Hôm nay là sáng Thứ Hai cho nên Bãi Dứa
của Vũng Tàu thật hoang vắng. Từng cụm mây đen lơ lửng treo trên đầu làm cho bầu
trời thấp xuống và ánh sáng trở nên kỳ dị. Từng ngọn gió lành lạnh từ ngòai
khơi thổi vào trên mặt biển đen ngòm, hung dữ. Tít tắp từ xa những con sóng bạc
đầu nổi bật trên nền trời xám trông tựa như những con cá mập nhe răng khi nó
nhô lên khỏi mặt nước. Từng đợt sóng nhấp nhô chạy vào bờ rồi đập mạnh vào những
tảng đá nghe ầm ầm.
Vào những ngày thời tiết xấu như thế này
có lẽ chỉ những người điên hay “mát giây” mới mò ra Bãi Dứa để tắm biển. Thế
nhưng từ hướng Bãi Trước một cái bóng bỗng xuất hiện từ xa. Đó là thằng Đực Lớn.
Hôm nay, hay nói đúng ra từ lâu lắm rồi thằng Đực Lớn lúc nào cũng mặc chiếc quần
lính, chiếc áo sơ-mi cụt tay màu cháo lòng. Chiếc áo sơ-mi lại bị đứt một hai
cái nút cho nên thỉnh thỏang người ta thấy nó lòi cả rốn ra. Có lẽ vì nó thường
xuyên đi chân đất cho nên ngón chân thô kệch của nó bè ra như chân người Giao
Chỉ. Theo đúng trào lưu của thanh niên nó cũng để tóc dài nhưng vì bộ dạng nó rất
ngờ nghệch và cái trán lại vồ ra cho nên bộ mặt nó trông rất tức cười. Đôi mắt
nó lúc nào cũng mở to, ươn ướt như khóc. Qua cái dáng dấp bự con, nếu nhìn từ
xa người ta có cảm tưởng nó là một người lớn nhưng lại gần mới biết đó chỉ là một
thằng thanh niên ô dề. Nó đi lang thang dọc bãi biển, vừa đi vừa chỉ trỏ cho
nên người ta nghĩ rằng nó đang nói chuyện với chính nó. Khi tới mấy tảng đá lớn
xếp vòng cánh cung nó nghiêng đầu dòm tới dòm lui rồi cắn móng tay suy nghĩ.
Suy nghĩ xong nó cười vu vơ rồi từ từ ngồi xuống, dựa lưng vào một tảng đá lớn.
Vừa ngồi xuống nó thu mình, bó gối mắt đăm đăm nhìn ra phía biển xa xa. Nhìn một
hồi nó thở dài rồi lấy cát đắp lên đôi chân chè bè. Đắp chán rồi nó bốc cát ra
rồi đắp lại. Cuối cùng không hiểu sao nó đạp tung cả đống cát rồi gục mặt vào đầu
gối. Giây lát sau nó rầu rĩ nói:
- Chiều nay về thế nào má cũng chửi. Bả
lại nói, “Thằng chết bầm sao mày còn vác mặt về đây làm gì? Sao mày không theo
đám cô hồn các đẳng cho rồi? Cùng tuổi với mày tụi nó vượt biên rồi gửi tiền về
cho cha mẹ nó. Còn mày ở lại đây sang năm tới tuổi thi hành nghĩa vụ thì thấy
tía mày. Lại bỏ xác bên Camphuchia thôi. To đầu bằng ấy rồi mà chẳng làm được
gì cả. Thật khổ cho cái thân già! Từ ngày cách mạng về tao cũng chẳng nuôi nổi thân
tao nữa. Nhớ ngày thằng tía mày còn sống tao đâu đến nỗi nào?”
Nói đến đây dường như bị xúc động bởi
cái chết của ba nó cho nên nó lấy tay vẽ chữ “Ba “lên trên cát rồi lẩm bẩm như
thể muốn nói với má nó:
- Ba tụi nó là lính ngụy, lính cộng hòa
cho nên tụi nó vượt biên. Còn ba mình là Nhân Dân Tự Vệ cao ủy đâu có nhận. Vượt
biên qua đó ở mục đảo đó!
Song dường như má nó không chịu cái lý
luận này cho nên tự miệng nó lại phát ra những lời chửi rủa của má nó:
- Thằng tía mày! Mày ở lại đây rồi cuối
cùng cũng chết ở Campuchia thôi! Mày cứ vượt biên đi. Dù mày có chết trên biển
tao cũng mát lòng mát dạ. Chín tháng mang nặng đẻ đau tao đâu có muốn mày chết ở
Cam phuchia? Thằng tía mày!
Có lẽ cái lý luận của má nó quá sắc bén
khiến nó không thể cãi lại cho nên nó rầu rĩ gục mặt xuống đầu gối. Giây lát
sau như để xua đuổi hình ảnh của má nó. Nó đưa tay vuốt mặt rồi lắc đầu vài cái
như con chó tắm xong nó rung cả thân hình để lông mau khô. Nó lặng lẽ đưa tay
xóa chữ “Ba” mà hồi nẫy nó vẽ rồi dùng ngón tay vẽ chữ “Hường” lên đó. Vẽ xong
chữ “Hường” tự nhiên nó bật cười khúc khích. Nó nhớ lại chiều qua nó qua nhà
con Hường để chẻ dùm mớ củi. Khác với má nó lúc nào cũng chê nó là đồ vô dụng,
con Hường luôn luôn khen ngợi nó. Con Hường nói, “ Anh Đực Lớn dễ thương ghê vậy
đó. Bữa nào gánh dùm em ít gánh nước nghe? ”Nghe con Hường khen thế nó mát cả
lòng cả dạ. Tuy nhiên nó rất ghét mấy bà lối xóm cứ hay chê bai, chế nhạo con
Hường là, “Con trâu nước, đi đến đâu làm đổ đình đổ chùa đến đó.” Hôm qua đi
xem phim ở Thắng Tam thấy con Hường đi đôi dép đứt quai phải cột bằng sợi dây kẽm
nó thương quá. Nó định bụng khi nào có tiền nó sẽ mua tặng con Hường một đôi guốc
Dakao có bán ở Chợ Vũng Tàu. Tuy nhiên nghĩ đến tiền nó lại rầu rĩ. Nó lặng lẽ
xóa chữ “Hường” trên cát. Nhưng không hiểu sao lát sau nó lại đưa tay vẽ lại
cái tên đó một lần nữa.
Trong khi thằng Đực Lớn ngồi ủ rũ như thế
thì từ mé con đường tráng nhựa chạy vòng ngay trên đầu xuất hiện một bóng người
thứ hai. Đó là thằng Tư Cụt. Hôm nay thằng Tư Cụt mặc chiếc áo Montague màu huyết
dụ thứ dệt ở Chợ Lớn đã bạc màu. Chiếc quần tây màu xám bằng Dacron làm cho nó
trông có vẻ như một công nhân viên. Nhưng đôi dép Nhật cũ, đen đúa lại tố cáo
nó là một thứ công nhân hạng bét. Thằng Tư Cụt có bộ mặt rất lanh lợi. Sở dĩ
người ta gọi nó là Tự Cụt là vì nó tên Tư nhưng ngón tay bóp cò của nó bị cụt mất
một lóng. Mới đầu người ta ngạc nhiên là ngón tay trỏ của nó bị cụt đúng vào
lúc nhà nước bắt lính đi Camphuchia thế mà công an không hỏi thăm sức khỏe nó.
Nhưng sau người ta mới vỡ lẽ ra nó có người chú nằm trong ban chỉ huy quân sự
Vũng Tàu. Rồi cũng nhờ thế lực đó nó được tuyển vào hợp tác xã đan và sửa lưới.
Nhưng thực ra nó chỉ làm lấy lệ. Chủ yếu sống bằng nghề mánh mung.
Nãy giờ dù đã nhìn thấy thằng Đực Lớn
nhưng nó vẫn trầm ngâm với điếu thuốc trên tay. Giây lát sau nó quyết định
quăng mẩu thuốc rồi tiến về phía mấy tảng đá là chỗ thằng Đực Lớn đang ngồi ủ
rũ. Mặc dù nó đã đến gần sát bên cạnh nhưng thằng Đực Lớn vẫn chưa hề hay biết.
Nó yên lặng đứng ngắm thằng Đực Lớn một hồi rồi mới lên tiếng:
- Thằng khùng! Mày đang làm gì đó?
Nghe tiếng người nói thằng Đực Lớn giật
thót mình. Nó hốt hỏang nhìn lên rồi vội vã lấy tay che chữ “Hường” mà nó vẽ hồi
nãy. Nó ấp úng nói:
- Tui có làm gì đâu!
- Mày không làm gì hả?
Thằng Tư Cụt vừa nói vừa bước tới rồi lấy
chân gạt tay thằng Đực Lớn sang một bên khiến chữ “Hường” mà nó đang che dấu lộ
ra trên cát. Nó nói với giọng chễ diễu.
- Thế mày làm cái gì đây?
Rồi không để thằng Đực Lớn kịp biện
minh, thằng Tư Cụt nói luôn:
- Là bạn mày tao biết quá mà. Hôm đi xem
phim ở Thắng Tam tao thấy mày tò tò theo đuôi nó và nhìn nó như đứa mất hồn.
Mày mê nó phải không?
- Tui… tui đâu có mê nó. Tui chỉ… thích
nó thôi.
Khẽ xì một cái thằng Tư Cụt nói:
- Từ thích đến mê mấy hồi. Nhưng nè… tao
hỏi thiệt mày. Mày có biết làm thế nào để con gái mê mày không?
Nghe hỏi thế thằng Đực Lớn bật cười khúc
khích rồi nó e thẹn đáp:
- Tui đâu có biết.
- Mày khờ quá! Muốn con gái mê thì mày
phải cho nó quà, phải dẫn nó đi ăn rồi tán tỉnh nó. Đứa con gái nào cũng vậy.
- Mẹ ơi! Anh nói đúng quá! Tui sẽ cho
con Hường đôi guốc Dakao!
Thằng Đực Lớn háo hức reo lên.
- Phải! Mày sẽ cho nó đôi guốc Dakao. Sẽ
dẫn nó đi ăn. Rồi mày khen nó đẹp lia chia. Rồi nó sẽ thương mày. Rồi hai đứa sẽ
lấy nhau. Nhưng tới khúc này thì mày lấy tiền đâu ra để cuới nó?
Nói xong thằng Tư Cụt nheo mắt, hóm hỉnh
ngắm nghía cái khuôn mặt khờ khạo của thằng Đực Lớn lúc này đã méo mó đi vì câu
hỏi quá hóc búa. Giây lát sau thằng Tư Cụt từ từ ngồi xuống bên cạnh nó rồi nói
như dỗ dành:
- Đấy mày thấy không? Không tiền thì
nguy hiểm lắm. Không tiền thì gái không theo. Mà gái không theo thì làm gì có vợ?
Nói tóm lại không tiền thì chẳng có ma nào lấy mày. Mày hiểu không?
Nghe nói thế thằng Đực Lớn lại thở dài.
Nó ủ rũ cúi mặt đăm đăm nhìn vào chữ “Hường” nằm trên cát. Giây lát sau nó ngửng
đầu lên nhìn thằng Tư Cụt nói như thể van nài:
- Anh chỉ tui đi. Tui phải làm sao đây?
- Phải làm sao à? Phải tìm cách kiếm ra
tiền. Mày muốn có nhiều tiền không?
- Tui muốn có tiền cho má tui để bả khỏi
chửi và mua đôi guốc cho con Hường.
- Nếu mày biết khôn như vậy tao sẽ giúp
mày.
Nói đến đây thằng Tư Cụt dòm trước dòm
sau rồi hạ thấp giọng:
- Nhưng mày thấy đó bây giờ làm gì cho
ra tiền? Tao đã nghĩ nát óc ra rồi. Chỉ có cách này là đảm bảo.
Nói xong nó kề miệng vào tai thằng Đực Lớn
thì thào. Không hiểu thằng Tư Cụt nói gì mà chỉ thấy thằng Đực Lớn lắc đầu quầy
quậy:
- Không được đâu anh! Cải tạo mút chỉ
đó!
Nghe nói thế thằng Tư Cụt đâm nổi cáu:
- Mày ngu thấy mẹ! Người ta làm có tổ chức
sức mấy công an biết được? Bây giờ bao nhiêu đứa làm giàu vì dịch vụ tổ chức vượt
biên. Mẹ nó! Nhát như mày thì cứt cũng không có mà ăn chứ đừng nói đến gái!
- Nhưng tui sợ công an lắm!
Thằng Đực Lớn vẫn cứ lắc đầu.
- Phải! Mày sợ công an. Thế nhưng mày có
sợ con Hường bỏ mày đi lấy thằng khác không? Mày có sợ má mày chửi mày là đồ vô
dụng không?
Nghe nói thế thằng Đực Lớn kinh hỏang la
lên:
- Không! Tui không muốn con Hường lấy ai
hết!
- Nếu mày không muốn con Hường đi lấy thằng
khác thì mày phải có tiền. Đấy tao cho mày suy nghĩ đó.
Tới mức này thì rõ ràng thằng Đực Lớn đã
bị giao động rất nhiều. Nó nắm lấy tay thằng Tư Cụt năn nỉ:
- Nói con Hường đừng lấy ai nghe.
- Ừa. Tao sẽ nói nó không lấy ai hết để
chờ mày nhưng với điều kiện là mày phải nghe lời tao. Nè, nếu mày bằng lòng thì
tao sẽ dẫn mày đi gặp người ta. Tổ chức sẽ chung trước cho mày phân nửa. Khi
nào “đánh” xong sẽ nhận phần còn lại. Thôi bây giờ bọn mình ra Chợ Vũng Tàu kiếm
cái gì bỏ vào bụng đã. Từ sáng tới giờ tao cũng chưa ăn gì cả.
Cùng với câu nói đó nó lấy tay kéo thằng
Đực Lớn đứng dậy. Như một con cừu non, thằng Đực Lớn nặng nề đứng lên rồi hai đứa
leo lên con đường tráng nhựa đi về hướng Chợ Vũng Tàu.
Tại một tiệm bán hủ tíu gần khu nhà lồng Chợ Vũng Tàu người ta thấy Thằng Tư Cụt và thằng Đực Lớn ngồi ở một góc. Với điếu thuốc lá trên tay thằng Tư Cụt lúc nào cũng kín đáo liếc ngang, liếc dọc. Còn thằng Đực Lớn thì ngồi ngay như ông phỗng đá. Hai tay nó thòng xuống và dáng điệu của nó trông nghiêm trọng một cách tức cười. Khi chú ba Tàu bồi bàn tiến tới vỗ vào vai nó, nói “Hầy à. Nị dùng cái chi?” thì nó giật thót mình ấp úng nói với Thằng Tư Cụt:
- Mình ăn cái gì?
Thằng Tư Cụt muốn nổi nóng nhưng nó dằn
lại:
- Mày muốn ăn cái gì thì mày cứ kêu.
Sau một hồi suy nghĩ thằng Đực Lớn nuốt
nước bọt rồi rụt rè nói:
- Tui… tui muốn ăn hủ tíu với một tô
xương súp.
Không muốn để mất thì giờ, thằng Tư Cụt
nóng nảy nói với người bồi bàn:
- Thôi được rồi! Cho nó hủ tíu với tô
xương súp thật bự. Còn tui… cho ly cà-phê, tô hủ tíu và cái bánh bao.
Sau khi người bồi bàn đi rồi, nó hạ thấp
giọng nói với thằng Đực Lớn:
- ĐM. ăn cho no vào. Có thể tối nay
“đánh” rồi đó. Từ đây tới khuya không được đòi ăn nữa nghe không. ĐM. tao sẽ
mua thêm cho mày hai cái bánh bao để phòng xa. Tao biết cái mặt mày quá mà. Hơi
đói một tí là kêu ầm ĩ cả lên!
Nghe thằng Tư Cụt nói thế thằng Đực Lớn
chẳng nói năng chi. Nó chỉ đưa mắt nhìn láo liên rồi gật đầu. Khi người bồi bàn
mang đồ ăn ra, thoáng một cái thằng Đực Lớn đã ăn xong tô hủ tíu và tô xương
súp. Tuy vậy nó vẫn còn tiếc rẻ cho nên nó gặm lại mấy mảnh xương heo. Giấy lát
sau thằng Tư Cụt cũng ăn xong. Nó lấy tay vói chiếc bình trà bằng nhôm rồi cẩn
thận tráng chiến chén rồi đưa lên nhấp nhấp vài ngụm. Nhấp xong nó đổ phần trà dư
đó lên mấy ngón tay rồi đưa mấy ngón tay đó lên chùi miệng. Chùi miệng xong nó
xoa tay vào nhau, hất hàm ra lệnh cho thằng Đực Lớn đứng dậy.
Sau khi trả tiền xong, hai đứa bước ra
khỏi tiệm hủ tíu nhắm hướng bến xe Bà Rịa-Vũng Tàu đi tới. Khoảng mười lăm phút
sau hai đứa đã có mặt tại bến xe. Thằng Tư Cụt lanh lẹ chạy tới đám tài xế xe
Lam đang tụ tập binh xập-xám. Tại các bến xe bây giờ đang có lối cờ bạc tạm gọi
là cờ bạc lưu động bởi vì sau khi chia bài xong, đám con bạc tản mác ra từng gốc
cây ngồi binh rồi sau đó tụ hội lại để xem ai ăn ai thua. Lối cờ bạc chợ này mục
đích qua mắt bọn công an nhưng xét cho cùng cũng chẳng qua mắt được ai.
Sau khi hỏi thăm đám con bạc xem xe nào
chạy trước, thằng Tư Cụt ra hiệu cho thằng Đực Lớn rồi hai đứa leo lên chiếc xe
Lam trống đậu ở bên kia con đường. Rải rác một vài bà đi chợ, một vài công
nhân, bộ đội đi tới. Họ hỏi thăm rồi cũng lần lượt leo lên xe chờ. Lát sau từ
trong đám cờ bạc tách ra một người. Gã vừa đi vừa móc túi đếm tiền vừa làu bàu.
Khi đến bên chiếc xe Lam gã lớn tiếng nói:
- “Cho xin tiền nghe bà con.”
Sau khi thu tiền xong gã bắt đầu rồ máy
xe. Có lẽ gã phải đạp tới mười lăm hai chục lần thì chiếc xe Lam mới chịu nổ
máy. Rồi chiếc xe lật ngược lại phía đằng sau khi gã tài xế sang số, ngả
nghiêng lao về phía con lộ chính hướng ra ngã Bà Rịa để lại một đám khói và bụi
đường bay mù mịt.
Khỏang hai mươi phút sau chiếc xe lại ngả
nghiêng lao vào Bà Rịa rồi dừng lại trước một bãi đất trống bên cạnh chợ. Suốt
chặng đường, thằng Đực Lớn ngả lưng vào thành xe ngủ gà ngủ gật và nước dãi của
nó nhểu xuống cả ngực áo. Khi thằng Tư Cụt thúc mạnh vào cạnh sườn nó một cái
thì nó giật mình thức dậy rồi hối hả bước xuống xe. Nhưng khi nó bước vội lên để
đi ngang thằng Tư Cụt thì thằng Tư Cụt quắc mắt nói như rít qua hai hàm răng:
- ĐM. đi lùi lại phía sau làm bộ như tao
với mày không quen nhau. Nhớ tao đi đâu thì đi theo đó. Không được hỏi gì nghe
không!
Nghe nói vậy thằng Đực Lớn hốt hỏang bước
chậm lại và mặt nó ánh lên một vẻ hết sức lo lắng. Dường như sợ có người theo
dõi, thằng Tư Cụt đi vào nhà lồng chợ rồi nó loanh quanh giả bộ ghé vào vài sạp
bán hàng. Cuối cùng nó băng ngang để đi vào con phố chính. Lát sau nó từ giã
con phố để quẹo vào một con đường nhỏ rồi dừng lại trước một cái quán nằm dưới
tàng cây bã đậu. Trên thân cây, chỗ ngang tầm mắt có đóng một tấm bảng gỗ với hàng
chữ “Sống Ở Trên Đời! Thịt Chó Trứ Danh”. Từ bên trong mùi chả nướng bốc ra làm
điếc cả mũi, và làm người ta chảy nước miếng. Dường như để chờ thằng Đực Lớn
đang lẽo đẽo ở phía sau cho nên thằng Tư Cụt đứng tần ngần dưới tàng cây ít
phút trước khi bước vào. Sau khi đã vào hẳn bên trong nó lựa một chỗ gần ngay
quầy tính tiền rồi lặng lẽ ngồi xuống. Chỉ thoáng sau thì cái bóng ô dề của thằng
Đực Lớn cũng xuất hiện ở ngưỡng cửa. Sau khi dáo dác dòm quanh, nó hối hả bước
lại chỗ thằng Tư Cụt. Sau khi ngồi yên nó đưa mắt thò lõ nhìn thằng Tư Cụt như
chờ lệnh. Liếc nhìn một vài thực khách trong quán, thằng Tư Cụt nói vọng vào
trong nhà:
- Cho một dĩa dồi chó. Thêm giềng và nhiều
mắm tôm.
Từ bên trong một gã thanh niên chạy ra với
chiếc khăn lau tay. Hắn bước tới bên thằng Tư Cụt nói:
- Dồi chó đang làm. Xin vui lòng chờ
chút xíu được không?
- Rất tiếc bọn này phải đi gấp nên không
chờ được.
Thằng Tư Cụt đáp ngay. Trong khi hai người
đối đáp qua lại như vậy thì thằng Đực Lớn chỉ há hốc miệng nhìn rồi nuốt nước
miếng ừng ực. Nhưng thực ra cuộc đối đáp vừa qua chỉ là dấu hiệu nhận nhau cho
nên khi nghe thằng Tư Cụt đáp xong thì gã thanh niên giả bộ cúi xuống lau bàn rồi
nói khẽ vừa đủ nghe:
- Chờ chút xíu sẽ có người đàn bà đưa
các anh đi.
Nói xong gã bỏ vào nhà trong. Giây lát
sau một người đàn bà tay cầm chiếc nón lá từ phía nhà bếp bước ra. Đợi cho bóng
người đàn bà khuấg sau cánh cửa trước, thằng Tư Cụt mới đứng dậy bước ra ngòai.
Thằng Đực Lớn cũng hối hả bước theo sau.
Với dáng đi rất lanh lẹn, người đàn bà
sau khi băng qua một ngã tư chị ta quẹo vào một con đường nhỏ. Đi một đỗi chị
ta rẽ vào một con hẻm cây cối mọc um tùm hai bên, rồi cuối cùng dừng lại trước
sân một căn nhà cổ. Dường như để chờ thằng Tư Cụt và thằng Đực Lớn, chị ta đi
đi lại lại trước sân vừa lấy nón quạt vừa nói vọng vào bên trong:
- Thầy Ba, có người đến thăm bịnh đây!
Độ vài phút sau thì có tiếng lạch cạch mở
cửa. Lúc này thì thằng Tư Cụt và thằng Đực Lớn cũng đã xuất hiện ở cổng. Chị
đàn bà lanh lẹ bước vào nhà rồi ít phút sau quay ra nói với thằng Tư Cụt:
- Thầy Ba mời anh vào để thầy coi bịnh
cho.
Vẻ mặt của thằng Tư Cụt lúc này bỗng trở
nên nghiêm trọng. Nó quay qua nói với thằng Đực Lớn:
- Mày ngồi tạm dưới gốc cây nhãn này.
Tuyệt đối không được đi đâu. Tao vào “hốt thuốc” rồi ra ngay.
Nghe nói vậy thằng Đực Lớn chỉ biết há hốc
miệng rồi lặng lẽ gật đầu. Trong khi thằng Tư Cụt dặn dò thằng Đực Lớn thì người
đàn bà cũng đã le te đi về phía sau nhà rồi bóng chị ta mất hút vào đám vườn
cây phía sau nhà.
Khi người đàn bà đi rồi thì thằng Tư Cụt
mới rụt rè bước vào. Bên trong là một người đàn ông khỏang ngòai ba mươi tuổi
đang ngồi trước một cái bàn trên có một cuốn sổ, bao thuốc lá, ly la-de. Phía
sau lưng là một cái kệ có bày một vài cuốn sách dạy bào chế thuốc Nam. Rải rác
chung quanh là mấy cái bao bố chứa đầy những cây thuốc đã phơi khô như kinh giới,
hương nhu, tía tô, cỏ mường trầu, hà thủ ô, xuyên tâm liên, lá xả v.v... Nằm ở
trong góc là một con dao cầu và chiếc thuyền tán. Lại có cả vài cái mẹt bên
trên đựng cơm nguội để làm thuốc tễ. Da người đàn ông đen xạm, rắn chắc, nét mặt
đanh thép và đôi mắt hết sức sắc sảo chứng tỏ gã là một tay bản lãnh dám làm
chuyện kinh thiên động địa chứ không có dáng vẻ hiền lành của một thày thuốc
Đông Y. Vừa thấy gã thì thằng Tư Cụt đã khúm núm lên tiếng:
- Dạ thưa Anh Ba.
Vẫn dán mắt vào cuốn sổ, gã đàn ông nói:
- Sao? Mày đã tìm được đứa nào chưa?
Thằng Tư Cụt cẩn thận bước tới một vài
bước rồi nó lễ phép nói:
- Dạ thưa Anh Ba, em đã kiếm được một thằng.
Thằng này nó khờ lắm. Nhưng vì nó khờ thế cho nên nó mới dám làm chuyện nguy hiểm
này.
Lấy bút gạch gạch cái gì đó trên cuốn sổ
xong gã đàn ông ngước mắt nhìn thằng Tư Cụt nói:
- ĐM. hành khách đi chuyến này trêm trăm
người. Mọi chuyện đều êm xuôi cả ngọai trừ vấn đề xăng dầu. Không hiểu có đứa
nào đưa tin ra ngòai hay không mà tụi nó báo cáo rằng mấy hôm rày tàu công an lảng
vảng ở địa điểm chôn dầu khiến không một đứa nào dám tình nguyện vào đó chở dầu
ra “con cá lớn”. Khuya nay “đánh” rồi. Nếu dầu không ra kịp thì chết cả đám.
- Dạ thưa Anh Ba, em đã dụ được thằng ngốc
này. Em sẽ giao cho nó một chiếc ghe để nó đào dầu chở ra điểm hẹn. Em sẽ chờ
cách đó khoảng hai trăm thước. Khi dầu đã lên ghe an tòan, em sẽ chớp đèn ba lần
để Anh Ba cho “con cá lớn” cặp vào. Nếu như em khóat đèn ba lần thì có nghĩa là
bị động thì Anh Ba cho “con cá lớn” lui ngay.
Nghe thằng Tư Cụt nói thế gã đàn ông gật
gù nói:
- Được lắm! Rủi thằng ngốc đó bị bắt thì
nó cũng chẳng biết mẹ gì để khai. Nếu vụ này thành công tao sẽ thưởng cho mày
thêm một chỉ nữa. Đây, cầm lấy một ngàn đồng giao cho nó và dặn nó phải cẩn thận.
Nhớ khuya nay “đánh” rồi đó.
Thằng Tư Cụt lễ phép đưa tay cầm lấy một
ngàn đồng, cúi chào gã đàn ông rồi quay ra ngòai. Khi nó bước ra ngòai thì thằng
Đực Lớn đang ngồi bó gối, lưng tựa vào gốc cây nhãn. Lanh lẹ như một con sóc,
thằng Tư Cụt xà xuống bên cạnh nó, nói:
- Mọi việc êm xuôi cả rồi. Tao phải năn
nỉ gẫy lưỡi Anh Ba mới chịu cho mày cộng tác. Tuy nhiên chuyện này hết sức quan
trọng. Nếu mày làm hỏng chuyện thì không những người ta cắt cổ mày mà còn cắt cổ
cả tao nữa nghe không?
Nghe nói vậy thằng Đực Lớn kinh hãi la
lên:
- Tui sợ quá! Không biết tui có làm được
không?
Thằng Tư Cụt vội vàng an ủi nó:
- Mày làm được. Tao biết mày sẽ làm được
việc này. Tuy nhiên gặp lúc nguy hiểm mà mày định tháo chạy thì mày nhớ đến con
Hường nghe. Chính con Hường sẽ cho mày can đảm. Mày nhớ không?
- Tui nhớ. Tui sẽ nhớ đến con Hường.
- Được lắm! Mày nghe rõ đây.
- Tui nghe.
Thằng Tư Cụt vội bẻ một cành cây nhãn rồi
nó vẽ lòang ngoằng một vài nhánh sông rồi nó giải thích cho thằng Đực Lớn:
- Mày còn nhớ cái Vàm Láng không?
- Tui nhớ.
- Tốt lắm!
Thằng Tư Cụt vỗ vai thằng Đực Lớn nói tiếp:
-Ngay chỗ sắp sửa ra cửa có một cái cù
lao cây cối rậm rạp. Ngay giữa cù lao có một khỏang đất trống bên trên chất một
đống cây bần khô…
Nói đến đây nó liếc vội chung quanh rồi
hạ thấp giọng:
- Người ta chôn mười can dầu ở đó. Nhiệm
vụ của mày là tới đào lên, đem xuống ghe rồi chở ra “con cá lớn”.
- Nhưng tui không biết “con cá lớn” ở
đâu.
- Mày khỏi lo. Tao sẽ chờ mày cách đó khỏang
hai trăm thước. Khi nào đem dầu xuống ghe nhớ chớp đèn cho tao hay. Nhưng tao dặn
hờ, nếu công an tóm được mày thì mày phải khai là đi bắt cua nghe. Trước sau cứ
khai như thế.
Nghe dặn thế thằng mặt thằng Đực Lớn lại
căng ra. Nó ngồi ngây một lúc rồi hỏi thằng Tư Cụt:
- Tui ra đó bằng cách nào?
- Mày khỏi lo. Mày còn nhớ Xã Phú Mỹ không? Mày băng qua cái xã đó, tới mé sông, ngay dưới tàng cây da có một chiếc ghe với mọi thứ cần thiết cho mày.
Tới đây thì thằng Đực Lớn không hỏi thêm gì nữa nhưng khuôn mặt nó ánh lên một vẻ hết sức lo lắng. Đưa mắt liếc nhìn thằng Đực Lớn, thằng Tư Cụt từ từ thò tay vào túi móc ra một mớ bạc. Nó ấn mớ bạc vào tay thằng Đực Lớn, nói:
- Đây là 500 đồng. Người ta đưa trước
cho mày phân nửa. Khi nào “đánh” xong người ta sẽ đưa thêm. ĐM. nửa chỉ vàng
đó. Mày tha hồ hồ mua guốc cho con Hường và dẫn nó đi ăn tiệm nhé.
- Mẹ ơi! Sao nhiều quá vậy?
Thằng Đực Lớn buột miệng la lên.
- Vì tao thương mày. Vì người ta thương
mày cho nên mới cho mày nhiều thế. Thôi! Đ.M be bé cái miệng một tí!
Dường như mớ bạc đã làm cho thằng Đực Lớn
quên mất bao hiểm nguy cho nên nó vừa đưa tay nhét mớ bạc vào túi nó vừa sung
sướng nói:
- Tui sẽ mua guốc cho con Hường rồi con
Hường sẽ thương tui rồi má tui sẽ thương tui…
- Mọi người sẽ thương mày! Cả thế giới sẽ
thương mày! ĐM. đừng nói lôi thôi nữa. Nghe tao dặn đây.
Nghe thằng Tư Cụt nói thế thằng Đực Lớn
mất cả hứng nhưng rõ ràng lòng nó đang rạo rực cho nên nó nhẫn nại nghe thằng
Tư Cụt nói tiếp:
- Bây giờ là ba giờ chiều rồi. Mày quanh
quẩn ở đây tới năm giờ chiều thì lấy xe đi Phú Mỹ. Đợi lúc chạng vạng tối mới
khởi sự nghe chưa. Bây giờ tao cũng phải đi lo chuyện của tao. Thôi bọn mình
chia tay. Hẹn gặp lại mày tại Vàm Láng.
Với câu nói đó thằng Tư Cụt đứng dậy rồi
bóng nó phút chốc biến mất ở cuối con ngõ.
•••••
Khi mặt trời đã khuất về phía tây và ánh
nắng chỉ con thoi thóp trên mấy ngọn cây thì những ngọn gió mát rượi từ hướng
biển cũng bắt đầu thổi tới. Ngọn gió đem theo mùi tanh tanh của đất bùn, mùi muối
quyện lẫn với mùi thơm ngát của lúa Thần Nông đang trổ đòng đòng. Xa xa chạy
dài về hướng Rừng Sát, khu rừng bần bạt ngàn bắt đầu trở nên tím thẫm và trên
trời cánh Sao Hôm bắt đầu nhấp nháy. Tiếng cóc nhái, nhá nheng, ễng ương âm
vang bốn bề như một bản hợp tấu, vỗ về, dìu Xã Phú Mỹ đi vào đêm đen cô quạnh,
đìu hiu, buồn muôn thuở nhưng cũng đầy nghẹt thở, gay cấn bởi những chuyến vượt
biên có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
Ngay lúc đó từ mé quốc lộ, cái bóng cao
lớn của thằng Đực Lớn cũng xuất hiện. Như một tên ăn trộm, nó dòm trước dòm sau
rồi hối hả băng qua một đám ruộng lúa. Nếu quan sát kỹ người ta thấy có lúc nó
lầm lũi bước đi song có lúc nó đứng lại suy tính. Nó men theo mấy bờ ruộng và cố
tránh mấy gò đất cao là nơi mà đám du kích xã hay tụ tập. Khi qua khỏi đám ruộng
lúa để đi vào ven xã, nó dừng lại rồi đưa lên miệng nhắc lại lời căn dặn của thằng
Tư Cụt, “Nếu công an bắt được thì nói là đi bắt cua nghe. Trong trường hợp nguy
hiểm hãy nhớ tới con Hường để có thêm can đảm nghe!”
Nói dứt câu nó hăm hở lao mình về phía
trước nhưng nó kinh hoảng dội ngược lại bởi hai cái bóng lù lù xuất hiện ở phía
trước. Đó là hai tên du kích xã với hai khẩu súng AK vác trên vai. Về phần hai
tên du kích, nhìn thấy cái bóng cao lớn, tàng tàng của nó đâm xầm tới chúng nó
cũng hốt hỏang né sang một bên rồi làu bàu chửi:
- ĐM, đui sao không thấy đường? Chút xíu
nữa đâm vào tụi ông!
Chửi rồi thấy thằng khùng nào đó không
lên tiếng đáp lại, hai tên du kích phá lên cười ngặt nghẽo. Còn thằng Đực Lớn
sau khi lướt qua hai tên du kích nó le lưỡi ngóai cổ lại rồi hấp tấp lao đầu về
phía trước. Nó băng qua một khu xóm lúc này đã tối thui và rải rác có ánh đèn
leo lét. Mặc dù nó cố tránh xóm nhà nhưng có lẽ tiếng chân thình thịch của nó
làm kinh động mấy con chó cho nên văng vẳng có tiếng chó sủa dài theo hướng đi
của nó. Khi tiếng chó sủa bắt đầu thưa và nhỏ dần thì nó cũng đã bỏ xa xóm nhà
và tới gần một đám đồng lầy. Lúc này mặt trăng đã lên khỏi ngọn cây và chiếu
sáng cả một vùng ruộng mênh mông mọc đầy những cây bần thấp lè tè. Cách đó
không xa, một con sông nằm uốn lượn và thỉnh thoảng phơi mình sau đám lá dầy đặc.
Thằng Đực Lớn dừng lại định hướng rồi cuối cùng nó quyết định lao mình về hướng
bờ sông. Khi tới bên một gốc cây cao, nó ngó ngang ngó dọc rồi chui vào một bụi
cây mọc um tùm ngay dưới gốc tàng cây cổ thụ. Đúng như lời thằng Tư Cụt nói một
chiếc ghe tam bản dài chừng bốn thước được dấu ở đó. Nó mừng rỡ nắm lấy thành
ghe rồi lần mò tìm mối dây.
Khi đã mò ra được đầu mối, nó tháo sợi
dây cột ở gốc cây bần rồi leo lên. Dường như bắt đầu cảm thấy đói, nó thò tay
xuống sông rửa tay rồi lấy ra hai cái bánh bao mà nó bỏ vào hai túi trước của
chiếc quần lính. Trong bóng đêm tiếng nhai nhem nhép của nó hòa lẫn với tiếng
róc rách của con nước ròng cọ vào mấy gốc cây bần mọc dài theo mé sông. Khi ăn
xong nó đưa tay chùi miệng, nắm lấy chiếc mái chèo, đẩy chiếc ghe ra xa rồi
chèo xuôi theo dòng nước.
Vì giờ này con nước chảy xiết ra hướng
biển cho nên chiếc ghe lao đi vùn vụt. Nó khôn ngoan bám sát bờ sông và đôi tai
lúc nào cũng vểnh ra để nghe ngóng. Không biết nó đã chèo như thế được bao lâu
nhưng người nó đã ướt đẫm mồ hôi và thở phì phò. Khi tới ngã ba là nơi mà nhánh
sông mà nó đang ở nhập vào nhánh sông lớn thì nó dừng lại. Đầu óc nó nảy ra một
sự suy tính dữ dội. Nó ước lượng với sức chèo của nó ít nhất cũng phải mất năm
mười phút mới có thể băng qua bờ phía bên kia. Nếu như trong khoảng thời gian
nó đang ở giữa lòng con sông mà tầu tuần tra của công an xuất hiện thì cuộc đời
của nó coi như đi đứt. Nó e ngại nhìn khu sóng nước rộng mênh mông rồi đưa tay
bốc nước vã vào mặt trong khi mồ hôi trong người nó lại tháo ra. Dưới ánh trăng
xuyên qua đám cành lá, khuôn mặt nó trở nên loang lổ và méo mó đi vì lo sợ. Nó
rên khe khẽ:
- Má ơi, chắc chết mất!
Nhưng rồi nó nhớ lại lời thằng Tư Cụt dặn
nó nhớ tới con Hường cho nên tự nhiên nó thấy vững tin. Nó vểnh tai nghe ngóng
xem có động tĩnh thêm gì không rồi nó nghiến răng xiết mạnh tay chèo. Rất may
cho nó trong suốt thời gian này bốn bề yên tĩnh. Nhưng khi nó sắp sửa chèo tới
bờ thì tiếng máy tàu bỗng vang lên từ xa rồi ánh đèn pha quét ngang, quét dọc
và tiếng súng nổ ròn rã, âm vang cả dòng sông. Đó là tàu của công an đang đi tuần
tra. Thằng Đực Lớn kinh hoảng giật mạnh tay chèo, cố sống cố chết phóng vào bờ.
Thoáng một cái tầu tuần tra đã lại gần và đèn pha quét dọc về phía nó. Nhưng thật
hú vía. Có lẽ bọn công an chỉ chiếu đèn phỏng chừng vậy thôi cho nên khi chiếc
ghe của thằng Đực Lớn đã lao vào đám bần mọc ở ven sông thì chiếc tàu cũng lướt
qua để lại hai làn sóng chạy giạt vào hai bên bờ. Có lẽ phải mất đến năm, mười
phút sau thằng Đực Lớn mới hòan hồn. Nó nín thở, vểnh tai nghe ngóng thêm một lần
nữa trước khi đẩy chiếc ghe đi về phía trước.
Bây giờ có lẽ cũng gần mười giờ đêm cho
nên con nước đã đổi chiều và sóng vỗ vào mạn ghe nghe bì bõm. Càng tiến lên
phía trước lòng con sông càng mở rộng và gió thổi lồng lộng. Khỏang độ dăm phút
sau thì chiếc cù lao đã nằm trong tầm mắt của nó. Nó ráng sức chèo và cho chiếc
ghe tắp vào dưới rặng bần mọc rậm rạp quanh bờ. Vì con nước đã lên cao cho nên
chiếc cù lao thu hẹp lại bằng diện tích của mảnh ruộng. Dưới ánh trăng mờ ảo, khung
cảnh tứ bề vắng lặng và tỏa ra một cái gì đó rờn rợn. Mặc dù đã cặp sát bờ thằng
Đực Lớn vẫn ngồi, nín thở chưa dám động tĩnh gì. Nó chỉ sợ nếu công an đã phục
kích sẵn trên đó mà nó mò lên thì chẳng khác nào nộp mạng cho chằng tinh. Cuối
cùng nó liều mạng cột chiếc ghe vào một gốc cây bần rồi lội xuống nước. Lội một
đỗi nó bắt đầu bước lên phần đất khô và thân hình của nó nhô hẳn lên. Nó hốt hỏang
ngồi thụp xuống để quan sát rồi từ từ bò về phía trước. Bò một đỗi thì đúng như
lời thằng Tư Cụt, ngay ở giữa là khỏang đất trống với bụi cây rậm rạp. Nó đưa mắt
quan sát rồi rón rén đi về phía khỏang đất trống. Khi nó tới gần bụi cây thì đột
nhiên nó kinh hỏang la lên:
- Ma! Chết con rồi má ơi! Ma!
Rồi nó cắm đầu cắm cổ chạy và rõ ràng
trong lúc thần hồn nát thần tính, nó nghe thấy cả tiếng ma đuổi hùynh hụych sau
lưng. Khi chạy tới bìa nước nó cố ngóai cổ lại để nhìn cho rõ con ma. Nhưng cái
nó tưởng là ma chỉ là cây bần khô chôn vội vã cho nên bất ngờ đổ xụp khi có ngọn
gió thổi tới. Sau màn kinh dị này, ngồi ôm lấy ngực một hồi, nó đưa ngón tay
lên miệng lẩm bẩm, “Xuỵt! Không được sợ ma nghe! Khi nào gặp ma phải nhớ tới con
Hường!”
Có lẽ câu nói tự trấn an đó đã làm nó
thêm can đảm cho nên nó lội tới chiếc ghe tìm chiếc xẻng rồi hùng dũng tiến tới
khỏang đất trống. Nó vung tay nhổ phăng đám bần khô, quăng ra xa rồi bắt đầu
đào. Đào xuống mặt đất khỏang hơn gang tay, chiếc xẻng bắt đầu đụng phải vật gì
cưng cứng. Nó mừng rỡ quăng chiếc xẻng qua một bên rồi lấy tay bốc đất. Lát sau
nó lần lượt lôi lên từng can dầu rồi khệ nệ xách xuống ghe. Thoáng một cái nó đã
chất xuống ghe đủ mười can dầu đúng như lời thằng Tư Cụt.
Mặc dù mệt đứt hơi nhưng nó cảm thầy phần
khởi vô cùng. Nó nghĩ chỉ chút xíu nữa thôi khi nó giao xong mớ dầu cho thằng
Tư Cụt là nó có thể thong thả chèo về nhà và bao nhiêu mộng đẹp đang chờ đợi
nó. Nó từ từ đưa chiếc mái chèo đẩy chiếc ghe ra khỏi bụi rậm rồi men theo mé bờ.
Khi đã tới đầu của cù lao, nó cẩn thận tắp vào đám cây rậm rạp rồi lấy đèn pin
hướng ra phía cửa biển chớp chớp ba lần. Nhưng trước sự ngạc nhiên của nó, từ phía
cửa vẫn không có đốm sáng đáp lại. Nó lo sợ chớp thêm ba lần nữa rồi hồi hộp chờ
đợi. Thật hú vía! Tít tắp từ xa bỗng lóe lên đốm sáng chớp tắt ba lần cả thảy.
Nó mừng rỡ xiết mạnh tay chèo để tiến về nơi vừa có ánh đèn lóe lên. Khi chèo
được khỏang hai trăm thước thì từ trong bóng tối có tiếng gọi cất lên:
- Đực Lớn! Tắp vào đây! Tao đây nè!
Nghe tiếng kêu nó thất kinh hồn vía
nhưng khi nhận ra tiếng nói của thằng Tư Cụt thì nó dùng mái chèo hãm đà chiếc
ghe lại rồi từ từ tắp vào bờ. Từ trong bóng tối có tiếng chèo khua bì bõm rồi một
chiếc ghe nhô ra cùng với tiếng nói:
- ĐM tao biết mày làm được mà. Giỏi lắm
Đực Lớn! Nhưng thời gian gấp lắm. Mày ráng chèo theo tao nghe.
Cùng với câu nói đó thằng Tư Cụt đưa chiếc
đèn pin hướng ra phía biển chớp chớp ba lần rồi nó lướt chiếc ghe lên phía trước.
Lúc này thì cửa sông đã mở rộng mênh mông, từng cụm bần mọc nhô lên tứ phía khiến
chẳng còn phân biệt đâu là bến bờ. Thằng Đực Lớn cố bám theo chiếc ghe của thằng
Tư Cụt. Nhưng trong khi hai đứa đang cố gắng tìm cách gần tới “con cá lớn” thì
từ phía trước tiếng máy tàu bỗng vang lên ầm ầm rồi ánh đèn pha hung hãn quét
đi quét lại trên mặt nước. Thằng Tư Cụt hốt hỏang la lên:
- Tắp vào đám bần ngay Đực Lớn!
Nhưng trong khi hai chiếc ghe còn đang
loay hoay tắp vào bụi cây thì tiếng máy tàu áp đến thật gần. Tiếng súng nổ ròn
rã và tiếng đạn rít trên mặt nước. Không hiểu cái gì đang xảy ra nhưng từ chiếc
ghe của thằng Đực Lớn phát ra một tiếng “hự”. Chỉ trong phút chốc chiếc tàu tuần
tiễu lướt qua và tiếng máy tàu nhỏ dần, nhỏ dần để lại sự im lặng đến nghẹt thở
cho khoảng trời nước mênh mông. Liệu chừng chiếc tàu tuần tra đã đi xa thằng Tư
Cụt lên tiếng gọi khe khẽ:
- Đực Lớn! Mày có sao không?
Im lặng, không có tiếng trả lời. Thằng
Tư Cụt lại gọi lớn hơn một lần nữa:
- Đực Lớn! ĐM. mày có sao không?
Nhưng thay vì chờ tiếng đáp lại, nó chèo
chiếc ghe tiến về phía thằng Đực Lớn. Khi hai chiếc ghe áp sát nhau thì một cảnh
tượng khủng khiếp diễn ra trước mắt. Trong khoang thuyền, thằng Đực Lớn nằm ngoẹo
đầu sang một bên và một đùm ruột lòi ra ngòai. Thằng Tư Cụt kinh hỏang leo qua
chiếc ghe của thằng Đực Lớn rồi bò tới sát bên cạnh nó, hỏi:
- Mày có sao không Đực Lớn?
Thằng Đực Lớn không trả lời, nó từ từ mở
mắt rồi từ miệng nó phát ra tiếng rên khe khẽ. Dù nó đang ở vào tình trạng đau
đớn khủng khiếp như thế nhưng dưới bóng trăng khuôn mặt của nó trông rất hiền từ.
Trước tình thế bất ngờ như vậy thằng Tư Cụt cũng rất bình tĩnh. Nó lấy đèn pin
chớp chớp ba lần về phía cửa biển rồi nó hối hả chèo chiếc ghe về phía trước.
Khỏang năm phút sau nó nhận ra một đốm sáng ở phía tay phải. Rồi đốm sáng mỗi
lúc mỗi lớn dần. Cuối cùng hình dáng một con tàu hiện ra rõ mồn một. Dường như
người ta đã nhận ra được chiếc ghe chở dầu cho nên trên con tàu quang cảnh thật
chộn rộn. Khi chiếc ghe của thằng Tư Cụt gần áp sát con tàu thì nhao nhao có tiếng
hỏi cất lên:
- ĐM, có lấy được dầu không?
- Dầu lấy được đầy đủ nhưng thằng Đực Lớn
bị bắn đổ ruột rồi!
Một phút im lặng rồi trên tàu có tiếng cất
lên:
- ĐM. đem dầu lên trước rồi tính sau!
Rồi dưới sự giúp đỡ của mấy người, thằng
Tư Cụt lần lượt đưa mười can dầu lên tàu. Xong xuôi nó lên tiếng:
- Bây giờ còn thằng Đực Lớn, Anh Ba tính
sao đây?
Người chỉ huy trên tàu không ai khác hơn
là gã thày thuốc Đông Y. Sau một vài giây suy nghĩ hắn nói:
- ĐM. nếu để nó chết dưới ghe sáng sớm
công an phát giác ra thì bể tổ chức. Bay đâu, giúp đưa nó lên tàu. Nếu may nó
còn sống thì cho nó vượt biên luôn. Rủi nó chết thì quăng xác nó xuống biển,
ông nội công an cũng chẳng biết đâu mà điều tra.
Thế là một người trên tàu được lệnh leo
xuống ghe. Thằng Tư Cụt lanh lẹ cởi chiếc áo nó đang mặc rồi lấy tay ấn chùm ruột
vào bụng thằng Đực Lớn rồi lấy tấm áo cột quanh bụng nó. Trên mặt chiếc ghe
tròng trành nghiêng ngả, phải chật vật lắm hai người mới xốc được nách nó rồi mấy
người trên tàu phụ giúp mới có thể kéo được nó lên. Lúc này người thằng Đực Lớn
đã mềm như cọng bún và máu đổ ra làm ướt đẫm cái quần lính. Sau khi kéo được thằng
Đực Lớn lên rồi, con tàu được lệnh nổ máy hướng ra ngòai cửa biển.
Giờ đây trời đã vào nửa khuya. Vầng
trăng đã xế ngang đầu và con gió bắt đầu trở lạnh. Thằng Đực Lớn nằm ngả lưng
vào thành tàu. Dưới ánh trăng sáng bạc, đôi mắt nó nhắm nghiền. Bao nhiêu nét
căng thẳng, ngờ nghệch biến đâu mất và vẻ mặt nó trông thật man dại, dễ thương.
Dường như nó đang mơ màng thiếp đi vào một giấc ngủ thật yên bình cho đến khi
thằng Tư Cụt khẽ vỗ vào má nó rồi gọi khe khẽ:
- Đực Lớn! Mày tỉnh lại chưa Đực Lớn?
Nhưng đôi mắt nó vẫn nhắm nghiền khiến
thằng Tư Cụt phải vỗ vỗ như vậy đến hai ba lần thì nó mới từ từ, nặng nề hé mở
đôi mắt. Trộn lẫn với tiếng rên khe khẽ, nó cất tiếng hỏi:
- Đây là đâu hả anh Tư Cụt?
- Mày đang ở trên tàu vượt biên. Ba ngày
nữa tới đảo rồi. Người ta cho mày đi không lấy tiền đó.
- Ba tui là nhân dân tự vệ Cao Ủy đâu có
nhận. Qua đó ở mục đảo đó!
- Bây giờ có lệnh mới rồi. Ai cũng nhận
hết. Nhân dân tự vệ cũng kể như lính mày hiểu không?
- Vậy hả? Anh có dối tui không anh Tự Cụt?
- Thiệt đó! Tao dối mày làm chi?
- Nếu vậy má tui bả mừng lắm. Bả sẽ
không còn chửi tui là đồ vô dụng.
- Ừa, bả sẽ không còn chửi mày là đồ vô
dụng nữa đâu. Bả sẽ thương mày, sẽ mãi mãi thương mày!
- Vậy hả anh Tự Cụt?
Nói đến đây dường như thằng Đực Lớn quá
mệt cho nên nó lại nhắm nghiền đôi mắt. Giây lát sau nó gắng gượng mở mắt, hỏi
tiếp:
- Trên đảo có bán guốc Đakao không anh Tự
Cụt?
- Thiếu gì! Cả triệu đôi cũng có.
- Vậy hả? Tui sẽ mua cho con Hường một
đôi guốc Đakao.
- Phải, mày sẽ mua tặng nó. Mó sẽ thương
mày, sẽ mãi mãi nhớ mày, rồi mày sẽ…
Thằng Tư Cụt định nói tiếp nhưng không kịp
nữa rồi. Thằng Đực Lớn sẽ rướn lên một cái rồi đôi mắt nó trợn trừng rồi đầu lật
qua một bên. Tới lúc này thì bao nhiêu cái tinh khôn, lưu manh trong con người
của thằng Tự Cụt tựa như tảng băng đang tan rã dưới ánh mặt trời. Nó ôm lấy thằng
Đực Lớn, rống lên:
- Đực Lớn! Mày đi rồi hả Đực Lớn!
Rồi nó ôm mặt khóc hu hu như một đứa trẻ.
•••••
Giờ đây con tàu đã ra ngòai cửa biển và
gió thổi lồng lộng. Như một con chó bị xiềng xích lâu ngày nay được tháo cũi sổ
lồng, nó hối hả, háo hức lao lên để gĩa từ vùng đất ngục tù để hướng về nẻo
biên cương tự do đang trải rộng trước mặt. Dưới bóng trăng thằng Đực Lớn nằm ngọeo
đầu như một người đang say ngủ. Trên trời một cánh sao băng bỗng vụt rơi xuống
biển như để tiễn đưa một linh hồn về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đào Văn Bình
Đêm Chôn Dầu Vượt Biển /Như Quỳnh
No comments:
Post a Comment