Hình cũ trong Phở Xe Lửa. Từ trái: Người viết, Chủ nhân Nguyễn Thế Toàn, Họa sĩ Đinh Cường.
1. Phở Xe Lửa, Chợ Eden...
Tiểu bang Virginia và các vùng phụ cận
(Washington DC, Maryland) có độ bốn, năm chục nghìn người Việt, có
thương xá Eden (gọi là chợ Eden) với hàng trăm cửa tiệm. Mỗi cuối tuần
hoặc ngày lễ, người Việt các nơi tụ về chợ Eden để ăn uống, mua sắm và
lang thang trên các hành lang chợ...cho vui.
Trước năm 1980, người Việt chưa có bao nhiêu, chợ Eden gần như hoang phế, cỏ mọc tùm lum, vài cửa hàng lèo tèo. Khi người Việt đến mướn chỗ để buôn bán, chợ trở nên sầm uất. Chủ chợ là người Do Thái, bắt đầu lên giá mướn, cứ lên giá liên tục, hiện nay hình như 50 đô la cho mỗi square foot (một năm) và có thể sẽ lên giá nữa. Tôi không biết giá đó mắc hay rẻ, nhưng đã có nhiều bà "tưng bừng khai trương" và ít lâu sau bán nhà để trả tiền mướn chỗ trước khi "âm thầm dẹp tiệm". Bà nầy rút lui thì bà kia nhào ra làm con thiêu thân. Tôi nói "bà" vì đa số các bà mở tiệm ăn. Ở nhà, nấu dở, nhưng chồng con "phải" khen ngon, các bà tưởng thật, bèn mở tiệm ăn. Để rồi mất ăn, mất ngủ và mất nhà.
Chợ Eden là chợ duy nhất ở vùng
Đông Bắc Hoa Kỳ không có "người ngoại quốc", nghĩa là người bán, người
mua và người đi chơi toàn người Việt. Hiếm hoi lắm mới thấy một bà dẫn
ông chồng Mỹ đi ăn tiệm.
Chợ Eden có nhiều tiệm ăn, trong đó có
tiệm phở Xe Lửa của ông Toàn Bò là nhiều người lui tới, vì đó thường
được làm điểm hẹn của bạn bè phương xa đến Virginia. Ông từ Florida lên,
bà từ California qua, cứ hẹn gặp nhau ở tiệm phở Xe Lửa của ông Toàn Bò
là ai cũng biết, cũng đến đúng chỗ. Ông chủ tiệm phở tên Nguyễn Thế
Toàn nhưng mọi người gọi ông là Toàn Bò, mặc dù ông ta vẫn đi trên hai
chân như người bình thường.
Trong tiệm, ông dành sẵn một bàn
riêng cho bạn bè. Họa sĩ, nhà báo, nhà thơ, nhà văn...hoặc không "nhà"
gì cả cũng có thể đến ngồi tán phét bao lâu cũng được. Lại có sẵn một
bàn cờ tướng cho thiên hạ chơi, giống như quán cắt tóc bên đường ở Việt
Nam vậy. Có điều lạ là ngồi vào bàn đó, không ông nhà báo nào nói về báo
chí, không ông văn, thi sĩ nào nói chuyện văn chương, thi phú mà toàn
những chuyện tào lao thiên địa, mỉa mai, chọc ghẹo nhau để cười với
nhau. Riêng ông chủ Toàn Bò, vốn là luật sư trước 75, nên khi nói
chuyện, ông ta lý luận rất vững chắc, "tam đoạn luận" đàng hoàng, cho
nên dù bạn là nhà hùng biện, khi tranh luận với ông ta, bao giờ bạn cũng
đuối lý. Sau khi đã chiếm thượng phong, ông ta bồi thêm một câu mỉa mai
để quí vị ngồi quanh bàn cười khà khà. Nhiều ông không biết đó là giỡn
chơi nên tự ái, không thèm ghé tiệm nữa.
Ông Toàn Bò không bao
giờ bước ra khỏi tiệm phở. Sáng đến mở cửa tiệm, tối đóng cửa tiệm, về
nhà. Quan, hôn, tang, tế... không có ông ta. Bạn là bạn thân của ông ta,
lăn ra chết, chưa chắc ông ta đến vĩnh biệt bạn. Lời chia buồn trên báo
thì có. Nhưng đừng tưởng ông ta không ra khỏi tiệm mà kiến thức của ông
ta không được cập nhật hóa. Cứ thấy ông ta ngồi lim dim mắt mà tưởng
ông ta tham thiền nhập định, chuyện thế gian gác bỏ ngoài tai. Không
phải vậy. "Thiên lý nhĩ" đấy! Ngồi trong "tiệm phở" mà biết chuyện ngàn
dặm. Bạn thử đến và khơi mào "Hôm qua, ông X. bị sao đó, nghe nói đã đưa
vô bịnh viện rồi. Tôi định rủ vài ông nữa cùng đến thăm..." Tức khắc
bạn sẽ được điều chỉnh "Trễ rồi ông ơi! Vừa tắt thở lúc một giờ sáng, đã
đưa sang nhà quàng rồi. Ông có muốn chia buồn thì ghi tên vào tờ giấy
đằng kia, để đưa lên báo"... Nhiều lúc thấy một ông, bà nào đó thì thầm
với ông Toàn Bò. Rất có thể (có thể thôi), tình báo nước ngoài đến mua
tin tối mật của nước Mỹ đấy.
Phở Xe Lửa của ông Toàn Bò là tiệm
duy nhất trên nước Mỹ có một tủ sách đồ sộ và trên tường treo đầy tranh.
Không phải tranh trang trí như vẽ tô phở, con cá chiên, chùm nho, chai
rượu hoặc tranh tào lao, rẻ tiền... mà là tranh nghệ thuật của các họa
sĩ danh tiếng. Tranh chính gốc chứ không phải bản sao. Người ta hỏi mua,
ông không bán.
Hầu như họa sĩ nào đến tiệm phở của ông Toàn Bò
đều phác họa cho ông ta một tấm chân dung. Bức nào cũng vẽ ông ta cười
toét miệng đến mang tai. Vì dung nhan mùa hạ ông ta không khá lắm, nên
gặp họa sĩ trườu tượng, ấn tượng, biểu tượng, siêu thực hoặc hậu hiện
đại... thì dung nhan đó được vẽ thành của người khác. Không giống ai!
"Ủy
Ban Thường Trực" (ngồi nhiều nhất) ở phở Xe Lửa cũng khá đông. Ông Cò
Ly, nhà (bán) báo, có sạp báo trước cửa phở Xe Lửa, chỉ "mở cửa tiệm"
sáng thứ bảy và chủ nhật, ngày thường ông bận nhổ lông mày, đấm lưng cho
người đẹp. Họa sĩ Tấn Đức có tiệm khung hình giảm giá 75%. Ông Bình Gió
Mới đã đóng cửa tờ Gió Mới. Ông Bạch Thái Hồ, gặp ai cũng mở máy ảnh
ra, đòi chụp hình "Ngồi yên... Xong rồi! Hình sẽ đẹp lắm đấy!" Ông Ngô
Đình Châu, "vũ sư điệu cha cha cha" vì bị strock, đi lạng quạng như nhảy
cha cha cha. Ông nầy vừa ngồi xuống lại lò mò ra ngoài tiệm "ba mươi
giây khói lửa" (hút thuốc). Ông "cựu" dược sĩ Thịnh, vô tiệm, ngồi xuống
là mở máy nói. Thấy tôi thì kêu lên "Vua phịu!" (phịa?) Coi bộ ông ta
giỏi như bác sĩ, bịnh gì cũng biết, thuốc gì cũng biết. Bịnh hoạn, cứ
hỏi ông ta, miễn phí.
Ngày xưa, ở Việt Nam, đau đầu, nhức răng,
trẻ khóc đêm...bất cứ bịnh gì, cứ ra tiệm thuốc tây khai bịnh với dược
sĩ, mua thuốc về uống, công hiệu như thần. Ông bác sĩ Dương Quan Hớn,
chuyên về mắt, nhưng bịnh nhân đến chữa trị phải chuẩn bị đôi tai để
nghe ông ta nói liên tục những chuyện ít liên quan đến mắt. Trước đây
còn có ông Giang Hữu Tuyên, chủ báo Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, nổi tiếng
với bài thơ "Trời Mưa Đi Phát Báo", chưa vào tiệm đã nghe oang oang
giọng ông ta. Năm kia, ông ta bị đứt gân máu và biến mất trên thế gian
(quá cố).
Riêng họa sĩ Đinh Cường, tôi xin dài dòng một chút. Ông
Đinh Cường rất nổi tiếng, được nhiều người viết và đọc về ông ta trên
"net", trên báo vì những chuyện không ăn nhậu gì đến hội họa cả. Ông nầy
ít nói nhưng vẽ thì đẹp. Ở Sài Gòn, đã có tranh giả của Đinh Cường.
Người nào ra sách, thơ mà có cái tranh bìa của Đinh Cường thì tác phẩm
trở nên sang trọng và giá trị ngay. Ông ta rất thiện chí, ai xin tranh
bìa cũng cho, có khi đưa ra nhiều bức để người xin lựa chọn. Tôi hỏi
"Phải chụp hình, sang hình tranh mình rồi đưa cho người ta. Có cà phê cà
pháo gì không?" "Chỉ có tờ Đặc San Cựu Sinh Viên Hành Chánh Miền Đông
có tặng chút chút để uống cà phê thôi. Nhưng tờ đó mỗi năm chỉ ra một
lần!" Có thể xếp quí vị xin tranh bìa kiểu "chùa" nầy (trong đó có tôi)
thuộc giai cấp bóc lột và trơ trẽn. Trơ trẽn mà tưởng như mình ban ơn
cho ông ta, chỉ thiếu điều chưa nói "Ông hân hạnh lắm mới được tôi dùng
tranh ông làm bìa "đại tác phẩm" của tôi đấy nhé!".
Nói thế nhưng
không phải ai cũng vô ơn cả. Có nhà thơ Thái Thụy Vi, khi xin tranh bìa
đều có cà phê, cũng chút chút, để tỏ lòng trân trọng và biết ơn. Ông
nhà thơ nầy yêu màu tím vô cùng. Thi phẩm nào cũng tràn trề màu tím. Cái
tranh bìa cũng màu tím. Một lần, đã xin được tranh bìa màu tím cho tác
phẩm của mình, mấy hôm sau, nhà thơ lại xin được gặp họa sĩ ở tiệm cà
phê. Trò chuyện một lúc, ông Thái Thụy Vi dúi vào tay ông Đinh Cường một
tờ bạc "Cái tranh bìa đẹp lắm, nhưng nhờ anh cho thêm màu tím vào cho
tím hơn nữa". Màu sắc, đậm nhạt được đánh giá bằng tiền?
Trở lại
tiệm phở Xe Lửa của ông Toàn Bò. Chủ nhật nào tôi cũng rủ họa sĩ Đinh
Cường ra đó uống cà phê. Tôi có viết linh tinh chút đỉnh, được quí vị
ngồi ở bàn thường trực đó vinh danh là "nhà văn". Tôi khoái lắm. Sau lại
được thăng cấp thành "nhà tiểu thuyết", tôi càng khoái, mặt vênh lên.
Không ngờ cái mỹ danh "nhà tiểu thuyết" bị rút gọn thành "nhà tiểu". Họa
sĩ Đinh Cường cũng được vinh danh là "đại họa sĩ". Cũng xứng thôi.
Nhưng rồi được rút lại thành "đại họa".
Thế là mỗi khi chúng tôi bước vào tiệm phở Xe Lửa, quí vị đó nhao nhao lên "Chào nhà tiểu. Chào đại họa gia!"
2. Tuổi Già
Lần
trước, tôi có kể chuyện bọn già chúng tôi, mỗi sáng chủ nhật, tụ tập
trong tiệm phở Xe Lửa của ông Toàn Bò, chợ Eden, Virginia, cà phê cà
pháo, nói chuyện tào lao với nhau. Cứ thế, đã gần chục năm nay rồi.
Cái
bàn mà ông chủ tiệm dành riêng cho bạn bè tụ tập, đặt ở góc tiệm. Ông
ta ngồi đầu bàn, coi như chủ tọa. Hai bên là hai dãy những ông nhà báo,
nhà văn, nhà thơ, "nhà họa", và chẳng "nhà" gì cả, ít nhất cũng trên
mười người. Đôi khi đông quá, phải ngồi bàn bên cạnh, nghếch mặt qua
"đối thoại". Nói nhiều nhất là mấy ông nhà báo. Các ông "nhà" khác ít
nói chỉ ngồi nghe và cười. Đó là nói thời "hoàng kim", cách nay đã lâu
chứ bây giờ thì chỉ còn loe hoe mấy mạng. Những chiếc ghế cứ trống dần.
Những người vắng mặt đi đâu? Thì đi đâu ngoài con đường ra nghĩa trang!
Quí
ông kéo nhau ra họp mặt ngoài đó. Thực ra, cũng còn rất nhiều ông còn
sống, nhưng nằm nhà, đi không nỗi. Đôi lúc nhớ bạn, nhớ tiếng cười, nhớ
những câu nói móc nghéo, chọc ghẹo nhau, quí ông nầy lại mò ra, nhe răng
cười tuy dung nhan đã "xuống cấp" thê thảm rồi. Điển hình như ông N. V.
T. mỗi khi đi chữa trị gì đó ở bịnh viện, thường ghé tiệm phở Xe Lửa,
nhưng khổ nỗi, ông ta đi ngày thường (không phải ngày chủ nhật) nên cái
bàn đó trống trơn, chỉ mình ông ta chóc ngóc với ông chủ tiệm, chẳng
biết nói gì, nói với ai! Ông chủ tiệm vốn nói nhiều, cũng yểu xìu vì
"lân thiếu pháo"! Ông T. không được khỏe, có nhếch mép cười cũng đã là
một cố gắng quá sức rồi. Thế nên cả hai ông, chẳng phải nhìn nhau mà
cùng nhìn ra cửa tiệm, hi vọng có ông bạn nào bước vô chăng?
Mỗi
sáng chủ nhật tôi gọi ông Đinh Cường "Châu đây. Tính sao?" Bên kia đầu
dây, giọng lè nhè "Làm sớm nghỉ sớm. Tôi vừa ở Starbucks về đây" "Lên
đường chưa? Độ chín rưỡi có mặt nghe!" "Rồi!" Tôi cũng gọi ông Bình Gió
Mới "Mươi phút nữa có mặt ở Phở Xe Lửa nghe!" "O.K!" Thế là trên cái bàn
rộng đó chỉ có ba ông già. Lâu lâu, tấp vào, có ông Cò Ly, dược sĩ
Thịnh, bác sĩ Dương Quang Hớn, giáo sư Như Hạnh, ông Bạch Thái Hồ... Vừa
ăn vừa chuyện trò cười nói, độ một giờ sau, trả tiền, đứng lên. Có ông
móc trong túi ra tờ giấy nhỏ, có ghi mấy món vợ sai đi chợ, vài ông khác
bày bàn cờ tướng "lên xe xuống ngựa". Có ông còn nán lại làm thầy dùi.
Rồi thì tiếng la hét, cổ võ tưng bừng, có những câu không được thanh nhã
như "Coi chừng bị nước thượng mã...phong" Ông khác trấn an "Không sao.
Tướng xuất...tinh". Chiến đấu gay cấn nhưng không ai nổi xùng, tự ái mà
chỉ cười. Đến trưa thì tan hàng, ai về nhà nấy, vợ chờ cơm ở nhà, còn
lại ông chủ Toàn Bò tiếp tục nhiệm vụ, mời khách ngồi, ghi thực đơn, thu
tiền.
Về ông chủ tiệm phở Xe Lửa. Trước 1975, ở Sài Gòn, không
ai dám gọi xách mé là "Ông Toàn Bò" mà phải gọi là "Ngài luật sư Nguyễn
Thế Toàn". Luật sư lợi hại vô cùng. Tôi đọc đâu đó câu "Luật sư, chỉ với
cái cặp mà lấy của thiên hạ bằng một trăm tên cướp có võ khí". Bây giờ,
nơi xứ người, không thể hành nghề hùng biện, nhưng "cựu" luật sư Toàn
mà mở miệng là có người tức chết được. Đấu súng có thể thắng ông ta
nhưng đấu võ mồm thì thua là cái chắc.
Xin trở lại chuyện mấy ông
vắng mặt ở tiệm phở Xe Lửa. Tôi xin kể vài ông tiêu biểu, vắng mặt nằm
nhà vì bịnh. Chưa chết. Mấy ông già bịnh gì? Mỗi ông ngoài bịnh cao mỡ
(cholesteron), cao áp huyết còn "thủ đắc" cho riêng mình vài loại bịnh.
Kể từ trên đầu xuống chân thì có, trước hết "bịnh" đứt gân máu trên đầu,
tiếng Mỹ là Stroke. Bịnh nầy chết nhanh lắm. Không chết thì liệt nửa
người, như ông Ngô Đình Châu, (gọi là Châu Già). Lần trước tôi có kể
rằng ông ta chống gậy đi cà nhắc (theo điệu cha cha cha), vô tiệm phở,
vừa ngồi xuống là đã đứng lên, lò dò ra cửa "ba mươi giây khói lửa" (hút
thuốc). Trước đây, ông còn sống, nay đã "quá cố" rồi.
Xuống chút
nữa, ngang ngực thì có bịnh nghẽn tim (heart attack) và ung thư phổi.
Nếu phát hiện kịp thì vẫn không sao, như ông B. G. M., cũng ung thư phổi
nhưng chỉ "chiếu đèn, chiếu điện" gì đó mấy lần, chẳng mổ xẻ gì, bây
giờ vẫn phây phây, sáng chủ nhật nào cũng có mặt ở tiệm phở. Ông nầy
chịu nghe tán phét lắm. Ai nói gì cũng cười một cách hạnh phúc. Xuống
chút nữa có bịnh ung thư bao tử, ung thư ruột, nếu cắt bỏ kịp thời cũng
không sao, như ông "cựu" nhà báo U. Th. Mấy năm nay vẫn sống hùng, sống
mạnh.
Một bịnh khác nằm cạnh bao tử là bịnh ung thư gan. Tôi
chưa nghe ai bị ung thư gan mà sống nên không (có ai) được nêu tên ra
đây. Viêm gan siêu vi thì chữa được. Còn một bịnh nữa, nó mà xuất hiện
thì tất cả "các cơ quan đoàn thể" của người bịnh bị vạ lây. Đó là bịnh
ung thư máu. Bịnh nầy, ở Mỹ chữa được, nhưng phải thường xuyên thay máu.
Ông "cựu" nhà báo N. V. T. bị bịnh nầy, thỉnh thoảng có ghé tiệm phở Xe
Lửa góp vài nụ cười.
Xuống chút nữa, ở điểm chiến lược, có bịnh
tuyến tiền liệt. Mười ông hết năm ông bị bịnh nầy nhưng giữ bí mật, vì
bịnh đó làm mất khả năng của đệ tam khoái, nói ra thì mặc cảm mình thua
thiên hạ. Có một bịnh cũng chẳng làm ăn gì được, đó là bịnh tiểu đường
nhưng cũng chẳng chết chóc gì. Xuống nữa, ngang đầu gối có bịnh sưng
khớp, nghe nói ăn thịt bò hay ăn chao thì nó hành cho rên rỉ suốt ngày
đêm, uống thuốc thì bớt.
Tôi không phải bác sĩ, phét lác mấy
giòng về bịnh hoạn của mấy ông già, đọc cho vui, xin quí vị bỏ qua. Bây
giờ xin kể đến vài ông vắng mặt vĩnh viễn. Người chết không nói được nên
tôi nêu tên rõ ràng mà không sợ bị phản đối. Trước hết là nhà thơ Hoàng
Trùng Dương. Làm thơ không có tiền nên ông ta làm thêm nghề xây dựng
nhà cửa. Ông ta có mấy tác phẩm thi ca, khi sắp cho ra đời đứa con tinh
thần (thi phẩm) thứ ba thì thình lình vướng bịnh ung thư gan cấp tính.
Tôi theo ông Dũng nhà in chở mấy thùng thơ đến giao vừa để thăm ông ta,
thì thấy mặt mũi vàng khè, nằm bẹp trên giường nhưng vẫn cười và thều
thào "Tôi xuống trước, xây nhà chờ mấy ông...". Quả nhiên, "mấy hôm sau
là đi".
Tiếp theo là nhà thơ kiêm nhà báo Giang Hữu Tuyên. Thời
sinh tiền, ông thuộc hàng "ăn to, nói lớn". Chân chưa bước vô tiệm phở
đã nghe giọng ông Giang Hữu Tuyên ồn ào, náo nhiệt khiến không khí trong
tiệm vui vẻ, sôi động hẳn lên. Chuyện ông Giang Hữu Tuyên qua đời như
sau: Một buổi sáng, ông võ sư Vương Đình Thanh cùng với nhà thơ Giang
Hữu Tuyên lái xe lên phi trường Dulles nhận báo từ Cali. gửi qua theo
đường hàng không. Chờ một lúc thì ông Giang Hữu Tuyên bỗng kêu lên "Đau
đầu quá!" rồi gục xuống. Ông Vương Đình Thanh cũng kêu lên "Help! Help!"
Xe cứu thương đưa vô bịnh viện, không tỉnh dậy nữa. Cả tiệm phở Xe Lửa
xôn xao, kinh ngạc "Giang Hữu Tuyên chỉ trên năm mươi, còn quá trẻ, sao
đi sớm quá vậy?" Có ông phán "Tu mấy kiếp mới được chết như vậy. Chỉ đau
đầu mấy phút là xong ngay, khỏi phiền đến ai. Bịnh hoạn nằm một đống,
thà chết sướng hơn".
Giang Hữu Tuyên có một bài thơ nổi tiếng
"Trời Mưa Đi Phát Báo". Nguyên nhân như sau. Sau 1975, ông Giang Hữu
Tuyên nhanh chân chạy thoát. Qua Mỹ, ông cùng với bạn bè ra một tờ báo.
Thời đó, những người Việt qua Mỹ thèm hai thứ: nước mắm và chữ Việt. Mấy
ông cùng nhau bỏ tiền, bỏ công ra làm một tờ báo rồi đi phát không cho
đồng bào đọc. Bấy giờ làm gì có computer, máy chữ thì không có dấu, phải
thêm dấu vào, tiêu đề, chữ lớn thì cắt trong báo Mỹ, dán lên rồi đem
in. Hoàn thành tờ báo xong còn đi đến những nơi có người Việt tị nạn
phát không. Không phải chỉ những ngày đầu đến Mỹ mà cả chục năm sau, ông
ta vẫn làm báo và đi phát không cho thiên hạ đọc (sau nầy, chi phí nhờ
quảng cáo bù vào). Sau đây là bài thơ "Trời Mưa Đi Phát Báo" của Giang
Hữu Tuyên mà tôi tin là có vị đã đọc rồi
"Chiều ngã năm đường năm bảy ngã. Ngã nào cũng ướt giọt mưa rơi. Bao mùa mưa đã im giông bão. Sao nước trường giang vẫn khứ hồi.
Mười
mấy năm làm tên phát báo. Lòng buồn theo thành quách xa xưa. Những
trang tin dội từ quá khứ. Rớt ngập ngừng cùng những hạt mưa.
Mưa lót ngót đời loi ngoi mãi. Sáng chưa đi chiều lại mưa về. Mưa ngã năm từ năm bảy ngã. Ngã nào cũng mưa và mưa thôi.
Xấp báo trên tay vừa ướt hết. Vậy mà cứ đứng dưới mưa bay. Hình như những mùa mưa thuở trước. Đang về làm ướt trái tim ai."
Phần
cuối bài nầy xin kể về cố thi sĩ Vương Đức Lệ. Trước 1975, tôi tưởng là
"cô", sau mới biết là "ông" Lê Đức Vượng. Ông nầy bị ung thư phổi "Từ
lúc trẻ, tôi đã hút thuốc rồi" Ý nói là "Tôi làm tôi chịu". Quí vị bị
nhức đầu, đau bụng hoặc đang bực mình điều gì xin thử viết một bài văn
ngắn hoặc làm một bài thơ, có được không? Có thể được nhưng không hay.
Ông Vương Đức Lệ bị ung thư phổi, bác sĩ lắc đầu, cho đưa về nhà "săn
sóc" và "chờ", vậy mà vẫn làm thơ. Thơ ông rất hay. Tôi thường cùng ông
Đinh Cường đến thăm, thấy đeo cái ống dưỡng khí trên lỗ mũi "Không có
nó, thiếu ôc xi, mệt lắm" nhà thơ giải thích.
Điều kỳ lạ là Vương
Đức Lệ đang ở thời kỳ cuối của bịnh mà vẫn làm thơ được. Bịnh trở nặng,
ngất xỉu, tỉnh dậy, làm thơ. "Mong con, cha mẹ đợi? Nhớ em, ba chị
chờ?" Và chú em út cũng còn trông anh sao? Mong manh chỉ một đường sinh
tử. Hai ngả âm dương một lối vào..." "Bàn tay nào đây. Ai lay tôi tỉnh
dậy?"
Một lần khác, ông lại ngất xỉu, tưởng đi luôn, gia đình gọi
xe cứu thương đưa vô bịnh viện cấp cứu. Ông tỉnh dậy, thấy mình còn
sống, reo lên "Tử thần bắt hụt ta lần nữa. Bạn mới mừng chung khóa nỗi
vui. Bạn cũ buồn riêng ly rượu phạt. Ôm vai bá cổ ngẩn ngơ cười! Đã mấy
lần rồi tai giả điếc. Tử thần lay gọi mãi, không nghe! Bởi còn lưu luyến
duyên phàm tục. Mãi đợi người xưa lạc lối về..."
Ông còn viết
những bài văn ngắn, ghi lại những đau đớn của thể xác, những cảm nghĩ,
những lưu luyến với thân quyến, bạn bè trong những giây phút cuối của
cuộc đời. Và rồi, ông bình tĩnh chờ đợi con tàu vô hình đưa ông vào cõi
mịt mù "Bàn tay nào vuốt mắt tôi. Ngón nào bấm nút châm mồi hỏa thiêu?
Trăm năm mộng ước còn nhiều. Trần gian nào dễ đủ điều nỉ non. Tử sinh
nẻo thuộc đường mòn. Âm dương đôi ngả vuông tròn đó thôi!" Vương Đức Lệ
"lên đường" đầu năm 2008.
Sau đây là vài cảm nghĩ của tôi trước
cái chết. Ai cũng chết. Mặt trời sẽ nguội dần, quả đất sẽ biến mất. Sẽ
không còn thời gian. Có một ông bạn, bị ung thư phổi. Mổ xong, có vẻ khá
hơn trước, gọi điện thoại nói chuyện với tôi. Tôi hỏi ông bạn nghĩ gì
về cái chết? Ông ta bảo, chỉ sợ giờ phán xét, sợ vào hỏa ngục. Ông ta
theo đạo Chúa nên mới tin có linh hồn, có thiên đường, hỏa ngục. Tôi
chẳng theo đạo nào, không tin có linh hồn nên chẳng hề bận tâm. Khoa học
thực nghiệm không chứng minh có linh hồn. Tôi chỉ mong ngủ một giấc rồi
không thức dậy nữa, Đời chẳng có gì để mà lưu luyến. Giá như có ông
thần nào cho tôi sống lùi lại bất cứ giai đoạn nào của đời tôi. Mười
năm. Hai mươi năm. Ba, bốn mươi năm? Tùy ý. "No. Thank you!"
Trên
sân khấu cuộc đời, tôi là tên hề giễu dở. Bị lừa gạt liên tục. Thất bại
liên tục. Chỉ mong rằng, chết bình yên, đừng đau đớn, vật vã ngày này
qua tháng khác. Ông triết gia, giáo chủ nào cũng giải thích theo tưởng
tượng của mình về những gì xảy ra sau khi chết. Mỗi vị một cách! Rồi vị
nào cũng chết! Cũng chẳng biết đi đâu?
Bọn già chúng tôi đôi khi
phân vân, không biết chết rồi linh hồn (nếu có) đi đâu? Rồi "nhất trí"
là nên tìm tôn giáo nào cho mình đi đến chỗ sướng nhất mà theo. Nơi dành
sẵn cho mấy nàng trinh nữ? Xin cám ơn. Già quá. Hom hem quá rồi. Hay là
thiên đường, nát bàn? Hoan hô! Nhưng trên đó có đàn bà không? Chắc là
không. Đã là thiên đường, nát bàn thì làm gì có đàn bà! Mấy ông già tào
lao với nhau, xin các tôn giáo (và các bà) bỏ qua cho.
Có lẽ,
chết là hết, như ngủ mà không thức dậy. "Lai như lưu thủy hề, thệ như
phong. Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung" (Kim Dung trong Cô Gái Đồ
Long: Đến như nước chảy, đi như gió thoảng. Không biết đến từ đâu, về
đâu?)
Phạm Thành Châu
No comments:
Post a Comment