Friday, June 26, 2015

Thử Tìm Hiểu Thế Nào Là Một Bài Thơ Hay - Bút Xuân Trần Đình Ngọc


California, ngày 8 tháng 11 năm 2007
Các bạn trẻ quí mến,
Sau khi đọc bài:” Thế nào là một bài thơ hay” nhiều bạn trẻ đã gửi thư cho tôi nêu ra nhiều câu hỏi. Trong những câu hỏi đó, có những thắc mắc sau đây:
        - Cho thí dụ về một câu thơ và một câu văn vô nghĩa.
- Muốn làm thơ, trước hết phải học cái gì?
- Những điều phải tránh khi làm thơ.
- Làm thế nào để định giá trị một bài thơ cho đúng?
- Cá nhân Nhà thơ đã làm khoảng bao nhiêu bài thơ?
- Nhà Văn Xuân Vũ viết “Đường đi không đến” trùng bút danh với Nhà Văn Trần Đình Ngọc sao?
Đây là những câu hỏi rất hay.
Tôi xin lần lượt trả lời những vấn nạn trên.

1- THƠ, VĂN VÔ NGHĨA
Đã một thời, người ta đua nhau làm Thơ vô nghĩa nhưng sau đó, vì bị chỉ trích nhiều và cũng bởi ít người đọc hưởng ứng, Thơ, Văn vô nghĩa đã đi vào quên lãng.
Thực ra, nó phải như thế vì nó vô giá trị ngoài việc đọc lên trơn tru nhờ có vần có điệu và có vẻ vui vui.
Đây là một câu Văn vô nghĩa:
Chiều xuống dần trên ngọn núi nằm phơi gan gỗ đá, ù lì dăm ấn tượng lối thông xanh, chàng cúi xuống bồi hồi rong rêu phủ kí ức nhạt nhoà cao tới đỉnh trời mây gió vút lưa thưa để không còn vết cũ mờ xa cõi lòng tê tái, hồi chuông nào phủ dụ mãi hằng đêm chong đèn vào mộng mị.
Đọc lên, chữ nghĩa dồi dào, có mầu sắc, có góc cạnh không gian nhưng nếu chúng ta hỏi câu đó nói cái gì thì không ai giải thích được vì nó vô nghĩa.
Khi còn ở Sàigòn, tôi có quen biết nhà thơ Bùi Giáng và khi đi dạy học, tôi có gặp ông ở nhiều trường. Người ta kể ông rất điên; có lần đang dạy học ông cởi bỏ quần áo nhông nhông chạy ra ngoài đường. Những năm sau cùng đời ông, ông thành ra một kẻ vô gia cư, lây lất đầu đường xó chợ. Thực ra cái kiểu cách đó không giúp gì ông xây dựng văn học dù ông là một người có tài về chữ nghĩa.
Bùi Giáng là một Giáo sư Trung học chuyên dạy Việt văn. Ông mê thơ lục bát của cụ Nguyễn Du và làm thơ khá nhiều. Có lẽ ông là “tổ sư” của thơ vô nghĩa, sau đó có một số bạn trẻ cũng như nhà thơ “bắt chước” làm thơ vô nghĩa. Đây là một bài thơ của Bùi Giáng trong tập thơ “Ngàn thu rớt hột” mà tôi thường nói đùa với tác giả là “Ngàn thơ rớt hụt” bởi Thơ chưa ra Thơ.
Lạc về đầu rú khe truông
vốc năm ngón nhỏ gieo buồn rã riêng
Tuổi xanh nhiếp dẫn sai miền
đổ xiêu phấn bướm phi tuyền vọng âm
Tuần trăng quẩy gánh đau ngầm
Cõi bờ phôi dựng gió nhầm tin hoa
Em về rắc cỏ tháng ba
Xuống trang hồng hạnh tin già in rêu(BG)
Như trên đã trình bày, thơ vô nghĩa thì chính tác giả của nó cũng không hiểu ý nghĩa ra sao. Ngay câu thứ hai, vốc năm ngón nhỏ: hiểu được, nhưng gieo buồn rã riêng: không ai hiểu là cái gì. “nhiếp dẫn sai miền” cũng chưa từng nghe, từng dùng, chỉ có hướng dẫn, dắt dẫn, chỉ dẫn, đưa dẫn, chứ chưa thấy ai dùng nhiếp dẫn, phi tuyền vọng âm cũng chẳng ai hiểu là cái gì v.v...
Câu vô nghĩa như vậy nên nếu ta thay thế một chữ của tác giả bằng chữ của ta thì có khi tác giả đọc không biết, tất nhiên bạn đọc không ai biết chứ thơ có ý nghĩa thì chỉ thay thế một chữ “kém” vào là biết ngay. Thí dụ câu:
Em về rắc cỏ tháng ba
Xuống trang hồng hạnh tin già in rêu
Có thể đổi thành:
Em về rắc cỏ vườn hoa
Xuống trang lối hạnh tin nhà in rêu
Tờ báo Hương Quê số tháng 6-7 năm 2007 ở Na Uy đã “xóc” chữ bài thơ này làm thành 2 bài thơ khác cũng vô nghĩa y thế (theo tác giả Lâm Chương):
1
Khe về rú lạc đầu truông
Gieo năm ngón nhỏ vóc buồn rã riêng
Dẫn xanh sai nhiếp tuổi miền
Bướm xiêu phấn đổ vọng tuyền phi âm
Gánh đau trẩy xuống trăng ngầm
bờ phôi tin gió đụng nhầm cõi hoa
Cỏ em về rắc tháng ba
Hồng in tin hạnh trăng già xuống rêu
2
Rú đầu khe lạc về truông
Vốc năm ngón rã gieo buồn nhỏ riêng
Nhiếp sai dẫn tuổi xanh miền
phấn xiêu phi bướm vọng tuyền đổ âm
trăng đau tuần quẩy gánh ngầm
dựng bờ tin gió cõi nhầm phôi hoa
Rắc em về cỏ tháng ba
xuống in trang hạnh hồng già tin rêu

Ta có thể làm thêm vài bài nữa miễn là ta giữ được các vần: truông, buồn, riêng, miền, tuyền, âm, ngầm, nhầm, hoa, ba, già bởi xóc thế nào thì cũng phải giữ những vần của các câu thơ lục bát đó, nguyên tắc hàng đầu của thơ lục bát.
Nhưng chúng ta không làm Thơ kiểu dở hơi này, thơ này làm để bạn bè đọc chơi rồi bỏ, ai giữ lại cho phí giấy, phí memory. Nó lộn lạo, ngược xuôi, nếu muốn học thuộc lòng cũng không học thuộc được. Như tôi đã viết trong bài trước: Thơ hay = Dễ thuộc, dễ nhớ. Thơ ngược ngạo, trúc trắc ấy là khó thuộc. Thơ khó thuộc thì chẳng ai nhớ thành ra thơ kém giá trị.
Để tôi biểu diễn một bài thơ vô nghĩa khác, các bạn đọc chơi cho vui. Bài này viết ra ngay, không phải nghĩ, tìm tứ Thơ, nghĩa là nó rất dễ dàng:
NHỦ LÒNG
Nhủ lòng lần lữa chia sầu
Đầu non người đã tìm đâu trăng già
Tâm thành quyện ý cội hoa
Đài trang thanh sắc, cũng hoà hài nguyên
Ơi em, mỏng phận thiên tiên
Trăm năm phong nguyệt xe duyên lặng lờ
Tư duy trạng thái vẩn vơ
Có chăng phong nhuỵ một tờ thư xanh?

Ta “xóc” chữ cho nó thành ra một bài Thơ khác:
Chia lòng nhủ lữa lần sầu
Non đầu người đã tìm đâu trăng già
Quyện thành tâm ý cội hoa
Cũng đài trang sắc thanh hoà hài nguyên
Phận ơi em, mỏng thiên tiên
Lặng trăm năm nguyệt phong duyên xe lờ
Trạng tư duy thái vẩn vơ
Chăng phong nhuỵ có một tờ thư xanh!

Các bạn thấy, đọc lên nghe rõ kêu, rõ hay nhưng không có ý nghĩa gì. Thơ vô nghĩa!
Chúng ta tránh hết sức không bao giờ viết câu Văn hoặc câu Thơ vô nghĩa! Và ta xác quyết thi sĩ làm thơ vô nghĩa là thi sĩ chưa đúng với danh hiệu, một thi sĩ kém tài! Ở đây, tôi không nói thi sĩ Bùi Giáng kém tài, tuy nhiên ông muốn cái lạ, cái mới, cái vui để giải trí cho ông và bạn bè. Ông nghĩ làm đọc chơi rồi bỏ! Nếu bảo thơ ông hay thì nó hay ở những bài nào kia chứ không phải là những bài vô nghĩa này. Như câu:
Gặp nhau ở giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau!
Theo tôi, hai câu này chưa nói lên cái gì. Nếu thay hai chữ miên trường bằng hai chữ đoạn trường thì có lý hơn vì mùa xuân tượng trưng cho hạnh phúc, đoạn trường tượng trưng cho đau khổ; ý muốn nói hết bĩ cực, tới hồi thái lai; chứ miên trường, (giấc ngủ dài phải là trường miên), nào có ý nghĩa gì cho cả hai câu? (Hán Việt từ điển, Đào duy Anh, không có từ miên trường). Nhưng nhiều người đọc không hiểu nghĩa chữ Hán-Việt lấy làm thích thú với câu thơ. Nó chính là vô nghĩa đấy. Bùi Giáng cũng thích thơ tục:
Thu Ba âu yếm Thu bồn
Thu Bồn hứng chí sờ l..Thu Ba!
Ông quê ở Quảng Đà, Thu Bồn là con sông chảy qua vùng ông, còn Thu Ba là tên người con gái nào đó.
Thi nghiệp một tác giả phải là thế nào chứ đâu có kể những câu thơ lẻ tẻ, vô nghĩa làm chơi cho đỡ buồn đó! Nào chúng có giá trị gì!
Cũng có những người không muốn làm thơ vô nghĩa nhưng bí vận, bí chữ phải dùng đại một vài từ thành ra câu thơ vô nghĩa.
Thơ có nhiều cách đi, cách viết. Nếu đi lối này không được thì ta tìm lối khác, miễn từ chính xác và hay. Xoay xở để tìm ra vần, ra từ là nghệ thuật của Nhà thơ, không phải kém bản lãnh mà làm được. Và đó chính là cái Thi sĩ hơn người chỉ biết đọc thơ.

2- ĐIỀU CẦN HỌC TRƯỚC KHI LÀM THƠ
Như tôi đã viết trong bài trước “Thế nào là một bài thơ hay”, ai cũng có thể trở thành Nhà Thơ sáng tác được nhiều bài thơ giá trị, nếu:
- Yêu Thơ, có duyên nợ với Thơ, sính Thơ, tốt nhất là có thiên bẩm sáng tác Thơ.
- Chịu đọc Thơ, nhất là những bài Thơ hay, Thơ tiêu biểu. Nghiên cứu về Văn học sử trong có nhiều tác giả Thơ.
- Nếu có thể, học thuộc lòng một số bài Thơ mẫu, Thơ hay. Biết nhiều tiếng Hán-Việt.
- Học cho thấu đáo niêm, luật, vần, bằng, trắc các thể Thơ từ lục bát, song thất lục bát, Thơ Mới (8, 9 chữ), Thơ Tự do (không giới hạn chữ, câu), ngũ ngôn, tứ tuyệt, thơ Đường luật v.v…. Nhìn một bài thơ lạ, ta đã biết ngay tác giả sử dụng thể Thơ nào, phải hiệp vận ở những đâu, bằng trắc ra sao vì bằng trắc trong Thơ tiếng Việt rất quan trọng. Nếu không tuân theo luật này thì câu Thơ đọc lên trúc trắc khó nghe dù ý nghĩa cao xa đến mấy.
- Luôn luôn nhớ điều này khi ta chưa thấu đáo về luật Thơ, thể Thơ, luật bằng trắc, cách hiệp vận v.v...thì ta đừng làm những bài Thơ (con cóc) gửi đi. Nó làm tốn thì giờ của ta và của Toà Soạn và những vụ thử như vậy, dù có được đăng trên báo, chắc chắn nó không làm cho Thơ ta hay lên được. Mục tiêu của ta là Thơ phải hay hoặc trung bình nghĩa là coi được (sạch nước cản). Nếu thơ dở thì có làm ra một nghìn bài, Thơ vẫn dở như thường. Học, đọc nhiều hơn viết vẫn là thái độ khôn ngoan.
- Làm thử vài bài Thơ xong nhờ một Nhà Thơ giỏi (thực sự) coi lại dùm và cho lời khuyên về ý Thơ, chữ dùng, vần, điệu, bằng trắc v.v... Miệt mài với Thơ nhiều ắt có ngày Thơ sẽ khá.
- Khi nghe phê bình đứng đắn không buồn lòng nhưng tìm cách sửa những khuyết điểm và học hỏi thêm.
- Nhà Thơ được ví như một người đầu bếp. Anh ta phải nấu những món ăn ngon đưa lên bàn phục vụ thực khách. Như vậy anh ta phải có cá, thịt, rau, trái và gia vị trong bếp để nấu nướng thì thức ăn mới ngon. Nếu anh ta có rất ít nguyên liệu, làm thế nào anh ta có thể nấu ra những món lạ và ngon?
Nhà Thơ cũng thế, nguyên liệu của Nhà Thơ là từ (ngôn từ). Kém ngôn từ, nhà Thơ không thể xoay xở được. Thí dụ viết về miền Bắc, phải có những từ dùng nơi miền Bắc; viết về trong Nam, hay Trung phải có những từ thông dụng trong Nam hay Trung. Có thể bài thơ chưa cần sử dụng tới nhưng vẫn cần có sẵn để khi cần là có ngay. Có nghĩa Nhà Thơ cần học nhiều, biết nhiều các từ ngữ từng địa phương như thế mới có đủ khi cần dùng. Nhà Thơ yếu ngôn từ cũng ví như người đầu bếp quá ít nguyên liệu nấu ăn.
- Người ta nói Nhà Thơ phải có thiên bẩm tức chịu ảnh hưởng khí huyết (gene) từ cha mẹ, ông bà; không phải ai cũng có “căn” làm Thơ, viết văn. Điều ấy cũng đúng tuy nhiên nếu ta chịu miệt mài với Thơ thì cũng có ngày ta có được một khả năng dệt những vần Thơ, hay hay không còn tuỳ vào cái vốn liếng về Thơ mà ta có.

3- NHỮNG ĐIỀU PHẢI TRÁNH KHI LÀM THƠ
- Thơ, Văn quí ở chỗ sáng tạo. Câu thơ, bài văn cho đến bút danh (pen name), bút hiệu không cóp nhặt của người, bắt chước người. Nếu ý của ta trùng với ý của người thì ta tìm cách biểu diễn sao cho khác hẳn cách đã trình bày của một tác giả khác. Nếu ta cần dùng một vài câu thơ của người khác thì phải ghi chú là của tác giả nào ở bên dưới và câu đó phải đóng ngoặc kép hoặc dùng chữ nghiêng. Thơ, Văn là tài sản tinh thần của mỗi tác giả y như của cải, tiền bạc, không thể cứ dùng tự nhiên (quên không trả) hoặc lại nhận vơ là của mình. Những kẻ đạo văn, đạo thơ bị người đời khi dể.
- Ý đã nói rồi, không nhắc lại. Ý của bài Thơ chính là linh hồn bài Thơ; vần điệu, niêm, luật bằng trắc cũng quan trọng nhưng xếp sau ý.
- Làm một bài Thơ tức là nói về một vấn đề. Phải nghiên cứu tường tận vấn đề đó cho thấu đáo rồi mới đặt bút viết. Ý trước, ý sau, phải sắp xếp để khỏi lộn xộn.
- Thường bài thơ cũng như bài văn: có mở bài, thân bài và kết luận. Ta phải tôn trọng nguyên tắc đó.
- Chữ, câu vô nghĩa hay trái nghĩa phải bỏ đi ngay, không thương tiếc. Có người vì “thích” một vài từ dễ thương, giữ câu Thơ lại, nó cho phản nghĩa với những gì Nhà Thơ đang viết và nhắm tới.
- Viết đúng chính tả, chữ nào nghi ngờ thì dùng từ điển (có cuốn dùng được, có cuốn không).
- Cũng nên hiểu làm thơ phải có sự linh động. Có những bài thơ kém niêm luật nhưng rất hay; trái lại có những bài thơ giữ rất kỹ niêm luật nhưng khô khan, vô cảm, ngôn từ cứng nhắc. Vì vậy, làm được một bài thơ vừa đúng niêm luật vừa hay là một điều khó. Bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” của bà huyện Thanh Quan, loại thơ Đường luật, vừa hay vừa chỉnh về niêm luật. Luật bằng trắc phải cố giữ để câu thơ đọc lên không trúc trắc, khó đọc sinh ra kém hay. Nhà thơ phải biết xoay xở trong nghệ thuật dùng “từ” thì thơ mới hay được.
THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương 
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh ấy người đây luống đoạn trường!
Bà huyện Thanh Quan

- Nhiều bạn nghĩ thơ lục bát dễ làm. Thực tế trái lại. Nếu cách sử dụng ngôn từ của chúng ta trong lục bát không tinh vi, sắc bén, hình ảnh kém ấy là bài thơ kém, đọc lên biết ngay do một người mới biết hay chưa biết làm thơ.
Hai bài lục bát sau đây tôi làm rất nhanh, mỗi bài chỉ trong vài, ba phút là xong. Xong rồi cũng cần chỉnh lại vài ba từ cho được ưng ý.
Hỏi Nhà
Nhà anh, em hỏi làm chi?
Cầu vồng dẫn tới lối đi Ngân Hà
Cổng vào chạm khắc ngọc ngà
Mái đúc vàng khối, cột là kim cương!
Liễu, hồng trồng rất dễ thương
Phòng dành hai đứa mầu hường đào xuân.
Mời em ghé thử một lần!
Cam đoan em sẽ nhiều lần tới thăm
Mùa Hè rất sẵn trăng rằm
Thu về vàng tím mây chăng lưng trời
Xuân sang sóng bước dạo chơi!
Cuộc đời nhàn tản kiếp người cõi tiên!
Quên đi hết mọi ưu phiền
Bồng lai tiên cảnh chỉ riêng chúng mình!
Duyên giai ngẫu, nợ ba sinh
Sống cho vẹn nghĩa, trọn tình yêu thương!(tđn)
Hỏi Nhà
Bài 2
Nhà em? Anh hỏi làm chi?
Đường lên Phú Thọ, lối đi đền Hùng!
Cổng vào xanh biếc bách tùng
Mái gồi vàng óng, trúc xung quanh vườn!
Mai, đào trồng rất dễ thương
Thư phòng đọc sách mầu hường đào xuân
Đường về Hà Nội cũng gần
Lối lên Bản Giốc, Hải Vân cận kề
Mùa Đông cho chí mùa Hè
Tiết trời ấm áp, hoa khoe sắc mầu
Thu về trăng rụng bên cầu
Xuân sang đào cúc một mầu xinh tươi
Ghé đây anh thấy nụ cười
Ưu phiền quên hết, người người thân thương
Nhà em anh đã biết đường
Mẹ cha đã thuận, anh thường ghé thăm!(tđn)

4- LÀM THẾ NÀO ĐỂ LƯỢNG GIÁ MỘT BÀI THƠ CHO ĐÚNG ?
Đây không phải là một việc dễ. Tuy nhiên, bằng vào kinh nghiệm lâu ngày đọc Thơ, nhận xét Thơ của ta cộng với:
- Giữ sự vô tư, khách quan, không có hảo cảm hay ác cảm về sáng tác và tên của tác giả.
- Đặt bài Thơ vào bối cảnh xã hội lúc tác giả viết nó để xem tác giả muốn gửi gấm cái gì? Như Đoạn Trường Tân Thanh trong đó Tố Như tiên sinh muốn nêu lên thuyết tài mệnh tương đố và ví cuộc đời của mình cũng lận đận, ba chìm bảy nổi như cuộc đời cô Kiều.
Bài Thăng Long thành hoài cổ của Bà huyện Thanh Quan là một nỗi u hoài vọng về nhà Lê với thời đại hoàng kim của nhà vua, nay đã không còn nữa mà chỉ còn là những tang thương, biến đổi với tiêu điều!
Nếu ta có đôi mắt của một người chơi đá quí 30 năm hoặc người thợ kim hoàn đã nhìn thấy kim cương hàng ngày trong nhiều năm, ta mới có nhãn lực phân biệt được đâu là viên kim cương thiệt, đâu là viên kim cương giả (cubic zeconia). Thời nay, có những tác giả khen thơ, văn của bạn một tấc đến trời (Mặc áo thụng vái nhau) ta chớ nên tin vào những dòng chữ khen gượng ấy nhưng khi thấy bài thơ hoặc văn hay, ta không tiếc lời khen ngợi (miễn đúng) vì đó cũng là cách khích lệ để nền Văn học thăng tiến.
Chúc các bạn trẻ nhiều may mắn và nghị lực trong việc tạo cho mình một khả năng thơ, văn! Nó tô điểm đời ta và làm cho đời đẹp thêm!

5- Số bài thơ đã làm của cá nhân người viết
Chỉ khi xuất bản sách, viết Mục lục cho bạn đọc dễ tìm một bài thơ, bất đắc dĩ mới phải đếm nhưng cả cuộc đời làm thơ của tôi, cả thơ chính trị, cũng cả hơn ngàn bài. Hai cuốn Như Áng Mây Trôi I và Như Áng Mây Trôi II cũng khoảng gần 400 bài (Cuốn Sau Giờ Kinh Chiều I xb 2009 gần 200 bài). Tôi làm thơ rất nhanh, khi có đề tài, có hứng, tôi chỉ vẩy bút trong năm, mười phút là xong một bài (thường là Thơ Mới vì tôi thích loại này, câu chữ không giới hạn). Nhưng nếu không có hai yếu tố trên, thơ làm gượng ép khó ra lắm, không hay và mất thêm giờ! 
Chúc các bạn yêu Thơ và muốn trở thành Nhà thơ sớm đạt thành ước nguyện!

6- Tôi bắt đầu viết văn từ năm 1958 cho nhiều nhật báo ở Sàigòn như Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, Hoà Bình, Bút Thép... Tạp chí Thời Nay, các tạp chí sinh viên nhiều Đại học, Tổng thư Ký Toà soạn Bán Nguyệt San Tinh Thần/ Nha Tuyên Uý Công giáo QLVNCH từ 1959 và sau đó là Chủ bút BNS này, khi tôi vào Hạ Nghị Viện và Chủ tịch Uỷ Ban Phát Triển Nông Thôn, thỉnh thoảng tôi vẫn gửi bài đăng nhiều tờ báo, viết về nhiều vấn đề. Mãi tới năm 1968 hay 1969 văn hữu Bùi quang Triết mới ra chiêu hồi với cấp bậc Đại tá. Ông bắt đầu viết về những gì tai nghe mắt thấy ở ngoài Bắc ... . Ông lấy bút danh là Xuân Vũ, có lẽ ông chưa đọc được những bài của tôi trên báo nên ông thích cái bút danh này, ông dùng nó. Có mấy người bạn của tôi nói tôi nên gọi điện thoại cho ông Bùi quang Triết, đề nghị ông lấy bút danh khác kẻo trùng nhưng tôi nghĩ, thôi kệ ông, Xuân Vũ Bùi quang Triết với Xuân Vũ Trần Đình Ngọc khác nhau chứ? Người Mỹ có cả triệu tên John, tên Michael thì sao? Người Việt thiếu gì tên Vinh, tên Thành, tên Dung, tên Hà…nhưng ai ra người đó không lẫn lộn được. Vả lại, tôi còn nhiều bút hiệu khác như Bút Xuân, Đan Tâm, An nhiên, Trần Công Tử v.v...và tên cha mẹ đặt Trần Đình Ngọc, đâu có cứ là phải Xuân Vũ! Cho là tên giống nhau nhưng văn phong mỗi người mỗi khác, hướng đi mỗi người mỗi khác, không ai giống ai, đó là cái đẹp của Văn học Nghệ Thuật! Gần thời gian ông Triết qua đời, tôi và ông là hai cây viết cho tạp chí Đoàn Kết-Austin, TX, chúng tôi đã thương tiếc ông nhiều vì ông ................ Hôm nay tôi vẫn còn viết thường xuyên cho tờ tạp chí đã cộng tác 17 năm nay (3-16-09).


3 comments:

  1. Xin cám ơn chị NPN đã chuyển tải bài viết, như là phê bình đánh giá, rất thâm túy.
    Bài viết của GS. TĐN đã có nhìn về văn chương, thi phú rất sâu sắc, dù rằng chưa phải là tất cả.
    Khi có ý tưởng, ý thơ, một bài thơ có thể thảo nháp trong vòng 15 phút, và có 15 phút chỉnh sửa. Khi không có ý thưởng thì tịt ngòi.
    Tôi cũng đồng ý với GS là bài thơ cũng như bài luận văn có 3 phần, nhập đề, thân đề, và kết luận. Trong đó ý chính tác giả nói gì.
    Xin tiếp tục đón nhận những bài biên khảo hay. Trân quý. ĐCL

    ReplyDelete
  2. Thưa chú Trần Đình Ngọc,
    “Tiền trảm hậu tấu”, xin mạn phép đăng bài của chú trong trang nhà hôm nay.
    Cám ơn chú. Thân kính.
    NPN

    ReplyDelete
  3. Bút Xuân Trần Đình NgọcJune 27, 2015 at 3:51 PM

    Chú phải cám ơn nguoiphuongnam mới phải lẽ. npn cứ tự nhiên post bài của chú.
    BX TĐN

    ReplyDelete