em họ tên là An, con ông chú của anh.
Anh sửa cách đọc cho đúng chữ “lục súc”.
An nhấn mạnh vào chữ "S", và đồng thời chỉ và bảng tên
có chữ An trên áo của mình.
Anh Đệ hơi ngơ ngác một chút. Chắc chắn anh không nhớ gì
chuyện "lục súc" vừa tầm thường, vừa... lẩm cẩm này. Có những
chi tiết thật nhỏ, không có gì đáng nhớ, của một quá khứ thật xa, tự nhiên được
ghi nhớ thật kỹ, còn mãi trong ký ức của người này mà lại bay phớt qua ngoài bộ
máy ghi nhớ của não bộ người kia. Nhưng cái tên An và các ông chú ở Hải
Phòng thì anh Đệ phải còn nhớ rõ. Diện mạo của An, chắc anh Đệ không thể
nào nhận ra được. Lần chót anh em gặp nhau là năm 1946, An mới độ chín tuổi.
Về phần An, An nhận ra vài nét quen thuộc ngày xưa trên khuôn mặt gian khổ ngày
nay của người anh họ.
An thân mật và xưng em với anh Đệ như những ngày còn nhỏ dại:
- Anh Đệ, em còn nhớ và nhận ra anh. Em là An, con người
chú thứ tư của anh. Anh hay lại nhà em ăn cơm tối ở An Dương, lúc chưa có
chiến tranh Việt Pháp.
Anh Đệ hít một hơi thuốc, thở ra nhẹ nhõm, mắt sáng lên và mở rộng.
Lần đầu tiên từ lúc gặp mặt, An thấy nụ cười nhẹ nhàng nơi anh Đệ:
- À, chú là An, tôi nhớ rồi! Hồi nhỏ, thày của chú vẫn
nói là chú lười học và ham chơi nhất nhà. Chú học xong bác sĩ hồi nào?
Đến lượt An phải cười. An không ngờ mình lại “bị thẩm vấn”.
- Em mới ra trường được vài tháng. Cũng như anh, em ở
trong quân đội. Chỉ khác là do hoàn cảnh đất nước, anh em mỗi người bây
giờ ở mỗi bên chiến tuyến.
Anh Đệ cũng trầm ngâm sau câu nói của An. Hai người hàn
huyên. Không đề cập chút gì về chiến tranh, về quân sự, về chính trị hoặc
ý thức hệ quốc gia hay cộng sản. An thăm hỏi tin tức của thân nhân còn ở
lại miền Bắc, còn anh Đệ thăm hỏi về bà con đã di cư vào Nam . Anh Đệ cho
biết, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, anh về quê của chị Huệ, rủ chị
đi lên Việt Bắc, theo kháng chiến. Chị Huệ làm nữ cứu thương viên.
Sau đó anh xin lập gia đình với chị và được Đảng chấp thuận ngay vì chị Huệ thuộc
giai cấp bần nông yêu nước. Ít lâu sau, Chị Huệ có con đầu lòng và về
công tác tại hậu phương. Chị đổi tên là Kim Thư, có lẽ để gia đình Bác
Hai không biết quá khứ đi làm công ngày trước của chị.
An lấy quyển sổ học tập của anh Đệ ra, nhìn lại tấm hình, nhìn ra
những nét đẹp hiền còn lưu trên gương mặt chị Huệ trong tấm ảnh. An nói với
anh Đệ:
- Nhờ cuốn sổ này, em biết được lý lịch của anh. Em sẽ
phải trả lại cuốn sổ cho Ban Hai, lo về an ninh và tình báo. Anh có cần
điều gì không?
Anh Đệ rất cương nghị, không xin hay nhờ vả An một điều gì ngoài
việc nhắn tin:
- Nhờ chú tìm cách báo tin cho chị, còn ở làng của mình với
các cháu. Nói anh đã bị bên này bắt giữ, nhưng bình yên, không bị thương
tích gì, cho chị yên tâm.
An hứa sẽ làm theo, nhắn tin cho người chị dâu là Chị Huệ ngày
xưa:
- Em có bạn ở Pháp và ở Hồng Kông. Em sẽ vắn tắt chuyển
tin tức anh về cho gia đình của anh qua những ngả đó. Tên chị bay giờ là
Lê thị kim Thư, có ghi trong cuốn học tập của anh, em đã nhớ. Còn tên
làng xã của mình thì em thuộc lòng từ nhỏ, anh yên tâm.
Bộ quần áo của anh Đệ rách nát, và đã mặc suốt mấy ngày gian lao.
An kêu nhân viên lấy bộ bà ba mà An hay mặc mỗi khi đi dân sự vụ, đem cho anh Đệ.
Thêm luôn bao thuốc lá ba con số 5, còn trên nửa gói, kèm theo cái hộp quẹt
Zippo của anh. Anh Đệ không từ chối. An từ biệt người anh họ.
Anh Đệ giọng chân thành và tình cảm:
- Anh em chắc khó gặp lại nhau. Từ biệt chú bây giờ,
tôi cám ơn chú.
Hôm sau, trực thăng tới chở anh Đệ và một số tù binh khác về Phòng
Nhì Sư Đoàn.
Trung Úy Hậu hỏi An:
- Sao Bác sĩ tốt với thằng tù binh cộng sản đó quá vậy?
Cho nó cả thuốc lá. Mình mà bị bắt, chúng nó đánh nhừ tử, khó mà sống nổi đâu
Bác sĩ.
An không muốn tiết lộ gì về liên hệ gia đình của mình với người
cán binh, lại là họ hàng, rất ngẫu nhiên và éo le gặp lại. Chỉ thêm phiền
phức. An nói với Trung Úy Hậu một cách tự nhiên:
- Tôi muốn đối xử hơi đặc biệt một chút với một người cùng
làm nghề thày thuốc, dù họ ở hàng ngũ bên kia, nhưng bây giờ đã là tù binh của
mình!
*
* *
Vào năm 1973, Hiệp Định Ba Lê ký kết. Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự
Bốn Bên thành lập. Tạm ngưng bắn, nhưng Hòa Bình chỉ có trên giấy tờ.
Những cuộc tấn công, những vụ pháo kích vẫn xảy ra. Hai bên Bắc-Nam trao
đổi tù binh và cần có Quân Y sĩ trong lúc thi hành công tác để khám và điều trị
cho tù binh bên mình nhận về, hay tù binh đem ra trao trả cho bên kia.
An thích đi đây đó, anh tình nguyện tham dự phái đoàn trao trả tù
binh ở bên này bờ sông Bến Hải. An muốn nhân dịp này để nhìn tận nơi giòng sông
và cây cầu lịch sử của nước anh.
Như có cơ duyên, một trong những người tù binh An gặp là anh Đệ.
An thấy anh Đệ trông còn khỏe mạnh và mập hơn lúc anh bị bắt. An nghĩ có
lẽ cơm tù quốc gia và ít phải gian lao chiến trường đã làm cho người anh họ của
An lên cân và... trắng ra. Anh Đệ gặp lại An chỉ mười phút, nhưng tỏ ra mừng
lắm. An trao tặng anh Đệ một bao thuốc lá ba con số 5 còn nguyên. Lúc
còn ở Hải Phòng, cả anh Đệ và An đều thích thổi ống sáo, một loại sáo ngang gọi
là sáo trúc, nhưng thực sự làm bằng ống nứa. Anh Đệ tặng cho An một cây
sáo anh làm trong tù.
An bắt tay từ biệt anh Đệ. Rồi anh Đệ cất bước trên cầu Hiền
Lương, theo đám tù binh sang bên kia sông Bến Hải. Hai anh em lại ngăn
cách ở hai bên chiến tuyến.
An thấy lòng buồn. Không buồn cho một tình riêng, không buồn
cho cuộc chia tay này, nhưng buồn cho hoàn cảnh của dân tộc anh. An làm một
bài thơ ngắn, TIỄN ANH:
Tiễn Anh về bên kia sông
Anh vui, sao lòng tôi buồn
Cách ngăn đôi bờ Bến Hải
Ta còn gặp lại nhau không?
Tiễn Anh về bên kia sông
Thân nhân Anh đang chờ trông
Tôi ở bên này chiến tuyến
Hòa bình, hay chỉ ước mong?
Tiễn Anh về bên kia sông
Anh em mà nay đôi giòng
Mỗi người một bờ biên giới
Có ngày tàn sát nhau không?
Tiễn Anh về bên kia sông
Tôi cờ vàng, Anh cờ hồng
Có phải mình vì Tổ Quốc
Để thành kẻ thù nhau chăng?
An đề tặng bài thơ cho anh Đệ, nhưng không bao giờ gửi cho người
anh họ, mặc dù có thể gửi bằng thư tới tận làng xóm của anh Đệ qua các ngả ngoại
quốc. An nghĩ rằng, sau khi ở tù bên phía quốc gia tới mười năm, anh Đệ
trở về miền Bắc sẽ bị quản chế kỹ càng. Anh Đệ không còn được tin cậy hay
được trọng dụng bởi những người phía bên kia nữa. Thư từ của anh sẽ bị kiểm
duyệt gắt gao. Gửi một bài thơ tặng anh Đệ, chỉ làm khổ và làm phiền cho
anh thêm.
*
* *
An cứ nghĩ sẽ không còn dịp nào gặp lại anh Đệ nữa. Cho đến
một ngày cuối thập niên 90, An đang tạm cư tại ngoại quốc thì có một người bạn
là Huân làm cho một hãng thông tấn lớn. Hoa Kỳ và Việt Nam sắp ký kết
giao thương và giới tư bản cần biết rõ những nhu cầu thị trường tại đất Việt.
Huân được cử về làm một cuộc khảo sát sơ khởi kinh tế, thị trường, và An được
giới thiệu để tìm hiểu và làm một tường trình về tình trạng y tế cũng như nhu cầu
tiêu thụ dược phẩm của dân chúng. Hai hãng sản xuất dược phẩm chịu mọi
chi phí và trả thù lao khá hậu cho chuyến đi hai tuần lễ của An, An không từ chối.
Công tác xong, Huân về Hải Phòng thăm người quen. An mướn một xe nhỏ về
thăm làng cũ quê xưa. Ngày trước, lúc còn nhỏ, anh rất ít về quê, chẳng
có kỷ niệm gì nhiều. Nhưng lý do chính về làng là An muốn gặp lại anh Đệ.
Anh Đệ đã gần tám mươi, rất quắc thước và sáng suốt. Anh cho
con cháu làm cơm mời An rất thân tình. Lần này An biếu anh nguyên cả một
cartouche thuốc lá ba con số 5, An mua miễn thuế trên chuyến bay. Anh Đệ
vui vẻ nhận thuốc lá và nói:
- Anh biết hút thuốc hại cho sức khỏe, nhưng "quen mất
nết đi rồi" và anh cũng chẳng còn sống bao lâu.
Chị Đệ đã mất tám năm về trước. An xin phép thắp nhang bàn
thờ chị. Hình chị trên bàn thờ, vấn chiếc khăn đen. An vẫn tưởng nhớ
và thương mến mái tóc ngày xưa của chị, vương tơ nhện, đẹp và thơ mộng.
An hàn huyên với anh Đệ thật lâu, đủ chuyện quá khứ và hiện tại.
Nhắc đến lần chia tay nhau bên bờ sông Bến Hải, An mượn giấy bút chép lại
nguyên văn bài thơ Tiễn Anh viết từ nhiều năm trước. Mãi đến bây giờ An
có cơ duyên trao tận tay anh Đệ bài thơ tình cảm, nói lên những suy nghĩ lẩm cẩm
của mình. Một lát sau anh Đệ nhẹ nhàng nói:
- Anh nghe các chú làm ăn khá ở ngoại quốc, cái đó là nhờ
phúc đức ông bà. Họ hàng mình sắp có chương trình tu bổ mồ mả của tổ tiên, anh
khuyên các chú nên hết lòng.
An mau mắn đáp lời:
- Chúng em rất vui và rất sẵn sàng. Nhưng em muốn hiểu
anh thêm, theo duy vật, có chuyện ông bà phù hộ cho con cháu không anh?
Anh Đệ cười:
- Lý thuyết thì không có chuyện đó. Nhưng bây giờ
"đổi mới" rồi, có kiêng có lành. Vả lại trùng tu mồ mả cha ông
là việc tốt, đáng làm An ạ. Ngoài ra, bây giờ làng mình lại thờ Thành
Hoàng, lại có những ngày lễ tế linh đình như xưa.
An nghĩ thầm, có lẽ "không phải là đổi mới", phải nói là
"trở về lối cũ" thì đúng hơn. Gần chín giờ tối, An từ giã anh Đệ.
Anh Đệ tiễn An ra tận trước cổng nhà. An nắm tay anh, hỏi một thắc mắc
chót:
- Sau bao nhiêu năm từng trải và kinh nghiệm trên đời, qua
nhiều gian khổ và hy sinh, anh cho biết cảm nghĩ bây giờ của anh thế nào về tư
bản và về vô sản.
Anh Đệ nhìn An, giọng chân thật, có lẽ với tuổi gần tám mươi anh
cũng chẳng cần e dè, cẩn trọng lời nói hay sợ sệt gì ai nữa:
- Anh nghĩ có người đã nói khá đúng: con người sống dưới chế
độ tư bản, có thể ví như con bò được nuôi kỹ cho ăn cỏ để rồi được vắt sữa
cho chủ nhân. Ở chế độ vô sản, thì con người được coi như con trâu,
kéo cầy, cũng được cho ăn chút cỏ, chút rơm, rồi đi tìm thêm cỏ lấy mà ăn.
Bò thì được thảnh thơi một chút, tự do đi ngoài đồng cỏ, nhưng cũng chịu một số
khuôn phép, một số giới hạn, và bị vắt sữa tận tình. Trâu thì cực hơn,
kéo cày suốt ngày, có khúc tre sỏ vào mũi buộc vào những sợi chão ràng buộc lúc
cày bừa để quẹo phải hay quay trái do bác nông phu hoặc ông lực điền điều khiển
và canh chừng. Đến tối mệt rồi, trâu được nằm ngủ nghỉ khỏe là mừng.
Vì vậy làm thân trâu, ít trâu nào có thời giờ để suy nghĩ lắm. Thôi chú
lên xe về Hà Nội, bây giờ đường xá an ninh rồi, chú đừng lo gì cả.
An từ biệt và lên chiếc xe nhỏ, đã được thuê bao. Hương lộ bây
giờ khá rộng, đủ cho xe chạy nhưng con đường đổ đá còn gồ ghề và sóc, làm An lắc
lư. An quả thật không lo gì, như lời anh Đệ nói. Tâm trí An chỉ
vương nhớ đến bao kỷ niệm cùng anh Đệ. Chuyện "lục súc" lúc
còn ấu thơ, chuyện “bắt con đỉa” nơi ống chân đẹp và thon trắng của chị
Huệ, chuyện "tìm con chuột" trong nhà kho giữa anh Đệ
và chị Huệ, “trận tuyến đầu đời” của An tại Rạch Đường Mây Chương Thiện
và việc "thẩm vấn" anh Đệ như một tù binh chiến tranh, rồi
chuyện “tiễn anh Đệ” về bên kia bờ sông Bến Hải... Nhưng chuyện làm An
suy nghĩ nhiều nhất là chuyện anh Đệ ví von con người, ở hai chế độ khác nhau,
như “con bò và con trâu”. An và bất cứ ai, không thích làm cả trâu
lẫn bò. Phải có một chế độ nào hợp với nhân bản hơn. An lẩm cẩm suy
nghĩ tiếp. Mình nhận công tác của tư bản, về Việt Nam kỳ này, làm bản khảo
sát sơ khởi về tình trạng y tế và nhu cầu tiêu thụ Âu dược tại Việt Nam, thế
nào khi về nơi đang cư ngụ cũng bị vài người bạn cho mình là một con bò. Bò
non, bò già, bò mộng hay ngay cả bò thần của dân Hindou thì cũng là kiếp bò cả.
An thôi hồi tưởng và ngưng suy nghĩ khi chiếc xe chở anh vừa vặn
ngừng trước khách sạn nơi anh tạm trú tại Hà Nội.
Trích Tập Hai Bên Chiến Tuyến
TRẦN VĂN KHANG
Bai/Truyen hay qua.
ReplyDeleteTruyện rất hay và cảm động. Cám ơn anh.
ReplyDeleteÔng Đệ biết gì tư bản mà bò với trâu . Ông trung úy bác sĩ suy tư về chuyện trâu bò thì thiệt là buồn cười
ReplyDeleteỞ các nước theo thể chế dân chủ thì người không phải là bò.
Delete