Monday, January 27, 2025

Dẹp Bàn Thờ! - Huỳnh Quốc Bình

Hình minh họa

Bài viết này khá dài và có nhiều điều rất đụng chạm đến niềm tin của khá đông người Tin Lành gồm thành phần mà tôi cho là "thiêng liêng nửa vời". Tư cách và đạo đức của những người này cần phải được xét lại. Họ lúc nào cũng muốn chứng tỏ mình đạo đức hơn người, nhưng thực tế thì trái ngược. Họ sẵn sàng tranh cải về lẽ đạo của Chúa đến sùi bọt mép, nhưng cách ăn nết ở của họ rất phản Thánh Kinh. Bài viết này không dành cho những người đó.

***
Không ít người nhận mình là "Tin Lành", "con dân Chúa", hoặc "con cái của sự sáng", thường có tác phong như thể chỉ có họ mới thiêng liêng, còn người khác đều là phàm tục. Họ đến nhà ai, hễ thấy có bàn thờ giữa nhà, mắt họ lắm la, lắm lét như thể đang bị ma đuổi. Có người còn để lộ cử chỉ xem thường gia chủ vì "cái tội" có bàn thờ giữa nhà. Chuyện người ta tin thờ ai là quyền của người ta, nếu mình không thích, mình nên đi chỗ khác, chứ không thể có thái độ bất nhã đó.

Thay vì khéo léo giải thích lẽ đạo của Chúa để người khác biết về sự cứu rỗi của Ngài để sau khi tiếp nhận Chúa họ điều gì cần giữ, điều gì cần bỏ, họ đã trịch thượng lên án gia chủ có bàn thờ trong nhà và bảo người ta là phải dẹp bàn thờ, nếu không sẽ xuống địa ngục. Tôi xin nói ngay, với "cái mửng" hay kiểu này, chưa chắc ai xuống địa ngục trước ai?

Tình trạng những ông bà mục sư Việt Nam cùng phái đoàn của nhà thờ đi thăm viếng gia đình tân tín hữu đã tạo ra sự "đổ vỡ" sau khi người ta tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa là chuyện có thật. Họ đến nhà người ta, nhìn thấy có cái bàn thờ giữa nhà, họ phê bình và xúm lại ép người ta dẹp bàn thờ của gia đình người ta. Họ không cần biết bàn thờ đó do người nào trong gia đình thiết lập, mà chỉ biết hăm dọa tân tín hữu nếu không dẹp, sẽ xuống "địa ngục".

Thật tội nghiệp những người tân tín hữu nêu trên. Lẽ đạo thì chưa thông mà họ phải chứng kiến cảnh người khác làm cái việc giống như thể cào mồ, cuốc mả ông bà, cha mẹ họ. Mấy ông bà "con trời" này đã áp lực những người chưa hiểu thấu những gì Chúa khuyến cáo trong Thánh Kinh phải lập tức vứt bỏ biểu tượng thiêng liêng cả đời họ gìn giữ, tôn thờ, nên lòng họ rất ấm ức và khó chịu. Làm sao họ không đau buồn khi thấy mình đang theo một tôn giáo mà có những người ngang nhiên xúc phạm đến bàn thờ cha mẹ hay ông bà của mình. Kết quả, họ đã bỏ nhà thờ và xa lánh các ông bà "con trời" đó. Có người bỏ nhà thờ cho đến khi họ qua đời. Đây không phải một hai vụ, mà nhiều vụ như thế. Tôi nói mà không sợ là mình nói sai, chính những người này đã vô tình cản trở người khác vào Thiên Đàng.

Một tín hữu Tin Lành kể tôi nghe là tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ, có chị kia cùng người em gái tìm hiểu lẽ đạo của Chúa qua nhà thờ Tin Lành. Kết quả, người chị tiếp nhận sự cứu rỗi của Chúa còn người em vẫn còn đang tìm hiểu. Ngày kia, không may người em đột ngột qua đời vì một chứng bệnh. Người chị đau khổ quá bởi vì trong nhà chỉ có hai chị em. Người chị nghĩ đến nhà thờ nơi hay nói về tình yêu thương nên chị ngỏ lời mời ông mục sư đến nhà cầu nguyện cho biến cố đau buồn của gia đình chị. Ông mục sư và phái đoàn đến nhà chị, họ thấy có bàn thờ giữa nhà, ông mục sư ra lệnh phải dẹp, ông mới cầu nguyện. Xác cô em còn nằm trong nhà quàng, lúc bấy giờ người chị đang đau khổ, nhờ mục sư của mình cầu nguyện lại bị từ chối vì có cái bàn thờ giữa nhà. Bàn thờ đó là do hai chị em thiết lập nên người chị chưa thể dẹp. Do đau khổ vì người em qua đời, buồn vì bị ông mục sư khước từ lời cầu xin tha thiết của mình. Bí lối, chị chạy đến nhà chùa, mời vị sư trụ trì đến tụng kinh cầu hồn hay cầu siêu gì đó. Sau tang lễ, người chị không còn trở lại nhà thờ. Tôi không nói việc làm của cô chị là đúng hay sai trong tình huống này, nhưng tôi hết ý kiến vì thái độ quá khích hay kỳ quặc trong niềm tin của ông mục sư đó. Tôi nghĩ ông mục sư ấy đi dưới đất mà tưởng mình đang bay trên mây. Thay vì giúp người ta hiểu và giữ đúng lẽ đạo của Chúa lại đẩy họ về... chùa.

Tôi từng bị một số người Tin Lành "thiêng liêng" phê bình đại khái rằng: "Ông HQB mà Tin Lành cái gì. Ngày Rằm ông đi chùa Phật Giáo, Thứ Bảy ông đi nhà thờ Công Giáo, Chúa Nhật lại đến nhà thờ Tin Lành." Họ nói không sai sự việc nhưng họ không rõ nguyên nhân. Họ không biết đúng sự kiện bởi vì họ không hiểu tại sao tôi phải đến các nơi đó. Có lẽ họ tưởng rằng họ khôn hay thiêng liêng hơn người khác nên mới dám đưa ra những nhận xét hồ đồ như thế.

Tôi từng đến nhà thờ Công Giáo và một số chùa Phật Giáo là chuyện có thật. Tôi đến đó làm gì? Xin thưa, tôi từng được đồng hương Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tại Oregon tín nhiệm trách vụ chủ tịch suốt ba nhiệm kỳ (1995-2001). Trong thời gian đó, tôi từng đôi lần hay nhiều lần đến thăm viếng các cơ sở tôn giáo ngoại trừ Tin Lành. Tôi tránh nói chuyện sinh hoạt cộng đồng hay các vấn nạn tại Việt Nam với mục sư người Việt bởi vì hầu hết người Tin Lành từng tự hào là họ không thích hay không muốn đính dấp đến "chuyện chính trị". Tôi không đến các cơ sở tôn giáo khác thể học đạo, theo đạo, hoặc để thờ phượng gì cả. Tôi đến các nơi đó để bàn chuyện với cấp lãnh đạo của các tôn giáo là làm sao để xây dựng một cộng đồng người Việt Quốc Gia tị nạn cộng sản được vững mạnh tại Oregon.

Khoảng năm 1998, một ủy viên trong ban chấp hành cộng đồng mời tôi thăm viếng một vị hòa thượng đến từ Canada. Đây là nhân vật lịch sử của thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, khi người đến thuyết giảng tại một ngôi chùa ở Portland, Oregon. Tôi hân hạnh được hầu chuyện cùng vị hòa thượng cao niên và nỗi tiếng đáng tuổi cha, chú của tôi cả tiếng đồng hồ. Hòa thượng mời tôi lên chánh điện và tôi đã từ chối. Tôi thưa cùng vị hòa thượng ấy rằng: "Con là một Cơ Đốc Nhân, con không rành về nghi thức Phật Giáo, nên xin hòa thượng là nếu không gì trở ngại, cho con được hầu chuyện với hòa thượng ở hậu liêu này có được không?" Vị hòa thượng ấy đã không vì sự từ chối của tôi mà tỏ ra khó chịu. Trái lại, người rất vui vẻ về lời đề nghị của tôi. Một già, một trẻ, khác niềm tin tôn giáo, ngồi tâm tình, đàm đạo hằng giờ một cách thân mật và tích cực. Vị hòa thượng khả kính ấy nói cho tôi nghe thêm về thuyết Nhà Phật, tôi trình bày niềm tin của tôi và lẽ đạo của Chúa với người ngay tại nhà chùa một cách thoải mái. Tôi không tin là qua việc làm đó mà tôi lại bị sa xuống địa ngục như một số người Tin Lành lo ngại hay lầm tưởng.

Nhiều năm tham gia sinh hoạt với cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ, tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các tôn giáo bạn và nhiều thành phần trong xã hội. Tôi từng chạm trán những điều làm tôi hết sức chán ngán, đó là mấy ông bà nhận mình người "quốc gia chống cộng", nhưng thích làm lợi cho VC. Thành phần này quanh năm suốt tháng không làm gì cả, chỉ giỏi nằm nhà phê bình những đóng góp của người khác. Kế đến là mấy ông bà nhận mình là  "Tin Lành" không chuyên tâm làm những điều đẹp lòng Đức Chúa Trời, nhưng chỉ thích làm những điều ma quỷ mong đợi. Mấy người "Tin Lành" này không có đời sống đạo, mà chỉ giỏi làm dáng đạo đức. Họ thích làm thầy, làm sư, mà không thích làm công việc của thầy hay sư. Họ không giữ gìn tư cách, đạo đức mà đáng lẽ "sư" hay "thầy" phải có. Họ hết sức mâu thuẫn khi sử dụng lời Thánh Kinh. Điều nào có lợi cho cái "nồi cơm" hay chức vụ của họ, họ cổ võ, giành giựt. Điều nào nghịch lại ý họ hay giáo phái của họ, họ bài bác và lên án người ta là "tà đạo". Tôi có thể chứng minh hằng tá điều mâu thuẫn của họ mà tôi có kinh nghiệm, nhưng bài viết này không nhắm vào các điều đó nên xin hẹn lần khác.

Đối với tôi, người Tin Lành kiểu đó chỉ giỏi chọc giận thiên hạ hơn là giãi bày chân lý đến từ Thiên Chúa được chép trong quyển Thánh Kinh. Họ đụng chạm niềm tin người khác mà tưởng rằng mình đang làm chứng đạo. Họ trịch thượng bảo người này phải dẹp bàn thờ hay người kia phải cất lư hương. Họ bày tỏ một loại đức tin quá khích mà cứ tưởng làm sáng danh Chúa. Thành phần này Thiên Đàng chưa chắc vào được mà chỗ đứng dưới trần gian đã bị mất đi.

Theo thiển ý của người viết, người khôn ngoan giao tiếp với mọi người để được người ta, chứ không phải để giống những tiêu cực hay sai quấy của thiên hạ. Người bản lĩnh biết giúp người khác hiểu đúng điều mình tin, song song với việc khéo léo phê bình những điều mình biết là không đúng. Chỉ có kẻ dại mới hung hãn tấn công niềm tin tôn giáo người khác chứ người khôn không ai làm như thế. (Tôi nói niềm tin tôn giáo, chứ không phải các loại mê tín, dị đoan)

Tôi chưa từng thấy hay nghe nói có một ai đó tin Chúa hay theo đạo Tin Lành bởi vì thái độ quá khích của mấy ông bà Tin Lành nào đó. Trái lại, tôi có bằng chứng và kinh nghiệm là nhiều người tin Chúa là do cách ăn nết ở của những người thật sự kính Chúa và yêu người.

Cũng do thái độ sai lầm của một số người Tin Lành quá khích đã khiến nhiều người muốn tìm hiểu lẽ đạo của Chúa phải chọn làm người "vô đạo". Họ từ chối tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa để tội họ được tha, linh hồn của họ được cứu theo lời Thánh Kinh và đây là điều ma quỷ luôn mong đợi.

Hai chữ "bàn thờ" rất thiêng liêng đối với nhiều người Việt Nam. Ngày xưa bàn thờ còn được gọi là "giường thờ" hay "tủ thờ". Gọi cách nào thì cũng để nói lên ý nghĩa thiêng liêng của những người xem bàn thờ là biểu tượng cao cả về mặt tinh thần của gia đình và dòng họ. Lớn hơn nữa và có tầm vóc một đất nước, người ta gọi là "Bàn Thờ Tổ Quốc".

Dù tôn giáo nào, dù cá nhân đó là ai cũng không có quyền xúc phạm đến biểu tượng niềm tin tôn giáo mà người khác tôn thờ. Người không tin lời Thánh Kinh hay không biết lời Chúa, đối với họ bàn thờ Tổ Quốc là thiêng liêng. Con dân Chúa thật sự hiểu lời Chúa, sợ gì mà không dám đến gần "Bàn Thờ Tổ Quốc". Ai tin tưởng, khấn vái là chuyện của người ta. Mình bày tỏ lòng kính trọng hay cách hiếu thảo với Tổ Tiên theo lời dạy của Thánh Kinh, nhưng mình cũng phải biết tôn trọng niềm tin của người ta chứ. Họ không biết Chúa phán gì trong Thánh Kinh nên thờ Tổ Tiên hay Tổ Quốc kiểu của họ, có gì sai với cá nhân chúng ta hay tiêu chuẩn con người trần gian?

Nếu có người Tin Lành nào không đồng ý với lời giải thích trên, xin cho tôi hỏi: Lúc bước xuống tàu vượt biên lánh nạn VC, có ai bỏ tàu nhảy lên bờ chỉ vì thấy trên tàu có trang thờ hay bàn thờ, mà người chủ tàu thờ "bà cậu" gì đó của họ? Có ai vào nhà hàng Á đông hay Việt Nam mà phải bỏ chạy vì thấy có trang thờ hay bàn thờ, để thờ thần tài, thổ địa, ông táo, hay ông tà mà người chủ họ tin? Nếu ai muốn giữ sự "thiêng liêng" nên ngại những nơi có bàn thờ, xin cho tôi hỏi tiếp: Có ai về Việt Nam du lịch hay thăm gia đình mà phải nhảy ra khỏi máy bay khi phi cơ hạ cánh xuống các phi trường Thái Lan, Cam Bốt hay Việt Nam với đầy dẩy bàn thờ ở dưới đất?

Vấn đề lập bàn thờ trong gia đình để thờ Tổ Tiên, hoặc tưởng nhớ Ông Bà và Cha Mẹ sau khi qua đời, cũng như bày biện thức ăn để cúng vái những ngươi đã khuất là việc làm của những người chưa biết hay chưa tin lời Chúa dạy. Đây cũng là một trong những lý do đã khiến nhiều người Việt Nam khó chấp nhận niềm tin vào Thiên Chúa bằng cách thờ phượng Chúa theo nghi thức của người Tin Lành. Điều này giới lãnh đạo Tin Lành phải nhiệt tình giải thích hay cần nói rõ khi huấn luyện người chăn bầy hay làm chứng đạo. Đừng để họ sau khi ra trường thi hành chức vụ lại đi vào vết xe đổ của bậc đàn anh (Tin Lành Việt Nam) cả trăm năm về trước. Theo tôi, các vị mục sư tiền bối đã vô tình tạo ngộ nhận "chết người" mà sự ngộ nhận này đáng lẽ không nên có. Sự ngộ nhận hay hiểu lầm đó đã di hại đến ngày nay cho việc làm chứng đạo trong vòng người Việt Nam vốn tôn trọng phong tục thờ cúng tổ tiên và ông bà.

Mọi người cần hiểu rõ rằng, tin Chúa không phải chỉ thuần túy theo một tôn giáo, nhưng để bày tỏ lòng tuân phục Ðức Chúa Trời, bằng cách công khai xưng nhận đức tin của mình với Chúa Cứu Thế Jesus. Con người cần tin rằng Đức Chúa Jesus đã chết vì tội của mình (tội tổ tông) và nhận Ngài làm cứu Chúa của mình để linh hồn được cứu rỗi sau khi lìa trần. Điều này hoàn toàn không liên can gì đến chuyện bàn thờ của người đời.

Sở dĩ người Tin Lành không lập bàn thờ để cúng vái hay thờ lạy người đã khuất là vì việc làm đó nghịch lại Thánh Kinh. Điều cấm kỵ đó được chép trong mười điều răn của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh Cựu Ước, Xuất 20, chép về Mười Ðiều Răn. Tôi chỉ xin nêu ra hai điều, một và hai có liên quan đến bài viết này: Một: "Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác."  Hai: "Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp này, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi, tức là Ðức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những ai yêu mến ta và giữ các điều răn ta." (hết trích)

Với lời khuyến cáo trên của Đức Chúa Trời, con dân Chúa không thể sống theo tiêu chuẫn do chính mình nghĩ ra nữa, nhưng tất cả phải được đặt trên nền tảng Thánh Kinh. Người nào chịu trách nhiệm về phần thuộc linh cho tín hữu, người đó có bổn phận phải giảng lời Chúa một cách ngay thẳng, giống như lời khuyên của Sứ Ðồ Phao-lô dành cho Ti-mô-thê, "Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Ðức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật" (II Ti-mo-thê 2:15).

Nhiều người Việt Nam đã hiểu lầm rằng theo đạo Tin Lành là bỏ ông bà, bỏ cha, bỏ mẹ. Ðiều đó hoàn toàn sai, nhưng tôi thông cảm và không ngạc nhiên về sự ngộ nhận đó. Những câu chuyện mà tôi kể ở đầu bài viết là nguyên nhân tạo ra sự ngộ nhận "chết người" này. Ngay cả Thiên Chúa mà Cơ Đốc Nhân cũng không vẽ ra hình, hay tạc ra tượng để thờ lạy hoặc khấn vái những hình tượng đó bởi vì hành động đó là nghịch với Thánh Kinh. Chính Đức Chúa Jesus đã phán, "Ðức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy" (Giăng 4:24).

Bàn bạc nhiều nơi trong Thánh Kinh, Chúa dạy con người phải hiếu kính ông bà và cha mẹ bằng cách hết lòng phụng dưỡng khi các vị còn sống, chứ không đợi đến khi họ qua đời rồi mới làm việc đó. Có nhiều bằng chứng cho thấy, khi ông bà hay cha mẹ còn sống, con cháu cho ở "nhà lá", nhưng khi các vị đó qua đời, cháu con tranh nhau xây "nhà lầu" cho họ ở.

Vẽ hình hay tạc tượng để trưng bày trong nhà như hình thức mỹ thuật, không sao. Nếu con dân Chúa khấn vái, thờ lạy những hình tượng do chính tay con người tạo ra, đó mới là ngược lại lời dạy của Chúa. Ðối với ông bà cha mẹ đã qua đời, chúng ta có thể trưng hình của các vị đó ở một nơi trang trọng trong nhà để tưởng nhớ. Hằng năm chúng ta dành một ngày để cháu con hiệp nhau lại cầu nguyện cho nhau, nhắc công ơn ông bà, cha mẹ như một hình thức tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn người đã khuất. Điều này không có gì sai với Thánh Kinh và hằng năm tôi và nhiều con dân Chúa bình thường khác mà tôi quen biết đã làm như thế.


Bất cứ ai không có lòng hiếu thảo một cách đúng nghĩa, không hề quan tâm đến ông bà, cha mẹ khi còn sống, mà chỉ chờ sau khi ông bà cha mẹ qua đời rồi mới thờ lạy, cúng vái, nên suy nghĩ lại. Ai chỉ hiếu thảo với ông bà và cha mẹ bằng hình thức, người đó chẳng những đắc tội với Chúa, mà còn bị người đời chế diễu qua câu, "Còn sống thì không cho ăn, thác xuống âm phủ làm văn tế ruồi..."


Kết luận
Tôi xin phép sử dụng chữ "tôi" để kết thúc bài viết này. Là con dân Chúa, là người Việt Nam có thủy chung và lòng tự trọng, tôi phải biết gìn giữ văn hoá của dân tộc tôi, nhưng những điều gì ngược lại lời dạy của Chúa, tôi cần tránh. Tôi không thể quá khích để tự cô lập mình với những người không cùng niềm tin, mà mình có bổn phận phải giải thích cho họ hiểu những gì Chúa dạy. Tôi không thể hay không cần tranh luận hơn thua về vấn đề niềm tin tôn giáo với bất cứ ai. Tôi phải hiểu, đức tin là do sự cảm nhận từ tấm lòng của mỗi người, chứ không phải đến từ những lý luận theo kiểu của con người xác thịt. Tôi phải ý thức rằng: Người ta không thấy Chúa, nhưng họ thấy tôi và những con dân Chúa khác. Chính tôi phải hết lòng giúp mọi người tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa để rồi sau đó họ sẽ được Chúa Thánh Linh cảm động để họ biết mình phải giữ điều gì và cần bỏ điều gì?

Vấn đề lập bàn thờ hay thờ lạy hình tượng chỉ là một trong Mười Điều Răn của Chúa. Tôi không vì quá khích hay muốn chứng tỏ mình "thiêng liêng" mà lên án gắt gao những người chưa thấu hiểu lẽ đạo của Chúa. Nếu tôi không dốc lòng tìm cách giải thích lẽ đạo của Chúa mà chỉ ngồi một chỗ cười chê những người vì chưa biết nên làm ngược lại lời dạy của Chúa, tôi thật đáng trách. Nếu tôi tiếp tục có thái độ đó, tôi chẳng khác nào một tên từng "bị bệnh nan y" may mắn gặp thầy chữa khỏi, nay tôi quay lại khinh miệt hay "kinh tởm" những người còn mắc bệnh giống như tôi trước đây.

Coi chừng, người ta chỉ có duy nhất cái bàn thờ để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, còn tôi tuy lẽ đạo "rất thông", nhưng lại vướng vào các loại "bàn thờ" khác mà tôi không biết.

Huỳnh Quốc Bình
Viết năm 2014.
Hiệu Đính ngày 21 Tháng Tư, 2022

Chương trình giảng luận "Đời Sống An Bình"

No comments:

Post a Comment