Friday, June 26, 2015

Con Chim Trong Lồng Sắt !...- Nguyệt Nga

Đọc tâm sự “Mẹ đừng bỏ gì vào balô của con nữa” của chị Hải Minh trên báo Tuổi Trẻ ngày 10-6, tôi thấy rằng phụ huynh chúng ta nên tôn trọng góc riêng của con không chỉ là trong chiếc balô…


Con trai tôi từng bỏ nhà đi chỉ vì bị tôi mắng té tát trước mặt bạn bè. Nghĩ lại cách đây bốn năm, khi ấy con đang học lớp 9. Thời gian ấy con thường bị điểm kém và hay bỏ tiết đi chơi. Tôi bỏ việc đi tìm và thấy con đang la cà với nhóm bạn tại một quán nhậu. Đấy là điều mà tôi không thể chấp nhận được.

Bực mình vì con bỏ học, tôi chửi con là hư hỏng, chẳng thể mở mắt ra được nếu suốt ngày tụ tập bạn bè. Trong lúc tức giận tôi tuyên bố: “Hoặc là học hành đàng hoàng, hoặc cho bỏ học để đi chơi luôn, thích đi đâu thì đi”. Tôi vừa nói vừa kéo con xềnh xệch trước sự phản ứng quyết liệt của con trai. Bạn bè con khi đó chỉ biết trố mắt ra nhìn hai mẹ con như đang “diễn kịch”.

Thật lòng tôi chỉ muốn cứu tương lai của con, muốn đặt con về đúng vị trí ban đầu thuộc về con. Nhưng cái uy của một người mẹ, sự thiếu kiềm chế của một người mẹ đã làm tổn thương con mà sau này khi con bỏ nhà đi tôi mới nhận ra.

Xưa nay con là đứa ngoan ngoãn, học tốt, rất nghe lời bố mẹ. Chính vì thế khi con bỏ bê học hành là một cú sốc rất lớn. Đột nhiên cảm giác lo sợ con sẽ đổ đốn, nhất là khi ấy con đang học lớp cuối cấp, tôi chỉ muốn con phải tỉnh ngộ. Nhưng tôi đâu biết rằng bấy lâu nay con tròn vai ngoan ngoãn, được bố mẹ quản thúc đến trường lại là đề tài nóng để bạn bè trêu chọc.

Vì không muốn mất mặt trước lời thách thức của bạn bè, con đã thể hiện tính đàn ông, dám làm trái ý bố mẹ, muốn chạy trốn vòng tay của mẹ. Thế nhưng, tôi đã kém tế nhị khi xử lý chuyện con học đòi. Nếu như tôi nhẹ nhàng khuyên răn con, dạy con đúng lúc thì đâu đến nỗi? Đằng này tôi phơi bày cho bạn bè con thấy ở nhà con được chăm lo chu đáo đến từng cái ăn cái mặc, từ giấc ngủ thế nào.
Ngay hôm đó vì quá xấu hổ, con tôi bỏ nhà đi. Cả nhà tôi tức tốc đi tìm, chủ yếu đến những nơi con hay tụ tập, đàn đúm nhưng không kết quả. Đành nhờ bạn bè con, kể cả những đứa bạn xấu mà trước đây tôi rất ác cảm, để “bới tung” tìm cho được con.

Nhưng một ngày rồi hai ngày, một tuần, một tháng qua đi, tôi như người mẹ mất niềm tin, mất hi vọng. Khi ấy tôi chỉ biết khóc lóc với những lời giá như mình đừng la con mọi lúc mọi nơi như thế, giá như mình biết kiềm chế để giữ thể diện cho con.

Ông nội cháu bảo phải nhờ đến công an. Nhưng thật may, con đã chủ động về nhà. Thì ra con trú ngụ tại nhà một người bạn. Con bảo chỉ muốn xa gia đình một thời gian để suy nghĩ mọi chuyện. Thật hú hồn vì con vẫn chưa bị “lấm lem”. Tôi vừa khóc lóc vừa thở phào nhẹ nhõm. Tôi chỉ biết xin lỗi vì đã nặng lời với con. Cũng may con trai là đứa trẻ vốn ngoan nên cháu đã tha thứ cho mẹ.
Nhìn lại từ khi con vào lớp 1 đến lớp 9, chưa khi nào trong cặp sách của con không có đồ ăn vặt. Cái gì tôi cũng chuẩn bị chu đáo. Tôi sợ con thiếu sách thiếu vở, thiếu bút hay thước kẻ, tôi chủ động soạn sách cho con. Tôi còn mua cho con điện thoại để liên lạc vừa để tiện theo dõi, bất cứ lúc nào tôi cũng gọi kiểm tra xem con có học hành tử tế không.

Tôi không xem đó là sai vì ý nghĩ cha mẹ có quyền biết mọi hoạt động của con để quản con, để bật đèn xanh, tuýt còi con đúng lúc. Tôi nhảy vào cuộc để chấn chỉnh con từng li từng tí một. Nhưng tôi đâu ngờ sự bám riết của mình lại vô tình bẻ cong tâm hồn con.
Khi con bước vào tuổi dậy thì, thay vì nặng lời, cấm đoán, quản chặt, cha mẹ nên vui vẻ “sống với lũ”, phải nói sao để con nghe và nghe làm sao để con tỏ bày chứ đừng biến con thành con chim trong lồng sắt như tôi.
Cũng may tôi còn cơ hội để sửa sai

Con xấu hổ mỗi khi tôi lén nhìn từ bên ngoài lớp học xem con có làm việc riêng gì không. Có thể nói rằng tôi như một con gà mái mẹ tưởng dang rộng đôi cánh che mưa che nắng cho con nhưng thật ra là khiến con bị “ướt” nhiều hơn. Tôi thấy nhiều bữa cơm con ít nói, ăn ít thì cho rằng con tương tư.

Tôi lại tra tấn cái đầu con bằng một mớ bằng chứng sống về việc yêu sớm, bỏ học. Con cứ xa cách dần bố mẹ, tôi lại cho rằng con đang cố tình làm căng, tỏ thái độ để đối phó. Nhưng tôi đâu hiểu chính sự kèm cặp của mình chặt như gọng kìm lại không cho con được thở.

Một vài phản kháng non nớt như: “Con đã lớn rồi, mẹ đừng xem con là trẻ con nữa”, hay: “Con có phải là con chim đâu mà mẹ nhốt con lại. Mẹ đừng đến đón con nữa, con tự đi xe buýt được” không làm người mẹ như tôi phải bận lòng. Để rồi việc con bỏ nhà đi là một câu trả lời cho sự thiếu hiểu biết, thiếu tinh tế trong nuôi dạy con của tôi. Cũng may tôi còn cơ hội để sửa sai.

Nguyệt Nga

No comments:

Post a Comment