Sunday, June 10, 2018

Tôi Đi Học Chung Với Người Việt “Mới”


Mới tức là… không cũ, nói nghe huề trớt luôn hà. Tôi gom tất cả những người được học hành, hấp thụ nền văn hóa văn minh, nhân bản VNCH miền Nam vào lớp “người Việt cũ”, còn tất cả những ai mới qua Mỹ theo diện thân nhân bảo lãnh, kết hôn, đầu tư, làm việc… đều là “người Việt mới”.  Bởi lẽ, sau khi chiếm toàn bộ quyền cai trị miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra, cộng sản Bắc Việt ra sức tẩy não, nhồi sọ người dân miền Bắc theo “chuẩn” gọi là “con người mới xã hội chủ nghĩa” và tiếp tục như vậy ở miền Nam sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975.

Khái niệm “cũ”, “mới” do tôi tự “sáng tác” ra để gọi cho ngắn gọn cũng chỉ là tương đối thôi, vì có những người tuy qua Mỹ sống lâu năm nhưng cách cư xử nơi công cộng cũng chẳng khác gì trẻ trâu nhà sản, nhưng số này thì hiếm hoi, thỉnh thoảng xui xẻo lắm mới gặp. Ngược lại, có những người tuy thuộc thế hệ “cũ”, nhưng vì hoàn cảnh gia đình mà những năm gần đây mới được đoàn tụ thì cũng không phải là “người Việt mới”.

Các lớp dạy ESL vỡ lòng cho người chưa biết gì về tiếng Anh, dạy thi quốc tịch của người Việt ở Mỹ là nơi tập trung người Việt “mới” nhiều nhứt. Khi mới qua Mỹ, tôi cũng phải vô lớp này học trước khi vào học ở trường chính thức thuộc hệ thống Community College của Chính phủ. Có lẽ đây là những địa điểm bát nháo, xô bồ hỗn độn nhất mà tôi từng biết ở Little Sài Gòn. Thầy cô phần lớn là các tình nguyện viên thiện nguyện, nên lớp học lúc nào cũng như cái chợ chồm hổm. Ông (bà, anh, chị, chú, bác, cô, dì) nào cũng nói chuyện oang oang trong giờ học với đề tài nhai đi nhai lại: Khoe giàu có ăn ở không suốt ngày không làm gì cả hoặc than thở qua Mỹ khổ quá, phải giữ cháu, phải kiếm việc làm thêm, không có chỗ chơi, muốn đi đâu phải lệ thuộc con cháu, trong khi ở Việt Nam thì không phải làm gì hết chờ mỗi tháng bên đây gởi tiền về xài; Khoe chồng, khoe con, khoe mới sắm nhà (sáu trăm ngàn trở lên nghen); Khoe mới về Việt Nam những địa điểm này này này hoặc kế hoạch về Việt Nam chơi trong thời gian tới; nịnh bợ giáo viên một cách trơ trẽn; mới vô học chưa đầy một tháng đã kêu than học khổ quá, trong giờ học cứ nói chuyện điện thoại, để chuông điện thoại reo ầm ĩ, đem đồ ăn thức uống vô ăn uống nhồm nhoàm, từ lớp này chạy tọt vô lớp kia kêu người quen nói chuyện từa lưa như không nhìn thấy người ta đang học, giáo viên nhắc nhở riết cũng ngao ngán luôn, v.v… Ngày nào vô lớp cũng nghe riết, stress quá tôi phải đem theo cục cao su nhét một bên lỗ tai, ngồi hơi nghiêng, chừa một bên hướng của giáo viên để nghe mà thôi.

Có lần, nghe hoài cái điệp khúc “học khổ quá, học không biết gì hết” của một bà mới vô lớp khoảng hơn tháng, chịu hết nổi, tôi nói: “Tôi học bốn chục năm rồi mà tôi còn thấy tôi dốt, phải đi học lại. Bà mới học có hơn tháng mà kêu cái gì.” Bả hỏi: “Học gì mà bốn chục năm?”. Trả lời: “Tôi học từ năm sáu tuổi, năm nào tôi cũng học, không học ở trường thì tự học, năm nay tôi bốn tám tuổi chẳng phải là học bốn chục năm hay sao? Tôi có một rổ bằng cấp đủ thứ thượng vàng hạ cám ở Việt Nam nè”. Bả im tịt, sau này hễ thấy có bản mặt tôi trong lớp thì không dám kêu đi học khổ nữa.

Gần đến 30 Tháng Tư năm ngoái, một ông sồn sồn hỏi: “Ở đây có nghỉ lễ 30 Tháng Tư không?”. Tôi trả lời: “Có lễ, nhưng là lễ tưởng niệm ngày quốc hận, tưởng niệm nạn nhân cộng sản, không ăn chơi nhảy múa, không nghỉ học, nghỉ làm. Ai muốn nghỉ “lễ 30 Tháng Tư” thì về Việt Nam sống với cộng sản sẽ được nghỉ thoải mái”. Ổng cũng im tịt luôn, hết dám nhắc đến chuyện “lễ 30 Tháng Tư” trong lớp học.

Vì là cái nhà được thuê để dạy học, nên học viên mỗi buổi học ngồi kín ba phòng hơn trăm người mà chỉ có duy nhất một cái restroom (đơn) nhỏ híu, mỗi lần vô được một người, nên chuyện xếp hàng để “giải quyết nỗi buồn” là đương nhiên. Ngày nào, nhân viên trung tâm cũng dọn vệ sinh, các loại giấy xài, xà bông, kiếng soi được trang bị đầy đủ. Nhưng hỡi ơi, hễ bước vô sau “quý ông” thì y như là thấy nước tiểu văng dính tứ tung trên miếng nhựa bệ ngồi bồn cầu, mà vô sau “quý bà” thì thấy rành rạnh dấu giày sắc nét rõ như in trên bệ ngồi. Có nhiều hôm đứng ngoài chờ mãi hơn mười lăm phút mà cửa phòng cứ đóng im ỉm, đám đông bên ngoài đập cửa, mở cửa ra mới biết “mẹ” kia đang nói điện thoại, hoặc đang make up lại mặt tiền. “Mẹ” còn mặt mũi hầm hầm như chực ăn tươi nuốt sống người nào đã dám “quấy rối”. Tôi hỏi: “Tại sao mấy chị không cho mẹ đó một bài học để biết cách ứng xử văn minh nơi công cộng?”, thì câu trả lời của các “nạn nhân” làm tôi bật ngửa: “Thôi, tôi sợ bị thù. Chị nói đi”. Trời đất quỷ thần ơi, đúng là tư duy sống hèn đúng kiểu cộng sản nhồi sọ luôn. “Thù” thì làm gì nhau được mà phải sợ? Tôi trả lời: “Quyền lợi của mấy chị thì mấy chị tự mà nói, tại sao tôi phải nói? Khi nào tôi là cái người đứng xếp hàng nãy giờ như các chị thì tôi không để yên cho kiểu cư xử rừng rú đó.”

Khủng khiếp quá, tôi âm thầm kiếm nơi khác để “tỵ nạn giáo dục”. Chuyện tôi tìm được chỗ học ở Coastline Community College tôi chỉ nói cho hai người ngồi cạnh tôi biết, không hiểu sao qua hôm sau, hầu như tất cả học viên ở trung tâm này đều biết. Họ xúm lại hỏi han tôi, nhưng không phải hỏi tôi học lớp nào, ngành gì, địa điểm học ở đâu, thủ tục nhập học thế nào… mà chỉ hỏi một câu duy nhất: “Vô đó học thì xin được bao nhiêu tiền?”, nghe là sôi máu lên liền, lại thêm kiểu làm việc gì cũng chỉ vì tiền, chỉ biết có tiền là trên hết theo tiêu chí tôn thờ vật chất của cộng sản. Trả lời: “Tôi đi học là học cho tôi, không phải để xin tiền. Ai muốn xin tiền cứ qua đó hỏi, tôi không biết”.


Ngày chấm dứt kỳ học ở trung tâm của người Việt này, tôi mừng như được thoát khổ nạn, còn học ở đó lâu chắc bị thần kinh luôn quá. Xong, qua Coastline Community College nhưng vẫn chưa được “thoát khổ nạn” triệt để, bởi vì khu vực quận Cam, Nam Cali này đông người Việt quá, nên tuy rằng trường thuộc hệ thống giáo dục của Chính phủ Mỹ nhưng người Việt “mới” cũng chiếm số lượng rất đông, áp đảo nhiều sắc dân khác.

Hệ thống restroom của trường này rất nhiều phòng nhỏ và sạch sẽ như trong khách sạn có sao. Tuy nhiên, trong phòng học, trong restroom vẫn lù lù tờ giấy in chữ đậm bự chà bá lửa viết bằng tiếng Việt dán trên tường: “Xin đừng viết vẽ lên bàn học. Không nói chuyện riêng trong giờ học”, “Xin đừng vứt giấy chùi tay vào bồn cầu, mà hãy vứt vào thùng rác”. Thiệt nó giống y chang như ở các khu du lịch, nhà hàng bên Nhựt, bên Thái, họ ghi mấy cái bảng tiếng Việt tổ bố: “Ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, lấy dư thức ăn phải trả thêm tiền” hoặc “Ăn cắp bị xử tội rất nặng từ … tháng đến … tù, phạt tiền từ … đến… yên (bạt)”. Vậy mà tình trạng coi lớp học như phòng riêng nhà mình, hay dấu giày trên mặt bồn cầu vẫn xảy ra, nhưng không nhiều đến mức phát khiếp như ở trung tâm dạy tiếng Anh (đã kể ở trên) mà thôi.

Kỳ học rơi vào dịp Thanksgiving, vậy là họ bàn bạc với nhau mỗi người phải nộp từng này, từng này tiền để mua quà cho giáo viên, để liên hoan, có người mới qua thật sự khó khăn nhưng cũng phải bấm bụng mà “góp” rồi tâm sự rằng ai cũng vậy, không “góp” cảm thấy ngại lắm. Có người còn công khai nói rằng “Bả đã gợi ý, không tặng quà thì bả khinh thường, bị đì”. Coi như ai cũng “góp”, riêng tôi trả lời thẳng là: “Tôi không có tiền, không góp. Lòng biết ơn phải chân thành, nếu ai có khả năng cứ mua quà tặng thì cũng tốt, chớ tôi không chạy theo phong trào, gượng ép. Ðây là xứ Mỹ chớ không phải xứ Việt cộng, chẳng có thầy cô nào dám gợi ý học trò tặng quà, cũng không thầy cô nào dám khinh thường học trò, đì học trò vì không tặng quà”.

Chuyện học sinh oang oang “tám” với nhau kêu rêu là thầy, cô khó khăn, hách xì xằng, không cho copy bài, bài làm giống nhau bị cho điểm 0 cả hai bài ngay lập tức, trong khi làm bài test thì giấu điện thoại di động dưới gầm bàn để dùng Google, khoe chuyện học hành, nhà cửa, gia đình đứng cách chục thước còn nghe rõ… là chuyện cơm bữa. May phước thầy, cô người Mỹ, người Mễ, không nghe được tiếng Việt những điều học sinh nói về họ nên tôi cũng cảm thấy đỡ phải nhục lây.

Chuyện về người Việt mới ở Little Sài Gòn còn dài, nhưng tôi tạm ngưng ở đây, dịp khác sẽ kể về người Việt “mới” ở quán coffee, siêu thị, nhà hàng, tiệm ăn…

Trong một bài viết, chú Bùi Trọng Nghĩa (cựu TQLC VNCH, k18) đang sống tại Little Sài Gòn viết: “Ông nhà văn Hoàng-Hải-Thủy của miền Nam cũ, mới đây cay đắng than rằng “Nếu một ngày nào đó trên đất nước Hoa-Kỳ này, giữa nơi ở của những người Việt tị nạn có phất phới lá cờ đỏ sao vàng thì xin cho tôi được chết trước!” Nghe mà xót xa cay đắng quá! Mong là con bài 2 nút sẽ không thắng ngược 9 nút thêm lần nữa!” (sic).
Tôi cũng có cùng tâm trạng với chú Nghĩa. Vì sao người Việt tỵ nạn cộng sản phải chống cờ máu cộng sản ở Little Sài Gòn này, những mẫu chuyện nhỏ mà tôi kể ở trên là câu trả lời rõ ràng nhứt. Những kẻ qua Mỹ với căn cước tỵ nạn chính trị mà không chống cờ máu cộng sản thì thật không xứng với mấy chữ “tỵ nạn chính trị”, họ qua Mỹ để làm gì thì ai mà biết được. Nếu một ngày nào đó mà ngay tại “Thủ đô tỵ nạn- trung tâm chống cộng nước Mỹ” lại rợp màu cờ đỏ, thì lúc đó tôi không biết tôi sẽ chạy đi tỵ nạn cộng sản ở đâu???

TPT
http://baotreonline.com

No comments:

Post a Comment