Thursday, November 28, 2019

Chuyện Đi Chữa Bệnh Ở Việt Nam - Sài Gòn Cô Nương


Có bệnh đương nhiên đi chữa bệnh. Có rất nhiều cách điều trị. Chữa bằng thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tây là những phương cách chính thức không kể đến chích lể, tàn hương, nước thải, bùa phép…

Hiện nay thuốc Bắc và thuốc Nam không thông dụng lắm. Thuốc Bắc đi lậu qua biên giới, gần đây mang tai tiếng nhiều do báo chí phanh phui đa số đã bị chiết xuất hết hoặc hầu hết hoạt chất, khi vào đến lãnh thổ VN thực chất chỉ còn là rác. Thuốc Bắc rất đắt lại đòi hỏi theo lâu dài nên người bình thường khó kham nổi; thuốc Nam chỉ trồng một phần, còn thì hái cây cỏ mọc sẵn nên nguyên liệu không ổn định và cũng chưa được nghiên cứu, hệ thống đến nơi đến chốn. Cả hai loại thuốc này nấu sắc rất mất công và chưa đáp ứng được vô số căn bệnh khoa học tìm ra. Vì thế đi chữa bệnh thường bao giờ người ta cũng theo Tây y.

Những bệnh thông thường có thể tự chữa trị bằng cách xem quảng cáo trên báo và TV, loại thuốc nào mô tả giống như triệu chứng của mình thì ra tiệm thuốc tây mua về uống hết bệnh ngay, thật đơn giản và nhanh chóng. Còn như không thông thạo thuốc men thì sai thằng nhỏ ra tiệm tạp hóa của bà Sáu cứ hỏi thuốc ho kèm sổ mũi mua hai viên đầu đỏ đầu đen hay đầu xanh đầu vàng gì đó quên mất; nói bán viên thuốc nhức đầu có hình cái búa tạ là bà biết ngay, đưa đúng thuốc uống xong hết nhức đầu liền.

Nếu bà Sáu không đủ tin tưởng thì chữa bệnh tại nhà thuốc tây. Mỗi tiệm thuốc đều buộc dược sĩ đứng tên. Nếu đó là tiệm nhà thì chính dược sĩ đứng bán thuốc nhưng thường thì các nhà thuốc chỉ thuê bằng cấp của một dược sĩ nào đó, hoặc chủ nhà là dược tá học một khóa sáu tháng đứng ra kê toa, bán thuốc luôn. Việc này chẳng chút gì khó khăn, nghề dạy nghề dễ thôi, vài tháng là chữa bệnh trơn tru. Sau khi bình thản nghe bệnh nhân khai, bất kỳ bệnh gì trên cõi đời này, cô bán thuốc đều chữa tuốt luốt. Câu đầu tiên cô hỏi: Uống mấy ngày? Ý là túi tiền bệnh nhân chịu được mấy ngày; câu hỏi thứ hai: Thuốc nội hay ngoại? Chẳng biết thực chất ra sao mù tịt nhưng chữ “ngoại” bao giờ nghe cũng có phần… kêu hơn “nội”! Nội xem chừng… kém cỏi gì đâu. Nếu có tiền thì tốt hơn hết nên xài đồ ngoại cho mau hết bệnh!!!

Loại người đi khai bệnh tại nhà thuốc tây dĩ nhiên chỉ lấy một ngày thuốc, cùng lắm là hai. Cô bán thuốc rất cẩn thận chia sẵn cho bệnh nhân mấy bịch nylon nhỏ đựng lẫn lộn đủ viên trắng, viên cam, viên dẹp, viên tròn, viên dài, viên ngắn, viên rời, viên vỉ… Cứ ba bịch uống ba lần một ngày, hai bịch uống hai lần, cầm nguyên bịch dốc vào miệng là xong. Nếu hết bệnh thì tốt, không hết thì mai quay lại để cô điều chỉnh thay đổi thuốc hoặc tiện trên đường đi làm ghé vào tiệm thuốc nào cũng được khai bệnh tiếp. Việc chữa bệnh như thế không mất thời giờ, vô cùng thuận tiện. Thậm chí chỉ cần nói má con đau bụng bán dùm viên thuốc giống kỳ rồi là bà Sáu và cô dược tá đáp ứng ngay không thắc mắc, dù cho “kỳ rồi” đó cách đến hàng tuần, hàng tháng.

Đúng “đường lối chính sách” hơn là ra y tế phường, có bác sĩ khám đàng hoàng, phải tội hơi rắc rối một chút là mua cuốn sổ khám bệnh và đóng tiền khám. Bác sĩ cấp phường đều thuộc thành phần bất mãn kinh niên. Trong lúc bạn đồng môn lẫm liệt ở các bệnh viện danh giá cấp trung ương, cấp thành phố, cấp chuyên khoa như Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, Chấn thương chỉnh hình, Tai mũi họng… hay các bệnh viện tư Vạn Hạnh, Pháp Việt… thì anh chúi mũi vào trạm y tế phường hiu quạnh hay trạm y tế xã heo hút cạnh đám ruộng, chuồng bò… nhằm trú chân tránh việc thuyên chuyển đi xa. Vả người có những căn bệnh hay ho nằm ở tim gan phèo phổi đều đi bác sĩ hay bệnh viện chuyên khoa. Chỉ toàn cảm mạo, ho gió, sổ mũi… mới chịu ra phường. Một phần cũng sợ trách nhiệm nên sau hai, ba kỳ cho toa không hết sổ mũi, ho gió, cảm mạo… thì bác sĩ đẩy ngay lên bệnh viện trên cho rảnh chuyện.

Bà Thị không biết mình bị mắc bệnh tiểu đường biến chứng sang mờ mắt, ra y tế phường kể lể lúc nào tôi cũng thấy có con ruồi bay qua. Thế là bác sĩ định bệnh ngay vào sổ khám bệnh là “ruồi bay”, cho thuốc bổ mắt để sau đó nếu phường chán bà thì phường chuyển bà lên bệnh viện, nếu bà chán phường thì bà bỏ ra đi bác sĩ ngoài. Riết rồi bác sĩ áo bỏ ngoài quần, lê dép lẹp xẹp với bộ mặt thường trực cau có, không biết từ lúc nào trở thành lang vườn, lang phường, nghề dần lụt đi mau chóng, hoàn toàn không có khả năng phát hiện bệnh là điều cần thiết của một bác sĩ cơ sở. Ngoài kê toa thuốc cảm thì còn mỗi việc họp hành, lâu lâu có đợt chích ngừa trẻ em cũng được một buổi rộn ràng, vui vẻ.

Có tiền đi bác sĩ tư khá tiện, không phải chờ đợi, xếp hàng, đăng ký này nọ mất thời gian. Đi bác sĩ tư giống cô dược tá ở chỗ lại nhận bịch thuốc không nhãn hiệu về uống ngày mấy bận; hơn cô dược tá ở chỗ ông có văn bằng chứng nhận bảy năm đại học đàng hoàng; khác cô ở chỗ ông đủ thẩm quyền gửi bệnh nhân đến các cơ sở xét nghiệm quen có chia hoa hồng để xét nghiệm đủ thứ, sau đó bệnh nhân nhận kết quả trao lại cho bác sĩ mà chẳng hiểu tờ giấy nói gì trong đó, tùy nghi bác sĩ giải thích trăng sao; thua cô dược tá ở chỗ cô bán thuốc đắt rẻ theo đúng giá thị trường, còn bác sĩ bán thuốc có thể đắt hơn hàng chục, hàng trăm lần, thậm chí nhiều trường hợp còn bị nghi ngờ cho thuốc ầu ơ để “nuôi bệnh”. Không có toa thuốc, ngay cả có trường hợp thuốc bị xé vỉ xoá dấu nên bệnh nhân mù tịt, cũng không biết mình đau bệnh gì mà lần. Rất hiếm bác sĩ chỉ lấy công khám mà không bán thuốc kèm.

Tình trạng này bắt nguồn từ những ngày tháng khó khăn sau 75. Thuốc tây hiếm hoi, phần lớn nguồn thuốc do những người có thân nhân từ ngoại quốc gửi về. Bác sĩ dù cho toa, ra nhà thuốc cũng không có nên sau khi khám bệnh, bác sĩ bán luôn thuốc có nguồn gốc gom từ chợ trời về. Từ đó thành thông lệ, hễ khám bệnh thì đương nhiên bán thuốc, lợi cả đôi đàng, bác sĩ lấy công khám lẫn lãi thuốc, bệnh nhân có thuốc uống ngay, khỏi cần đi lùng kiếm. Cách kiếm ăn dễ dàng bất ngờ khiến một số bác sĩ đưa việc cung cấp thuốc thành công nghệ. Một y tá giúp việc, thường là bà vợ ngồi kế với ngăn kéo gồm các lọ thuốc chính chung chung hay đơn giản hơn là đóng bịch sẵn. Chị này đau bụng cầm bịch thuốc một trăm ngàn đồng, ông kia lỏng gối trăm rưỡi, bé nóng đầu nhận bịch bảy chục ngàn thôi… Khi đau ốm bệnh hoạn, đứng trước bác sĩ là đứng trước ông thần nắm giữ sức khỏe, sinh mạng, ai nấy kính cẩn bác sĩ nói sao cũng dạ dạ, đâu dám có dám ý kiến, ý cò sợ bác sĩ phật lòng…

Chẳng khác gì cô dược tá ngoài tiệm, bác sĩ cũng chỉ dặn miệng bởi toa thuốc giấy trắng mực đen làm sao ghi được những câu đại loại: mười hai viên đỏ uống ngày ba lần sau bữa ăn, bịch này chín viên tròn hòa tan trong nước âm ấm, ba viên hạt dưa buổi tối trước giờ đi ngủ nhớ đừng “xơi” sớm quá. Rõ chưa, cứ lẩm nhẩm như thế từ phòng mạch về đến nhà cách nào cũng thuộc. Có người tức mình quá từng mang bịch thuốc trần trụi đi khảo giá mới hay bịch một trăm ngàn chỉ đáng giá ba chục, bịch hét hai trăm ngàn gồm những viên thuốc nội hóa giá chỉ tám mươi… Thế là mò đến bác sĩ kèo nèo ì xèo gây phiền phức quá thể. Bác cũng bực mình không kém. Cuối cùng bác bỏ bao bì, xé vỉ thuốc, tháo vỏ con nhộng… Trộn thuốc bột, giã nhuyễn thuốc viên, chế thêm ít nước lọc… bào chế thủ công thành thứ hỗn hợp -giống như phù thủy Gà mên trong thế giới Xì trum làm… thuốc tễ- được gọi là “thần dược của bác sĩ XYZ”. Chỉ uống thuốc của bác sĩ XYZ mới mập tròn, trắng da, mát thịt. Rồi trong đó có chất gì không biết mà bệnh nhân đâm mê bác sĩ, cứ nhất định phải đi khám, uống thuốc của chính ổng mới khỏe ra…

Đó không hề là chuyện hài hước vì mấy hôm nay, báo chí đăng tải tin về hai vợ chồng bác sĩ nhi khoa bán thuốc chuyên trị trẻ em biếng ăn, còi cọc. Dùng đều đặn loại thuốc này thì con nít tròn trịa, ú na ú nần, nhưng hễ nghỉ thuốc là ốm o, da trở nên xạm đen. Phụ huynh cứ phải cầu cạnh vị bác sĩ đó cho con mình được mũm mĩm như búp bê. Phân chất thuốc chẳng qua chỉ gồm kháng sinh có tác dụng phụ giữ nước và muối nên cơ thể bé bị phù thôi. Trong lúc phòng mạch và tủ thuốc của hai vợ chồng bác sĩ bị nhà nước khám xét, thì bên ngoài vẫn túc trực hơn bốn mươi người bế con cháu đứng ngồi ngổn ngang chực chờ mua bằng được loại thần dược rỉ tai nổi tiếng, để lũ trẻ có thể mập mạp mà không cần ăn cơm, uống sữa. Nghe tin phòng mạch bị hỏi thăm, sợ bị đóng cửa, một bà ngoại khóc ròng vì sợ con cháu thiếu thuốc không chịu ăn, xuống cân liền. Bà thấp thỏm mua trữ mấy bịch thuốc để dành có người sắp đi gửi qua “bển”.

Thôi thì người giàu đi bệnh viện tư, nơi đó đúng theo câu khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế” đón tiếp niềm nở, đon đả, tiện nghi đầy đủ. Các bệnh viện tư mở nhiều loại xét nghiệm. Thời buổi tối tân, hễ vào bệnh viện thì thủ tục đầu tiên là xét nghiệm đủ thứ. Chán bệnh viện này qua nơi khác, bao nhiêu xét nghiệm làm lại từ đầu vì rất kỳ cục là kết quả của các bệnh viện thường không giống nhau. Dù gần kế nhưng mỗi bệnh viện đều đua nhau mua sắm máy móc riêng và bắt bệnh nhân xét nghiệm lu bù để chóng thu hồi vốn, kiếm lãi to.

Hầu hết dân chúng vẫn phải đi bệnh viện công. Tội nghiệp các bệnh viện công xây cất từ đời xửa đời xưa vẫn bấy nhiêu đó, vừa xuống cấp, vừa còng lưng quá tải gánh số lượng dân thành phố cứ tăng cao đều đều. Tuy nhiên bệnh viện công không phải là bệnh viện miễn phí như trước kia. Nếu là công chức thì đương nhiên buộc đóng bảo hiểm y tế (BHYT), tư chức cũng thế nhưng đôi khi bị ăn quỵt. Hàng tháng dù đã bị trừ lương đóng đủ bảo hiểm không thiếu một xu, nhưng đến khi hữu sự, đau ốm, sinh đẻ… nhiều người mới tá hỏa là công ty gom tiền đóng bảo hiểm của nhân viên mang gửi vào… ngân hàng kiếm lãi!!

Muốn có thẻ bảo hiểm y tế cũng trần ai. Trước đây, chỉ ai có đi làm cho cơ quan, xí nghiệp mới được đóng bảo hiểm y tế  và bảo hiểm xã hội. VN bắt nhịp được nền xã hội tiên tiến nên mở rộng lãnh vực này bằng cách cho dân chúng -tức những người không đi làm hay hành nghề tự do- được mua gọi là “bảo hiểm y tế tự nguyện”. Một hai năm đầu, thể thức mua loại bảo hiểm này không được phổ biến rộng rãi và người dân cũng mơ hồ về nó nhưng rồi dần dần thức ăn, không khí, vệ sinh môi trường ngày càng ô nhiễm, bệnh tật gia tăng nhất là ung thư… Dân chúng hiểu ra lợi ích nên ùn ùn kéo nhau đi mua bảo hiểm y tế. Chỉ có điều toàn già cả, đau ốm chứ người trẻ trung, khỏe mạnh nhất định không đóng một xu. Thế là quỹ BHYT chỉ sau một, hai năm âm mấy ngàn tỷ, trong đó phải kể tới nhiều người thông đồng tuồn thuốc bảo hiểm y tế ra ngoài bán hàng chục triệu đồng. Nhà nước hoảng hốt vội vàng ban hành chính sách mới xiết chặt lại.

Trước đây thẻ BHYT bán lẻ cho từng người nhưng kết quả chỉ toàn người già, người mắc bệnh mãn tính tới lúc vào bệnh viện mới mua. Thanh niên trai tráng chẳng tội tình gì bỏ tiền ra mua BHYT, chưa kể có người sợ xui, đang mạnh khỏe lại mua cái thẻ… trị bệnh giống như leo lên đò phải mặc áo phao giữa lúc trời quang sóng lặng.  Chẳng khác nào trù ẻo!

Quỹ BHYT có nguy cơ bị vỡ. Nhà nước phải xiết lại. Toàn bộ người có tên trong một sổ hộ khẩu phải cùng lúc mua BHYT.
Lại đi khiếu nại. Nhà hơn chục người, làm việc ăn lương công nhật lại chưa kịp tách hộ khẩu thì kiếm đâu ra cùng lúc mấy triệu đồng để mua BHYT mà thực tế chỉ có một, hai ông bà già sử dụng.
L
ại uyển chuyển sửa đổi. Mức đóng bảo hiểm của từng người trong hộ gia đình giảm dần: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương; người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất… cho tới người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Và nếu kẹt lắm thì có thể đóng từng quý thay vì đóng một lúc cả năm..
Rắc rối quá. Tới đó là chấm dứt câu chuyện đi chữa bệnh!

Saigon cô nương
http://vietluan.com.au

No comments:

Post a Comment