Chim tu hú là loài chim không ấp
trứng và cũng không nuôi con. Loài chim này chỉ đẻ trứng vào tổ chim khác. Ở
Việt Nam tu hú thường đẻ vào tổ sáo sậu rồi mặc kệ cho sáo sậu ấp trứng nở và
nuôi hộ con mình. Lý do đơn giản khiến tu hú không gửi trứng vào tổ loài chim
khác mà chỉ làm khổ sáo sậu là vì tu hú rất giống sáo sậu, chỉ khác nhau ở
tiếng hót (mà quả trứng thì không biết hót). Khi trứng nở thành chim con rồi
lớn lên và biết hót thì lúc đó sáo sậu mới biết không phải là con mình. Thế
nhưng khi đó thì mọi sự đã muộn.
Tu hú có tên tiếng Anh là Asian Koel, còn tên khoa học là Eudynamys scolopaceus, thuộc họ Cucu (Cuculidae) được tìm thấy ở Nam Á, Trung Hoa và Đông Nam Á. Từ "Koel" có gốc từ tiếng Hindi, còn gốc tiếng Phạn là "Kokila" (theo văn chương Phạn vào khoảng 2000 năm trước Công nguyên loài chim này được gọi là Anya-Vapa có nghĩa là "lớn nhờ người khác nuôi"). Đặc điểm của loài tu hú là loài đẻ nhờ (không bao giờ làm tổ mà chỉ tìm các tổ chim khác để đẻ). Vì vậy chim tu hú non được các loài chim khác nuôi dẫn đến nhiều trường hợp chim con lớn gấp nhiều lần chim cha mẹ nuôi). Khi đẻ, tu hú chỉ đẻ một trứng duy nhất của nó trong tổ của nhiều loài chim khác nhau, kể cả tổ của các loài chim nhỏ. Thường con tu hú trống có nhiệm vụ bay vờn quanh tổ để thu hút sự chú ý của chim chủ nhà và cố tình dụ cho chim chủ nhà bay ra khỏi tổ đuổi mình (để bảo vệ trứng) nhằm đánh lạc hướng cho tu hú mái có cơ hội đẻ một quả trứng của mình vào tổ. Một nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy sau khi chim chủ của tổ chim đẻ trứng đầu tiên được một ngày rưỡi thì tu hú tìm cách đẻ trứng vào đó. Trứng tu hú thường nở trước 2, 3 ngày so với trứng của chim chủ nhà nhưng để bảo đảm trứng của mình được chăm sóc, tu hú mái ác độc thường ăn trứng hoặc làm hư hại trứng của chim chủ nhà rồi mới đẻ trứng của mình vào. Chim tu hú Á châu là loài ăn tạp, chúng ăn tất cả các loại côn trùng, sâu bướm, trứng và các động vật có xương sống nhỏ cũng như ăn cả trái cây.
Đó là nói chuyện chim. Chuyện Việt
Nam cho tới bây giờ vẫn lắm điều chẳng khác gì chuyện tu hú.
Năm 1954, hiệp định Geneve ra đời.
Nhiều thanh niên trong hàng ngũ kháng chiến chống Pháp (không ngờ cuộc kháng
chiến đó của họ đã bị CS lợi dụng) theo lệnh trên, đã cưới vợ vội vã, gấp rút
như kiểu cưới chạy tang. Sau đó, cũng theo lệnh cấp trên, họ rời bỏ người vợ
mới cưới hay người họ mới yêu để tập kết ra Bắc. Ra ngoài Bắc rồi, nhiều người
lập gia đình mới nhưng lại vẫn theo lệnh đảng và nhà nước ngoài Bắc, trở về Nam
chiến đấu, họ tìm và được người vợ, người yêu khi xưa tận tình giúp đỡ, che
chở, nuôi giấu. Hơn thế, cái trứng “tu hú” trước kia gửi trong bụng vợ (hay
người yêu), được sự bảo bọc của xã hội miền Nam, cũng sẵn lòng làm chuyện đó.
Bởi thế CS mới phát động được cái gọi là “chiến tranh nhân dân”, nhất là ở
những vùng xôi đậu. Bởi thế mới có chuyện con cái của đảng viên tập kết lớn lên
trong miền Nam, cũng được học hành tử tế, cũng được phép phục vụ trong hàng ngũ
quân cán chính miền Nam, và nhiều kẻ đã len lỏi vào tận những cơ quan, đơn vị nòng
cốt của chế độ Cộng Hòa và chỉ lộ mặt sau ngày 30/4/1875! Bên cạnh đó cũng phải
nhắc đến số đảng viên được lệnh theo chân đoàn người di cư vào Nam sau ngày hiệp
định Geneve 1954, để rồi trong 21 năm chiến tranh, cũng là những phần tử nằm
vùng hoạt động cho miền Bắc.
Thế rồi ngày 30/4/1975 đến. Nhiều
người dân miền Nam di tản kịp thời, được định cư ở các nước Âu Mỹ, và tiếp theo
sau đó là những đợt thuyền nhân, bộ nhân lũ lượt bỏ quê hương, rời gia đình họ
hàng vượt biên vượt biển đi tỵ nạn. Lại một lần nữa trong hàng ngũ tỵ nạn lại
đầy dẫy những kẻ “ra đi theo chỉ thị”. Con cái những kẻ này trưởng thành, học
hành, thành tài tử tế là nhờ sự che chở, giúp đỡ của các nước tự do, như thể
chim tu hú lớn lên trong tổ chim sáo sậu và những đứa con ấy khi lớn lên, lại
tiếp tục công việc của cha mẹ được đảng và nhà nước CSVN giao phó là hòa trộn
vào tập thể tỵ nạn, xúi giục gây mâu thuẫn, bất hòa để cái cộng đồng tỵ nạn ấy
càng ngày càng suy yếu đi. Và trên hết là làm sao để nắm quyền lãnh đạo những
hội đoàn, đoàn thể trong cộng đồng, dần dần lèo lái cộng đồng -và lớp trẻ con
cái những người tỵ nạn chân chính rời xa lý tưởng mà cha mẹ đã phải liều mình
hy sinh cố tìm ra sự sống trong cái chết của thuở ban đầu!
Công việc chống Cộng mỗi ngày một
khó khăn. Đối phương ở xa chưa làm gì được mà nội bộ, đồng bào, chiến hữu từng
cùng thân phận tỵ nạn đã xào xáo, chia rẽ. Mười hội thì ít ra cũng năm, sáu thể
nào sau một thời gian hoạt động hăng say, đoàn kết gắn bó keo sơn cũng phân làm
hai, cố dành bằng được vai trò “chân chính”, không ngại ngần thóa mạ, chụp mũ
những người mới hôm trước còn là đồng chí, chiến hữu là “tay sai VC”, là “nằm
vùng” Ai nói phải quấy thì chụp ngay cho cái "nón cối". Chuyện buồn
cười (và đắng cay ấy) như thế cứ liên tiếp xảy ra, hết lúc này đến lúc khác,
hết nơi này tới nơi khác. Vì nếp sống tự do và nguyên tắc tôn trọng đa số của
các nước định cư chỉ phù hợp với một nền sinh hoạt chính trị dân chủ kiểu Tây
phương, dựa trên truyền thống phong tục đã có lâu đời; nhiều người có lòng nhưng
vì tự trọng đành ngậm ngùi rút lui, từ giã mọi sinh hoạt để mặc cho kẻ khác tha
hồ nhảy múa.
Tình thế lại càng trở nên khó khăn
hơn cho những người còn có lòng, có chí tranh đấu cho một đất nước Việt Nam tự
do dân chủ không Cộng sản kể từ khi Hoa Kỳ và các nước Tây phương theo chủ
nghĩa tư bản bãi bỏ cấm vận, bắt tay với chế độ cầm quyền ở Việt Nam để làm ăn.
Giao thương ngày càng tăng dẫn theo một làn sóng “tu hú” mới từ trong nước ào
ạt đổ ra hải ngoại để “đẻ trứng” vào những chiếc tổ mà đoàn “sáo sậu tỵ nạn” đã
dày công xây đắp.
Thử nhìn ở nước Úc này thì thấy
ngay! Với làn sóng du học sinh và lấy chồng lấy vợ (thật lẫn giả) ngày càng gia
tăng; chuyện thực tế phải đến đã đến là thành phần người tỵ nạn thật sự trong
cộng đồng người Việt định cư ở Úc càng lúc càng hao hụt đi nhiều. Điều này
khiến cho cuộc chiến nhằm đạt được tự do, nhân quyền và dân chủ cho người dân
tại quê nhà vẫn còn đầy khó khăn. Chế độ CSVN trong bao năm qua vẫn không bao
giờ lơ là việc tấn công vào thành trì tỵ nạn hải ngoại bằng đủ mọi phương cách
qua việc ban hành và nỗ lực thi hành nghị quyết 36.
Sau thời kỳ hoạt động mạnh mẽ -cả về
chính trị lẫn quân sự- của những năm đầu ngay sau 1975, nhiều tổ chức đảng phái
của người Việt tại hải ngoại đã đóng góp khá nhiều vào cuộc đấu tranh chung.
Nhưng đáng tiếc trong khoảng gần 2 thập niên trở lại tới nay, rõ ràng tình hình
đã diễn biến theo chiều hướng bất lợi hơn cho khối người Việt tỵ nạn ở hải
ngoại. Trong thời gian đó, một bên là lớp người tỵ nạn ban đầu (thế hệ thứ
nhất) ngày càng già yếu, hao hụt dần, lý tưởng “chống Cộng” mỗi ngày mỗi bớt đi
mà chiến thuật “đẻ nhờ” của tu hú vẫn được CSVN tận tình khai thác. Họ
đem “trứng CS” gieo khắp nơi, bất cứ lúc nào thuận tiện ở bất cứ nơi đâu có người
Việt định cư. Ba mươi năm qua, nhất là từ khi phải mở cửa từ năm 1990 đến nay,
việc du lịch, du học hay lập gia đình giữa trai hải ngoại, gái trong nước (hay
ngược lại) đã thành chuyện bình thường. Nhưng có ai dám nói chắc rằng trong
những cuộc hôn nhân ấy không có trường hợp CSVN dùng để tiếp tục gửi người ra nước
ngoài? Gửi “cái trứng” ra ngoài, cái trứng đó được người Việt ở hải ngoại chăm
sóc; hay nói cho đúng hơn là “cái trứng” đó được xã hội các nước khác nuôi nấng
bảo bọc; với việc gửi trứng đó, CSVN có thiệt thòi gì? Khi trứng phát triển,
trưởng thành bắt đầu làm việc, để cung phụng lại nơi được coi là nguồn gốc, nơi
đã gửi chúng ra nước ngoài, đó là điều Hà Nội không trông mong gì khác hơn.
Chưa kể, khi nhà cầm quyền CSVN
trước bờ vực sụp đổ vì kinh tế kiệt quệ, phải chọn con đường “mở cửa kinh tế”
để vừa cứu vãn chế độ, vừa thu hút được lòng hám lợi của tư bản ngoại quốc và
đặc biệt, không ít bọn “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, bọn chỉ vì đồng tiền
sẵn sàng quay lưng 180 độ, phủ nhận ngay chính những gì chúng từng mạnh miệng
khi vừa định cư để trở về ôm chân những lãnh tụ CS, những kẻ mà mới hôm trước
chúng còn đả đảo! Người Việt tỵ nạn ở Úc trong hai thập niên qua đã lần lượt
chứng kiến tận mắt, nghe tận tai những vụ “trở cờ, đón gió”ấy. Và đáng buồn
thay, những khuôn mặt phản bội ấy đa số là những kẻ từng cũng có thời là quân
nhân, là công chức VNCH, từng cũng có thời là Chủ tịch Cộng đồng, Chủ tịch Cựu
quân nhân… Vậy mà lần lượt “cóc chết ba năm quay đầu…” hết lời ca tụng “đất nước
đổi mới, đời sống kinh tế phát triển” , liếm sạch những thứ mà chúng trước đó
đã nhổ!
*
Cũng vẫn chuyện “tu hú đẻ nhờ để rồi
chiếm cả tổ sáo sậu” trong cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Úc càng lúc càng có nhiều
điều xác nhận rằng “công sức xây dựng cộng đồng đến mức phát triển như ngày
nay” đang dần dà có nguy cơ về tay CS. Bao năm nay chúng ta nói nhiều đến chuyện
CSVN ra sức xâm nhập vào cộng đồng về mọi mặt. Nếu chịu khó nhìn kỹ một chút
thì không khó gì để không thấy. Trong mọi lĩnh vực, từ truyền thông, văn hóa
đến xã hội, giáo dục; sau gần 40 năm định cư cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Úc
đã xây dựng được rất nhiều cơ sở và dần dà phát triển càng ngày càng lớn mạnh.
Thế nhưng có bao giờ chúng ta băn khoăn rằng “những cơ sở ấy tương lai sẽ do ai
quản trị, ai điều hành và đường lối hoạt động có còn giữ nguyên vẹn như ban đầu
là phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người Việt tỵ nạn và tiếp tục công cuộc tranh
đấu cho một nước Việt Nam thật sự dân chủ, tự do, cho người dân được hưởng mọi
quyền làm người?
Những cơ quan truyền thông Việt ngữ
- cả của tư nhân lẫn của chính phủ lập ra để phục vụ cộng đồng Việt tỵ nạn- đã
có bao nhiêu bộ mặt mới? Bao nhiêu gia đình chỉ vì thích nghe tiếng Việt, đã mở
cửa cho các chương trình truyền hình của nhà nước CSVN tiếp vận qua vệ tinh xâm
nhập vào nhà 24 trên 24 giờ mỗi ngày? Bao nhiêu lớp học Việt ngữ dạy cho trẻ
con tại Úc bằng giáo trình do Bộ Giáo dục CSVN soạn thảo? Những đoàn thể xã hội
đã có thêm bao nhiêu thành viên mới, không ít người là những kẻ đến Úc theo
diện di dân –đoàn tụ gia đình hay doanh nhân, và trong số đó bao kẻ là cán bộ,
viên chức nhà nước CSVN tìm đủ mọi cách tẩu tán tài sản làm ăn bất chính? Biết
bao nhiêu tu sĩ “quốc doanh” chễm chệ trong các cơ sở tôn giáo mà người tỵ nạn
đã chắt bóp công sức bao năm xây dựng? Bao nhiêu kẻ -đã và sẽ- là người hưởng
thụ những dịch vụ chăm sóc phụ nữ, người già –do chính phủ tài trợ, giúp đỡ cho
các hội đoàn đoàn thể trong cộng đồng lập ra, với sự đóng góp của biết bao
nhiêu người hằng tâm hằng sản vô danh? Như thế nếu không gọi là “tu hú xâm lăng
chiếm tổ sáo sậu” thì gọi là gì?
Nhưng quan trọng hơn, có ai nghĩ đến
thế hệ tương lai con cháu chúng ta lớn lên chúng lâm cảnh “trông gà hoá cuốc”, kẻ
thật tưởng người gian… và ngược lại, trông kẻ gian mà cứ ngỡ là người ngay
thẳng để rồi như “Cô bé quàng khăn đỏ” bị chó sói ăn thịt mà vẫn cứ tưởng là
mình được người bà kính mến yêu thương? Đến khi đó thì cuộc chiến giữa cái
thiện và cái ác đã sang trang. Và khi đó thì thế hệ thứ nhất này chắc chắn
không thể nào ngậm cười nơi chín suối được.
Báo Việt Luận Úc châu
No comments:
Post a Comment