Tác giả tham gia VVNM gần đây và được
giải danh dự năm 2016. Ông là một nhà giáo, một sĩ quan QLVNCH, một
chuyên viên về hưu, đang sinh sống tại Orange County. Bài viết mới của
tác giả là một hồi ký về chuyện Việt Kiều hồi hương.
* * *
Má tôi thường dí dỏm “Một thằng Việt Kiều và một bầy Việt gian” để
mắng yêu đám con cháu tụ hợp ăn nhậu rần rần mỗi lần tôi về Việt Nam
thăm gia đình.
Năm 1998 tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên sau 25 năm xa xứ.
Ngồi
trên máy bay mà lòng tôi hồi hộp vì bấy lâu nay, Việt Kiều bị xem là
“bọn ngụy, là thành phần phản bội quốc gia, làm tay sai cho địch, thù
hằn với cách mạng”, bổng nhiên được vinh danh thành “Việt Kiều yêu nước”
Ý
nghĩa và cảm xúc của cụm từ “Việt Kiều” thay đổi theo thời gian với bao
vui buồn vinh nhục, kẻ thương người ghét, kẻ khen người chê. Việt Kiều
có thể phân biệt giữa Việt Kiều “chui” và Việt Kiều “ bay”. Việt Kiều
“chui”, phải trốn chui trốn nhủi liều chết mà đi, được danh hiệu Việt
Kiều phải trả bằng mồ hôi, nước mắt, tội tù, và cả sinh mạng của mình.
Còn Việt Kiều “bay” ung dung ra đi, được người đưa kẻ đón, bay vù là tới
đích. Rồi tiệc tùng khoản đãi, tiếp đón vui mừng. Nhưng nói chung
chung, Việt Kiều là …Việt Kiều. Có ai phân biệt Việt Kiều “chui” hay
Việt Kiều “bay” bao giờ?
Theo định nghĩa Việt Kiều là người Việt
Nam ở ngoại quốc (overseas Vietnamese) một khi trở lại Việt Nam sẽ là
người Việt, nên phải chịu sự quản trị của chính quyền VN. Điều nầy đúng
cho các “Việt Kiều bay” vì họ song tịch, nhưng đối với các “Việt Kiều
Chui”, họ đâu còn là công dân của CHXHCNVN nữa nhưng vẫn “được xử đẹp”
khi vừa đặt chân đến phi trường Tân Sơn Nhất.
Tội nghiệp “Việt Kiều chui”, chui đi rồi lại chui về, chui cách nào cũng khổ!
***
Khi bang giao Việt Mỹ vừa được thành lập (July 11, 1995) quyết định về Việt Nam là cả một sự liều lĩnh. Có người còn trăn trối trước ngày ra đi; hồi hương mà còn hơn ngày nào vượt biển! Việt Kiều bị kiểm soát theo dỏi chặt chẽ. Đến phi trường phải khai báo với hải quan tất cả những gì mang theo kể cả nhẫn cưới, đồng hồ cho đến cái quẹt zippo. Khi rời Việt Nam nếu thiếu sót món nào sẽ được “mời” đi “làm việc”.
***
Khi bang giao Việt Mỹ vừa được thành lập (July 11, 1995) quyết định về Việt Nam là cả một sự liều lĩnh. Có người còn trăn trối trước ngày ra đi; hồi hương mà còn hơn ngày nào vượt biển! Việt Kiều bị kiểm soát theo dỏi chặt chẽ. Đến phi trường phải khai báo với hải quan tất cả những gì mang theo kể cả nhẫn cưới, đồng hồ cho đến cái quẹt zippo. Khi rời Việt Nam nếu thiếu sót món nào sẽ được “mời” đi “làm việc”.
Anh
bạn ngồi sát tôi trên phi cơ kể lại rằng bạn gái anh đã về năm trước,
phải giấu tiền trong quần lót để mang về cho gia đình đang đói khổ. Tội
nghiệp cô gái đang xinh đẹp trở thành người khuyết tật, đi đứng khó
khăn.
Tôi có người bạn phải trở về Mỹ sớm một tuần, bị khủng
hoảng tinh thần trầm trọng. Anh “đăng ký di trú” ở Sai gòn, rồi về tỉnh
thăm gia đình bên vợ, ngủ lại đêm. Sáng sớm hôm sau có công an đến tìm,
“mời” anh trình diện gấp. Có thể công an chỉ “mời” anh để nhắc nhở đăng
ký chỗ ở mới, nhưng khi được “mời” anh teo quá, vọt luôn về Mỹ, thề
không bao giờ trở lại cái xứ quá lịch sự hay mời mọc nầy.
Phi cơ
vừa đổ xuống phi trường Tân Sơn Nhất tự nhiên cảm giác hồi hợp chuyển
sang lo lắng. Tôi thấy bồn chồn, cái cảm giác sợ sệt, bất an bổng chợt
đến, nhất là khi thấy cờ đỏ treo rợp khắp nơi, cái màu “ấn tượng” làm
tôi thấy ớn lạnh.
Máy bay đậu xa tít ngoài phi đạo. Mọi người tự
khệ nệ hành lý xách tay của mình đi bộ vào phi trường. Thuở ấy không có
cầu quây, cũng không có xe bus. Người nào cũng mang theo mấy túi xách
tay căn phồng vì cố nhét thêm cái bàn chải đánh răng, cục kẹo, cục xà
bông cho gia đình.
Rồi đến màn làm thủ tục. Lúc ấy là thời buổi
“kinh tế”, cái gì cũng hiếm, nên các Quan ở phi trường tiết kiệm cho
quốc gia kể cả tiếng nói và nụ cười, mặt lạnh như tiền, chỉ lườm lườm
nhìn mặt từng người. Quan cầm hết giấy tờ rồi cắm đầu, giúi mắt vào cái
hộ chiếu, lặng thinh, như đang đợi chờ ở tôi điều gì. Không khí nặng nề.
Vì là lần đầu tiên về xứ nên tôi lớ ngớ như đang đứng trước vành móng
ngựa, mắt nhìn vẩn vơ mấy con thằn lằn trên trần nhà. Khá lâu sau, ngài
lừ đừ ngước mắt nhìn tôi, mở miệng bắt đầu thẩm vấn. Tôi cứ vểnh tai
“xin lỗi” mãi, vì Quan nói rất nhanh, lí nhí trong miệng, hình như tiếng
Việt, giọng Bắc mà tôi chưa bao giờ nghe. Quan thấy tôi cứ lớ ngớ mãi
mất thì giờ nên cho đi qua. “Khù khờ” nhiều khi cũng có lợi.
Những
lần kế tiếp tôi về Việt Nam với gia đình. Bà xã tôi muốn được yên thân
như bao hành khách khác, khuyên tôi nên “ Dĩ hòa vi quí”, nhưng tôi nhất
định không nghe vì nghĩ rằng “Hối lộ cho bọn nầy để được yên thân, nhục
nhả lắm”. Mình chửi người ta ăn hối lộ bây giờ lại chính mình xúi họ
ăn!”. Tôi nhất định đóng vai “khù khờ”, đứng lì như lần trước. Nhưng lần
nầy Quan còn lì hơn tôi, không thèm mở miệng. Thấy tình hình không ổn,
bà xã kéo tôi về sau, giả lã chào hỏi rồi chìa tay như bắt tay Quan,
trong bàn tay bà lộm cộm tí quà! Tôi làm ngơ không “thèm” thấy, vừa quê,
vừa nhục, nhưng lại mừng vì được bà xã nhanh nhẩu cứu bồ. Đợi khi qua
khỏi ải tôi hùng hổ cự nự bà, y như một tên hảo hán: “các bà chỉ giỏi
cái miệng thày lay, để đàn ông người ta làm việc”. Bà im rơ, không thèm
trả lời, nhìn tôi bằng cái đuôi mắt!
Thêm mấy trạm xét nữa phải
qua trước khi đến đến trạm nhập cảnh mà tôi gọi là trạm “thông cảm”,
cách xa chừng vài mươi thước, nhưng phải đi lòng dòng mấy lượt mới đến,
trông giống như ở các phi trường quốc tế ở các xứ văn minh, to lớn lắm..
Trạm
nầy các Quan ngồi thụp trong cái hộp, chỉ ló nửa cái đầu và cái mũ kết.
Quan ở trạm nầy hình như không ai biết nói. Họ chỉ nhìn và bổn phận
kiều dân phải “thông cảm” họ đang nghĩ gì. Nơi đây tôi đã một lần lỡ
dại, bị giữ lại vì không biết “thông cảm”, không biết “dằn” chiếu khán
bằng đô. Quan nổi giận, chơi tôi liền tại chỗ. Ngài đưa cho mấy cái mẫu
đơn hất cầm về phía cái bàn trống. Ngài phán:
“Nàm nại cái đơn này”.
Tôi ngạc nhiên, thì ra ngài biết nói cứ đâu có bịnh hoạn gì!
Tôi cự nự:
“Tôi có visa sao phải làm lại?”
Quan vẩn không nhìn tôi, nói trổng không:
“Bảo nàm tì nàm”
Tôi
đã nóng mũi chửi thầm “nàm tì nàm” sợ gì, rồi loay hoay làm lại 3 cái
đơn cho gia đình 3 người. Làm xong, nhìn quanh mọi người đều đã đi hết,
chỉ còn lại gia đình tôi. Tôi sinh lo “Chết cha rồi, còn mấy cái va-li
chưa lấy...” Tôi lính quýnh vội nộp đơn. Quan vẫn không thèm nhìn tôi,
cũng không thèm đọc đơn, phán:
“Nộp ba tấm hình”
“Mồ tổ nội mày, làm sao tao có sẵn ba tấm hình mà nộp?!” tôi chưởi thầm.
Tôi
thấy nóng mặt, rịn mồ hôi trán, định chơi xả láng cho đã tức rồi đến
đâu thì đến. Có cái cùi chõ thúc vô hông, bà xã tôi lườm cho một cái,
rồi nháy nháy một mắt, ý muốn nói “để đó cho bà lo!” Đang hùng hổ tôi
xếp ve. Bà đã nắm sẵn trong lòng bàn tay tờ giấy bạc cuộn tròn, làm như
vô tình với tay bỏ rơi xuống bàn.
Quan vẫn oai nghi, bình thân
như vại, mặt vẫn lạnh như đồng, dằn 3 cái sổ thông hành đã đóng dấu
visa. Vẫn không thèm nói, chỉ khoát tay ra dấu cho đi, còn dạy dỗ theo:
“Nớ né, nần sau nớ nàm tốt né”.
Chỉ
tội cho tôi, bị bà xã cằn nhằn dài dài vì tội anh hùng không đúng chỗ;
và từ đó bà phụ trách luôn “khâu giao tế” ở phi trường.
Hỗn độn
nhất là ở cái trạm hải quan, nơi kiểm soát hành lý. Mặc tình cho mọi
người chen chúc xô đẩy. Nhiều người không biết luật giang hồ, va li bị
mở tung để lục xét, đồ đạc lung tung. Các bà vừa xếp đồ vừa lầm bầm chửi
rủa. Có ông tức quá vất cả đồ xuống đất, văng vảy tung tóe, miệng chửi
thề ỏm tỏi!! Riêng tôi từ lúc được bà xã truất phế thành “phó thường
dân”, mọi chuyện đều tốt đẹp hơn. Bà xã tôi biết “nàm tốt” nên chúng tôi
được tống khứ ra khỏi trạm thật nhanh để trống chỗ cho mối khác.
Có
một lần khác, được tin ba tôi nhập viện vì bị tai biến mạch máu não,
đang trong tình trạng coma. Nóng lòng như lửa đốt, tôi phải bay về Việt
Nam gắp nên không kịp làm chiếu khán. Tôi đi đường bằng một chiếu khán
tạm và được cho biết là chiếu khán chính thức sẽ được cấp khi đến phi
trường TSN. Dĩ nhiên là tôi phải trả một giá rất cao cho dịch vụ chiếu
khán tạm nầy. Vì bắt buộc nên tôi phải đi nhưng “đánh lô tô” trong bụng.
Tới
phi trường TSN, họ giữ luôn sổ thông hành rồi “mời” tôi về nghỉ ở một
khách sạn để chờ giải quyết. Khách sạn nầy sao rất lạ, có cổng sắt đóng
kín mít, lại có lính gác? Anh lính gác cũng đặc biệt, mặc đồ lính nhưng
mang dép cao su và bỏ áo ngoài quần, ngồi gác chân lên bàn.
Căn
phòng nhỏ xíu, sơn màu vàng với cái giường con, khi nằm còn ló hai cái
bàn chân ra ngoài. Người tôi ướt mem “mồ hôi mẹ mồ hôi con” với cái nóng
Sài Gòn hâm hấp. Bóng đèn điện ở giữa phòng thì lù mù, nhấp nhá khi tối
khi sáng theo điệu “tăng gô”.
Đợi cả buổi chiều không thấy ai
tiếp xúc, bị đói run và khát nước khô cả cổ, tôi nhờ anh lính gác mua
giùm chai nước, 2 tô hủ tiếu và gói thuốc, tôi và hắn cứa đôi. Bây giờ
tôi đã khá hơn, biết cách “nàm tốt”. Không có tiền Việt Nam, tôi đưa hắn
tờ $ 20 đô, không thấy anh đưa lại tiền thối nhưng tôi không dám hỏi.
Tô hủ tiếu nhỏ xíu, gắp một đũa là hết sạch. Tôi húp hết nước lèo vẩn
còn đói. Hủ tiếu gõ Sài Gòn thế mà ngon lạ, nhưng giá cả thì không rẻ,
mắc gấp mấy lần ơn ăn ở khách sạn năm sao!
Trời đã tối, tôi bắt
đầu thấy lo. Khoảng 8 giờ có người đến gặp tôi. Anh chàng ăn mặc lịch sự
nhưng tôi phải vểnh tai nghe cho kịp vì anh nói rất nhanh, giọng Bắc lạ
lắm. Bên Mỹ tôi phải vểnh tai ráng nghe vì họ nói tiếng Mỹ, còn ở đây
anh bạn nói tiếng Việt Nam nhưng tôi còn ngố hơn! Anh đề nghị để anh lo
mọi chuyện, tốn $200, bảo đảm ra tức khắc. Tôi nghe mùi khó ngửi, biết
đang gặp bọn bất lương nên từ chối.
Suốt đêm hôm đó tôi không ngủ
được, ôm cái bụng đói thao thức nhìn cái bóng đền chớp chập chờn điệu
“Tăng gô” chuyển sang “xì lô rock”, vừa giận mình ngu, vừa tức mình bị
gạt, lại vừa sợ: “Cá nằm trên thớt, không biết bị chặt kiểu nào đây?”
Sáng
hôm sau, sau một ngày một đêm bị bỏ đói, tôi được trả lại hết giấy tờ
thêm giấy chiếu khán, nhưng phải trả $40 cho khách sạn “không sao”, và
các cước phí khác, tổng cộng khoảng $80. Tắm hơi được khuyến mãi miễn
phí. Một khi cá đã vào rọ rồi, không trầy vi cũng tróc vảy. Tôi kéo vali
ra đường, đứng lơ ngơ như con bị bỏ chợ, chửi thầm mình: “bỏ tật mầy
ngu nghe lời chúng hứa, sao không nhớ lời Tổng Thống Thiệu nói!”
Chuyện
dài phi trường nó xưa như trái đất nhưng nói hoài không hết. Nhưng phải
công nhận là có sự tiến bộ. Ngày nay đến phi trường không còn thấy “ớn
lạnh” như xưa nữa. Hồi xưa Quan “dọa” để ăn. Lần lần Quan ăn nhờ “thông
cảm”. Sau đó thì quan “xin xỏ” đàng hoàng. Thà thế mà vui cả đôi bên,
không thấy tức trong lòng.
Một lần khác tôi đưa bà mẹ vợ về Việt Nam ăn tết. Các Quan vui vẻ xin tiền lì xì:
“Tết nhất đến “dồi”, xin bác cứ “nì xì” vô tư ạ.”
Mẹ tôi nhanh nhảu móc túi lấy mớ giấy bạc nhét vào tay họ. Tôi thấy vậy cự nự bà:
“Má nầy, chỉ tập chúng nó ăn bẩn rồi quen”
Mẹ tôi vừa kéo tay tôi đi nhanh hơn, vừa đi vừa cười tủm tỉm:
“Má đâu có ngu, giấy một đồng đó con!”
Viêt
Kiều ngày nay càng ngày càng “lém”, hù dọa họ không sợ, xin xỏ họ làm
lơ. Các quan ở phi trường sống được là nhờ “dưới hốt trên nâng”, nếu
dưới không hốt thì lấy gì mà nâng lên trên! Các quan “bần cùng sinh đạo
tặc” nên gần đây xuất hiện chiêu mới, rạch toẹt các va li mà chôm chỉa
thì tụi bây có chạy đàng trời!
Bị hành hạ, bóc lột, bị đối xử
lạnh lùng vô cảm, Việt Kiều vẩn ùn ùn kéo nhau về nước. Điều đáng buồn
là cách đối xử “kém văn hóa” nầy chỉ áp dụng cho “Khúc ruột ngàn dậm” mà
thôi. Tôi thấy các hành khách người Á châu như Đại Hàn, đám Tàu ngố mặc
quần “xà lỏn” áo thun đi dép chệt nghênh ngang qua ải. Người Âu người
Mỹ không ai dám đụng đến. Chỉ tội nghiệp cho đám “mít” hồi hương là con
cừu non béo bở một khi đã lạc vào trong đám sói, mặc tình chúng giỡn
mồi.
*
Nắng Saigon như đổ lửa. Các thân nhân đến đón Việt Kiều bị chặn
ngoài sân bởi cái hàng rào sắt. Giữa trời nắng chang chang hàng trăm
người già trẻ bé lớn đứng lố nhố, chen lấn nhau, tay ngoắc miệng kêu,
ráng vương cổ, nhón gót để nhìn thấy thân nhân đang bước ra khỏi cửa phi
trường.
Sao bao năm thương nhớ, nhiều bà mẹ vừa trông thấy con
đã òa lên khóc. Mấy cô cậu trẻ, miệng réo om sòm, tay ngoắc lia, ngoắc
lịa “Em đây nè chị Hai..hu. hu, anh Ba.. hu… hu…” rồi với tay ra ngoài
rào sắt nắm áo người thân miệng mếu máo. Kẻ hân hoan người sụt sùi, gia
đình sum hợp bùi ngùi, cảm động làm sao mà kể xiết.
Chú Út và anh
Bảy đem ghe đến đón tôi ở chợ quận. Lúc ấy (1998) phương tiện giao
thông đường bộ gần như không có. Mọi di chuyển đều bằng ghe.
Hai
mươi lăm năm rồi mới gặp lại nhau, trông ai cũng già đi. Chú Út ngày nào
là cậu thư sinh trung học, bây giờ trông dạn dày sương gió. Anh Bảy,
chàng Thượng Sĩ Quân Cảnh Tư Pháp oai nghi, nay tóc đã hoa râm, tay chân
chai cứng, cái khắc khổ của người nông dân tay lắm chân bùn. Ba anh em
nhìn nhau không biết nói gì. Chú Út rơm rớm nước mắt: “Anh Chín khỏe”
rồi nghẹn lời. Anh Bảy bóp vai tôi thật mạnh như muốn tỏ hết tình thương
và sự vui mừng, mắt ai cũng rưng rưng ngấn lệ.
Khi đến nhà, tôi không thể nhận ra bờ sông trước nhà nơi mà ngày xưa tôi cùng hai người anh lặn hụp cả ngày, tắm sông, câu cá.
Cả
nhà tề tựu đón Việt Kiều về xứ. Con nít chạy lăng xăng phụ khuân vác
mấy cái va li. Mấy bà vừa lo cơm nước vừa chạy vô chạy ra thăm hỏi. Mấy
ông khề khà lai rai rượu đế. Hôm nay nhà vui như có giỗ.
Ba tôi
lúc ấy đã mù, ngồi trên bộ ván đợi con. Hai tay ba bóp nhẹ tay tôi, từ
bàn tay cho đến vai, xem con mình mập ốm ra sao, sau bao năm xa cách.
Nước mắt tôi chải dài trên má, nhưng cố gắng không bật thành tiếng khóc
trước mặt mọi người đang quây quần. Má tôi nước mắt lưng tròng, tay bà
nắm tay tôi không rời. Ngồi cạnh ba tôi, bà lắc tay ông rồi nói: “ông
dặn tui không được khóc khi gặp thằng Chín nó về, nhớ nhen”. Trong khóe
mắt sâu thẩm của ba tôi đọng đầy nước mắt. Tôi không dằn lòng nỗi nữa,
chạy vội ra sau nhà bật thành tiếng khóc. Có ngờ đâu anh Bảy cũng giống
như tôi, trốn mọi người, đang đứng khóc sau nhà. Hai anh em nhìn nhau
rồi cùng chùi nhanh nước mắt, trở vào nhà xúm xít cùng anh em, rót rượu
cụng ly chúc mừng nhau, “dô, dô” vui như hội.
*
Quê hương là cái nôi nuôi ta khôn lớn, là nơi mà những hạt giống yêu
thương được gieo trồng, nẩy mầm, ăn sâu thành cội rễ. Đó là cái gốc
Việt. Việt Kiều tha hương như đám chim lạc bầy khát khao được bay về tổ
ấm để tìm lại những hạt giống yêu thương đó, cái mà mà họ thiếu thốn ở
xứ người.
Rồi theo thời gian, những Việt Kiều lớn tuổi lần lượt
ra đi, âm thầm mang theo với họ những hình ảnh đẹp của quê hương ngày
xưa. Giấc mộng ngày vinh quang trở về với quê cha đất tổ đành gởi lại
cho đàn con. Nhưng tiếc thay đàn con, những Việt Kiều hậu bối, đã thay
đổi rồi. Dưới mắt họ, Việt Nam xa lạ quá, nó có gì đâu mà lưu luyến, để
mà về!
Cả người Việt Nam trong xứ nếu có cơ hội còn muốn bỏ xứ mà
đi. Phong trào xuất ngoại đang rần rộ trong mọi giới. Các đại gia tìm
nơi rửa tiền. Thành phần trí thức, giới trẻ đi tìm đất lành chim đậu.
Giới bình dân, vì bát cơm manh áo, phải chấp nhận “xuất khẩu lao động”,
xuất khẩu “ô sin”. Nhưng cái quốc nhục là phong trào xuất khẩu “gái
giống” sang Tàu, Đài Loan, Đaị Hàn dưới hình thức cô dâu. Thật đau đớn
thay cho con cháu bà Trưng, bà Triệu ngày nay!
Mặc ai bỏ xứ ra đi, mặc ai không màn trở lại, Việt Kiều khắp nơi vẫn ùn ùn kéo nhau về xứ.
Họ
có thể là những “Việt Kiều cô đơn” luôn canh cánh bên lòng nỗi buồn
viễn xứ muốn hồi hương để gặp lại người thân, tìm lại hương vị quê
hương, muốn nhìn lại nơi chôn nhau cắt rún của mình. Việt kiều nầy ngày
nay là “loài quí hiếm”, rất khó tìm.
Họ có thể là những “Việt
Kiều áo gấm về làng”, là thành phần trẻ đã tạo được đời sống ổn định,
tài chính dồi dào, nay “Vinh quy bái tổ” để giúp đỡ thân nhân, xun xoe
cùng hàng xóm láng giềng.
Họặc họ là những “Việt Kiều du khách”.
Họ muốn nhìn thấy và khám phá Việt Nam, hoặc để tìm nơi vui chơi giải
trí, hàng tốt, giá bèo.
Nhưng thành phần cần suy ngẫm là những
“Việt Kiều cơ hội” thành phần đã chóng quên dĩ vãng đau thương quay về
họp tác với CSVN vì tiền. Đồng tiền đã biến họ thành những “Việt Kiều
vong bản”, đã góp tay xây dựng chế độ CS đề cùng nhau rút rỉa xương tủy
Việt Nam.
Từ ngày viễn xứ, tôi xem mình như là con chim Việt lạc
bầy nhìn lại quê hương với một nỗi niềm riêng. Việt Nam thay đổi quá
nhiều, quá nhanh, đến đổi tôi không còn theo kịp nữa. Sau 44 năm lưu
vong nhìn lại quê hương, sao thấy mình xa lạ. Tôi tự hỏi có phải chăng
tôi đã tách rời khỏi quê hương hay chính quê hương đang từ bỏ những con
chim lạc bầy?
Tôi thấy xót xa trong lòng mỗi khi nghe câu hát nhạc của sĩ Lam Phương:
"Ngày xưa tôi quen từng viên đá quanh sân trường”
“Nay sao nghe khác từ tên đường!”
Tôi
thấy mình lạc lỏng vì đã bỏ quê hương xứ sở mà đi, nhưng sao có những
người trẻ tại Việt Nam như cô giáo Lam cũng thấy lạc lỏng giữa quê hương
của mình? Cô đã viết lên niềm đau ray rứt trong tim qua bài thơ “Đất
nước mình ngộ quá phải không anh” đã làm rung động bao trái tim:
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…
Niềm
đau ray rứt nầy không phải của riêng cô, mà là của hằng triệu trái tim,
là niềm đau chung của dân tộc Việt Nam, kể cả những người Việt lưu vong
khắp nơi trên thế giới, những người còn gọi Việt Nam là “đất nước
mình”.
Chú Chín Cali
No comments:
Post a Comment