Buổi sáng mai hôm ấy,
một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên
con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần
này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi
học.
Tôi nói:
– Đéo muốn đi
học.
Mẹ mắng:
– Sư cha mày, nhà
nghèo tiền đâu mua bằng giáo sư, tiến sĩ. Khôn không muốn, muốn ngu. Đi học lớn
lên làm dư luận viên, cảnh sát lưu thông không muốn, muốn đi ăn mày hả?
Tôi nghe mẹ, dậy sớm
theo mẹ tới trường. Từ nhỏ, vẫn mơ ước sau này lớn lên làm dư luận viên, được
trả tiền chửi cha thiên hạ, hay làm cảnh sát giao thông, cần tiền nhậu hay rút
bài, chỉ việc ra góc đường, tóm đầu mấy thằng lớ ngớ chạy xe, về tội vượt đèn
đỏ, hay vượt đèn xanh, đội nón hay không đội nón an toàn, vừa chạy xe vừa gọi
điện thoại, hay chạy xe mà không trả lời “iPhone.”
Trước mặt tôi, trường
Mỹ Lý vừa xinh xắn, vừa uy nghiêm như đình làng Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó
cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Mái trường không còn, tường trống
trơn: cán bộ đã gỡ ngói, gạch về cất nhà riêng. Cũng như tượng trong chùa đã bị
các cán bộ sư đem bán, mua rượu thịt nhậu nhẹt với bồ nhí sau những giờ tụng
niệm. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.
Ông hiệu trưởng gọi
mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng
không có văn phòng hiệu trưởng. Bàn ghế, bảng đen ông đã khênh về tặng vợ lẽ.
Ông nhìn chúng tôi, nói nhỏ nhẹ:
– Thế là các em đã vào
lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ vui lòng, thầy dạy các em sung
sướng. Năm đầu, và những năm sau, các em chỉ học tư tưởng Bác. Đứa nào không
thuộc bài, lần đầu phải đóng cho tao 100 ngàn, lần thứ hai 200 ngàn. Các em đã nghe
chưa?
(Các em đều nghe,
nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may mà có tiếng dạ ran của phụ huynh đáp
lại).
Ông hiệu trưởng ra dấu
cho chúng tôi vào lớp. Một cô giáo nạ dòng, mặt mũi sơn phết son phấn, quần áo
xịn, ân cần đón chúng tôi vào lớp. Khi cả đám đã ngồi xuống đất ẩm, vì nền nhà
đã bị cô giáo..., cô ôn tồn nói:
– Năm nay, các em sẽ
được học tư tưởng Bác. Phải chăm chỉ học hành cho xứng đáng là cháu ngoan của
Bác. Nhưng trước khi học tư tưởng Bác, phải học thuộc lòng nội quy: Không thuộc
bài, nộp cô giáo 200 ngàn, nói chuyện trong lớp 300 ngàn, đi trễ 400, đái ra
quần 500 ngàn
Một thằng giơ tay hỏi:
– Thầy hiệu trưởng nói
không thuộc bài chỉ đóng 100 ngàn.
– Thằng nào, con nào
muốn lấy bao nhiêu tao đéo cần biết. Đây là giang sơn của tao, nội quy do tao
đặt ra. Đứa nào không thích thì cút. Mặt mũi chúng mày ngu như lợn, ngoài tao
ra, không có đứa nào dạy chúng mày thành người được đâu.
Thằng nhỏ hỏi lại:
– Nếu nhà nghèo quá,
không có tiền nộp thì sao?
– Đéo cãi cọ lôi thôi
nữa, không có tiền nộp thì cút. Tiên sư cha nhà mày, nghèo mà bày đặt đi học.
Tao đéo nói nhiều nữa, chỉ lộn ruột. Con nhà mất dạy, chưa học đã phá đạo đức
nhà trường. Nhắc lại cho cả lớp: Đứa nào không có tiền nộp thì cút ngay cho khuất
mắt.
Thằng nhỏ đứng dậy,
vùng vằng ra khỏ lớp:
– Ông đéo muốn học.
Ông đi chăn trâu sướng hơn.
Lớp học yên tĩnh trở
lại. Một con chim liệng đến đứng trên bờ cửa sổ trống (cánh cửa đã bị cô
giáo…), hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.
Tôi đưa mắt thèm
thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay
trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi. Nhưng đó chỉ là những kỷ
niệm. Ngày nay, cánh đồng không còn một tiếng chim hót, bờ sông trở thành đất
của hãng Tàu, nước sông đen, cá chết nổi lềnh bềnh vì hóa chất.
Tiếng phấn của cô giáo
gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ
nhìn cô viết và lẩm bẩm đọc:
Bài tập viết: “Không
có gì quý hơn độc lập, tự do.”
* (1) Bài này, nếu có
những câu giống văn Thanh Tịnh, chỉ là một sự tình cờ, ngoài ý muốn của tác
giả.
Từ Thức
Sau đây kính mời quý
vị đọc nguyên bản bài “TÔI ĐI HỌC” của Thanh Tịnh (viết trước khi cộng sản
“cướp” chính quyền):
Hằng năm cứ vào cuối
thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng
tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên
được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi
mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi
chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không
nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến
trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy,
một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên
con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần
này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng
tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.
Tôi không lội qua sông
thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.
Trong chiếc áo vải dù
đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.
Dọc đường tôi thấy mấy
cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách
vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu
thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng chì ra và chênh
đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước o sách vở
thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì
hết.
Tôi muốn thử sức mình
nên nhìn mẹ tôi:
– Mẹ đưa bút thước cho
con cầm.
Mẹ tôi cúi đầu nhìn
tôi với cặp mắt thật âu yếm:
– Thôi để mẹ nắm cũng
được.
Tôi có ngay cái ý kiến
vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.
Ý nghĩ thoáng qua
trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.
Trước sân trường làng
Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi
và sáng sủa.
Trước đó mấy hôm, lúc
đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần.
Lần ấy trường đối với
tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản
đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch
sẽ hơn các nhà trong làng.
Nhưng lần này lại
khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa
Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm
ra lo sợ vẩn vơ.
Cũng như tôi, mấy cậu
học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi
từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn
bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học
trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.
Sau một hồi trống thúc
vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào
lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi.
Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại
càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân,
các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân
các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.
Ông đốc trường Mỹ Lý
cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có
phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả
tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi
tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên
mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:
– Thế là các em đã vào
lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng
em được sung sướng. Các em đã nghe chưa?
(Các em đều nghe nhưng
không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ ran của phụ huynh đáp lại).
Ông đốc nhìn chúng tôi
với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu
nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong
những phút giây này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã
lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.
Ông đốc lấy cặp kính
trắng xuống rồi nói:
– Thôi, các em đứng
đây sắp hàng để vào lớp học.
Tôi cảm thấy sau lưng
tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên
thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cánh tay của người thân,
vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân,
nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng
đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở
khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít
đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.
Ông đốc nhẫn nại chờ
chúng tôi.
– Các em đừng khóc.
Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai các em lại được nghỉ cả ngày
nữa.
Sau khi thấy 28 cậu
học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi
vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa
lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm
lạ vì có nhũng hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng
tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.
Một mùi hương lạ xông
lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi
nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình.
Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng
lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và
bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật. Một con chim con liệng đến
đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.
Tôi đưa mắt thèm
thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay
trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.
Nhưng những tiếng phấn
của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên
bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc:
Bài tập viết: Tôi đi
học!
Thanh Tịnh
(Rút từ tập truyện
ngắn “Quê Mẹ,” 1941)
Ông Từ Thức viết bài này tếu quá.
ReplyDelete