Chương 12
Mùa Giáng Sinh năm
nay lại đến, cũng như mọi năm, học sinh được nghỉ lễ một tuần. Bà dì có dịp đi Sàigòn nên sẵn dịp Như Kim
xin phép má được tháp tùng đi theo để thăm người yêu. Sau khi tỏ thật chuyện tình cùng ba má, cô đã
viết thơ báo với chàng sự việc và chàng sau đó đã gởi về cho ba má một lá thơ
xin lỗi đã mạn phép thương cô.
Ba má cũng như cô rất
ưng ý về chàng nhưng má vẫn cẩn thận dặn dò cô không ngớt, thương thì cứ
thương, đợi thì cứ đợi, nhưng “đường dài trăm dặm, đi đến chín mươi cũng chưa
phải là tới”, bao giờ người ta về thì hẳn hay.
Đừng thấy nắng sớm mà tưởng không mưa chiều, hôm nay người ta hẹn nhưng
ngày mai biết người ta có nhớ lời, ngày mai lời hứa hẹn ấy biết đâu sẽ biến
thành đôi cánh chuồn chuồn mà “khi vui nó đậu khi buồn nó bay”. Đừng quá kỳ vọng, đừng quá mộng mơ, lỡ một
mai vỡ mộng thì đau khổ không biết đâu mà lường. Má cũng đã nói chuyện này lại với bà dì, bà
chị ruột của má, người chị như một người
mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ má từ thuở ấu thơ cho đến khi khôn lớn trưởng
thành.
Nghe má kể lại, lúc
xưa khi gả chồng cho dì xong, bà ngoại đi về Tàu thăm quê nhà mã tổ. Lúc đó má còn quá nhỏ, chỉ mới lên bốn nên ngoại
định mang má đi theo nhưng khi xuống tàu, thấy dì đứng trên bờ vẫy tay đưa tiễn,
má khóc lóc đòi ở lại. Lúc ấy tàu đã sắp
sửa rời bến, bất đắc dĩ ngoại phải gởi má lại cho dì và hẹn một thời gian sau sẽ
trở lại Việt Nam lo cho má. Nhưng không
ngờ chuyến về quê hương ấy ngoại đã vĩnh viễn không còn gặp lại má và dì. Cộng sản nổi dậy khắp nơi trong toàn cõi
Trung Hoa lục địa, ngoại kẹt lại nơi quê nhà Triều Châu cho đến ngày lìa đời nhắm
mắt.
Bên này má sống luôn với dì, dì đã nuôi dưỡng thương yêu má như một đứa con, đến khi gả lấy chồng còn thay mặt ngoại giao kết với sui gia không cho má làm dâu. Má nói dì rất khó tính, chuyện gì không vừa ý là cứ giận giận hờn hờn, phải theo năn nỉ vuốt giận mãi mới xong. Chiều chiều cơm nước xong mà ra cửa đứng hóng gió khơi khơi là đố khỏi bị la bị quở. Dì bảo con gái ăn no rồi ra đứng trước cửa ngó qua ngó lại coi không nên nết chút nào, hàng xóm cười chê rồi ế ẩm chẳng ma nào dám rước.
Bên này má sống luôn với dì, dì đã nuôi dưỡng thương yêu má như một đứa con, đến khi gả lấy chồng còn thay mặt ngoại giao kết với sui gia không cho má làm dâu. Má nói dì rất khó tính, chuyện gì không vừa ý là cứ giận giận hờn hờn, phải theo năn nỉ vuốt giận mãi mới xong. Chiều chiều cơm nước xong mà ra cửa đứng hóng gió khơi khơi là đố khỏi bị la bị quở. Dì bảo con gái ăn no rồi ra đứng trước cửa ngó qua ngó lại coi không nên nết chút nào, hàng xóm cười chê rồi ế ẩm chẳng ma nào dám rước.
Bà dì khó khăn như thế
mà khi nghe xong câu chuyện, dì lại tủm tỉm cười có vẻ ưng bụng. Có lẽ dì nghĩ rằng con cháu mình cũng khéo chọn,
nó thương ai mình còn khuyên can rầy rà chớ thương nhằm thầy tu thì cứ để nó tự
do, người tu hành dù gì cũng có căn cơ đạo đức, biết nghĩ biết suy. Má đem chuyện của cô nói với dì cô hiểu một
phần là vì má nghĩ đến lúc cô đi thăm chàng thì sẽ phải ở nhờ nhà người con gái
lớn của dì, chị em bạn dì với cô có chồng làm dịch vụ xuất nhập cảng ở
Sàigòn. Hơn nữa, họ hàng thân tộc có biết
chuyện thì họ mới không dị nghị khi chàng tới lui thăm viếng cô.
Buổi sáng trước khi
đi, má và cô đi chợ mua sắm một mớ đồ khô để cô mang đi cho chàng vì nghe chàng
nói chàng thường phải nhịn ăn vì đi học về trể, cơm nước chẳng ai chừa phần. Buổi chiều cô đã có mặt ở Sàigòn. Chiếc phi cơ Hàng không Việt Nam đã đưa cô đến
nơi thật nhanh như một giấc mộng cho cô gặp lại chàng sau bao nhiêu “Nhứt nhựt
bất kiến tam thu hề” thương nhớ nhớ thương.
Khi người chị bạn dì đưa cô đến trường Taberd tìm chàng thì chàng đi vắng, cô chỉ gặp Frère phó cũ Dominique ở văn phòng của Frère. Frère đem nước ngọt và trái cây ra mời, hỏi thăm trường và những đứa học trò cũ. Bà chị và cô ngồi lại chuyện vãn với Frère độ nửa giờ thì xin cáo từ ra về sau khi đã để lại địa chỉ nhà bà chị và nhờ Frère nhắn với chàng là có cô đến thăm. Cô cũng không thất vọng mấy vì đã đoán trước không chắc gặp được chàng ngay nên đã không xách quà theo khệ nệ.
Về đến nhà cô mới bắt đầu nôn nóng chờ đợi, muốn ra hành lang đứng ngóng mà không dám vì sợ bà chị và đám cháu trêu cười. Cô vào phòng soạn đồ đạc ra, phần nào biếu bà chị, phần nào cho chàng, kiếm chuyện làm cho qua thời gian cho đỡ sốt ruột. Hơn hai tiếng đồng hồ sau cô mới nghe có tiếng bấm chuông, tim cô như ngừng đập, thầm mong cho người ngoài cửa là chàng. Nhỏ cháu con bà chị chạy ra mở cửa, chàng bước vào ngỡ ngàng định hỏi thì cô cũng đã chạy ra.
Trông thấy cô, chàng
vui mừng cười rạng rỡ, nụ cười mà đã thật lâu rồi cô mới được thấy lại. Chàng không mặc áo dòng luộm thuộm như lúc đi
dạy mà gọn gàng phong độ trong chiếc chemise xanh ngắn tay thẳng thớm. Cô mời bà dì và bà chị ra để giới thiệu
chàng, mấy đứa cháu chụm đầu vào nhau xầm xì bàn tán về ông Frère. Chủ khách sau cái màn chào hỏi trà nước xong,
bà chị biết điệu quát lũ con rút vào trong cho ông Frère và dì Kim chuyện trò
tâm sự.
Ngắm chàng từ đầu đến
chân một hồi cô nói:
- Thấy anh
gầy ốm đi nhiều và đen đúa hơn xưa nữa.
- Thì cũng
vì nhớ em, vì lo học và cứ phải chạy tới chạy lui đi học dan nắng hằng
ngày. Nắng Sàigòn đâu có hiền hòa như nắng
Sóc Trăng mình đâu em. Bộ anh không còn
phong độ “hoàng tử La Salle” ngày nào nữa hở em?
Cô nguýt chàng, dí dí
ngón tay lên trán chàng dở giọng ghen hờn bảo:
- Cũng còn vậy nhưng không phải là
hoàng tử La Salle mà là hoàng tử của em, biết chưa? Nắng Sàigòn không hiền thì gái Sàigòn cũng vậy,
coi chừng nó đốt anh mất đó.
Chàng cười lắc đầu:
- Làm gì có chuyện đó em. Vừa dạy vừa học là đã bù đầu rồi. Viết thơ cho em còn không có giờ viết, thì giờ
đâu mà để ý đến những chuyện khác. À, em
lên tới hồi mấy giờ? Sao không đánh điện
tín cho anh hay trước để anh đi đón em?
Lúc em đến Taberd tìm anh thì anh đang ở thư viện, chừng về nghe Frère
Dominique nói lại, anh mừng quá chạy bay đến đây ngay.
- Em muốn dành cho anh một niềm vui bất
ngờ. Vả lại em đi theo bà dì, khi tới
thì đã có con gái dì ra đón. À, anh ơi!
má có gởi cho anh một số quà, để em đi lấy.
Coi bộ má cũng cưng anh dữ lắm đó.
Cô chạy vào xách ra
hai giỏ đồ lủ khủ đặt xuống, nào là tôm khô mì gói, nào là lạp xưởng, thịt chà
bông và thêm món đồ ngọt ăn chơi “mè láo” nữa.
Cầm gói mè lên cô hỏi :
Nó là một đặc sản khá nổi tiếng của xã Phú Tâm. Anh mang về chia cho Frère phó một gói nói em biếu Frère dùng lấy thảo để nhớ bữa đi picnic ở chùa Phú Tâm với học sinh ngày nào. À, má còn gởi cho anh một món ngon đặc biệt mà anh rất ưa thích cho anh ăn liền chiều nay, đó là món mắm chưng hột vịt, món ruột của anh đó. Phần má cho anh thì bao nhiêu đó còn phần em tặng anh thì chỉ có mấy chiếc khăn tay thôi nhưng nhiều công nhiều tình lắm đó. Em làm vải bốn tấc, khăn lớn lắm cho anh tha hồ mà xài.
Chàng nhìn đống quà rồi
nhìn cô cảm động:
- Cám ơn em lắm, em và má lo cho anh
quá. Anh xa nhà từ năm mười hai tuổi, từ
thuở đó anh đã mất đi tình thương của
gia đình, hình như ba má anh nghĩ rằng anh đi tu rồi là trở thành con Chúa, mỗi
năm gởi vài ngàn cho nhà dòng đóng học phí cho anh là coi như đã xong bổn phận,
ba má không còn phải bận tâm lo lắng gì cho anh nữa khiến nhiều khi anh đã quên
mình còn có cội có nguồn, nói ra thì mang tội chớ thật tình anh thường có cảm
tưởng mình là một kẻ mồ côi. Hiện giờ
chung quanh đây anh cũng có một số anh chị em, họ đều là người tai mắt khá giả
nhưng chẳng hề có ai thăm viếng ngó ngàng gì đến anh, cốt nhục tình thâm cũng
vì thế mà lần hồi phai nhạt. Bởi vậy bao
nhiêu tình thương anh đều dồn hết cho em, anh chẳng còn biết thương ai nữa cả.
Cô gật đầu nói:
- Em biết, bởi vậy nên trời đã xui
khiến em gặp anh, thương anh, lo cho thật nhiều để bù đắp lại. Những món quà này giá trị không phải là ở thực
chất của nó mà là ở tấm lòng, ở tình thương của gia đình em đối với anh. Má và em lo cho anh vì cảm thấy thương anh chớ
không phải vì lời anh hứa hẹn. Má thường
nhắc nhở em đừng quá dệt mộng, thời gian còn dài thì còn biết bao nhiêu sự thay
đổi. Một mai lỡ anh đổi ý không về thì
tình này của em cũng coi như là tình người, cho đi mà không cần lấy lại làm gì.
Chàng nhăn mặt tát nhẹ
vào má cô rầy rà:
- Coi kìa, lâu ngày gặp lại sao em cứ
nói toàn chuyện nghi ngờ anh không vậy?
Thời gian rồi sẽ chứng minh lòng anh như thế nào. Thôi bây giờ em hãy nói cho anh biết coi em ở
chơi được mấy ngày để anh tính mà đưa em đi chơi đây đó.
- Hôm nay là gần hết một ngày rồi. Chúa nhựt tới này thì em phải về để tuần sau
đi học, kể như mình còn được năm ngày thôi.
- Vậy thì mỗi ngày anh sẽ đến dẫn em
đi chơi, em chịu không? Anh cũng đang
nghĩ lễ đây. Anh sẽ mượn máy ảnh chụp
cho em một số hình để làm kỷ niệm lần hội ngộ này của hai chúng ta. Thôi bây giờ anh phải đi về gặp Frère
Dominique để hỏi mượn xe. Lúc nãy khi
chuyển lời nhắn của em, Frère có lên tiếng trước, nói nếu cần xe thì Frère sẽ
cho mượn một ngày. Tuy là xe của nhà
dòng nhưng thuộc quyền xử dụng của Frère nên Frère có thể cho mình mượn được. Frère rất tế nhị, thông cảm chuyện mình lắm
em à.
- Frère Dominique tế nhị và tốt bụng
thật. Học trò lúc xưa đứa nào cũng mến
Frère như mến anh vậy.
- Em nói sai rồi, học trò không phải
chỉ mến anh thôi mà còn thương anh nữa kìa, có đúng không?
Vừa nói chàng vừa
nheo mắt cười. Cô nguýt chàng trả đũa:
- Thì cũng tại ông thầy liếc mắt đưa
tình trước, học trò muốn ngoảnh mặt làm ngơ mà cũng không đành, tội nghiệp cho
ông thầy. Anh trêu em đi, coi chừng em
trở mặt làm reo thì mệt cho anh đó.
Cô đứng lên đi vào
trong thưa với bà dì và bà chị cho chàng về.
Hai người cùng đi ra tiễn chàng.
Chàng nói :
- Xin phép dì mai này cho tôi đưa Kim
đi chơi một ngày.
Dì cười tỏ ra dễ dãi
:
- Được
Frère cứ đưa nó đi. Mà đi đâu, hai người
có tính chưa?
- Dạ chưa
biết, để tối nay về suy nghĩ. Thôi xin
chào dì, chào chị tôi về.
Và quay sang cô,
chàng căn dặn:
- Sáng mai
khoảng chín giờ thì anh tới, chuẩn bị sẵn nghe em.
Cô theo chàng ra cửa
dợm đưa chàng xuống lầu. Chàng khoác tay
ngăn lại bảo :
- Thôi em vào đi, khỏi đưa anh đâu,
lên xuống mấy từng thang mệt lắm. Mai
mình gặp lại em nhé.
Nhà bà chị ở lầu tư,
từng cuối của một tòa chung cư hạng trung lưu khá giả nằm ở một góc đường trên
hai mặt lộ, một mặt đối diện với hội trường Diên Hồng và mặt kia nằm song song
với những văn phòng thương mại và các cơ sở tư nhân. Cô đứng lại ngoài hành lang tựa người vào lan
can nhìn xuống đường, chàng đã xuống tới dưới và đang loay hoay cột hai giỏ đồ
vào bagage chiếc Honda dame. Cô chồm người
xuống vẫy tay gọi chàng thật lớn. Chàng
ngước nhìn lên vẫy vẫy lại rồi lên xe rồ máy phóng đi. Cô đứng nhìn theo cho đến khi bóng chàng mất
hút sau cái cua quẹo đường Công Lý.
****************
Buổi sáng theo thói quen cô dậy thật sớm. Rửa mặt xong cô ra phòng khách mở cửa sổ đứng uốn éo làm vài động tác thể dục nhẹ. Nhà chưa ai thức. Vì là một căn chung cư hai gian có diện tích lớn gấp đôi những căn khác nên phòng khách rộng thênh thang. Đồ đạc chỉ chiếm một phần ba căn phòng. Cách bày biện đơn giản nhưng không kém phần sang trọng. Bên trái, một chiếc đàn piano, một tủ rượu với năm ba tượng đồ sứ trang trí. Bên phải, một dàn máy nhạc, một bộ salon màu kem tương xứng với chiếc bàn trà nâu thẫm có bình hoa tươi bên trên. Gần đó, đối diện chậu hoa sứ Thái là một chậu thiết mộc lan. Cây thiết mộc lan này nghe bà chị nói lúc mới mang về trồng, nó chỉ là một khúc gỗ khô như một đòn củi nhưng giờ đây nó đã biến thành một cây kiểng xanh tốt sởn sơ lá chồi. Theo những tay điệu nghệ sành chơi về loại cây này thì đây là một dấu hiệu tốt, một dấu hiệu đang lên, biểu tượng cho thời kỳ hưng thịnh của gia chủ. Không biết sự thật ra sao mà anh chị nhà này thì đang phát đang vượng thật. Mười năm trước đây, khi anh chị mới cưới nhau, anh chị còn chưa thuê nổi một tổ ấm cho hai người, phải ăn ở tạm ngay phía sau văn phòng làm việc của anh (hay có lẽ anh chị chủ trương tiết kiệm và chịu cực trước rồi hưởng phước sau). Khi đứa con đầu lòng ra đời, anh chị mới dọn sang một cư xá nhỏ gần sở làm. Rồi đến đứa thứ hai và thứ ba thì anh chị như được thời, như diều gặp gió, như rồng gặp mây, việc làm ăn càng ngày càng tấn phát, cuộc sống không còn là một vấn đề vất vả phải lo toan. Và bây giờ thì anh chị thật là khấm khá, dư ăn dư để, lại có thể nuôi cả một đám bà con bên vợ ngày này qua ngày nọ và còn có cả trương mục đầu tư ở nước ngoài.
Đứng ngắm nghía hồi lâu, cô trở vào phòng soạn bộ đồ ra ủi lại để mặc đi với chàng hôm nay. Vừa ủi, cô vừa nghĩ ngợi lung tung, không biết chàng sẽ đưa cô nơi nào, lỡ như người quen bắt gặp chẳng biết có phiền phức gì cho chàng hay không. Đi chơi cả ngày thì thế nào cũng phải tiêu xài tốn kém mà chàng thì làm gì có tiền dư giả, số lương ít ỏi tượng trưng của nhà dòng chỉ đủ cho chàng đổ xăng và mua sách vở. Thế nên trước khi đi má đã căn dặn cô rằng nếu có ra ngoài với chàng thì cứ tiêu tiền má cho chớ đừng để cho chàng tốn hao tội nghiệp. Cô nghĩ yêu chàng, một tu sĩ thì cũng chẳng khác gì yêu nhằm một kẻ nghèo nhưng không phải loại người nghèo mà thế gian đầy dãy mà là nghèo tự nguyện, nghèo hiến dâng dù rằng sự dâng hiến ấy giờ đây đã lệch lạc, đã không còn trọn vẹn ý nghĩa. Cô không thấy mình mặc cảm khi có một người yêu nghèo như chàng mà bằng lòng với chàng cái nghèo đó. Tình yêu không xa hoa vật chất mới là tình chân thật vững bền.
Chín giờ kém năm
chàng đến. Cô đã sẵn sàng và đang ngồi
đơị. Quần jean đen túm ống với áo đỏ rộng
thùng. Một chút phấn hồng cho má hây hây
đỏ, một chút son mỏng cho môi phơn phớt hồng. Mái tóc đã dài khỏi bờ vai cô bỏ xỏa và cài
thêm nụ hoa trắng khiến chàng phải trân trối nhìn và buột miệng xuýt xoa khen.
Thưa với bà dì xong,
hai đứa dắt tay nhau chạy bay xuống lầu.
Chui vào xe, chàng vừa “đề” máy vừa hỏi :
- Em muốn đi đâu?
Cô ngẩn người lắc đầu
bảo:
- Em không biết, thành phố thủ đô này
hoàn toàn xa lạ đối với em. Anh muốn đưa
em đi đâu cũng được. Nơi nào có anh là
em cũng thấy vui thấy hạnh phúc cả.
- Anh định đưa em đi Thủ Đức, đến vườn
hoa của một ông bác sĩ hồi hưu. Nơi đó
nghe nói rất đẹp, ông bác sĩ chuyên sưu tầm các loại kỳ hoa dị thảo, chắc em sẽ
thích lắm. Mình đến đó xin phép vào xem
một lát, chụp vài tấm ảnh lưu niệm rồi ra chợ ăn trưa. Sau đó về Thị Nghè qua Mai thôn chơi. Đó là nơi dưỡng bệnh của các ông Frères, có
căn nhà mát nhìn ra sông rất nên thơ. Em
thích thiên nhiên, thích phong cảnh thì đi chơi những nơi đó anh nghĩ là thích
hợp với em lắm.
Xe chạy loanh quanh
qua những tòa cao ốc ngất nghểu, những con đường đầy lá me thơ mộng, những
thương xá dập dìu áo bay, đến chợ Gia Định chen chúc người, lên cầu Bình Lợi nước
sâu hun hút rồi chạy về phía Thủ Đức xa xa. Trời Sàigòn mùa này đã không còn ngột
ngạt oi bức, tiết trời mát mẻ dễ chịu nhờ một chút hơi đông nhè nhẹ phả
vào. Mây xanh vô hạn, nắng hồng vô tận,
lòng người cũng theo mây nắng chan hòa vui tươi. Cô nhìn ra cảnh vật hai bên đường, ngoại ô
nào cũng như nhau, cũng nhà tranh vách đất, bát ngát ruộng vườn, cũng lũy tre
xanh, cũng rặng dừa đong đưa lá, một hình ảnh quê hương muôn đời không sai lệch.
Tới nơi, dừng lại trước
một ngôi biệt thự khang trang, cả hai xuống xe đi vào bấm chuông xin phép. Sách thánh đã có câu “Gõ cửa thì sẽ được mở,
xin thì sẽ được cho”, chủ nhân là bậc phong lưu trí thức không thể làm kẻ hẹp
hòi.
Bước vào vườn, đôi
tình nhân như lạc bước vào đào nguyên tiên cảnh. Hòn giả sơn ngoạn mục với những
hoa leo chùm gởi buông lơi trên vách đá bên cạnh một hồ sen lặng lờ thanh
nhã. Một chiếc cầu gỗ sơn son được bắc
ra làm lối đi trên con suối nhỏ có bầy cá vàng lấp lánh nhởn nhơ lượn quanh một
căn nhà mát mái cong đầu rồng. Bên trong
nhà mát, những thác phong lan tim tím đổ dài tỏa ra một mùi hương dìu dịu ngọt
ngào khiến cho lòng trần con người như lâng lâng thoát tục. Đó đây, hoa cúc hoa lài, nàng hồng nàng huệ
đua sắc khoe duyên. Và kia liễu rũ mơ
màng, cội mai già thanh lịch, nàng lan quý phái, dạ quỳnh kiêu sa. Và còn nhiều nữa, vô số những kỳ hoa dị thảo
muôn sắc muôn dạng, có những loại vừa được tháp ghép vào nhau đang trên đà sinh
sôi phát triển, hứa hẹn những mầm giống mới lạ nay mai. Thật là một vườn hoa công phu tuyệt mỹ mà có
lẽ chủ nhân rất mãn nguyện tự hào, những hoa viên thượng uyển thời xưa nếu đem
so sánh thì có lẽ cũng chẳng hơn gì là bao.
Gần một đời phục vụ cho nhân loại, miệt mài với sự nghiệp công danh, giờ
đây có lẽ mới chính là lúc chủ nhân an
hưởng, được sống cho mình trọn vẹn “thảnh thơi thơ túi rượu bầu, mặc ai danh lợi
công hầu mặc ai”.
Sau khi dạo quanh khắp
vườn, chụp vài tấm ảnh kỷ niệm và ngắm nghía
hết hoa này đến hoa nọ, hai người từ tạ chủ nhân ra về trong niềm luyến
tiếc say mê. Ra xe, chàng hỏi :
- Sao, đói
chưa em? Mình đi ra chợ kiếm cái gì ăn
nhé. Em thấy vườn hoa thế nào? Hài lòng với buổi sáng này chớ.
Cô gật đầu cười hả dạ:
- Em thích lắm, có nhiều thứ hoa em
còn chưa biết đến cái tên đừng nói chi là thấy.
Em ngắm còn chưa no mắt nhưng ở lâu quá sợ người ta phiền vì chỗ này đâu
phải là công viên. Em thích bông hoa cây
cỏ, thích có vườn hoa cho riêng mình nhưng không cần phải cầu kỳ tốn kém như thế
mà là một vườn hoa nho nhỏ bốn mùa đủ để tô điểm cho cuộc đời mình, trong đó có
loài hoa vàng liễu yếu thuở chúng mình gặp gỡ thương yêu. Ước mơ của em rất nhỏ bé tầm thường nhưng
không biết sau này mình có thực hiện được hay không nữa.
Chàng vẽ vời xây mộng
:
- Được chớ sao lại không em. Cưới nhau rồi, sau này có nhà cửa, anh sẽ trồng cho em một vườn hoa đủ loại, anh sẽ trồng thật
nhiều hoa sao nháy đó để kỷ niệm tình yêu của chúng mình. Anh cũng thích có một vườn hoa nhỏ xinh xắn để
mỗi ngày đi làm về ra ngồi đọc sách hoặc sáng sáng chiều chiều hai đứa dạo bước
vui đùa bên nhau. Cuộc đời chỉ cần được
như vậy là đủ mãn nguyện hạnh phúc rồi, anh cũng chẳng mơ chi chuyện giàu sang
tranh danh đoạt lợi em à.
Vào chợ, ăn uống
xong, mỗi đứa một tô bún nem, một ly coca, chàng đứng lên lấy tiền ra định trả. Cô giành lại nói :
- Thôi để em trả cho, má cho em nhiều
tiền lắm. Anh cất đi để dành đi học uống
nước và mua tem gởi thơ cho em.
- Vậy coi sao được em. Không mấy thuở anh mới có dịp đưa em đi chơi
đi ăn một lần, anh có tiền đây em đừng lo.
Mai mốt em về anh còn mua quà gởi cho mấy đứa em của em nữa.
- Thì tiền anh để đó mua quà đi, bây
giờ để em trả cho, em còn mua thêm hai chục nem về biếu bà chị luôn thể. Bà chị hỏi ra biết mình đi Thủ Đức mà về
không có nem làm quà thì mất hay đi.
Cô tiến lại quày hàng
lấy hai chục nem. Trả tiền xong, hai đứa
đi lòng vòng trong chợ xem đến chán mắt rồi mới ra xe trở lại Sàigòn.
Bận về chàng cho xe
chạy qua Thị Nghè, đến một nơi gọi là Mai thôn có ngôi nhà lớn hai tầng dùng
làm nơi nghỉ ngơi dưỡng lão cho các Frères.
Chàng đưa cô ra phía sau vườn, đi vào một căn nhà mát được xây trên
sông. Nắng đang nhởn nhơ khiêu vũ nơi
này như đón mừng đôi nhân tình vừa mới đến.
Dòng sông thật rộng, thủy triều đang lên, nước bao la dâng đầy cuồn cuộn
trôi về xa xăm. Bên kia bờ là một rừng
cây dày đặc nhấp nhô xanh rì trải dài
mút mắt. Chàng nói những ngày cuối tuần
người ta thường chơi trượt nước ngang qua đây khiến khúc sông này thành huyên
náo, ngồi đây xem thiên hạ nô đùa, nhìn nước bắn lên trắng xóa sau mỗi chiếc
trượt cũng thấy vui vui. Nhưng hôm nay
không phải là chúa nhựt nên không có chiếc trượt nước nào đi qua, chỉ thấy đám
lục bình trôi trôi giạt giạt và vài tay câu chờ thời kiểu tài tử trên bờ, dòng
sông im lìm vắng vẻ trông buồn bã làm sao.
- Em thấy con sông thế nào?
Chàng bỗng cất tiếng
hỏi. Nhìn dòng nước cau mặt gợn sóng lăn
tăn, cô đáp:
- Em thấy nó cũng như những con sông
khác thôi nhưng hình như nó có một tâm sự, tâm sự đợi chờ, chờ ngày cuối tuần
xôn xao mở hội để bớt đi những chuỗi ngày tẻ lạnh buồn tênh.
Chàng gật đầu, bâng
khuâng nói :
- Có lẽ vậy,
em nói đúng Cũng như anh đây, anh đang
chờ một ngày mới, cái ngày mà anh có thể thoát vòng cương tỏa, không còn phải
tuân theo những mệnh lệnh bất công của những kẻ bề trên độc tài thất đức, ngày
mà anh có trọn quyền với cuộc đời của anh, ngày mà anh công thành danh toại bên
em trở về. Có lẽ nhìn bề ngoài của một
nhà tu, người ta chỉ thấy nhân đức thánh thiện chớ nào ai biết được sự thật bên
trong. Có đi tu như anh mới hiểu rõ bề
trái của nhà dòng, anh đã quá ngán ngẫm bộ mặt xấu xa giả hình ấy.
Cô ngước nhìn chàng
băn khoăn hỏi :
-Bề trái
như thế nào anh, bộ mấy ông bề trên chuyên quyền áp bức các Frères lắm hay sao?
Nhìn xa xôi một
thoáng như hồi tưởng về quá khứ, chàng chậm rãi kể lể:
- Em có biết trước khi đổi xuống Sóc
Trăng, anh đã ở đây bốn tháng để dưỡng bệnh vì những ông bề trên cho là anh có
đầu óc chống đối nên đã cấu kết nhau làm
khổ anh đủ điều khiến anh uất ức mang trọng bệnh. Thật ra chuyện đã bắt đầu từ nhiều năm trước
rồi trong thời gian anh đang học thần học ở kinh viện Đà Lạt. Em cũng biết, Đà Lạt khí hậu rất lạnh lẽo,
con người cần phải được ăn chắc mặc dày mới có sức chống chỏi để làm việc. Nhưng kẻ làm bề trên nơi đây hình như không để
ý đến chuyện ấy hoặc có nghĩ qua nhưng lại ích kỷ làm ngơ bỏ mặc không có chút
tình người. Trời lạnh như cắt da mà
không có nước nóng cho tắm nên có người cả tháng trời còn chưa dám tắm một lần,
đứng từ xa mà đã nghe mùi chồn hôi chuột xạ; lại không cho đồ ấm để mặc nên ai
có bao nhiêu áo cũng đều mặc cả lên người, vậy mà vẫn cứ rét run. Thức ăn cung cấp hằng ngày thì không đủ dinh
dưỡng nên thời gian đó các Frères đa số đều bị bệnh ốm còi và hư răng, có người
chịu không nổi còn bị thổ huyết nặng nề.
Vì vậy các Frères mới bàn với nhau đến xin bề trên cho tăng cường hoặc
thay đổi món ăn, xin một thực đơn gì có nhiều chất sắc và chất vôi để đủ sức chịu
đựng và bồi dưỡng lại cơ thể. Lời yêu cầu
được chấp thuận nhưng em biết như thế nào không? Ông ta đưa ra một lô trứng mà chỉ có toàn là
vỏ còn lòng bên trong thì đã bị nuốt mất rồi.
Nghe đến đây cô nổi
nóng buột miệng chưởi rủa:
- Trời ơi! Sao mà bần tiện khốn nạn vậy mà các Frères
cũng chịu được nữa à. Cái thứ bất nhân
này mà cho làm bề trên thì chết thiên hạ cả lũ.
Gặp em là em sẽ “dộng” bể mặt nó trước rồi tính sau, tới đâu thì tới.
Chàng thở ra nói tiếp:
- Bởi vậy, anh cũng bất mãn lắm nhưng
nghĩ cái chuyện ăn uống vật chất ấy mà đem phanh phui ra thì thành hạ tiện cho
mình và cũng chẳng đẹp đẽ gì cho nhà dòng nên anh và các Frères đành im lặng bỏ
qua. Anh chỉ không đồng ý cãi vã khi ông
bề trên tiến sĩ triết bệnh hoạn đó bảo rằng tu viện không được sơn màu, bắt phải
sơn toàn đen cho phù hợp với đời nhà tu.
Còn bông hoa thì ví như gái đẹp xui mình nghĩ đến chuyện sằng bậy tội lỗi
nên ra lệnh nhổ sạch đi để làm sân bóng rổ.
Lúc ấy anh đang học tâm lý và luận lý, anh nhận thấy cái lý luận ấy là
sai lầm, phản tâm lý quá. Đời tu hành vốn
đã khắc khổ buồn tẻ, ngoại cảnh và màu sắc sẽ làm phấn khởi nâng đỡ tâm hồn mình. Và hoa cỏ cũng ví như thiên
nhiên trong trắng giúp con người hướng thượng chớ
đâu làm sa đọa bại hoại con người. Vì chính bông hoa là của lễ xinh đẹp thanh
khiết được dùng trong việc chưng bày dâng cúng ở các nơi thờ phượng thiêng
liêng cũng như trong bất cứ dịp vụ hay lễ hội nào. Thế thì tại sao lại khiến
con người nghĩ lệch lạc sinh tà ý cho được. Anh nhứt định phản đối, ông ta nổi giận vu khống
cho anh là muốn làm phản, thưa với Bề trên cả đưa anh lên tận miền Kontum đèo
heo hút gió. Tại đây anh đã được lòng
thương mến của các học sinh thiểu số người thượng khiến ông bề trên nơi này lại
gai mắt khó chịu. Ông ta bèn đề nghị đổi
anh về Thủ Đức cho dạy ở Hố Nai với thâm ý là sẽ cho anh khổ sở với lũ học trò
mà họ có thành kiến là cứng đầu khó dạy nhứt.
Và quả thật, lúc đầu anh đã điêu đứng với đám học sinh ương ngạnh ở đó
nói chung nhưng dù sao thì mình cũng không thể nào quơ đũa cả nắm vì thật ra
cũng có một số ít có ý thức, biết lễ nghĩa thầy trò chớ không đến nỗi ngỗ ngáo
hoàn toàn như lời đồn đãi từ xưa. Do đó,
dần dà chuyện học trò đối với anh coi như tạm thông qua không còn là một trở ngại
lớn lao cần đối phó nữa mà vấn đề là ở ông Frère giám thị của trường.
Nếu học trò ở đây được ví như một đám loạn tặc thì lão giám thị này đúng là một tên nịnh thần thượng đội hạ đạp chuyên môn rình rập thưa gởi sàm tấu, một tên rapporteur đầy nọc độc nguy hiểm cho những ai chẳng may phải sống gần. Em nghĩ xem, nhiệm vụ của ông ta là chỉ có đi tới đi lui giám thị, còn anh thì phải dạy cả ngày đã ngất ngư khan cả cổ, vậy mà buổi chiều trên đường về Thủ Đức, ngồi trong xe, ông ta còn bắt anh phải đọc kinh lớn tiếng vang lên giữa tiếng máy xe đang nổ rền và những tiếng ồn ào ngoài đường phố thì ai hơi sức nào mà đọc cho nổi. Hơn thế nữa, anh nhận thấy đó chỉ là một hình thức thị oai lố bịch đạo đức giả nên anh không đồng ý nói rằng thờ Chúa là thờ ở trong lòng, lốp bốp chi ngoài miệng mà trong lòng thủ đoạn ác gian. Ông giám thị này đã hậm hực chưởi rủa anh thậm tệ và báo cáo với Bề trên cả nói là anh lười biếng bất tuân, không làm tròn bổn phận. Anh quá tức tối buồn rầu đến nỗi bị nám phổi trầm trọng, thế mà họ còn cho là anh bệnh giả vờ để trốn làm việc khiến ông bác sĩ điều trị anh phải lên tiếng can thiệp, bảo phải cho anh ngưng dạy và tịnh dưỡng, nếu không thì sẽ nguy hại đến tính mạng. Nhờ thế nên anh mới được vào đây dưỡng bệnh nghỉ ngơi một lúc.
Nhưng em biết không, khi đến đây rồi anh cũng
chẳng được yên thân ngơi nghỉ. Ông bề trên chẳng biết thù oán với anh từ kiếp
nào, ông ta gởi cho anh một bức thơ tố khổ mạt sát anh đủ điều, đại ý không
nhìn nhận anh đã bị bệnh thật, mà chỉ là lười biếng. Ông ta còn nhấn mạnh rằng
con người chỉ tìm được niềm vui và ý nghĩa trong việc làm mà anh thì lại trốn
tránh, anh sẽ phải hối hận ray rứt vì đã trốn trách nhiệm, vì sự ăn cắp của nhà
dòng ăn không ngồi rỗi của anh. Anh tự
nghĩ từ khi anh đặt bước vào nhà dòng cho đến nay, anh chưa hề ăn bám lấy không
một ngày của nhà dòng, ăn học thì gia đình đã đóng học phí hẳn hoi, làm việc
thì phục vụ không công không lợi, nhưng đến khi bệnh hoạn thì lại không được
cho nghỉ, thử hỏi ai mới là bóc lột ăn cắp của ai. Bức thơ đó đã khiến anh vô cùng phẩn uất, anh
đã giữ kỹ nó bên mình coi như một bằng chứng cụ thể “ngậm máu phun người” ngược
đãi bề tôi của những kẻ nắm quyền sinh sát trong nhà dòng.
Ngoài chuyện ấy ra, trong thời gian anh nghỉ bệnh nơi này, có một ông Frère già người Pháp cũng được đưa về đây dưỡng trí. Ông Frère đó mắc bệnh khùng, loại khùng hung dữ, đụng ai đánh nấy khiến anh lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng. Bao nhiêu điều bất hạnh khổ sở xảy đến dồn dập cho anh trong mấy năm liền đã làm anh quá nản lòng thối chí. Anh đã định bỏ nhà dòng từ lúc ấy nhưng khi đi Đà Lạt cấm phòng, sau những ngày cầu nguyện trong phòng kín, anh cảm thấy có sức chịu đựng trở lại. Anh tự nhủ mình hãy vì Chúa mà tiếp tục sứ mạng thiêng liêng, coi những chuyện đã qua như những tai nạn trong đời mà không ai tránh khỏi. Những kẻ làm khổ mình có lẽ lỗi lầm không hoàn toàn do họ mà có lẽ vì vận số mình gặp lúc đại hạn nên trời mới khiến xui mình bị họ làm khổ thế thôi.
Ngoài chuyện ấy ra, trong thời gian anh nghỉ bệnh nơi này, có một ông Frère già người Pháp cũng được đưa về đây dưỡng trí. Ông Frère đó mắc bệnh khùng, loại khùng hung dữ, đụng ai đánh nấy khiến anh lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng. Bao nhiêu điều bất hạnh khổ sở xảy đến dồn dập cho anh trong mấy năm liền đã làm anh quá nản lòng thối chí. Anh đã định bỏ nhà dòng từ lúc ấy nhưng khi đi Đà Lạt cấm phòng, sau những ngày cầu nguyện trong phòng kín, anh cảm thấy có sức chịu đựng trở lại. Anh tự nhủ mình hãy vì Chúa mà tiếp tục sứ mạng thiêng liêng, coi những chuyện đã qua như những tai nạn trong đời mà không ai tránh khỏi. Những kẻ làm khổ mình có lẽ lỗi lầm không hoàn toàn do họ mà có lẽ vì vận số mình gặp lúc đại hạn nên trời mới khiến xui mình bị họ làm khổ thế thôi.
Rồi sau đó anh được thuyên chuyển về Sóc Trăng. Ở đó, anh không còn gặp rắc rối nữa với người bề trên vì ông này nhân đức thật sự và rất chí công vô tư, không bè phái lạm quyền như những vị bề trên kia. Và anh đã sống vui, đã tìm được bình an cho tâm hồn và cho cuộc đời. Ba năm bình lặng trôi qua như hồ thu không sóng, những tưởng đường tu của anh đã yên phận nào ngờ năm cuối cùng nơi đó anh đã gặp em. Anh nghĩ rằng công nghiệp của anh đến đây có lẽ đã chấm dứt nên Chúa mới dẫn dắt em đến cho anh. Thế nên sau một thời gian đắn do suy nghĩ, anh đã chọn lấy quyết định ra đời.
Cô thở dài, nhìn
chàng xuýt xoa thương cảm:
- Tội nghiệp anh của em quá. Vậy mà em cứ tưởng đâu một khi đã là tu sĩ
thì ai cũng như ai, tất cả đều bình đẳng như nhau, không có chuyện kẻ trên người
dưới hiếp đáp bất công. Thiên hạ có lẽ
cũng không ai ngờ rằng trong tu viện cũng có những tệ hại xấu xa như ở ngoài đời
mà còn tệ hơn nữa ở cái chỗ là đã mang danh nghĩa thầy tu, miệng biết nói giáo
lý giáo điều mà đạo đức chẳng có thật bên trong. Thì ra cùng tu hành như nhau nhưng đạo đức
còn tùy ở mỗi cá nhân chớ không phải thấy ai khoác áo nhà tu cũng đều tưởng
thánh thiện mà lầm phải không anh?
Nhưng nếu những kẻ lãnh đạo ăn trên ngồi trước kia không biết cải thiện, cứ bạc đãi áp bức anh em mãi như vậy thì thử hỏi ai mà nhẫn nhục cam lòng, dần dần rồi người ta sẽ hoàn tục hết, nhà dòng rồi sẽ đi đến chỗ sụp đổ rả tan. Tu viện, giáo đường là nơi truyền bá đức tin, là nền tảng căn bản của đạo đức, của bác ái và công bằng mà làm sai tôn chỉ để thất nhân tâm thì còn đâu là chân lý của Thượng Đế. Con người có lẽ dần dần rồi sẽ lạc lòng, mất cả đức tin. Em nghĩ đến một ngày nào đó, loài người sẽ không còn thờ phụng một đấng thiêng liêng nào nữa cả, không Chúa, không Phật cũng không Trời. Tôn giáo sẽ không còn tồn tại ở trái đất này và chừng đó thì “chân, thiện, mỹ” gì cũng sẽ do con người định đoạt. Chừng đó dĩ nhiên là như La Fontaine đã nói “La raison du plus fort est toujours la meileurre”, lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng thế. Chừng đó thế gian này chắc sẽ sinh ra đại loạn và sẽ đi đến chỗ diệt vong tận cùng, phải vậy không anh?
Nhưng nếu những kẻ lãnh đạo ăn trên ngồi trước kia không biết cải thiện, cứ bạc đãi áp bức anh em mãi như vậy thì thử hỏi ai mà nhẫn nhục cam lòng, dần dần rồi người ta sẽ hoàn tục hết, nhà dòng rồi sẽ đi đến chỗ sụp đổ rả tan. Tu viện, giáo đường là nơi truyền bá đức tin, là nền tảng căn bản của đạo đức, của bác ái và công bằng mà làm sai tôn chỉ để thất nhân tâm thì còn đâu là chân lý của Thượng Đế. Con người có lẽ dần dần rồi sẽ lạc lòng, mất cả đức tin. Em nghĩ đến một ngày nào đó, loài người sẽ không còn thờ phụng một đấng thiêng liêng nào nữa cả, không Chúa, không Phật cũng không Trời. Tôn giáo sẽ không còn tồn tại ở trái đất này và chừng đó thì “chân, thiện, mỹ” gì cũng sẽ do con người định đoạt. Chừng đó dĩ nhiên là như La Fontaine đã nói “La raison du plus fort est toujours la meileurre”, lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng thế. Chừng đó thế gian này chắc sẽ sinh ra đại loạn và sẽ đi đến chỗ diệt vong tận cùng, phải vậy không anh?
Chàng gật đầu bảo:
Anh cũng nghĩ thế. Đó mới là chuyện của anh mà thôi. Còn biết bao nhiêu chuyện của người khác mà mình không biết hoặc biết mà anh không muốn nói ra. Anh cũng không định nhắc lại chuyện này của anh nhưng hôm nay trở lại đây, nhìn cảnh cũ, nhớ lúc bị đọa đày xưa anh đã không dằn được kể lể. Em nghe rồi thôi chớ đừng bực tức để bụng làm gì vì dù sao chuyện cũng đã qua rồi và hiện tại anh cũng đã tìm được một lối thoát, một hướng đi mới cho anh. Hơn nữa nhờ có khổ sở điêu đứng với nhà dòng như vậy mà khi gặp em, anh mới cương quyết nghĩ đến chuyện làm người thế gian với hạnh phúc gia đình đó em.
Vòng tay ôm lấy vai
cô kéo vào lòng, chàng cúi xuống, đôi môi hồng tươi thắm chưa lần phì phà điếu
thuốc, chưa lần nhắp chén men say, chưa lần biết đến đàn bà mơn man trên má cô
cho cô một cảm giác đắm đuối ngất
ngây. Nắng đã rời căn nhà mát ra đi, gió
sông dâng lên lành lạnh khiến hai kẻ yêu nhau càng thêm mặn nồng khắn
khít. Dòng sông này đã cho chàng một kỷ
niệm buồn, đắng cay của một thời bơ vơ hoạn nạn thì giờ đây cũng đã cho chàng một
kỷ niệm đẹp, ngọt ngào bù đắp lại, đánh dấu một giai đoạn vùng dậy chuyển
mình. Ngày xưa chàng đến mang tâm trạng
phiền muộn uất hờn, giờ đây chàng trở lại với niềm tin yêu chan chứa, với viễn ảnh
tương lai đẹp ngời bên người tình định mệnh dấu yêu.
*****************
Một tuần lễ thăm
chàng qua nhanh thấm thoát, hôm nay cô đã đến ngày về. Từ sáng sớm chàng đã có mặt ở nhà bà chị để
chờ đưa cô ra phi cảng. Cô thu xếp hành
trang nghe lòng buồn rười rượi. Mấy ngày
liền quấn quýt bên nhau đã ghi lại lòng cô biết bao quyến luyến nên giờ đây
chân bước không đành. Ngày nào chàng
cũng đến, không sáng thì chiều, có bữa đưa cô đi sở thú, có bữa đi dạo phố đó
đây. Hình như đã có chủ ý ra đời, chàng
không sợ gì người quen bắt gặp thưa gởi, chàng còn giới thiệu cô với một vài
người bạn và hôm nay còn lãnh nhiệm vụ đưa cô, thay vì chỉ cần đưa đến trạm đi
và đến của hãng hàng không như bao nhiêu người, chàng đã xin giấy phép Bộ Nội Vụ
hai ngày trước đây để có thể đưa cô vào tận phi trường. Chàng nói có như thế, hai người mới có thêm
chút thời gian gần gũi bên nhau và để cô khỏi cảm thấy lạc lõng giữa đám hành
khách đợi chờ. Chàng gởi theo cô hai quyển
chuyện cổ tích cho hai đứa em gái của cô và hộp kẹo xinh xinh cho thằng em ba
tuổi. Hai đứa đã đi mua chiều hôm qua,
chút quà mọn tượng trưng chút lòng của người anh xa làm niềm vui nho nhỏ cho
các em quê nhà.
Trong lúc chờ đến giờ
bay, chàng căn dặn cô đủ mọi chuyện, chàng nói lúc này bài vở rất nhiều, có lẽ
chàng không thể viết thơ cho cô đều đặn như lúc trước, bảo cô đừng buồn, bảo cô
giữ gìn sức khỏe, bảo cô gắng học để bớt suy nghĩ vẩn vơ. Ngày đi cô vui vẻ hăng hái bao nhiêu thì ngày
về cô buồn rầu uể oải bấy nhiêu. Bốn
mươi lăm phút ngắn ngủi đã đưa cô nhanh chóng đến với chàng cho hai người gặp lại
thì cũng ngần ấy thời gian sẽ mang cô đi cho đôi lứa cách biệt chia lìa. Bây giờ còn ngồi bên nhau, tay trong tay, mặt
nhìn mặt thương yêu dạt dào nhưng lát nữa đây thì cô đã ở tận quê nhà xa chàng
diệu vợi xa và lại tiếp nối những chuỗi ngày dài dằng dặc nhớ thương; con nhện
lại giăng tơ sầu, những sợi tơ sầu chằng chịt đan kín hồn cô không làm sao tháo
gở được khi đời còn đôi ngả chia ly, người đi chưa thỏa chí bình sinh còn đi
mãi chưa về.
Giờ bay đã đến, tiếng
người nữ xướng ngôn viên từ chiếc máy phóng thanh vang lên loan báo gọi mời. Cô buông tay chàng nặng nề đứng dậy cùng đám
hành khách về Sóc Trăng tiến lần ra phía cổng.
Chàng đứng lại bên trong nhìn theo với nét buồn vương vấn, một lần nữa
cô với chàng lại rơi vào thảm cảnh biệt ly, một điệp khúc buồn trong bản tình
ca còn dang dở, trong vở kịch còn chưa kết thúc hạ màn.
chuyen Tinh nay, mot Love Story that dac sac..Chuc Mung O Frere sap gia tu nha Dong La Salle va co Nu sinh Soo Trang duoc song mai ben nhau..Forever in Love..
ReplyDeleteHello anh Ngoc Quang Pham,
DeleteHình như anh là độc giả mới của trang nhà NguoiPhuongNam thì phải. Rất hoan nghênh anh.
Kính chúc anh sức khỏe và bình an trong năm mới Nhâm Dần.
NPN