Hơn sáu tháng sống chết với chiến
trường và giữ vững được Kontum, đầu tháng 10 1972, đơn vị tôi được kéo về
Pleiku dưỡng quân và bổ sung quân số. Đây là phần thưởng đặc biệt dành cho một
đơn vị đã tạo nên kỳ tích trong trận chiến đẫm máu để có một “Kontum Kiêu
Hùng”. Một tháng đóng trên Đồi Đức Mẹ lại là một tháng gió mưa lầy lội. Hình
ảnh của bao nhiêu bạn bè đồng đội vừa hy sinh trên chiến trường Kontum lúc nào
cũng hiện ra trước mặt, đau đớn tựa hồ như những vết chém đang còn rỉ máu trong
lòng. Muốn tạm quên trong chốc lát đã là một điều không dễ. Bọn tôi
thèm những cơn say. Rất may, tôi có một anh bạn, phải nói là ông anh mới đúng,
là Liên Đoàn Trưởng của một Liên Đoàn Biệt Động Quân, có căn cứ tại Biển Hồ. Vợ
và hai đứa con bị chết thảm tại Quảng Đức hơn một năm trước, khi xe bị VC giật
mìn, nên bây giờ anh chỉ còn làm người tình với rượu. Những ngày không bận hành
quân, anh đến đón tôi đi uống rượu trong một cái quán nằm trong Khu Chợ Mới, đã
vậy mỗi khi trở về, anh còn dúi cho tôi một chai Hennessy. Trước kia anh
từng là một cấp chỉ huy có tiếng trong binh chủng này, nhưng vì bản tính ngang
bướng bất cần, nên nhân một lý do phe phái chính trị nào đó, anh bị ngồi tù một
thời gian ngắn. Ra tù, anh bị thuyên chuyển về đơn vị tôi với cái lệnh “không
được giữ bất cứ chức vụ chỉ huy nào”. Biết anh là một niên trưởng và từng dạn
dày lửa đạn, tôi tận tình giúp đỡ, an ủi anh và kéo anh về ở chung nhà
trong khu cư xá, vợ tôi lo chuyện cơm nước cho anh. Một thời gian sau, bỗng
dưng anh được xét cho “vô tội”, trở lại binh chủng, thăng cấp và chỉ huy một
liên đoàn Biệt Động Quân. Do cái ân tình đó mà anh quý mến tôi,
kéo tôi theo các cuộc giải sầu này.
Dường như ngoài quán rượu ra, thỉnh thoảng anh chỉ ghé đến thăm một
cô nhi viện. Nói là viện nhưng thực ra đây chỉ là một ngôi trường cũ,
được chỉnh trang lại, tạm đáp ứng nhu cầu cần thiết cho một trại cô nhi.
Có lẽ anh muốn tìm lại bóng dáng của hai đứa con đã phải chết oan một cách đau
đớn qua hình ảnh các cháu cô nhi mà đa số là con của tử sĩ, có cả con của những
người lính Biệt Động Quân của anh, mà cả người mẹ cũng chết, hay vì một lý do
nào đó không có khả năng nuôi dưỡng, nên đành phải gởi lại nơi đây, nương nhờ
vào bàn tay và tấm lòng nhân ái của những bà sœur. Anh bảo là từ sau trận chiến
Tân Cảnh và Kontum, cô nhi viện này nhận thêm khá nhiều cô nhi. Hằng
tháng, anh ghé lại đây thăm và tặng cho viện một số tiền, bởi bây giờ anh sống
độc thân, không còn phải chu cấp cho ai. Biết điều này, tôi càng
kính quí anh hơn. Một người ngang tàng không biết sợ ai, sống bất cần đời,
nhưng bên trong là cả một tấm lòng vị tha nhân ái.
Một hôm theo anh đến đây, chúng tôi được một bà sœur ra
tiếp và mời vào văn phòng uống trà. Anh bạn tôi thì đã là người quen biết từ
lâu, trong cách giao tiếp, anh được các sœur xem như một ân nhân bảo
trợ, chỉ có tôi là người lạ. Nhưng khi chào tôi, sœur bảo thấy tôi giống một
người thân quen nào đó. Còn tôi, thì cũng mơ hồ như đã từng gặp người nữ
tu này ở đâu rồi. Cũng có thể vì khuôn mặt khả ái, hiền thục của sœur phảng
phất gương mặt của Đức Mẹ Maria mà tôi thường thấy trên các bức ảnh hay bức tượng
trong các nhà thờ. Được giới thiệu là sœur Anna, tôi biết đây chỉ là tên
thánh của bà. Khi tôi vừa ngồi xuống phía đối diện, sœur nhìn chăm chú vào
cái bảng tên của tôi trên nắp tùi áo, bỗng mắt sœur như sáng lên:
– Có phải lúc trước đại úy ở Tiểu Đoàn 3/44?
Tôi khựng lại, ngạc nhiên:
– Dạ, đúng là trước kia có mấy năm tôi ở tiểu đoàn này.
Nhưng cách nay đã 6, 7 năm rồi!
– Đại úy còn nhớ trận Quảng Nhiêu. Hình như đại úy suýt chết
trong trận ấy?
Tôi càng ngạc nhiên hơn, không hiểu tại sao người nữ tu này biết
rõ mình như thế. Tôi vừa trả lời vừa nghĩ ngợi, thăm dò:
– Dạ đúng, nhưng sao sœur biết. Chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi
mà. Sœur Anna không trả lời mà hỏi lại tôi: – Đại úy thoát chết, nhưng người
nằm hố bên cạnh thì bị nguyên một quả đạn súng cối 60 hay 80 gì đó, phải không?
Tôi giật mình, từ ký ức hiện ra rất nhanh hình ảnh hãi hùng này,
và ngay lúc ấy, trước mắt tôi sœur Anna cũng phảng phất bóng dáng của một người
con gái khác.
***
Vào khoảng đầu mùa hè năm 1966, tôi đang làm đại đội phó Đại Đội 3
thuộc Tiểu Đoàn 3/44. Thời gian này hậu cứ tại Ban Mê Thuột, nhưng tiểu
đoàn được chọn làm đơn vị trừ bị lưu động cho Sư đoàn và Khu 23 Chiến Thuật. Thời
ấy chưa có các đại đội trinh sát. Đơn vị tôi có mặt gần như trên khắp lãnh thổ
Khu 23 Chiến Thuật, kéo dài từ vùng cao nguyên có biên giới với Cam Bốt cho đến
tận miền duyên hải. Có khi hôm trước còn hành quân ở Quảng Đức, Lâm Đồng, hôm
sau lại có mặt ở Bình Tuy, Tuy Hòa, Phan Thiết…
Một hôm, sau cuộc hành quân dài hạn ở khu Cà Ná, thuộc tỉnh Ninh
Thuận, tiểu đoàn được lệnh di chuyển về Cam Ranh, vừa nghỉ dưỡng quân vừa giữ an ninh
các đảo ngoài khơi để lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu đổ quân xuống đây thiết lập căn
cứ.
Trong một đợt bổ sung quân số, đại đội tiếp nhận ba hạ sĩ quan và
gần hai mươi tân binh vừa rời khỏi quân trường. Tôi đến bộ chỉ huy tiểu
đoàn nhận lãnh và đưa về trình diện anh đại đội trưởng. Trong ba trung sĩ,
một anh có dáng dấp, nói năng hiền lành như một thầy tu. Xem qua lý lịch
và nhất là sau khi nói chuyện, tôi biết anh là thầy giáo một trường dòng và
cũng là trưởng ca đoàn của một nhà thờ ở ngoại ô thành phố Nha Trang, quê hương
tôi. Tôi không phải là người Công giáo, nên không mấy am tường các sinh hoạt
này, nhưng biết chắc một điều, trưởng ca đoàn phải là một người hát hay và giỏi
về nhạc lý. Vốn có máu văn nghệ, lại là người đồng hương, nên tôi dễ thân
tình và thường bắt anh hát cho cả đại đội nghe. Tôi đề nghi anh đại đội
trưởng cho anh làm Hạ Sĩ Quan Tâm Lý Chiến của đại đội. Từ đó chúng tôi rất
thân nhau, ăn cơm chung và treo võng ngủ gần nhau dưới một vòm cây
dương liễu.
Thấy anh có cái tên hơi lạ, Nguyễn Phú Hùng Em, tôi đoán và hỏi
anh có phải anh có người anh tên Nguyễn Phú Hùng Anh. Anh cười mà nét mặt
không vui:
– Dạ, đúng là có một người là Nguyễn Phú Hùng Anh, nhưng không phải
là anh ruột. Chúng tôi lớn lên trong viện mồ côi, vì trùng tên, và anh ấy
lớn hơn tôi ba tuổi, nên các sœur đặt lại tên chúng tôi như thế. Bọn tôi
cũng rất thân nhau và xem như anh em. Điều buồn, là anh ấy đi lính trước,
vào Trường Sĩ QuanThủ Đức và tử trận cách nay hơn một năm rồi.
Thời gian này, đơn vị chúng tôi rất may mắn, chẳng khác nào được
đi nghỉ mát. Hải đảo lại là nơi thực tập cho các toán Biệt kích của Trung Tâm
Huấn Luyện Lực Lượng Đặc Biệt Đồng Bà Thìn, nên khá an toàn. Suốt
ngày bọn tôi chỉ tắm biển, câu cá, ban đêm nằm nghe sóng vỗ, đàn hát nghêu
ngao. Có lẽ đây là thời gian đặc biệt thoải mái nhất trong cuộc đời làm
lính của tôi. Nhân cơ hội hiếm hoi này, ông Tiểu đoàn trưởng cho phép binh
sĩ được luân phiên đón vợ con ra thăm và được ở lại trong hai tuần lễ.
Một hôm anh Trung sĩ Hùng Em xin tôi cho được đón người yêu mà anh
cho biết, nếu anh không bị động viên thì chắc hai người đã làm đám cưới. Tôi
sắp xếp, dọn sang nằm với người lính ô-đô và nhường chiếc võng lại cho
anh. Cả Nhà Thờ Núi Nha Trang bọn tôi khá bất ngờ khi anh đưa người yêu đến
chào. Là một cô con gái đẹp, làn da trắng, khuôn mặt phúc hậu, đôi môi mọng
đỏ với nụ cười hiền lành, lễ độ. So với anh, cô còn khá trẻ. Cô có
cái tên cũng rất khả ái: Thụy Khanh. Đặc biệt còn có giọng hát rất
hay. Mỗi lần cô hát, cả đám lính tráng bọn tôi ngồi nghe mê mẩn.
Sau đó, cô đến đảo thăm anh vài lần nữa. Những ngày có cô,
núi rừng trên đảo dường như bỗng trở nên đẹp, thơ mộng và vui vẻ hơn, sóng biển
thì êm ả hơn như để cùng hòa theo tiếng hát của cô. Ngoài ra cô
còn có tài nấu ăn, thường đãi bọn tôi những bữa cơm rất ngon miệng. Tất cả
đơn vị, từ quan tới lính ai cũng nghĩ anh Trung sĩ Hùng Em thật là tốt phước,
ông trời đã cho anh một người tình, một người vợ lý tưởng sau này. Qua tâm
tình, chúng tôi được biết, hai người quen biết nhau trong viện mồ côi từ khi
còn rất nhỏ. Sau này anh vừa là thầy dạy học, dạy nhạc vừa là trưởng ca
đoàn của cô trong cùng một nhà thờ. Hai người đều chơi dương cầm và hát
hay nhất trong ca đoàn. Tình yêu bắt đầu nẩy nở từ môi trường
cô nhi và âm nhạc. Và cuộc tình của hai người được các vị linh mục
cùng các sœur đồng tình, khuyến khích, như là một sự kết hợp nhiệm mầu của
Thiên Chúa.
Hơn ba tháng thần tiên ở đảo Cam Ranh, khi các đơn vị tiền trạm của
Hoa Kỳ được ào ạt đổ xuống thành lập “Cam Ranh Air Base”, tiểu đoàn tôi có lệnh
rời khỏi đảo, di chuyển để tiếp tục lưu động khắp nơi. Lâm Đồng, Bình Thuận rồi
Ninh Thuận, Sau những cuộc hành quân dài hạn trong rừng, mỗi lần đơn vị được về
phố ít ngày hoặc đóng quân trong các làng mạc nằm khu ngoại ô, chúng tôi lại thấy
người con gái xinh đẹp Thụy Khanh đến thăm và ở lại với người yêu. Đó là một
đôi tình nhân gắn bó, đẹp và lãng mạn nhất mà bọn tôi chứng kiến, và có lẽ ai
cũng thèm thuồng có được một hạnh phúc như thế.
Tháng bảy năm 1966, khi đơn vị nghỉ quân ở Tháp Chàm – Phan Rang,
Trung sĩ Hùng Em xin một tuần phép đặc biệt để về Nha Trang làm đám hỏi. Anh
bảo cả hai người đều không có cha mẹ anh em, nên lễ đính hôn đều do các vị linh
mục và các sœur đỡ đầu tổ chức.
Đúng lúc anh vừa mãn phép trở lại, thì đơn vị có lệnh không vận khẩn
cấp lên Ban Mê Thuột để tiếp viện cho một đơn vị Biệt Động Quân và Thiết Giáp bị
thiệt hại khá nặng tại trận chiến Quảng Nhiêu, nằm phía Tây Bắc, cách thành phố
Ban Mê Thuột khoảng hơn mười cây số. Trận chiến khá cam go, ác liệt. Một
lực lượng địch cấp trung đoàn, sau khi tổ chức phục kích gây tổn thất cho chi
đoàn Thiết Quân Vận và một đại đội Biệt Động Quân tùng thiết, bọn chúng đào nhiều
giao thông hào và hầm hố cá nhân kiên cố trong các vườn cà phê, để chặn đánh
các cánh quân của ta tiếp viện. Tiểu đoàn tôi cùng một chi đoàn Thiết Vận Xa
khác được tăng phái cho Trung Đoàn 45, đặt dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Võ
Văn Cảnh, đảm trách cuộc hành quân phản công, bao vây tiêu diệt địch.
Địch chiếm ưu thế về vị trí, chuẩn bị trận địa, bên ta có sức mạnh
của thiết giáp và không yểm. Sau suốt năm ngày đêm không ngủ, lăn mình
trong mịt mù lửa đạn quần thảo với địch, cuối cùng chúng tôi đã đạt được chiến
thắng. Một số lớn địch quân bị tiêu diệt và bắt sống, nhưng bên ta cũng phải
trả một cái giá không nhỏ. Đại đội tôi may mắn, chỉ có ba quân nhân tử trận
và khoảng mười người bị thương, trong đó có anh đại đội trưởng. Tôi được
chỉ định tạm thời chỉ huy đại đội.
Cuộc hành quân vẫn chưa kết thúc, một số đơn vị tiếp tục truy kích
địch, riêng tiểu đoàn tôi được lệnh ở lại Quảng Nhiêu. Ban ngày tung các
cuộc hành quân tảo thanh chung quanh, ban đêm phòng thủ bảo vệ khu vực dân cư,
mà đa số là người Công giáo, đề phòng địch quay lại quấy rối, phục thù. Đại
đội tôi được chỉ định bảo vệ một Pháo đội Pháo Binh 105 ly. Điều tồi tệ là
vị trí Pháo đội này nằm trên một khu đất trống trải, trong phòng tuyến và cả
phía bên ngoài cũng không có một cành cây, dưới đất chỉ toàn là bụi đỏ, dày cả
một gang tay. Mỗi lần Pháo binh tác xạ, cả đất trời gần như chỉ toàn
là bụi. Đám lính chúng tôi từ đầu tới chân cũng phủ đầy bụi đỏ. Đơn vị
Pháo Binh thì đã có sẵn hầm hố kiên cố từ trước, còn đại đội tôi phải tự đào lấy
những hố cá nhân, nhưng không thể đào sâu được, vì dưới đất chỉ toàn bụi và bụi,
đào đến đâu bụi đỏ tràn theo tới đó, và mỗi lần Pháo Binh tác xạ, những cái hố
này bị bụi lấp cạn thêm. Ban đêm, chúng tôi nằm trong những chiếc hố ấy, nhưng
không che đủ nửa thân người. Cái hố của tôi dành cho hai người nằm, tôi và
anh Hạ sĩ mang máy truyền tin. Hố kế bên trái là Trung sĩ Hùng Em và anh
lính ô-đô của tôi.
Một hôm, khoảng hai giờ sáng, khi tôi đang ngủ chập chờn, bỗng một tiếng nổ chát chúa ngay bên cạnh, mảnh đạn và bụi phủ đầy người, tôi bật dậy chụp vội cây súng chạy ra hàng rào phòng thủ, nơi vọng gác có đặt khẩu đại liên. Rờ nắn vội qua khắp người xem có thương tích gì không, tôi thở phào vì không thấy dấu hiệu đau đớn nào, nhưng khi các trái sáng bắn lên, nhìn bụi đỏ phủ đầy người tôi giật mình cứ ngỡ là máu. Địch quân đã pháo kích chúng tôi hơn 10 quả bằng hai khẩu súng cối 61 ly từ hai địa điểm khác nhau. Pháo Binh đã phản pháo chính xác làm bọn chúng câm họng. Khi tình hình ổn định, trở về hố, tôi bàng hoàng nghe anh lính ô-đô báo là Trung sĩ Hùng Em đã chết. Anh đã lãnh nguyên một quả đạn 61 ly, rớt ngay sát bên cạnh, ruột đổ ra ngoài và thân thể nhuộm đầy máu. Điều kỳ lạ, là anh lính ô-đô của tôi nằm ngay một bên mà không hề hấn gì, chỉ có áo quần dính đầy máu và thịt của người đồng đội xấu số. Tôi theo hai người lính khiêng thi thể Trung sĩ Hùng Em, được gói tạm trong tấm poncho, vào hầm cứu thương của Pháo Đội. Anh chết thật thê thảm. Tôi đứng lặng người, sau khi vuốt đôi mắt cho anh. Từ khi ấy cho đến sáng, tôi không hề chợp mắt. Tôi nghĩ đến Thụy Khanh, cô con gái xinh đẹp hiền thục, có giọng hát khuấy động cả trái tim người, vừa trở thành vị hôn thê của anh chỉ mới hai tuần trước. Trưa hôm qua, khi rủ nhau vào thăm ông cha xứ trong xóm đạo và để xin được tắm giặt ở cái giếng sâu phía sau nhà thờ, anh đã khoe tôi tấm hình anh chị chụp chung trong lễ đính hôn, và bảo rằng cuối năm này hai người sẽ làm đám cưới. Anh còn nói nhỏ với tôi, ông cha xứ của anh hứa sẽ giới thiệu anh với vị Linh mục Tuyên Úy của Sư Đoàn để xin anh về làm ở Phòng Tuyên Úy, vì hai ngài là bạn tu với nhau và được thụ phong cùng một ngày.
Nhớ tới hai khuôn mặt hiền lành với nụ cười rạng rỡ trong tấm hình
đính hôn, lòng tôi se lại. Chiến tranh tàn ác quá, đã chia ly biết bao
nhiêu người, và làm dang dở biết bao mối tình đẹp đẽ như anh Hùng Em và cô gái
Thụy Khanh. Tôi bỗng chạnh lòng, nhớ tới người yêu, cũng là vị hôn thê của
chính mình, hằng đêm cầu nguyện cho tôi, từ một thị trấn nhỏ, mà giờ đây đang
xa tít mịt mùng.
Một năm sau đó, tôi được nghỉ mười lăm ngày phép về Nha Trang làm
đám cưới. Nhớ đến Hùng Em, tôi rủ vợ cùng tìm đến nhà thờ gần khu Đồng Đế
để hỏi thăm tin tức về nơi chôn cất anh. Chúng tôi được một vị linh mục trẻ
đón tiếp niềm nở và hướng dẫn đến thăm mộ Hùng Em, nằm trong một nghĩa trang nhỏ
của giáo xứ, gần biển. Từ đó, tôi có thể nhìn thấy Hòn Chồng, nơi chôn giấu
nhiều hang động của tuổi thơ tôi. Đọc trên tấm bia, tôi thấy tên người lập
mộ được ghi vỏn vẹn hai chữ: Thụy Khanh.
Nhớ tới người con gái xinh đẹp, phúc hậu, có giọng hát rất hay ấy,
tôi hỏi vị linh mục:
– Thưa cha, chị Thụy Khanh, vị hôn thê của anh Hùng Em có khỏe
không, và bây giờ chị đang ở đâu?
Vị linh mục buồn bã:
– Chị ấy đã di chuyển đến một nơi khác, khoảng ba tháng sau khi
anh Hùng Em qua đời, nhưng thi thoảng chị có ghé về đây ít hôm thăm giáo xứ và
viếng mộ anh ấy.
Tôi không dám tò mò thêm nữa. Cám ơn cha và đưa ngài về lại
nhà thờ rồi xin phép cáo từ.
Sau đó, cuộc chiến ngày càng khốc liệt, tôi theo đơn vị
hành quân liên miên, bao nhiêu lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Người
lính chiến, chuyện sống chết chỉ tùy vào số mệnh, không ai có thể tránh được lằn
tên mũi đạn. Đồng đội tôi đã có biết bao người ngã xuống. Có những
cái chết còn thê thảm hơn cả cái chết của anh Trung sĩ Hùng Em lúc trước. Tôi
đã chứng kiến cảnh một người vợ trẻ ngất xỉu khi đến nhận xác chồng mà không
tìm thầy cái đầu, một bà mẹ đã lăn đùng ra chết ngất khi thi thể đứa
con hy sinh chỉ còn lại một phần và bà không thể nhận diện được con
mình. Những khủng khiếp của chiến tranh sau này, cùng với thời gian, dần
dà làm tôi tạm quên nhiều chuyện đau đớn cũ.
– Ông Trung úy Điệp, người Huế, làm đại đội trưởng lúc ở ngoài Cam
Ranh, bây giờ ra sao rồi, đại úy?
Câu hỏi của sœur Anna làm tôi giật mình, trở về thực tại:
– Dạ, anh Điệp đã chết lâu rồi. Anh tử trận tại Thiện Giáo – Phan
Thiết, chỉ sau hai tuần làm đám cưới với cô giáo Diệu, cũng người Huế, nhưng sống
ở Ninh Hòa. Hai người quen nhau khi đơn vị tôi về thụ huấn bổ túc tại
TTHL Lam Sơn. Không ngờ sœur vẫn còn nhớ tên anh ấy.
Sœur cúi xuống, trầm ngâm giây lát. Khi ngước lên, bà lấy
khăn tay lau nước mắt.
– Tôi và anh Hùng Em cũng làm đám hỏi đúng hai tuần. Cô giáo Diệu
nào đó không biết may mắn hay là bất hạnh hơn tôi khi đã được làm vợ, cũng chỉ
mới hai tuần?
Vừa nói xong, sœur vội vàng nói lời xin lỗi, bảo đúng ra, một người
đi tu, không nên suy nghĩ đến những điều như thế.
Bốn tháng sau lần gặp gỡ bất ngờ đó, tôi đến thăm cô nhi viện môt
lần nữa, nhưng lần này, tôi cùng đi với cô trung úy Trưởng Ban Xã Hội, để giới
thiệu với sœur Anna, nhờ cô nhi viện tạm chăm sóc hai đứa bé, con của một anh
chuẩn úy. Cả hai vợ chồng bị chết bởi đạn pháo ở Kontum. Sœur Anna rất
vui vẻ, ân cần, sẵn sàng nhận giúp và bảo tôi bất cứ khi nào có dịp về
Pleiku, nhớ ghé lại thăm. Chúng tôi cám ơn, biếu cô nhi viện một ít
tiền, và hứa nhất định sẽ trở lại thăm sœur và hai đứa bé.
Nhưng rồi tôi đã không giữ được lời hứa ấy. Từ đầu năm 1973,
sau khi Mỹ ký hiệp định Paris trên xương máu của người bạn đồng minh, những người
lính VNCH đã phải chống đỡ làn sóng xâm lăng của Cộng sản phương Bắc, ồ ạt đưa
đại quân, xe pháo vào quyết chiếm miền Nam, tôi đã cùng đồng đội miệt mài với
chiến trường, súng đạn, mà sự viện trợ ngày một cạn dần, nên xương máu anh em lại
càng đổ ra nhiều hơn nữa.
Ngày 11.3.75, Ban Mê Thuột thất thủ. Đơn vị tôi đang hành
quân ở khu vực Tây Nam Pleiku, có lệnh kéo về Hàm Rồng để được trực thăng vận
xuống Phước An, quân lỵ cuối cùng còn lại của tỉnh Đắc Lắc, nhằm tái chiếm Ban
Mê Thuột, nơi có bản doanh Sư Đoàn và hậu cứ của đơn vị chúng tôi. Khi BCH
Trung Đoàn và một tiểu đoàn cùng đại đội Trinh Sát vừa được đổ xuống Phước An thì
Pleiku có lệnh di tản. Hai tiểu đoàn còn lại của chúng tôi phải di chuyển theo đoàn
quân di tản trên Tỉnh Lộ 7B. Một kế hoạch triệt thoái tồi tệ đã đưa đến thất
bại nặng nề bi thảm. Cả hai tiểu đoàn khi về đến Tuy Hòa chỉ còn lại một
phần tư quân số, hai anh tiểu đoàn trưởng đã phải tự sát để không lọt
vào tay giặc.
Cuối cùng, miền Nam cũng mất. Tôi và cả cha tôi đều bị tù đày
khốn khổ. Cha tôi, tuổi già sức yếu, không đủ sức để chịu đựng bao đòn thù
tra tấn, hành hạ, nên đã chết trong trại tù Đá Bàn vào tháng 6 năm 1976, còn
tôi bị đày ải qua nhiều trại tù, từ Nam ra Bắc. Sau gần tám năm tôi được thả về
để chứng kiến một quê hương nghèo khổ điêu tàn, vợ con nheo nhóc. Tôi quyết
định vượt biên, dù có phải chấp nhận bao hệ lụy khôn lường. Tôi rủ vài người
bạn tù cùng tổ chức vượt biển, trong số này có một anh bạn nguyên là sĩ quan Hải
quân có nhiều kinh nghiệm hải hành. Nơi bọn tôi hẹn gặp gỡ là một cái quán
nhỏ của gia đình người bạn tù khác nằm gần khu Hòn Chồng. Một hôm, sau khi bàn
công việc và ăn uống xong, tôi bỗng nghĩ tới anh Trung sĩ Hùng Em, khi nhớ ngôi
mộ của anh cũng nằm gần nơi này. Tôi nhờ anh bạn chở tôi đến đó. Vì
nghĩa trang nhỏ, nên tôi dễ dàng tìm ra ngôi mộ của anh Hùng Em. Điều làm
tôi sửng sờ là ngôi mộ nằm bên cạnh có tấm bia ghi đậm tên người quá
cố: Sœur Anna Phan Thụy Khanh, được Chúa gọi về ngày 15.3.1975. Tôi không
biết vì sao cô chết, chỉ còn nhớ thời gian này đã từng xảy ra cuộc di tản kinh
hoàng trên Tỉnh Lộ 7B. Chúng tôi tìm đến nhà thờ với ý định hỏi thăm cha xứ,
nhưng rất tiếc ngài đi vắng, trong nhà thờ chỉ có hai thiếu niên rất trẻ, không
hề biết sœur Anna là ai. Khi rời khỏi nơi này, trong cái man mác buồn tôi
bất chợt thấy vui vui, và buột miệng như để nói với chính mình:
-Cuối cùng thì hai người cũng được ở bên nhau.
Tôi chưa (và có lẽ không) có cơ hội nào để trở lại
Pleiku. Ngày xưa, tôi chỉ ghé lại thành phố bụi đỏ này một đôi lần ngắn ngủi,
như chỉ một thoáng chợt đến chợt đi, chưa hề làm quen với một “em Pleiku má đỏ
môi hồng”nào. Ngoài Đồi Đức Mẹ, nơi đơn vị đóng quân một tháng, cả một tháng
“gió lạnh mưa mùa”, tôi chỉ còn nhớ cái quán rượu trong Khu Chợ Mới, nơi anh bạn
Biệt Động Quân đưa tôi đến để tìm những cơn say, và một ngôi trường được dùng
làm cô nhi viện, nơi có sœur Anna xinh đẹp, đã gợi lại trong tôi hình ảnh của
những đồng đội đáng mến mà vắn số như Nguyễn Phú Hùng Em. Tôi da diết nhớ đơn vị
xưa, thời chúng tôi còn trai trẻ, nhớ từng khuôn mặt bạn bè đã nằm lại trên các
chiến trường xưa hay đang lưu lạc muôn phương, tiếc thương cho cuộc tình đẹp của
những người lính trẻ, lãng mạn, thơ mộng, nồng nàn nhưng sớm chia lìa đớn đau bởi
cuộc chiến tranh oan nghiệt.
Phạm Tín An Ninh
No comments:
Post a Comment