Năm tôi vào lớp đệ tam Trưng Vương, cũng là lúc anh trai tôi vừa thụ huấn xong khóa học bay ở Mỹ về. Bạn mới còn bỡ ngỡ chưa quen, bạn cũ tản mác các phân ban khác, chỉ có tôi và nhỏ Liên “văn hay chữ tốt” theo ban C, ôm ấp mộng làm … zăn sĩ. Nhỏ này “chế” thơ tình rất hay, dù nó chưa có mảnh tình nào… vắt vai.
Khi
biết tôi có ông anh là Pilot, “ cọng rau muống ” của tôi vươn
cao hẳn. Mấy đứa bạn vừa quen bỗng trở nên thân thiết lạ lùng. Chiều nào tan
trường về tôi cũng được rủ đi ăn hàng vặt ở mấy xe gỏi khô bò, chúng nó
thay phiên nhau đãi đằng, chưa kể lúc ngồi trong lớp ăn vụng me dốt me ngào,
cóc ổi nhai mỏi miệng. Tôi biết tỏng ý đồ của chúng, trong mắt … tai mũi họng của
tụi nó bây giờ chỉ có “ngài” Pilot nhà tôi là sáng giá. Mấy anh
chàng Võ Trường Toản quần xanh áo trắng làm sao cân sức được với chiếc áo bay của
Pilot, nên đành ngậm ngùi hát: “ anh có theo hàng trăm cây số, em vẫn không
thèm quen anh đó….”
Ăn
“chùa” mãi cũng kỳ. Vả lại tôi phân vân không biết chọn đứa nào trong cái đám
quỷ cô nương nhí nhố này để… gá nghĩa cho anh mình, nên đành tiếc rẻ từ
chối bớt những “cuộc vui”. Chỉ giữ lại một nhỏ Liên làm “thân chủ”, dù sao nó
cũng là bạn lâu năm từ hồi đệ nhất cấp, lại hiền lành nhu mì, sau này có
“tiến thân” làm… chị dâu của tôi cũng được, đỡ lo anh hai vớ phải một bà
chằng đem về áp đảo con em, vì thế tôi lên kế hoạch “gài” nó cho chàng
anh.
Anh
tôi lọt vô được Không Quân vì chiều cao thuyết phục và sức khoẻ tràn trề chứ diện
mạo chàng hơi… xí, nói tế nhị hơn là không đẹp trai mấy, khác xa lời đồn
thổi về huyền thoại KQ : ”không đẹp trai, không phải Pilot”.
Chàng
hiền lành và còn hơi “cù lần lửa”, dù đã được mấy bậc niên trưởng tận tình chỉ
vẽ cho nhiều chiêu bay bướm, nhưng xem ra không cải thiện được phong cách chàng
là mấy. Vậy mà bạn tôi, nhỏ Liên xinh xắn, thùy mị, mảnh mai và… thấp thấp đúng
model “người em bé nhỏ”, say tình chàng quá trời! …Từ sau ngày gặp gỡ
anh, mồm nó lúc nào cũng lẩm bẩm bài “Tuyết Trắng” như thầy pháp niệm
chú. Mặt mày ngơ ngẩn như người mất tiền, cố…. rặn mấy vần thơ. Nó còn
siêng năng chăm chỉ học nữ công, (lúc trước nó thường rủ tôi coupe giờ này) tập
thêu thùa. Nó thêu đôi chim liền cánh, đôi trái tim lồng vào nhau, đôi bông hồng
đỏ thắm, chờ cơ hội tặng chàng anh hai. Tôi thương cảm quá, hỏi một câu… lãng xẹt:
- Ảnh…
có gì đâu mà bà khoái dữ dzậy?
Nó
cười lỏn lẻn.
-
Tui thích cái… tướng mặc đồ bay của ảnh và giọng… Bắc kỳ ngọt lịm.
Trời
mẹ ơi!!!…Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Tôi cũng là “cô em Bắc kỳ nho nhỏ” đây,
sao không thấy ai khen tôi có giọng “ngọt lịm”???
Chờ
khi anh "dù” về nhà, tôi phỏng vấn chàng :
-
Anh thấy bạn em thế nào?
Chàng
ngơ ngác.
-
Thấy gì… bạn nào?
Tôi
thất vọng.
-
Chời ơi!… nhỏ Liên hôm bữa anh gặp đó, anh thấy nó thế nào?
Chàng
ngớ ngẩn.
-
Anh… có thấy gì đâu, bạn em bị gì à?
Tới
phiên tôi ngớ ngẩn.
-
Anh không thấy gì thật sao!? Anh không thích nó à!? Anh không muốn có người
yêu à!?
Tôi
hỏi một hơi “anh… không à” làm chàng càng… không hiểu.
-
Sao em hỏi nhiều thế, bạn em thì mắc gì tới anh?
Nhỏ
Liên không lọt được vô mắt anh tôi. Chàng anh “cù lần lửa” vậy mà quá lạnh
lùng, tim cứng như cục sắt!
Chờ
đợi khá lâu, không thấy tôi đem lại tin tức tốt lành hay một cuộc hẹn hò nào.
Nó chán nản quay sang làm “em gái hậu phương”, viết thư cho các anh ”thiên thần”
mũ đỏ, “cọp biển” mũ xanh, "cọp rằn" mũ nâu ngoài tiền tuyến, không
thèm mơ tưởng đến chàng Pilot nhà tôi nữa.
Ngày
“phỏng giái” anh đang ôm chiếc trực thăng, có thể vù một mạch đến
Thái Lan, nhưng không nỡ bỏ mẹ và tôi, nên đành ở lại. Mẹ bắt anh trốn ở vùng
biển Phước Tĩnh, nơi có người quen làm dân chài, để mặc cho mẹ đối phó với “bộ
đội phỏng giái” dai dẳng luôn hạch hỏi: thằng giặc lái trốn đâu rồi?
Nhờ
diện mạo hơi xấu, đen nên anh sống lẫn với dân ngư phủ an toàn và có cơ may vượt
biên bình an tới đảo Bi đông. Tại đây anh bất ngờ gặp lại Liên, nó mừng rỡ nhận
ra anh, anh cũng vui mừng không kém, vì bơ vơ nơi xứ lạ đất người, tâm trạng
hoang mang chao đảo. Liên trở thành người thân, vì là bạn của em gái mình.
Gần
gũi hằng ngày khiến hai người yêu nhau thắm thiết và làm đám cưới ngay trên đảo.
Mẹ và tôi vui mừng khôn xiết, từ nay nơi xứ lạ, anh tôi có người thương yêu sớm
hôm cận kề chăm sóc. Quả là trời già nên mắt kém. Rõ ràng hai ngườì có tên
trong sổ nhân duyên, lần trước chắc “cụ” quên đeo kiếng nên không thấy, suýt
chút nữa làm lỡ làng mối duyên tốt lành này.
Sau
gần chục năm định cư ở Mỹ, anh lãnh mẹ tôi sang. Tôi ở lại vì kẹt chồng con. Những
cuộc điện đàm viễn liên với mẹ, thỉnh thoảng nghe tiếng mẹ thở dài. Tôi
băn khoăn hỏi:
- Mẹ
ở bển có vui không?
Mẹ
ngập ngừng.
-
Vui… vui mà cũng… buồn, anh con… nể vợ quá.
- Nể
là sao mẹ?
Mẹ
nói nhanh.
- Nể
là… nể, thôi con đừng hỏi nhiều.
Tôi
hời hợt mau quên nên không nhớ đến chuyện này nữa!
Thời
gian lại trôi qua mấy chục năm. Vợ chồng anh không một lần về thăm VN. Tôi có đứa
con gái lớn lấy chồng Việt kiều, may mắn ở cùng tiểu bang với anh, khi vừa có
điều kiện, nó vội bảo lãnh tôi ngay. Tôi muốn ở gần nhà anh để “chạy qua
chạy lại” cho vui và gần mẹ. Ngày đầu tiên gặp lại con bạn cũ mà cũng là chị
dâu, sau ba mươi mấy năm cách biệt, tôi bị choáng….
Ôi
thời gian!!! ... Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu chữa lành những vết thương
lòng đau đớn, nhưng cũng là liều cực độc hủy diệt tàn bạo dung nhan, vóc dáng
con người. Bạn tôi ngày xưa xinh xắn, nhỏ bé, yêu kiều là vậy. Nay trở thành một
bà béo bệu bạo! Ngồi thừ trên sofa với nét mặt lạnh tanh, nhìn nó tôi ngán ăn…
mỡ suốt đời.
Thời
gian và hoàn cảnh làm thay đổi mọi thứ. Ngày xưa tôi với nó thân thiết như chị
em ruột, chia nhau từng viên xí muội, miếng ổi chát, miếng cóc chua, kể lể với
nhau những mẩu tâm sự vụn vặt ngây ngô thời mới lớn, vậy mà bây giờ nó nhìn tôi
như người xa lạ. Cám ơn trời! nếu không bị kẹt lại ở nước VN nghèo đói khốn khổ
mấy chục năm, chắc giờ này tôi cũng to “bành trướng đế quốc Mỹ” và tâm
hồn lạnh lẽo như nó.
Vì ở
gần, hay chạy qua nhà anh, tôi mới hiểu được tiếng thở dài và câu nói ngập ngừng
của mẹ ngày trước. Không biết từ lúc nào, bạn tôi đã tân dụng cái ưu thế
“lady first” của nước Mỹ văn minh, yêu chuộng phụ nữ. Từ một người
con gái dịu dàng thùy mị, nó thay đổi thành một ‘’lady” lắm mồm, riết
rống. Mọi việc trong ngoài, một mình nó quyết định, anh tôi chỉ là người thừa
hành, kiêm nội trợ, chờ lệnh sai phái. Anh đã trở thành một người hoàn toàn
khác.
Ngày
xưa anh tuy hơi “cù lần” nhưng cũng có phong độ nam nhi. Oai hùng liệng
cánh trên những trận địa, làm quân thù khiếp hãi. Bạn bè đồng đội thương mến vì
tính hiền và nụ cười luôn nở trên môi. Bây giờ nụ cười trở nên hiếm hoi trên
khuôn mặt đăm chiêu nhẫn nhục. Anh chiụ đựng sự càm ràm ca cẩm của vợ riết
thành quen. Nó xéo xắt anh vì cái tội nó… mập, rồi ghen tuông vu vơ với những
người không mập như nó. Có lần tôi ái ngại hỏi:
-
Chị cứ than mập hoài mà sao không chịu khó tập thể dục? (không biết từ lúc nào
tôi lễ phép gọi nó bằng chị)
Liền
bị nó lườm cho một cái dài ngoằng.
-
Dào ơi!… cô khéo vẽ chuyện, tôi làm gì có thì giờ mà tập với chả… họp.
-
Chị cứ để thân hình… tròn trịa thế này, rồi cuối tuần lại đi chơi với bạn, mặc
kệ anh ở nhà một mình, không sợ ảnh có… người khác sao?
Nó
nhìn tôi như nhìn sinh vật lạ, cười rung mấy thớ thịt dưới cằm.
- Xời…
cô cứ đùa? Cho kẹo lão cũng không dám.
-
Sao chị tự tin thế?
Nó
cao giọng ngạo nghễ.
-
Chị… mày có tình báo khắp nơi, lão hó hé là chết ngay.
Tôi
phục nó sát đất, phục luôn cả nước Mỹ nữa. Nước Mỹ giỏi thật, đào luyện được những
người phụ nữ VN ngày xưa hiền lành dịu dàng, giờ trở nên “thần
thông quảng đại, hô phong hoán vũ” như ngày nay.
Những
lúc cuối tuần rảnh rỗi, anh tha thẩn ra vườn chăm sóc, cắt tỉa mấy khóm hoa, nhổ
mấy cây cỏ dại, ngắm vài con chim bay lên cành xào xạc, lượm nhặt những chiếc
ly nhựa, ống hút, giấy kẹo mà vợ con, bà cháu xả ra bừa bãi. Cặm cụi cần mẫn.
Hình như những lúc đó tôi mới thấy anh vui, nét mặt tươi, thỉnh thoảng cười mỉm
một mình, nụ cười không bao giờ thấy ở trong nhà, bên cạnh nó. Tôi thắc mắc
quá, tra gạn.
-
Anh có gì vui mà cười một mình vậy?
Anh
chối phắt.
-
Đâu có gì.
-
Mình chỉ có hai anh em với nhau mà anh không tin em sao, nói cho em nghe với.
-
À… à, anh coi sách báo, đọc truyện ngắn truyện dài, có những chuyện vui
vui, nhớ lại buồn cười thôi mà.
Tôi
không tin, nhưng không tra gạn nữa, hỏi một điều để mãi trong lòng, lâu nay
chưa có dịp:
-
Em thấy nó quát nạt, ăn hiếp anh quá trời mà sao anh không nói gì?
-
Anh nhịn cho rồi, khỏi ầm nhà, có nói cũng không lại bả!
Tôi
xót xa.
-
Anh sống vậy không thấy buồn sao?
Giọng
anh chùng xuống, buông xuôi.
-
Buồn hay vui cũng vậy thôi, rồi cũng qua ngày.
Tôi
đau nhói trong lòng, tiếp tục khai thác tâm tư ông anh thân yêu.
-
Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện… ly dị không?
Anh
khẽ lắc đầu.
-
Không em ạ… âu cũng là số phận! Với lại anh quen rồi, cũng chẳng có gì ghê gớm
lắm.
Một
lần nữa tôi lăn ra đất phục ông anh, như đã từng phục chị dâu. Lại cũng câu
nói: Ôi!!! nuớc Mỹ giỏi quá, tôi luyện được những chàng trai kiêu hùng, một thời
tung mây lướt gió, oai phong oai dũng ngày xưa, trở nên những ông chồng nhẫn nhục,
cam chịu ngày nay.
Dân
trong Không Quân có câu : "không bỏ bạn bè, không bỏ anh em..."
Bây
giờ có lẽ phải thêm vế sau: " không care vợ … dữ."
Binh
Bét - (Hoàng thị Thanh Nga)
No comments:
Post a Comment