3-
Năm bảy mươi lăm, sau khi miền nam Việt Nam bị cộng
sản cưỡng chiếm, dưới chế độ độc tài đảng trị luật rừng của lũ rợ Hồ, người dân
miền nam cảm thấy như mình bị cướp đi tất
cả, nhà cửa, tài sản, miếng ăn, giấc ngủ… nói cho đúng là bị cướp đi bản thân
mình với hai chữ tự do. Sống mà không có tự do, cơm no áo ấm, không có chủ
quyền của mình thì chẳng khác nào sống chờ chết, một cái chết dần mòn trong sự
khủng bố tinh thần, trong sự đọa đày lây
lất ngày này sang ngày nọ. Từ sau chia đôi đất nước, khi người miền bắc đã rõ
như ban ngày bộ mặt thật của cộng sản muốn vượt tuyến tìm tự do thì lúc đó hãy
còn có mái nhà miền nam an lành trù phú đầy tình người luôn sẵn sàng mở rộng
đôi cánh cửa đón tiếp, đùm bọc, chở che. Nhưng giờ đây tòan cõi đất nước hai miền
nam bắc đều đã thống nhứt một nhà, một đường lối chủ nghĩa xã hội như nhau thì biết
chạy đi đâu, chỉ có cách là phải chạy thật xa, chạy ra khỏi nước thì mới mong
thóat khỏi màn lưới cộng sản chằng chịt bủa vây. Do đó bằng cách này hay cách
khác, đường bộ hay đường tàu, đi chui hay bán chính thức ai ai cũng tìm cách ra
đi với hy vọng làm lại cuộc đời.
Gia đình cô Kiều cũng nằm trong số đó, một chiều
đã dắt dìu nhau lên đường vượt biển ly hương. May mắn thay chuyến tàu cô đi được
ơn trên phù hộ nên sau bốn ngày bốn đêm lênh đênh trên biển cả, tàu cô đã bình
yên tới Mã Lai, trôi dạt vào một trại đóng quân của thủy quân lục chiến. Ở đó,
tàu cô được vị chỉ huy trưởng cứu vớt liên lạc với hội Hồng nguyệt
Mã Lai (Malaysian Red Crescent) đặc trách về tị nạn đưa nhóm người trong tàu cô
vào Pulau Bidong.
Khi nhập đảo là đã tháng mười một trong năm.
Theo thứ tự kẻ trước người sau, tùy người xin đi định cư ở quốc gia nào thì phải
chờ gặp phái đòan của quốc gia đó phỏng vấn quyết định. Nghe nói phái đòan Canda nhận người rất dễ và một khi đã đóng dấu nhận rồi thì được đi định cư rất nhanh, do đó gia đình cô Kiều điền đơn xin đi
Canada là first choice, second choice là nước Úc chớ không xin đi Mỹ vì Mỹ đã "đắc
tội" bỏ Việt Nam khiến ông xã cô Kiều phát ghét, “xù” Mỹ, không thèm xin mặc dù
ông xã cô làm thông dịch viên cho phái đòan Mỹ hằng ngày. Phái đòan Canada thì mỗi
tháng mới tới đảo một lần, vì vậy đến cuối tháng mười một là họ về nước luôn để
nghỉ lễ Giáng Sinh cho tới tháng giêng năm sau mới trở lại.
Mùa Giáng Sinh năm đó đối với những người chưa
được định cư là một mùa Giáng Sinh lạc lõng tha hương buồn bã nhứt. Không một lời
thánh ca vang vọng, không một tiếng chuông giáo đường ngân đổ trong giây phút
thiêng liêng báo hiệu ngôi hai Chúa cứu thế ra đời. Người người âm thầm cầu
nguyện cách riêng xin được cứu rỗi, xin cho bình an đến với nhân lọai,
cho tương lai tươi sáng thật gần với những ai đang thống khổ lầm than. Để an ủi
khích lệ tinh thần đồng bào trên đảo, đêm đó, ông trưởng trại (không biết có phải
Nguyễn Ngọc Cung không, lâu quá không nhớ nổi) xin Cao ủy bộ đồ Santa
Claus mặc vào làm ông già Noel dẫn theo một số anh em cầm đuốc soi đường
đi khắp cùng các khu dân cư từ A tới F chúc bình an cho đồng bào trên đảo. Hình ảnh cảm động đó cho đến nay đã ba mươi mốt năm qua, cô Kiều vẫn còn nhớ in
trong trí. Không biết bây giờ ông Cung ở đâu, còn sống hay đã ra người thiên cổ,
ông có biết rằng những người tị nạn cùng thời vẫn có người
còn nhớ tới ông…
4 –
Qua tháng giêng năm 80, phái đòan Canada mới trở lại phỏng vấn nhận người. Gia đình cô Kiều được nhận nhưng khi khám sức khỏe và chụp hình phổi, không biết họ làm lộn hồ sơ phim hình sao đó mà ông xã cô bị cho là nám phổi nên bị xù. Có biết đâu số mệnh đã xui khiến an bày như vậy để cuối cùng được đi Úc, một xứ sở ấm áp đất rộng dân thưa đang cần người mở mang xây dựng, một đất nước có nhiều cơ hội cho những ai bắt đầu lại cuộc đời. Ngày đi định cư thay vì đi hướng bắc thì gia đình cô lại leo lên chiếc phi cơ Qantas có hình con đại thử Kangoroo bay qua châu Úc, một
lãnh thổ mênh mông cheo leo một mình một cõi với cái nick name là Down Under rất
quê mùa mộc mạc mà lịch sử chỉ mới hai trăm năm lập quốc ở tận cực nam
bán cầu.
Ngày đầu tiên tới Úc, gia đình cô Kiều tình cờ
gặp một ông bác sĩ Úc, giám đốc y tế vùng phía tây Sydney lúc ông đi
thanh tra bệnh viện nơi nhóm người tị nạn được đưa đến để khám sức khỏe tổng
quát. Sau lần gặp đầu, trò chuyện với ông xã cô, ông bác sĩ cảm thấy có thiện cảm
hay sao mà sau đó đã mời cả gia đình cô về nhà gặp phu nhân của ông. Từ đó, cứ
thỉnh thỏang weekend, hai ông bà bác sĩ thường đưa gia đình cô du ngọan đó đây
hoặc đi picnic chỗ này chỗ nọ với những bữa ăn chung như bạn thân tình chớ không chỉ là lòng thương hại bố thí cho kẻ sa cơ lạc lòai nơi đất
khách.
Mùa Giáng Sinh năm đầu tiên ở Úc, hai vợ chồng
cô Kiều chưa biết tập tục mừng Giáng Sinh của người Âu Mỹ ra sao và hơn nữa vì
chưa có việc làm hẳn hoi nên không có tiền mua quà và tổ chức Giáng Sinh
đón Chúa như bao gia đình khác. Ông bà bác sĩ tế nhị biết thế nên đã tốt
bụng chia sẻ niềm vui của đêm thiêng liêng tình thánh ấy cho gia đình cô thật
chu đáo. Và cũng nhân dịp này ông bác sĩ còn mời mẹ và gia đình người em
gái tới dự buổi ăn khuya để giới thiệu với gia đình cô Kiều. Từ là những
kẻ xa lạ ở hai bờ đại dương cách trở, khác biệt màu da chưa một lần gặp gỡ quen biết mà bỗng dưng ngồi chung với nhau
trong một bàn ăn thân mật vui vẻ, không chút kỳ thị tị hiềm, nhứt là lại vào
ngay cái đêm Chúa xuống đời đem tình thương ban phát thế nhân, nếu không phải
là ân thánh Chúa, vậy thì biết phải giải thích như thế nào.
Dưới gốc một cây thông tươi còn thơm mùi nhựa
được trang hòang lộng lẫy bằng những đèn sao nhấp nháy và những trái châu
muôn màu là những gói quà sặc sỡ đẹp mắt chất cao thành đống. Mỗi người ai cũng
có quà tặng trao đổi cho nhau với những lời chúc tốt đẹp nhứt. Duy chỉ có
gia đình cô Kiều là rất bỡ ngỡ, chỉ biết ngại ngùng làm kẻ nhận chớ chẳng có gì
để đáp lại ngòai sự biết ơn. Dù xưa nay cô Kiều đã được cha mẹ dạy bảo là
không được nhận không của ai một thứ gì, nhưng trong giai đọan đầu mới tới,
chưa kịp an cư lạc nghiệp thì lấy đâu ra phú quý mà sinh lễ nghĩa. Thôi
thì tạm thời xin chỉ nhận cho vui lòng những kẻ hảo tâm. Trong đời có ai tránh
khỏi những lúc thọ ơn người khác, nhứt là một khi đã mang thân tị nạn ở xứ người,
dù muốn dù không vô hình chung đã là kẻ thất thế đi gõ cửa nhà người cầu xin,
xin sự sống, xin tình người. Vì vậy nếu được cho thì mình cứ nhận, cứ coi như họ
đã nợ mình kiếp trước nên kiếp này phải trả lại thế thôi. Rồi một ngày nào đó
biết đâu mình sẽ có cơ hội đáp đền, dù không đền trả trực tiếp những ân nhân của
mình thì với những ai không may lỡ vận như mình hiện tại, bởi vì chung quanh
mình lúc nào cũng có biết bao kẻ bất hạnh cần được cứu giúp xót thương.
Điều đáng cảm kích ở đây là tình người không vụ lợi, thi ân bất cầu báo, cho đi
để nhận lại niềm vui cho chính mình theo thông điệp nhắn nhủ của Chúa. Nghe nói Canada xứ lạnh tình nồng, không biết nồng ấm ra sao nhưng tình người xứ Úc như thế này là đã quá sức tưởng
tượng.
Ngòai gia đình ông bác sĩ tốt bụng còn có
những người khác cũng tận tình nâng đỡ gia đình cô trong những bước đầu chập chững
ở quê hương thứ hai này. Có người đến rồi đi nhanh chóng nhưng cũng có người ở
lại với gia đình cô một thời gian, giúp cô đi tìm việc, đưa con cô đi học,
đi khám răng định kỳ lúc cô và ông xã bận đi làm. Đó là bà Anne, vợ của ông ca
sĩ John Mac Nally, người gốc Ái Nhĩ Lan. Tuy là ca sĩ khá nổi tiếng vào thập
niên tám mươi nhưng ông sống rất đạo đức, rất ủng hộ chuyện bà vợ làm việc
tông đồ. Do sự quen biết đó cho nên trong bốn năm đầu ở Úc, mỗi dịp Giáng Sinh,
không nhà ông này thì nhà bà nọ, gia đình cô Kiều đều đón Giáng Sinh với những
người Úc có tấm lòng nhân ái bao la…
Mời xem tiếp phần cuối
Người Phương Nam
No comments:
Post a Comment