Monday, December 22, 2014

Đông Máu Tĩnh Mạch - Bệnh Của Tương Lai?


TP - Không phải ống dẫn máu bình thường. Tĩnh mạch là những khí quan tinh xảo tạo thành hệ tuần hoàn máu phức tạp và hoạt động hoàn hảo.

Tuy nhiên thỉnh thoảng không cần nhiều sự cố, để chức năng của nó bị đảo lộn và khi ấy tĩnh mạch bắt đầu sinh bệnh. Và không hiếm trường hợp tình trạng suy tĩnh mạch đe dọa tính mạng con người.

Cục máu đông tĩnh mạch, mối đe dọa sự sống
“Cần nhìn nhận một cách nghiêm túc bệnh tĩnh mạch. Tĩnh mạch chân nổi cộm không phải là vấn đề mang tính thẩm mỹ chỉ cần “xóa nhòa” bằng mỹ phẩm hoặc mang tất vỡ dầy hơn bình thường” – bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng, giám đốc Bệnh viện Phẫu thuật Học viện Y khoa Warszawa (Ba Lan), GS. BS Wojciech Noszczyk nhấn mạnh trong cuốn sách “Viêm tĩnh mạch chân và những bệnh tĩnh mạch khác”. Ấn phẩm xuất bản không chỉ dành cho nạn nhân các bệnh tĩnh mạch chân, mà cả những người mong muốn né tránh mọi rắc rối liên quan đến hệ tuần hoàn máu.
Tuy nhiên nói về các bệnh tĩnh mạch, GS. BS Noszczyk bắt đầu từ hiện tượng máu vón cục tĩnh mạch sâu, tức bệnh máu vón cục-tắc nghẽn mạch. Tại sao? “Bởi đó là bệnh ít biết hơn, song hiểm độc hơn nhiều so với bệnh suy tĩnh mạch chân mạn tính. Nguy hiểm hơn bệnh viêm tĩnh mạch chân và chủ yếu không bộc lộ triệu chứng. (…). Không hiếm trường hợp cục máu đông tách ra khỏi dòng chảy tĩnh mạch và chạy ngược dòng về tim và phổi, gây tắc tĩnh mạch phổi. Nếu to, có thể dẫn đến tử vong, những cục nhỏ hơn, cỡ đầu đinh ghim, sẽ làm tắc nghẽn những tĩnh mạch nhỏ hơn ở phổi, gây khó thở” – người thầy thuốc giầu kinh nghiệm cảnh báo, riêng giới quan tâm nghĩ ngay đến câu chuyện bi thảm của Kamilia Skolimowska, nữ vận động viên điền kinh (VĐV) nổi tiếng Ba Lan, huy chương vàng Olympic bộ môn ném tạ.

Cái chết xuất hiện bất ngờ
26 tuổi, thân hình khoẻ mạnh, thường xuyên được kiểm tra sức khỏe. Mặc dù vậy trong đợt tập huấn tại Bồ Đào Nha, nữ VĐV bất ngờ cảm thấy khó chịu. – Thứ Tư Kamilia đến phòng tập thể lực tại chỗ chúng tôi. Chị ngồi xuống ghế và người lả dần, bác sĩ vật lý trị liệu Andrzej Krawczyk chạy lại và hô hấp nhân tạo. Chúng tôi gọi xe cấp cứu. Kamilia tự trèo lên xe. Song giây lát sau chị lại ngất xỉu, xe đưa nữ VĐV đến bệnh viện. Tiếc rằng mọi nỗ lực đều vô hiệu. Kamilia qua đời một tiếng sau đó – Szymon Ziolkowski, một đồng nghiệp của nạn nhân, người chứng kiến sự kiện sau đó kể.

Dư luận sôi lên trong các phương tiện truyền thông. Gia đình, bạn bè, người hâm mộ: tất cả đòi hỏi lời giải thích. Bởi ai cũng biết, thực tế các vận động viên thể thao thường xuyên được theo dõi sức khỏe. - Suốt hơn chục năm nữ nạn nhân không có bất cứ dấu hiệu nào khác thường – Jacek Wszola, ban thân của gia đình bình luận về cái chết của nữ VĐV. 

Khi ấy người ta còn nghi ngờ, nguyên nhân tử vong là nhồi máu cơ tim. Mãi về sau kết quả khám nghiệm tử thi mới chứng tỏ, thủ phạm là tình trạng tắc nghẽn động mạch phổi, và những chứng cứ tiếp theo được bộc lộ. Đồng nghiệp trong đợt tập huấn thừa nhận, trước đó Kamilia đã cảm thấy khó chịu, hô hấp khó khăn, thường kêu đau đùi và vài tháng trước từng có lần ngất xỉu. Ngay khi ấy các bác sĩ đã phát hiện trong phổi chị có cục máu, nhưng kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định, dị vật đã biến mất. Để gạt bỏ mọi suy diễn không cần thiết, bố nữ VĐV, ông Robert Skolimowski (VĐV cử tạ nổi tiếng) đã chính thức công bố kết luận khám nghiệm tử thi: “Tình trạng tắc nghẽn động mạch phổi là nguyên nhân tử vong của Kamilia. Sau cuộc nói chuyện và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên về lĩnh vực này, chúng tôi biết rằng, điều kiện di truyền, tình trạng cơ thể mất nước, hiện tượng máu vón cục, sử dụng thuốc tránh thai hoặc nỗ lực vận động quá sức đều có thể dẫn đến kết cục đáng tiếc” – ông Robert Skolimowski giải thích trước công luận.     

Nhận mặt kẻ thù
Bệnh xảo quyệt, nguy hiểm, thêm nữa xuất hiện nhiều hơn so với những gì vẫn tưởng. GS Noszczyk đã viết  về hiện tượng cục máu đông trong tĩnh mạch sâu: “Các số liệu thống kê y học báo động. Theo đó, tại các nước phương Tây, trung bình cứ một ngàn dân có 1 đến 4 trường hợp bị bệnh/năm. Tiếc rằng, cục máu đông là bệnh của tương lai và nguy cơ xuất hiện gia tăng cùng các bệnh của nền văn minh”. Phòng ngừa bằng cách nào?

Thông thường tất cả bắt đầu  từ tình trạng tổn thương thành tĩnh mạch. Tự nhiên, thành tĩnh mạch được “dán” một lớp màng mỏng, phẳng và dễ trầy xước – thực tế thuận lợi để hồng cầu dễ bám và hình thành cục vón. Thành tĩnh mạch mỏng manh rất dễ vỡ - trường hợp không may chúng ta bị va đập, chấn thương hoặc xuất hiện tổn thương ở vùng mô bao quanh tĩnh mạch. Khi ấy những bụi máu và hồng cầu sẽ lấp đầy vết thương. Nếu tổn thương được bổ sung tình trạng suy giảm vận động (thí dụ đối tượng bắt buộc phải nằm dưỡng thương) hoặc cơ thể mất nước, hiện tượng kéo theo dòng chảy của máu chậm lại và máu đặc, hồng cầu tiếp tục tồn đọng và hậu quả máu vón cục. Cùng với thời gian – giống nút chai – cục máu đóng kín dòng chảy tĩnh mạch và lớn dần nhằm vào hướng trái tim. GS Noszczyk cảnh báo: “Hiện tượng xảy ra nhiều nhất ở những tĩnh mạch sâu dưới đùi. Cục máu phát triển đến tận tĩnh mạch dưới đầu gối và đùi, cùng lúc lấp đầy tất cả van một chiều bên trong tĩnh mạch. Thông thường khởi đầu của đoạn máu đông cắm chặt vào thành tĩnh mạch, đoạn cuối – lơ lửng bên trong. Và chính bộ phận cuối cục máu đông có thể gẫy ra bất cứ lúc nào và trôi đến tim hoặc phổi cùng với dòng máu chảy. Nguy cơ tử vong có thể xảy ra trong vài ba giây - nếu vật cản to. Những cục máu nhỏ gây tắc nghẽn những tính mạch nhỏ của phổi sẽ gây khó thở”.

Dấu vết để lại
Xảy ra chuyện gì, khi cục máu đông tách ra? Tâm thất phải của tim bị áp suất quá tải, trong khi máu trở về tâm thất trái từ phổi quá ít, để duy trì áp suất động mạch và cung cấp máu cho các cơ quan có nhu cầu. Khi ấy sẽ xảy ra hiện tượng choáng, bất tỉnh và tử vong. Cũng may không phải tất cả sự cố đều kết thúc bi thảm như vậy. Phần nhiều cục máu bị cuốn trôi, động mạch tự “hàn gắn” các vết thương hoặc máu lưu thông bằng những con đường phụ, bỏ qua “đoạn đường bị tắc nghẽn”. Tuy nhiên bệnh để lại dấu vết ở dạng viêm tính mạch chân thứ phát hoặc sự biến dạng bên trong thành tĩnh mạch. Cặp giò đang tròn lẳn phẳng phiu bỗng chốc nổi cộm “những con giun” cực phản cảm. Và sau vài ba tháng hoặc vài ba năm sẽ lần lượt xuất hiên “những con giun” mới.  

Nguy cơ gia tăng cùng tuổi tác
Không dễ chẩn đoán bệnh máu vón cục-tắc nghẽn, vì thế việc nhận biết nhân tố gia tăng nguy cơ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài nhân tố hình thành cục máu đông như đã nói, tuổi tác và lối sống ít vận động cũng là nhân tố quyết định. Tuổi bốn mươi là giới hạn an toàn. Sau đó nguy cơ tăng dần sau mỗi thập kỷ, bởi khi ấy tự nhiên nhiều người trong chúng ta thường bị mắc các bệnh tim-mạch nhiều hơn và sinh hoạt càng ít vận động. Trong cả hai truờng hợp máu đều tuần hoàn chậm hơn, và tình trạng trì trệ ở chân đặc biệt nguy hiểm.

Chúng ta cảm thấy gì sau nhiều giờ ngồi xe hơi, đi máy bay hoặc đứng bất động hàng giờ? Hai chân nặng hơn chì, đau nhức “bánh chè” và đi lại khó khăn. Tất cả vì lý do giản đơn: ở tư thế ngồi hoặc đứng, máu dưới chân chảy chậm hơn, bơm cơ bắp hoạt động kém, hệ thống van một chiều trong tĩnh mạch đóng kín. Để những van này mở và máu từ hai chân chảy ngược theo hướng lên tim – cần thiết hoạt động cơ bắp. Vì thế tình trạng bất động kéo dài là nhân tố nguy cơ tiếp theo. Nguy cơ này gia tăng ở những người sau phẫu thuật, bị gãy hoặc chấn thương chân nghiêm trọng và thậm chí cả ở những đối tượng duy trì nếp sống lười vận động. Cũng vì thế, để bệnh nhân hồi phục nhanh sau chữa trị, các bác sĩ bao giờ cũng chỉ định tăng cường vận động.

Trong danh mục các nhân tố nguy cơ xuất hiện cục máu đông, GS Noszcyk còn xếp cả việc phụ nữ áp dụng các giải pháp ngừa thai hormone, tình trạng rối loạn hormone, phụ nữ có thai, béo phì, hút thuốc lá, các bệnh ung thư và một số bệnh liên quan đến máu.   

Chữa trị
Có thể chữa trị cục máu đông tính mạch sâu bằng nhiều cách. Sử dụng biệt dược chống đông máu là cách đơn giản nhất. Khi đã khẳng định chắc chắn bệnh lý qua những xét nghiệm đặc thù, bác sĩ thường chỉ định tiêm thuốc thuộc nhóm heparine (làm loãng máu, ngăn ngừa nguy cơ hình thành máu vón cục). Phần lớn tiêm dưới da, ở khu vực quanh rốn, người bệnh nằm ngả lưng trong tư thế dựng chân lên cao. Đồng thời việc điều trị bằng thuốc uống cũng tiến hành song song, nhằm ngăn ngừa khả năng đông máu phổi và xuất hiện cục máu mới.
Vì lý do nguy cơ biến chứng phức tạp và xuất huyết cao, việc sử dụng biệt dược làm tan cục máu đông rất hiếm trường hợp được chỉ định.

Hãy “tốt bụng” với tĩnh mạch!
“Tất nhiên, với các bệnh tĩnh mạch, việc phòng ngừa có ý nghĩa đặc biệt. Rất khó hy vọng y học tìm ra phương thức sửa chữa có hiệu quả van tĩnh mạch đã bị hư tổn trong tương lai gần. Tuy nhiên có thể và cần phải tự tạo những thói quen thân thiện đối với tĩnh mạch; những thói quen khả dĩ ngăn ngừa tình trạng máu vón cục và kìm hãm xu thướng suy tĩnh mạch. (…). Bản thân việc quan sát cơ thể là quá ít. Cần phải hành động” – GS Noszczyk nhấn mạnh và gợi ý một số giải pháp.
1-   Thứ nhất: Lựa chọn bộ môn thể thao thích hợp (những môn như cử tạ, đẩy tạ, cưỡi ngựa…không tốt đối với tĩnh mạch; các môn bơi lội, dạo bộ, khiêu vũ, đi xe đạp rất tốt);
2-   Thứ hai: Giảm thiểu sức ép đè nặng đôi chân
3-   Thứ ba: Thực đơn thích hợp (hạn chế thịt, chất béo, đường…nhiều rau xanh, hoa quả, cá…nhằm tránh béo phì).
Nguyên tắc liệu pháp cơ bản có nội dung: “Hai chân cần liên tục hoạt động”. Vậy nên cố gắng vận động các ngón chân, thậm chí cả khi ngồi trên ghế hay dạo bộ tại chỗ, cũng đứng trên những ngón chân và tự xoay cơ thể.
         - Buổi tối ngồi xem tivi nên gác chân lên ghế đẩu hoặc mặt bàn, tốt nhất ở mặt bằng cao hơn trái tim.
         - Sáng dậy thực hiện vài động tác đứng lên – ngồi xuống, đá chân tứ phía hoặc đi xe đạp.
         - Tránh tắm nước quá nóng (làm thui chột tuần hoàn máu); thay đổi vài lần dòng nước nóng-lạnh, trường hợp tắm vòi hoa sen.
         - Lưu ý chọn giầy vừa chân, tạo cảm giác thoải mái (đế giầy cao 2 cm) và quần áo rộng.
         - Hàng ngày uống đủ nước (từ 1,5 đến 2lít/ngày), tốt nhất nước đun sôi để nguội, nước chè hoặc nước ép trái cây.

Theo Thu Vinh
Tri Thức Trẻ

1 comment: