Sunday, October 20, 2019

HIến Đất - Sài Gòn Cô Nương


Thành phố đất đai giới hạn chỉ có bao nhiêu đó, dân số ngày càng gia tăng. Nhiều mương rạch nhỏ đã bị lấp kín, đặt cống hộp để lấy thêm đất xây phố xá, nhà cửa, đường ngang ngõ dọc. Vô số kênh rạch bị san lấp: rạch Ông Búp, Bà Tiếng (quận Bình Tân), rạch Lăng (Tân Bình)… lấp rạch Ụ Lò Đường để xây khu nhà ở Sông Đà (phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức)…

Tới bây giờ, người ta mới thấy tác hại khi không còn chỗ tiêu thoát nước cho nên mới mưa một chút, chỗ nào cũng ngập lênh láng như cái ao. Đã phải tính đến cách khôi phục lại một số kinh rạch như kênh Hàng Bàng, kênh Hy Vọng, rạch xuyên tâm… Thật khổ, kênh rạch lấp đã rồi lại đào lên. Mà đâu đơn giản muốn đào lúc nào là đào, bởi lâu nay nhà cửa đã mọc lên chi chít. Lại phải vắt óc kiếm nguồn tiền để đền bù, giải tỏa nhà dân mới đào được.
Những nơi không bị lấp thì bị lấn. Mặc dù nhiều đoạn kênh rạch đã giải tỏa nhà sàn nhưng nhiều nơi khác, vẫn bị chiếm dụng vô tội vạ như rạch Văn Thánh, rạch Bần Đô… nhà sàn từ trong bờ theo lối đi bắc ván nhỏ hẹp có đến vài lớp nhà mới thấy mặt sông rạch chỉ còn một nửa đen sì, đặc quánh.

Nhà cửa thành phố người càng ngày càng đông, tấc đất tấc vàng, mất đất là mất của, ven sông là vậy huống hồ trên đất liền, người ta càng giành nhau từng chút đất. Phong trào trào lấn hẻm, cơi nới trở nên rầm rộ sau 75 một thời người ta sống và cứ thế ngày càng lan rộng. Người sau nhìn người trước lấn thế nảo mà bắt chước y chang hay hơn nữa.

Gần đây, việc xây dựng nhà, công trình của thành phố hướng vào quy tắc: Xây căn nhà mới phải chừa hàng hiên phía trước, chừa đường ống cống đàng sau. Tất nhiên cũng có trường hợp bất chấp do làm bừa, cậy thế, có hữu hảo với nhân viên công quyền…

Còn thì chẳng theo luật lệ gì cả.

Thông thường nhà nào có chỗ trống quanh nhà, nhìn trước nhìn sau lấn từ từ. Lấn sáu tấc sau nhà làm chỗ rửa chén, lấn ven tường bên hông đặt mấy chậu cây. Nhà có con nít chạy nhảy cũng cần một khoảng rào nhỏ để giới hạn chỗ chơi đùa khỏi sợ xe tông. Vài căn nhà ở góc thì nhất định lấn sang hai phía: trước mặt và bên hông.

Cứ theo chính sách tuần tự như tiến..

Thoạt tiên chỉ là vài chậu cây nho nhỏ chưng làm cảnh rồi tới chậu to hơn, cây lớn hơn. Ban đầu dựng cái hàng rào sắt mảnh mai rồi nhổ cây sắt xây bờ tường thấp khoảng một mét. Nhà thêm dâu, rể, con cháu thì xây gạch tiếp cao hơn, làm chỗ phơi quần áo, đặt bàn ăn, cái bếp lò…

Thông thường nhu cầu tối thiểu mỗi gia đình là cần một khoảng trống trước cửa để tạm một, hai hay vài chiếc xe gắn máy của gia đình hay của khách khứa đến chơi. Xe gắn máy đến buổi tối trước khi đi ngủ mới cất vào trong nhà, còn trong ngày thì để tạm trước cửa. Để khỏi mất công canh chừng, chủ nhà làm ngay cái hàng rào bằng gỗ hay cọc sắt. Sau một thơi gian nhìn quanh nhìn quất không thấy ai nói năng gì, chiếc hàng rào sơ sài được thay thế bằng bức tường gạch lợp mái tôn, kéo cửa sắt… hẳn hoi. Thế là căn nhà được nới rộng thêm diện tích bằng cả một gian chứ ít đâu. Thậm chí phần lấn ăn gian đó có thể để vừa chiếc xe ô tô, thành phòng khách…

Nhà nọ noi gương nhà kia. Chứ nhà người ta lợi được ít đất, lẽ nào mình thiệt. Với lại quan trọng người đi trước mở đường trót lọt thì kẻ sau bắt chước thôi. Con hẻm rộng rãi khang trang dần thu hẹp lại chỉ còn vừa hai xe máy tránh nhau.

Đó là nhà trong hẻm. Nhà mặt tiền sinh ra tiền thì còn mạnh tay hơn.

Đoạn nào vỉa hè hẹp thì lấn một mét. Đoạn nào vỉa hè rộng thì lấn tối đa vài mét, thậm chí lấn hết cả vỉa hè. Nói chung mạnh ai nấy lấn. Thành thử nhiều căn nhà, tầng lầu, tức tầng bắt buộc phải xây đúng theo giấy phép xây dựng thì thụt vào tuốt bên trong nhưng tầng trệt thì vươn ra ngoài thật xa, dễ thấy nhất là những căn nhà tầng trệt nơi người ta có thể mở cửa hàng buôn bán mà nhờ thế tiền cho thuê cũng cao hơn.

Chỗ gần chợ, thị tứ… chủ nhà không sống yên được, khách tới tấp đề nghị thuê nhà.
Hiếm có chủ nhà tự kinh doanh, Kinh doanh chi cho mệt, chỉ cần cho thuê phần lấn ra là đủ ăn xài phủ phê, khỏi đi làm cho mệt.
Đi qua nhiều nơi, nguyên cả con đường đều bị lấn vỉa hè. Cứ ngước mắt nhìn lên. Phần tầng lầu mấy tầng xây bên trên thẳng tắp, còn tầng trệt thì uốn lượn tùy chủ nhà lấn bao nhiêu tùy thích. Nhà hàng ăn đã kê bàn ghế lấy hết vỉa hè nên lò than nướng thịt chuyển xuống lòng đường. Xe của thực khách cũng xuống đậu kín hết lòng đường trước mặt quán.

Các con hẻm còn ác liệt hơn nhiều. Hẻm hẹp vì nhà lấn. Lấn đã rồi bây giờ, sau mấy chục năm, nhiều căn nhà cũ kỹ nhưng không dám đập đi xây lại bởi nếu xây lại thì phần lấn buộc phải cắt bỏ đi, thậm chí có nhà bị cắt đến hai phần ba, chỉ còn mỗi cái hến hẹp te! Thành thử tiếc phần diện tích trên trời rơi xuống đó, chủ nhân đành vẫn chịu đựng sống trong gian nhà thấm dột, nền nhà thấp trũng đọng nước như cái hồ vì sau mấy làn sửa đường thì mặt đường đã cao hơn nền nhà tới mấy tấc.

Thành phố không thiếu những con hẻm tối om vì dài và quá hẹp, bức bối không thấy ánh mặt trời do tường đổ bóng hoặc balcon gác bên trên de ra như chiếc mái che kín bầu trời của hẻm. Những khu nhà lấn đất cũng là nơi dễ ngập lụt do nhà thường xây cất trên miệng cống, chặn đường thoát nước cộng với thủy triều lên nên hễ mưa là ngập, nước mưa đổ xuống, nước cống sình lên, rác rưới lềnh bềnh ngập ngụa.

Trong những con hẻm này, chủ nhà phiền toái vì tới bữa cơm, nhà này nhìn rõ nhà kia ăn món gì, phơi bày việc nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, chưa hắt hơi hàng xóm đã biết. Ở những khu hẻm bình dân chật chội như thế. Người bệnh phải bồng hay cõng ra ngoài đường vì taxi cũng không vào được, nói gì đến xe cứu thương.
Khi có tang ma hiếu hỉ mới thật rắc rối. Những gia đình khá thường phải tổ chức tang lễ ở tang nghi quán, còn nhà nghèo đành ra ngoài lề đường, vỉa hè gần đó nằm dưới rạp căng chứ hẻm quá nhỏ, quan tài đi không lọt.

Thật ra do tham đất nên cứ lấn chứ một căn nhà rộng cách mấy, nhưng tọa lạc trong ngõ hẻm bé xíu, thậm chí có khi hai xe không thể đi cùng lúc, thì giá trị của nó rõ ràng giảm đi rất nhiều.
Thêm nữa khi có hỏa hoạn thì hẻm nhỏ tắc tịt vì nội cư dân túa ra chạy đồ đạc nào TV, tủ lạnh, quần áo… đã nghẹt cứng, xe cứu hỏa tới, lính cứu hỏa không có chỗ len chân dẫn ống nước vào.

Nay đô thị đòi hỏi trật tự hơn, phải tuân thủ luật xây dựng, luật quảng cáo… Nhất là sau mấy vụ cháy nhà, xe và lính cứu hỏa khó luồn lách vảo ngõ hẻm chật chội, đám cháy nhỏ hóa to vì không chữa kịp thời.

Tin trong báo: “Đầu tháng 9, người dân ở 8 phường của quận 3, Saigon hiến đất mở rộng hẻm. Khởi đầu, mười con hẻm mở rộng từ phần đất mà nhiều chục năm qua bà con vẫn sinh sống, sử dụng”.

Thật sự gọi là hiến đất chỉ ở những vùng nông thôn, rừng núi, dân hiến đất để xây trường, làm đường…

Thôi thì trước khi áp dụng luật thì kêu gọi trước. Đất ở quận 3 có giá cao chót vót chứ ít đâu nên xén đất mở rộng hẻm ở đây là cả một vấn đề. Dư luận quan tâm nhiều, lý do đơn giản vì đất của quận 3 thuộc loại “tấc đất tấc vàng”, cứ mỗi mét vuông có giá từ 100 đến 150 triệu đồng. Vì thế, số đất mà từ 1 172 gia đình ở đây bị xén ở đây lên đến 9.400m2 “đất vàng” giá 445 tỉ khiến ai nấy nghe mà xuýt xoa. Vận động từng nhà, từng người dân từ mười mấy năm nay.

Chỉ có điều đâu phải đất cứ đơn giản hiến là hiến vì nhà đập xong làm sao sửa lại. Nên lại có đòi bồi thường, tiền sửa sang… rất mất công sức thời gian.

Hẻm mở rộng thông thoáng có chỗ cho con nít chơi đùa, người già đi qua đi lại. Hiện nay, do giá mặt tiền quá cao nên việc buôn bán dần lùi vào hẻm. Vào bất cứ con hẻm nào của Sài gòn, rộng thì có văn phòng, quán ăn…, nhỏ hơn có tiệm may, tiệm uốn tóc… Hẻm nhỏ không những chỉ là nơi ở mà còn mưu sinh buôn bán sầm uất.

Chỉ kẹt là sau khi thấy con hẻm mở ra rộng rãi để trống không cũng tiếc nên người ta lại tận dụng bày ra xe mì, tủ thuốc lá, bàn cà phê… Thành thử, hẻm rộng thoắt lại thành chật, từng có nồi lèo sôi sục ven hẻm khiến em bé ngã vào hay xe gắn máy tông trúng gây bỏng nặng. Và trở lại ngày đầu là chủ nhà lại đặt vài chậu cây cảnh, không phải trang trí mà nhằm xác định quyền sở hữu của khoảnh không gian trước nhà. Thay vì con hẻm thoáng đãng có thể vui chơi thì nay thành thông lộ, hàng quán xe cô nườm nượp và mỗi nhà đều nhốt chặt con nít sau cửa kín.

Nhà ở nội thành chật hẹp, giá mỗi mét vuông đất trị giá cả mấy cây vàng. Của đâu mà cho không vậy. Thế nhưng nói cho đúng thực ra chẳng ai hiến đất riêng của mình cả. Phần lấn chiếm là đất công trong lộ giới giải tỏa hẻm. Khi không ai nói tới thì dùng đại. Do đó khó mà đòi bồi thường Đây chỉ là trả lại phần lấn chiếm từ lâu lắm rồi nên nghiễm nhiên bị coi là của riêng.

Thành ra rầm rộ vận động hiến đất nhưng lại là hiến đất… công!
Biết tới chừng nào mới tới phiên nhà mặt tiền mới “hiến” phần lề đường công cộng trước nhà để có lối đi cho khách bộ hành?

Saigon Cô Nương

No comments:

Post a Comment