Friday, November 15, 2019

Những Ngôi Làng Vượt Biên Ở Bắc Vĩ Tuyến 17 - Nguyên Quang

Bỏ sau lưng những mối nguy trên biển, nhiều thanh niên các miền duyên hải Bắc vĩ tuyến 17 chọn đường 'vượt biên', lao động chui nơi xứ người. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Cho đến khi có 39 người bị chết cóng trong container ở Anh Quốc, thì câu chuyện vượt biên của người miền Bắc lại một lần nữa dậy sóng. Và, có một điều, số đông, thậm chí hầu hết những người vượt biên ở miền Bắc đều là người Công Giáo. Và, điều này như một vô thức tập thể kể từ năm 1954 đến nay.

Bài NGUYÊN QUANG


Nói tới vượt biên, người ta chỉ nghĩ đến những người ở Nam vĩ tuyến 17 đào thoát bằng đường biển hay đường bộ để chạy trốn chế độ Cộng sản kể từ sau 30 tháng 4, 1975. Và ít ai ngờ rằng ngoài những thuyền nhân đau khổ, can trường, gan lì, ngoài những con người đối mặt với tử thần để tìm tự do ở phía Nam vĩ tuyến 17, còn có những con người vượt biên ở phía Bắc và câu chuyện vượt biên đã diễn ra từ rất lâu, kéo dài trong vòng hơn nửa thế kỉ, từ những ngày trước 30 tháng 4, 1975 cho đến hôm nay, họ vẫn mãi vượt biên với thân phận không tên không tuổi. Và nếu có tên tuổi, đó là những ngôi làng vượt biên.


Xứ nghèo Bắc miền Trung thường đối mặt với lũ lụt, hạn hán, cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Vượt biên xứ Bắc có từ bao giờ?

Nói người xứ Bắc vượt biên từ trước năm 1975, mới nghe cứ như nói đùa, nhưng sự thật, đó là sự thật trăm phần trăm, và cho đến khi 39 người bị chết cóng trong container ở Anh Quốc sau khi vượt biên để làm thuê bất thành, thì câu chuyện vượt biên tưởng chừng như đã ngủ quên của người miền Bắc lại một lần nữa dậy sóng. Và, có một điều, số đông, thậm chí hầu hết những người vượt biên ở miền Bắc đều là người Công Giáo. Và, điều này như một vô thức tập thể kể từ năm 1954 đến nay.

Một vị linh mục khá thân thiết (ông cũng là người năng nỗ nhất trong vấn đề đấu tranh chống ô nhiễm môi trường cũng như phản đối nhà cầm quyền Hà Tĩnh đã cố tình thu hồi sai pháp luật Giáo Xứ Đông Yên, Kỳ Anh, ông có rất nhiều hoạt động nhưng luôn đứng sau màn và ít ai biết tên ông) đã chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, “Về chuyện vượt biên ở Bắc vĩ tuyến 17 phải nói là diễn ra từ cuối năm 1954 đến nay và nó chưa bao giờ ngưng nghỉ!”

“Cha nói như vậy nghĩa là sao, cha có thể chia sẻ thêm chuyện này được không?”
“Năm 1954, sau khi có hiệp định Genève chia đôi đất nước thành hai miền Nam - Bắc, hầu hết những người Cộng Giáo đã chuẩn bị để di cư vào miền Nam, và lúc đó, có thể nói là 100% người Công Giáo quyết đi vào miền Nam theo tinh thần hiệp định. Rất tiếc là do phương tiện đi lại còn rất kém và người Công Giáo ở đây quá đông nên họ không thể đi kịp trước khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh mời một số vị cao niên trong Công Giáo đến răn đe và cấm vào Nam. Cuộc di cư vào Nam bị dừng ngay từ những chuyến đi đầu tiên của người Công Giáo bởi chính quyền Cộng Sản không cho đi, họ sợ ảnh hưởng đến tổng tuyển cử sau đó, nghĩa là nếu như dân số miền Nam đông hơn thì tổng tuyển cử sau đó sẽ bất lợi cho đảng Cộng Sản. Trong khi đó, nếu quản lý, đe nạt được người Công Giáo ngay trên đất Bắc thì sẽ dễ bề xoay xở hơn…”


Một trong những chiếc thuyền đánh cá hiếm hoi còn lại ở Quảng Bình khi đa số ngư dân độ tuổi lao động đã bỏ thuyền sang trời Tây mong đổi đời. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Và những cuộc vượt biên sau này diễn ra như thế nào thưa cha?”

“Lúc đó, biên giới cuối của miền Bắc ở phía Nam chính là cầu Hiền Lương, có rất nhiều người đã vượt biên bằng đường sông nhưng không thành, nhiều người bỏ mạng vì giấc mơ vượt biên…”
“Theo cha thì lúc đó vì sao họ phải chấp nhận nguy hiểm để vượt biên?”
“Vượt biên để tìm chân trời tự do, để thực hiện giấc mơ dang dở, bởi vì ngay những ngày đầu phân chia hai miền, người Công Giáo đã biết mình nên đi tới đâu, nên làm gì… Nhưng do thời thế, họ buộc phải ở lại và luôn chờ có cơ hội là đi. Theo chỗ tôi biết thì ít nhất cũng trên mười ngàn người đã cố gắng vượt biên vào phía Nam vĩ tuyến 17 qua đường sông nhưng không thành, đa số bị bắt và bị thủ tiêu hoặc bị đi đày, làm những công việc nặng nhọc ở những công trường… Và cái giấc mơ vượt sông, vượt biển vào miền Nam không thành thì biến cố 1975 diễn ra, họ chẳng còn biết vào miền Nam để làm gì, mặc dù có một số người vào miền Nam làm thuê nhưng cũng không đáng kể, hầu hết là vượt biên sang làm thuê xứ người. Và từ năm 1954 đến nay, nghĩa là trong suốt 65 năm nay, người miền Bắc vẫn chưa bao giờ thoát ra khỏi tâm lý vượt biên. Vượt biên như một định mệnh, vượt biên cũng là sứ mệnh của người miền Bắc. Nếu như người miền Nam chỉ vượt biên trong một thời gian ngắn từ sau 1975 đến những năm 1990, đến nay thì chỉ còn lác đác… Thì người miền Bắc ngày càng vượt biên nhiều hơn.”

“Vì sao lại có chuyện trái ngược vậy thưa cha?”
“Vì người miền Nam chỉ có một số ít người, nói là ít chứ cũng đôi chục triệu, chạy khỏi Việt Nam bởi họ sợ bị trả thù, họ có liên quan đến chế độ cũ và họ cũng có ước mơ trở lại cái nhịp sống thuở vàng son của miền Nam trước 1975. Đa số còn lại ở vùng nông thôn miền Nam thì không bị rúng động lắm vì đời sống trước 1975 luôn phải lo tình trạng ngày Quốc Gia, đêm Cộng Sản, khi hai miền nối lại thì đỡ phải lo súng đạn, và vốn chịu khổ đã quen nên khổ thêm một chút rồi cũng qua, thủ phận an thường, ôm mảnh ruộng, mảnh vườn. Và hơn hết là một số người cũng là Cộng Sản nằm vùng nên không có gì để bàn. Ngược lại, hàng triệu người Công Giáo miền Bắc không bao giờ là Cộng Sản, mang thận phận Cộng Sản do sống trên vùng đất Việt Cộng để rồi khi hai miền thống nhất thì ở đâu cũng gặp Việt Cộng như nhau. Trước 1975 chạy vào Nam để tránh Việt Cộng, giờ chạy vào Nam cũng gặp Việt Cộng thì thôi, sang nước ngoài mà kiếm chén cơm, manh áo. Thực ra, vấn đề đi ra ngoài lao động chui, nếu nhìn bên ngoài chỉ đơn giản là một kiểu kiếm sống liều mạng và chấp nhận đánh đổi với may rủi. Nhưng nhìn sâu vào bên trong, đó là một kiểu vô thức tập thể của đại bộ phận người Công Giáo và cả một phần không nhỏ lương dân miền Bắc sau khi họ đã trải nghiệm một, hai thế hệ trong vùng đất này.”

Thương cha, thương mẹ suốt đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhiều thanh niên dẫu biết hiểm nguy cũng quyết đi xuất khẩu lao động. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Những xóm vắng tên vượt biên

Tạm biệt vị linh mục nặng lòng với các giáo dân nghèo nơi thâm sơn cùng cốc của đất Hà Tĩnh, cũng xin nói thêm, nơi ông đang quản nhiệm chăn chiên, có trường hợp một gia đình bị người Trung Quốc vào phá hoại, cô vợ nghèo đã theo tiếng gọi đồng tiền, bỏ chồng và bốn đứa con nhỏ để đi theo gã trai Trung Quốc. Rồi dắt cả trai về nhà, đánh chồng đến hỏng mắt… Có thể nói rằng đây là vùng đất có quá nhiều đau khổ, và cũng có lượng người đi “vượt biên” nhiều không đếm xuể. 

Và, nói tới những xóm có người đi vượt biên, có lẽ phải nhắc đến những khu dân cư ở các huyện duyên hải thuộc các tỉnh duyên hải Bắc miền Trung ra đến tận Quảng Ninh. Chỉ cần đi vào một xóm nào đó, thấy nhà cửa bề thế, có cả biệt thự. Nhưng trong xóm không thấy bóng đàn ông và phụ nữ tuổi lao động, chỉ thấy toàn người già và trẻ em, ban ngày cửa khóa then cài… thì đó đích thị là xóm “vượt biên”. Những người trong độ tuổi lao động đã bằng mọi cách vượt biên sang các nước để làm thuê chui, gởi tiền về xây nhà, nuôi con ăn học. Xóm “Việt kiều” xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là một trong những xóm như vậy.


Chỉ cần đi vào một xóm nào đó, thấy nhà cửa bề thế, có cả biệt thự. Nhưng trong xóm không thấy bóng đàn ông và phụ nữ tuổi lao động, chỉ thấy toàn người già và trẻ em, ban ngày cửa khóa then cài… thì đó đích thị là xóm “vượt biên.” (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Khi chúng tôi vào thăm, gần như không có ai trong xóm, đi từ đầu xóm đến cuối xóm chỉ gặp toàn những người già và họ không mấy mặn mà với người lạ bước vào xóm. Một số trường hợp, thấy người lạ có dấu hiệu khả nghi, họ sẽ gọi công an tới. Chúng tôi bắt chuyện với cụ già tên Huyên, cụ bà năm nay đã 85 tuổi, ở nhà với ba đứa cháu nội, đứa đầu học 12, đứa giữa học lớp 9 và đứa út học lớp 6. Hằng ngày, cụ bà đi chợ, nấu ăn và tối về bốn bà cháu nương tựa vào nhau, gặp con trai và dâu qua web chat. 

Khi chúng tôi hỏi thăm cụ về tình hình trong xóm thì cụ cho biết, “Hầu hết các xã vùng biển ở đây đều đi nước ngoài, chỉ có người già và trẻ con ở nhà thôi. Ở đây lấy chi mà sống, muốn đi đánh cá cũng phải có tiền mà đóng tàu…”

“Nhưng đi nước ngoài tốn tiền hơn mà cụ?”.

“Không phải vậy đâu cháu ơi, đi nước ngoài tốn vài trăm triệu, mình vay nhưng tin là trả được vì qua bên Úc, bên Anh, bên châu Âu người ta trả lương đàng hoàng, chứ sắm tàu đi đánh cá, ra đó bị bão, mất mùa hoặc giả Trung Quốc nó bắn chìm tàu thì mất mạng, mất tiền, lấy chi mà nuôi con! Nhưng mà qua bên đó, trên đường đi khổ lắm, chết như chơi, như vừa rồi 39 người Việt chết ở Anh đấy, đau khổ thật!”
“Ủa, cụ cũng có theo dõi vụ này sao?”.


Nhiều người Công giáo ở miền Bắc vượt biên như một vô thức tập thể. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Có chứ cháu, thực ra, khổ quá rồi, con cháu mình nó đi liều vậy chứ ai muốn xa gia đình, xa con cái đâu!”.

“Như vậy, hằng năm cụ chỉ gặp con trai và dâu vào dịp Tết hả cụ?”

“Làm gì có chuyện đó cháu ơi! Đã nhiều cái Tết rồi, bà chưa được gặp con trai và dâu (nói tới đây giọng hơi nghẹn), mà ở đây, mô riêng chi mình, hầu hết đều có cái Tết rất vắng vẻ. Tết về thì thức ăn ê hề, mua sắm đủ thứ để cúng kính, ăn uống, nhưng không có người thân nên buồn lắm. Đi làm, mà làm chui nên muốn về thì tốn kém lắm, rồi khi đi trở lại cũng rất tốn kém, thế nên ai cũng cắn răng mà ăn Tết qua mạng internet thôi. Buồn lắm! Mà giờ đã phóng lao thì theo lao thôi. Phải chi nó đi gần như dân ở trên vùng núi hay Quảng Trị, Huế, nghe đâu họ sang Lào, làm ít tiền nhưng Tết về nhà sum họp, vui vầy. Bà đồ rằng đến khi bà chết thì tụi nó mới chịu về!”

Người già, trẻ con ở nhà, người trẻ đi xa gửi tiền về xây nhà cửa, sắm xe. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Nói tới đây, cụ Huyên chảy nước mắt. Chúng tôi trò chuyện thêm năm điều bảy chuyện không đâu vào đâu, chủ yếu là chuyện phiếm để cụ vui rồi tạm biệt cụ. Lần này chúng tôi vào thẳng Thừa Thiên Huế, nơi xa nhất so với những tỉnh có biển bị nhiễm độc Formosa, và những người lao động ở Huế chủ yếu là sang Lào chứ không đi xa. Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi có những xã gần như không có đàn ông, phụ nữ mà chỉ có người già và trẻ em. Đèo Phước Tượng, có một ngôi làng liền kề chân đèo, kéo thẳng ra đến Cầu Hai, gần như không có nhà nào là không có người đi sang Lào kiếm cơm.

Cũng xin nói thêm, Phú Lộc là huyện chủ yếu làm nghề đánh bắt gần bờ và nuôi trồng thủy sản. Nhưng kể từ biến cố biển nhiễm độc thì hầu hết các trang trại nuôi trồng thủy sản và người đánh bắt đều bỏ nghề, úp thuyền sang Lào làm thuê.

Ông Hồng, một ngư dân đang làm việc tại Lào nhưng tranh thủ về thăm nhà, đám giỗ cha, ở Phú Lộc, chia sẻ, “Từ sau vụ biển nhiễm độc, nghề nuôi trồng thủy sản và đánh bắt gần bờ xem như bỏ đi, chỉ có đi làm thuê thôi. Qua bên đó (Lào) gặp dân mình đi đụng đầu hà! Tui còn nhớ có bữa biển nó toàn nước vàng ệch, đục ngầu, sợ lắm, giờ thì nghe tới chuyện ra biển, chẳng mấy ai mặn mà!”


Không phải ai cũng có điều kiện để kiếm cơm trên những con cá biển. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Vì sao vậy chú?”

“Vì mình làm thuê ổn định hơn, nuôi tôm thì lâm nợ, nhiều nhà nợ ngân hàng tiền tỉ chứ ít chi mô! Còn đi đánh bắt thì không đủ tiền bù xăng dầu, thôi thì đi làm thuê có cái để sống. Với lại ở đây, chỉ cần băng rừng là đã sang Lào, người dân bên họ theo đạo Phật, tử tế, thương người, chẳng ai gạt đồng lương nào, vậy cũng may mắn cho mình!”
“Chú đi làm như vậy mỗi năm về quê bao nhiêu lần chú?”
“Cũng hay về lắm, gần mà, lương tuy thấp nhưng cũng gấp ba lần lương tại Việt Nam. Mình Tết về, giỗ chạp về, nhớ nhà quá cũng về, nên dư không bao nhiêu nhưng được cái ổn định và dễ thở. Đời mà, dễ thở là tốt rồi!”


Những buổi lễ cầu nguyện của một giáo xứ bắc vĩ tuyến 17 thường chỉ có người già và trẻ em. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Lời khen về đất Lào dễ thở, mà cũng là lời ta thán của một người con dân nước Việt về nỗi khó thở khi sống trên quê hương của ông Hồng vô hình trung đã chạm đến lồng ngực vốn ngạt thở của không riêng gì tôi giữa lúc mà thế giới tự do, văn minh và dân chủ đã lên đường từ lâu, riêng chúng tôi, dân Việt Nam vẫn ngồi lại với hố thẳm nỗi buồn và dẫm chân tại chỗ mà không hiểu vì số phận hay vì mình quá hèn!

Bên kia ngọn núi, nơi từ những trẻ em chưa đến tuổi lao động cho đến những người trung niên ở Huế, Quảng Trị vượt biên sang Lào làm thuê. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Nguồn: http://viendongdaily.com

No comments:

Post a Comment