Miền Bắc gọi là lợn; miền Nam gọi là heo. Ai khoái từ
Hán Việt thì gọi là trư, là thỉ. Bình dân học vụ nghe tiếng heo kêu thì gọi là
‘Con Ột’. (Còn con chim cú có tiếng kêu ‘éc éc’ như con heo bị chọc tiết, bà
con mình gọi là con chim lợn làm điềm xui lắm). Thấy hình mập ú, mặt nọng như
heo thì gọi là ‘Ủn’ hoặc ‘Ỉn’ (Kim Jong Un, lãnh tụ Bắc Hàn là chú Ủn hay chú Ỉn),
hoặc Lê Thanh Hải, bí thơ CS TP HCM, là ‘Hải Heo’ vì cái gì đất cát của dân ‘giả’
cũng ‘sạp sạp’.
Trong ‘Lục súc tranh công’: Trâu, Chó, Ngựa, Dê, Gà,
và Lợn. Lợn là con xuất hiện cuối cùng. Thường thường ‘cà chớn tới nơi cà chớn tới’,
đứa xuất hiện cuối cùng là đứa làm bự nhứt, làm xếp.
Trâu thì làm ruộng vất vả để nông dân có lúa đầy bồ.
Có lúa, thì cần chó giữ nhà coi chừng ăn trộm. Để chủ nhà rảnh cỡi ngựa xem hoa
mà chữ nhân gian gọi là đi ‘khám điền thổ’.
Còn dê, gà và lợn chủ yếu là để bà con mình ăn thịt. Dê
thì có lẫu dê, gà thì nấu cháo xé phay, lợn hay heo thì cả hàng trăm món mà món
nào cũng ngon hết ráo thế mới báo.
Đầu heo thì làm dưa, thịt heo thì kho, giò heo thì
bánh canh hay bún bò Huế, ruột heo thì làm dồi, khìa. Ngay cả xương heo thì nấu
nước súp cho tất cả các loại canh cho mì, hủ tiếu. Xương hầm rục còn dính chút
thịt là xí quách. Mấy ông thần Lưu Linh rất khoái vì mềm, dễ gặm mà lại rẻ khi
lai rai một xị đế. Gặm hết thịt chỉ còn lại xương thì con Mực đang ngồi chổm hổm
kế bàn nhậu của ông chủ mình cũng nhìn tha thiết như muốn nói: “Cho Ki Ki cục
xương đó đi!”
(Tui lại nhớ cái thời thơ dại, Má thương con mua mấy
miếng da heo của bà gánh dạo quanh xóm rồi hái rau càng cua, bóp dấm với da heo
luộc, chắm nước mắm tỏi ớt chua ngọt. Cái vị của món quê nghèo ngày cũ tui mang
suốt thuở xa quê).
Mà không phải người phàm mắt thịt mới khoái thịt heo
những kẻ khuất mặt, khuất mày ngồi trên bàn thờ cũng đều ưng bụng.
Vua tế lễ cũng cúng heo. Dân cưới hỏi, tiểu đăng khoa
cũng cúng heo. Cưới vợ, lấy chồng làm phải làm ‘trò con heo’ để con đàn cháu đống.
Con ăn đầy tháng cúng heo sữa quay. Con ăn thôi nôi lại
cúng heo quay. Không giữ con, nó té u đầu là vợ chồng gấu ó, ngu phu (vợ ngu),
ngu phụ (chồng ngu) giận nhau đánh lỗ đầu, chảy máu. Hương quản tới đòi đóng trăn cả hai, cho bỏ
thói bạo hành gia đình, đành phải ít nhứt là một cái đầu heo cho viên chức hội
tề ăn nhậu, nó mới chịu bỏ qua.
Mà trước khi nộp cái đầu heo cho bọn cường hào ác bá nầy
nó ăn, nó dộng, người vợ Việt đảm đang bèn đem đầu heo đi nấu cháo, nộp cho
chúng cái đầu; còn cháo thì chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Thành ngữ ‘mượn đầu heo nấu cháo’ phát xuất từ giai
thoại đó đa.
Kết luận con heo đã hi sinh toàn thể thân mình để phục
vụ vẻ vang cho sự nghiệp ăn nhậu của chúng ta; vậy mà con người quả vô ân bội bạc!
Như chú Ba Ngô Thừa Ân đặt dóc truyện ‘Tây du ký’ để
dè bỉu con heo, phác họa Trư Bát Giới, mình người mặt heo lười biếng, đã ham ăn
lại còn háo sắc.
Chê ăn như heo, rồi mập như heo, ngu như heo, chửi cả
chi bộ đảng là ‘phường chó lợn’ vì giành ghế bí thơ xã của mình.
Nói nào ngay không phải chỉ riêng Mít mình đem con heo
ra mà chửi bới lẫn nhau đâu; Tây cũng vậy, vì có chuyện rằng: Một thằng Úc bán
rượu trong ‘pub’, tức quán nhậu, có nuôi một con heo mọi Việt Nam làm thú cưng
cho đỡ buồn vì hai vợ chồng nó khắc khẩu, hổng nói thì thôi, mà mở miệng ra là
gây, là cãi miết hè.
Một hôm trời lạnh, nó đề nghị với vợ là: “Hay mình cho
con heo vô nhà!” Con vợ hổng chịu: “Hôi lắm!” Anh chồng: “Thì cũng như anh, nó
chịu riết rồi cũng phải quen thôi”.
Chỉ một câu vô ý làm tan vỡ tình ta, để hai đứa chia
xa, người mỗi ngả nhưng vẫn còn để bụng thù nhau. (Thiệt là quá hưởn!)
Một hôm tình cũ ôm con vịt, thú cưng, dưới cánh tay
vào quán của người xưa nhậu với người mới.
Chồng cũ bèn khiêm tốn chối từ phục vụ: “Sorry we
don’t serve pigs in here”. (Xin lỗi ở đây chúng tôi không phục vụ cho những
con heo). Em xưa bèn cãi lại: “Anh lầm rồi! Đây là con vịt chớ không phải con
heo”. Chồng cũ bèn minh xác: “Tui đang nói chuyện với con vịt mà!”
Mà dùng chữ ‘pig’ để chữi người mình căm ghét không phải
chỉ riêng nước Úc nầy đâu mà nghe nói bên Italy tức Ý Đại Lợi cũng vậy.
Một em Ý mới vừa 19 xuân xanh nói với mẹ mình là thèm
chua quá, mẹ đi chợ mua cho con một ký me dốt ăn cho đỡ thèm. Nước miếng chảy
đầy mồm nè.
Kinh nghiệm thời thiếu nữ báo cho bà mẹ biết ngay là
chuyện gì đã xảy ra với con gái cưng như trứng, hứng như hoa của mình. Bà bèn nằm
lăn ra đất, tru tréo, khóc lóc: “Con heo nọc nào gây ra chuyện nầy! Mẹ muốn biết!”.
“Mẹ ơi! Con mới hò hẹn đi ăn tối với chú ấy, ‘sugar daddy’ (ông già hảo ngọt),
chỉ có một lần hè! Đâu ngờ gây ra cớ sự tày trời đến thế nầy!”
Nàng bèn bốc phôn lên gọi ai đó. Nửa tiếng đồng hồ sau,
một ông cũng quá nửa chừng xuân khoảng chục năm, tóc đà tiêu muối; mà muối nhiều
hơn tiêu, dừng chiếc Ferrari cái cạch trước cổng nhà.
Trong bộ đồ vest của Armani, do Italian, nó cắt và may,
bước vào phòng khách. “Và xin chào! Xin chào! Con gái của bà đã cho tui hay
chuyện rắc rối nầy rồi! Vì lý do riêng tư của gia đình, tui không thể nào cưới
em được; nhưng khoan chửi, tui nhận toàn bộ trách nhiệm về trò con heo của
mình. Tui sẽ trả tiền để con gái của bà đủ sống, không giàu sang lắm nhưng cũng
dư dã đôi chút đến cuối đời!”
Thêm nữa nếu baby sanh ra là con gái, tui xin tặng một
chiếc Ferrari, một biệt thự, lưng dựa vào bìa rừng, mặt trước nhìn ra biển;
trong tài khoản ngân hàng của em là 6 con số có số 50 đứng đầu.
Nếu baby sanh ra là con trai cũng y như thế, vì thiệt
tình tui thương con trai hoặc con gái đồng hạng chớ không có vụ trọng nam khinh
nữ như mấy thằng “Mafia” khác.
Còn nếu sanh đôi, số tài sản và tài khoản nầy dĩ nhiên
sẽ gấp đôi. Tuy nhiên xin thỉnh ý của bà; tui sẽ làm gì nếu không có đứa con
nào hết?”
Người mẹ suy nghĩ một lát cho cặn kẻ rồi trả lời rằng:
“Nếu trường hợp không may đó xảy ra thì ông lại hẹn hò, dắt con gái tui đi ăn tối
lần nữa đi!”
Kết luận lười như heo, ngu như lợn, ham ăn, háo sắc, bẩn
thỉu, ô uế không là gì hết nếu con heo nọc nầy có rất nhiều tiền.
***
Đó là chuyện heo bên Ý; còn đây là chuyện heo bên Mỹ.
“Một chú Sam chạy xe đến một trại nuôi heo tính mua về
một con khoảng chừng 100 pounds. Chủ trại vô chuồng bắt ra một con, xong cúi xuống
dùng răng cắn vào đuôi con heo, nhấc nó lên xong, đặt xuống, nhả miệng ra, nói:
“Con nầy nặng hơn 100 pounds một chút”.
Chú Sam kinh ngạc, há hốc mồm: “Bộ bác tính gạt tui đấy
hả? Bác làm sao cân heo bằng cách nầy cho được chớ?”
Viên chủ trại cười hè hè, gọi thằng con trong nhà ra:
“Ê con lại đây, cân con heo cho ông nầy đi!”
Thằng con tuân lịnh bố, cúi xuống dùng răng cắn vào
đuôi con heo, nhấc nó lên xong, đặt xuống, nhả miệng ra nói: “Con nầy cân nặng
khoảng chừng 100 pounds”.
Chú Sam vẫn không chịu. Để thuyết phục khách hàng khó
tính nầy, ông chủ trại heo kêu thằng con: “Vô nhà kêu mẹ mầy ra cân heo cho ông
nầy”. Một lát sau thằng nhỏ chạy trở ra nói với bố: “Mẹ sẽ ra ngay sau khi cân
xong chú phát thư”.
***
Rồi chuyện bên Hà Nội, một bà cụ có nuôi một con heo làm
thú cưng để bớt nỗi cô đơn. Một hôm dọn dẹp đống đồ cũ định bán ve chai, kiếm
tiền đi chợ. Thấy cái bình trà bằng đồng, bà cụ bèn mở nắp ra, lấy tay chùi cho
nó bớt hoen rỉ.
Bổng nghe bụp một cái, luồng khói trong bình tuôn ra,
một ông thần đầu trọc lóc, cằm có cọng râu dê, hiện ra, đứng khoanh tay cúi đầu
nói: “Thưa nữ chủ! Tạ ơn bà đã giải thoát cho ta sau 4 ngàn năm bị nhốt trong
chiếc bình nầy. Ta sẽ ban cho nữ chủ ba điều ước. Ước gì được nấy”.
Quá đã. Một là: “Hãy cho ta trẻ đẹp như hoa hậu Ngọc
Trinh nhé”. Bụp một tiếng, tóc bà lão đang bạc phơ bỗng đen tuyền như răng nhuộm.
Da mặt xếp li cả đống, bỗng phẳng lì như mặt xa lộ Biên Hòa. Hai trái dưa leo
thòng tới rún bỗng rút lên cái rẹt như hai quả tuyết lê.
Hai là giàu có như tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Bụp một tiếng,
túp lều rách nát của cụ bà chợt biến thành một lâu đài xa hoa hết biết.
Ba là hãy biến con heo mọi bấy lâu quanh quẩn bên ta
thành một hoàng tử của lòng em, khôi ngôi tuấn tú như Đinh La Thăng trước khi
vô hộp ngồi đếm 32 cuốn lịch vậy”.
Tổng cộng là ba tiếng bụp vang lên, xong ba điều ước
như đã hứa, ông thần đèn biến mất để đi uống ‘beer’ ôm.
Nàng dắt tay chàng vào khung trời viễn mộng, mong đàn
lại bản tình ca bấy lâu tha thiết nhớ. Nhưng hỡi ôi chàng không làm ăn được gì hết
ráo.
Hỏi cớ sự ra sao chàng mới thỏ thẻ giọng ‘eo éo’ rằng:
“Ai biểu hồi xưa em kêu bác Mười Đỗ đến làm chi?”
***
Anh bạn nhậu thấy tui biết nhiều chuyện heo quá nên
ganh tị phong cho tui chức ‘chuyên gia heo’; còn hỏi là tui có quen với nhà thơ
Ngô Thế Lân thời Lê mạt không?
Trời đất! Nhà thơ chết đã mấy mươi đời vương rồi. làm
sao quen cho được? Nhưng bài thơ con chim lợn của tiên sinh thì tui biết.
“Than ôi, lạ thay!
Tiếng chim lợn kêu. Năm canh kêu thét, gió thổi lạnh lẽo. Thái Sơn xiêu đổ, ban
ngày tối mò. Đất bằng sóng cuộn, mây đen mờ mịt. Đàn hồng nhạn kêu thương bay tản
nơi rừng chầm. Bầy sài lang đi ngang ngược trên lối đường lớn. Trong triều
ngoài nội ai cũng nín hơi không dám nói. Than ôi, lạ thay! Tiếng chim lợn kêu!”
Xã hội nước ta thời Lê mạt, nhuộm một màu tối thê
lương; xã hội trong nước bây giờ cũng vậy; tui chỉ ước một điều thôi chớ không
cần tới ba, là con chim lợn đến đầu hồi nhà quan chức CS, chuyên nhũng nhiểu
dân lành, kêu éc éc, làm điềm, đứa đó sẽ chết chắc 100%.
Happy Kỷ Hợi!
đoàn xuân thu.
Cám ơn chị NPN post phiếm của tac giả Đoàn Xuân Thu, viết lúc nào cũng sâu sắc ý nhị thật hay.
ReplyDeleteHồng Thúy