Thật
ra tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ làm gì, vì đây là chuyện buồn của bạn tôi,
nhưng có thể, nó cũng là chuyện của rất nhiều bạn cựu học sinh đang sống
trong nước cũng như ngoài nước. Vì vậy tôi viết chuyện nầy chỉ mong các bạn nào
trong hoàn cảnh giống như bạn tôi, thì hãy bỏ lỗi cho tôi khi tôi khơi lại kỷ
niệm buồn của các bạn, còn các bạn nào may mắn hơn bạn tôi, thì hãy chia sẻ cái
may mắn của mình cho các bạn là những cựu học sinh đang phải sống trong nước,
nếu có thể được, bắt đầu từ bây giờ chúng ta tạm gọi bạn tôi là X đi nhé.
X là một học sinh ở một trường trung học Công Lập tỉnh Sóc Trăng. Sức học của X cở hạng trung bình (tạm gọi như thế), cả nhà X từ một vùng quê chạy ra tỉnh lỵ, vì Ba của X là một “Địa Chủ”, nên không thể sống với Việt Minh, cả nhà phải bỏ tất cả ruộng vườn chạy ra tỉnh lỵ, sau đó mở được một tiệm vàng nhỏ ở “Đường Giữa” của tỉnh lỵ Sóc Trăng.
Cả tuổi thơ của X chỉ biết đi học và đi chơi... những tưởng là cuộc đời của X sẽ sáng lạng và trôi dần như thế... Nhưng… ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã làm đổi thay tất cả, bạn bè chúng tôi mỗi người một hướng đi riêng theo hoàn cảnh và điều kiện gia đình của mỗi người, và thật oái oăm là chúng tôi không có được sự chọn lựa nào khác, và không thể biết chắc được hướng đi đó là đúng hay sai.
Khoảng năm 2008
tôi gặp lại X tại SG, X già trước tuổi, X ốm rất nhiều. Bên lề đường X lặng lẻ
ngồi, với một cái tủ Sửa Đồng Hồ. Tôi thật sự choáng váng khi gặp lại X, nó
không còn hoạt bát, yêu đời như ngày xưa nữa… thỉnh thoảng tôi ghé chơi với X,
hai thằng uống cà phê tâm sự và thăm hỏi bạn bè ngày xưa, X trả lời rất nhát
gừng, cặp mắt lúc nào cũng buồn… chắc cuộc sống quá chật vật làm cho X như thế.
Hoàn cảnh tôi thì cũng sống tạm ổn, nên cũng chẳng giúp được gì cho X cả, thỉnh thoảng thì ghé rủ X uống cà phê. Có một lần chúng tôi đi nhậu chung với K... (K có một đề-bô nước đá ở Sóc Trăng trước 75) trong lúc trò chuyện, chợt K nhắc thời vàng son của K và X trước 75; lúc bấy giờ thì chuyện buồn của X mới được nhắc đến, X nói là nhà K may mắn, giàu nhưng không bị đánh Tư Sản, K cười rồi nói, không lẽ “tụi nó” vô nhà tao kiểm kê rồi chở nước đá, đem vô kho chờ chảy ra nước hết hay sao? X hơi buồn, rồi nói tiếp nhà tao thì khác, nửa đêm có nhiều người “lăm lăm” súng ống, kêu cửa vô nhà rồi đọc lệnh Kiểm Kê Tài sản. Má tao sợ lắm nên nói “Kiểm Kê thì kiểm liền đi” vì để tới sáng, rủi họ giấu súng ống trong nhà, thì mình lại bị bắt đi Kinh Tế Mới luôn là khổ lắm. Họ không chịu, vì lệnh trên là như thế, tới sáng thì X mới biết trong đêm, họ không chịu kiểm kê là vì chưa tìm đủ người biết chữ, để mà ghi chép cho họ. Bây giờ thì họ đã tìm được một số Giáo Viên, làm cái chuyện ghi chép cho họ. Lúc đó cả nhà X không được ra khỏi nhà, tới giờ cơm thì người của họ mang đến cho cả nhà ăn. Chính X là người phải mở từng cái tủ sắt, đem vàng của gia đình mình cho họ kiểm kê.
Sau khi kiểm kê và lấy hết vàng trong tủ sắt của nhà X mang đi, họ mới cho hay, đây là số tài sản mình tự khai (chờ giải quyết sau), còn bây giờ họ bắt đầu khám xét nhà, nếu còn tìm thấy nữa, thì sẽ tịch thu liền và mình mang tội “tẩu tán tài sản”.
X nói, Má tao vừa buồn vừa sợ, Má tao không hiểu động từ “bóc lột” là gì cả? Lại càng không hiểu danh từ “Tư sản” là gì hết? Má tao chỉ biết mấy chục năm nay chạy trốn Việt Minh ra thành sống, làm ăn lương thiện và dành dụm được bao nhiêu tài sản đó, và bây giờ bị CM lấy đi, vì gia đình tao là Tư Sản là Bóc Lột... Bọn họ ở trong nhà tao bốn ngày, xét đủ chỗ, lật từng cuốn tập tìm vàng lá. Trong nhà ai đi vệ sinh vừa bước ra là họ nhanh chóng bước vào, để bươi móc, tìm kiếm coi mình có giấu gì không? Chính những Giáo Viên phải ghi chép dùm cho họ, đã lén rớt nước mắt khi thấy tài sản của gia đình tao bị CM lấy hết và mang đi.
Không tìm thêm được gì nữa, bọn họ bỏ đi và kể từ đó nhà X trở thành Vô sản. Tôi tự hỏi rồi không biết nhà X sẽ sống ra sao?
X mỉm cười chua
chát và nói, mầy có biết CM là đổi mới không? Người làm ruộng thì bây giờ làm
kinh tế, dân buôn bán thì bây giờ đi làm ruộng, và đã có không biết bao nhiêu
người phải tự tử, vì cái gọi là “cải tạo tư sản” đó. Và cũng có nhiều người có
cơ hội giàu lên, nhờ biết nịnh bợ, nhờ biết luồn lách, cơ hội. X nói: “Tao
không muốn nhắc lại quá khứ giàu có của mình, để khoe khoang với mục đích gi
cả? Vì sự thật bây giờ tao nghèo khổ.Tao chỉ muốn nói với bạn bè là tao nghèo
vì ai thôi? Tao không ăn chơi quá đà, tao không cờ bạc, rượu chè bê tha, tao
nghèo vì tao bị tước đoạt hết tất cả….”
Nó lại kể tiếp, nhờ bọn vô nhà tao chẳng biết hột xoàn là gì cả? Vàng trắng là gì cả? Do vậy nó không kiểm kê nên gia đình tao còn sót lại một số nữ trang, đang đeo trên người. Sau đó Má tao bán đổ bán tháo, lấy tiền ra mua một số ruộng đất để làm ruộng chăn nuôi, tránh bị đưa đi Kinh tế Mới, và tao tự nhiên biến thành anh nông dân bất đắc dĩ. Đang cầm viết bây giờ phải cầm cuốc và lại bị cái cày, cái bừa cưởi trên vai (tao phải kéo bừa thay cho Trâu)
Sau đổi tiền lần
thứ hai, Má tao bán bớt ruộng đất và cho tiền anh tao vượt biên. Sợ bị gạt, nhà
tao nhờ người mua tàu và tự tổ chức để vượt biên, nhưng bị bắt lại và anh tao
bị kêu án 5 năm tù, với tội tổ chức vượt biên.
Vì phải nuôi anh tao trong tù, phải lo lót cho anh tao bớt lao động khổ sai nên kể từ đó nhà tao sa sút rất nhiều, vừa ra tù anh tao được một số chiến hữu đang sống ở Mỹ, gởi tiền cho, và anh tao vượt biên thành công. Tao phải ở lại VN vì gia đình tao không còn tiền để đi hết cả nhà.. Phải nhường cho anh tao, vì anh tao là lính VNCH, lại vừa ở tù ra vì tội tổ chức vượt biên.
Lúc nầy quốc tế đã phân biệt ra đi vì Chính Trị thì được định cư, ra đi vì Kinh Tế thì trả về VN, Má tao vội vã gởi Biên Bản Kiểm Kê tài sản qua Đảo Bi-Đông cho anh tao. Với hy vọng chứng tỏ anh tao là nạn nhân của CS… vì bị trả về thì anh tao chết chắc.
Với sự vận động của một bà mẹ nuôi người Mỹ (số SVSQ sang học tại Mỹ thường có cha mẹ nuôi người Mỹ) anh tao đậu thanh lọc và được định cư tại Mỹ.
Bẵng đi một thời gian... tôi về lại Sóc trăng sinh sống. Năm 2010 tôi gặp lại X trong một lần Họp Mặt Cựu Học Sinh ở SG. Bây giờ X trông thật khỏe khoắn, X hoạt bát hơn, vui vẻ hơn, nó vui mừng thăm hỏi Thầy Cô, nó cụng ly với bạn nầy, bạn kia, có lẽ bạn học cũ làm cho nó ấm áp hơn và nó vui như thế.
Nó chủ động mời gọi những Cựu học sinh trường cũ của nó hãy thường xuyên liện lạc, thăm hỏi động viên nhau trong cuộc sống đầy khó khăn, bon chen nầy. X nói, tao rất vui khi tìm được những người bạn cũ ngày xưa, cuộc sống tinh thần của tao bây giờ rất giàu và ấm áp tình bạn đồng môn cũ. Chính nhờ những động viên an ủi của những bạn bè, tao gần như quên hết chuyện đau buồn ngày trước, tao có sức mạnh để vượt qua những khó khăn, đầy dẫy ở xã hội nầy.
X nhắc với tôi từng kỷ niệm vui buồn, thời còn đi học, nó kể chuyện bây giờ bạn nầy ra sao… bạn kia thế nào? Nó khoe là càng đi sâu tìm hiểu, cùng nhau sinh hoạt với các nhóm CHS trường cũ từ trong lẫn ngòai nước, mình sẽ học hỏi được nhiều cái hay, cũng như phải nể phục những bạn bè thành đạt của mình, cũng như an ủi cổ võ những bạn kém may mắn khác..
X nói rất say mê, khi nhắc đến nhiệt huyết của anh THD, chị LHY hoặc của PTA hay những CHS đàn em NHN…HQL….LHM, những anh chị em nầy, dù hiện nay cho dù ở đâu hay sống ra sao nhưng lúc nào cũng dành thời gian để hướng về mái trường xưa yêu dấu. Ở những anh chị bạn bè nầy tao cảm thấy ấm áp, vì các anh chị luôn mở rộng vòng tay tương thân tương ái trong tình Đồng Môn ngày cũ.
Thế là tôi cũng
cảm thấy an tâm khi X đã tìm được một chỗ dựa tinh thần, bạn tôi đã sống vui
trong Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh bốn phương trời!
Giữa năm 2011 tôi lại gặp X ở một đám tiệc nhà một người bạn, lần nầy lại thấy ánh mắt của X lại buồn, lời lẽ lúc thì nhát gừng, lúc thì cay cú. Khách trong tiệc dần dần ra về, trong bàn chỉ còn một nhóm bạn đồng môn với nhau; tôi hỏi thăm X có chuyện gì mà buồn và cay cú vậy? Với ánh mắt buồn, giọng X trầm xuống (tôi cảm nhận như X vừa khóc vừa kể) X nói, tao rất buồn khi vừa gặp thằng em bà con là VK về chơi. Thằng em nầy ngày trước gia đình nó ở An Thạnh 2 Long Phú, gần cửa biển, nên nhà nó thường tổ chức đưa người đi vượt biên để lấy vàng, và gia đình nó cũng giàu lên nhờ nghề mới nầy ….
Nghe nhiều người nói về cuộc sống sung sướng ở nước ngoài, thằng em nầy tưởng là rất dễ kiếm tiền ở nước ngoài, nên trong một chuyến đưa người đi vượt biên, nó cũng đi luôn. X nói tiếp, trước năm 75 nhà em tao được gọi là vùng giải phóng, nó cũng chả biết chính trị là gì? Nó cũng không biết Tư Bản là gì, XHCN là gì, vậy mà bây giờ về đây, lại bày đặt ra vẻ phân biệt dạy đời với X... Thằng nầy nói, trước khi về nước bên ấy dặn nó cẩn thận khi thăm bạn bè, giòng họ ở VN, vì những người còn ở VN đa số là thân CS.
X bực quá, liền
nói không có CS vô thì suốt đời mầy không biết Phô-Mai là gì, mầy cũng chẳng
biết đi xe hơi hay máy bay gì cả, vậy giữa tao và mầy thằng nào thích CS hơn?
Tao có những thằng bạn là Phế Binh, là Sĩ Quan VNCH, bạn tao cũng có nhiều
thằng đã nằm xuống vĩnh viễn, và tao là nạn nhân của một cuộc chiến giữa hai chủ
nghĩa còn đang phải sống ở VN. Tụi tao cũng muốn tìm chỗ sống phù hợp với mình
vậy, nhưng không có điều kiện hoặc thiếu may mắn hơn mầy và bạn bè mầy. Tao chỉ
muốn mầy và các bạn mầy, hãy thay đổi cách nhìn đối với tụi tao, vì tụi tao
cũng chịu nhiều đau thương mất mát khi còn ở lại đây… những khi bực tức tụi tao
chỉ dám nói với cái cột đèn mà thôi, tụi mầy muốn nói là nói, còn tụi tao thì
phải câm miệng để được yên thân.
Thế là X thề chẳng thèm nhìn mặt thằng em bà con nầy nữa, cá nhân tôi thì nhận xét có thể X hơi quá bực tức, khi chính thằng em mình lại đánh giá X và bạn bè của X đang còn sống trong nước một cách thiển cận, hoặc có nhiều định kiến là người trong nước đã bị nhồi sọ, nên X mới có hành động và lời lẽ hơi thái quá với em mình chăng?!
Thế là tôi lại phải khuyên nhủ X tôi mượn câu nói của một người bạn cũng là một cựu đồng môn đang sống ở Mỹ đại khái như sau: chúng ta hãy đến với nhau vì chúng ta cùng một huyết thống hay chúng ta hãy đến với nhau vì chúng ta là những người bạn. Trong cuộc sống không tránh khỏi những dị biệt và những hiểu lầm nho nhỏ, tại sao trong cùng một dị biệt một hiểu lầm, chúng ta hãy thử thay đổi góc nhìn, chúng ta hãy thử thả vào suy nghĩ của mình một chút rộng lượng, một chút tha thứ nếu người thân hay bạn bè mình sai sót dù là khách quan hay hơi chủ quan một chút.
Biết đâu chúng ta lại tìm được sự đồng cảm, rồi chúng ta sẽ có những giây phút thư giãn, vui chơi ở thời gian còn lại. Chúng ta hãy tự tạo và vun đắp cho mình, người thân mình, bạn bè của mình một khoảng không gian, mà trong đó tràn đầy tình nhân ái.. không có chiến tranh, không có đấu đá, và không phân biệt gì cả. Và tôi cũng như những người đang sống ở đây, lại phải giấu mình khi viết những tâm sự nầy; theo thiển ý của tôi, đây cũng là tâm sự của nhiều cựu học sinh trường cũ của tôi trong nước, do đó tôi mạn phép ghi tên tác giả là “Kẻ Ở Lại” cho yên thân…
Kẻ Ở Lại
Buon` la` dung' roi` , vi ` thoi` do' la` thoi` cho' de 4 con , 4 con do' bay gio la tu tru trieu dinh roi .
ReplyDelete