Monday, June 10, 2019

Bồi Hồi Giữa Bidong Bây Giờ... Lưu Dân - Tôn Thất Vinh


Hòn đảo cách bờ hơn nửa giờ ca-nô cao tốc, chỉ rộng 1 cây số vuông, nguồn nước ngọt ít ỏi và (hầu như) không có thú rừng nhưng, theo hồ sơ còn lưu trữ tại Văn phòng Trung ương Hội Hồng Nguyệt Malaysia, nó từng là nơi tiếp nhận tạm cư cho hơn 300,000 người vượt biển từ Việt Nam trong những thập niên 70-90 của thế kỷ trước.

Bidong ơi Bidong...

Hơn 1,000 thuyền nhân Việt Nam đã gửi thây ở đây và trên các đảo lân cận khác. Số trẻ em ra đời trên đảo trong thời gian đó cũng bằng số người qua đời…



Vậy mà đã hơn 40 năm rồi, từ khi Bidong mở cửa vào tháng 8/1978 để tiếp cư cho dòng người tỵ nạn vượt thoát chế độ chính trị hà khắc ở quê nhà.
Bây giờ, trong chuyến thăm viếng Bidong vào tháng 4/2019 vừa qua của nhóm bạn tự đặt tên là “Bidong Family” (phần đông là từ Australia), hình ảnh hòn đảo nhiều kỷ niệm đó đã hoàn toàn không còn nhận ra...



"Thuyền ra cửa biển..."

Trái ngược với những lần dắt díu vượt biên trong bóng đêm, hồi hộp sợ công an phát giác, mửa mật vì sóng gió biển khơi, hoặc hãi hùng khi đối mặt với hải tặc... chuyến đi thăm Bidong của nhóm được thực hiện êm ru như "Tháng Ba bà già đi biển".

Hai chiếc ca-nô cao tốc xé nước băng ra đảo từ bến phà du lịch Redang (thuộc bang Terengganu). Chưa kịp chụp hình hoặc quay phim cảnh Bidong từ xa đã thấy nó lù lù trước mặt...



Hội ngộ Bidong

Trong nhóm có nhiều người về Bidong lần đầu nhưng cũng có một số đã thăm lại hòn đảo này vài lần. Dù mới hay cũ, cảm giác vẫn giống nhau khi đặt chân lên cầu jetty, bồi hồi và xúc động.



Căn lều qua đêm

Bây giờ, bạn có thể ngủ lại đêm ở Bidong nếu xin được giấy phép từ Viện bảo tàng – cũng dễ, chỉ thủ tục hành (là) chính thôi mà. Bạn cũng có thể thuê các căn lều cá nhân (giá khoảng 10 đô Úc một căn) từ nhân viên phục vụ du lịch trên đảo.



Đây là một trải nghiệm tuyệt vời mà người viết đề nghị nên làm, vì có lẽ hiếm khi bạn có dịp lang thang tìm lại dấu vết xưa, ngắm hoàng hôn trên đảo, tắm đêm ở bãi Zone A và, nếu may mắn như chúng tôi, một bữa BBQ hải sản tươi roi rói.



Cánh Buồm Tự Do

Biểu tượng của khát vọng tự do, với 5 cánh buồm bao quanh chiếc trống ở giữa, vẫn sừng sững trên Đồi Tôn giáo trong ánh hoàng hôn Bidong. Tượng đài cũng vừa được trùng tu cách đây 2 năm.



Chúng tôi đến chiêm bái, đặt tay mình lên Lời Tri Ân (bằng tiếng Mã):
Thuyền nhân Việt Nam tri ân Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Malaysia đã giúp đỡ chúng tôi qua cơn nguy khó.
và bốn câu thơ truy niệm (bằng chữ Nôm):
Nơi đây hương khói ngàn thu
Thuyền nhân tạm nghỉ trong mồ trùng dương
Buồm cao ghi dấu can trường
Trống thiêng gọi kẻ bốn phương tìm về

mà nghe cả biển trời bao la tình tự dân tộc.



Cầu tàu về đêm

Cầu jetty được xây mới với kinh phí 1 triệu Mỹ kim năm 2012 sau khi chính phủ tiểu bang quyết định biến Bidong thành “Hòn đảo di sản di dân và du lịch”.  Ban đêm, cầu jetty được thắp sáng bằng hệ thống đèn solar, lung linh huyền ảo. Nhân viên của Viện bảo tàng Terengganu, cơ quan trách nhiệm bảo trì và phát triển Bidong, cho biết hàng tuần có khoảng 500 người đến thăm địa điểm này, trong đó có nhiều nhóm người Việt từ khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, Bidong cũng là trung tâm nghiên cứu hải dương của Viện đại học Terengganu với khoảng vài chục sinh viên thường xuyên cắm trại và thực tập.


Kể chuyện vượt biên

Ai từng một lần lên thuyền vượt biển đều có câu chuyện của mình. Với vài ly rượu, dăm bài hát bên ánh lửa trại, mọi người trải lòng với nhau về một thời long đong khốn khó.


Dưới bóng từ bi

Chùa Từ Bi, nơi gặp gỡ của hàng ngàn người trên đảo vào những ngày lễ vía và là niềm an ủi sâu xa cho những mảnh đời bất hạnh, bây giờ không còn hình dáng xưa qua nhiều năm dài sương gió.


Những tượng Phật trong và ngoài chùa bị đập nát cũng vừa được trùng tu lại. Chúng tôi lễ Phật giữa chính điện lộ thiên loang lổ ánh nắng mà vẫn cảm nhận ân đức mát rượi dưới bóng từ bi.


Ông già Bidong

Nhiều câu chuyện được kể lại về Ông già Bidong và sự linh nghiệm của pho tượng.  Thời gian và sự phá hoại của con người đã làm hư hại pho tượng trong nhiều năm. Năm ngoái, một số anh em trong nhóm bạn này đã phục dựng lại pho tượng nhân dịp 40 năm Bidong hội ngộ.


Niềm đau chôn giấu

Phía sau nghĩa trang Zone F là một bí mật của Bidong mà mãi đến tận gần đây chúng tôi mới biết. Đó là một niềm đau chôn giấu của những nạn nhân hải tặc bị cưỡng hiếp giữa biển, của những cuộc tình lầm lỡ vụng dại trong thời tạm cư trên đảo…


Những bào thai bị trục phá hoặc sinh non được lén lút (vừa) chôn (vừa) giấu hoặc vất bỏ dưới lớp đất nông nơi này, một bờ đá chênh vênh mà phía sau là vực biển sâu… Quanh đống nhang tàn, chúng tôi đứng cầu siêu cho những linh hồn mồ côi vì vận nước.


Nhớ lại một thời…

Và trước khi rời đảo, một số người trong nhóm cũng không quên lưu lại dấu vết kỷ niệm của riêng mình, dù chỉ “để sóng cuốn đi…”


Bài viết: Lưu Dân 
Hình ảnh: Tôn Thất Vinh, Lưu Dân
www.sbs.com.au

4 comments:

  1. Buồn lắm lắm...Không tình nguyện làm việc chắc những ngày ở đảo dài vô tận. Ghe ủi vô Kelantan. Chuyển đến Marang thuộc Terranganu ..hôm sau đuợc đưa vô Pulau Bidong...đúng nghĩa xa quê huơng...làm gì đây? Một thân một mình..tàu PB381.Có ai quen không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi cùng gia đình tới Bidong cuối năm 79. Lúc đó trên đảo rất đông, dân số khoảng 40 ngàn người.
      Rất nhớ Bidong, những tháng ngày hoang mang vô định không biết sẽ về đâu.
      NPN

      Delete
  2. Cám ơn chị NPN chuyển. Cám ơn tác giả Lưu Dân, bài viết thật buồn của người viễn xứ lần ghé thăm...
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hồng Thúy không phải là "Boat People" chắc không biết cảm giác mừng vui như thế nào khi được một quốc gia tiếp nhận cho cặp bến lên bờ. Mừng lắm Hồng Thúy ơi!Coi như mình đã được mở ra cho một con đường sống. Thật cám ơn đất nước Mã Lai, đảo Pulao Bidong đã cưu mang mình trong lúc chờ định cư.
      Cám ơn Hồng Thúy.
      NPN

      Delete