Sunday, September 2, 2018

Lan Man Về Chữ Hiếu Ngày Nay - Vũ Đình Mai


Nói Bàn về chữ Hiếu có lẽ không được chính xác lắm. Bởi lẽ, với dân tộc Việt, sự hiếu đễ đã trở thành một đạo.

Với chức năng phát triển và duy trì nòi giống, động vật nào có con nhỏ cũng dám xả thân để bảo vệ các con của mình. Cứ nhìn cách bảo vệ con của những con ngan, con gà, con chó… quanh mình cũng thấy những con mẹ trở nên đáng sợ thế nào đối với đối tượng mà chúng nghĩ có thể gây hại cho con của chúng! Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng ấy chẳng duy trì được bao lâu và cũng chỉ một chiều theo kiểu “nước mắt chảy xuôi”. Chưa có con vật nào, dù còn nhỏ hay đã lớn đứng ra bảo vệ bố mẹ của chúng. Khi lũ con đã tự kiếm sống được thì quan hệ mẫu tử, huyết thống không còn một chút dấu ấn nào. Chúng hoàn toàn trở thành những cá thể độc lập, chí có trách nhiệm với chính mình. Đây là điều khác biệt lớn nhất giữa loài người và loài vật. Bởi vì con vật hành động theo bản năng mà Tạo hóa đã lập trình cho chúng.

Đạo Hiếu thuộc phạm trù Văn hóa, mà Văn hóa là phạm trù riêng có của loài người. Văn hóa nói riêng và đạo Hiếu nói chung hình thành và phát triển trong từng cộng đồng, từng khu vực địa lý nhất định, nên có những điều khác biệt nhất định.

Triết học phương Tây bàn rất nhiều về con người nhưng bản thân tôi, có lẽ do chưa tìm hiểu kỹ, nên chưa thấy nhà triết học phương Tây nào bàn về chữ Hiếu cả. Người ta nhắc đến con người như một thực thể độc lập, là kết quả sự tác động qua lại của từng cá nhân với toàn xã hội. Marx có định nghĩa: Bản chất Con người, trong tính hiện thực của nó là tống hòa các mối quan hệ xã hội… Triết học phương Tây từ khởi thủy đến cận đại đều không nói gì (hay có nói mà mình không biết) về trách nhiệm của con cái đối với ông bà, cha mẹ. Cũng không biết Hiến pháp của họ có ghi trách nhiệm này không. Riêng điều này thì rất nhiều người biết:  Con cái có quyền kiện bố mẹ ra tòa nếu bố mẹ vi phạm thân thể và tinh thần của chúng, can thiệp vào tự do cá nhân của chúng.

Ở phương Đông thì khác. Hai nhà tư tưởng cố đại lớn nhất phương Đông là Phật tổ Thích Ca Mâu Ni và Khổng Khâu bàn khá nhiều, khá sâu về trách nhiệm của con cái đối với dòng tộc, ông bà, cha mẹ. Các cụ gọi đấy là sự Hiếu đễ hay là Đạo Hiếu. Hai nhà tư tưởng lớn này luôn khuyên bảo mọi người rằng muốn làm tròn trách nhiệm với sơn hà xã tắc thì trước hết phải làm tròn trách nhiệm với gia đình. Đức Phật khuyên con người phải sống khỏe mạnh, giầu trí tuệ để có điều kiện tốt nhất nuôi nấng cha mẹ và con cái của mình, chăm lo đến hạnh phúc của từng thành viên trong gia đình mình. Không làm điều ác, điều xấu để không tạo nghiệp xấu cho con cái nói riêng và các thế hệ kế tiếp sau nói chung. Khi ông bà, cha mẹ còn sống thì ngoài việc chăm lo đầy đủ thức ăn, đồ mặc, thuốc men, còn phải luôn luôn vấn an, chăm sóc về tinh thần cho các cụ. Không phải chỉ lo cho ông bà, bố mẹ mỗi ngày hai bữa đã là báo hiếu đủ đầy. Khi ông bà cha mẹ qua đời thì phải lo chu tất ma chay, nhưng không được phô trương, lãng phí. Phải biết sống sao cho thanh thản, biết buông bỏ, biết hỷ xả, biết hướng thiện để hương hồn ông bà cha mẹ được siêu thoát nhẹ nhàng, không bị vướng bận vào nghiệp xấu do con cháu gây ra. Nếu làm ăn gian dối, độc ác, mắc vòng lao lý thì hương hồn ông bà cha mẹ vướng bận vào đấy mà không siêu thoát được. Đây cũng là một điều bất hiếu. Các cụ ta có câu: Thương dân, dân lập đền thờ / Hại dân, dân đái ngập mồ, thối xương. Nếu ai mà để cho dân phải thực hiện cái vế dưới của câu ca dao này thì đúng là không những đại bất hiếu mà còn là trọng tội với ông bà cha mẹ, tổ tiên.

Cụ Khổng Khâu còn bàn chi tiết hơn. Việc hôn nhân phải theo sự xếp đặt của cha mẹ. Nhất là đối với con gái, dù bị cha mẹ gả bán cho một ông lão đã có năm thê bảy thiếp, vẫn phải nghe theo. Với người con trai, cha làm nghề gì phải theo nghề đó. Nếu muốn đổi nghề cũng phải đợi đoạn tang cha. Trong những năm còn để tang cha mẹ, con cái tuyệt đối không được lấy vợ, lấy chồng, thậm chí không được tham gia những cuộc vui chơi, hội hè của cộng đồng…Nhiều, nhiều lắm những chi tiết gọi là Đạo Hiếu của cụ Khổng. Những điều ấy còn có thể cố gắng mà theo được, vì nó phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Nhưng có những điều không phải ai muốn cũng làm được, đó là điều cụ ấy khẳng định: Trong các tội bất hiếu thì tội không có con trai là tội nặng nhất!  Không biết dạy điều này khi cụ ấy đã có con trai hay chưa? Nếu như cụ ấy sinh toàn con gái thì chắc không có điều dạy làm khốn khổ bao nhiêu con người của bao nhiêu thế hệ trong kiếp nhân sinh này! Bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người vợ thục hiền bị trả về cho cha mẹ đẻ chỉ vì không sinh được con trai cho nhà chồng! Như là nhà chồng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng nên họ có quyền trả lại!

Ơn trời có luật vật đổi sao dời, nương dâu bãi bể, trái đất của chúng ta đang ngày một phẳng ra và nhỏ đi. Ngày nay, mỗi con người không chỉ là công dân của một vùng địa lý cố định, trong một cộng đồng cố định mà đã trở thành công dân của toàn nhân loại, của cả hành tinh. Sự giao lưu giữa các nền văn hóa ngày càng diễn ra ồ ạt, không một biên giới vững chắc nào, không một định chế bảo thủ nào ngăn cản được nó.

Ngày nay, các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà triết học phương Tây đang hướng nhiều hơn về phương Đông. Những tinh hoa văn hóa của vùng này đã được vùng kia trân trọng đón nhận. Thanh niên phương Tây đã biết quan tâm đến bố mẹ hơn, thanh niên phương Đông đã được chủ động tìm vợ, tìm chồng theo sở nguyện của mình. Hôn nhân đã được xây dựng trên nền tảng của Tình yêu. Các cặp vợ chồng không còn khốn khổ vì không sinh được con trai nữa.
Đấy là mặt tích cực của Thế giới phẳng, của quá trình Toàn cầu hóa.

Nhưng, sự, vật nào cũng có mặt trái, mặt tiêu cực của nó.
Công việc kinh doanh, sản xuất ngày nay khác rất xa công việc gieo trồng lúa nước của cha ông ta ngày xưa. Gia đình truyền thống tam đại, tứ đại, thậm chí ngũ đại đã không còn phù hợp nữa. Nhiều người trưởng thành ở nông thôn đã gia nhập đội quân lao động mới, tập trung chủ yếu ở các đô thị, các khu công nghiệp, thương mại lớn. Hình thức gia đình chủ yếu hiện nay là một vợ một chồng với một, hai đứa con. Hiện tượng hai ông bà già, thậm chí chỉ một ông hoặc một bà già sống xa con cháu không chỉ ở nông thôn mà đã xuất hiện nhiều ở các đô thị. Nhiều cụ suốt năm này sang tháng khác sống thui thủi một mình, khi trái gió trở trời, chỉ biết nhờ cậy bà con làng xóm. Ấy vậy mà vẫn lẩm bẩm cả ngày rằng không biết chúng nó có khỏe mạnh không, làm ăn có thuận lợi không, các cháu học hành thế nào, có vất vả lắm không…?
Vấn đề báo hiếu của những người con xa cha mẹ phải được thể hiện như thế nào trong thời đại này là cả một câu hỏi lớn.

Nhưng Văn hóa là một thực thể động, nó luôn thay đổi để thích nghi với đòi hỏi của cuộc sống hiện tại. và nó cũng luôn phải sàng lọc, đào thải, sửa chữa để đáp ứng tốt nhất cho cuộc sống. Văn hóa từng là kim chỉ nam cho cuộc sống đã trở thành công cụ phục vụ cuộc sống. Đạo Hiếu nằm trong phạm trù Văn hóa thì Đạo Hiếu cũng sẽ biết cách ứng biến cho phù hợp với đời sống hôm nay. Ngày nay phương tiện đi lại đã nhanh chóng hơn, an toàn hơn. Việc gửi tiền đinh kỳ cho bố mẹ còn nhanh chóng hơn nữa. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, điện thoại di động đã là vật bất ly thân của cả những cụ ông cụ bà bảy tám mươi tuổi. Hàng ngày các cụ không những được nói chuyện mà còn nhìn thấy con cháu mình trong màn hình điện thoại. Dăm ba ngày không thấy con cháu gọi về là các cụ chủ động gọi cho chúng ngay. Nếu có sự cố gì, chỉ cần vài tiếng đồng hồ là con cháu đã tụ tập đông đủ. Nếu chúng ta bằng lòng với những điều đó để con cháu yên tâm làm ăn, học hành là đã góp phần giữ gìn hạnh phúc trong đại gia đình của chúng ta rồi.

Thời đại nào, xã hội nào cũng là tập hợp của nhiều dạng người. Những người làm thuê trong các công xưởng của các ông chủ nước ngoài phải làm việc cật lực mà đồng lương không đáng bao nhiêu, nuôi được bản thân và đứa con nhỏ trong căn nhà trọ bé xíu đã vất vả lắm rồi. Không thể có tiền gửi về nuôi cha, dưỡng mẹ.

Trái lại, có nhiều nhà tiền của sẵn sàng đè chết người, nhưng họ còn sống tệ hơn những người nghèo khó. Một bạn già kể với tôi rằng: Một sáng, cậu con trai gọi điện về, nó bảo, Bố ơi, con chó nhà con không biết vì sao, nó chết mất rồi, bố ra trông nhà cho con ít ngày. Khi nào con tìm được con chó khác thì bố hãy về. Ông bạn già buồn rầu bảo: Ông thấy tôi có nhục không? Nó chỉ cần mình giữ nhà thay con chó nhà nó thôi! Nhiều ông bà được con đưa vào thành phố sống với vợ chống, con cái chúng, nhưng, chúng nhốt các cụ trong một căn phòng áp mái, quanh năm không cho xuống phòng tiếp khách của chúng, chứ đừng nói được đi ra ngoài. Ngày hai bữa, ôsin đem cơm lên, ít phút sau đem bát xuống…một ngày cụ chỉ được nhìn thấy người khác trong mấy lần ấy mà thôi. Được con “báo hiếu” như thế mà không phát điên cũng là may rồi. Chưa kể nhiều cụ trở thành một “du khách” bất đắc dĩ vì hàng tháng phải ôm dúm quần áo cũ di chuyển từ nhà con này sang nhà con kia để chúng nó “báo hiếu”. Những hiện tượng như trên không biết có nhiều không? Chúng ta có nên mở một cuộc điều tra xã hội học về vấn đề này để tìm cách khắc phục một cách bài bản không?

Hải Phòng, tháng Vu Lan Mậu Tuất.
V.Đ.M

2 comments:

  1. Một bài viết hay về chữ Hiếu ngày nay. Hình như nhiều gia dình sống ở hải ngọai bây giờ cha mẹ thà sống cô đơn ở nhà khác chứ không thích sống chung với con cái vì mỗi người có một sinh hoạt riêng và không muốn đụng chạm nhau. "Ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng" là thế đấy! Cũng đành thôi.
    cám ơn TK đã post. Chúc an vui.
    Sương Lam

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng vậy chị Sương Lam ơi. Em quen một gia đình có cha mẹ già 90. Hai bác không còn khả năng tự chăm sóc mình nhưng hai bác thà vô viện dưỡng lão chớ không muốn phiền con cái.
      Cám ơn chị đã đọc và comment.
      Chúc sức khỏe anh chị.
      Tk

      Delete