Mẹ viết thư này để con đọc. Sáng nay ở trường về, đi trước mẹ mấy bước, con đã đi ngang qua một người đàn bà đáng thương đang bế trên tay một đứa bé xanh xao và ốm yếu. Người ấy xin con tiền. Con nhìn sững bà ta và con không cho gì hết dù mẹ biết con đang có tiền trong túi.
Nghe mẹ bảo con ạ, đừng quen thói dửng dưng đi qua trước những người nghèo khổ đang ngửa tay xin mình giúp đỡ và nhất là trước một người mẹ xin một đồng cho con của mình. Con hãy nghĩ rằng có thể đứa bé ấy đang đói, hãy nghĩ đến nỗi khắc khoải của người đàn bà đáng thương.
Hãy nghe lời mẹ dạy con ạ. Thỉnh thoảng con phải biết chia sẻ một đồng tiền từ
túi của con để đặt nó vào lòng bàn tay của một cụ già không nơi nương tựa, một
bà mẹ không có bánh ăn, một đứa trẻ không có cha mẹ.
Con ơi, người nghèo khổ thích được trẻ con giúp đỡ, vì như vậy, ít tủi nhục hơn. Con có để ý thấy lúc nào cũng có những người nghèo khổ quanh quất gần nơi trường học hay một ngôi thánh đường không ?
Sự giúp đỡ của một người lớn là một hành
vi từ thiện, nhiều khi là một việc bố thí cho yên ổn lương tâm, nhưng đối với
một đứa trẻ thì đó vừa là một việc bác ái, lại vừa là một lời an ủi cảm thông
thật đơn sơ, mẹ nói vậy, con có hiểu không? Nói cách khác, cũng là một đồng
tiền từ tay đứa bé trao tặng thì đó còn là một đóa hoa nữa...
Con hãy nghĩ rằng: con chẳng thiếu thốn chi hết, còn người nghèo thì thiếu thốn mọi thứ. Trong lúc con ước mong được sung sướng thì họ chỉ cần cầu xin cho khỏi chết đói. Thật là buồn khi nghĩ rằng giữa bao nhiêu ngôi nhà giàu có, giữa bao nhiêu trẻ em ăn mặc đẹp lại có những người đàn bà và trẻ em không có gì để ăn cả...
Con hãy suy nghĩ đi, và đừng bao giờ con hành động như buổi sáng hôm nay nữa con nhé...
Trích NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ, của EDMONDO DE AMICIS.
Sưu tầm
Ôi , hay và cảm động làm sao . Bài này tôi đã được học từ rất lâu . Có khi đã hơn nửa thế kỷ rồi . Vậy mà giờ đọc lại , vẫn nghe cảm xúc dạt dào . Hồi đó, người dịch sách "Tâm hồn cao thượng " này là Ông Hà Mai Anh , và tôi chỉ là con bé chưa qua Tiểu học . Những bài đọc ngày xưa đã thấm nhuần và " theo " tôi đến mãi tận giờ ................
ReplyDelete